Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội

5,604
7
38

metyruoi

Active Member
Kỳ 1: Đứa con bị “cướp” của người mẹ khuyết tật

PN - Nguyễn Thị Sim (ảnh) ở Phú Sơn, Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã 32 tuổi mà chỉ cao bằng đứa trẻ sáu tuổi. Vì là trẻ mồ côi khuyết tật nên Sim được Trung tâm Vì Ngày Mai giúp đỡ suốt thời niên thiếu. Cô kết hôn với một người khuyết tật rồi về quê sinh sống. Khi biết vợ mang thai, chồng Sim “quất ngựa truy phong”, bỏ mặc cô vượt cạn khi trong nhà không có nổi một ngàn đồng. Từ đó, đời Sim rơi vào trầm luân, cô buộc phải vờ bỏ rơi con ở trung tâm bảo trợ xã hội để rảnh tay kiếm tiền, mong một ngày đón con về đoàn tụ. Mới đây, Sim chết lặng khi biết người ta đã đem con của cô đi cho tận trời Tây xa xôi nào đó...

Màn kịch dựng sẵn?

Tìm đến văn phòng đại diện Báo Phụ Nữ kêu cứu, chị Sim tâm sự: “Bố mất khi tôi còn trong bụng mẹ. Mẹ lại mất khi sinh ra tôi. Cậu mợ tôi cũng nghèo, chật vật lắm mới nuôi bầy con nheo nhóc. Tôi không dám phiền cậu mợ, nên xin cậu mợ gửi tôi vào Trung tâm (TT) dạy nghề cho người khuyết tật Vì Ngày Mai để học nghề. Có nghề rồi, tôi lại mơ ước lớn hơn là được làm mẹ, làm vợ. Khi tôi yêu một người đàn ông bị khuyết tật vận động, các thầy cô đã đứng ra tổ chức đám cưới cho tôi. Tôi mang thai đến tháng thứ bảy, siêu âm là con gái nên bị chồng tôi bỏ. Từ đó, tôi đã sống trong chuỗi ngày cơ cực. Nhà quá nghèo, tôi lại bơ vơ, sinh con trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Cực chẳng đã, tôi ôm con xuống Hà Nội nhờ bạn bè tìm việc làm, thầy cô lại cho mẹ con tôi tá túc ở TT Vì Ngày Mai. Tại đây, tôi được tiếp xúc với bà Hồ Thị T. (họa sĩ) ở Q.Đống Đa, Hà Nội. Bà T. tuyển tôi và ba người bạn nữa cho một công việc đặc biệt: chế tác những con búp bê mặc trang phục dân tộc. Sản phẩm này thực chất là đồ lưu niệm cao cấp, được bán chủ yếu cho khách du lịch nước ngoài. Vì tôi có con nhỏ, sợ ảnh hưởng đến công việc nên bà T. gợi ý tôi nên tạm gửi con vào TT chăm sóc trẻ tàn tật và người già Thụy An (xã Thụy An - Ba Vì - Hà Nội). Đây là TT bà T. thường lên làm từ thiện…”.

Sim suy nghĩ rất nhiều ngày. Bé Thu Hà là món quà vô giá cuộc sống ban tặng cho cô, nhưng cuối cùng cô cũng đồng ý, vì số phận của mẹ con Sim gần như đã phó mặc cho bà T. cả rồi. Giữa năm 2009, bà T. đã lên kịch bản: Sim gửi con vào TT Thụy An bằng cách bỏ rơi con, bà sẽ giúp cô kiếm tiền đủ để nuôi con. Sau đó, bà sẽ can thiệp để cho Sim nhận làm mẹ nuôi của con mình, từ đó cô sẽ được sống với con suốt đời. Sim kể: “Bà T. còn vẽ ra viễn cảnh chính bà sẽ nuôi con tôi ăn học đàng hoàng. Trước mắt, bà T. thuyết phục tôi chỉ để con vào TT Thụy An đến khi cháu học xong cấp I thì đón về ở cùng. Bà sẽ xin học cho con tôi ở trường dành cho người khuyết tật Xã Đàn.”

Bà T. là người trực tiếp liên hệ với một người đàn ông tên Hồng (sau này tôi mới biết ông Hồng là Giám đốc TT Thụy An). Ngày 7/11/2009, bà T. đã nhờ bà N. (là em gái), cùng bà Tr. (chị chồng bà N.) đưa hai mẹ con Sim lên TT Thụy An. Bà T. nói: “Cô đã liên hệ trước với ông Hồng rồi, cháu là mẹ đẻ của bé Thu Hà, có hộ khẩu ở Thái Nguyên. TT của ông Hồng là TT của Hà Nội, nếu không phải là trẻ bỏ rơi thì họ không nhận đâu. Bây giờ cháu đi cùng cô N., cứ để con cháu ngoài cổng TT Thụy An như trẻ bỏ rơi bình thường, họ sẽ nhận bé Thu Hà theo cách nhận một đứa trẻ bỏ rơi mới được”.

Nước mắt chia lìa

Sim ứa nước mắt kể: “Tôi đau đớn quá. Đầu óc quay cuồng. Tôi ôm con trong lòng, ngồi trên xe của bà N. mà toàn thân tê dại. Đến xã Thụy An, do chưa đến TT của ông Hồng bao giờ, nên ban đầu chúng tôi đã bỏ nhầm con ở một TT phục hồi chức năng cho người tàn tật Thụy An. Đợi mãi không có người ra nhận, bà N. gọi điện thoại cho ông Hồng mới biết là đã nhầm. Qua điện thoại, ông Hồng chỉ đường chúng tôi đến TT. Bà N. nói với tôi: “Bác Hồng bảo cháu cứ đặt con nằm ở cổng TT, sau đó người nhà lùi ra xa quan sát, khi nào TT cho người ra cổng bế cháu vào thì đi về”. Không còn gì đau hơn cảm giác lúc đó của tôi. Thấy tôi khóc quá, người nhà bà N. phóng xe lao đi thật nhanh về Hà Nội. Trên đường đi, tôi phát hiện ra đồ đạc của con vẫn còn trên xe, nên đòi quay lại đưa cho con nhưng bà N. nhanh chóng gọi cho ông Hồng, hỏi xem có cần làm như thế không. Ông Hồng cho biết là không nên mang vào vì sợ bị lộ chuyện con tôi còn có mẹ”.

Sau đó, bé Thu Hà được đổi tên là Uyển Nhi, với thân phận trẻ mồ côi, còn Sim trở thành người làm công trong nhà bà T. Bà họa sĩ này hứa mỗi năm sẽ cho cô hai lần lên thăm con gái bằng con đường đi làm từ thiện. Đổi lại, cô phải giữ bí mật chuyện bỏ rơi con. “Tôi làm việc như người tù bị giam lỏng trong nhà bà T. Tôi không được giao tiếp với ai, kể cả ngày nghỉ, muốn đi thăm bạn bè ở TT cũ đối với tôi cũng vô cùng khó khăn. Những người làm cùng tôi lần lượt ra đi hết, vì đây là công việc rất ít người làm được, nó đòi hỏi tính kiên nhẫn, sự khéo léo, cẩn thận, nên không phải người nào cũng trụ lại được. Bà T. luôn lấy con tôi ra để uy hiếp tôi. Có lần do áp lực và mệt mỏi, tôi xin phép về quê vài ngày thì bà nói: “Cháu mà về thì đừng nghĩ đến chuyện gặp con”. Vì thế, tôi đã chịu đựng suốt ba năm, ba tháng mà không đòi hỏi điều gì. Bà T. nói là trả lương cho chúng tôi hơn hai triệu/người, nhưng thực chất là bà trừ đầu, trừ đuôi, trừ tiền ăn và trừ cả tiền mà bà đem lên TT Thụy An để gửi cho con tôi... Tất cả bà đều tính vào lương của tôi, cuối cùng tôi chỉ nhận được cao nhất là 800.000đ/tháng. Ngày 25 Tết Quý Tỵ vừa qua, đi cùng bà T. núp bóng “từ thiện” để thăm con mình, tôi chết lặng khi không thấy đứa con bé bỏng của tôi đâu nữa. Cán bộ TT Thụy An lạnh lùng thông báo rằng, con tôi đã được cho đi làm con nuôi ở tận nước ngoài... Tôi khóc òa. Bà T. đưa lên phòng ông Hồng để hỏi cho ra lẽ. Tại đây, tôi chính thức được ông Hồng cho biết, con tôi đã được đưa đi làm con nuôi ở Pháp được bốn tháng rồi. Kể từ hôm đó, tôi như người đã chết. Xin các anh chị cứu giúp tôi, xin hãy trả lại con cho tôi”!

Nghe câu chuyện của Sim, chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Sự thật về chuyện tự đánh mất con của Sim còn nhiều uẩn khúc cần được làm rõ. Tôi thoáng rùng mình, bởi cùng thời điểm Sim kêu cứu, chúng tôi cũng đang tiến hành điều tra một đường dây cho, nhận con nuôi nước ngoài là trẻ tàn tật với giá 200 triệu đồng/cháu. Đường dây này được hé lộ từ một người đàn ông tự giới thiệu là chỉ cần có 200 triệu trở lên thì anh ta có thể lo thủ tục nhận một đứa con nuôi trong vòng nửa tháng (theo quy định là sáu tháng), nguồn là trẻ em tàn tật (và có HIV) trong các TT bảo trợ xã hội ở Hà Nội. Từ lời kêu cứu của người mẹ tàn tật Nguyễn Thị Sim, chúng tôi đã đến làm việc với lãnh đạo TT Thụy An, sự thật đau lòng dần lộ ra...

Nhóm Phóng viên
(Còn tiếp)

http://m.phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/dua-con-bi-cuop-cua-nguoi-me-khuyet-tat/a87493.html
 
5,604
7
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội

Kỳ 2: Muốn có con nuôi, phải chi 200 triệu đồng

PN - Tôi từng gặp những phụ nữ hiếm muộn nhiều lần tìm đến các trung tâm bảo trợ xã hội để xin con nuôi mà không được. Hỏi bí quyết của một chị “đại gia” đã xin con nuôi thành công tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 (xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội), tôi được biết: phải có ít nhất một trăm đến hai trăm triệu đồng (tùy từng thời điểm) thì một người Việt Nam mới có thể xin được con nuôi. Đó là lý do vì sao nhiều trung tâm bảo trợ xã hội có trẻ bị bỏ rơi “thích” người nước ngoài nhận con nuôi ở chỗ của họ...

Qua MC nổi tiếng K.N., cầu thủ một thời của CLB Thể Công Hà Nội, ông C đã chi một khoản tiền để có được cô con gái nuôi từ đường dây “kinh doanh” con nuôi của Ngô Trung Hiếu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội.

Có tiền mới giải quyết được

Chúng tôi tiếp cận Trung tâm Bảo trợ số 4 (TT.4), thông qua con đường làm từ thiện. Tại thời điểm này, TT.4 vừa “nhặt” được hai bé sơ sinh “bị bỏ rơi ngoài cổng”. Người chăm sóc các bé thuộc vanh vách ngày, giờ, đặc điểm nhận dạng, thậm chí là tiếng khóc, nét mặt các bé lúc bị bỏ rơi... để kể cho những vị khách đến TT phát quà. Họ làm như vậy nhằm đánh vào lòng trắc ẩn của người đến thăm. Ai cũng phẫn uất, lên án người mẹ khi nghe cô nuôi ở TT.4 hé lộ: “Mới rạng sáng đã nghe tiếng khóc của trẻ con ngoài cổng. Chú bảo vệ chạy ra thì thấy một bọc ni lông quấn tròn, bên trong là đứa trẻ tím ngắt mới sinh xong bị bỏ rơi. Chậm một tí thôi là bé đã chết vì rét rồi đấy các bác ạ”! Lần đầu tiên nghe xong, lòng chúng tôi nghẹn đắng. Nhưng lần thứ hai, thứ ba chúng tôi trở lại TT.4, nghe các cô nuôi trẻ “tua” y như vậy bằng giọng lạnh tanh, chúng tôi thấy dựng tóc gáy.

Sau này, khi thực sự tin rằng tôi là “đại gia”, có nhu cầu xin con nuôi, Ngô Trung Hiếu - cán bộ TT.4 không ngần ngại cho biết: “Thực ra các cháu được đưa đến cổng TT đều theo sự sắp xếp hết đấy chị. Làm gì có chuyện cố tình vứt không một đứa trẻ giữa thời buổi này? Làm gì có chuyện nhận không một đứa trẻ về làm con nuôi? Phải có tiền, thậm chí là rất nhiều tiền...”. Câu nói lấp lửng của Hiếu khiến tôi rùng mình. Mất hàng tháng ròng, ngược xuôi trên cung đường Ba Vì - Hà Nội, chúng tôi hiểu được vì sao những người mẹ nghèo, hiếm muộn, chẳng bao giờ có cơ hội xin được con nuôi.

Trong một lần tiếp xúc với tôi, Hiếu tự nhận mình là người đàng hoàng, sống có tình nghĩa, không coi trọng giá trị của đồng tiền. Hiếu đã từng giúp đỡ nhiều người nhận được con nuôi, nhiều em bé mồ côi có mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhưng, anh ta không quên đi thẳng vào vấn đề “cái cần có” cho lần xin nhận con nuôi của tôi. Hiếu nói: “Em không cần tiền nhưng các sếp của em thì cần lắm. Bây giờ giả sử chị đến đặt thẳng vấn đề với ông giám đốc TT của em với giá 100 triệu một cháu chẳng hạn thì ông giám đốc cũng không thể quyết được. Mọi thủ tục cho, nhận con nuôi xưa nay ở TT.4 đều do em làm hết từ đầu đến cuối”. Hiếu lấy ví dụ một trường hợp mà anh ta vừa giúp làm thủ tục xin con nuôi ở TT.4, là vợ chồng ông C. - một cầu thủ nổi tiếng, cũng phải chi phí không dưới 50 triệu đồng mới xin được con nuôi. Hiếu nhấn mạnh: “Vợ ông C. khi lên TT.4 xin con nuôi phải nhờ qua mối quan hệ của bà K.N., một MC của Đài Truyền hình Việt Nam. Bà K.N. lại được ông giám đốc trước đây của em rất nể. Em biết, những người như họ có mối quan hệ rất “khủng” nhưng đấy là việc của họ, “khủng” hơn nữa cũng chẳng có nghĩa lý gì với em hết. Tất cả phải có tiền mới giải quyết được chị ạ. Sau này nhận cháu về nuôi, chị cũng phải có tiền mới nuôi được chứ. Em “phát” giá với ông C. là 100 triệu (cách đây ba năm), chắc là ông ấy gọi cho bà K.N. để mách hay sao đó, bà K.N. lập tức gọi điện thoại cho em hỏi: “Sao cháu lại lấy nhiều tiền thế?” Bà K.N. còn dọa sẽ đưa em lên truyền hình mới buồn cười. Em bảo bà ấy là em chỉ làm theo chỉ đạo thôi, thắc mắc thì cứ gặp sếp em mà hỏi”.

Bôi trơn bộ máy

Quả nhiên, Hiếu không sợ bị đưa lên truyền hình thật. Anh ta kể: “Em tuyên bố thẳng với bà K.N.: “Không có tiền thì cháu không làm. Cô làm truyền hình, cô quảng cáo thì cô có lấy tiền của người ta không? Chẳng nhẽ vì cô làm truyền hình, cháu sợ cô mà phải rút tiền túi của cháu ra để bôi trơn cho ông chủ tịch, biếu ông tư pháp và ông giám đốc của cháu để làm giúp cô à? Nếu cô không chịu thì cô “lượn” đi. Đấy là luật”. Em thách bà ấy dám đưa lên, thế là có dám đưa đâu. Cuối cùng ông C. nhận được con nuôi, vẫn phải chi 40 triệu tiền mặt bôi trơn, thoát làm sao được”.

Qua Hiếu, chúng tôi được biết, để làm xong thủ tục cho một em bé mồ côi đi làm con nuôi trong nước, về phía TT.4, có chữ ký của ông giám đốc TT, Phó giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch huyện Ba Vì, Chủ tịch xã Tây Đằng... Đi đến đâu, bôi trơn đến đó. Với một người tự đến xin con nuôi, chẳng khác nào dấn thân vào “ma trận”, mất nửa năm vẫn ra về tay không. Nếu chồng đủ tiền thì chỉ trong vòng nửa tháng là Hiếu đã làm xong mọi thủ tục, chỉ việc mang con về nuôi. Hiếu nói: “Nếu đã xác định xin con về nuôi để nó là con mình thì hãy gạt bỏ sự quan trọng của tiền nong sang một bên. Con người mới quý chứ tiền thì là cái quái gì. Mỗi cháu, em được mấy chục triệu rồi cũng uống rượu hết ấy mà. Tình cảm với nhau mới quý chứ”.

Trở về Hà Nội, tôi lật tung các mối quan hệ quen biết để dò hỏi thông tin của cầu thủ C., xác minh câu chuyện Hiếu nói. Hóa ra đó là chuyện có thật. Thật đến từng chi tiết và phũ phàng. Cầu thủ C. vốn là một đại tá quân đội, đã nghỉ hưu, hiện làm thêm công tác cố vấn cho một đội bóng ở Hà Nội. Trong vai một cặp vợ chồng hiếm muộn, đang muốn xin con nuôi, chúng tôi đến nhà riêng của ông C. ở Q.Ba Đình - Hà Nội để được chia sẻ thông tin. Chân thành, ông C. tự hào khoe con gái của mình. Cháu bé được vợ chồng ông nhận nuôi từ lúc chưa đầy ba tháng tuổi. Nguồn gốc của bé cũng là trẻ bị bỏ rơi ở cổng TT.4, vào sáng sớm. Thông qua MC truyền hình K.N., ông C. được nhận con nuôi trong vòng chưa đầy nửa tháng. Tôi hỏi ông về thủ tục ban đầu, có liên quan đến giá cả như Hiếu nói từ 100 triệu đồng, được giảm xuống 40 triệu đồng, ông C. chau mày bực bội, nói: “Tôi không nghĩ là Hiếu lại ra giá cao như thế đâu. Nó nói thẳng với tôi là hết 100 triệu mới làm được, tôi có gọi điện cho K.N. để nói lại như vậy. Không ngờ K.N. bực mình, gọi luôn cho thằng Hiếu, mắng cho một trận. Mấy hôm sau, Hiếu gọi cho tôi để báo lại giá 40 triệu đồng. Nó nói lý do là tiền nhận vào cho TT. Tôi giao tiền trước sự có mặt của ông T. (giám đốc cũ) và Hiếu. Khoảng 10 ngày sau thì tôi nhận được con”. Ông C. cho biết: “Tôi không băn khoăn gì về khoản tiền đã chi. Bản thân tôi là người có điều kiện kinh tế và có khao khát thật sự về một đứa con. Bé không biết mình là con nuôi của bố mẹ. Tôi nghĩ, mẹ của bé hẳn đã có một lý do đau đớn nào đó mới dứt ruột bỏ lại con mình ở nơi lạnh lẽo như vậy. Giờ đây, đời bé được đổi thay, chúng tôi hạnh phúc vì đã đem đến cho con sự thương yêu và lớn hơn cả là mái ấm gia đình”. Tôi thầm mừng cho gia đình ông C. nhưng tiếc là câu chuyện không được xuất phát từ những hành động đẹp. Giá mà không có chuyện mặc cả với nhau...

Trong một lần gặp, Hiếu “bật mí” với tôi: “Chị đừng có lầm tưởng là bỗng dưng người ta đem con đến vứt bỏ ở cổng các trung tâm bảo trợ xã hội nhé! Tất cả đều có kịch bản hẳn hoi đấy. Mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi, các TT phải “mua” với giá thấp nhất là 10 triệu đồng đấy. Khi có “hàng”, người ta sẽ gọi trước, hẹn ngày, giờ mang đến đặt ở cổng TT. Đặt xong thì gọi, một loáng là đâu vào đấy. Người ta sẽ lập biên bản trẻ bỏ rơi, đưa vào tình trạng chăm sóc khẩn cấp... Rồi người mẹ “vứt” con, người xe ôm chở đến để con ở cổng TT cũng sẽ nhận được tiền bồi dưỡng hết. Bây giờ trường hợp bỏ không trẻ con hiếm lắm, làm gì có!”.

Câu chuyện đặt hàng Hiếu nói là có thật. Tôi đã phải mất công nhiều ngày để lần tìm đường đi của những thiên thần bị bỏ rơi. Những điều mắt thấy, tai nghe thật đau xót. Nó làm tôi nhớ lại sự kiện tai tiếng xảy ra ở tỉnh Nam Định hồi cuối năm 2008. Hàng chục cán bộ lãnh đạo các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm y tế... đã lợi dụng nghề nghiệp của mình, thành lập đường dây đẻ thuê rồi bỏ rơi. Họ đã làm giả hồ sơ trẻ bị bỏ rơi và đưa trót lọt 222 trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi...

Nhóm phóng viên
(Còn tiếp)

http://m.phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/muon-co-con-nuoi-phai-chi-200-trieu-dong/a87700.html
 
5,604
7
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội

Kỳ 3: Những hài nhi bị vứt bỏ

PN - Đằng sau số phận mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện, nhà hộ sinh hay các phòng khám tư nhân, luôn có sự rình mò của những kẻ buôn người. Chúng có thể là một tay bác sĩ biến chất, một cô y tá bị đuổi việc, gã xe ôm, hoặc chính người đã mang nặng đẻ đau rồi lạnh lùng vứt bỏ quyền làm mẹ của mình vì tiền.

Khi lòng tham trỗi dậy

Một cán bộ điều tra vụ án “thu gom hơn 300 trẻ em bị bỏ rơi ở Nam Định để lập hồ sơ giả cho đi làm con nuôi ở nước ngoài” đau xót kể: “Vì một khoản tiền không đáng kể mà có những phụ nữ thôn quê chấp nhận “biến mất” một thời gian để mang thai. Sinh con xong, nhận được tiền, họ phó mặc số phận đứa trẻ cho những cán bộ trung tâm bảo trợ, cán bộ y tế (kẻ buôn người) để về quê sinh sống. Trong một thời gian ngắn mà chúng dàn dựng hàng loạt hồ sơ giả, hợp thức hóa nguồn gốc của hơn 300 trẻ bị bỏ rơi theo một kịch bản na ná nhau. Tất cả các bé đều được quấn trong một manh tã, một người nào đó tình cờ “nhặt” được trên đường, rồi đưa vào trung tâm y tế để “chăm sóc khẩn cấp”. Từ đây, các bé được nuôi dưỡng. Và cứ thế, họ nhân danh lòng tốt, sự nhân đạo để làm hồ sơ cho các bé đi nước ngoài làm con nuôi hợp pháp. Sự bỏ rơi này là có chủ đích: vì tiền. Thế nhưng, không đủ bằng chứng để buộc tội về hành vi buôn người, bọn chúng chỉ bị xử lý về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Lương tâm của những người mẹ đã bán con mình sẽ có lúc trỗi dậy, giống như người mẹ mà tôi đã gặp ở bến xe Giáp Bát - Hà Nội, trước Tết Nguyên đán năm 2013. Cô tên là Nguyễn Thu Hà, quê ở Thanh Hóa, ra Hà Nội từ năm 2009, rửa bát cho một cửa hàng ăn trên phố Phủ Doãn. Qua một bà bán nước ở cổng Bệnh viện Việt Đức, tôi được biết, Hà vừa bán một đứa con với giá 10 triệu đồng cho một người phụ nữ, thông qua môi giới của một gã xe ôm. Hà có thể đang trên đường về quê. Thoạt đầu, Hà không chịu gặp tôi, chỉ đến khi tôi nói: “Tôi là chị gái của người vừa nhận đứa con của em làm con nuôi. Thấy em hoàn cảnh quá, chị chỉ muốn gặp để bồi dưỡng cho em thêm một ít tiền thôi”. Hà đồng ý gặp tôi sau hai ngày suy nghĩ. Cô chủ động gọi điện cho tôi khi đã mua vé xe để về lại Thanh Hóa.

Hà nói, cô không thể mang đứa con về quê được. Mới 20 xuân xanh, cô còn cả tương lai phía trước. Hà cũng chia sẻ rất thật: “Nếu em mang bụng bầu hay một đứa trẻ về nhà, bố em đánh chết. Em chỉ định cầm khoản tiền này làm vốn, học nghề làm đầu thôi. Cả đời em chưa bao giờ được cầm 10 triệu trong tay đâu chị ạ”. Tôi ngỏ ý muốn tìm thêm một đứa trẻ nữa để nhận làm con nuôi, Hà cười khẩy, nói: “Có gì khó đâu, chị qua cổng Bệnh viện C (BV Phụ sản Trung ương) lê la ở các quán nước thì người ta sẽ chỉ ngay cho chị cách tìm như thế nào. Trước khi sinh con, em cũng mới biết là nhu cầu mua trẻ con bây giờ nhiều lắm, nhưng vì sợ bị công an bắt nên họ toàn cho vào những nhà chùa. Bọn em mà bỏ con ở bên chùa thì chỉ được bồi dưỡng năm triệu đồng là cùng thôi. Lâu lâu gặp được khách giống như em gái của chị thì mới được giá như vậy. Mấy anh, chị chuyên làm nghề “kinh doanh con nuôi” còn “gạ” em không cần đi làm gì cho vất vả, cứ làm nghề đẻ thuê, rồi cho trẻ con đi làm con nuôi ở những nhà giàu, cũng đủ sống sung túc, chỉ việc ăn với đẻ. Nếu gặp khách tốt, có thể bán được 50 triệu đồng một đứa trẻ con chứ chẳng chơi. Nhưng, em sợ công an bắt lắm, không dám làm. Dẫu sao mang nặng chín tháng mười ngày, cũng là giọt máu của mình, phải bán đi là bất đắc dĩ thôi chị ạ. Nếu chị thật sự muốn xin con nuôi, em khuyên chị nên sang thẳng chùa B.Đ ở bên Gia Lâm, người ta sẽ tạo điều kiện làm thủ tục đàng hoàng cho chị. Còn nếu nhận ở BV Phụ sản, qua tay nhiều người, tốn kém hơn mà lại không an toàn. Trẻ con ở chùa B.Đ, được gom về từ nhiều nguồn nên rất sẵn chị ạ”. Tôi hỏi Hà: “Sự thật thì em bán con đến lần thứ mấy rồi?”, Hà không đáp mà nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét. Đợi mãi không thấy tôi đưa thêm tiền như đã nói trong điện thoại, Hà hơi chột dạ, nhanh chóng biến mất vào dòng người đông nghẹt ở bến xe ngày cận Tết.

Những cán bộ biến chất

Tôi đã lang thang rất nhiều ngày để tìm những bằng chứng khách quan về các đường dây “kinh doanh con nuôi” ở Hà Nội. Muốn chứng minh những gì Ngô Trung Hiếu nói là sự thật, cần đưa ra ánh sáng một mảng tối của chính sách được coi là nhân đạo như là cho, nhận con nuôi - một việc quả rất khó. Phàm là những gì xấu xa, độc ác thường được che đậy rất kín. Hiếu thường đổ cho cơ chế, đổ cho các sếp của anh ta chỉ đạo phải làm như thế. Anh ta nói: “Mỗi đứa trẻ được cho đi làm con nuôi đều có giá của nó rồi. Không có chủ trương thì em không thể làm được. Ít nhất thì một trường hợp nhận con nuôi, khoản đầu tiên phải trả là tiền mà trung tâm “mua” (nhân danh tiền bồi dưỡng sức khỏe sinh sản) là không dưới mười triệu đồng”.

Hiếu nói: “Nguồn gốc đứa trẻ được ưa chuộng nhất khi được đề xuất đi làm con nuôi, là một đứa trẻ không có gốc. Chúng là những người bị cha, mẹ của mình vứt bỏ hoàn toàn. Xuất thân của chúng là trẻ bị bỏ rơi ở cổng trung tâm thì “chuẩn không cần chỉnh” chị ạ”. Muốn làm được điều này, những cán bộ biến chất như Hiếu thuộc làu kịch bản đã được dựng sẵn. Khi có trẻ, không cần biết lý do bị bỏ rơi là gì, đội ngũ xe ôm, y tá, bác sĩ... sẽ liên lạc với mối của mình để mang đến cổng trung tâm. Theo một gã xe ôm tên Công, ở cổng BV Phụ sản Trung ương: “Mỗi lần môi giới một đứa trẻ, tôi chỉ nhận được từ một-hai triệu đồng. Mình chỉ mách cho người ta gặp nhau thôi, ăn tiền ít nhưng an toàn, không bị bắt”. Cũng giống như Hà, Công là người rất khó tiếp cận. Anh ta luôn nghi ngờ tôi là “cớm”, nên thoạt đầu chối đây đẩy cái việc anh ta đang làm là “buôn bán người”, chứ không phải là nghề xe ôm như mọi người thường thấy.

Tôi đến tìm Công ở Bệnh viện C, vẫn trong vai người đàn bà có nhu cầu đi xin con nuôi. Câu đầu tiên mà Công hỏi tôi là: “Ai giới thiệu chị gặp tôi?" và rất nhiều câu hỏi khác để xem liệu tôi có là khách hàng tiềm năng của hắn hay không. Khi tin rồi, Công hé lộ nhiều chuyện kinh hoàng về công việc của mình. Công nói: “Làm cái này không cẩn thận là bị bắt như chơi. Kể cả chị, nếu công an phát hiện chị đang mua một đứa trẻ con, chị cũng bị bắt ngay. Thế nên, chúng ta chỉ giao dịch qua điện thoại thôi, không được gặp nhau cho đến khi tôi đưa một con bé có chửa đến đây để đẻ. Chị cứ chuẩn bị tầm 50 triệu đồng cho thương vụ này. Trong đó, tôi sẽ phải chi cho rất nhiều người để khi khai sinh, người ta sẽ điền tên người mẹ là chị, chứ không phải là mẹ đẻ thật sự của đứa trẻ mà chị định nhận làm con nuôi. Như thế, khi mang đứa trẻ ra khỏi bệnh viện thì nó sẽ là con của chị, đưa tiền cho mẹ đẻ của nó và bế con mình về thôi”. Tôi thắc mắc: “Anh nhầm à, tôi phải làm thủ tục xin con nuôi hẳn hoi, mà bệnh viện thì họ không có chức năng làm việc đó. Anh phải có cách khác chứ!”. Công bảo: “Trước đây, tôi vẫn đưa trẻ bị bỏ rơi lên các trung tâm bảo trợ xã hội trên Ba Vì. Mỗi đứa trẻ vứt ở cổng trung tâm, tôi được nhận năm-bảy triệu cơ. Nhưng nếu chị vào những trung tâm đó xin con nuôi thì đừng hòng. Chúng nó sẽ được đưa đi nước ngoài làm con nuôi hết, làm gì đến lượt chị. Nhiều người vẫn làm theo cách tôi bày cho đấy, chẳng thấy họ kêu ca gì đâu”.

Công cho tôi thêm một lựa chọn khác, cũng giống như Hà, anh ta hứa sẽ chở tôi sang chùa B.Đ để tìm xem có đứa trẻ nào ưng ý thì xin làm con nuôi. Tôi hỏi: “Hết bao nhiêu tiền?”, Công cười nhạt: “Cái đó thì tùy tâm chị. Cửa Phật người ta không đòi thẳng thừng như thế đâu. Người ta sẽ nói là “tùy tâm”. Ai nhận con nuôi ở đây chả tự giác cung tiến vài chục triệu, có người cung tiến mấy trăm triệu cho nhà chùa. Sư chẳng nói ra thì khắc có người “bắn” đến tai phật tử có lòng từ bi. Phật dạy, cứu một người phúc đẳng hà sa... tiền thì quan trọng gì. Mỗi khi anh đưa trẻ con bị bỏ rơi cho chùa được “lại quả” từ năm-bảy triệu đồng. Nhưng thực ra, anh chỉ nhận được một-hai triệu, còn lại thì bồi dưỡng cho người mẹ. Đó là “luật” và lệ”. Công hứa sẽ tìm cho tôi một bà chửa khỏe mạnh để sinh con trong một bệnh viện lớn. Còn tôi phải sắm vai là chị gái của sản phụ đó và đàng hoàng bế đứa bé ra khỏi bệnh viện cùng người đã sinh ra nó. Giá chính xác của phi vụ này được chốt lại là 40 triệu đồng. Bế đứa trẻ không phải do mình đẻ ra về nhà, tôi sẽ phải chịu trách nhiệm hợp thức hóa nguồn gốc, biến nó thành con nuôi của mình....

Nhóm phóng viên
(Còn tiếp)

http://m.phunuonline.com.vn/xa-hoi/...-noi-ky-3-nhung-hai-nhi-bi-vut-bo/a87874.html
 
5,604
7
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội

Kỳ 4: Phòng khám "buôn người"

PN - Có những kẻ sẵn sàng vứt bỏ giọt máu của mình thì cũng có những người mở lòng ra đón lấy những trẻ em không may ấy. Một người mẹ nhận con nuôi ở Trung tâm số 4, từng băn khoăn hỏi tôi: “Chị làm việc ấy đúng hay sai?”.Tất nhiên, tôi nói chị làm đúng, vì tôi nhìn thấy đứa trẻ chị đang nuôi dưỡng cùng những đứa con của chị ngày một khôn lớn và đẹp đẽ. Nhưng, nghĩ đến việc chị đã phải bỏ tiền ra “mua” đứa trẻ ấy về, để nó được sống trong yêu thương tôi lại thấy buồn...

Không thiếu người bán

Lần gặp thứ hai, Công đưa tôi đến một quán nước đối diện cổng thứ hai của Bệnh viện Phụ sản Trung ương (số 1 Triệu Quốc Đạt - Hà Nội). Tại đây, hắn gặp người đàn bà tên Hiền để giới thiệu yêu cầu của “khách”. Hiền kéo Công ra chỗ khác nói gì đó, cốt để tôi không nghe thấy. Lát sau, Công trở lại chỗ tôi, giở giọng khó khăn: “Chị không gặp may rồi, thời điểm này trẻ con đang khan hiếm lắm. Mới Tết xong, chẳng ai muốn vứt bỏ con mình. Họ sợ đen đủi. Mụ Hiền này lúc nào cũng nuôi sẵn mấy bà chửa, họ lên bàn mổ đẻ ngay khi gặp người có nhu cầu xin con nuôi... nhưng Hiền bảo bọn chúng không chịu đẻ vào đầu năm”. Tôi quay sang tìm Hiền thì cô ta đã biến mất từ lúc nào. Một phụ nữ khác đến gần tôi, rỉ tai: “Để chị hỏi con Thanh cho, ngày xưa nó làm y tá ở viện này”. Qua người phụ nữ này, tôi được biết gia đình Thanh bán nước chè ở cổng Viện C, đó cũng là nơi Thanh môi giới bán trứng cho những phụ nữ hiếm muộn. Cô ta đứng giữa, “buôn” quan hệ với các y bác sĩ của bệnh viện với người có nhu cầu. Khi nào có trẻ bỏ rơi, Thanh sẵn sàng “giúp” những cô gái có ý định bỏ con... để nhận tiền bồi dưỡng từ người có nhu cầu mua đứa trẻ bị bỏ rơi. Mấy năm trước, Thanh bị đuổi việc vì vi phạm kỷ luật. Từ đó, cô ta nuôi sống gia đình bằng nghề tay trái: “buôn người”!

Tôi chưa kịp “bắt mối” với đường dây của Thanh thì Công sấn đến, kéo tôi theo hắn. Đi được một đoạn, Công bảo: “Cứ để anh tìm cho, làm gì phải vội. Làm món này thì nhiều người làm được lắm, nhưng mà giá cả thì còn tùy. Cô yên tâm, đã làm với anh thì giá cả phải chăng nhất rồi”. Tôi lấy lý do sắp phải ra nước ngoài thăm chồng hai tuần, cần phải có thông tin ngay về đứa trẻ định nhận làm con nuôi để hỏi ý kiến anh ấy. Công nói: “Vậy thì cho anh thêm hai triệu, anh sẽ tìm nhanh cho. Sáng mai cô đến phòng khám 934 Trương Định, ngồi đợi anh ở quán nước gần đấy”. Hôm sau, Công đến Phòng khám đa khoa phía Nam, tót thẳng vào bên trong. Khoảng nửa tiếng sau, Công quay ra bảo: “Không có”. Tôi hỏi: “Nghĩa là sao?”. Công nói: “Nghĩa là chưa có đứa nào bỏ con hôm nay”. Tôi hỏi: “Chỗ này có trẻ bán thường xuyên không?”. Anh ta xẵng giọng: “Hỏi lắm thế, có những điều cô không nên biết…”.

“Làm phúc”

Đợi hai ngày sau không thấy tôi liên lạc lại, Công liên tục gọi vào số điện thoại của tôi. Tôi không bắt máy, anh ta nhắn tin: “Gọi lại cho tôi nhé!”. Trong thời gian ấy, tôi tìm được một người mang thai sắp “lâm bồn”, nhờ chị sắm vai cùng tôi để thâm nhập Phòng khám đa khoa phía Nam. Vào phòng khám, cô nhân viên văn phòng hỏi tôi đến tìm ai? Tôi nói: “Em gái tôi lỡ...”. Chỉ chừng đó thôi, cô nhân viên đã hiểu ý. Cô bảo: “Bác sĩ Cường không có ở đây, phải hẹn trước mới gặp được”! Nói đoạn, cô đưa cho tôi số máy của bác sĩ Cường để đặt lịch khám. Chiều hôm sau, tôi gọi cho số máy 0913.0281... Tôi nói: “Hôm qua em đưa đứa em gái đến gặp bác sĩ, nhưng họ nói em phải gọi điện trước”. Ông bác sĩ nói: “Biết là muốn gì rồi, đưa qua đây ngay đi”.

Đang là giờ làm việc nên người phụ nữ mang thai hứa giúp tôi lại không thể đi khỏi cơ quan ngay. Tôi đến một mình. Hai nhân viên nữ trẻ măng đưa tôi lên tầng năm, qua một chiếc cầu thang tối tăm, sực mùi ẩm mốc và lạnh lẽo. Một cô gái mặc áo blouse trắng chỉ tôi ngồi vào chiếc bàn bề bộn.

Mười phút sau, một người đàn ông có mái tóc muối tiêu xuất hiện. Đi ra từ một căn phòng tối om, tóc rối bù, mặt bóng mỡ, vừa đi vừa nhét áo sơ mi vào quần, ông ta ngồi xuống ghế đối diện, tự giới thiệu: “Tôi là Lê Cường, bác sĩ chuyên khoa II, giám đốc phòng khám này. Em gái cô đâu, tôi không có nhiều thời gian đâu”.

- Tôi chống chế: “Nó đang giờ làm, sẽ đi taxi đến sau em một lát. Em mới là người quyết định tất cả, nó còn nhỏ tuổi nên không biết gì đâu”.

- Ông Cường nói: “Cái gì tôi cũng giúp được hết nhưng nó phải qua đây để tôi khám. Em cô mang thai tuần thứ bao nhiêu?”.

-Tôi bảo: “Hình như tuần thứ 37-38 gì đó”.

-Ông Cường nói: “Được, tôi sẽ can thiệp cho nó đẻ sớm”.

- Tôi hỏi: “Em tôi sẽ sinh ở đâu?”.

- Ông Cường bảo: “Sinh ở phòng khám chuyên khoa sản đàng hoàng. Thích thì tôi cho sinh ở Trung tâm y tế huyện Thanh Trì, bệnh viện Phụ sản, hoặc cùng lắm thì sinh ở phòng khám của tôi. Tôi sẽ trực tiếp đỡ đẻ hoặc cho nhân viên của tôi đưa em cô đi đẻ đàng hoàng. Tùy cô chọn, tôi làm phúc là chính thôi”. Ông Cường khẳng định, sau khi đỡ đẻ xong, sẽ “cho” đứa trẻ em tôi sinh ra vào chùa B.Đ, đổi lại, em tôi sẽ nhận được năm triệu đồng tiền bồi dưỡng sức khỏe. Ông lại nói đến từ “làm phúc” khiến tôi không khỏi rùng mình. “Cô cho con, cho cháu cô vào chùa cũng là một cách tạo phúc, nhà chùa người ta cũng làm phúc cho cô, giúp cho con, cháu cô có một tương lai ổn định hơn, được đảm bảo hơn. Em cô sinh con mà không được gia đình thừa nhận thì cả nó và con cùng khổ. Tốt nhất là xác định mình sinh xong thì quên luôn đứa trẻ đó đi” - ông Cường lạnh lùng nói.

Rồi ông Cường lẩm bẩm tính tiền dịch vụ đỡ đẻ cho em gái tôi. Tổng số tiền mà tôi phải nộp trước cho ông là 4,5 triệu đồng. Tôi yêu cầu tính ra từng khoản cho rõ, ông Cường bực dọc: “Riêng tiền công cho uống thuốc kích thích đẻ sớm, tôi lấy hai triệu đồng. Cái này là tôi làm không đúng quy định của ngành y tế đâu. Người ta cấm can thiệp đẻ sớm, nhưng tôi làm phúc cho nhà cô nên linh động thôi. Còn các khoản khác là tiền vào viện, tiền bôi trơn bác sĩ, tiền công người ta đỡ đẻ...”. Ông Cường trấn an: “Cô yên tâm đi, em cô sinh xong, người ta sẽ “lại quả” cho ít nhất là năm triệu đồng để bồi dưỡng sức khỏe. Như thế là hay nhất rồi đấy, tôi thèm vào mấy đồng bạc lẻ tẻ này. Làm phúc là chính thôi”.

Như nhớ ra một điều quan trọng, BS Cường nghiêm mặt: “Nhớ điều này, việc tôi trao đổi với cô thì chỉ biết vậy thôi nhé! Nói ra thì bị công an bắt cả lũ. Nhà chùa xin con của cô họ không muốn biết gì về cô, về đứa trẻ, thậm chí về tôi... hãy giữ mồm giữ miệng đấy”. Cuối cùng ông Cường đưa cho tôi tấm name card của ông, hẹn tôi đưa em gái đến vào sáng hôm sau…

Nhóm phóng viên
(Còn tiếp)


Name card của BS Cường phát cho các bệnh nhân: Phòng khám đa khoa phía Nam. Cơ sở I số 934 - 936 - 938 đường Trương Định - Đuôi Cá - quận Hoàng Mai - Hà Nội. Cơ sở II nằm ở đường Tứ Hiệp - Văn Điển (là chỗ ông Cường từng nói em tôi sẽ sinh con ở đó). Trên tấm card ghi chức danh của ông là Bác sĩ Lê Cường - Giám đốc; Chuyên khoa cấp II - Ngoại - Sản; nguyên chủ nhiệm khoa Ngoại, Bệnh viện Không Quân - Chuyên gia y tế Angieri...

http://m.phunuonline.com.vn/xa-hoi/...ha-noi-ky-4-phong-kham-buon-nguoi/a88044.html
 
5,604
7
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội

Chùa BĐ này tai tiếng từ lâu rồi...

Kỳ 5: Trẻ “bỏ rơi” nơi cửa Phật

PN - Cũng như nhiều người, tôi từng kính phục sự nhân ái của sư trụ trì trong việc nuôi dưỡng hàng chục em bé mồ côi bị bỏ rơi ở cổng chùa. Nhiều công ty, tổ chức trong ngoài nước và bạn bè tôi đã đến đây làm từ thiện, chia sẻ khó khăn với nhà chùa để nuôi dưỡng các cháu. Nhưng, khi thực hiện loạt bài này, tôi đã “sốc” trước những lời rỉ tai rằng nơi đây như một “kênh” cung cấp con nuôi. Hiện có đến gần 200 trẻ mồ côi được gom về từ nhiều nguồn khác nhau, đang sống lay lắt ở chùa Bồ Đề…

“Thợ” nuôi trẻ

Nguyễn Thị Nhàn, quê ở Nam Định đã làm “Ôsin” trong chùa bốn năm, “bật mí”: “Sư thầy vừa mua mảnh đất những 45 tỷ để xây nhà cho trẻ mồ côi ở đây. Chùa này không phải của Nhà nước, tiền là do khách thập phương cung tiến cả đấy”. Nhàn lên thành phố làm nghề giúp việc, được sư thầy tuyển vào chùa trông trẻ. Mỗi tháng sư thầy trả lương không dưới ba triệu đồng. Ở chùa, có vài chục người phụ nữ như Nhàn, được gọi là mẹ. Mỗi mẹ nuôi bốn-năm con (trẻ bị bỏ rơi) nhỏ xíu.

Nhàn cho biết: “Trẻ ngày càng đông, chăm làm sao xuể được. Đôi khi chúng nó khóc cũng mặc kệ, dỗ được đứa này thì đứa kia quấy nhèo nhẹo, mệt lắm. Thỉnh thoảng cũng có bé qua đời. Trẻ ở đây bị bỏ rơi nhiều lắm, có đứa bị HIV. Báo chí viết về chùa đầy ra đấy, chị không biết chùa này rất nổi tiếng à? Hết đoàn nọ đến đoàn kia ghé làm từ thiện thì mới có tiền mà nuôi các cháu, chứ ở đây làm gì có chế độ nhà nước?”.

Tôi hỏi: “Ngoài lương ra thì các mẹ có khoản nào khác nữa không?”, Nhàn đáp: “Thỉnh thoảng phật tử thương, giấm giúi cho các mẹ mấy đồng để nuôi các cháu tốt hơn. Sư thầy mà biết là bọn em phải nộp lại ngay, chỉ nhận lén lút thôi”. Nhàn cũng như nhiều người mẹ khác, không rõ chính xác những đứa trẻ mồ côi đến từ đâu. Chỉ thỉnh thoảng thấy các sư trong chùa mang vào khu nuôi một cháu, giao cho các mẹ. Họ dặn phải nói tất cả trẻ con ở đây đều là trẻ bị vứt ở cổng chùa. Nhàn rủ tôi vào chơi, thăm các cháu. Cô thản nhiên nói: “Chị cho xin mấy đồng mua bánh để lát nữa ăn…”.

Tôi theo Nhàn vào khu mới mà chùa vừa xây. Sự bừa bộn, ồn ào hiện ra nhức mắt nhưng cái vô cảm của những người chăm sóc trẻ mới thực sự khiến tôi thấy nhói lòng. Vài em bé sơ sinh khóc đến tím ngắt nhưng các mẹ vẫn thản nhiên buôn chuyện với nhau. Thấy tôi thắc mắc, một mẹ nói: “Con của ai, người nấy quản”. Mãi sau tôi mới biết, mẹ của các cháu đó vừa ra ngoài chưa về. Nhàn giới thiệu tôi là người mới đến chùa lần đầu, muốn xem qua khó khăn của nhà chùa để sau này trở lại làm từ thiện. Các mẹ nhao nhao: “Đừng có mang bánh kẹo, quần áo cũ đến cúng nhá. Ở đây không cần những thứ đó nữa đâu. Cần tã, sữa, tiền hoặc giấy ướt để lau cho các cháu”. Các chị không quên dặn tôi phải mang thẳng giấy đến khu nuôi các cháu, không được đưa cho sư thầy, tránh tình trạng sư thầy phát theo chế độ hàng tháng, sẽ chẳng đủ dùng.

Trước một em bé sơ sinh còn đỏ hỏn, tôi hỏi: “Em bé này bị bỏ rơi ở đâu?”, người mẹ nuôi em đáp: “Người ta gọi điện cho sư bác đi nhặt ở đâu về tôi không rõ lắm. Giao cho mình tôi ba đứa còn đỏ hỏn thế này, vất lắm cô ạ”. Nhàn nháy người “mẹ” vừa nói chuyện với tôi, nhắc lại không dưới năm lần câu: “Ở đây đều là trẻ người ta đem đến bỏ rơi ở cổng chùa cả đấy chị ạ”. Không hiểu sao Nhàn không cho tôi chụp ảnh một cháu bị ghẻ lở đầy người. Không chịu nổi cảnh người mẹ cầm hai chân một em bé sơ sinh đang ngủ ngon, kéo xềnh xệch sang một vị trí khác, tôi bỏ ra ngoài...

Gặp sư thầy… khó lắm

Đi tìm sư thầy trụ trì, qua một căn phòng, thấy mấy sư bác trẻ măng đang xúm quanh một chiếc máy tính, vào mạng, tôi cất tiếng hỏi, một sư bác xẵng giọng: “Cô có việc gì mà đòi gặp sư thầy?”, tôi nói: “Thưa, tôi hỏi cho một người em gái, cô ấy lỡ có thai, muốn gửi con vào chùa”. Sư bác hỏi tiếp: “Là con trai hay con gái?”, tôi đáp: “Vì chưa sinh, nên không biết giới tính?”, sư bác nói: “Nếu là con trai thì cứ mang sang để ở cổng chùa là được, con gái thì thôi, chưa chắc thầy nhận đâu”. Tôi nài: “Cứ chỉ cho tôi gặp sư thầy đi, tôi cần nói chuyện”. Bất đắc dĩ sư bác này mới chịu đưa tôi đi tìm sư thầy nhưng chúng tôi bị một anh bảo vệ cao lớn chặn lại, hỏi sư bác đưa tôi đi đâu? Nghe chuyện, anh bảo vệ dứt khoát ngăn không cho gặp sư thầy. Anh ta nói: “Vấn đề liên quan đến trẻ con bị bỏ rơi, mình tôi có thể giải quyết được hết”. Tôi hỏi: “Anh có quyền gì mà giải quyết được?”, anh ta nói: “Tôi là bảo vệ, đồng thời là người giải quyết mọi chuyện ở chùa này. Một trăm bảy mươi mấy cháu này tôi đều giải quyết đấy chứ. Sư thầy không phải là người ai muốn gặp lúc nào cũng được!”. Tôi đành quay lại phòng bảo vệ để ngồi nói chuyện. Anh bảo vệ xưng tên Tài. Lần đầu tiên tôi thấy quyền lực của một bảo vệ trong chùa lại “to” đến thế. Tài khoát tay nói: “Chuyện của cô quá đơn giản. Hôm nào em cô đẻ, cứ mang đến đây nhà chùa nhận tuốt. Trai gái gì cũng được”. Tôi hỏi: “Nhưng có điều kiện gì không?”, Tài đáp: “Nếu vứt ở cổng chùa thì không cần viết gì. Nếu đưa vào gửi nhà chùa thì phải viết cam kết là giao con hoàn toàn cho nhà chùa nuôi”. Tài dặn đi dặn lại, khi nào em tôi sinh xong, cứ gọi cho anh ta là đứa trẻ sẽ được bỏ vào chùa nhanh, gọn…

Nhóm phóng viên
(Còn tiếp)

Sáng 7/3, ông Lưu Ngọc Tiến - Phó Chủ tịch (phụ trách văn hóa - xã hội) UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên - Hà Nội cho biết: “Chùa Bồ Đề thuộc sự quản lý của phường. Việc nhà chùa nhận hàng trăm trẻ mồ côi về nuôi hoàn toàn mang tính tự phát, không được cấp có thẩm quyền ra quyết định cho phép. Nhiều lần chúng tôi đã đề nghị sư thầy phối hợp với chính quyền địa phương làm thủ tục đưa các cháu vào các cơ sở nuôi dưỡng có pháp nhân nhưng ý sư thầy muốn bao bọc cho tất cả những số phận kém may mắn thì phải! Vài năm trở lại đây, số trẻ sơ sinh trong chùa ngày một đông, tình trạng chăm sóc không chu đáo bắt đầu phát sinh, nhất là việc ô nhiễm môi trường do người quá đông. Mỗi năm, cán bộ y tế phường kiểm tra sức khỏe, phát hiện các cháu mắc bệnh ngoài da rất nhiều. Thỉnh thoảng, có cháu chết vì bệnh tật, chủ yếu là trẻ nhiễm HIV”.

Về phương diện quản lý nhà nước, ông Tiến rất hy vọng các cơ quan chức năng phối hợp với nhà chùa trong việc quản lý các cháu mồ côi sao cho đúng luật.
 
5,604
7
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Thâm nhập đường dây “kinh doanh” con nuôi ở Hà Nội

Kỳ cuối: Quanh quẩn chạy tội

Kỳ cuối: Quẩn quanh chạy tội

PN - Khi loạt bài này đăng tải, Ngô Trung Hiếu đã vận dụng các kênh quan hệ của mình để Báo Phụ Nữ dừng đưa những thông tin liên quan đến anh ta. Hiếu còn hướng dẫn chị Trần Thị Đ. (Q.Cầu Giấy - Hà Nội) viết thư cảm ơn, gửi đến Trung tâm bảo trợ xã hội (TT) số 4, về việc Hiếu đã tạo điều kiện để chị nhận được con gái nuôi năm 2009 mà không phải chi phí bất cứ khoản tiền nào. Thực tế, để nhận được con nuôi ở TT số 4, chị Đ. phải chi hàng trăm triệu đồng. Hiếu còn gửi bản tường trình tới lãnh đạo cơ quan và Sở LĐ-TB-XH Hà Nội với nội dung: “Những gì tôi nói với nhà báo chỉ là nói bừa”...

Con nuôi rất... “đắt hàng”

Trong một lần gặp để thuyết phục tôi nhận bé trai tên Nguyễn Thành Công làm con nuôi, Hiếu cho biết: “Nếu chị bỏ lỡ không nhận thằng bé thì rất khó có cơ hội khác. Việc người trong nước nhận được con nuôi là gần như không thể. Trường hợp cầu thủ C. nhận được con nuôi là phải có sự “bảo lãnh” của các “VIP”, trong đó có bà K.N. (rất thân với giám đốc cũ của em) và một quan chức cấp cao là ông N.C.V. “ép” xuống, sếp em mới đồng ý. Tất cả đều phải mất một khoản chi phí không nhỏ, nhẹ thì vài chục triệu, nặng thì vài trăm triệu. Không có phí tiêu cực thì không làm nổi đâu. Khi nào đến xã làm thủ tục bàn giao, em sẽ hướng dẫn chị bỏ phong bì bao nhiêu tiền để chị trực tiếp đưa cho họ, chứ không phải là em đưa. Đi đến đâu, chi bao nhiêu, em sẽ hướng dẫn chị tự đưa, rất sòng phẳng, rõ ràng. Xin được đứa con về nuôi khó lắm. Nếu chị không tin thì cứ thử đi một vòng hỏi các trung tâm bảo trợ xã hội có hoạt động cho, nhận con nuôi xem. Họ sẽ trả lời ngay là “không”. Nếu chị chỉ thẳng vào một đứa trẻ nào đó mà xin nhận làm con nuôi, họ sẽ nói đứa trẻ đó bị HIV, không nhận được”.

- Tôi hỏi: “Nếu phải chi tiền như vậy thì phương thức thanh toán như thế nào?”.

- Hiếu nói: “Nếu nhận con nuôi trong nước, thông thường thì cha mẹ nuôi sẽ đóng tiền vào TT theo hình thức ủng hộ từ thiện. Còn nếu là con nuôi nước ngoài thì thanh toán phức tạp hơn. Các tổ chức đại diện của nước có người nhận con nuôi sẽ phải đầu tư bằng hiện vật như cho xe ô tô, xây dựng, hoặc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc phục vụ TT. Tóm lại là cái gì cũng phải có tiền, chị ạ”.

- Tôi hỏi: “Vậy thì trẻ con khác gì món hàng? Mình có được lựa chọn đứa trẻ nào ưng ý không?”.

- Hiếu cười khẩy: “Người ta xếp hàng cả ngàn người, chả đến lượt chị nếu không có tiền và quan hệ. Thời điểm này, TT em chỉ có đứa bé tên Công. Hồ sơ của nó nằm trên phòng tổ chức nên em mới rút được dễ dàng. Đứa bé gái tên Châu mà chị muốn xin thì hồ sơ đã nằm ở Cục Con nuôi rồi, khó rút về lắm. Giá cả thì bằng nhau tất. Con trai, con gái, trung tâm mua vào đều bằng nhau. Ví dụ một người phụ nữ vào bệnh viện đẻ, mình sẽ phải hướng dẫn họ lên TT số 4 mà bỏ. Sẽ có người điện cho em và nói: “Hôm nay có đứa nó bỏ đấy”! Trước khi bỏ, em phải cho bệnh viện làm xét nghiệm người mẹ của đứa bé. Sợ nhất là mẹ bị giang mai; viêm gan B và HIV. Nếu không nhiễm bệnh gì thì mình đồng ý để người ta mang trẻ đến bỏ trước cổng. Nếu bị bệnh thì mách cho TT chuyên nhận trẻ bị bệnh nhận. Hiện nay, các TT nuôi trẻ tàn tật đang rất “đắt hàng” món cho con nuôi nước ngoài”.

- Tôi hỏi: “Chị được biết, chị Đ. phải chi cả khoản phí mà TT đã mua đứa trẻ bỏ rơi đó từ người mẹ bỏ con, có đúng không em?”.

- Hiếu trả lời: “Đúng đấy! Không có ai cho không đâu. Những người bỏ con sẽ nhận được tiền sau khi đứa trẻ đó được cha mẹ đỡ đầu nhận làm con nuôi. Cái này là luật bất thành văn. Tất cả đều có kịch bản hết! Kể cả giờ giấc vứt bỏ đứa trẻ ở cổng TT cũng được xem xét kỹ càng... Em đã làm hồ sơ cho hơn hai trăm đứa trẻ đi làm con nuôi nước ngoài rồi".

Sự giả dối có thừa

Đọc báo, chị Đ. bất ngờ khi người trong vai đại gia “khát” con nuôi mà chị giới thiệu cho đường dây của Hiếu, lại là một nhà báo. Chị tỏ ra vui mừng vì cái điều chị canh cánh bên lòng lâu nay được vạch trần. Chị cho biết: “Hiếu nói với tôi, Hiếu thực chất chỉ là người thừa hành mệnh lệnh, người thực sự quyết định, đặt bút ký vào hồ sơ cho, nhận con nuôi là lãnh đạo của Hiếu. Nếu được thì hãy “tha” cho Hiếu. Báo đăng như vậy, Hiếu sẽ bị đuổi việc mất. Mấy hôm nay Hiếu gọi cho tôi liên tục, nhờ tôi tác động đến nhà báo để dừng bài. Hiếu còn nhờ tôi viết thư cảm ơn TT số 4 vì đã tạo điều kiện để tôi nhận con nuôi mà không phải mất đồng phí nào... Tất nhiên, tôi không đồng ý viết lá thư đó. Sự thật là tôi phải mất rất nhiều tiền. Tôi ghét phải làm những điều giả dối”.

Không chỉ riêng chị Đ. liên lạc với phóng viên để “xin” cho Hiếu, mà còn nhiều kênh khác ngỏ ý muốn dừng đăng thông tin liên quan đến anh ta. Cùng thời điểm này, nhiều lần chúng tôi đã liên hệ phỏng vấn lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, nhưng không được. Sáng 8/3, ông Lê Tuấn Hữu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đã chủ động liên lạc lại với phóng viên qua điện thoại, sau rất nhiều ngày chúng tôi đặt lịch phỏng vấn ông mà không được. Ông Hữu cho biết: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra những gì báo nêu. Tuy nhiên, tôi đã được xem bản tường trình của anh Ngô Trung Hiếu. Anh ta nói, những gì nói với nhà báo chỉ là nói bừa thôi, chứ làm gì có thật”.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc TT số 4 đã gọi điện xin lỗi phóng viên vì không xuống Hà Nội để trao đổi với phóng viên như đã hẹn được. Ông Bằng cho biết: “Ngô Trung Hiếu trước đây phụ trách toàn bộ mảng làm hồ sơ cho, nhận con nuôi của TT số 4, thời đó ông Thắng làm giám đốc. Hiếu đã trực tiếp làm hàng trăm hồ sơ cho, nhận con nuôi, trong đó nhận con nuôi trong nước rất ít. Đến giữa năm 2010, khi tôi về TT thì dự án ông Thắng phụ trách đã kết thúc. Từ giữa năm 2010 đến nay, khi tôi nhận bàn giao thì TT còn 16 đứa trẻ. Đến nay tôi đã trực tiếp ký hồ sơ cho 28 trẻ cho đi làm con nuôi. Hiện Ngô Trung Hiếu đang giữ chức danh Phó trưởng phòng Y tế của TT số 4. Ngay sau khi Báo Phụ Nữ nêu sự việc, Hiếu đã viết bản tường trình gửi các lãnh đạo cơ quan. Chúng tôi rất cảm ơn Báo Phụ Nữ đã nêu ra những tiêu cực này, chúng tôi sẽ tìm hiểu để xử lý những người có liên quan”. Lạ một điều, tại một buổi làm việc với phóng viên Phụ Nữ, có mặt ông Nguyễn Văn Bằng, Hiếu đã khẳng định những gì nói với nhà báo là sự thật nhưng sau đó anh ta lại xoay chuyển sang một hướng khác để đánh lừa các cơ quan cấp trên.

Chiều 6/3, tôi trở lại UBND thị trấn Tây Đằng (Ba Vì - Hà Nội) để tìm hiểu quy trình cho, nhận con nuôi của những trường hợp đã nêu. Theo quy định, việc này diễn ra ở UBND thị trấn, cơ quan này là đại diện ký quyết định cho, nhận con nuôi, làm thủ tục để khai sinh cho đứa trẻ được nhận làm con nuôi, bàn giao cho cha mẹ nuôi.

Tại UBND thị trấn Tây Đằng, tôi được ông Nguyễn Đại Lâm - Chủ tịch thị trấn tiếp với thái độ rất hồ hởi. Thoạt đầu, tưởng tôi tìm hiểu với mục đích viết bài khen, ông Lâm nhanh chóng chỉ đạo cán bộ tư pháp Nguyễn Thị Huệ lấy hồ sơ, số liệu để cung cấp cho phóng viên. Nhưng, khi bị đặt câu hỏi liên quan đến những “khuất tất” trong việc làm thủ tục cho, nhận con nuôi, ông Lâm biến sắc, từ chối tiếp chuyện phóng viên và hướng dẫn chúng tôi xuống phòng tư pháp thị trấn để làm việc với cô Huệ. Trong lúc tôi đang làm việc ở phòng tư pháp, ông Lâm liên tục gọi cho cô Huệ. Kết quả là suốt một buổi chiều, cô Huệ loay hoay với đám hồ sơ của mình nhưng không tìm thấy các tài liệu liên quan đến việc cho, nhận con nuôi từ năm 2005 đến nay tại TT số 4 đóng trên địa bàn. Có phải số phận của gần 300 em bé mồ côi đã được cho đi mà không còn gì lưu lại ở địa phương?

Nhóm phóng viên

Ông Phạm Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: “Về trường hợp của bé Trần Uyển Nhi (được coi là con đẻ của chị Nguyễn Thị Sim), chúng tôi đang tiến hành kiểm tra lại. Nếu thật sự chị Sim là mẹ ruột của cháu và ở vào hoàn cảnh như vậy thì những người làm hồ sơ tiếp nhận và cho bé đi làm con nuôi người nước ngoài thật đáng trách. Theo tôi, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ông Nguyễn Văn Hồng - Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An. Có hai khả năng sẽ xảy ra, thứ nhất chúng tôi sẽ đề nghị trả lại bé cho mẹ đẻ. Thứ hai, mẹ của bé sẽ được biết thông tin về con mình đều đặn...”.

http://www.baomoi.com/Tham-nhap-duo...--Ky-cuoi-Quan-quanh-chay-toi/58/10564204.epi
 
Top