Sự khác biệt về cái tôi của trẻ ở tuổi vị thành niên

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Tuổi thứ 10

Đây là một giai đoạn cân bằng của sự phát triển. Đứa trẻ lúc này có khả năng chấp nhận và hiểu biết nhất định về cuộc sống. Trẻ rất tự hào về gia đình, nhận rõ sự quyền uy và phân định quyền uy trong gia đình cũng như trong lớp học, có sự tự tin về bản thân trong khi vẫn vâng lời người lớn.

Tuy nhiên, sự khác biệt rõ rệt của lứa tuổi này là sự phân biệt giới tính rất rõ. Những em trai sẽ tự xếp mình vào “những người không thích chơi với các bạn gái” và những em gái ở lứa tuổi này sẽ xếp mình vào “những người không thích chơi với các bạn trai”. Trẻ quan trọng hoá về sự công bằng và đối xử công bằng của những người giáo viên trong lớp.

Tuổi thứ 11

Lứa tuổi này là bước chân đầu tiên trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ. Chúng trở nên nhiệt tình hơn, quá trình hưng phấn có phần mạnh hơn quá trình ức chế, trẻ bắt đầu thích tranh luận, tranh cãi với những anh chị em trong gia đình. Đặc biệt, trẻ đã có những biểu hiện của sự chống đối và thích làm trái lời cha mẹ mình.

Tuổi thứ 12

Trẻ có tính hợp tác hơn, hay giúp đỡ người khác và có tính xã hội hoá cao, dễ tiếp xúc. Trẻ muốn mình được nhìn nhận như một người lớn, cố gắng khẳng định tính độc lập tương đối của bản thân mình.

Đây là giai đoạn tạo nên những đặc điểm nhân cách tích cực của trẻ như tính hợp tác, biết chấp nhận, khoan dung và khiếu hài hước.
Xúc cảm với những bạn khác giới đã phát triển, trẻ đã để ý đến những trò chơi hay những tranh vẽ có nam nữ nắm tay hay ôm hôn nhau.

Tuổi thứ 13

Trẻ phát triển khả năng tự phê phán và tự nhận thức. Trẻ không hướng ra những quan hệ bên ngoài mà hướng vào những thay đổi bên trong. Có thể coi lứa tuổi này là lứa tuổi của quá trình nội tâm hoá. Đôi khi trẻ có biểu hiện của sự lo lắng, khá nhạy cảm trước những thay đổi về xúc cảm và tâm trạng của người khác. trẻ thích quan sát, bình phẩm, phê phán. Sự thay đổi về hình thức của trẻ dễ nhận biết như: chân tay dài ra, lông ở những chỗ kín bắt đầu xuất hiện, giọng nói thay đổi...

Tuổi thứ 14

Trẻ cảm thấy mình có sức mạnh hơn, nhiều năng lượng hơn và các mối quan hệ rộng hơn. Trẻ vừa có sự nhận thức về khái niệm “cái tôi”, vừa mong muốn học hỏi và tiếp thu những điều tốt đẹp. Trẻ rất thích dùng từ: cá nhân, nhân cách, sự trưởng thành để nói về bản thân mình. Trẻ thích bình luận về nhân cách người khác, trẻ so sánh, miêu tả, bình phẩm về những người khác, rất thích bình luận về mọi vấn đề và bắt đầu hướng tới những hình mẫu lý tưởng như những anh hùng, những ca sỹ, diễn viên. Khi xem tranh, đọc truyện, xem phim... nếu trẻ thích một hình mẫu lý tưởng, trẻ có thể vừa tưởng tượng trong đầu và thốt ra rằng: Đó là mình, mình sau này sẽ trở thành người như vậy.

Tuổi thứ 15

Trẻ nhấn mạnh đến sự khác biệt cá nhân, nhấn mạnh đến sự độc lập và khác biệt. Một số trẻ ở giai đoạn này đã nghĩ đến sự độc lập bản thân, muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, mong có nhiều khả năng tự do lựa chọn. Trẻ bắt đầu tự đánh giá lại chính bản thân mình, có khả năng tự nhận thức cao và cũng dễ bị tổn thương, dễ có những hành vi chống đối lại cha mẹ hoặc thầy cô giáo. Sự phát triển nhanh của cơ thể cùng với sự chưa chín chắn của suy nghĩ sẽ làm cho hình ảnh cái tôi của trẻ bị ảnh hưởng, trong bản thân diễn ra những xung đột, những mâu thuẫn khó giải toả. Đối với nhiều em, do sự bất cân xứng giữa “cái tôi” bên ngoài (những thay đổi về hình dáng, về cơ quan sinh dục...) và “cái tôi” bên trong (những cách thức ứng xử, những hiểu biết về chính cơ thể mình và người khác...) làm cho trẻ có cảm giác tò mò và bất lực về bản thân. Có thể coi tuổi 15 là tuổi dễ khủng hoảng và dễ có những hành vi lệch lạc nhất, nếu thiếu sự can thiệp kịp thời của cha mẹ và những người có trách nhiệm.

Tuổi thứ 16

Giai đoạn giữa của tuổi vị thành niên. Sự độc lập, khả năng tự nhận thức, sự xác định rõ vị thế cái tôi trong xã hội là những đặc điểm tiêu biểu của lứa tuổi này. “Cái tôi” của vị thành niên giai đoạn 16 tuổi đã đạt tới sự cân bằng nhất định, những xúc cảm tình cảm đã được kiểm soát và trẻ cảm thấy tự tin hơn, có khả năng điều chỉnh hành vi tốt hơn cũng như có cảm giác dễ gần và dễ kết bạn với nhiều người. Trẻ bắt đầu định hướng tương lai một cách cụ thể hơn. Đối với các em gái đã nghĩ đến khả năng làm mẹ và những ý tưởng về vai trò người mẹ xuất hiện thường xuyên trong đầu các em. Mối quan hệ khác giới của trẻ đã có sự cải thiện đáng kể, các em trai có thể đã chơi thân với các em gái và ngược lại.

Theo Trần Mai - Viện Tâm lý học
 
Top