Tản mạn về kỹ năng hội nhập

140
0
0

Hanoi&m

New Member
1. Cây bút viết bảng có bao nhiêu công dụng?

Tại một công ty sản xuất và kinh doanh phần mềm, khi tuyển dụng, các ứng viên được đưa một tờ giấy và cây bút bi với yêu cầu "Trong vòng 2 phút, bạn hãy liệt kê tất cả công dụng của một cây bút viết bảng". Kỷ lục hiện nay tại công ty thuộc về 2 nhân viên marketing với 8 công dụng (Viết bảng hoặc viết trên giấy - Vẽ hoặc tô màu - Chặn giấy - Kê đồ vật - Ném chọi khi giận dữ - Làm đồ chơi khi suy nghĩ hoặc không có việc gì làm - Vật minh hoạ ví dụ - Bán). Đa số những người được hỏi dừng lại ở mức 4 công dụng. Bài tập này được đưa ra để đánh giá khả năng tư duy sáng tạo của ứng viên. Chúng ta đều hiểu để nghĩ ra nhiều công dụng khác nhau, người được hỏi phải dám nghĩ khác, thoát khỏi những suy nghĩ thông thường về chức năng của một vật.

Khả năng sáng tạo là một yêu cầu dành cho các ứng viên mong muốn có việc làm trong các ngành nghề của kinh tế tri thức bởi đây cũng chính là yêu cầu công việc hàng ngày của những nhân viên. Có bao nhiêu chức năng cho một phần mềm quản trị nguồn nhân lực? Có bao nhiêu cách để thiết kế và lập trình cho một chức năng đánh giá năng lực nhân viên? Có bao nhiêu cách để tiếp thị hoặc những phương thức khác nhau nào để bán sản phẩm này? Và còn rất nhiều những câu hỏi "Có bao nhiêu cách khác" vẫn được hỏi và tìm kiếm câu trả lời mỗi ngày trong công việc của người làm quản lý, nhân viên lập trình, thiết kế, kinh doanh… Hội nhập với kinh tế thế giới có thể hiểu đơn giản là tìm được một việc làm, tồn tại và phát triển với công việc trong những ngành nghề mà hàm lượng chất xám là "nguyên vật liệu chính" của quá trình sản xuất kinh doanh như công nghệ thông tin, truyền thông báo chí, kinh doanh, marketing, tư vấn...

2. Sáng tạo tập thể hay làm việc nhóm?

Cũng với câu hỏi " Cây bút viết bảng có bao nhiêu công dụng?", ở một lớp học về kỹ năng kinh doanh, 20 học viên của lớp liệt kê ra thêm được 8 công dụng khác (Cài tóc- Gãi ngứa - Làm quà tặng - Vật trang trí - Chỉ trỏ ai đó - Khều - Đưa ai đó ngậm vào miệng để phạt - Đánh người khác). Chúng ta sáng tạo tốt hơn trong tập thể, khi cùng làm việc nhóm? Điều này sẽ đúng nếu thoả mãn ba điều kiện (1) Tập thể đó có những con người dám sáng tạo; (2) Những con người dám sáng tạo biết bày tỏ ý kiến của mình và biết lắng nghe người khác; (3) Tập thể đó biết sử dụng những phương pháp để sáng tạo tập thể (ví dụ phương pháp sáu chiếc mũ tư duy, sơ đồ trí não, kỹ thuật xương cá).

Trở ngại lớn nhất cho quá trình làm việc tập thể hiện nay chính là kỹ năng giao tiếp của cá nhân, vốn là điểm yếu của đa số thanh niên Việt Nam. Kỹ năng này trước hết là khả năng diễn đạt ý tưởng của mình bằng ngôn ngữ nói, viết (việc diễn đạt ý tưởng bằng âm nhạc, hình ảnh, động tác hình thể thuộc về các môn nghệ thuật). Thứ hai, đó là biết đặt những câu hỏi thông minh, những câu hỏi ngắn gọn có thể giúp mọi người tìm hiểu tiếp cận được bản chất của vấn đề sự việc. Thứ ba là kỹ năng lắng nghe để hiểu đúng, hiểu đủ khi nghe ý kiến của người khác. Nắm bắt và thành thạo 3 kỹ năng này là điều kiện để mỗi người có thể đạt đến nguyên tắc "Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng" trong giao tiếp.

3. Nhà hàng buffet, siêu thị và internet.

Kỷ niệm đi ăn buffet lần đầu tiên của tôi là một kỷ niệm đau đớn. Sau khi ăn xong khoảng 2 tiếng về nhà, tôi mới cảm nhận mình vẫn còn đói bụng. Tôi nhớ lại mình đã bị hoa mắt khi bước vào nhà hàng. Có quá nhiều thức ăn được bày biện và trang trí "ngon mắt". Cái gì tôi cũng muốn nếm thử, nên chẳng biết ăn cái gì trước cái gì sau! Sau khi ăn đại đến món thứ 5 là tôi hết thấy ngon miệng, vậy là chỉ còn biết nhấm nháp mỗi thứ một chút để biết. Rút kinh nghiệm từ bài học "ăn buffet không no không ngon", những lần sau tôi để ý đến những món mình yêu thích nhất và lần lượt ăn theo thứ tự "truyền thống" như khi mình đi ăn tiệc theo món của người Việt.

Kỷ niệm ăn buffet lần đầu thường khiến tôi liên tưởng đến những lần mình đi siêu thị với kết quả "cái mình mua thì không cần, cái cần thì đã không mua" hoặc bị "lạc đường" trong các website khi đi tìm kiếm thông tin trên mạng. Một xã hội toàn cầu kết nối ngày càng chằng chịt đang mở ra cho chúng ta rất nhiều cơ hội hấp dẫn để khám phá, tìm tòi. Cơ hội để tiếp cận với thông tin, kiến thức qua internet và các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ hội về việc làm rộng mở cho những con người năng động, nên việc một người cùng một thời điểm có thể tham gia nhiều "dự án" khác nhau không còn là chuyện hiếm. Các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tràn ngập với nhiều hình thức chào đón. Tuy nhiên, tận dụng được những cơ hội này để đem lại thành công và hạnh phúc trong cuộc sống dường như lại trở thành thách thức cho mỗi người. Thách thức đó đòi hỏi mỗi chúng ta phải học hỏi, tự trang bị cho mình kỹ năng chọn lựa và biết cách yêu lấy sự chọn lựa của chính mình.

Trong quyển sách 7 thói quen để xây dựng một gia đình hiệu quả, Stephen Covey có một minh hoạ khá thú vị. Ông hỏi chuyện một phi công lái máy bay và khám phá ra rằng, trong suốt quá trình bay từ một nơi A đến nơi B, đa số thời gian chiếc máy bay nằm ngoài đường không đạo (điều này không thể xảy ra đối với tàu lửa đi trên đường ray), vì thế người phi công khi lái máy bay phải luôn cố gắng điều khiển chiếc máy bay "tiệm cận" với đường không đạo để có thể đưa máy bay của mình đến một sân bay đã định trước. Sân bay giống như những mục đích, mục tiêu chúng ta đặt ra trong cuộc sống, còn đường không đạo là những nguyên tắc mà chúng ta phải cố gắng bám sát để có thể đạt được những mục tiêu đề ra. Phải chăng nếu chúng ta xác định được "sân bay" và "đường không đạo" rơ ràng, chúng ta sẽ lựa chọn nhanh hơn và hợp với sự yêu thích của mình hơn?

4. Đừng cầu toàn trong xã hội toàn cầu?

Sức ép cạnh tranh toàn cầu làm cho mọi thứ diễn ra nhanh hơn trong quá trình "sinh - bệnh - lão - tử". Ông chủ tịch tập đoàn Intel đã gây sốc khi phát biểu "90% công việc của tôi hoàn thành ở thời điểm cuối năm không có trong kế hoạch đầu năm". Các công ty phần mềm đã có luật "bất thành văn" là phải thật nhanh chóng đưa ra những sản phẩm mới ra thị trường mặc dù mới chỉ hoàn chỉnh được 50%. Thế giới toàn cầu nhanh hơn và kết nối nhiều hơn có hệ quả tiêu cực là làm cho con người dễ dàng tổn thương hơn. Những kiến thức của sinh viên ngành công nghệ thông tin học ở năm đầu tiên dường như không còn giá trị khi anh ta tốt nghiệp. Tin tức về sóng thần, bệnh dịch, khủng bố được cập nhật đến từng phút, từng giờ đem lại cảm giác mong manh về sự sống cho những ai theo dơi đầy đủ.

Nhân vô thập toàn, con người chúng ta không hoàn hảo và thế giới, khách quan hoặc do chúng ta nhận thức được cũng là một thế giới không hoàn hảo. Xã hội toàn cầu ngày nay đang khiến cho mỗi con người, tổ chức, quốc gia nhanh chóng và dễ dàng bộc lộ nhiều khiếm khuyết và khủng hoảng. Đừng cầu toàn trong xã hội toàn cầu tuy không phải là một kỹ năng nhưng là thái độ cần thiết để chúng ta có thể sống trong thời hội nhập.

Theo SGTT
 
Top