Toạn đàm "Người lớn học được gì từ trẻ em?" Học sống, học ngây thơ

241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Toạn đàm "Người lớn học được gì từ trẻ em?"


Học sống, học ngây thơ


SGTT.VN - Tôi biết một ông bố 45 tuổi phân vân mãi mới quyết định nói chuyện tình dục với cậu con trai 15 tuổi, và… bổ chửng khi nghe câu trả lời của con: “Bố có thắc mắc gì cứ hỏi đi, con sẽ trả lời!”.


Hoạ sĩ Sĩ Hoàng (giữa) cùng “báu vật” của anh.

Diễn ra tại nhà triển lãm mỹ thuật dinh Thống Nhất, TP.HCM sáng 10.7, cuộc toạ đàm có cái tên tưởng nghịch nhĩ: “Người lớn học được gì từ trẻ em?”, do viện LEADMAN, thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM và chương trình giáo dục Nhân cách nhân tài tổ chức, đã nhận được sự tham gia của hơn một trăm ông bố, bà mẹ trẻ cùng ba diễn giả chính: bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng, hoạ sĩ Sĩ Hoàng.

Tài sản quốc gia, báu vật mỗi nhà

Là nhà thiết kế thời trang tên tuổi, nhưng hơn 20 năm đứng trên bục giảng đào tạo nhiều thế hệ thiết kế, giáo dục luôn là mối quan tâm lớn nhất của hoạ sĩ Sĩ Hoàng, thôi thúc anh xây dựng chương trình giáo dục Nhân cách nhân tài. Trong không gian đầm ấm của buổi toạ đàm, có bà mẹ đang mang thai, có ông bố con trai đang tuổi dậy thì… nhà thiết kế Sĩ Hoàng hạnh phúc ôm vào lòng đứa con 21 tháng tuổi mang tên Lê Sĩ Huy giới thiệu với mọi người: “Cháu là “bằng chứng sống” quý giá nhất để tôi trải nghiệm những ngày tháng nuôi con, và kiểm chứng một cách khoa học khi áp dụng chương trình cho bé từ mười ngày tuổi đến 21 tháng. Tài sản quý giá nhất mà chúng ta sở hữu không phải là tiền bạc, vật chất, mà chính là một sinh linh có thể tiếp nối những ước mơ, giữ gìn dòng máu của dòng tộc. Báu vật đó đang dạy chúng ta từng ngày sống tốt hơn, đẹp hơn. Chúng ta, người lớn, đang bị hư hỏng đi rất nhiều, trẻ con không chỉ là tờ giấy trắng, mà còn là tờ giấy thấm đúng nghĩa, để làm trong lại cái phần tuổi thơ vốn tiềm ẩn trong mỗi người”.

Ý kiến của anh đã nhận được nhiều đồng cảm. Một ông bố có con bị thần kinh, đã chữa bệnh cho con bằng âm nhạc, hội hoạ, đặt câu hỏi với nhà thiết kế: làm thế nào để khuyến khích khả năng sáng tạo của tuổi thơ? Sĩ Hoàng cho rằng nét bút đầu đời của trẻ là nét vẽ, chứ không phải nét viết: “Là giám khảo cuộc thi Nét vẽ tuổi thơ, tôi nhận thấy có những bé chưa bao giờ học vẽ như một bé ở Cần Giờ, lại vẽ quá đẹp, quá xúc động. Trẻ biết vẽ trước khi biết viết, biết hát trước khi biết nói, sai lầm của người lớn là dập tắt khả năng trời cho ấy ngay từ những bước đầu đời, cấm đoán và la rầy con khi cháu vẽ bậy lên tường. Phát ra những âm thanh ê a là lúc cháu đang hát đấy. Âm nhạc và hội hoạ giúp trẻ bị thần kinh phục hồi trí não nhanh, bởi nó có yếu tố sáng tạo nhiều nhất, phát huy trí tưởng tượng, khả năng tò mò, thích khám phá. Trong nghệ thuật, nếu không biết chán cái mình làm ra, sẽ dễ đi theo lối mòn, tự giới hạn mình. Chấp nhận tự tẩy rửa mình mỗi ngày là cái tôi học được từ những giờ chơi với con”.

Trẻ con không chỉ là tờ giấy trắng, mà còn là tờ giấy thấm đúng nghĩa, để làm trong lại cái phần tuổi thơ vốn tiềm ẩn trong mỗi người.

Bên cạnh khả năng sáng tạo vô bờ bến của tuổi thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại đưa ra những luận cứ rất khoa học về khả năng sinh lý tự nhiên của tuổi thơ: “Có một thực tế là nhiều bậc bố mẹ còn mù thông tin hơn cả trẻ con, vì các cháu tiếp cận công nghệ này rất nhanh. Tôi biết một ông bố 45 tuổi phân vân mãi mới quyết định nói chuyện tình dục với cậu con trai 15 tuổi, và… bổ chửng khi nghe câu trả lời của con: “Bố có thắc mắc gì cứ hỏi đi, con sẽ trả lời!” Ông nói thêm: “Đừng quát mắng và cấm đoán khi trẻ khóc, khóc cũng là cách giải toả mọi ức chế. Hai năm đầu đời là hai năm trí tuệ, cảm xúc của trẻ phát triển mạnh nhất, hoàn thiện khoảng 80% não bộ, quyết định tương lai của con sau này. Từ một tế bào nhỏ bé phát triển thành con người bằng xương bằng thịt, quá trình phát triển của con cho ta bài học lớn nhất về sự vô thường. Gần đây, nhiều phương pháp chữa bệnh đã trở lại với phương pháp thở của em bé. Thở bằng bụng là trở lại cách thở sinh lý. Không chỉ học thở, chúng ta còn học từ con cách ăn, cách ngủ. Tại Hà Lan, người ta đã làm một thí nghiệm, để rất nhiều loại đồ ăn khác nhau trên bàn. Điều lạ là mỗi trẻ chọn một món ăn khác nhau. Khi theo dõi chiều cao, cân nặng, họ nhận thấy khi trẻ được chọn món mà nó thích, sẽ phát triển tốt hơn nhiều là ép trẻ ăn theo chế độ nhất định”.

Trẻ dạy người lớn, cha mẹ học con

Chuyên gia tâm lý phụ trách tư vấn học đường trên nhiều tờ báo, tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, trưởng bộ môn tâm lý học và giáo dục học ứng dụng, đại học Sư phạm TP.HCM, nhấn mạnh những bài học quý giá từ tâm hồn trẻ thơ. Chị kể: “Học trẻ chính là học sống, học ngây thơ. Trong một giờ giảng về truyện Tấm Cám, khi tôi hỏi các em thích nhân vật nào, có em đã trả lời là thích cô… Cám, vì cô Tấm dại quá, bị lừa bao nhiêu lần vẫn không khôn ra! Trẻ có những nhận xét rất thú vị mà mình không ngờ tới. Đôi khi chúng ta bị loà bởi những thứ không thật, chính con là người dạy cho chúng ta trở thành người cha, người mẹ. Đặc tính của trẻ là hướng thiện, chân thành, sống theo cảm xúc nhiều hơn lý trí, và rất thực tế, ham hiểu biết. Người lớn bây giờ… loạng choạng lắm, biết là sai là ác mà vẫn làm, dù đêm về thì dằn vặt khôn nguôi. Sống đúng cảm xúc của mình và bộc lộ một cách hồn nhiên, không che đậy là điều rất khó, vì chúng ta đã bị lý trí đè nén đến mức thành vô cảm. Hãy tìm cách đến với con, trò chuyện nhiều hơn với con, chia sẻ hết những khó khăn mà chúng ta đang phải đối diện, lúc ấy bạn sẽ nhận thấy cái phần trẻ em của mình thức dậy. Học trẻ, để không tự vệ, không mang mặt nạ, áo giáp, có như vậy chúng ta mới thoát khỏi sự cô đơn khi sống trong một thế giới đông người…”

BÀI VÀ ẢNH: HƯƠNG XUÂN

http://sgtt.vn/Loi-song/147608/Hoc-s...-ngay-tho.html
 
Top