Tập cho trẻ đi vệ sinh

492
0
0

sweetlily

New Member

Khi nào nên bắt đầu?

Đừng buộc trẻ học cách tự đi vệ sinh cho đến khi cả bạn và con cùng sẵn sàng.

Bạn sẵn sàng cho việc này khi bạn có thể sắp xếp thời gian và bỏ công hàng ngày cho việc khuyến khích trẻ đi vệ sinh một mình trong 1 khoảng thời gian ít nhất là 3 tháng.

Con trẻ sẵn sàng khi bé có thể báo cho bạn khi nào tã ướt hay khi trẻ có thể nói với bạn lúc trẻ muốn đi vệ sinh. Việc này thường xảy ra trong khoảng 18-24 tháng tuổi. Tuy nhiên, không có gì bất thường nếu bé vẫn xài tã giấy mãi đến 2 tuổi rưỡi hay 3 tuổi.

Phải chuẩn bị cho trẻ ra sao?

Cho phép trẻ vào cùng với bạn khi bạn vào nhà vệ sinh và khiến trẻ cảm thấy thoải mái khi ở trong nhà vệ sinh (việc dọa nạt trẻ về nhà vệ sinh như một nơi hôi hám, tối tăm là cấm kị) . Cho phép trẻ quan sát việc đi tiểu và đi cầu trong nhà vệ sinh. Hãy để cho trẻ được táy máy với nút xả nước ở bồn vệ sinh.

Trước khi dạy trẻ việc đi vệ sinh, bạn có thể bắt đầu bằng việc đặt 1 cái bô ở những chổ sinh hoạt và chơi thông thường để trẻ có cơ hội làm quen với cái bô. Nếu nhà bạn có nhiều tầng, nên đặt bô ở mỗi tầng. Cho phép trẻ quan sát, đụng chạm và quen dần với cái bô.

Hãy nói cho bé biết cái bô là của bé. Cho phép trẻ ngồi ướm lên bô khi vẫn mặc nguyên quần áo như thể đó là 1 cái ghế bình thường vậy. Cho phép trẻ đứng dậy, rời bỏ cái bô bất kỳ lúc nào bé muốn. Đừng buộc trẻ phải ngồi ở bô.

Sau khi bé đã cảm thấy quen thuộc với cái bô và thoải mái ngồi lên bô khi vẫn còn nguyên quần áo, bạn hãy thử tập cho bé ngồi bô mà không mặc quần và tả. Bạn hãy tập dần cho đến khi bé tỏ ra thoải mái khi ngồi bô mà không mặc quần và tả.

Bước kế tiếp là chỉ cho trẻ mục đích sử dụng của cái bô. Hãy bỏ phân từ tã dơ vào trong bô. Cho phép trẻ quan sát khi bạn đổ phân từ bô vào bồn cầu. Hãy để trẻ gạt nước dội cầu và quan sát phân bị cuốn trôi xuống hầm cầu.

Làm cách nào dạy trẻ dùng nhà vệ sinh và bồn cầu

Sau khi trẻ đã cảm thấy thoải mái với việc dội cầu và ngồi bô, đó là lúc bạn có thể bắt đầu dạy trẻ đi vào nhà vệ sinh. Hãy cho trẻ mặc quần rộng, dể kéo lên kéo xuống.

Hãy đặt trẻ vào bô bất kỳ lúc nào trẻ muốn vào nhà vệ sinh. Biểu hiện của trẻ sẽ cho bạn biết lúc nào trẻ muốn đi tiểu, khi nào trẻ muốn đi cầu. Trẻ sẽ ngừng ngay mọi hoạt động trẻ đang tham gia khi trẻ muốn đi vệ sinh.

Hầu hết trẻ em đều đi cầi mỗi ngày 1 lần, thường là trong vòng 1 giờ sau khi ăn. Hầu hết trẻ thường đi tiểu trong vòng 1 tiếng sau khi uống nhiều nước.

Ngoài việc quan sát các dấu hiệu để biết khi nào trẻ muốn đi vệ sinh, bạn cũng cần tập cho trẻ ngồi vào bô theo 1 thời gian biểu nhất định. Bạn có thể cho trẻ ngồi bô cách quảng khoảng từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ mỗi lần.

Hãy ở bên cạnh trẻ khi trẻ ngồi bô. Đọc sách hoặc trò chuyện với bé có thể giúp bé bớt căng thẳng. Hãy khen bé khi bé đi vệ sinh vào bô nhưng đừng tỏ ra thất vọng nếu bé vẫn còn đi vệ sinh vào tả giấy. Hãy kiên nhẫn với trẻ.

Một khi trẻ đã học sử dụng bô, trẻ có thể bắt đầu dùng ghế kê dành cho trẻ em đặt trực tiếp vào bồn cầu.

Mất bao lâu để dạy trẻ đi vệ sinh?

Quá trình này có thể kéo dài đến 3 tháng. Bạn cần phải kiên nhẫn và tỏ ra ủng hộ trẻ. Đừng trừng phạt trẻ khi trẻ lỡ đi vệ sinh vào tã giấy hoặc làm dính quần áo.

Nếu sau 3 tháng, trẻ vẫn chưa học được tự đi vệ sinh, hãy tư vấn với bác sĩ. Lý do rõ ràng nhất khi trẻ chưa học đi vệ sinh vào bô được là vì trẻ chưa được chuẩn bị sẵn sàng để học đi vệ sinh.

Lại Tú Quỳnh dịch
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
492
0
0

sweetlily

New Member
Các bài tiếp theo về chuyện "Tập bỏ bỉm" được lấy theo nguồn là các liên kết sau, được mẹ Ún Heo xinh xắn dịch lại từ cuốn What to expect the toddler years - Chương 19: All about toilet training, tác giả Arlene Eisenberg, Heidi E. Murkoff, và Sandlee E. Hathaway, nhà xuất bản Workman Publishing, New York.

http://blog.360.yahoo.com/blog-hWeg0...--?cq=1&p=1239
http://blog.360.yahoo.com/blog-hWeg0...--?cq=1&p=1246
http://blog.360.yahoo.com/blog-hWeg0...--?cq=1&p=1249
http://blog.360.yahoo.com/blog-hWeg0...--?cq=1&p=1260
http://blog.360.yahoo.com/blog-hWeg0...--?cq=1&p=1270
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
492
0
0

sweetlily

New Member
Tập bỏ bỉm (1 & 2)

Em bé của bạn đã thành công trong việc học và thành thạo các bước lật, lẫy, ngồi vững, đứng và đi; đã “tốt nghiệp” lớp ăn đồ xay nhuyễn và chuyển sang ăn thức ăn người lớn; chuyển giấc ngủ từ cũi hoặc nôi sang giường… Thật khó tin là bé đã trưởng thành đến vậy. Tuy nhiên, như nhiều đứa trẻ khác cùng độ tuổi, em bé của bạn vẫn đang đóng bỉm suốt ngày.

Tập bỏ bỉm không phải là bước cuối cùng trong việc rèn luyện những kỹ năng sống cho em bé đáng yêu của bạn. Nhưng khi đóng chiếc bỉm thứ 4.236 cho bé, bạn có cảm giác rằng chẳng bao giờ em bé của mình sẽ chuyển sang thời kỳ tiếp theo trong việc đi vệ sinh. Hãy luôn tin tưởng rằng cũng như những bước phát triển khác, dần dần em bé nhà bạn sẽ thành thạo việc này.

1. Liệu bé đã sẵn sàng?

Bà ngoại em bé luôn tự hào rằng mẹ nó, là bạn đấy, đã không dùng bỉm nữa khi đầy năm, còn bà hàng xóm thì luôn miệng khoe rằng đến khi con trai mình tròn hai tuổi, bé đã biết tự đi vệ sinh rồi. Cá biệt, bé gái nhà đồng nghiệp của bạn thì mãi đến tận bốn tuổi mới thôi không dùng bỉm nữa. Bạn không muốn ép em bé của mình bỏ bỉm quá sớm, nhưng đồng thời cũng không muốn bé bỏ bỉm quá muộn. Vậy khi nào là thời gian hợp lý để bắt đầu tập cho bé?

Cũng như tất cả các bước phát triển khác, bạn hãy nhìn vào chính em bé của mình để nhận biết các dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng. Chỉ chính bé mới có thể, qua các hành động, “nói” cho bạn biết rằng đã đến lúc bé đã có thể kết hợp được khả năng và ý muốn rèn luyện việc tự đi vệ sinh. Và mặc dù việc ép một đứa trẻ bỏ bỉm sớm có thể thực hiện được, điều đó là không nên vì nó gây ra sự phản kháng và khả năng cưỡng lại sự luyện tập bắt buộc đó ở trẻ, chưa kể đến những lần đi vệ sinh không đúng lúc đúng chỗ, những “tai nạn” mà cha mẹ bé phải dọn dẹp. Để cho em bé tự mình quyết định việc tập đi vệ sinh bằng cách kiên nhẫn chờ các dấu hiệu sẵn sàng và nhẫn nại với bé chứ không nóng ruột thúc đẩy quá trình. Bạn hãy luôn ở cạnh và ủng hộ cũng như khen ngợi những kết quả bé đạt được trong quá trình này.

Giống như các phát triển vận động khác như tập bò, tập đi, tập nói, việc rèn luyện tự đi vệ sinh là một bước phát triển mà từng đứa trẻ một sẽ có thời khắc riêng của mình. Thời điểm này chẳng liên quan gì đến trí thông minh cũng như những gì bé sẽ đạt được trong tương lại. Chưa chắc một đứa bé biết đi sớm hoặc nói sớm sẽ là đứa bé biết sử dụng nhà vệ sinh sớm. Ngược lại, một đứa trẻ sử dụng nhà vệ sinh thành thạo chưa chắc sẽ biết đọc trước những đứa trẻ còn lại. Một số trẻ sẵn sàng học cách đi vệ sinh trước sinh nhật thứ hai của mình, một số sẽ sẵn sàng trước sinh nhật thứ ba. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian một năm giữa hai lần sinh nhật này, hầu hết trẻ sẽ biết cách đi vệ sinh đúng lúc và đúng chỗ.

Để chắc chắn rằng thời điểm đã đến, cha mẹ bé hãy quan sát những dấu hiệu cho thấy rằng bé đã sẵn sàng để chuẩn bị cho việc bỏ bỉm cho bé.

- Sẵn sàng về cấu tạo cơ thể: trước khi tròn 20 tháng, do bàng quang của trẻ chưa sẵn sàng, trẻ rất khó điều khiển việc đi tiểu một cách thường xuyên. Chỉ đến khi khoảng cách giữa hai lần đi tiểu của trẻ kéo dài từ một đến hai tiếng đồng hồ, và bỉm trẻ khô khi ngủ dậy thì mới nên bắt đầu tập bỏ bỉm cho trẻ.

- Đúng giờ: hàng ngày, trẻ đi ngoài tương đối đúng giờ (có thể là vào sáng sớm, ngay sau bữa sáng, sau giờ ngủ dậy buổi trưa…) nhưng không cần phải quá chính xác.

- Có dấu hiệu nhận biết rằng mình đang đi vệ sinh: trẻ “kể” với mẹ bằng nhiều cách: tỏ thái độ mặt, rặn, chạy vào một góc khuất mắt mẹ, hoặc nếu trẻ có thể gọi mẹ thì rất tốt. Để phân biệt với trẻ chưa sẵn sàng thường không nhận biết rằng dòng nước tiểu đang chảy xuống chân mình, trẻ sẵn sàng cho việc tập đi vệ sinh có thể nhận biết rõ, cảm thấy khó chịu hoặc hào hứng với việc mình bị ướt này.

- Trẻ có hứng thú trong việc dọn dẹp và biết phân biệt sạch bẩn: khi trẻ đột nhiên cáu gắt vì ngón tay hoặc mặt bị dính bẩn, trẻ biết cất giữ hoặc dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong (tuy nhiên, giai đoạn này sẽ không kéo dài); trẻ khó chịu nếu bỉm bẩn và bắt mẹ phải thay bỉm ngay lập tức (chúng ta hi vọng rằng giai đoạn này sẽ kéo dài hơn để có thể rõ ràng nhận biết). Khi khứu giác của trẻ phát triển đến độ, trẻ trở nên nhạy cảm với mùi hơn, cũng như nhận biết rằng bỉm của mình không còn thơm tho như khi sạch sẽ nữa.

- Trẻ biết phân biệt những trạng thái như khô và ướt, sạch và bẩn, trên và dưới.

- Trẻ nhận biết qua lời nói những từ chỉ việc đi vệ sinh thường được dùng trong từng gia đình như: đi ngoài, ị, tiểu tiện, đái, tè… và các bộ phận như chim, mông…

- Trẻ có khả năng giao tiếp bằng lời nói cũng như hành động và làm theo hướng dẫn như: đứng lên, ngồi xuống…

- Trẻ chịu mặc quần mà không đóng bỉm.

- Trẻ có khả năng bắt chước các hành động đơn giản, mặc dù có thể chưa thành công đối với những việc như tụt quần, mặc quần, cởi áo…

- Trẻ tò mò khi người lớn đi vệ sinh: theo vào nhà tắm, bắt chước…

2. Chuẩn bị…

Bạn đã kiểm tra kỹ các dấu hiệu của bé để chắc rằng bé đã sẵn sàng. Nhưng trước khi để bé ngồi bô lần đầu tiên, bạn phải chắc chắn rằng trong gia đình cũng như cuộc sống hàng ngày của bé không có sự xáo trộn nào đáng kể trong thời gian gần đây. Nếu có những sự kiện lớn xảy ra trong gia đình như có em bé mới, con bạn chuyển trường, bạn chuyển nhà, bé mới ốm dậy hoặc các vấn đề lớn khác, hãy hoãn việc bỏ bỉm lại một thời gian và chờ đến khi bé thực sự ổn định. Còn không, hãy bắt đầu tập cho bé từ những bước sau:

- Nhấn mạnh với bé những mặt tích cực của việc bỏ bỉm: đặt vấn đề với trẻ một cách đầy khích lệ như: “Nếu con mặc quần thay vì đóng bỉm thì tuyệt nhỉ?” hoặc “Con có thích dùng nhà vệ sinh như ba mẹ không?”. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không nên chê bỉm nếu không muốn bé vừa từ chối đóng bỉm vừa không muốn dùng toilet.

- Nhấn mạnh với bé rằng bé trưởng thành dần đấy: để bé hào hứng với bước phát triển này, ba mẹ hãy tích cực khen ngợi bé đối với mọi hành động có liên quan, từ việc rửa tay, uống nước bằng cốc mà không làm rơi vãi quá nhiều, cất hoặc dọn dẹp đồ chơi, hào phóng chia sẻ với bạn chơi cùng hoặc anh chị em trong nhà. Tuy nhiên, hãy đừng trừng phạt trẻ nếu bé vẫn giữ những thói quen cũ. Hơn thế nữa, đừng đòi hỏi quá nhiều thứ hoặc mong chờ quá nhiều ở kết quả sẽ đạt được, đặc biệt nếu bé đang bị ảnh hưởng bởi sự ra đời của một đứa trẻ khác trong gia đình hoặc bé đang được chuẩn bị cho đi nhà trẻ.

- Dạy bé tìm hiểu thêm về việc tập đi vệ sinh: hãy chỉ cho bé vài bức tranh hoặc hướng dẫn bé đọc sách tranh với chủ đề đi vệ sinh. Cần chú ý sao cho việc này trở nên thú vị chứ không nên quá chú tâm vào nội dung. Việc ba mẹ tìm hiểu thêm thông tin và học hỏi cách các em bé ở các gia đình khác tập đi vệ sinh thế nào cũng giúp cho việc chuẩn bị cho bé được kỹ lưỡng hơn.

- Thực hành: nếu ba mẹ bé không ngại, hãy chỉ cho con biết những việc nó được thực hiện như thế nào. Hãy nhớ rằng quá trình bài tiết và quá trình đi vệ sinh khác nhau. Việc bé được nhìn thấy người lớn đi vệ sinh một vài lần có tác dụng hơn hàng ngàn lời giải thích để bé hiểu việc đi vệ sinh là như thế nào.

- Hãy để em bé đóng vai trò người hướng dẫn: hãy giúp con đóng vai trò chủ động bằng cách dùng một con búp bê hoặc một chú gấu bông để bé có thể hướng dẫn món đồ chơi này đi vệ sinh hoặc thay bỉm và mặc quần áo cho nó.

- Chọn chiếc bô hợp ý: không phải là bất cứ cái bô nào cũng được. Bạn hãy đầu tư cho con một chiếc bô chắc chắn, vững vàng, và nếu bé dùng tấm lót toilet, hãy chọn loại có đế vững, không trơn trượt để bé có thể đứng lên ngồi xuống để ngắm “sản phẩm” của mình. Bạn có thể đưa bé đi cùng để bé được tự chọn bô hoặc tấm lót bé muốn, hoặc bạn mua cho con và gói lại cẩn thận như một món quá. In tên bé lên trên vật dụng của mình. Bạn hãy giải thích và diễn tả cho bé hiểu vật này dùng để làm gì bằng ngôn ngữ gần gũi nhất với bé.

- Giúp trẻ làm quen với bô của mình: bạn hãy giúp bé biến cái bô thành một người bạn của bé. Hãy cho bé ngồi trên bô vào những lúc bé cảm thấy thoải mái như khi xem TV, ngồi đọc sách… hãy để bé mang cái bô của mình theo người để tạo cảm giác bé làm chủ nó, chứ không phải đây là một vật dụng với đầy rẫy những hướng dẫn mà bé phải ghi nhớ. Điều này giúp trẻ có thể sử dụng cái bô một cách chủ động. Một khi trẻ được thoải mái với vật dụng này, bé sẽ cảm thấy thoải mái hơn đối với việc sử dụng nó.

- Thay đổi cách thay bỉm cho trẻ: bắt đầu giúp bé có khái niệm làm việc gì ở đâu khi chuyển địa điểm thay bỉm cho bé vào nhà tắm. Cho bé thấy bạn bỏ sản phẩm của bé vào toilet và giật nước sẽ giúp bé kết nối được việc chất thải ở đâu đến và sẽ phải đi đâu.

- Quy định việc dùng từ ngữ đối với việc đi vệ sinh: không quan trọng đối với việc bạn dùng từ như thế nào: “đi ngoài, đi tiểu” hay “đi ị, đi tè”… việc tập cho bé đi vệ sinh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu như nó được sử dụng thường xuyên bởi một từ cố định. Đến khi trẻ thực sự quen thuộc với việc gọi tên đó, trẻ có thể đã sẵn sàng để được tập luyện. Một số người dùng các từ ngữ nghiêm túc ngay từ khi bắt đầu để trẻ không phải học các từ này về sau, hoặc không bị trêu chọc, xấu hổ khi lớn lên sau này. Tuy nhiên, bất cứ cách nào cũng đều đúng cả, miễn là bạn phải dùng nó một cách thống nhất và thường xuyên. Đừng bao giờ đề cập đến sản phẩm của con như một thứ gì đó bẩn thỉu, hôi thối, kinh tởm, bạn sẽ làm bé do dự khi biết được rằng mình sản xuất ra những thứ như vậy. Hãy thật tự nhiên, và không có ý tiêu cực với quá trình này. Con bạn cũng sẽ cư xử như vậy.

- Khuyến khích trẻ lắng nghe những dấu hiệu của cơ thể mình. Hãy giải thích cho trẻ thế nào là cảm giác đói, khát, buồn ngủ, muốn đi vệ sinh. Nếu ba mẹ đón được lúc trẻ đang giải quyết nhu cầu để giải thích tại chỗ những dấu hiệu đó như thế nào là tốt nhất.
 
492
0
0

sweetlily

New Member
Tập bỏ bỉm (3) - Tiến hành: Những điều nên và không nên làm

3. Tiến hành:

Em bé của bạn đã sẵn sàng. Bạn đã sẵn sàng. Cái bô của bé cũng đã sẵn sàng. Vậy là đã đến lúc để bắt đầu công việc tập đi vệ sinh. Có nhiều cách để phù hợp với từng em bé khác nhau, tuy nhiên những thứ nên và không nên áp dụng được với đa số các bé.

Những điều nên làm:

- Nên chuyển từ bỉm sang quần cotton và tã lót. Tuy nhiên, đừng ép bé sử dụng quần tập này mà chỉ nên mặc thử cho con, nếu bé không thích thì hãy đóng bỉm trở lại. Điều này giúp bé có được cảm giác tự chủ và không cảm thấy bị ép buộc trong quá trình tập này.

- Nên để mông bé thoáng khi có dịp. Nếu nhiệt độ cho phép và sàn nhà của bạn có thể được chùi rửa dễ dàng, hoặc bạn có sân riêng trong nhà, để bé cởi truồng là cách tuyệt vời giúp cho bé làm quen với những dấu hiệu của cơ thể mình. Không đóng bỉm, bé có thể cảm nhận được chất thải của mình một cách dễ dàng. Hãy để cái bô trong tầm tay để bé có thể chạy đi lấy nó khi cảm nhận được là mình muốn dùng nó trong thời gian ngắn nhất. Để giữ cho giày dép của bé không bị bẩn, hãy dùng cho con giày dép nhựa, hoặc để bé đi chân không.

- Nếu bạn không yên tâm để bé cởi truồng, ít nhất, hãy chọn cho bé một chiếc quần dễ cởi. Cho đến khi bé của bạn đạt được mức nín tè khi bé muốn, “tai nạn” là điều không tránh khỏi. Để giúp bé chiến thắng được những tai nạn nhỏ này, hãy cho con mặc những cái quần dễ cởi, quần chun để con có thể tụt xuống dễ dàng, và bỏ qua những cái quần dù đẹp, nhưng đầy rắc rồi với khuy cài và khóa kéo. Bé có thể tự cởi quần đóng tã ra dễ dàng hơn tự tháo bỉm, tuy nhiên, đừng đóng cho bé quá chắc chắn.

- Hãy để ý em bé kỹ càng. Vào thời gian đầu, ba mẹ bé sẽ quan sát và nhận biết được những dấu hiệu của con hơn là bé tự để ý. Vì vậy, hãy chú ý để có thể bắt kịp được dấu hiệu bé muốn đi. Mỗi lần bạn cảm nhận được điều đó, hãy hỏi bé xem bé có thật sự muốn đi không. Nếu bé đồng ý, hãy dắt bé vào nhà vệ sinh, hoặc nếu bé dùng bô, mang bô đến cho bé. Kể cả khi bé đã lỡ đi vệ sinh rồi, cũng hãy làm đầy đủ các bước trên để bé có được khái niệm về mối liên quan giữa việc đi vệ sinh và cái bô hoặc nhà vệ sinh. Trong trường hợp những lần bạn hỏi bé có muốn đi vệ sinh không, và con trả lời là không, sau đó lại đi vệ sinh ra ngoài, bạn hãy thay đổi cách tiếp cận bé. Hãy giục con rằng “Hình như bạn bô đang đợi con đấy.” hoặc “Con thử ngồi lên đây (bồn cầu) nhé”, và dắt con lại nhà vệ sinh.

- Hãy để ý đến thời điểm: hầu hết các em bé cũng như người lớn vậy, sẽ có khoảng cách cố định giữa những lần đi vệ sinh. Có thể bé tè lúc ngủ dậy, hoặc ị sau khi ăn xong. Bạn hãy để ý và xem con mình có những thời điểm cố định như vậy không và lợi dụng nó để cho bé đi vệ sinh đúng lúc. Khuyến khích, nhưng đừng ép, bé ngồi bô hoặc toilet vào những lúc này có thể mang lại hiệu quả bất ngờ.

- Hãy để bé tự ngồi bô bất cứ lúc nào bé thích. Việc bé cảm thấy bị ép buộc phải ngồi bô, và cảm thấy tù túng với nó, có thể sẽ dẫn đến phản kháng và ghét cái bô. Nhiều trẻ sẽ hứng thú với cái bô hơn nếu trong khi ngồi, bé được đọc sách để tạo hứng. Nhưng đồng thời, những đứa trẻ khác lại bị mất tập trung và quên mất việc mình ngồi bô để làm gì. Ba mẹ hãy nhớ rằng đối với trẻ, đạt được yêu cầu trong việc ngồi bô là rất khó. Đôi lúc việc trẻ ngồi bô không có nghĩa là chúng có thể đi vệ sinh được. Chỉ khi nào trẻ thoải mái khi ngồi bô hoặc ngồi toilet thì các cơ giữ hậu môn và bàng quang với có thể được giãn ra và trẻ có thể đi vệ sinh được.

- Hãy cho trẻ mang theo đồ chơi vào toilet nếu chúng muốn. Ở tuổi này, trẻ sẽ thích hơn nếu có bạn đi vệ sinh cùng.

- Có thể xi hoặc mở vòi nước để kích thích bé khi bé bắt đầu muốn tè.

- Hãy ghi nhận những gì bé đạt được, kể cả việc bé thông báo với mẹ rằng mình đã tè dầm hoặc ị đùn rồi. Bất cứ thành công nào của bé, dù nhỏ cũng nên được khuyến khích. Việc bé có thể đạt được mức tự đi vệ sinh một cách hoàn hảo tốn rất nhiều thời gian. Những khi có tai nạn xảy ra, hãy đừng chê bai hoặc cười bé vì đó chỉ là do bé chưa đạt được kinh nghiệm cần thiết.

- Hãy thật lòng với bé. Mặc dù việc khen ngợi con là cần thiết, nhưng cũng nên ở một mức vừa phải. Nếu không, những em bé nhạy cảm sẽ cảm thấy cha mẹ không thật lòng và nghi ngờ về những gì mình đã đạt được. Mặc khác, việc được khen quá lời sẽ tạo cho bé cảm giác nếu mình thất bại, mình cũng sẽ được chê quá lời như thế.

- Hãy tạo động lực cho bé cố gắng. Việc khen thưởng cho bé sẽ tùy thuộc vào từng đứa trẻ cũng như từng quan niệm của phụ huynh. Đối với một vài trẻ, việc được coi là người lớn trong gia đình như ba mẹ mình là một món quá không gì sánh bằng, ở vài trẻ khác, chỉ cần vài lời ngợi khen là đủ, trong khi ở những đứa trẻ yêu thích sự tự chủ thì việc bé thành công cũng đã là một điều bé tự hào. Có những trẻ lại thích được thưởng, tuy nhiên, ba mẹ bé chỉ nên thưởng cho con ở mức vừa phải như vài sticker ghi nhận, hoặc vài đồng lẻ bỏ ống. Phần thưởng cũng có thể là cú điện thoại để bé có thể khoe với ông bà…

- Để bé tự kiểm tra xem quần hoặc bỉm của mình có còn sạch hay không. Hãy chỉ cho bé cách phân biệt quần hay bỉm của mình còn sạch và để bé tự làm việc đó. Điều này tạo cho bé sự tự chủ cho quá trình này. Khen ngợi bé nếu bé giữ được quần hoặc bỉm sạch trong một thời gian cho trước, những cũng đừng chê bai nếu bé làm ướt chúng.

- Nếu bé dùng bô, hãy giúp bé có khái niệm giữa quá trình ngồi bô và cái toilet bằng cách chỉ cho bé thấy mẹ phải đổ bô thế nào, và cuối cùng của công đoạn này sẽ ra sao—giật nước toilet. Nếu trẻ ngồi lên toilet bằng tấm lót, hãy thưởng cho trẻ bằng cách sau khi con đi xong, nhờ con giật nước và khen ngợi bé.

- Hãy kiên nhẫn nếu bé thi thoảng vẫn còn quên. Sử dụng được toilet đối với trẻ là một việc rất quan trọng nhưng không phải là tất cả cuộc sống thường ngày của con.

- Hãy dạy cho bé về việc giữ vệ sinh nói chung.

- Yêu cầu mọi người trong gia đình cũng như làm việc kỹ càng với cô trông trẻ để tất cả mọi người quanh bé đều có một khái niệm chung, thống nhất về quá trình này.

- Hãy nhạy cảm với tâm sự của con. Sự tự tin của bé cũng quan trọng như sự sạch sẽ vậy.

Những điều không nên làm:

- Đừng quá kỳ vọng vào bé. Trẻ thường mất vài tuần để đạt được thành công trong quá trình này. Việc trẻ biết mình không đạt được kỳ vọng của ba mẹ có thể làm trẻ mất đi sự tự tin vào mình.

- Đừng mắng mỏ chê bai con. Trẻ có thể ngồi mãi trên bô mà không tè hay ị, ngay sau khi đứng lên lại ị đùn, hoặc cứ đòi ngồi bô mãi vào lúc bạn bận nhất. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng việc tập một thói quen không phải một sớm một chiều, và nếu bé thấy mình bị chê bai dè bỉu, bé sẽ từ chối tập tiếp trong tương lai.

- Đừng bắt trẻ nhịn uống. Dù việc không uống quá nhiều nước sẽ làm bé bớt mót tè hơn và dễ dàng chờ được đến lúc ngồi vào bô, nhưng đồng thời nó cũng là điều không hợp lý, không công bằng cho trẻ và cũng không phù hợp với cơ thể bé. Ngược lại, việc uống nước sẽ bắt trẻ có cảm giác tè nhiều hơn, và cho trẻ nhiều cơ hồi được sử dụng cái bô hơn, đồng nghĩa với việc có thể thành công sớm hơn.

- Đừng dùng những cách phi tự nhiên để bắt bé phải cho ra sản phẩm vào lúc bạn muốn như thuốc nhuận tràng, viên nhét hậu môn, hoặc thụt tháo bé. Việc áp dụng những cách này không những để lại hậu quả nghiêm trọng, nó cũng chẳng dạy được con bạn điều gì về sự tự chủ trong việc đi vệ sinh cả.

- Đừng mắng cũng như càu nhàu kêu la với bé về chuyện này. Chỉ nhắc nhở bé một cách tự nhiên về sự tồn tại của cái bô và toilet “Bạn bô đang chờ con đấy”, hoặc mời bé vào toilet cùng bạn “Mẹ đi tè đây, con có muốn đi không?” sẽ giúp bé ghi nhớ được việc đi vệ sinh của mình mà không cảm thấy đang bị mẹ ép buộc.

- Đừng bắt buộc bé phải ngồi bô khi bé đã từ chối, cũng như đừng bắt con phải ngồi thêm khi bé đã muốn đứng lên. Điều này không những phá bỏ hết những cố gắng mà bé đã bỏ ra trong quá trình tập luyện, nó còn làm bé có thể bị táo, hoặc do cố rặn mà nứt hậu môn. Sản phẩm của con là việc của con, và chỉ của riêng con mà thôi. Bạn chỉ có thể đưa con lại gần cái bô và hướng dẫn con sử dụng nó, chứ bạn không thể bắt con phải ị hay tè được.

- Đừng biến việc ngồi bô thành vấn đề con người. Không có việc xấu hay tốt trong vấn đề này. Chỉ có sẵn sàng hay chưa. Việc con tự đi vệ sinh được không phải là tốt, và nếu con nhỡ ị đùn thì hoàn toàn không phải là xấu. Việc gọi trẻ là người lớn khi trẻ thanh công làm cho con tự tin hơn một cách đúng đắn. Bạn không nên khen con rằng “Con đúng là một bé ngoan vì đã tự đi ị được” mà hãy khen hành động của con rằng “Con đã tự ị được rồi? Con giỏi quá.”

- Đừng nhận xét về những thiếu sót của con trước mặt bé. Con bạn có thể hiểu nhiều hơn bạn tưởng đấy.

- Đừng đưa vấn đề con bạn chưa sủ dụng bô được thành vấn đề cá nhân của bé. Việc bé gặp khó khăn khi học cách sử dụng bô không nói lên vấn đề gì cả về con người cũng như cá tính của con, hoặc của ba mẹ bé. Nhưng đồng thời, cũng không nên sốt ruột mà ép con, hoặc không sâu sát với bé trong quá trình này.

- Đừng biến nhà vệ sinh thành bãi chiến trường. Mẹ con bất đồng quan điểm trong việc tập luyện sẽ chỉ làm cho quá trình này kéo dài thêm. Nếu bé phản đối hoàn toàn, nghĩa là bé chưa sẵn sàng. Bạn hãy bỏ nó đi và cho bé thêm chút thời gian trước khi bắt đầu lại từ điểm khởi đầu. Đừng nhắc đến nó hàng ngày, hoặc chỉ cho bé thấy và khen ngợi bạn này bạn kia đã sử dụng nhà vệ sinh thành thạo, hoặc càu nhàu cáu kỉnh với con mỗi khi bạn thay bỉm cho bé. Nếu sự phản đối của bé chỉ là thời điểm, hãy lờ đi và cho bé thấy rằng mẹ không quan tâm lắm đến điều đó mà chỉ chú ý vào những lúc con làm tốt mà thôi, đồng thời tiếp tục quá trình tập luyện.

- Đừng tuyệt vọng. Quá trình tập cho con bạn sử dụng nhà vệ sinh có thể kéo dài mãi, nhưng cuối cùng bé của bạn cũng sẽ thành công. Kể cả em bé cứng đầu nhất rồi cũng sẽ quyết định rằng đã đến lúc mình không cần cái bỉm nữa mà sẽ ngồi vào nhà vệ sinh.
 
492
0
0

sweetlily

New Member
Tập bỏ bỉm (4): Bỏ bỉm đêm

Câu hỏi: Bé của chúng tôi gần ba tuổi và đã không cần dùng bỉm ban ngày nữa từ khi lên hai. Nhưng sáng nào khi bé ngủ dậy bỉm vẫn ướt sũng? Như vậy có bình thường không?

Trả lời: Bỏ bỉm ban ngày đã khó, đối với vài trẻ, bỏ bỉm đêm còn khó hơn nhiều lần. Ở nhiều trẻ, hệ thần kinh chưa phát triển đến độ có thể cho phép bé nín tè từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ mỗi đêm, hoặc đánh thức trẻ mỗi khi bàng quang đánh tín hiệu rằng đã đến lúc phải đi tè. Cho dù một số trẻ có thể nín tè cả đêm ngay lập tức kể từ khi bỏ được bỉm ngày và biết tự đi vệ sinh, phần lớn trẻ ở độ tuổi này chưa làm được như thế. Vì vậy, việc bỏ bỉm đêm chưa thực sự cần thiết ở lứa tuổi này (dưới 5 tuổi).

Bất cứ lúc nào bé nhà bạn thức dậy sau giấc ngủ đêm mà bỉm vẫn sạch thì hãy nghĩ đến chuyện bỏ bỉm vào ban đêm. Còn không, xin đừng áp dụng cả một chiến dịch để rèn bé việc này vì nó sẽ không hiệu quả. Nếu trẻ trên năm tuổi mà vẫn còn đái dầm, có thể canh giờ và đánh thức trẻ dậy đi tè.
 
492
0
0

sweetlily

New Member
Tập bỏ bỉm (5 & 6): Các vấn đề về “tai nạn” và khi trẻ từ chối

5. Khi “tai nạn” xảy ra:

“Tai nạn” là một phần tất yếu của quá trình tập bỏ bỉm, cũng như việc bé ngã khi tập đi vậy. Tuy nhiên, bất kể “tai nạn” xảy ra thường xuyên hay không, cố tình hay vô tình, càng nói ít về chúng với trẻ càng tốt. Giáo huấn, đe dọa hay làm ầm ĩ chỉ góp phần tạo cho trẻ thái độ phản kháng và đánh đổ mọi cố gắng mà trẻ đã đạt được. Trừng phạt mỗi khi trẻ lỡ tè dầm hoặc ị đùn lại càng không nên, cũng như chẳng có ba mẹ nào lại phạt con khi con ngã lúc tập đi. Hãy bỏ qua những lần lỡ đó của trẻ chứ đừng bắt con phải xin lỗi, vì đó là “tai nạn” mà, chứ trẻ đâu muốn vậy, cũng như đừng bắt con phải thú nhận là chính con đã để ướt sàn nhà.

Bạn hãy kiềm chế phản ứng của mình đến mức thấp nhất mỗi khi thấy sàn nhà ướt hoặc dẫm phải sản phẩm của con trong bếp. Nếu bé cảm thấy buồn vì mình đã để xảy ra chuyện như vậy, thay vì cáu gắt, hãy an ủi con rằng “Không sao, mẹ biết là con chỉ bị nhỡ mà thôi. Lần sau con sẽ ngồi vào bô chứ không để chúng rơi ra sàn nữa, đúng không?” Bạn giúp con thay đồ và lau rửa một cách nhanh gọn nhất và không phàn nàn. Hãy nhớ rằng mặc kệ con mặc đồ bẩn để cho bé “nhớ đời” là không đúng. Điều đó sẽ làm bé cảm thấy bị tổn thương, và không hề có tính khuyến khích bé. Mặt khác, để tác động lên bé một cách tích cực, hãy nhờ bé giúp bạn dọn dẹp nếu bé muốn.

Tại sao lại có “tai nạn”?

Cho dù bé đã đạt được những thành tích đáng kể trong quá trình bỏ bỉm này, “tai nạn” vẫn thường xảy ra. Nếu như chúng quá thường xuyên, có thể là thời gian bỏ bỉm của bé chưa thực sự hợp lý và mặc dầu bé đã khá thành thạo, cơ thể của con vẫn chưa đạt được tới mức có thể điều khiển được việc này. Quay trở lại dùng bỉm một thời gian ngắn sẽ là một ý kiến hay, trừ khi bé tỏ ý chỉ muốn dùng bô.

Bên cạnh nguyên nhân chính thường là do các bé chưa thực sự sẵn sàng, một số yếu tố sau cũng nên được cân nhắc:

- Stress: bé bị chia cắt với những gì thân quen, cô giữ trẻ của bé nghỉ việc và bé phải ở cùng một cô mới, gia đình có thành viên mới, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình căng thẳng… là vài nguyên nhân dẫn đến việc bé tè dầm hoặc ị đùn cho dù bé đã thành thạo chuyện dùng nhà vệ sinh một thời gian dài.

- Kiệt sức: những em bé không khỏe có thể bị mất điều trong hành động và các kỹ năng đã đạt được của mình, kể cả việc đi vệ sinh. Đồng thời, khi bé yếu, cũng có khả năng bé muốn được cưng chiều như khi còn nhỏ.

- Quá hào hứng: các em bé quá hào hứng bởi một việc gì đó cũng dễ dàng mất khả năng điều khiển bàng quang một cách tạm thời.

- Quá tập trung: việc quá tập trung vào một trò chơi hoặc học được một kỹ năng mới cũng cản trở việc bé chú ý vào những nhu cầu thiết yếu của mình như việc nhớ rằng mình phải đi tè khi có nhu cầu. Trẻ có thể gây “tai nạn” khi đang tập trung vào một hoạt động cụ thể khác nào đó.

- Lệ thuộc vào phụ huynh: việc cha mẹ chăm chăm nhắc con đi vệ sinh cũng làm mất sự tự chủ của bé. Và khi ba mẹ không nhắc bé nữa, bé sẽ không biết là mình phải đi vệ sinh mà không cần phải nhắc.

- Những cảm giác mâu thuẫn: một số trẻ dầm và ị đùn vì cho rằng ngồi bô tượng trưng cho việc bé đã trở thành người lớn, và bé chưa đủ tự tin để bỏ qua ý nghĩ mình không còn bé nữa. Một số khác coi đó là một cách chống lại những yêu cầu đối với mình từ phụ huynh.

- Nhỡ nhàng: vài trẻ tè dầm hoặc chỉ són ra quần vì chúng cố đợi đến lúc không chịu được nữa hoặc không cởi kịp quần.

- Nhiễm trùng đường tiểu: khi trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu, chúng sẽ khó điều khiển được việc tiểu tiện của mình hơn. Đối với trẻ thường xuyên không nín được, hoặc khi trẻ đã biết cách nín, nhưng đột nhiên lại mất khả năng này, ba mẹ nên quan tâm xem liệu trẻ có bị nhiễm trùng đường tiểu hay không.

- Các vấn đề về cơ thể khác: mặc dù không nhiều nhưng ba mẹ trẻ cũng nên chú ý đến các dấu hiệu cho thấy có thể trẻ gặp các vấn đề về cấu tạo cơ thể của mình. Ví dụ như khi trẻ thường xuyên bị rỉ nước tiểu, hoặc trẻ tè dầm khi cười lớn, dòng nước tiểu không mạnh và liền mạch, trẻ bị đau khi đi tiểu, có lẫn máu trong nước tiếu… thì lập tức phải đưa trẻ đi khám.

Thông thường, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề của trẻ khi chúng gặp tai nạn sẽ đưa việc luyện tập bỏ bỉm về đúng hướng mà không gặp khó khăn nào.

6. Khi đứa trẻ từ chối bỏ bỉm:

Khi trẻ bước qua tháng thứ 30 với đầy đủ các dấu hiệu sẵn sàng bỏ bỉm, nhưng sau vài tháng vẫn chưa chịu tỏ ý hợp tác trong việc tập dùng nhà vệ sinh, nhiều phụ huynh bắt đầu nghĩ đến việc ép trẻ. Nhưng đó không phải là cách hay nhất. Thay vì việc ép buộc, bạn có thể áp dụng các cách sau:

- Thay đổi cách đặt vấn đề với trẻ: thay vì hướng dẫn trẻ luyện tập, bạn hay trao cho trẻ toàn quyền trong việc tập dùng nhà vệ sinh này. Giải thích cho trẻ rằng: “Việc đi tè hoặc đi ị và việc riêng của con, và con có thể ị đùn hoặc dùng cái bô gì cũng được. Nếu có vấn đề gì mẹ có thể giúp con được, thì con bảo mẹ.”

- Cho trẻ các lựa chọn: bạn có thể bày ra và cho trẻ chọn giữa bỉm và quần đóng tã, cái bô hoặc nhà vệ sinh, bây giờ hoặc trễ hơn chút nữa… Khi đã thông báo cho trẻ về việc để chúng tự chọn, đừng bao giờ bình phẩm trước mặt con.

- Không nhắc trẻ nữa: một khi trẻ đã hiểu chu kỳ của việc dùng nhà vệ sinh, bạn không phải nói nhiều nữa. Bất cứ điều gì bạn nói ra lúc này để có thể được sử dụng để chống lại bạn, đồng thời sẽ kéo dài việc tập luyện này mãi.

- Không nói nhiều về chuyện này: Bỏ qua vấn đề bỏ bỉm. Không nhắc đi nhắc lại chuyện này kể cả đối với trẻ hoặc trước mặt chúng.

- Trang trí cái bô: bạn hãy hỏi xem con có muốn trang trí cho cái bô trở nên vui mắt hơn không. Có thể cho trẻ trang trí cái bô của mình bằng đề can (sticker) có in ngày tháng để trẻ có thể đánh dấu những lần mình thành công và so sánh nó với những thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, nếu trẻ chưa đi ị hay đi tè đúng mà vẫn đòi đánh dấu, bạn phải nghiêm khắc bỏ qua cách này.

- Nhờ sự giúp đỡ của các “nhà chuyên môn”: thông thường thì chỉ vài lời từ cô giáo, y tá, bác sĩ, trẻ sẽ răm rắp nghe theo.

- Cho trẻ thêm thời gian: dù sao thì cuối cùng trẻ cũng sẽ bỏ bỉm khi đến thời điểm của chúng. Bạn phải kiên nhẫn và đừng thúc ép.
 
492
0
0

sweetlily

New Member
Tập bỏ bỉm (7 & 8): Chuyển từ bô lên toilet và Bé trai tập tè đứng như thế nào?

7. Từ bô chuyển sang toilet.

Câu hỏi: Bé nhà chúng tôi đã dùng bô rất thành thạo. Khi nào thì nên chuyển bé sang toilet người lớn?

Chiên da toilet học giả nhời: Quan trọng là em bé nhà bạn cảm thấy yên tâm về việc bé dùng bô hay toilet chứ không phải là ở chỗ cần phải tiến thêm một bước trong quá trình luyện bé đi vệ sinh, và nhiều trẻ cảm thấy yên tâm hơn khi ngồi bô, vì chúng thấp hơn nên cảm giác an toàn hơn, so với ngồi vắt vẻo trên cái toilet của người lớn. Bạn nên đợi đến khi bé tò mò và muốn dùng thử toilet. Bằng không, hãy rủ bé đi vào nhà vệ sinh cùng bạn, khích lệ bé thử dùng “cái bô của người lớn”. Bạn có thể mua cho con một tấm đệm toilet và nói với con rằng nếu con muốn thử ngồi lên toilet của người lớn thì dùng vật này. Bạn cũng có thể khiến bé tự tin hơn khi đặt một chiếc ghế con chắc chắn gần toilet. Nó giúp bé tự chủ hơn khi bé muốn trèo lên cái bô mới này.


8. Khi nào cho bé trai tè đứng?

Câu hỏi: Từ trước đến giờ bé trai nhà tôi được dạy tè ngồi, và bé đã khá thành thạo. Đến khi nào thì thích hợp để dạy bé đứng tè?

Chiên da bỉm học giả nhời: Nếu bé trai của bạn vẫn thích tè ngồi thì cũng chưa cần thiết phải giục bé đứng làm gì cả. Việc bắt trẻ tè đứng quá sớm thường dẫn đến việc bé không chiu, và sẽ làm bé lẫn lộn giữa việc đứng tè với việc phải ngồi khi đi ị, hoặc bé sẽ không chịu ngồi ị và gây táo bón. Cho nên bạn hãy cứ để con ngồi tè, cho đến khi bé thành thạo với chuyện đi vệ sinh đã.

Tè đứng là cả một “nghệ thuật”, đòi hỏi trẻ phải cầm được chim thẳng ra phía trước, và hướng dòng nước tiếu vào đúng toilet. Tốt nhất là hãy để cho ba đứa trẻ hoặc một người đàn ông khác trong nhà đảm nhận việc này. Nam giới thường có những thủ thuật riêng mà phụ nữ không biết được, hoặc chí ít, họ cũng có thể cho đứa trẻ thấy họ, những người đàn ông thực thụ, tè đứng như thế nào.

Việc bạn muốn một đứa trẻ tè đứng và tè đúng vào cái bô có nghĩa là bạn đã muốn gặp rắc rối rồi đấy. Nếu em bé của bạn đang dùng bô, bạn hãy chuyển bé sang ngồi toilet trước khi dạy con tè đứng. Sau khi chuyển con sang ngồi toilet thành công, mỗi lần bé muốn tè, hãy quay ngược con lại đối viện với toilet và tiếp tục cho bé ngồi. Ở vị trí này, bé có thể thực hành tè trúng vào cái toilet ở khoảng cách gần. Hãy khuyến khích con tè đúng vào một điểm ở trong toilet, hoặc thả vào một tờ giấy vệ sinh và đố con tè trúng vào tờ giấy đó để biến việc luyện tập trở nên thích thú và bớt căng thẳng hơn.

Khi bé đã tè trúng đích thành thạo, bạn hãy thử cho bé đứng lên. Bé sẽ cần một chiếc ghế chắc chắn, và bạn hãy giúp con cầm chim hướng đúng vào ống xả của toilet. Bạn cũng có thể thả giấy vào toilet để bé nhắm vào đấy. Hãy chuẩn bị tinh thần trước là bé sẽ tè ra ngoài thời gian đầu, nhất là khi bé không muốn đứng tè, hoặc thích hướng chim ra ngoài. Có nhiều trẻ phải mất hàng năm trời để việc tè vào toilet không bị trượt, hoặc bắn tung tóe ra ngoài. Trước mắt, hãy tập trung vào khen trẻ, kiên nhẫn, và nhất là để dụng cụ lau chùi gần bên.
 
Top