Tổ quốc ơi, và …mạnh vì tiền, bạo vì quyền!

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
PN&HĐ: Tổ quốc ơi, và …mạnh vì tiền, bạo vì quyền!
Tác giả: Kỳ Duyên

Biển Đông, thi cử và chuyện 2 bộ phim cổ sử đang phát sóng, và sẽ phát sóng, xét cho cùng, vẫn là chuyện vận mệnh quốc gia dưới góc nhìn hải đảo, giáo dục và văn hóa- những lát cắt bi hùng, phẫn nộ xen lẫn nỗi đau mà Phát ngôn&hành động tuần này xin được gửi tới quý bạn đọc

"Trong hồn người có ngọn sóng nào không?"

Tuần này, một sự kiện lịch sử nổi bật được nhắc đến: Cách đây đúng 100 năm, ngày 5/6/ 1911, Bác Hồ xuống tàu đi tìm đường cứu nước.

Tròn 1 thế kỷ, 100 năm sau, con cháu của Bác lại sục sôi tinh thần giữ nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Trước vụ việc Trung Quốc , vào ngày 26/5/2011 ngang ngược vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN ở Biển Đông, vi phạm UNCLOS, vi phạm DOC ký giữa TQ và các nước ASEAN.

Ngang ngược, bởi nơi 3 tàu hải giám TQ cắt cáp tàu Bình Minh 2 cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) chỉ 120 hải lý, trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của VN, cách đảo Hải Nam TQ tới 340 hải lý, vậy nhưng TQ lại nhập nhằng đánh lận rằng đó thuộc vùng đang tranh chấp(?).

Một loạt những hành vi xâm phạm chủ quyền VN, ngang nhiên dẫm đạp lên luật pháp quốc tế cho thấy, một quốc gia lớn nổi tiếng có đầu óc, học sinh dự thi toán quốc tế năm nào cũng đứng đầu bảng, mà không phân biệt ra sự khác biệt cơ bản giữa 120, 200 và 340 hải lý. Thì chỉ có thể là quốc gia đứng nhất nhì bảng về... lòng tham, nhưng đứng cuối bảng về sự hòa hiếu với các lân bang.

Tròn 1 thế kỷ sau Bác Hồ đi tìm hình của nước, Tổ quốc ta lại đứng trước cơn sóng cả!

Bản chất của sự ngang ngược gây hấn này là gì?

Ngày 5-6-2011, báo Đất Việt có bài "Nguyên nhân Trung Quốc leo thang ở Biển Đông". Ngoài việc giải quyết cơn khát năng lượng dầu mỏ mà Biển Đông là nguồn tiềm năng khổng lồ, giới phân tích và dư luận quốc tế cho rằng động thái này của TQ xuất phát từ tình hình trong nội bộ nước này đang có nhiều bất ổn.

Phải chăng, "nóng" quá trong nội tình, mà TQ muốn hướng dư luận ra bên ngoài, đánh lạc hướng và làm dịu tình hình trong nước. Sự gây hấn với VN đồng thời còn là một phép thử cân não không chỉ với VN, mà với cả Mỹ và ASEAN?

Phép thử, nhưng dã tâm thật.

Dã tâm thật, sẽ gặp ý chí thật!

Trên các trang báo mạng, blog cá nhân những ngày này hừng hực một không khí Biển Đông, một không gian Biển Đông, một tinh thần vì Biển Đông. Nơi đó, hàng triệu con mắt, hàng triệu con tim yêu thương và phẫn nộ, lo lắng nhất mực hướng về Biển Đông.

Trước đó, ngày 29-5, báo Thanh Niên xuất hiện một bài thơ. Ngay lập tức, bài thơ được truyền nhanh như sóng điện và nhận được sự trân trọng, sự chia sẻ đồng cảm của hàng triệu triệu bạn đọc trong nước, và người Việt nước ngoài. Đó là bài "Tổ quốc nhìn từ biển" của nhà báo- nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Bài thơ thấm đẫm niềm yêu và sự day dứt, xót xa về Tổ quốc.

"Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa...

...Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không..."

"Trong hồn người có ngọn sóng nào không?...". Câu hỏi của nhà báo- nhà thơ có số phận đặc biệt, cũng là câu hỏi cho hơn 80 triệu con dân nước Việt những ngày này.



Nhạc sĩ Phạm Minh Thuần - Quỳnh Hợp ngay lập tức đã phổ nhạc bài thơ. Cùng đó, hàng trăm bài báo của các tướng lĩnh quân đội, công an, các chuyên gia nghiên cứu Biển Đông... cất tiếng.

Một đất nước mà con người biết vượt lên nỗi đau riêng, để sống cùng ấm lạnh cộng đồng. Một đất nước, con người dù chính kiến có thể còn khác nhau, nhưng lập tức cố kết để cùng nhìn về một hướng, cùng chung một tiếng nói- chủ quyền Tổ quốc là trên hết. Đất nước ấy không thể bạc nhược. Tổ quốc ấy không thể yếu hèn.

Rồi ngày 6/6/2011, một loạt các báo Thanh Niên, Pháp luật TP, Đất Việt...đã đưa tin tuổi trẻ và người dân HN, TP. HCM nối vòng tay lớn, biểu thị sức mạnh tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Và cũng đúng ngày 6/6/2011, "Tàu Bình Minh 02 lại ra khơi"- (VietNamNet). Đó không chỉ là hoạt động tiếp tục của một con tàu có nhiệm vụ khảo sát vùng biển. Đó còn là sự khẳng định chủ quyền Tổ quốc Việt Nam

Đằng sau con tàu không chỉ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà là cả hơn 80 triệu dân yêu thương và chia sẻ dõi theo. Sự kiện Biển Đông đang đặt Tổ quốc trước những thách thức lớn, đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh và ý chí tự cường, tư duy chiến lược quốc gia. Những phát ngôn ấn tượng của các tướng lĩnh trên ViệtNamNét và VnExpress cũng chính là tâm nguyện nhân dân:

"Nếu SỢ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không SỢ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hòa khí....Phải tin tưởng ở người dân mà kiên trì đấu tranh công khai. Công khai thông tin là cách thể hiện sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân" (Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh)

"Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình" (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

"Biết bao thế hệ đã hi sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày nay. Vì vậy, chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo" (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết).

"Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng khi đứng trước nguy cơ mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ nó (Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

" Cần phải nhớ lời di huấn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói cách đây hơn 700 năm, "Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bản gốc và làm cho vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức. Đó là thượng sách giữ nước". (Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an).

Đáng chú ý, mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi lại vừa lên tiếng "đòi VN thực hiện các nỗ lực nghiêm túc để giải quyết tranh cãi mới xảy ra ở Biển Đông". Một sự tiếp tục đánh tráo khái niệm theo kiểu "cả vú lấp miệng em", tiếp tục thách thức lòng yêu nước người Việt.

Chợt nhớ, chỉ còn ít ngày nữa Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc, bầu ra bộ máy chính thể mới, với sự hiện diện của 500 đại biểu QH. Vận mệnh Tổ quốc, cả chủ quyền lẫn con đường phát triển đang chờ đợi cái tâm, cái tầm của bộ máy chính thể mới, của các đại biểu vì lợi ích "của dân, do dân và vì dân".

Chợt nhớ, câu thơ giống như một câu hỏi day dứt: "Trong hồn người có ngọn sóng nào không?". Phát ngôn của các tướng lĩnh và phát ngôn của nhà thơ liệu có đồng điệu ...

Vâng! Trong hồn người có ngọn sóng nào không?

Để Tổ quốc - không bao giờ ngã tay chèo.

Phao "cứu sinh" cho ngành giáo dục?
Cũng trong tuần này, có một sự kiện nổi bật của ngành GD. Đó là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2011, với hơn 1 triệu thí sinh tham dự. Nổi bật, nhưng kỳ thi lại có vẻ lặng lẽ, không ồn ào.



Sự bình yên của kỳ thi quốc gia, ở góc độ nào đó là điều may mắn. Nhưng ở mặt bên kia, nó phản chiếu tâm lý mỏi mệt, sự nản lòng và thất vọng của cả xã hội trước những già nua, xơ cứng và luẩn quẩn của ngành GD không tìm ra con đường đổi mới thi cử như ngành từng hăm hở, hào hứng tung ra năm nào.

Có lẽ vì vậy, mặc dù tuyên bố cơ bản là giữ ổn định, nhưng trong chỉ đạo, ngành vẫn muốn tìm ra một sự cải tiến. Tiếc thay, sự cải tiến đó đi theo hành trình "xoáy trôn ốc"- luẩn quẩn trở về ...cái cũ. Có thể nhìn thấy ở 2 khâu thanh tra thi, và ra đề thi.

- Thanh tra thi: Cách đây 2-3 năm, ngành điều động rầm rộ tới 9000 thanh tra ủy quyền (giảng viên các trường ĐH, CĐ). Năm nay chỉ còn 600 người, giảm gấp 15 lần. Nhà giáo Văn Như Cương đã phải đặt câu hỏi trên Bee.net: "Phải chăng vì tiêu cực trong kì thi đã giảm đi 15 lần? Hay vì thanh tra đã trở nên không hiệu quả, có cũng như không? Hay vì thanh tra viên bị địa phương vô hiệu hóa?".

Trong khi đó, người viết bài này khi đi một loạt các tỉnh khảo sát, ý kiến của nhiều cán bộ quản lý GD cho rằng thanh tra ủy quyền cũng vẫn chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", chẳng giải quyết vấn đề gì. Vậy chủ trương đó của ngành đúng hay sai? Và sự tốn kém trả giá cho một chủ trương nhất thời đó ai chịu, nếu không phải là dân?

- Đề thi: Sau biết bao năm ra đề thi kiểu đánh đố, làm khó, làm khổ học sinh dẫn đến lò luyện thi nảy nở tưng bừng, thi cử căng thẳng, đến mức ông Hoàng Trường Kỳ- nguyên là GĐ Sở GD và Phó CT tỉnh Vĩnh Phúc phải nhận xét: "Không ai vác đá tự ghè chân mình", nay đề thi lại quay trở về điểm xuất phát- không quá khó, không đánh đố học sinh.

Đến mức vừa kết thúc kỳ thi, tại cuộc họp báo chiều 4-6, Thứ trưởng GD Nguyễn Vinh Hiển đã dự báo, thí sinh sẽ đỗ với tỉ lệ rất cao.

Nhưng thưa Thứ trưởng, tỉ lệ đỗ rất cao với chất lượng GD thực chất khác nhau lắm đó!

Tỉ lệ đỗ rất cao chỉ thuận với chất lượng như ông mong muốn, nếu ngành thực sự kiểm soát được quá trình GD, kiểm soát được 3 yếu tố: Đội ngũ GV; Chương trình, nội dung SGK và Phương pháp. Nhưng thực tế ngành có kiểm soát nổi không?

1- Đội ngũ GV của ngành đến nay, tỉ lệ đạt chuẩn, trên chuẩn khá cao. Nhưng trong đó, có bao nhiêu % chuẩn, trên chuẩn là thực chất; bao nhiêu % chuẩn, trên chuẩn chỉ là hình thức, chưa kể một tỉ lệ nhất định giáo viên còn 7+, 9+...

2- Chương trình, nội dung SGK là yếu tố được nhắm đầu tiên mỗi khi ngành chủ trương cải cách GD. Thế nhưng 4-5 cuộc CCGD đã qua đi, thực tế chưa cuộc CCGD nào được coi là thành công. Đến giờ, chương trình, nội dung SGK vẫn luôn là nỗi lo của xã hội. Sắp tới 70 ngàn tỷ đồng đầu tư tiếp cho GD, trong đó hơn 960 tỷ sẽ lại được rót cho việc biên soạn SGK mới sau năm 2015- có nghĩa là vẫn kiểu "ngựa quen đường cũ"? Ngựa quen đường cũ, thì chất lượng GD rất có thể cũng như cũ.

3- Đổi mới phương pháp là mục tiêu lớn nhất, và duy nhất của Đổi mới GD năm 2000. Hơn 10 năm qua, hàng nghìn tỉ đồng của nhân dân rót cho thiết bị GD, để rồi đến giờ trường phổ thông vẫn cơ bản dạy chay- học chay, vẫn thầy đọc- trò chép. Sự thất thoát không chỉ tiền bạc. Sự thất thoát ở đây còn là chất xám của bao thế hệ trẻ VN đã không thể biến thành "động lực cho sự phát triển".

Ngành GD nghiêm khắc ngăn chặn hiện tượng phao thi mỗi kỳ thi cử. Nhưng chính ngành lại đang rất cần "phao cứu sinh" để khỏi trượt vỏ chuối trước yêu cầu phát triển xã hội, trước tương lai dân tộc.

Ai là người chịu trách nhiệm chính về cái "lỗi hệ thống" của ngành đây?

Mạnh vì tiền, bạo vì quyền?

Không khí Biển Đông còn hừng hực trong tuần, thì mới đây một vụ việc của văn hóa khiến sự nổi giận của xã hội lại bùng lên như lửa đổ thêm dầu.

Đó là bộ phim nhiều tập Huyền sử Thiên đô đang được phát sóng, bắt đầu nhận được nhiều tiếng khen của khán giả, mới tới tập 20 (trong số 42 tập phim đã sản xuất) bỗng chốc bị VTV tuyên bố cắt sóng vào ngày 29-6 tới đây. Thay vào đó, VTV sẽ phát bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long, một bộ phim mà từ khi ra đời đã chuốc lấy bao tai tiếng. Đến giờ, dù phải cắt gọt, sửa chỗ này xén chỗ kia tới 3-4 lần thì tai tiếng của nó xem chừng vẫn hoàn nguyên.

Bởi nó hỏng ngay từ điểm xuất phát- tâm lý vọng ngoại quá nặng, cho dù nhà sản xuất mong muốn được đóng góp cho điện ảnh nước nhà.

Nguyên nhân chính của sự cắt sóng phim Huyền sử Thiên đô là gì?

Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả kịch bản vô cùng bức xúc vì theo ông "Lý do thì đủ thứ nhưng tóm lại là sự cửa quyền và tiền... Vì cửa quyền và tiền nên tự nhiên giá trị văn hoá nó rẻ mạt đi....Họ chẳng cần gì hết, họ chỉ cần tiền".



Họ ở đây là ai, và tiền ở đây là tiền gì? Đọc kỹ bài trả lời phỏng vấn trên VietNamNet mới hay, đây là tiền quảng cáo ăn theo bộ phim- một cách kiếm tiền theo kiểu "xã hội hóa" của nhà đài. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, đến tập phim 11 thì quảng cáo tương đối nhiều.



Nhưng từ tập 12 cho đến giờ- tập thứ 20, thì quảng cáo đã sụt hẳn xuống, do thông tin Huyền sử Thiên đô sẽ dừng phát sóng, đẩy nhà sản xuất phim vào sự thất thu, với nguy cơ mất cả chì lẫn chài. Rất có thể số phận bộ phim cũng thành ...huyền sử nốt!

Điều đáng nói không ở bộ phim Huyền sử Thiên đô. Mà là sự bất bình của bạn đọc trước tin bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long sẽ được công chiếu tiếp theo.

Nếu bộ phim cổ trang "đặc sệt" TQ này được chiếu trong những ngày mà sự kiện Biển Đông khiến cả nước phẫn nộ, sẽ ra sao?

Có lẽ ý thức được tầm nguy hiểm của những hệ lụy, mới đây Tổng GĐ Đài Truyền hình VN cho biết VTV sẽ tạm dừng phát sóng bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long vào cuối tháng 6 như đã công bố.

Cho dù đó là tin mừng, người viết bài này không khỏi nghĩ về phát ngôn trước đó của ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia: Chúng tôi cho rằng phim không sai phạm về tinh thần lịch sử...

Không sai phạm về tinh thần lịch sử, nhưng lại rất phản văn hóa, làm tổn thương nặng lòng tự tôn dân tộc của người Việt, khác gì tự nguyện chấp nhận một sự "xâm lăng văn hóa".



Đến Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia còn không phân biệt được rạch ròi giữa văn hóa và phản văn hóa, nói gì đến câu "Phải nâng tầm lên chứ?" của nhà sản xuất Trịnh Văn Sơn (Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành). Nâng tầm đến mức khi xem phim, người ta nghĩ đó là phim TQ, không phải phim của VN chăng?

Người ta còn chưa quên câu chuyện diễn viên TQ Triệu Vy, nổi tiếng với vai Tiểu Yến Tử đã phải đối mặt với một làn sóng bất bình của người dân nước cô, khi xuất hiện trong một buổi biểu diễn thời trang với bộ trang phục in hình quân kỳ Nhật Bản. Dư luận cho rằng, Triệu Vy đã chà đạp lên lòng tự trọng của dân tộc. Rút cục, diễn viên này đã phải khóc xin lỗi khán giả và người dân TQ. Một diễn viên, nhận thức có thể hạn chế đã phải trả giá như vậy, huống hồ, đây là cả một công ty sản xuất phim ảnh một quốc gia, là những người có trình độ và nhận thức nhất định về văn hóa?

Ngày 1/10/2010, trong bài "PN & HĐ: Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng", người viết bài đã nói về nỗi tủi nhục của sự mất văn hóa. Nay chỉ xin nhắc lại: Nước có thể còn, nhưng dân tộc có thể mất, chỉ vì văn hóa vong nô.

Bỗng nhớ đến câu thơ như một câu hỏi buồn day dứt của Nguyễn Việt Chiến: "Trong hồn người có ngọn sóng nào không?"

Trong hồn người có ngọn sóng nào không?...

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-09-pn-and-hd-to-quoc-oi-va-manh-vi-tien-bao-vi-quyen-
 
1,007
0
0

Mường Tè

New Member
Ðề: Tổ quốc ơi, và …mạnh vì tiền, bạo vì quyền!

Mình đọc bài thơ này lần đầu trên báo Văn nghệ số thứ 7, ngày 3/6/2011. Cảm ơn OMM vì chắc là cũng cùng suy nghĩ như nhiều người khác khi đọc bài thơ này...

Bài thơ: Tổ Quốc nhìn từ biển
Tác giả: Nguyễn Việt Chiến

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù
Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ
Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích
Những đau thương trận mạc đã qua rồi
Bao dáng núi còn mang hình góa phụ
Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước (*)
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi...

Đây là blog của nhà báo Nguyễn Việt Chiến: http://vn.360plus.yahoo.com/nguyen.vietchien/article?mid=251
Có nhiều bạn đọc sau khi đọc bài thơ của nhà báo đã viết những comment thật xúc động về Tổ quốc, về lòng tự hào dân tộc. Ai trong chúng ta cũng còn nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng...".
Việt Nam ơi hãy nắm chặt tay...!
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Ðề: Tổ quốc ơi, và …mạnh vì tiền, bạo vì quyền!

Bài thơ hay quá, thời bình - để viết được 1 bài như thế, chắc hẳn phải yêu da diết Tổ quốc mình lắm @};- .
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Biển Đông và lòng yêu nước của người Việt

Biển Đông và lòng yêu nước của người Việt

Bộ đội thì đánh giặc cho giỏi, nông dân thì làm nhiều thóc gạo, nhà ngoại giao thì khôn khéo đấu tranh..." - Đại biểu QH Dương Trung Quốc.

Sự kiện tàu của Trung Quốc liên tiếp cắt, phá cáp của tàu Việt Nam, ngay trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta đã khiến dư luận bức xúc. Đặc biệt các bạn trẻ đã có nhiều hành động lên án việc làm sai trái đó của phía Trung Quốc.

Lòng yêu nước lại trỗi dậy, sôi sục trong mỗi người trẻ. Nhưng làm thế nào để hiện điều đó đúng mực, thông thái và đạt hiệu quả cao nhất?

Sáng nay 10/6, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh câu chuyện này.



Sự kiện biển Đông đang làm trỗi dậy lòng yêu nước thường trực trong mỗi người dân Việt Nam. Ảnh: Internet.

- Nhiều bạn trẻ khi thấy Trung Quốc có những hành động vi phạm lãnh hải Việt Nam đã bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn. Nhiều bạn đòi đưa ra Tòa án quốc tế, nhiều bạn khác tỏ thái độ bức xúc trước những hành động của Trung Quốc... Ông có nhận xét gì về những hành động này?

Trước hết việc các bạn trẻ còn quan tâm đến những vấn đề chính trị thời sự, lại là những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia thì đó là một điều rất đáng mừng. Đáng sợ nhất là sự thờ ơ của tuổi trẻ cho rằng đấy là chuyện của ... người lớn. Bày tỏ ý kiến trên diễn đàn cùng là điều tốt vì các bạn trẻ đã biết sử dụng công cụ của thời đại, ý thức được quyền của mình trong mối quan hệ với cộng đồng.

Bộc lộ trên mạng là cách thể hiện trước cộng đồng, do đó điều này cần đến sự chín chắn và có trách nhiệm. Đương nhiên nó tuỳ thuộc vào hiểu biết, nhận thức của mỗi người nên khó có thể tìm thấy sự đồng thuận tuyệt đối. Tôi không khuyên các bạn trẻ nên hay không nên nhưng đã lên mạng thì phải có bản lĩnh và cũng cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống thực, vì mạng cũng là môi trường ta dễ bị rơi vào tâm thế “ảo” ,đôi khi lợi bất cập hại.

Vấn đề là ở chỗ phát biểu như thế nào (kể cả nội dung và thái độ). Một nội dung đúng đắn, một thái độ đúng mức sẽ có tính thuyết phục, chia sẻ hay định hướng cộng đồng trên mạng. Những nhận thức sai lầm, thái độ quá khích cũng sẽ có tác động ngược lại ... Cần ý thức sức mạnh của mạng trên cả 2 mặt tích cực và tiêu cực đó. Để dân tộc không bị phân tâm khi đứng trước những thử thách lớn của lịch sử, những phát biểu trước cộng đồng, tôi xin nhắc lại cần đến sự chín chắn và có trách nhiệm.

Đương nhiên vấn đề khó lại chính là chỗ nói thế nào là đúng đắn và thái độ thế nào là đúng mức. Ngoài sự khác biệt giữa những người tham gia trên mạng còn có sự khác biệt giữa quan điểm chính thống của Nhà nước với người dân. Đứng trước những vấn đề phức tạp như thế này thì lý tưởng nhất là có sự đồng thuận hay nhất trí của các bên.

Để có được sự đồng thuận ấy thì Nhà nước cần chủ động trong việc giáo dục, tuyên truyền kể cả sự lắng nghe, thuyết phục hay tiếp thu những tiếng nói từ phía người dân. Thái độ của người dân như thế nào một phần là từ cách ứng xử của nhà nước. Đây là một việc rất quan trọng vì đó là nền tảng của sự đoàn kết trong hành động.

Cuối năm 1946, khi đi kiểm tra công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân tái xâm lược, mọi người đều nói quyết tâm, Bác Hồ nói rằng quyết tâm chưa đủ, phải “tín tâm” thì mới “đồng tâm” được. Bởi vậy theo tôi, nếu để các bạn trẻ có những nhận thức sai về thực trạng, hành động không phù hợp với ý đồ của Nhà nước thì cần phải nhận rằng có phần do lỗi tại người lớn trong đó có cả những đoàn thể và cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước.

- Có ý kiến cho rằng lòng yêu nước phải thể hiện bằng hành động, chứ không phải là những lời nói trên các mạng xã hội. Ý kiến của ông về điều đó?

Đương nhiên lòng yêu nước thì phải được thể hiện bằng hành động, còn hành động như thế nào thì thật khó nói vì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Chung nhất là thực hiện tốt tư cách công dân và tìm được sự đồng thuận chung với cộng đồng. Lý tưởng nhất là có được sự đồng thuận với Nhà nước trong những vấn đề hệ trọng của nước nhà.


Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc.

- Ngày 5/6, một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra "các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc" trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng chúng ta lại dùng từ “tụ tập” để nói về điều đó. Ông nghĩ sao về điều này?

Tại sao ta lại ngại chữ “biểu tình”. Biểu tình được ghi trong Hiến pháp nhưng đáng tiếc nó chưa được luật hoá nên mỗi người hiểu khác nhau. Đông người đến môt chỗ làm một việc, nếu để ăn uống, chơi bời, giải trí thì đó là tụ tập, còn đến để bày tỏ chính kiến thì là “biểu tình”. Nội dung chính kiến thì ủng hộ, chào mừng... hay phản đối, đả đảo cũng đều là biểu tình. Vấn đề là phản đối hay ủng hộ cái gì mới là điều đáng xem xét.

Đáng mừng là trong các phát ngôn chính thức của Nhà nước đưa ra đều cho rằng hiện tượng “tụ tập” ấy bắt nguồn từ bức xúc của một số người dân, là một cách bày tỏ lòng yêu nước trước những gì xảy ra trên Biển Đông mà quan điểm chính thức của Nhà nước đều nói đến những hành động sai trái từ phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước ta và cách thể hiện sự bức xúc cũng diễn ra một cách đúng mức.

Vấn đề là cách thể hiện ấy vì không phải chủ trương của Nhà nước nên chính quyền đã sử dụng lực lượng để bảo đảm an ninh và tìm cách giải tán cuộc “tụ tập” một cách ôn hoà.

Ở đâu đó có xảy ra những tranh biện về việc nên hay không nên, nhưng quan trọng nhất trong chuyện này là đã không có sự xung đột. Đó là điều đáng mừng. Nó cũng cho thấy ý thức của những người tham gia rất tỉnh táo, dám thể hiện quan điểm của mình mà không bị ai xúi bẩy, kích động, có bức xúc nhưng vẫn bình tĩnh và không quá khích. Điều này giúp Chính phủ nhận ra điều phải làm và có điều kiện thực thi những giải pháp ngoại giao theo quan điểm phù hợp với lòng dân. Điều đó cũng cho thấy sự cần thiết phải luật hoá “quyền biểu tình” vì nếu biết cách sử dụng thì đó chính là lợi khí của Nhà nước mà lại thoả mãn quyền bày tỏ chính kiến của người dân.

- Đối với vấn đề biển Đông, cần thể hiện lòng yêu nước thế nào?

Vấn đề Biển Đông gắn với ý thức công dân về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, đó là điều thiêng liêng và cũng là thử thách quan trọng nhất của mỗi công dân trước nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đây cũng là một vấn đề phức tạp trong nhận thức cũng như trong hành động. Trong quá khứ, chúng ta đã có một kinh nghiệm rất dày dạn của nền ngoại giao nhân dân, mỗi người một vị trí khác nhau, có thể hiện khác nhau nhưng đều đồng hướng cho mục tiêu chung.


Tàu Trung Quốc phá cáp tàu Việt Nam sáng 9/6. Ảnh: Petrotimes.

Bộ đội thì đánh giặc cho giỏi, nông dân thì làm nhiều thóc gạo, nhà ngoại giao thì khôn khéo đấu tranh, Việt kiều thì vận động hành lang, văn nghệ sĩ cũng có công việc của mình v.v...., tất cả như một dàn hợp xướng. Muốn thế phải có bản nhạc hay (đường lối tốt) để ai cũng phải hiểu ý đồ của tác giả, lại có những nhạc công hay ca sĩ giỏi có kỷ luật (nhân dân), và rất quan trọng phải có nhạc trưởng không những có tài lại được mọi người tuân phục (nhà lãnh đạo).

Thời mới độc lập, để thực hiện một đường lối ngoại giao khôn ngoan đánh bại âm mưu của đối phương, Bác Hồ ký Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946. Nhiều người dân chưa hiểu, nhà lãnh đạo đứng trước đám đông thề với dân là “không bao giờ bán nước”. Từ đó, dân tin, dân làm theo ...

Bây giờ cũng phải làm sao cho dân tin rồi đường lối đúng mới được dân hưởng ứng. Đương nhiên thực tiễn bao giờ cũng phức tạp hơn lời nói, nhưng cái nguyên lý chỉ có dân tin, dân ủng hộ thì Nhà nước mới thành công là muôn thuở.

-Làm sao để các bạn trẻ Việt Nam được hiểu sâu sắc về lịch sử biển đảo nước ta, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa để nâng cao ý thức chủ quyền dân tộc?

Phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền trong dân nhưng tuyên truyền giáo dục trên tinh thần dân chủ chứ không chỉ áp đặt một chiều, trong đó có tuyên truyền giáo dục về Biển Đông (giá trị, những kiến thức về pháp lý, những bằng cứ và bài học lịch sử..).

Ví như ta bức xúc muốn đem sự việc ra kiện, đã kiện thì phải thắng, muốn thắng phải hiểu luật, hiểu cơ sở pháp lý và lịch sử với những chứng cứ lập luận thuyết phục chứ không thể chỉ bằng ý chí... Trong những tri thức lịch sử ta phải học tổ tiên, cha ông vì sao cha ông ta đã khẳng định và giữ được chủ quyền cả ngàn năm?

Vì sao dân vẫn thờ ông Sĩ Nhiếp (người dạy chữ Hán) mà vẫn dùng chữ Hán viết “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư” và đánh gịăc phương Bắc xâm lược ? Vì sao không triều đại nào (kể cả Quang Trung) không nhận sắc phong mà không ông vua nào của nước ta bước qua biên giới nhận sắc phong nhưng lãnh thổ vẫn được bảo toàn vững chãi... Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần học cả những bài học không thành công, những bài học về những gương xấu trong lịch sử...


Giới trẻ luôn hướng về Hoàng Sa - Trường Sa.

Riêng với vấn đề Biển Đông còn phải trang bị những tri thức hiện đại của thế giới về biển, luật biển và những vấn đề mang tính thời sự liên quan đến Biển Đông, đóng góp thiết thực vào việc phát triển tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Biển... Đó chính là nền tảng để đạt được sự đồng thuận trong nhân dân và giữa người dân với Nhà nước...

Phát biểu mới đây nhất ở Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững niềm tin vào truyền thống bảo vệ Tổ quốc của dân tộc và đưa ra những đối sách cụ thể trong quan hệ đối ngoại... Tôi nghĩ đấy chính là cơ sở để mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước của mình và Nhà nước thể hiện năng lực đoàn kết, tổ chức để biến lòng yêu nước thành những thành quả cụ thể.

Tôi tin rằng thế hệ trẻ thời nào cũng như toàn dân đều có lòng yêu nước. Có thể có những cách thể hiện khác nhau tuỳ theo thời đại nhưng cốt lõi thì chẳng có gì thay đổi. Biết tổ chức và phát huy lòng yêu nước của người dân chính là trách nhiệm của Nhà nước, trong đó có vai trò của các đoàn thể liên quan tới giới trẻ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hoàng Lan
VTC News
http://www.tintuconline.com.vn/vn/xahoi/490258/index.html
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Lắng đọng hai tiếng Việt Nam

(FTUNEWS) – Những ngày gần đây, từ các phương tiện thông tin đại chúng cho đến blog cá nhân đều rộ lên nhiều tin tức và bình luận trái chiều về vấn đề Việt Nam – Trung Quốc. Mỗi người trẻ lại có những quan điểm và cách thể hiện lòng yêu nước khác nhau. FTUNEWS xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của bạn Hồ Ngọc Hân – vô địch “Đường lên đỉnh Olympia 9” và là á khoa kì thi tuyển sinh ĐH Ngoại thương CSII năm 2009. Ngọc Hân hiện đang học tập tại Melbourne, Australia.

Các bạn trẻ Việt Nam có lẽ đều đã đọc qua “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”. Bản thân tôi khi học tác phẩm này năm lớp 7 cũng mơ hồ không hiểu thất sự lòng yêu nước là như thế nào. Hồi đó tôi đã nghĩ: “Làm sao để biết là em có yêu nước hay không?” Nhưng tôi đã không dám hỏi cô.

Hồi cấp 1, đọc về việc quân nhà Trần khi chống giặc Nguyên Mông đã khắc lên tay hai chữ “Sát Thát”, tôi đã ước một ngày mình cũng được khắc lên tay như vậy. Tất nhiên đó chỉ là ước mơ con nít khi tôi chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc này.

Lớn lên một chút, tôi biết được lòng yêu nước là tinh thần màu cờ sắc áo, là sự vỡ òa, là ngồi trên giường mà bật dậy nhảy rầm, vừa nhảy vừa khóc khi Công Vinh đánh đầu vào lưới Thái Lan năm 2008; là hai chị em ngồi thẫn thờ tới nửa đêm ở hồ Con Rùa sau chung kết SEAGAMES 2009, dù rằng tôi không hề hâm mộ môn thể thao vua.

Lớn thêm chút nữa, lúc mới ra nước ngoài, tôi hiểu thêm về lòng yêu nước. Đó là khi đi vào wc công cộng của bạn, mà ao ước đến bao giờ học sinh cấp 1 của ta mới có cái wc bằng một phần thế này. Đó là khi đi trên xe lửa của bạn, mà mong mỏi xe buýt của thành phố Hồ Chí Minh khi nào mới được gọi là văn minh. "Không lâu nữa đâu, đất nước chờ bàn tay xây dựng của thế hệ mình, mẹ Tổ quốc ơi hãy chờ và hãy tin ở chúng con."

Đó là khi nghe bạn bè quốc tế nói không đúng về Việt Nam, tức đó, tranh luận đó, nhưng tôi vẫn không thuyết phục được nhiều. Một thời gian sau, nhận ra những gì bạn nói có cái phiến diện, sai lệch nhưng bạn không hoàn toàn sai, xót xa...

Đó là khi nghe kể một sinh viên quốc tế đã từng hỏi bạn tôi:

- Where are you from?

- Vietnam.

- Ohhh... How about the war?

Đó là một lần vào quán nước, ngồi nói chuyện với một sinh viên Úc về Việt Nam, về biển Đông, xấu hổ vì kiến thức lịch sử nước mình mà bạn nhớ rõ không thua gì tôi, còn kiến thức chính trị xã hội thì rõ ràng là hơn hẳn tôi, tự trách, mình đã không quan tâm, hay mình đã không được biết?

20 tuổi nhưng tôi không được thực hiện quyền công dân - quyền bầu cử. Dù vẫn còn nhiều thiếu sót, tôi vẫn tin rằng mỗi công dân Việt Nam cần có ý thức và trách nhiệm bầu cử để chọn ra được những lãnh đạo tài giỏi cho đất nước.

Nhưng hôm nay tôi tin tôi đã làm tròn một quyền công dân khác: góp tiếng nói bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giản dị thôi nhưng với tôi đã là đủ. Hôm nay, tôi đi biểu tình.

Tôi gọi điện báo về cho bạn bè ở Việt Nam với thái độ dè dặt, không phải tôi sợ hay thiếu tin tưởng việc làm của mình, nhưng không biết sao tôi vẫn hạ giọng xuống khi nói đến hai chữ “biểu tình”. Có thể bởi chữ “biểu tình” từ nhỏ đã ăn sâu vào tôi theo nghĩa chống đối, gây rối.

Nhưng hôm nay, tôi đã được chứng kiến, và hơn cả chứng kiến, là tham gia vào một cuộc biểu tình đúng nghĩa trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Melbourne, Australia.

Mọi người biểu tình rất văn minh và lịch sự, ai cũng ý thức được phải tạo ấn tượng đẹp để không làm mất thể diện người Việt Nam. Biểu tình chỉ hô khẩu hiệu và hát: ‘We love peace, we love friendship! Chinese government stops violating Vietnam! Chinese government hands off Vietnam! Paracel and Spratly belong to Vietnam! Việt Nam muôn năm!’ Hô ròng rã suốt mấy tiếng, mệt thì giải lao bằng văn nghệ với Nối vòng tay lớn, Lên đàng, Tự nguyện, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam,... Biểu tình không hề có bạo lực, hỗn loạn hay chống đối. Cảm giác được mặc áo mang cờ Việt Nam, tay cầm cờ Việt Nam và miệng thì hô vang hai chữ Việt Nam ở giữa trời Úc thật không còn gì bằng! Đây có thể nói là lần đâu tiên có nhiều cờ đỏ sao vàng như thế phấp phới ở Melbourne (theo lời anh Vũ Anh Minh).

Tôi thấy trên mạng nhiều người kêu gọi không biểu tình và gọi những kẻ đi biểu tình là "thiển cận" bởi biểu tình chỉ làm rối thêm chứ không giải quyết được gì. Vốn những người đi biểu tình hôm nay cũng hiểu chính sách Trung Quốc dễ gì tự nhiên thay đổi vì mấy chục người trước cửa lãnh sự quán. Rõ ràng là không rồi. Nhưng ít ra đó cũng là cách nâng cao tinh thần dân tộc, lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam, thể hiện cho Trung Quốc thấy người Việt Nam chúng ta đoàn kết trên dưới một lòng và không hề sợ bất cứ thế lực nào cả, chứ không phải để Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Biểu tình ở nước ngoài còn để kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhiều người đi ngang lấy tờ rơi của mình, nghe mình nói chuyện mới ngạc nhiên: ‘Ồ, lâu nay không hề biết gì về vấn đề này cả.’ Biểu tình cũng là để nói cho những người bạn Trung Quốc ở đây biết thêm về sự thật, bởi khi ở Trung Quốc, họ toàn bị chính quyền nhồi nhét, tới sách lịch sử của Trung Quốc từ 50 năm trước đến nay vẫn ghi Việt Nam như là chư hấu của Trung Quốc chứ không hề là láng giềng, là hàng xóm, là đối tác,...

Thêm nữa, cuộc biểu tình ngày hôm nay đã có sự tham gia của một số trí thức Việt Nam dưới chế độ cũ ở đây. Họ nghe nói đến cuộc biểu tình, họ đến để ủng hộ, để thể hiện tinh thần dân tộc, để chung tiếng nói dân tộc. Một số người có uy tín trong cộng đồng người Việt ở đây đã ngỏ ý tổ chức một cuộc biểu tình hòa hợp cả hai thế hệ, hai chế độ, hai quan điểm chính trị. Cũng phải thôi, những khác biệt đó có là gì, khi Tổ quốc cần thì chúng ta đều là một, là người Việt Nam. Xét tới khía cạnh hòa hợp dân tộc thì cuộc biểu tình cũng xem như là đã thành công.

Chiều hôm nay, tôi đã hô thật to để giải tỏa tình cảm kìm nén bấy lâu, để phản đối Trung Quốc, hô cho cả bạn bè ở Việt Nam nhờ "biểu tình giùm", hô vì mấy chục con người xung quanh đang giơ cao lá cờ trên đầu và làm như tôi.

Chiều hôm nay đứng trước lãnh sự quán Trung Quốc, tôi cùng với hơn 40 con người Việt Nam, khắp vùng miền, nhiều lứa tuổi và hai chế độ, cùng hòa làm một trong từng câu khẩu hiệu, từng từ trong “Nam quốc sơn hà”. Giơ cao lá cờ trên đầu, ngửa cổ lên, nhắm mắt lại và cứ thế hô, nhiều khi mệt và không thật sự ý thức được những tiếng vừa phát ra. Duy tôi luôn lấy hết sức để hô thật rõ và dõng dạc hai chữ cuối cùng. Tôi đã cảm nhận được một tình cảm như thế, rất thật, lắng đọng trong hai tiếng: VIỆT NAM!

Tôi viết bài này không phải để kêu gọi biểu tình, bởi mỗi người thể hiện lòng yêu nước theo cách riêng của họ. Hơn nữa tôi cũng biết rằng ở mỗi nơi, trong nước và ngoài nước sẽ có những đặc thù riêng, tôi tin rằng những nhà lãnh đạo đang và sẽ tìm ra những bước đi khéo léo để giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Tôi chỉ mong rằng thế hệ trẻ ở Việt Nam hãy đừng thờ ơ với tình hình đất nước.

Lại nhớ tới câu hát trong bài Tự nguyện: ‘Là người, tôi xin chết cho quê hương!’ Chết, đơn giản là sống hết mình vì quê hương đất nước, vì Việt Nam.

Hồ Ngọc Hân

Nguồn: http://ftunews.com/cam-thuc/blog/433-lang-dong-hai-tieng-viet-nam-ho-ngoc-han.html
 
10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Thách thức Biển Đông và "chiếc nỏ thần" Việt Nam

Thách thức Biển Đông và "chiếc nỏ thần" Việt Nam


Tác giả: TS Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore)
Bài đã được xuất bản.: 14/06/2011 06:00 GMT+7


Dân tộc Việt Nam có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác. Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được.

Những biến động dồn dập gần đây ở Biển Đông với hành động phi đạo lý của Trung Quốc trong xâm phạm chủ quyền của Việt Nam chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ chứa đựng không chỉ tham vọng vô đáy của Trung Quốc trong vùng biển xung yếu này mà cả sự đánh giá rất thấp (nếu không nói là coi thường) khả năng ứng xử chiến lược của nhà nước và sức trỗi dậy của dân tộc Việt Nam.

Đây là một nước cờ sâu và táo bạo. Có lẽ những người đi nước cờ này đã trù tính kỹ tới ba phản ứng sau đây của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam sẽ không tiếc tiền, vội vã mua sắm vũ khí, tăng cường phòng thủ. Điều này sẽ làm ngân sách quốc gia kiệt quệ, kinh tế vĩ mô chao đảo, kinh tế suy yếu.

Thứ hai, người dân Việt Nam sẽ rất bức xúc trong khi nhà nước bối rối lo ngại nên tăng cường kiểm soát và kìm chế. Kết quả là, người Việt Nam sẽ mất đi tính sáng suốt của sự đồng lòng; và do đó không còn tâm trí nào cho một nỗ lực cải cách sâu rộng.

Thứ ba, giới doanh nhân Việt Nam sẽ mất đi quyết tâm và nhuệ khí trong thâm nhập thị trường Trung Quốc, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong chiến lược phát triển. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục là nước thua thiệt và yếu kém nhất trong các nước châu Á trong quan hệ thương mại với thị trường khổng lồ và tăng trưởng nhanh chóng này.

Thế nhưng, những người chơi nước cờ sâu và táo bạo nói trên có thể không lường hết sức trỗi dậy của dân tộc Việt Nam. Dân tộc này có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác. Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được. Thách thức Biển Đông có lẽ là một vận hội vô giá, nó buộc người Việt Nam chúng ta phải dùng đến chiếc "nỏ thần" kỳ diệu này.

Chúng ta cần hiểu Trung Quốc hơn


Để vượt qua thách thức nghiệt ngã hiện nay, Việt Nam cần hiểu rõ hơn Trung Quốc. Đây là một dân tộc có nền văn hóa lớn, lâu đời, với nhiều thành quả huy hoàng trong quá khứ nhưng đã bị kìm nén nặng nề trong hàng trăm năm qua do chính sách đóng cửa và não trạng mê muội. Từ khi có cải cách do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng họ đã đi được những bước khổng lồ, làm thế giới thán phục, với động lực chủ đạo là ý chí và tham vọng rất lớn, trọng dụng nhân tài, tầm nhìn rộng, và mưu kế sâu sắc. Xu thế này hiện còn rất mạnh mẽ và có thể còn kéo dài.


Đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Chu Thanh Vân.

Việt Nam cũng như nhiều nước khác cần thấu hiểu cục diện này và chuẩn bị thật tốt để có thể sống bên một người láng giềng khổng lồ, hùng mạnh, tham vọng, mưu sâu, và có thể có những hành vi nhẫn tâm trong khẳng định quyền thế nhờ sự trỗi dậy của mình.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần biết rõ những điểm yếu rất dễ tổn thương của Trung Quốc. Thứ nhất, đó là nội tình phức tạp với nhiều yếu tố bất ổn từ trong cốt lõi. Mức độ ổn định chính trị và kiểm soát tham nhũng của Trung Quốc rất thấp so với hầu hết các nước (theo khảo sát thường niên của Ngân hàng Thế giới). Trung quốc sẽ không thể rảnh tay làm mưa gió trên thế giới nếu người dân Trung Quốc thấy chính phủ mình thua kém Việt Nam và các nước láng giềng trong nỗ lực cải cách-phát triển. Khi đó Trung Quốc sẽ phải quay về giải quyết vấn đề nội bộ.

Thứ hai, hình ảnh nhân văn của Trung Quốc trên trường quốc tế còn rất thấp. Từ thực tế châu Phi đến Biển Đông, họ chưa chứng tỏ được mình là một quốc gia có trách nhiệm cao trong kiến tạo hòa bình và phồn vinh cho thế giới.

Thứ ba, Trung Quốc để lại nhiều ấn tượng chưa đẹp về tính trung thực và sự nhất quán giữa hành động và lời nói, từ chất lượng sản phẩm đến đường lối kinh tế và chính sách ngoại giao.

Một mặt khác, Trung Quốc là một quốc gia có lãnh đạo giỏi, tầm nhìn xa. Trên thực tế, họ rất ngại và kiêng nể các quốc gia có hội đủ ba yếu tố: thượng tôn các qui luật của tạo hóa, trọng dụng nhân tài, và dốc sức khai phát sức mạnh dân tộc. Bởi họ biết dân tộc này sẽ là một quốc gia hùng cường. Hàn Quốc là một trường hợp điển hình. Trong khi đó, họ có thể hành xử rất ngạo mạn với những quốc gia mê muội, giáo điều, hắt hủi hiền tài, phân liệt nhân tâm. Bởi họ biết đất nước này đang ở vào thế suy vi.

Trung Quốc đã qua giai đoạn trỗi dậy hòa bình và bước vào giai đoạn khẳng định uy lực của mình. Họ sẽ không ngại đối đầu trên những điểm mạnh của họ, đặc biệt là về thực lực kinh tế và quân sự. Tuy nhiên họ sẽ phải chùn lại nếu sự đụng độ khoét sâu các điểm yếu nêu trên: ổn định chính trị thấp, hình ảnh nhân văn hạn chế, ấn tượng về hành xử thiếu văn minh và trách nhiệm.

Việt Nam: Chiếc "nỏ thần" và phương cách sử dụng

Từ bài học từ cha ông

Binh pháp cổ có tổng kết rằng, muốn làm nên một chiến thắng hiển hách, cần có khả năng làm kinh ngạc đối phương. Đây là chiếc "nỏ thần" kỳ diệu mà người Việt Nam qua bao thế hệ đã dùng đến mỗi khi đất nước bị lâm nguy hoặc ngoại xâm giày xéo. Ông cha ta đã để lại những bài học quí giá khi dùng đến vũ khí chiến lược này.

Bài học của Đức Trần Hưng Đạo chỉ ra rằng cách bảo vệ tổ quốc tốt nhất là chủ động tiến công vào những yếu kém của chính mình. Theo tư tưởng này, ngài thảo ra hịch tướng sĩ, khích lệ tướng sĩ thấy nỗi nhục quốc gia mà bỏ thói hư tật xấu, quyết chí một lòng, xả thân vì nước.

Ngài chỉ rõ, nếu để mất nước thì: "chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến ngàn năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận."

Và nếu giữ được nước thì: "trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền."

Nguyễn Trãi nêu ra những nguyên lý cao cả để dân tộc vượt lên mọi sự bạo ngược:

"Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy chí nhân để thay cường bạo"


(Bình Ngô Đại cáo)



Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ trăn trở tìm kiếm người hiền tài ra giúp nước: "Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến... Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương." (Chiếu cầu hiền)

Đến nỗ lực hôm nay

Sẽ cần những nghiên cứu sâu sắc và thảo luận rộng khắp trong nhân dân để tìm ra đủ phương cách để Việt Nam có thể vượt lên bằng những nỗ lực làm kinh ngạc thế giới, buộc đối phương phải rút về thế phòng thủ - hòa hoãn. Ba hướng đi lớn cho các nỗ lực có thể là:

1- Xác lập ý chí cải cách của lãnh đạo Đảng và Nhà nước;

2- Cả nước trên dưới một lòng toàn tâm toàn ý khai phát sức mạnh tiềm tàng của dân tộc; và

3- Toàn xã hội thành tâm coi giá trị nhân văn và lòng nhân bản làm nền tảng phát triển và hướng đích cho dân tộc đi đến phồn vinh.

Theo hướng đi này chúng ta có quyền đòi hỏi và kỳ vọng một số hành động sau đây.

+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe bàn luận để thấy hết nguy cơ, thậm chí thảm họa mà đất nước nhân dân sẽ phải gánh chịu trong tương lai không xa nếu đất nước tiếp tục tụt hậu, dân tộc phân tâm.


+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quây quần cùng đại diện mọi tầng lớp nhân dân, ngày đêm họp bàn tìm phương kế cải cách, đưa nhanh đất nước đến hùng cường.

+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước có chính sách sử dụng hiền tài, đưa đất nước vượt lên trên mọi lĩnh vực, từ phát triển kinh tế đến củng cố quốc phòng, từ dân chủ hóa đất nước đến xây dựng thiết chế nền tảng cho phát triển bền vững, từ cải cách giáo dục đến nâng cấp tiềm lực khoa học công nghệ, từ hợp tác quốc tế đến gia cường vị thế và hình ảnh Việt Nam.

+ Có những bước đi đột phá táo bạo; đặc biệt là xây dựng một số đặc khu kinh tế nhằm huy động sức mạnh tổng lực của dân tộc, là hình mẫu của Việt Nam năm 2045, với sức đuổi vượt mạnh mẽ làm thế giới khâm phục và kính nể.

+ Mỗi người dân Việt Nam, dù ở đâu hãy tự giác góp phần tạo nên hình ảnh một dân tộc có phẩm chất cao quí: thành tâm trong hợp tác, cầu thị trong học hỏi, ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng. Việt Nam cần trở thành một điểm sáng, có sức tương phản và thu hút mạnh mẽ trong hun đúc những phẩm chất cao quí này.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/201...-than-viet-nam
 
Top