Thiếu nữ cũng có thể trở thành "Lưu gù"

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Suốt mấy năm, Thương (18 tuổi, Hà Nội) luôn sống trong mặc cảm, tự thu mình vào "vỏ ốc" vì luôn bị bạn bè trêu là có dáng đi hình chữ S. Lý do là vì cột sống cô bị lệch hẳn sang một bên.

> Vẹo cột sống bẩm sinh - căn bệnh khó chữa

Trong khi các bạn cùng trang lứa chọn những chiếc áo, váy bó sát lưng để tôn dáng thì Thương chỉ dám mặc áo sơ mi rộng thùng thình. Vào những dịp đặc biệt phải mặc áo dài bó sát người, cô cảm thấy giống như bị tra tấn vì bạn bè sẽ thấy rõ lưng cô bị vẹo như thế nào.

"Mùa đông, mặc nhiều quần áo còn đỡ chứ mùa hè là mình bị ám ảnh nhất. Chỉ cần thấy ai chỉ trỏ, rì rầm nói chuyện sau lưng là đã có cảm giác họ đang nói về mình. Ai đời con gái mà cột sống không khác gì con rắn uốn lượn", Thương buồn bã nói.

Phát hiện bệnh từ mấy năm trước, tuy nhiên do không được theo dõi, tập luyện điều chỉnh thường xuyên nên cột sống của cô càng bị vẹo nặng hơn. Người cô bị lệch hẳn về một bên.


Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Cột sống một bệnh nhân trước và sau khi mổ lần 2.

Tiến sĩ Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, kết quả chụp Xquang cho thấy, Thương bị biến dạng vẹo cột sống ngực thắt lưng 52 độ, kèm theo ưỡn quá mức cột sống thắt lưng với góc ưỡn 80 độ. Các bác sĩ đã tiến hành đặt vít, nắn chỉnh cột sống. Sau phẫu thuật, góc vẹo còn 20 độ, góc ưỡn cột sống thắt lưng cũng chỉ còn 50 độ.

Theo các bác sĩ, những trường hợp bị vẹo cột sống như trên không phải là hiếm gặp, bệnh lý này chiếm khoảng 2-3% dân số. Bệnh phát triển nhanh nhất ở tuổi dậy thì, nữ mắc nhiều hơn nam với tỷ lệ chênh lệch 9 nữ trên một nam.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân gây bệnh là do đứng hoặc ngồi sai tư thế, xách nặng một bên, thói quen nằm ngủ co quắp…, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. “Có rất nhiều nguyên khác nhau khiến cột sống bị vẹo, có thể do bẩm sinh, mắc bệnh lý về tủy sống, thần kinh cơ. Tuy nhiên, phần lớn đều là vẹo cột sống không rõ nguyên nhân”, tiến sĩ Hậu cho biết.

Cũng theo ông, những bệnh nhân bị vẹo cột sống, nhất là nữ thường cảm thấy mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, nó còn làm biến dạng cột sống, gây chèn ép tim, phổi ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thời điểm khởi phát. Bệnh khởi phát ở trẻ càng nhỏ thì càng nặng, thậm chí có trường hợp gây suy giảm chức năng tim, phổi khiến bệnh nhân tử vong trước 20 tuổi.

Trung bình mỗi năm, góc vẹo sẽ tăng lên 1,7 độ và đạt đỉnh khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Những trường hợp góc vẹo hơn 40 độ thường được chỉ định phẫu thuật, sau đó sẽ tiến hành phục hồi chức năng để giúp cột sống mềm dẻo hơn.

Những bệnh nhân có góc vẹo dưới 40 độ thì chưa cần nắn chỉnh nhưng phải được bác sĩ theo dõi định kỳ và điều trị bảo tồn bằng cách sử dụng áo nẹp. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được các loại áo nẹp này mà chủ yếu nhập từ nước ngoài, chi phí lớn lên đến hàng chục triệu, không phải ai cũng mua được.

Tiến sĩ Hậu khuyến cáo, điều quan trọng trong điều trị cong vẹo cột sống là cần phát hiện sớm để có xử lý kịp thời. Góc vẹo càng lớn thì khả năng phục hồi càng thấp. Vì thế, cha mẹ có thể phát hiện sớm bệnh của con bằng cách quan sát hai vai và cột sống của trẻ khi cúi xuống. Nếu thấy hai vai hoặc xương bả vai không cân bằng nhau, cột sống bị cong thì cần đưa con đi khám để được can thiệp kịp thời. Nếu trẻ bị phát hiện cong vẹo cột sống thì cần được thăm khám định kỳ để theo dõi độ phát triển của bệnh.

http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/04/thieu-nu-cung-co-the-tro-thanh-luu-gu/
 
Top