Thư viện không giá sách

241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Thư viện không giá sách



Thỉnh thoảng tôi lại nhận được một vài cuốn truyện tiếng Việt gửi từ một địa chỉ nào đó trong nước Đức này.

Có một hội chị em phụ nữ sống xa nhà mà tôi quen biết, họ lặng lẽ lên danh mục những cuốn sách, DVD và các ấn phẩm bằng tiếng Việt của mình để chia sẻ với nhau. Khi ai cần, người ấy sẽ lên tiếng mượn và ai có thì sẽ gửi qua đường bưu điện cho người kia.

Những cuốn sách được truyền tay nhau qua rất nhiều thành phố, được đọc bởi rất nhiều người. Có lẽ ý nghĩa hơn nhiều những cuốn sách ở Việt Nam có khi còn mới đã bị để lên giá và chả bao giờ được ngó ngàng nữa. Nếu cuốn sách biết nói, nó sẽ nói nó tuy cũ kỹ và xấu xí nhưng là cuốn sách hạnh phúc bởi đã được trải nghiệm cùng bao người ở nhiều vùng đất xa xôi.

Tôi yêu thích cái cảm giác đọc vài trang sách bằng tiếng Việt trước lúc đi ngủ để có lại cái cảm giác thân quen như đang thở bầu không khí Việt Nam, đang sống bằng chính con người mình, đang đọc tiếng mẹ đẻ. Tôi đọc cho con trai tôi nghe những câu thơ của Xuân Quỳnh trong “Chuyện cổ tích về loài người”: “... Biển có từ thuở đó Biển thì cho ý nghĩ Biển sinh cá sinh tôm Biển sinh những cánh buồm Cho trẻ con đi khắp...”

Thằng bé còn chưa biết nói nhưng tôi tin nó biết “nghe” những câu thơ ấy, biết tiếng Việt ngọt ngào trong từng con chữ, biết cảm nhận tình yêu thương rộng lớn hơn tình cảm trong một gia đình. Và rồi lớn lên, những cuốn sách tiếng Việt sẽ nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu ấy.

Tôi gặp một người đàn ông có gương mặt Á Đông tại một bữa tiệc thân tình đầu hè Hà Nội. Hỏi: - Anh là người nước nào? Trả lời: - Tôi là người Anh. Lại hỏi: - Anh đến Việt Nam lâu chưa? Trả lời: - Tôi làm việc ở đây 2 năm rồi. À, mà ngày nhỏ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở đây.

Câu chuyện trôi qua như bất cứ câu chuyện xã giao nào khác, cho tới cách đây 1 tháng, tôi biết rằng thật ra anh là người gốc Việt. Tôi hiểu rằng, trong thế giới mà một con người có thể có cha là người Mỹ lai Thái Lan, mẹ người Việt lai Pháp, sinh ra và lớn lên ở Đức, mang quốc tịch Nam Phi và hiện sống và làm việc tại Nhật... thì chuyện định nghĩa một con người thuộc về nơi nào đã không còn đúng ý nghĩa, và cũng không còn quan trọng nữa.

Nhưng cái ý nghĩ, tại sao một người không thể tự hào nói rằng tôi là người Việt Nam, vẫn ám ảnh tôi.

* Bài viết thuộc chuyên đề Nhật ký một người Việt. Chuyên đề bao gồm các bài viết:
1. Thư viện không giá sách
2. Vắng mặt ngày hôm nay tại Hà Nội
3. Người Việt trẻ ăn trầu
4. Một lần nữa tôi lại yêu
5. Việt Nam trong Guidebook

Tổ chức chuyên đề: Danh Quý​

Kây Minh

http://dep.com.vn/Giai-tri/Thu-vien-...-sach/4724.dep
 
241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Trả lời: Thư viện không giá sách

Người Việt trẻ ăn trầu



Tôi ăn trầu từ bé. Khoảng chừng mười tuổi gì đó. Mẹ thấy tôi ăn trầu, không cấm, chỉ bảo bỏ ít vôi thôi kẻo bỏng lưỡi.

Có lẽ cái gen ăn trầu nhà tôi mạnh quá nên nó không đợi già, không đợi nhạt miệng với những món ngon ở đời để phải thèm một vị cay nồng, đượm đà đến thế.

Phái nữ nhà tôi những dịp sum vầy lại ngồi tỉ tê miếng trầu bên nhau. Bà bỏm bẻm nhai trầu với phân nửa số răng đã rụng, mẹ tôi vừa đi thay răng giả xong cũng nhai rất sung sức, tôi thì khỏi nói, nghiện miếng trầu và nghiện cái cảm giác được ăn trầu với những thế hệ phụ nữ trong gia đình. Nó ấm cúng và chia sẻ như điếu thuốc của những người đàn ông đốt với nhau những khi bàn việc đại sự.

Cuối năm cấp ba, tôi mừng như bắt được vàng khi chơi với một cậu bạn cũng nghiện trầu. Bọn tôi gọi nhau là người nhà quê, nói thứ tiếng địa phương cũ kỹ khi ăn trầu với nhau và trích dẫn những câu ca dao tục ngữ. Mẹ tôi cười ha hả vì giữa chốn thị thành, mẹ tôi lại được ôn luyện giọng điệu vốn có mà ít người xung quanh hiểu được.

Nên đôi khi bạn tôi đến nhà, chả phải để gặp tôi, chỉ để vào nhà, xin mẹ tôi miếng trầu và ăn xong thì đi về. Giống như người ta được đi một chuyến tàu tốc hành về với quê hương đâu đó trong ký ức. Xa Việt Nam rồi, tôi cũng chả nhai nổi kẹo cao su. Nó chỉ đánh lừa người ta được một lúc, rồi tan biến ngay, không quyến luyến và hòa quyện như miếng trầu. Cũng bởi thế, nó chỉ là miếng ăn, là thói quen, là phương tiện vệ sinh đơn giản như đúng chức năng của nó.

Chỉ có miếng trầu ở Việt Nam mới nồng nàn chuyển tải cái ý nghĩa thấm đượm của “Miếng trầu nên nghĩa phu thê. Mẹ cha đã định em về với anh. Hết rồi áo tím áo xanh. Bây giờ em đã có anh là chồng”. Xa Việt Nam rồi, tôi cũng không ăn trầu nữa. Đàn ông uống rượu có bạn hiền, phụ nữ ăn trầu cũng phải có hội. Nhai một miếng trầu mang từ Việt Nam qua, nuốt tí nước cay nồng xuống cổ họng lại dâng lên nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cái cảm giác ấm áp lan tỏa khi ăn trầu bên nhau, lại thấy như mình vẫn còn là đứa trẻ con lên mười của ngày hôm qua nhón tay lấy một miếng trầu trong đám cưới ra bờ ao lén lút ăn mà má cứ đỏ hồng lên, đỏ hồng lên.

Tôi gặp một người đàn ông có gương mặt Á Đông tại một bữa tiệc thân tình đầu hè Hà Nội. Hỏi: - Anh là người nước nào? Trả lời: - Tôi là người Anh. Lại hỏi: - Anh đến Việt Nam lâu chưa? Trả lời: - Tôi làm việc ở đây 2 năm rồi. À, mà ngày nhỏ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở đây.

Câu chuyện trôi qua như bất cứ câu chuyện xã giao nào khác, cho tới cách đây 1 tháng, tôi biết rằng thật ra anh là người gốc Việt. Tôi hiểu rằng, trong thế giới mà một con người có thể có cha là người Mỹ lai Thái Lan, mẹ người Việt lai Pháp, sinh ra và lớn lên ở Đức, mang quốc tịch Nam Phi và hiện sống và làm việc tại Nhật... thì chuyện định nghĩa một con người thuộc về nơi nào đã không còn đúng ý nghĩa, và cũng không còn quan trọng nữa.

Nhưng cái ý nghĩ, tại sao một người không thể tự hào nói rằng tôi là người Việt Nam, vẫn ám ảnh tôi.

* Bài viết thuộc chuyên đề Nhật ký một người Việt. Chuyên đề bao gồm các bài viết:
1. Thư viện không giá sách
2. Vắng mặt ngày hôm nay tại Hà Nội
3. Người Việt trẻ ăn trầu
4. Một lần nữa tôi lại yêu
5. Việt Nam trong Guidebook

Tổ chức chuyên đề: Danh Quý​

Thanh Yên

http://dep.com.vn/Giai-tri/Nguoi-Vie...-trau/4722.dep
 
241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Trả lời: Thư viện không giá sách

Một lần nữa tôi lại yêu



Tôi muốn kiêu hãnh trả lời khi mọi người hỏi tôi đến từ đâu, tôi sẽ đáp lại rằng tôi đến từ Việt Nam.

Hà Nội 10/09/2008

Mỗi sáng tôi thức dậy, tiếng chim hót líu ríu qua khung cửa sổ căn hộ của tôi ở London, được thay thế bằng tiếng náo nức của xe cộ chạy qua chạy lại; hay tiếng sửa nhà ầm ĩ xen lẫn tiếng rao bán hàng rong. Và cũng chẳng hiểu vì lẽ nào tôi có thể cười vào chính bản thân mình mỗi khi phải rú lên khi nhìn thấy bóng bọn chuột đêm chạy qua lại trên đường phố.

Một cách nào đó tôi vui vẻ chấp nhận ngắm nhìn phố phường Hà Nội ngập bởi những cơn mưa, và cười việc mẹ tôi phải ăn mì gói cả mấy ngày liền. Những gì nơi đây còn xa sự hoàn hảo, còn xa tất cả những gì người ta tưởng tượng rồi mộng mơ. Nhưng, tôi đã đem lòng yêu đất nước của tôi, Việt Nam!” (Trích nhật ký của người mẫu Hà Anh) ...

Thành phố Hồ Chí Minh, ban đêm qua khung cửa sổ phòng làm việc Thành phố lấp lánh những ánh đèn, kiêu sa và lặng yên. Tôi ngồi lẩm nhẩm dịch lại trích đoạn nhật ký cách đây ngót nghét ba năm trời, thời điểm tôi về thăm nhà và nấn ná lưu luyến chẳng muốn đi. Tôi đọc lại nó để tìm cho mình một cảm xúc trỗi dậy trong những tháng ngày hối hả chạy theo những guồng quay của sự nghiệp, cuộc sống và mưu sinh.

Sống ở thành phố tôi ít có thời gian lắng lại để có thể tận hưởng một không gian riêng cho mình, hay gặm nhấm một mảnh cô đơn trong ý nghĩ, điều vẫn hay làm tôi thích thú. So với thời điểm sống ở nước ngoài tôi ít viết hơn nhiều. Cũng có thể tôi để cảm xúc của mình bị lấn át bởi những dự định, kế hoạch của chính mình. Nhưng rồi đôi khi tôi rảo bước một mình, lơ đãng để những sắc màu và âm thanh lướt qua tôi.

Tôi ngồi lại quán cà phê bên đường quan sát cuộc sống của những con người trong thành phố: những người đàn ông chăm chú trồng những khóm hoa cúc vàng dọc quanh các gốc cây trên đường Đồng Khởi... Đã 3 năm trôi qua từ khi tôi trở về làm việc tại quê hương mình. Nhiều người vẫn hỏi vì sao tôi lại có quyết định này? Chẳng phải cơ hội được làm người mẫu tại một trong những thủ đô thời trang lớn nhất thế giới là ước mơ của hết thảy các cô gái trẻ trong nghề người mẫu ở Việt Nam ư?

Vâng, tôi từng có quãng thời gian tuyệt vời. Tôi sải bước trên nhiều sàn diễn, được trải nghiệm nghề với nhiều con người sáng tạo đa chủng tộc, đa văn hóa. Cho đến giờ, tôi vẫn cứ tự hào khi nghĩ đến những giá treo đồ có ảnh tôi kèm dòng chữ in tên tôi rất to “Ha Anh Vu”; bên cạnh nào những Stacey, Maria, Claire…

Tôi vẫn bướng bỉnh và kiên quyết chẳng chọn cho mình một cái tên nước ngoài cho “dễ gọi” như nhiều người khác. Tôi muốn kiêu hãnh trả lời khi mọi người hỏi tôi đến từ đâu, tôi sẽ đáp lại rằng tôi đến từ Việt Nam. Và rồi tôi sẽ kể về những trái xoài cắn vào là ngọt lịm, hay những quán ăn vỉa hè ban đêm... hay về món nem rán không ai mà lại không mê (đó cũng là món ăn "bất khả chiến bại" của tôi đấy!).

Tôi về Việt Nam vì tôi yêu đất nước của mình, tôi muốn gần gũi với gia đình của mình. Tôi mê mẩn những món ăn mọi miền của đất nước mình. Mỗi người có những lựa chọn khác nhau cho mình. Tôi đã có thể thỏa chí của tuổi trẻ bôn ba tới nhiều đất nước tươi đẹp nữa để sống cuộc sống thời trang. Hay tôi cũng có thể xây dựng sự nghiệp của chính mình ở quê hương tôi. Mỗi ngày trôi qua đều viết nên lịch sử cho mỗi cái tên của chúng ta.

Nếu không phải trên Google, thì đối với gia đình, đối với bạn bè và những con người xung quanh mình. Ngày hôm nay tôi biết tôi có thể sống vì đam mê, có thể tự tin sải bước, có thể phấn đấu… cũng vì một lý do tưởng chừng rất giản đơn mà người ta thường quên không nghĩ tới nó… đó là tôi biết mình là ai và đến từ đâu. Tôi là Hà Anh, tôi đến từ Việt Nam, và tôi tự hào về chính sự thực tưởng chừng như rất giản đơn này!


Tôi gặp một người đàn ông có gương mặt Á Đông tại một bữa tiệc thân tình đầu hè Hà Nội. Hỏi: - Anh là người nước nào? Trả lời: - Tôi là người Anh. Lại hỏi: - Anh đến Việt Nam lâu chưa? Trả lời: - Tôi làm việc ở đây 2 năm rồi. À, mà ngày nhỏ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở đây.

Câu chuyện trôi qua như bất cứ câu chuyện xã giao nào khác, cho tới cách đây 1 tháng, tôi biết rằng thật ra anh là người gốc Việt. Tôi hiểu rằng, trong thế giới mà một con người có thể có cha là người Mỹ lai Thái Lan, mẹ người Việt lai Pháp, sinh ra và lớn lên ở Đức, mang quốc tịch Nam Phi và hiện sống và làm việc tại Nhật... thì chuyện định nghĩa một con người thuộc về nơi nào đã không còn đúng ý nghĩa, và cũng không còn quan trọng nữa.

Nhưng cái ý nghĩ, tại sao một người không thể tự hào nói rằng tôi là người Việt Nam, vẫn ám ảnh tôi. (V.T)

* Bài viết thuộc chuyên đề Nhật ký một người Việt. Chuyên đề bao gồm các bài viết:
1. Thư viện không giá sách
2. Vắng mặt ngày hôm nay tại Hà Nội
3. Người Việt trẻ ăn trầu
4. Một lần nữa tôi lại yêu
5. Việt Nam trong Guidebook

Tổ chức chuyên đề: Danh Quý
Hà Anh

http://dep.com.vn/Giai-tri/Mot-lan-n...i-yeu/4705.dep
 
241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Trả lời: Thư viện không giá sách

Việt Nam trong Guide book


Hãy tin vào cảm nhận của bạn, khi bạn khám phá một trong trong những đất nước màu mỡ, sống động và kỳ lạ nhất trên trái đất.

Không gì dai dẳng hơn một hương vị, thứ tưởng như vô cùng mơ hồ. Một bát phở nóng sáng sớm mùa đông thơm nồng nồng mùi thảo quả và tủy xương bò. Một vị rau đắng ngai ngái trong nồi lẩu cá kèo. Nhưng các món ăn, các hương vị hay những vật chất ấy chỉ như một cuộc diễu hành xoàng xĩnh nếu không có chú giải.

Sẽ chỉ là những cuộc tranh cãi tầm thường không hồi kết về việc phở ở đâu ngon hơn nếu như không có một không khí huyền thoại phủ lên món ăn đó. Không khí ấy lại không thể chỉ là những gì truyền khẩu, mà phải có văn sách hẳn hoi. Món ăn bị định chế có cái dở nhưng lại có cái hay.

Chính nhờ sự áp đặt kiểu cách ấy mà đến giờ, người ta vẫn biết đấy là phở Hà Nội chứ không phải một thứ súp mì lõng bõng của người Tàu hay trong leo lẻo của người Nhật. Nói rộng ra, cần một không gian thực địa lẫn văn sách để tiền hô hậu ủng cho đặc tính Việt Nam ấy. Nói mồm, bảo hay hay lắm chưa đủ, cần có định lượng hóa, như những gì thường được viết trong các cuốn sách hướng dẫn du lịch.

Tôi còn nhớ trên chuyến xe ô tô dài dằng dặc từ Hà Nội sang Viêng Chăn, tôi chả biết làm gì ngoài việc ép mình đọc hết cuốn Lonely Planet (“Hành tinh cô đơn”) của Joe Cummings hay Nick Ray gì đó. Rồi đọc lần nữa trên lộ trình hai mươi bốn tiếng đồng hồ ngược lại từ Luang Phrabang về. Dần dần, cả một lịch sử Lào và không gian văn hóa ấy hiện lên có hẳn một hệ thống, một dáng vẻ đầy rõ rệt, sắp xếp trong đầu tôi cả hàng trăm ngôi chùa đã và đang xem, làm rành mạch những biến động lịch sử đầy bi tráng ở một đất nước có vẻ ngoài hiền hòa vô hạn.

Nhưng hơn hết là thấm cả cảm giác mê say của tác giả trước một giá trị Lào. Trong cuốn sách, tác giả dẫn lại một câu của một người Pháp: “Nếu người Việt trồng lúa, người Campuchia nhìn lúa lớn thì người Lào nghe lúa lớn”. Đọc mà thấy óc mình neo lại ý đó. Lần khác, tôi vớ lấy quyển về Việt Nam cũng của Lonely Planet. Quyển này có ba tác giả viết về ba miền.

Phải nói là một quyển sách du lịch nhạt nhẽo, kém cả quyển về Campuchia chứ đừng nói đến quyển về Lào. Hay vì mình đã có hệ thống riêng trong đầu về nước mình rồi nên thấy cái hệ thống này trật khấc, hoặc là hời hợt đáng ngạc nhiên. Dẫu rằng sách này cũng như các món ăn franchise kiểu Phở 24, làm ra để hài lòng nhiều đối tượng nhất, nhưng thành thật mà nói, nó không chứa đựng một tâm sự dằng dặc nào của người sống thường trú hàng năm trời của một anh Tây, mà là những ghi chép kiểu “check list to do” của một vị sống hơn 100 ngày.

Xong rồi tôi nảy ra tham vọng làm những cuốn sách hướng dẫn, tự mình viết và trình bày. Nhưng ôi thôi, hàng đống thứ phải giải quyết: bản đồ, danh sách quán xá theo cấp độ sang trọng đến vỉa hè, các điểm thăm viếng, chơi gì làm gì... cái nào cũng cần mình phải có trách nhiệm đánh giá. Đã có quá nhiều những sách điểm qua quýt và mình phải là kẻ chịu trận đó thôi! Việt Nam của mình là gì, mình có biết gì mấy về Việt Nam đâu. Ngay một vùng đất có vẻ như là đã cày xới nhiều như Hà Nội, mà mỗi ngày giở báo hay trang mạng ra, thấy ô hay sao mà nhiều cái mình không biết.

Thế là sau khi bơi không xuể trong cơn lũ thông tin chi tiết, ta lại bị rủ rê theo cái lối mòn khái quát hóa, nói vo. Trong khi thực tế chỉ cần một câu nói độc đáo như trên kia là “thắng”. Tôi quay trở lại với vấn đề của chính Lonely Planet. Đó là làm sao dung hòa được loại lên danh sách những tour dịch vụ này nọ với cung cấp một không gian địa lý tổng hòa về thiên nhiên, con người và văn hóa.

Việt Nam chẳng cần bàn cãi, có đủ chất liệu cho mọi cuốn sách du lịch. Tại sao mà cùng format đó, cùng cách viết đó, mà tôi thấy quyển về Lào, về Campuchia lại hay, mà về Việt Nam và Thái Lan lại dở hơn? Có lẽ vì trong hai quyển sau, người viết không làm lóe lên những phát hiện hay đúc kết nào khiến tôi “chấn động” cả. Hoặc mô tả của họ về những nơi thăm viếng không như mắt thấy.

Nhưng nếu tôi viết, chắc gì tôi đã vượt qua được những hạn chế đó, mà có khi lại sa vào những diễn giải dài dòng – điều khách du lịch chẳng buồn đọc đến trang thứ hai. Dẫu vậy, trong những cuốn sách mà tôi cho là dở kia, vẫn có cái hay là những ý kiến chủ quan, chủ quan một cách đáng để ý, về tính cách, về hành vi của người Việt.

Thật sự là món ăn có thể có muôn hình vạn trạng cách diễn đạt, nhưng cách niềm nở với du khách hay khiến họ bẽ bàng thì được mô tả khá nhất quán. Rút cục vẫn là câu chuyện về tính cách con người được đồng nhất với giá trị đất nước. Khi tìm kiếm những câu gì gọi là thú vị để gọi tên Việt Nam, tôi lật giở lại lời đầu tiên của chính cuốn sách mà tôi đã cho là dở (thường thì phần dẫn nhập vốn ít được đọc kỹ), thì thấy họ viết: Chào mừng đến với một thế giới, nơi mà những màu sắc rực rỡ hơn, nơi mà phong cảnh kỳ thú hơn, đường bờ biển ngoạn mục hơn, nơi lịch sử li kỳ hơn, nơi khẩu vị thần diệu hơn, nơi cuộc sống chạy trên làn đường hối hả.

Thế giới ấy là Việt Nam, con rồng châu Á mới nhất đang thức giấc sau giấc ngủ im lìm. Việt Nam có tất cả. Hãy đón đợi điều không đón đợi nhất, hãy sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu nhiều nhất có thể, và Việt Nam sẽ trao cho bạn điều ấy. Họ viết tử tế quá, phải không? Tôi bỗng nhận ra, cái hay chính là chẳng đoán được gì ở Việt Nam.

Họ không mô tả được chính xác Việt Nam, vì Việt Nam có lẽ không có hình ảnh chính xác nào, cùng lắm như clip của Vietnam Airlines. Trong đó, nước ta là tập hợp của một loạt những hình ảnh lắt nhắt, vui vui và có phần lòe loẹt. Và tôi cũng chỉ biết a dua theo Lonely Planet mà khuyên:

Đừng tin những quảng cáo hay những khẩu hiệu tuyên truyền. Hãy tin vào cảm nhận của bạn, khi bạn khám phá một trong những đất nước màu mỡ, sống động và kỳ lạ nhất trên trái đất.

Tôi gặp một người đàn ông có gương mặt Á Đông tại một bữa tiệc thân tình đầu hè Hà Nội. Hỏi: - Anh là người nước nào? Trả lời: - Tôi là người Anh. Lại hỏi: - Anh đến Việt Nam lâu chưa? Trả lời: - Tôi làm việc ở đây 2 năm rồi. À, mà ngày nhỏ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở đây.

Câu chuyện trôi qua như bất cứ câu chuyện xã giao nào khác, cho tới cách đây 1 tháng, tôi biết rằng thật ra anh là người gốc Việt. Tôi hiểu rằng, trong thế giới mà một con người có thể có cha là người Mỹ lai Thái Lan, mẹ người Việt lai Pháp, sinh ra và lớn lên ở Đức, mang quốc tịch Nam Phi và hiện sống và làm việc tại Nhật... thì chuyện định nghĩa một con người thuộc về nơi nào đã không còn đúng ý nghĩa, và cũng không còn quan trọng nữa.

Nhưng cái ý nghĩ, tại sao một người không thể tự hào nói rằng tôi là người Việt Nam, vẫn ám ảnh tôi. (V.T)

* Bài viết thuộc chuyên đề Nhật ký một người Việt. Chuyên đề bao gồm các bài viết:
1. Thư viện không giá sách
2. Vắng mặt ngày hôm nay tại Hà Nội
3. Người Việt trẻ ăn trầu
4. Một lần nữa tôi lại yêu
5. Việt Nam trong Guidebook

Tổ chức chuyên đề: Danh Quý​

Nguyễn Trương Quý

http://dep.com.vn/Giai-tri/Viet-Nam-...-book/4707.dep

 
241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Trả lời: Thư viện không giá sách

Vắng mặt ngày hôm nay tại Hà Nội



Luống ngậm ngùi / Đôi lứa sắp phân ly/ Cõi nhân tâm dan díu nghiệp tơ tằm/Say cũng lụy, không say thời cũng lụy.

1. Lần nào nghe bài này C. cũng khóc. Tối nay, dù không phải nghệ sĩ Thanh Hoài ở trên chiếu chầu nhưng khi câu đầu “Tống biệt” vừa cất lên, C. lại thấy mình nghẹn ngào. Cô cứ khăng khăng phải nghe cho bằng được bi khúc giữa lòng Hanoï**, không biết là do bài hát hay là vì cơ hội được nghẹn ngào.

2. Cà phê Nhà Thờ. Bạn bè C. 4 người. Một người 4 năm ở Mỹ. Một người 4 năm ở Anh. Một người 4 năm ở Đức. Một người 4 năm ở Pháp. Thêm 4 người nữa. Cùng nhau tụ tập, cà phê trà chanh, hút thuốc, nói vài chuyện vui tình cảm vụn vặt hay hỏi nhau kế hoạch tương lai ở đâu làm gì. Chuyện vui tình cảm vụn vặt thì nhí nhố buồn cười, chuyện kế hoạch tương lai thì ậm ừ hoang mang. Có 4 đôi mắt đối diện với 4 đôi mắt. Đôi mắt C. tròng trành ở giữa khu Nhà Thờ.
3. C. đã tìm mấy ngày nay một chỗ yên thân để đọc sách. Những quán thường lui tới trước đây đều đã chuyển hay đã chuyển đổi không khí một cách bất thường. Một chỗ nhiều ánh sáng, yên lặng, vắng vẻ, thoáng đãng, không nhạc Việt thịnh hành và đồ uống không quá đắt. Tự tìm nơi trú cho mình vui hơn là nhờ bạn chỉ. Hanoï hóa ra vẫn còn những góc như thế. Khi đã tìm ra thì sự dễ chịu khiến C. không kìm lòng được mà nhắm mắt ngủ, quên cả sách đang đọc dở.

4. Thêm một áo dài bằng lụa trơn màu tím ngà không chiết eo. Tủ quần áo không áo dài thì thấy thiếu thiếu. C. vừa may áo dài riêng thứ hai trong đời tại tiệm một người bạn của mẹ. Áo dài này có lẽ chẳng bao giờ C. có dịp mặc. Lúc mặc lại có cảm giác như đang đóng phim.

5. C. mượn máy ảnh phim của bạn để chụp ảnh gia đình. Mẹ và bố ngồi cạnh nhau trên sân vườn nhà tầng năm. Cả hai không giỏi làm dáng nên ảnh hẳn sẽ đẹp. Em gái cô vừa tròn 17 tuổi điệu đà. Chân dung mẹ. Chân dung bố. Chân dung em gái. Chân dung bố và mẹ. Chân dung bố, mẹ, em gái. Lúc nheo mắt nhìn vào khung máy ảnh, C. thầm nghĩ cả thời gian vừa qua Hanoï với mình chỉ gói gọn hết trong này.

6. Hẹn gặp mối tình đầu tiên không phải một hẹn nhất thiết. Gặp nhau được thì vui. Như dự đoán, cả hai lúc đầu đều cười “À, chúng ta đã khác quá rồi!” để đến cuối buổi lại tặc lưỡi “Thật ra chúng ta chẳng thay đổi gì cả!”. Mối tình đầu tiên rất hay gợi C. nhớ về hoa sữa. Thực lòng, C. nghĩ hoa sữa giống một huyền thoại có phần lừa phỉnh của thành phố. Nhưng hoa sữa hoàn toàn không phải một chuyện tai hại. Đấy là một kí ức đẹp. Cách đây mấy tháng, tôi có mua một chậu cây ra rất nhiều hoa và quả. Tôi đặc biệt yêu thích nó. Ở Việt Nam, mọi người gọi là cây quýt. Ở đây, tôi nhất định gọi nó là cây cam cảnh. Tôi nghĩ, cùng một loại cây, nếu ở một nơi xa xôi sẽ là cam cảnh, nếu ở Việt Nam sẽ là quýt. Quan trọng là chậu cây khiến tôi vui...

* Lời trong bài “Tống biệt” được thể hiện bởi nghệ sĩ Thanh Hoài trong phim “Mê Thảo, thời vang bóng” của đạo diễn Việt Linh.

** Cách viết Hà Nội trong tiếng Pháp.

*** Trương Quế Chi hiện là du học sinh tại Pháp. Chị sẽ quay lại Hà Nội trong hai tuần nữa sau bốn năm gần đây không về thăm nhà. "Tôi chỉ ý thức rõ ràng được ba điều khác biệt: phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nhà tôi đã chuyển đi nơi khác và tuổi của những người thân trong gia đình tôi đã thay đổi." Ghi chép này là vài tưởng tượng cá nhân về chuyến đi sắp tới của Chi.


Tôi gặp một người đàn ông có gương mặt Á Đông tại một bữa tiệc thân tình đầu hè Hà Nội. Hỏi: - Anh là người nước nào? Trả lời: - Tôi là người Anh. Lại hỏi: - Anh đến Việt Nam lâu chưa? Trả lời: - Tôi làm việc ở đây 2 năm rồi. À, mà ngày nhỏ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở đây.

Câu chuyện trôi qua như bất cứ câu chuyện xã giao nào khác, cho tới cách đây 1 tháng, tôi biết rằng thật ra anh là người gốc Việt. Tôi hiểu rằng, trong thế giới mà một con người có thể có cha là người Mỹ lai Thái Lan, mẹ người Việt lai Pháp, sinh ra và lớn lên ở Đức, mang quốc tịch Nam Phi và hiện sống và làm việc tại Nhật... thì chuyện định nghĩa một con người thuộc về nơi nào đã không còn đúng ý nghĩa, và cũng không còn quan trọng nữa.

Nhưng cái ý nghĩ, tại sao một người không thể tự hào nói rằng tôi là người Việt Nam, vẫn ám ảnh tôi.

* Bài viết thuộc chuyên đề Nhật ký một người Việt. Chuyên đề bao gồm các bài viết:
1. Thư viện không giá sách
2. Vắng mặt ngày hôm nay tại Hà Nội
3. Người Việt trẻ ăn trầu
4. Một lần nữa tôi lại yêu
5. Việt Nam trong Guidebook

Tổ chức chuyên đề: Danh Quý​

Trương Quế Chi

http://dep.com.vn/Giai-tri/Vang-mat-...a-Noi/4762.dep
 
Top