Tay xách cặp, tay xách cơm đến trường

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
(Dân trí)- Hàng chục năm nay, học sinh Trường tiểu học Thạch Tượng II (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đã quen cảnh tay xách cặp, tay xách cơm vượt hàng km đến trường. Vất vả trong hành trình đi tìm con chữ, trong cuộc sống đời thường các em cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.

Mới 4 giờ sáng, nhiều bếp lửa của bà con xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành đã đỏ, đây là thời điểm phụ huynh có con em đi học xa nhà phải dậy để chuẩn bị cơm cho các em mang theo ăn buổi trưa, để buổi chiều các em tiếp tục học. 6 giờ sáng, trên con đường ngoằn ngoèo, mấp mô đá núi, học sinh (HS) xã Thạch Tượng bắt đầu rải bước tới trường.

Có những HS phải đi bộ tới 6km, những ngày mưa là những ngày khổ sở đối với các em, đường trơn, lầy lội khi đi được đến trường quần áo đã lấm lem bùn đất. Đó là chưa kể những ngày mưa lớn nước trong khe, suối tràn ra làm ngập đường đe dọa tới tính mạng của các em.



Điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn vất vả.

Đặt chân tới ngôi trường tiểu học xã Thạch Tượng II, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cơ sở vật chất còn nghèo nàn, sân trường thì gồ ghề những mô đất. Bàn ghế đã cũ kĩ, có những bộ không đạt tiêu chuẩn để một HS tiểu học ngồi đúng tư thế học tập. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập và rèn luyện của các em HS.

Để khắc phục tình trạng này, nếu chỉ nhờ sự đầu tư của nhà nước, nhờ sự đóng góp của bà con nơi đây là rất khó, bởi lẽ 2/3 HS của trường thuộc diện hộ nghèo. Tuy khó khăn là vậy nhưng thầy và trò trường tiểu học Thạch Tượng II vẫn cố gắng dạy tốt, học tốt.

Đến 10h 30 phút là thời điểm ăn trưa của học sinh nơi đây. Chứng kiến cảnh ăn cơm của các em mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Không nhà ăn, không bát đũa..., cơm trưa của các em được đùm bằng lá chuối, giấy ni lông, hay bỏ vào cặp lồng… Cơm và thức ăn đều đã lạnh ngắt khi được nấu từ sớm.

“Cơm và rau luộc mẹ cháu nấu từ tối qua rồi cho vào túi bóng để sáng mai cháu mang theo cho kịp giờ học”, em Nguyễn Thị Hường, HS lớp 4A chia sẻ.

Cơm đã nguội, rau đã lạnh ngắt nhưng có lẽ vì quãng đường quá dài so với sức của các em cộng với cái đói sau những tiết học nên em nào cũng ăn một cách ngon lành.

Ăn cơm xong không có chỗ nghỉ trưa, có em tụ tập nô đùa, có em lại vào trong lớp tranh thủ nằm ngủ ngay trên bàn học của mình. Khó khăn là thế nhưng có nhiều em đã vượt lên hoàn cảnh để đạt kết quả cao trong học tập như em Mai Thị Hường, HS lớp 3B là một trong những HS giỏi tiêu biểu của trường, hai năm liền em đều là HS giỏi cấp huyện.

Còn em Nguyễn Thị Anh mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà nội, không chỉ là HS khá giỏi mà em còn là cháu ngoan Bác Hồ, ngoài giờ học trên lớp, ở nhà em giúp ông bà nấu cám lợn, quét nhà rửa bát, trông em…

Thầy Lưu Đình Dũng, hiệu phó nhà trường, cho biết: “Có tới 90% HS của trường thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, đời sống của các em gặp không ít khó khăn. Với lại cái “cái khó bó cái khôn” nên các bậc phụ huynh nơi đây chưa chú tâm tới việc học hành của con cái. Bên cạnh đó có hơn 90% dân cư nơi đây là dân tộc Mường nhận thức còn hạn chế. Việc HS tiểu học đi bộ với quãng đường 3 - 6km tới trường và mang cơm theo để ăn là một điều hiếm có đối với lứa tuổi của các em tiểu học”.



Bữa cơm trưa của nhiều em học sinh chỉ có rau và ít trứng đã nguội lạnh.

Để khắc phục phần nào những khó khăn của các em có hoàn cảnh đặc biệt, ngoài sự đóng góp của HS, tập thể giáo viên nhà trường đã và đang quyên góp một số ngày lương của mình gây dựng “Qũy thắp sáng ước mơ” nhằm hỗ trợ các em có hoàn cảnh bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Trực tiếp chứng kiến nơi các em ăn, ở học hành mới thấu hiểu hết được hành trình đi tìm cái chữ đối với các em HS Trường tiểu học Thạch Tượng II gian nan, khổ sở biết nhường nào, bởi gia đình các em quá khó khăn, chưa có điều kiện để chăm sóc đầy đủ cho con em.

“Chúng tôi mong sao Nhà nước hỗ trợ kinh phí để nhà trường có nơi cho học sinh ở bán trú, có một khu nhà ăn để giáo viên tự nấu nướng và chăm sóc các em HS tốt hơn, chứ chứng kiến cảnh các em ăn uống và không có nơi để nghỉ trưa các thầy cô giáo ai cũng thương nhưng đành chấp nhận vì điều kiện nhà trường không thể lo nổi”, thầy hiệu phó Lưu Đình Dũng chia sẻ.

Hữu Cường - Duy Tuyên
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Top