Thực phẩm biến đổi gene ???

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
'Nóng' thực phẩm biến đổi gene bán tràn lan


Cập nhật lúc :8:46 AM, 07/04/2010
Có bao giờ bạn biết từng ăn một loại thực phẩm ngon miệng, bày trí sang trọng… được chế biến từ nguyên liệu dùng làm bột giấy, sản phẩm quá hạn lưu hành, có nguồn gốc “lạ”?

Hơn 80% người tiêu dùng được hỏi trong một cuộc thăm dò bỏ túi của Đất Việt trả lời: không biết! Điều đáng sợ là những loại thực phẩm này lại đang có mặt hầu hết ở các chợ và siêu thị tại TP HCM.

Kỳ 1: Nhan nhản khắp nơi

111/323 mẫu thực phẩm gồm: bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua… chọn ngẫu nhiên ở 17 chợ, siêu thị trên địa bàn TP HCM được kiểm nghiệm cho kết quả là... sản phẩm biến đổi gene!

Điều đáng quan tâm là có những loại đã quá thời hạn cho phép lưu hành ở châu Âu nhưng vẫn được đưa vào Việt Nam tiêu thụ, hay có loại chỉ được dùng trong công nghiệp nhưng ở Việt Nam lại chế biến làm thức ăn! Những thông tin gây sốc này được nêu trong báo cáo khoa học của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest3), vừa được nghiệm thu vào đầu năm 2010.

Đậu nành đứng đầu bảng

Đảo một vòng quanh các chợ, siêu thị (kể cả những siêu thị hàng đầu ở TP HCM), thực phẩm biến đổi gene được bày bán xen lẫn với thực phẩm tự nhiên mà người tiêu dùng không cách nào nhận biết được. Nằm trong Top những sản phẩm biến đổi gene bày bán nhiều nhất tại TP HCM là bắp (ngô) và những sản phẩm chế biến từ bắp, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành. Ngoài ra cà chua, khoai tây, gạo cũng có mặt trong nhóm sản phẩm biến đổi gene được bày bán.

Trong danh sách những mặt hàng bắp biến đổi gene, có cả bắp Mỹ, bắp trái non, bắp non đóng hộp, bột bắp, bắp giống có nguồn gốc trong nước và nước ngoài (Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Indonesia…). Những sản phẩm này được các công ty TMDV V.T, công ty TMX, công ty XNK T.Q, công ty N.F (Thái Lan), công ty M.I (Indonesia)… nhập, sản xuất, chế biến tại Việt Nam. Đặc biệt, các sản phẩm sữa bắp cũng được làm từ nguyên liệu là dòng bắp biến đổi gene.

Nhưng có lẽ sản phẩm đậu nành và các loại thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành mới làm cho người tiêu dùng bất ngờ nhất. Các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành như sữa bột, sữa nước đóng chai, đậu hũ lụa cao cấp, dầu ăn đậu nành của một số công ty, trong đó có cả những sản phẩm quảng cáo an toàn cho người tiêu dùng như công ty Tr., công ty dầu T., sữa V. cho kết quả kiểm nghiệm: được chế biến từ đậu nành biến đổi gene.


Thực phẩm biến đổi gene tràn ngập khắp nơi tại TP HCM. Ảnh: TNLinh
Dễ tìm như… đi chợ

Suốt năm 2009, các nhà khoa học Quatest3, lặn lội xuống 17 chợ, siêu thị để chọn mẫu ngẫu nhiên mang về làm kiểm nghiệm. Đó là các chợ Bến Thành (quận 1), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Bình Tây (quận 6), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Xóm Chiếu (quận 8), Thủ Đức (quận Thủ Đức), Bàn Cờ (quận 3), An Lạc (quận Bình Tân), Hòa Hưng (quận 10); các siêu thị Foodcomart (Maximart 3.2), Coopmart, Citimart, Hà Nội, Coopmart Thủ Đức, Bình Dân, BigC Hoàng Văn Thụ, Metro Cash. Theo thống kê, siêu thị Metro Cash có tỷ lệ thực phẩm biến đổi gen cao nhất trong nhóm các siêu thị được lấy mẫu, chợ Bà Chiểu đứng đầu danh sách các chợ bán thực phẩm biến đổi gene (xem bảng).

Để tìm hiểu về sự nhận biết của người tiêu dùng đối với thực phẩm biến đổi gene, phóng viên Đất Việt có cuộc thăm dò “bỏ túi” với 52 người tại siêu thị Maximark hôm 22/3/2010. Đối tượng được chọn thăm dò là nội trợ, sinh viên, nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh… trong độ tuổi từ 20 – 50. Chỉ có 10 phiếu trả lời là có nghe nói đến thực phẩm biến đối gene, còn lại 42 trường hợp (chiếm 80,7%) không biết gì về loại thực phẩm này. Trong 10 phiếu có biết đến thực phẩm biết đổi gene, tập trung đa phần ở nhân viên văn phòng và sinh viên, chỉ có một trường hợp ở khối kinh doanh là có nghe nói đến.

Nhiều ý kiến trái chiều về thực phẩm biến đổi gene?

Thực phẩm biến đổi gen (GMO) là một vấn đề nóng bỏng hiện nay của thế giới. Các nhà khoa học cũng chia thành nhiều nhóm với quan điểm trái ngược nhau. Một quan điểm cho rằng việc phát triển GMO là xu thế tất yếu trong tương lai gần, nhưng quan điểm ngược lại thì lo ngại việc sử dụng thực phẩm này sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Các tổ chức môi trường, tổ chức tôn giáo phản đối một cách mạnh mẽ vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích kinh tế.


Nhóm PV
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Thực phẩm biến đổi gene ???

Nóng’ thực phẩm biến đổi gene bán tràn lan (kỳ 2) Cập nhật lúc :8:30 AM, 08/04/2010
Đó là một câu hỏi khá hóc búa mà ngay cả các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực này cũng không thể đưa ra lời khuyên tốt nhất cho người tiêu dùng.


Kỳ 2: Có nên ăn thực phẩm biến đổi gene?

Trong lúc chờ các nhà khoa học bàn cãi, các nhà lập pháp đưa ra những quy định chặt chẽ, người tiêu dùng cần cân nhắc thật kỹ khi quyết định có nên dùng thực phẩm biến đổi gene hay không.

Phải ghi nhãn để cảnh báo

Dưới góc độ khoa học, GS. TS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường, cho rằng, rất khó nói nên hay không nên ăn thực phẩm biến đổi gene, bởi không riêng gì Việt Nam mà các nước phát triển trên thế giới cũng đang gây tranh cãi về vấn đề này. Tại Việt Nam, loại thực phẩm này chưa được chính thức cho phép dùng nhưng thực tế, người dân vẫn đang ăn mà không hay biết. Tuy nhiên, khó có thể xác định ai đó bị bệnh hay biểu hiện bất thường do ăn thực phẩm biến đổi gene. Nhưng về lâu dài, ảnh hưởng của loại thực phẩm này như thế nào đến sức khỏe, duy trì giống nòi, đa dạng sinh học thì chưa biết được.

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nói: “Đối với những loại thực phẩm bị can thiệp mang tính thay đổi bản chất, chuyển hóa hẳn một thuộc tính nào đó của cây trồng, vật nuôi thì cần hết sức thận trọng. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nên việc tiếp nhận thực phẩm biến đổi gene cần có bước đi thích hợp. Trước mắt nên tiếp nhận các cây công nghiệp như bông, chè, cao su… Còn với các cây cho lương thực như lúa, ngô, khoai sắn… cần học hỏi dần dần cho đến khi hành lang pháp lý của chúng ta đủ mạnh thì mới sử dụng”.


Bằng mắt thường, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thực phẩm biến đổi gene. Ảnh: TNLinh.
Ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết các nước trên thế giới cho người tiêu dùng quyền được lựa chọn ăn hay không ăn thực phẩm biến đổi gene. Do vậy, các doanh nghiệp nếu sản xuất thực phẩm biến đổi gene phải ghi nhãn cụ thể để thông báo cho người tiêu dùng biết.

Cần hoàn thiện pháp luật

Ở các nước phát triển, việc kiểm soát thực phẩm biến đổi gene khá chặt chẽ bởi các quy định pháp luật. Tại Mỹ, Cục chăn nuôi và trồng trọt (Bộ Nông nghiệp) quản lý các sản phẩm lưu hành trên thị trường; Cục bảo vệ môi trường quản lý thực vật biến đổi gene ngoài môi trường; cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm có vai trò đánh giá an toàn thực phẩm và thức ăn gia súc biến đổi gene. Ở Ấn Độ, việc sản xuất, sử dụng, xuất nhập khẩu hàng hóa các sản phẩm biến đổi gene phải tuân theo quy định và hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp và Tài nguyên môi trường. Việc xây dựng hướng dẫn và đánh giá an toàn sinh học đối với thực phẩm biến đổi gene thuộc Bộ Khoa học – công nghệ. Tương tự, các nước Nhật, Trung Quốc, Cộng đồng Châu Âu đều có những quy định hết sức nghiêm ngặt đối với sản phẩm biến đổi gene.

Tại nước ta, việc quản lý thực phẩm biến đổi gene được quy định tại Quy chế 212 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy chế này, các sản phẩm biến đổi gene phải được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học; sản phẩm thuộc loại này lưu thông trên thị trường phải ghi trên bao bì dòng chữ “sản phẩm có sử dụng công nghệ chuyển gene”. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn cụ thể về đánh giá an toàn và rủ ro sinh học với loại thực phẩm này, đến nay vẫn chưa được ban hành.

Mặc dù thực phẩm biến đổi gene là vấn đề khá nóng bỏng hiện nay nhưng người tiêu dùng, các nhà phân phối và cả ban quản lý các siêu thị, chợ trên địa bàn TP HCM, khi được Đất Việt hỏi đều không biết gì về thực phẩm này.

Cần tuân thủ rất nghiêm ngặt quy định

Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, thực phẩm biến đổi gen không được nhập vào, điều này đồng nghĩa với việc chưa thể bán trên thị trường. Luật Đa dạng sinh học cũng dành một chương nói về vấn đề này và có những quy định khá rõ và chặt chẽ. Nếu một loại thực phẩm được gọi là biến đổi gen được lưu hành trên thị trường cần phải tuân thủ rất nghiêm ngặt những quy định về hàm lượng, chỉ tiêu biến đổi gen là bao nhiêu. Còn nếu đã lưu hành trên thị trường thì cần ghi rõ bằng nhãn mác để người tiêu dùng lựa chọn.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam)
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Thực phẩm biến đổi gene ???

Nóng’ thực phẩm biến đổi gene bán tràn lan (kỳ 3) Cập nhật lúc :9:45 AM, 09/04/2010
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc dùng thực phẩm biến đổi gene, nhưng theo dự báo, đây sẽ là xu thế trong tương lai gần.



Ở Việt Nam, việc phát triển cây trồng biến đổi gene là cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức, nếu chần chừ sẽ bị tụt hậu, nhưng nóng vội thiếu kiểm soát dễ gây ra nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Làm thế nào để vừa tận dụng được sự phát triển của công nghệ sinh học, vừa bảo vệ sức khỏe giống nòi, là bài toán khó cho các nhà quản lý.

Kiểm soát từ khi gieo hạt

Đối với sản phẩm biến đổi gene còn nhiều tranh cãi, Nhà nước can thiệp thông qua việc ban hành các quy định kiểm soát là hết sức cần thiết. Ở các nước, việc kiểm tra, giám sát sản phẩm biến đổi gene được thực hiện nghiêm ngặt, từ khi gieo hạt cho đến khi sản phẩm được đem tiêu thụ ngoài thị trường.

TS.BS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, dẫn chứng, ở các nước, khi đến giai đoạn thành thực phẩm, Nhà nước chỉ quản lý bằng cách khai báo sản phẩm có phải là biến đổi gene hay không. Việc khai báo thông qua hình thức ghi nhãn.


Một số thực phẩm biến đổi gene. Ảnh: H.N.K.
Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn sinh học, nhà quản lý ở Việt Nam đồng tình với biện pháp này, vì đó là cách thông báo công khai, rộng rãi nhất trong bối cảnh người dân còn biết quá ít về loại thực phẩm này.

Tuy nhiên, do điều kiện trang thiết bị, phòng thí nghiệm của nước ta còn nhiều hạn chế, nên theo ông Long cần phải tính toán việc ghi nhãn như thế nào để vừa đảm bảo cho công tác kiểm soát chặt chẽ, nhưng cũng không bị phụ thuộc quá nhiều vào trang thiết bị. Ông Long cho rằng, hướng sắp tới, Việt Nam nên áp dụng trên tỷ lệ % hàm lượng biến đổi gen như các nước hiện nay đang làm. Ví dụ, ở Châu Âu quy định sản phẩm có tỷ lệ phần trăm biến đổi gene là 0,9%, Nhật là 5%, Australia là 1% thì phải kê khai.

GS.TS Lê Trần Bình, Viện Công nghệ sinh học, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Công nghệ sinh học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong tương lai, việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gene phải trở thành hoạt động có kiểm soát.

Về vấn đề giải quyết bài toán quyền lợi kinh tế của sản phẩm biến đổi gene với sức khỏe người tiêu dùng, GS.TS Lê Trần Bình, cho rằng một mặt chúng ta phải tranh thủ mọi cơ hội mới để phát triển công nghệ cao thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, nhưng mặt khác nước ta là nước xuất khẩu nông sản sang thị trường các quốc gia không mặn mà với sản phẩm có nguồn gốc từ công nghệ sinh học. Do đó, chúng ta phải thực thi một chính sách thông minh nhằm khai thác có hiệu quả cơ hội phát triển, nhưng không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người sản xuất.

Tăng quyền lựa chọn cho người tiêu dùng

Đứng ở góc độ cơ quan lập pháp, GS.TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, sắp tới, việc điều chỉnh thực phẩm biến đổi gene sẽ được đưa vào dự thảo Luật An toàn thực phẩm trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới. Hiện các nhà làm luật đang khẩn trương nghiên cứu trên tinh thần khách quan, tìm hiểu kỹ lưỡng tình hình thế giới cũng như trong nước. Quan điểm làm Luật về vấn đề này là làm sao để chúng ta vừa phải bảo vệ sản xuất trong nước vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Xuân Chung (Đoàn Luật sư TP HCM) nhấn mạnh, việc mua bán thực phẩm biến đổi gene mà không dán nhãn cảnh báo người tiêu dùng là vi phạm Qui chế 212 của Thủ tướng chính phủ. Ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng, luật sư Chung cho rằng, Quy chế 212 chưa đủ mạnh để có thể đưa ra chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm. Do đó, theo luật sư Chung, Chính phủ cần ban hành nghị định xử lý vi phạm liên quan đến việc sản xuất, chế biến, mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa biến đổi gene. Trong nghị định này, cần tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thêm nhiều quyền lựa chọn sản phẩm. Đồng thời dành cho họ quyền khởi kiện, nếu phát hiện sản phẩm không tuân thủ qui định về dán nhãn hàng hóa thực phẩm biến đổi gene hoặc sản phẩm đó có nguy cơ xâm hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

[SIZE=+0]Thái Ngọc - Quang Anh[/SIZE]
 
Top