TÁC PHẨM VÀ DƯ LUẬN: Đội gạo lên chùa

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
TÁC PHẨM VÀ DƯ LUẬN:

Đội gạo lên chùa


Sau “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”... tiểu thuyết gia 79 tuổi Nguyễn Xuân Khánh lại xuất hiện với “Đội gạo lên chùa” (NXB Phụ Nữ xuất bản và phát hành) – cuốn sách dày gần 900 trang, chứa đựng những thông tin lịch sử phong phú cùng với những kiến giải văn hóa dân tộc sâu sắc...

Tiếp tục đề tài văn hóa – lịch sử mà Nguyễn Xuân Khánh tâm huyết, “Đội gạo lên chùa” viết về ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo trong đời sống cư dân nông nghiệp Bắc Bộ, qua những biến thiên của lịch sử VN gần như trải dài suốt thế kỷ XX, công cuộc xây dựng và “khai hóa” của thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cải cách ruộng đất, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, và những ngày đầu thống nhất đất nước...

Trải qua hai cuộc chiến, những nhân vật đi cùng lịch sử của làng Sọ là những con người theo đạo Phật, chỉ quen với ao quê, ruộng vườn, chân lấm tay bùn. Họ sống thuần phác, nếu không có trận càn. Hai chị em chú bé An, sau trận càn, cha mẹ đều chết, đã phải rời bỏ quê hương trốn chạy. Họ trôi dạt đến một ngôi chùa, được sư cụ Vô Úy dang tay cứu giúp. Số phận An được gắn với sư cụ, với chùa Sọ và với làng Sọ - một làng quê nhỏ bé êm đềm – trong gần thế kỷ, đã phải chịu đựng chiến tranh và những biến động long trời lở đất. Ngôi chùa quê, cũng như làng quê với những con người hiền hậu đã phải trải qua bao gian nan sóng gió.



Phía sau trận càn là những số phận phiêu diêu, những số phận của vị sư Vô Uý, của trò An, mà khi cuối sách nhân vật mới nhận ra “nhưng bây giờ tôi mới hiểu sống như vậy thật khó, và hiểu sống như vậy mới gần được đạo”. Bởi cuộc đời sư cụ Vô Úy là minh chứng đầy thuyết phục của sự chân tu. Triết lý đạo Phật ở sư cụ không phải những điều cao siêu, khó thực hiện. Trái lại, tư tưởng từ bi bác ái là điều mà mỗi người đều có thể làm. Ngôi chùa Sọ sư cụ trụ trì với nền nếp sinh hoạt chùa quê thôn dã dung dị, khoan hòa và hữu ái chính là đại diện cho bao ngôi chùa trên đất Việt, bởi đó là hình ảnh luôn gắn bó với làng xã Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Nó để lại dấu vết sâu đậm trong tâm hồn người Việt. Ngôi chùa – gắn với đạo Phật – là một thành tố quan trọng trong văn hóa Việt Nam...

Lang thang giữa những trang sách, người đọc – bằng những con đường giản đơn và mộc mạc – ngộ ra được những triết lý mang âm hưởng Phật giáo nhưng lại luôn có ý nghĩa với bất cứ người – đời – sống – giữa – nhân – gian nào. Từ giấc ngủ một mình chập chờn mê man đầy sợ hãi của chú bé An sau khi trải qua biến loạn lớn nhất của đời người - “nằm trên chiếc chõng tre, trong gian buồng quay, tôi thao thức mãi... Tôi thèm khóc lắm, nhưng dù cố thế nào thì nước mắt trong tôi cũng không thể chảy ra. Tôi nằm đấy nghe tiếng chim đêm, nghe giun dế nỉ non, và tắm ánh trăng giàn dụa chảy từ mái chùa xuống. Ánh trăng cứ chảy, chảy mãi đến lúc đầy ắp cái tâm hồn nức nở của tôi...” - là bài học phải tự dựa vào chính mình... “Con ơi! Trên đường đời dài dằng dặc, một người con của Phật, hay một con người cũng vậy, đều phải biết tự đi bằng đôi chân của mình. Phải biết độc hành con ạ...”.

Sinh năm 1933 tại Hà Nội - nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thời trẻ từng đi bộ đội. Ông đi qua rất nhiều làng quê, nhưng ở làng Sọ, ông mô tả mùa rơm vàng, một mùa hoa dẻ luôn vướng vào trong tâm khảm người đọc như đó là quê hương bản quán của ta. Đọc văn của ông đâm mê đường quê vào mùa gặt, ông như một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh thiên nhiên, có cả âm nhạc của gió và nắng hanh. Có những trang sách vừa khơi gợi vừa để người đọc nghĩ ngợi thêm về phận người đau khổ trên thế gian dù hướng tới bạn đọc và cuộc sống trong tương lai sáng sủa hơn, hy vọng hơn. Người đọc sống với nhân vật của “Đội gạo lên chùa”, với những người phụ nữ mà Nguyễn Xuân Khánh miêu tả thật kỹ, thật trân trọng và yêu quý như Nguyệt, em Rêu, vãi Thầm, cái Huệ. Dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ thì người phụ nữ trong “Đội gạo lên chùa” thật sự là người phụ nữ điển hình của chịu thương chịu khó, sống vì gia đình, quê hương. Trong đó còn có cả những số phận trôi dạt được sư cụ trong chùa cứu độ và giác ngộ làm người... Bốn năm ròng miệt mài đọc, nghiền ngẫm hàng vạn trang sách viết về Phật giáo từ cổ chí kim, và bằng chính những trải nghiệm của một đời người đã ở tuổi “xưa nay hiếm” – nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tái hiện và kiến giải thật hấp dẫn lịch sử Phật giáo và lịch sử tu hành dòng đạo này ở VN, đặc biệt là sự biến đổi và hòa nhập của Phật giáo trong dòng chảy văn hóa Việt truyền thống. Quan trọng hơn, “Đội gạo lên chùa” còn là một gợi mở về lối sống Phật giáo giúp con người và xã hội hiện đại hôm nay phát triển một cách hài hòa và bền vững...

Mai Châu

http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Doi-gao-len-chua/49468
 
Top