ALnML
Super Moderator
Thận trọng khi ngừa thai khẩn cấp
SGTT.VN - Vì nghĩ các loại thuốc khẩn cấp có tính ngừa triệt để, xác suất cao hơn loại bình thường, ít gây hại cho sức khoẻ… nên không ít phụ nữ đã cất sẵn trong túi nhiều viên ngừa thai khẩn cấp, phòng khi cần kíp thì lấy ra dùng ngay. Đây là một cách hiểu sai lầm!
Không chỉ viên ngừa khẩn cấp, khi dùng các loại thuốc tránh thai bình thường khác, cũng cần chú ý đến đặc điểm của từng loại thuốc. Ảnh: Hồng Thái
Nhiều bạn trẻ hiện cũng rất thích kiểu “chữa cháy” sau khi quan hệ tình dục bằng viên ngừa khẩn cấp, thay vì phải sử dụng những biện pháp tránh thai khác. Khi xảy ra sự cố, đi khám bệnh, bác sĩ hỏi thì đa phần đều có suy nghĩ viên ngừa khẩn cấp nhanh, an toàn, độ ngừa cao. Thậm chí có thể giúp... phá thai!
Lạm dụng coi chừng tác dụng ngược
Bác sĩ Dương Phương Mai, trưởng khoa kế hoạch hoá gia đình, bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP.HCM cho biết những suy nghĩ trên hoàn toàn trái với chức năng của viên thuốc ngừa thai khẩn cấp, “Hiện các bệnh viện phụ sản chưa có thống kê rõ ràng bao nhiêu trường hợp lạm dụng viên ngừa khẩn cấp gây nên hậu quả. Tuy nhiên, hàng đêm đường dây nóng của bệnh viện cứ rung lên, đa số là thắc mắc của những cô gái trẻ về chuyện dùng thuốc ngừa khẩn cấp sao cho đúng”, bác sĩ Mai kể. Cũng theo bác sĩ Mai, cứ mười trường hợp đến khám phụ khoa do bị rong huyết, rong kinh, khi hỏi lý do thì phần lớn đều trả lời có dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp. Trên thị trường, viên ngừa thai khẩn cấp được cho phép bán ở các hiệu thuốc, không cần toa bác sĩ. Tuy nhiên, nếu người bán là dược sĩ, họ sẽ hướng dẫn khách hàng cách dùng hợp lý. Còn với những nhân viên kinh doanh non kém kiến thức, họ chỉ dặn dò qua loa, chẳng chú tâm đến sức khoẻ người mua.
Vì thuốc ngừa thai khẩn cấp cũng là một loại nội tiết tố, nên nếu dùng quá nhiều, thuốc có thể gây tác hại cho con người. Cụ thể, có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh bất thường (tỷ lệ 50 – 60%). Đây cũng là những yếu tố gây hiếm muộn. “Nhiều người cứ nghĩ dùng nhiều thuốc thì tác dụng ngừa thai càng cao. Đó là một sai lầm. Với viên ngừa khẩn cấp, nếu dùng thường xuyên, nhiều lần thì xác suất ngừa thai lại tỷ lệ nghịch, giảm dần. Vì vậy mà có nhiều cô gái lâm vào tình cảnh tréo ngoe, dở khóc dở cười, sử dụng thuốc ngừa mà vẫn có con như thường…”, bác sĩ Mai nói.
Phải dùng đúng chỉ định, đúng liều
BS Nguyễn Đăng Quang, trưởng khoa kế hoạch hoá gia đình, bệnh viện phụ sản Hùng Vương, TP.HCM chia sẻ thêm: “Thuốc ngừa thai khẩn cấp cần dùng đúng chỉ định. Ví như những trường hợp quên uống thuốc ngừa thai bình thường hàng ngày hoặc một, hai ngày sau đó; bao cao su bất ngờ bị tuột, rách trong quá trình quan hệ; những trường hợp bị tai nạn hãm hiếp... thì có thể sử dụng viên ngừa khẩn cấp. Mỗi viên ngừa có giá trị từ 72 giờ đến 120 giờ, tức tối đa năm ngày. Khi dùng thuốc, bệnh nhân do không hợp có thể bị nhức đầu, buồn nôn, rong kinh, rối loạn kinh nguyệt. Điều trị các chứng này bằng cách ngưng dùng thuốc hoặc sử dụng những viên dạng ngừa thai bình thường khác”.
Cũng theo bác sĩ Quang, trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc ngừa thai khẩn cấp. Có loại dùng không quá bốn lần trong tháng, có loại chỉ được hai lần. Tuy nhiên, vì nôn nóng và muốn triệt để chuyện phòng ngừa, nhiều người đã lạm dụng quá mức chỉ định. Tốt hơn hết, nếu quan hệ chăn gối với mật độ đều đặn, nên dùng viên ngừa bình thường hoặc dùng bao cao su đúng cách. “Không chỉ viên ngừa khẩn cấp, khi dùng các loại thuốc tránh thai bình thường khác, cũng cần chú ý đến đặc điểm của từng loại thuốc. Bởi, sẽ có thuốc nào dành cho độ tuổi nào. Và người bệnh tim mạch, huyết áp cao thì nên được bác sĩ hướng dẫn rõ ràng trước khi sử dụng thuốc. Viên ngừa dành cho người trước tuổi tiền mãn kinh khác với viên dành cho thế hệ trẻ hơn. Nếu dùng lẫn lộn, người trẻ có nguy cơ bị loãng xương”, bác sĩ Quang lưu ý.
CÁT MINH
Uống thuốc ngừa để… phá thai?
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn dược, đại học Y dược TP.HCM, ở nước ngoài thuốc ngừa thai khẩn cấp phải được bác sĩ kê toa vì việc sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng. Ngay chính các nhà sản xuất cũng thấy điều này khi đưa ra lưu ý “thuốc này chỉ sử dụng theo sự kê đơn của thầy thuốc” và nếu người dùng bị hen suyễn, suy tim, cao huyết áp, nhức nửa đầu, suy thận, động kinh, tiểu đường, tăng lipid máu... thì nên cân nhắc việc dùng thuốc. Ở nước ta, có lẽ do tác động của chính sách dân số nên thuốc được cho phép bán không cần toa.
Cũng theo DS Đức, có không ít người đã nhầm lẫn tác dụng của thuốc ngừa thai khẩn cấp có thể phá thai. Thực ra, thuốc ngừa thai khẩn cấp có tác dụng ức chế sự rụng trứng ở phụ nữ. Trong trường hợp trứng đã rụng và được thụ tinh, thuốc sẽ làm thay đổi nội mạc tử cung để ngăn cản trứng làm tổ. Như vậy, nếu trứng thụ tinh đã làm tổ thì việc dùng thuốc xem như không có hiệu quả. Nói cách khác, thuốc không có tác dụng phá thai và không nên dùng khi có thai.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn dược, đại học Y dược TP.HCM, ở nước ngoài thuốc ngừa thai khẩn cấp phải được bác sĩ kê toa vì việc sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng. Ngay chính các nhà sản xuất cũng thấy điều này khi đưa ra lưu ý “thuốc này chỉ sử dụng theo sự kê đơn của thầy thuốc” và nếu người dùng bị hen suyễn, suy tim, cao huyết áp, nhức nửa đầu, suy thận, động kinh, tiểu đường, tăng lipid máu... thì nên cân nhắc việc dùng thuốc. Ở nước ta, có lẽ do tác động của chính sách dân số nên thuốc được cho phép bán không cần toa.
Cũng theo DS Đức, có không ít người đã nhầm lẫn tác dụng của thuốc ngừa thai khẩn cấp có thể phá thai. Thực ra, thuốc ngừa thai khẩn cấp có tác dụng ức chế sự rụng trứng ở phụ nữ. Trong trường hợp trứng đã rụng và được thụ tinh, thuốc sẽ làm thay đổi nội mạc tử cung để ngăn cản trứng làm tổ. Như vậy, nếu trứng thụ tinh đã làm tổ thì việc dùng thuốc xem như không có hiệu quả. Nói cách khác, thuốc không có tác dụng phá thai và không nên dùng khi có thai.
http://sgtt.vn/Khoe-va-Vui/147488/Th...-khan-cap.html