Tai biến mạch máu não

10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Tai biến mạch máu não

Thứ Sáu, 9.3.2012 | 13:13 (GMT + 7)
Cái chữ tai biến mạch máu não (TBMMN) nghe khá quen thuộc khi nói về sức khoẻ bệnh tật đủ nói lên mức độ hay gặp ở nước ta. Tuy vậy phải xử trí thế nào cho đúng vẫn còn là vấn đề phải bàn.

Trước hết, do nguyên nhân khác nhau vì thường gặp ở người già nhưng lại gặp cả người trẻ, thậm chí có cả trẻ em. TBMMN là bệnh nguyên phát, có khi là thứ phát... TBMMN là bệnh lý của não gồm nhiều triệu chứng phức tạp về thần kinh trung ương và thần kinh cao cấp diễn ra đột ngột (nên còn gọi là đột qụy) do tắc mạch hoặc ngược lại do vỡ mạch của mạch máu não. Vì tắc mạch và vỡ mạch gần như đối ngược nhau về xử trí nên không thể nhầm lẫn khi chẩn đoán phân biệt. Tắc mạch lại có thể do hẹp tắc viêm tại chỗ hay do cục máu đông di chuyển từ nơi khác đến. Vỡ mạch có thể do vỡ mạch máu bị xơ vữa động mạch hay do vỡ mạch máu bị dị dạng (phình mạch) bẩm sinh hoặc mắc phải. TBMMN có thể là nguyên nhân, có thể là hậu quả của một chấn thương sọ não, nghĩa là TBMMN làm người bệnh đột quỵ ngã đập đầu gây thêm chấn thương sọ não hay ngược lại chấn thương sọ não làm vỡ một mạch máu đã xơ mỡ động mạch sẵn có. Dù hoàn cảnh và nguyên nhân thế nào, TBMMN vẫn là một gánh nặng bệnh tật rất lớn, tỉ lệ tử vong cao ảnh hưởng trầm trọng đến người nằm liệt đó và cả gia đình về tiền bạc và tâm lý, tâm trạng của người thân.
Tốt nhất là phòng bệnh: Ưu tiên cao cho người già, người béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch, mỡ máu cao, dùng thuốc chống đông thường xuyên, nghiện thuốc lá... Đây là những người có nguy cơ rất cao, chỉ chờ cơ hội bất lợi là đột quỵ. Biện pháp phòng ngừa là điều trị nghiêm chỉnh những bệnh có sẵn đó để có huyết áp ổn định, giảm cân, giảm mỡ máu, giảm đường máu, hạn chế hoặc bỏ thuốc lá, chế độ ăn uống sinh hoạt thanh đạm điều độ... Quan trọng không kém là dự phòng những tình huống bất lợi gây đột quỵ. Đối với những người bị nguy cơ cao như kể trên, muốn có cuộc sống an lành không gì bằng luôn luôn chăm lo cho sức khỏe khi làm bất cứ việc gì trong sinh hoạt hàng ngày. Từ chuyện tắm táp vệ sinh, có một câu nói đùa mà rất thật “xưa nay chỉ có người chết vì tắm chứ chưa thấy ai chết vì lười tắm”. Không phải ngẫu nhiên mà trong các WC tiện nghi chuẩn mực người ta thiết bị chuông báo, điện thoại để cấp cứu khi bị tai biến trong lúc tắm rửa, vệ sinh. Người già yếu trong tháng rét hoặc ngay cả ở xứ nóng khi đi tắm không được tắm lâu, không để nhiệt độ nước quá chênh lệch, không cố tắm khi người thấy mệt mỏi hoặc sau ăn no, không để gió lùa khi từ phòng tắm bước ra ngoài, không để thay đổi tư thế và nhiệt độ phòng nhiệt độ cơ thể đột ngột khi đi tiểu đêm. Hạn chế hậu quả: Khi bị TBMMN di chứng hậu quả rất khác nhau, nhẹ có thể phục hồi, nặng thì tử vong. Hạn chế thấp nhất di chứng là hạnh phúc cho người bệnh nhưng lệ thuộc rất nhiều vào thái độ xử lý đúng sai khi xảy ra. Việc đầu tiên là gọi ngay điện thoại cho thầy thuốc hoặc cơ sở y tế để được hướng dẫn và để có thời gian cấp cứu nhanh nhất. Để bệnh nhân bất động ở tư thế thoải mái, nới quần áo, giãn đám đông để thoáng khí, hạn chế di chuyển, có thể nằm ngay tại chỗ nếu chỗ đó không lạnh, không ướt, không gió. Tuyệt đối không cho ăn uống gì kể cả uống thuốc vì chưa có chẩn đoán xác định. Không được tự chữa kiểu bôi dầu đánh gió bấm huyệt... vì có nguy cơ làm trầm trọng triệu chứng. Hỏi nhẹ nhàng để biết bệnh nhân tỉnh hay mê. Chỉ khẽ véo vùng tay chân để biết có bị liệt hay không chứ không được lay mạnh nhất là vùng đầu, mặt. Giữ đầu, mặt thoáng mát và ủ ấm thân, tay chân. Nếu biết làm và tư thế thuận lợi có thể đo huyết áp, đo mạch nhẹ nhàng bằng máy đo điện tử. Việc duy nhất buộc phải làm ngay là nếu bệnh nhân ngừng thở phải làm hô hấp nhân tạo hay thổi trực tiếp vào miệng (trước hay gọi là hà hơi thổi ngạt). Phần còn lại hãy để cho thầy thuốc và bệnh viện, xử trí đúng bệnh mới có tiên lượng tốt nhất có thể cho bệnh nhân và cả mọi người.
BS Đào Thế Tân
Lao động
 
Top