Tranh chấp khối tài sản 1.000 tỉ đồng

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Do chết bất đắc kỳ tử, một phụ nữ để lại khối tài sản khổng lồ nhưng không kịp lập di chúc. Từ đó dẫn đến tranh chấp giữa người con nuôi và các anh chị em của người vừa qua đời.

Chiều 30-5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã mời ông T.V.P và chị T.H.H.L đến làm việc liên quan đến khối tài sản trong két sắt đang được ký gửi tại ngân hàng này. Sau 3 giờ làm việc, các bên vẫn không đạt được thỏa thuận. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động lúc 17 giờ cùng ngày, một lãnh đạo Sacombank khẳng định “do vụ việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa nên khối tài sản nằm trong két sắt hiện vẫn đang được giữ tại ngân hàng”.

Chết không để lại di chúc

Liên quan đến khối tài sản trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 3-2011, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh - TPHCM đã lập một vi bằng ghi nhận lại khối tài sản khổng lồ lên đến 1.000 tỉ đồng của một người phụ nữ quá cố tên là T.K.P (sinh năm 1946, ngụ quận Tân Phú - TPHCM). Đây có thể xem là vụ việc được lập vi bằng có số tài sản lớn có một không hai.

Do chết bất đắc kỳ tử nên bà P. đã không để lại di chúc trong khi bà không có con ruột, chỉ có một người con nuôi 22 tuổi mang họ bà có tên là T.H.H.L. Người con nuôi này được bà P. xin nuôi ngay khi còn đỏ hỏn ở Bệnh viện Hùng Vương và được pháp luật thừa nhận. Khi bà P. chết, người con nuôi đang du học ở Đức đã quay về chịu tang mẹ.

Ngay khi tổ chức lập vi bằng dưới sự chứng kiến của anh chị em bà P. và chị H.L cùng công an địa phương, tài sản của bà P. gần như không đếm xuể, phải đếm trong vòng 1 tuần mới xong: gồm 100 cây vàng, tiền mặt, 1 triệu USD, trang sức có rất nhiều kim cương, 17 cuốn sổ tiết kiệm (trong đó có nhiều sổ ghi số tiền hàng chục tỉ đồng).

Ngoài ra, còn có rất nhiều nhà xưởng, đất đai ở quận Tân Phú - TPHCM, tỉnh Bình Dương, Tây Ninh... cũng do bà P. đứng tên. Không chỉ để tiền và tài sản quý giá trong két sắt, rất nhiều vàng được bà P. giấu kỹ bên dưới bàn làm việc đã làm những ai chứng kiến đều phải ngỡ ngàng.

Điều càng ngỡ ngàng hơn bà P. còn cất giữ cẩn thận nhiều tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng. Ngoài ra, căn nhà bà P. sinh sống tại quận Tân Phú rộng khoảng 2.000 m2 với 1 sân tennis cho thuê.

Tranh chấp

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cha mẹ bà P. là người Hoa, có nghề làm bún gạo nên đã truyền nghề lại cho các con, trong đó có bà P. Ban đầu bà P. tự tay làm bún và làm thủ công, dần dà mở rộng quy mô nên thuê thợ phụ và rất nhiều khu đất ở quận Tân Phú vốn là nơi phơi bún, sau đó bà P. được Nhà nước cấp đất để mở rộng quy mô làm ăn.

Sau đó, bà P. mua lại rất nhiều đất ở xung quanh, kể cả các tỉnh nên tài sản của bà ngày càng khổng lồ. Bà P. cũng tạo công ăn việc làm, chỗ ở cho những người làm công gắn bó với bà từ lúc làm bún và cả sau này. Theo một số người từng làm công cho bà P., bà sống rất khiêm tốn, thường làm từ thiện nhưng rất kín tiếng.
Ngoài người con nuôi, bà P. có 6 anh chị em thì hầu hết đều theo nghề làm bún gạo và đều khấm khá, trong đó hiện có một người chị ở quận Tân Phú còn giữ nghề làm bún gạo với thương hiệu nổi tiếng, 1 người anh và 1 người em của bà hiện sống ở Đức.

Vì khối tài sản quá lớn mà bà P. để lại nên hầu hết anh chị em trong gia đình bà P. đều muốn gửi vào ngân hàng mà không để cho người con nuôi nắm giữ. Sau khi lập vi bằng khối tài sản trên, ông T.V.P (em trai bà P.) đã cùng người con nuôi là chị T.H.H.L thống nhất ký gửi tài sản trong két sắt tại Sacombank thời hạn đến cuối tháng 3-2012. Khi hết hạn ký gửi, chị L. muốn rút số tài sản này về nhưng ông P. lại không đồng ý vì ông cho rằng vụ việc đang còn tranh chấp, ông muốn gia hạn ký gửi để đợi hai người anh em ở Đức về giải quyết.

Tại Sacombank, ông P. phân trần: “Sở dĩ gia tộc tôi muốn làm rõ vấn đề là vì toàn bộ số tài sản nói trên đều do công sức của cả dòng họ, trong đó có những người ở nước ngoài hùn hạp làm ăn với chị tôi. Nay tôi muốn gia hạn thêm để chờ những người ở nước ngoài về cùng giải quyết trước tòa”. Có mặt tại buổi làm việc, chị H.L ăn mặc khá giản dị và tỏ ra dè dặt trước phóng viên. Khi được hỏi về những vấn đề liên quan, chị H.L từ chối trả lời.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, chị H.L cho biết nếu được thừa hưởng khối tài sản của mẹ theo sự thừa nhận của pháp luật, chị sẽ để lại cho Tổ chức UNICEF Việt Nam.


Quy định của pháp luật

Vụ việc trên vẫn đang chờ tòa án xét xử. Tuy nhiên, theo luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TPHCM) trong trường hợp những người anh chị em của bà P. chứng minh được tài sản có phần hùn hạp, công sức đóng góp để tạo nên khối tài sản thì sẽ được xem xét.

Nếu không, theo khoản 1 điều 675 Bộ Luật Dân sự thì thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Còn theo điều 676 bộ luật này, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2/ Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3/ Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

http://nld.com.vn/20120530104444578p0c1019/tranh-chap-khoi-tai-san-1000-ti-dong.htm
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Tranh chấp khối tài sản 1.000 tỉ đồng

Chuyện của người đàn bà ngàn tỉ

Dù làm chủ khối tài sản khổng lồ nhưng bà T.K.P sống giản dị, ky cóp, ăn chay trường và hay làm từ thiện.

Tìm đến căn nhà bà T.K.P (SN 1946, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú - TPHCM) từng sinh sống, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi dọc con đường trước căn biệt thự vườn có kiểu dáng cũ kỹ và phía đối diện khu vườn này là nhiều khu đất được xây nhà xưởng để cho thuê hoặc xây sân tennis, cầu lông… đều thuộc sở hữu của bà P.

Đi lên từ gian khó

Chúng tôi tìm gặp bà Đ., người từng theo bà T.K.P làm công cho lò bún hơn 30 năm, cũng là người gắn bó với bà P. lâu nhất so với những người làm công khác. Không vồn vã, với giọng đều đều, bà Đ. kể lại quá khứ của bà chủ T.K.P mà người dân nơi đây thường gọi là cô Năm.

“Năm 1978, cô Năm mở xưởng làm bún gạo khô mang nhãn hiệu Ông Thọ. Đây là nghề do cha mẹ cô truyền lại. Lúc đó, chị dâu cô Năm (quê ở Bến Tre) kêu tôi lên phụ việc. Tôi khăn gói lên TPHCM lúc hơn 15 tuổi và bắt đầu làm cho mẹ cô Năm, sau đó chuyển sang làm cho cô Năm đến năm 2004 thì cô Năm đóng cửa lò bún. Vợ chồng tôi chuyển sang bán trái cây, nước giải khát và vẫn được cho ở nhờ trong căn nhà nhỏ cất gần xưởng”.

Nói về lò bún, nơi khởi nghiệp của bà T.K.P, bà Đ. vẫn nhớ như in những ngày lao động vất vả của chủ và người làm công nơi đây. Bà Đ. nói lúc mới mở lò, làm bún rất cực, các công đoạn đều làm thủ công, không có máy sấy, phải phơi ngoài sân, bà P. mượn mấy miếng đất gần đó để phơi bún. Lò bún nhỏ, lợp bằng lá dừa, vỏn vẹn mấy chục mét vuông nhưng có mười mấy nhân công. Nhờ hàng bán rẻ nên đi được nhiều tỉnh.

Công việc ăn nên làm ra, sau này anh em bà P. cũng mở thêm lò bún. Bà P. làm ăn khấm khá, sống ky cóp, tiết kiệm, gom góp để dành tiền mua đất. Ban đầu mua một công, hai công rồi ba công… Cứ thế, đất bà mua được ngày càng nhiều, bà kinh doanh đất, từ miếng nhỏ sinh ra miếng lớn.

Thích làm việc thiện

Cũng theo bà Đ., khi lò bún đóng cửa, bà P. bắt đầu xây nhà xưởng cho thuê. Bà P. ăn ở hiền lành, sống giản dị. Bà ăn chay trường, rất kiêng khem, chỉ ăn rau, đậu, tương cà. Bà hay làm từ thiện và là mạnh thường quân lớn của tỉnh Tây Ninh (do mẹ bà quê ở Tây Ninh), bà lại theo đạo Cao Đài nên năm nào cũng gửi tiền về Tây Ninh làm từ thiện.

Ngoài tỉnh Tây Ninh, bà thường gửi tiền đến các tỉnh khác khi được kêu gọi hỗ trợ. “Ở đây, người ta biết đến cô Năm không chỉ bởi cô Năm ăn ở hiền lành, chất phác, sống khiêm tốn mà còn do cô tốt bụng, hay làm từ thiện” - bà Đ. kể lại.

Một số người hàng xóm của bà T.K.P khi được hỏi thăm cũng cho biết bà P. dù giàu có nhưng sống rất giản dị. Vì vậy khi bà mất, nhiều người rất thương tiếc. Trao đổi với chúng tôi, em gái bà P. nói những năm cuối đời, bà P. không kinh doanh, buôn bán gì mà chỉ dành thời gian đi chùa, làm phước, giúp đỡ người nghèo ở các vùng khó khăn. Lãnh đạo phường nơi bà P. sinh sống cũng khẳng định bà thường hay ủng hộ quỹ dưỡng lão, quỹ vì người nghèo hay một số phong trào từ thiện mà phường phát động.

Riêng thông tin khối tài sản khổng lồ (khoảng 1.000 tỉ đồng) bà P. để lại, ông T.V.P (em trai bà P.) cho biết: “Sau khi báo đăng, gia đình có cuộc họp khẩn cấp bàn về những vấn đề liên quan. Theo đó, nếu cháu T.H.H.L (con nuôi bà P.) có ý định hiến tặng toàn bộ số tài sản cho quỹ từ thiện thì dòng tộc sẽ làm cam kết ủng hộ hết mình và không tranh chấp gì.

Ngược lại, gia đình sẽ tiếp tục làm rõ những vấn đề liên quan đồng thời sẽ nhờ tòa can thiệp. Trước tòa, chúng tôi sẽ chứng minh số bất động sản mà chị tôi đang đứng tên có phần hùn hạp của tất cả anh chị em và một phần tài sản không nhỏ của mẹ tôi”.

Rắc rối với khối tài sản khổng lồ

Liên quan đến khối tài sản trong két sắt được gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đến chiều 31/5, phía ngân hàng và khách hàng vẫn tiếp tục bàn bạc để đưa ra hướng xử lý. Trước đó, sau 3 giờ làm việc vào chiều 30/5, các bên vẫn không đạt được thỏa thuận.

Như báo đã thông tin, sau khi bà P. mất, Văn phòng Thừa phát lại Bình Thạnh tiến hành lập vi bằng khối tài sản của bà P.. Sau đó, ông T.V.P (em trai bà P.) cùng người con nuôi là chị T.H.H.L thống nhất ký gửi tài sản trong két sắt tại Sacombank thời hạn đến cuối tháng 3/2012. Khi hết hạn ký gửi, chị L. muốn rút số tài sản này về nhưng ông P. lại không đồng ý vì ông cho rằng vụ việc đang còn tranh chấp, ông muốn gia hạn ký gửi để đợi hai người anh em ở Đức về giải quyết. Còn phía ngân hàng thì không muốn gia hạn.

http://nld.com.vn/20120531110117918p0c1002/chuyen-cua-nguoi-dan-ba-ngan-ti.htm
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Tranh chấp khối tài sản 1.000 tỉ đồng

'Tâm thư' bất ngờ của con gái nuôi '1.000 tỷ'

Việc bà T.K.P (ngụ quận Tân Phú - TPHCM) qua đời, để lại khối tài sản hơn 1.000 tỉ đồng nhưng không kịp lập di chúc đã dẫn đến tranh chấp giữa người con nuôi (cô T.H.H.L) và các anh, em của bà P. Sau một thời gian im lặng, ngày 6/6, thông qua luật sư Nguyễn Bảo Trâm, cô H.L đã có “bức tâm thư” gửi anh, em của bà P.

Kính gửi cậu T.V.P và các cậu,

Kính thưa các cậu,

Căn cứ thông báo ngày 20/5/2012 của ngân hàng, cháu là T.H.H.L (hiện là người thừa kế hợp pháp duy nhất của má cháu là bà T.K.P) có trách nhiệm báo với cậu và những người liên quan về cách cháu xử lý tài liệu, tài sản mà má cháu để lại đã được cất trong ba ngăn tủ sắt đã thuê của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) theo hai hợp đồng thuê ngăn tủ sắt số 151/2011 ngày 22/3/2011 và số 162/2011 ngày 16/3/2011 như sau:

Theo vi bằng số 73/2011/VB-TPLBT do Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh-TPHCM lập ngày 24/3/2011 đính kèm biên bản kiểm kê có sự chứng kiến, đồng ý và ký tên của cậu T.V.P, cậu T.L.K, cậu T.V.P, cậu H.X và cháu thì: “Các bên thống nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký biên bản này, hai bên phải có mặt để mở ngăn tủ sắt tại Ngân hàng Sacombank và giao toàn bộ các giấy tờ có giá, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu bất động sản, bất động sản đứng tên bà T.K.P cho bà T.H.H.L để làm thủ tục mở thừa kế nếu bên còn lại không xuất trình được di chúc hợp pháp hay tài liệu hợp pháp chứng minh quyền sở hữu thuộc về mình. Nếu một trong hai bên vắng mặt thì bên kia đương nhiên được quyền đơn phương thực hiện mở niêm phong ngăn tủ sắt mà không cần sự chấp thuận của bên còn lại.

Trường hợp một trong các bên xuất trình được di chúc hợp pháp trước thời hạn kể trên thì có quyền yêu cầu bên kia có mặt để mở ngăn tủ sắt và thực hiện thủ tục khai di sản thừa kế ngay sau đó. Nếu một bên vắng mặt không có lý do hợp lý thì bên kia đương nhiên được quyền đơn phương thực hiện mở niêm phong ngăn tủ sắt mà không cần đến sự chấp thuận của bên còn lại”.

Đến ngày 23/4/2011 là thời hạn cuối cùng trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký biên bản kiểm kê ngày 24-3-2011 đính kèm vi bằng 73/2011 nêu trên nhưng cậu T.V.P đã không thực hiện lời cam kết trong vi bằng, từ chối lên mở ngăn tủ sắt để bàn giao lại tài sản cho cháu đi khai di sản.

Theo vi bằng số 75/2011/VB-TPLBT do Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập ngày 24/3/2011 đính kèm biên bản kiểm kê có sự chứng kiến, đồng ý và ký tên của cậu T.V.P, cậu T.L.K, cậu T.V.P, cậu H.X và cháu thì “Phương thức xử lý tài liệu, tài sản nói trên được áp dụng theo biên bản kiểm kê lập ngày 24/3/2011” (tức theo vi bằng 73/2011 nói trên).

Đến ngày 25/4/2011 là thời hạn cuối cùng trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký biên bản kiểm kê ngày 25/3/2011 đính kèm vi bằng 75/2011 nêu trên nhưng cậu T.V.P đã không đến Ngân hàng Sacombank nhằm thực hiện đúng thỏa thuận tại văn bản này. Việc cậu T.V.P không thực hiện cam kết nói trên đã được Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh ghi nhận trong vi bằng số 97/2011/VB-TPLBT, 100/2011/VB-TPLBT, 112/2011/VB-TPLBT và 127/2011/VB-TPLBT.

Cháu đã nhiều lần khẩn khoản cầu xin cậu T.V.P cùng cháu lên Ngân hàng Sacombank mở ngăn tủ sắt để cho cháu lấy giấy tờ đi khai di sản thừa kế và để lấy một số tiền trả cho những khoản còn thiếu trong việc xây mộ cho má cháu và trả cho những người làm công cho má cháu, để cháu có tiền đi học tiếp, hoàn thành việc học như mong muốn của má cháu nhưng cậu luôn từ chối.

Trong suốt hơn một năm vừa qua, cậu T.L.K, cậu T.V.P, cậu H.X và cậu T.V.P chưa từng đưa ra hoặc đề cập những chứng cứ chứng minh quyền của mình có trong khối di sản của má cháu để lại và đã từ chối nhiều đề nghị thương lượng của cháu. Và cũng trong suốt hơn một năm qua đó, nhiều lần, bằng cả nhắc miệng và bằng cả văn bản, cậu T.V.P yêu cầu cháu kiện các cậu ra tòa nếu muốn nhận lại tài sản nhưng cháu không muốn làm việc này, dù cậu P. có muốn.

Ngày 22 và 26/3/2012, hai hợp đồng thuê ngăn tủ sắt của Ngân hàng Sacombank nói trên đã lần lượt hết hạn, vào ngày 30/3/2012, trong buổi làm việc với ngân hàng này để giải quyết việc thanh lý hợp đồng đã quá hạn, một lần nữa, cháu đồng ý gia hạn thêm 30 ngày để cậu T.V.P tiếp tục đưa ra giấy tờ pháp lý có liên quan như cậu mong muốn nhưng cậu đã tuyên bố từ chối đề nghị này ngay cuộc họp.

Thưa các cậu,

Hợp đồng của chúng ta ký với Ngân hàng Sacombank là hợp đồng thuê ngăn tủ sắt để cất các tài liệu, tài sản của má cháu. Đó không phải là hợp đồng gửi Ngân hàng Sacombank để ngân hàng này giữ các tài liệu, tài sản do má cháu để lại. Sacombank đã đề nghị chúng ta thanh lý hợp đồng theo đúng quy định để lấy lại ngăn tủ sắt cho việc kinh doanh tiếp tục của họ.

Và cháu cùng với cậu T.V.P đã có mặt ở ngân hàng trong buổi họp chiều 30/5/2012 đó. Diễn biến cuối cùng của cuộc họp, cậu T.V.P đã không đồng ý lấy tài sản về, không đồng ý trả ngăn tủ sắt lại cho ngân hàng và cậu bỏ ra về. Sự việc này được lập vi bằng. Sau đó cháu đã thanh lý hợp đồng với ngân hàng và cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ thay cho Sacombank nếu có bất kỳ tổn thất, thiệt hại hay chi phí bồi thường nào nếu có liên quan đến hợp đồng thuê ngăn tủ sắt.

Để giữ hòa khí trong gia đình, cháu xin được tạm gác lại việc cậu T.V.P thất hứa và không thực hiện cam kết được ghi nhận trong vi bằng số 73/2011/VB-TPLBT hơn một năm trước cũng như việc cậu nhiều lần ép cháu kiện ra tòa. Hiện tại, cháu chỉ mong muốn gia đình mình hợp tác trên cơ sở pháp luật nhằm tìm một hướng giải quyết hợp tình, hợp lý cho những bất đồng quan điểm về thừa kế di sản đã tồn tại hơn một năm vừa qua.

Nay cháu, T.H.H.L, xin thông báo với cậu T.V.P và gia tộc về việc cháu rất sẵn sàng và vui lòng trao lại những tài sản trong di sản của má cháu nếu bất cứ người nào chứng minh được quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.

Trân trọng cảm ơn và kính chào các cậu.

Kính thư.


Ông T.V.P khởi kiện Sacombank



Ngày 6-6, TAND quận 3 - TPHCM cho biết đã nhận được đơn khởi kiện của ông T.V.P. (em bà T.K.P, ngụ phường Hiệp Tân, quận Tân Phú-TPHCM) kiện Sacombank. Theo nội dung đơn khởi kiện, ông P. yêu cầu tòa án can thiệp việc Sacombank đơn phương mở ngăn tủ sắt và giao cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của ông hoặc quyết định mở tủ sắt của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, nội dung đơn khởi kiện còn thể hiện ông P. nhờ tòa án can thiệp để ông tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê ngăn tủ sắt. Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM), hiện tại khối tài sản 1.000 tỉ đồng này chưa xác định là của ai. Ông P. và cô L. đến thời điểm này đang có quyền chiếm hữu tài sản và đã giao lại quyền này bằng một hợp đồng gửi giữ tài sản với Sacombank.

Tức đã chuyển giao quyền chiếm giữ này sang Sacombank. Căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự, căn cứ theo hợp đồng thuê ngăn tủ sắt ký kết giữa cô L., ông P. và Sacombank thì việc ngân hàng đơn phương ra thông báo thanh lý hợp đồng căn cứ theo đề nghị của cô L. và xử lý ngăn tủ có thể có tài sản của ông P. gửi khi chưa được sự đồng ý và ký nhận của ông P. là “vi phạm quyền quản lý tài sản” của ông P. - một bên trong hợp đồng.

Theo điều 11, hợp đồng gửi giữ tài sản nêu trên - Điều khoản về gia hạn và thanh lý hợp đồng thì “Khi hết hạn hợp đồng thuê nếu bên B - ông P. có nhu cầu tiếp tục thuê ngăn tủ sắt của bên A - Sacombank thì hợp đồng được gia hạn” và điều 182 Bộ Luật Dân sự quy định về quyền chiếm hữu tài sản thì “Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ và quản lý tài sản”. Do đó, khi hết hạn hợp đồng mà ông P. có nhu cầu gia hạn hợp đồng thì Sacombank có nghĩa vụ gia hạn hợp đồng cho ông P. và việc chấm dứt hợp đồng là vi phạm quyền chiếm hữu mà cụ thể đó là quyền quản lý tài sản của ông P., dù ông P. chỉ là 1 trong 2 người của bên gửi yêu cầu Sacombank giữ. Trường hợp này, Sacombank có thể áp dụng điều 565 Bộ Luật Dân sự để buộc bên gửi phải thanh toán phần chi phí gửi phát sinh. Ngoài ra, do chưa xác định khối tài sản này thuộc quyền sở hữu của ai nên khi giao toàn bộ cho cô L., sau này nếu tòa án ra bản án có hiệu lực pháp luật xác định có phần của ông P. hoặc những người khác trong gia tộc và cô L. làm thất thoát trong số tài sản sau khi được Sacombank giao lại thì thiệt hại này cũng có phần lỗi của Sacombank nên còn phải tính trách nhiệm bồi thường.

Như vậy, việc kiện Sacombank của ông P. là có cơ sở và có khả năng thắng kiện.
Ph.Dũng

http://baodatviet.vn/Home/kinhte/Tam-thu-bat-ngo-cua-con-gai-nuoi-1000-ty/20126/215320.datviet
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Tranh chấp khối tài sản 1.000 tỉ đồng

Nhiều dấu hiệu bất thường!

Chiều 14.6, ông T.V.Phương (em ruột bà Thạch Kim Phát) đã gửi thư đến báo Lao Động, trình bày nội dung có nhiều tình tiết “động trời” liên quan đến cái chết bất ngờ của chị mình là bà Phát - người sở hữu khối tài sản 1.000 tỉ đồng.


Ngay sau khi bà Phát chết, cô Nhi đã đóng cửa nhà. Ảnh: P.B

Nếu làm từ thiện gia đình hoàn toàn ủng hộ

Sau khi gửi thư đến báo Lao Động, phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Phương bằng điện thoại, ông cho biết: “Tôi thay mặt gia đình xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, phản ánh nhanh chóng, kịp thời của quý báo về vấn đề liên quan đến gia đình tôi trong thời gian qua”. Ông Phương cũng trình bày, toàn thể mọi người trong gia tộc bà Phát xin minh xác là nếu di sản của bà Phát được sử dụng vào việc từ thiện, công ích thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, nếu sự thật cô T.H.H.L (còn gọi là Nhi, con nuôi bà Phát) đã tuyên bố nếu thừa hưởng tài sản này sẽ cho làm từ thiện.

Theo ông Phương, chị ông là bà Phát ngụ tại số 110/1 đường Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú là ngôi nhà đất đai thuộc của mẹ ông Phương, bà Phát để lại, là bà Hà Kim Liên. Do bà Phát sống độc thân, nên bà Liên để cho bà Phát quản lý giúp anh em, nếu sau này anh em ở nước ngoài về Việt Nam thì có nơi sinh sống. Nhưng nghi ngờ mà ông Phương cho biết là, ông nhận được điện thoại của một phụ nữ ở chung nhà với bà Phát là bà Phát chết lúc 3 giờ 30 phút rạng sáng 10.3.2011.

Ông Phương nhấn mạnh: “Thực tế thì chị tôi đã chết trước đó và được ai đó thay quần áo trước và kiểm tra các số điện thoại trong danh bạ, lịch sử cuộc gọi trong điện thoại của chị tôi của những ngày trước bị xóa hết và điện thoại không còn lưu trữ bất kỳ một thông tin nào”. Ngoài ra, ông Phát còn cho biết rất nhiều tình tiết “lạ” ngay sau khi bà Phát mất, như nhiều người lạ xuất hiện ngay trong đám tang bà Phát, sau này được biết là cô con nuôi Nhi đã thuê “vệ sĩ” bảo vệ cô này ngay khi từ nước ngoài về Việt Nam mới 1 ngày.

Nhiều tình tiết cần nhờ đến công an điều tra

Ông Phương bức xúc, theo gia đình và phong tục tập quán là bà Phát chết phải được chôn cất, chứ không hỏa táng, nhưng cô Nhi, con nuôi bà Phát không biết vì lý do gì, kiên quyết yêu cầu hỏa táng xác bà Phát. Bị phản ứng kịch liệt, sau này cô Nhi mới chịu để gia đình đưa xác bà Phát đi an táng, chôn cất theo phong tục.

Thêm một tình tiết bất ngờ, đến nay ông Phương mới cho biết, đó là ngay sau khi bà Phát mất, đã có ai đó lấy máy tính xách tay của bà Phát xóa toàn bộ dữ liệu, mà theo người phụ nữ làm việc ở chung với bà Phát, thì trước khi chết, vào tối 9.3.2011, thấy bà Phát dùng máy tính xách tay chát với Nhi đang du học tại Đức. Nhưng trong khi làm đám tang bà Phát, bạn thân của Nhi đã sử dụng máy tính này, rồi xóa hết dữ liệu.

Ngày 17.3.2011, vừa làm lễ mở cửa mả xong, Nhi đã gọi nhiều người lạ về nhà, trong đó có cả Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, yêu cầu lập vi bằng, mở két sắt của bà Phát. Bị gia đình phản ứng, nên hai bên hẹn đến ngày 21.3.2011 sẽ cùng chứng kiến mở két sắt để kiểm tra. Tuy nhiên ngày 20.3.2011, thì Nhi đã yêu cầu những anh em của bà Phát (những người từ Đức về làm đám tang) ra khỏi nhà có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Sáng 21.3.2011, Nhi lại mời mở két sắt, nhưng két bị khóa, thống nhất hai bên là mời thợ khóa đến mở, trong quá trình mở khóa không được, bất ngờ Nhi đọc mã số bí mật cho thợ khóa mở ra(!?). Mọi người thắc mắc: “Tại sao Nhi nói không biết mã số khóa, phải gọi thợ mở, do loay hoay mở không được, bất ngờ Nhi lại đọc chính xác mã số khóa?”.

Theo gia đình bà Phát đặt nghi vấn, sống và làm việc chăm chỉ, cần mẫn và là một người rất nghiêm khắc, đều có sự tính toán chu đáo như bà Phát, thì liệu với 65 tuổi, sống độc thân, tính đến thời điểm bà mất, tại sao vẫn không làm di chúc, một khi bà sở hữu khối tài sản khổng lồ như vậy? Cũng theo gia đình bà Phát, tuần tới 2 người em bà Phát từ Đức về sẽ cùng gia đình bàn chuyện sẽ nhờ đến Cơ quan điều tra để làm sáng tỏ những nghi vấn?

Phùng Bắc

http://laodong.com.vn/phap-luat/vu-...0-ti-dong-nhieu-dau-hieu-bat-thuong/69356.bld
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Tranh chấp khối tài sản 1.000 tỉ đồng

“Cô gái nghìn tỉ” đã bay ra nước ngoài

Trong lúc gia đình anh em bà Thạch Kim Phát phản ánh những bức xúc về những điều “bất thường” xung quanh vụ tranh chấp thừa kế 1.000 tỉ đồng của bà Phát, thì cô con nuôi bà Phát tên là T.H.H.L (thường gọi là Nhi) đã bay ra nước ngoài, ngay sau khi một mình mở két sắt nhận toàn bộ tài sản được ký gửi tại Ngân hàng Sacombank.

Vì sao gia đình bà Phát kiện ngân hàng?

Ông Thạch Vũ Phương - đại diện cho gia đình dòng tộc, anh em ruột của bà Thạch Kim Phát (người chết đột ngột để lại tài sản 1.000 tỉ đồng) cho biết: Vào khoảng tháng 7.2011, chúng tôi biết cô Nhi đã liên hệ với các ngân hàng có tiền gửi của bà Phát, để rút tiền. Gia đình rất bất ngờ và khó hiểu vì không biết căn cứ vào đâu mà cô Nhi yêu cầu rút tiền vì toàn bộ bản chính, giấy tờ đăng ký gửi tại két sắt Ngân hàng Sacombank (hội sở chính).

Khi đó, gia đình lập tức liên hệ với các ngân hàng khác, thì các nơi này thông báo là cô Nhi đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế đối với các sổ tiết kiệm với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Ông Phương trình bày: “Tôi thắc mắc vì bản chính đang được giữ tại két sắt ngân hàng, thì làm sao Nhi thực hiện việc khai nhận di sản thừa kế. Lúc này tôi lại biết cô Nhi khai báo với các ngân hàng có tiền gửi của bà Phát là mất sổ tiết kiệm và xin ngân hàng xác nhận số dư để làm thủ tục công chứng khai nhận di sản. Biết chuyện này, tôi đã mang vi bằng và hợp đồng thuê két sắt chứng minh các sổ tiết kiệm bản chính đang gửi tại két sắt Sacombank, nên các ngân hàng đã không chấp nhận cho Nhi rút tiền”.

Nhưng bất ngờ là ngày 30.5.2012, Ngân hàng Sacombank đã “đơn phương” giao toàn bộ tài sản, chứng từ, sổ tiết kiệm… cho một mình Nhi, mà trước đó ông Phương đại diện gia đình bà Phát cùng Nhi hai người ký gửi vào két sắt.

Ông Phương cho biết: “Tôi đã có đơn yêu cầu ngân hàng không chấp nhận yêu cầu của Nhi, vì Nhi đã gian dối bằng việc khai mất bản chính các sổ tiết kiệm, là hành vi lừa dối ngân hàng, lừa dối công chứng để khai nhận di sản hợp pháp. Hơn nữa việc đơn phương thanh lý hợp đồng, đơn phương mình cô Nhi nhận tài sản từ két sắt vừa vi phạm hợp đồng, vừa không đúng pháp luật”. Sau khi Nhi nhận toàn bộ tài sản ký gửi trong két sắt mang đi, thì ông Phương và gia đình bà Phát đã làm đơn khởi kiện Ngân hàng Sacombank ra toà.

Con nuôi bà Phát nói gì?

Ngày 30.5.2012, sau khi Ngân hàng Sacombank giao tài sản ký gửi cho Nhi, trước sự bức xúc của ông Phương và gia đình, thì ngày 5.6.2012, Nhi đã gửi một bức “tâm thư” đến ông Phương và gia đình anh em bà Phát. Nhi cho rằng: Hợp đồng giữa cô và anh em ông Phương ký với Ngân hàng Sacombank là hợp đồng thuê ngăn tủ sắt để cất các tài liệu, tài sản của bà Phát. Đó không phải là hợp đồng gửi ngân hàng, để ngân hàng này giữ các tài liệu, tài sản do bà Phát để lại.

Sacombank đã đề nghị cả ông Phương và Nhi thanh lý hợp đồng theo đúng quy định. Ngày 30.5.2012, Nhi và ông Phương có mặt tại Sacombank để làm việc, nhưng cuối buổi họp ông Phương đã không đồng ý trả ngăn tủ sắt và ông đã bỏ ra về. Ngay sau khi ông Phương bỏ về, Nhi đã ký thanh lý hợp đồng  và cam kết sẽ chịu trách nhiệm thay cho Sacombank nếu có bất kỳ tổn thất, thiệt hại, hay chi phí bồi thường nào có liên quan đến hợp đồng thuê ngăn tủ sắt.

Nhi còn cho rằng, để giữ hoà khí trong gia đình, Nhi xin được tạm gác lại việc ông Phương thất hứa và không thực hiện cam kết được ghi nhận trong vi bằng số 73/2011 do Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập, hơn một năm trước, cũng như việc ông Phương nhiều lần ép Nhi kiện ra toà. Nhi chỉ muốn gia đình hợp tác trên cơ sở pháp luật nhằm tìm một hướng giải quyết hợp tình, hợp lý. Cuối thư, Nhi còn nêu: “Cháu xin thông báo với cậu Phương và gia tộc về việc cháu rất sẵn sàng và vui lòng trao lại những tài sản trong di sản của má cháu (bà Phát - PV) nếu bất cứ người nào chứng minh được quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật”.

Chiều 15.6, theo nguồn tin riêng của báo Lao Động từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ngày 12.6, Nhi đã làm thủ tục bay ra nước ngoài, sau khi đã lấy hết tài sản ký gửi trong két sắt ngân hàng. Trong khi đó, ông Phương cùng gia đình đang khởi kiện ngân hàng và chờ 2 người anh em từ Đức về VN để cùng xem xét việc chứng minh các giấy tờ liên quan đến việc có đầu tư, hùn hạp làm ăn, mua tài sản với bà Phát lúc còn sống.

Phùng Bắc

Theo laodong.com
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Tranh chấp khối tài sản 1.000 tỉ đồng

Hành trình trở thành đại gia của bà chủ lò bún

Chỉ là chủ một cơ sở sản xuất bún gạo nhưng sau cái chết bất đắc kỳ tử của mình, vì không để lại di chúc nên bà Thạch Kim P. ngụ phường Hiệp Phú, quận Tân Phú, TP.HCM đã vô tình tạo nên làn sóng tranh chấp khối tài sản kếch xù cả ngàn tỉ đồng.

Đó là "cuộc chiến" giữa cô Thạch Hà H.L. (con gái nuôi của bà P.) và những anh chị em của bà P. Căn nguyên của cuộc tranh chấp cũng như những giá trị tài sản tiền, vàng, đôla, bất động sản… của bà P. trị giá 1.000 tỉ đồng.

Trong bài này, theo yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi sẽ đi sâu vào quá trình bà P từ chủ cơ sở sản xuất bún gạo trở thành đại gia thứ thiệt với của chìm của nổi trị giá cả ngàn tỉ đồng.

Đại gia ngàn tỉ … đi xe Dream lùn

“Ở đây chẳng ai biết tên cúng cơm của bà ấy là Thạch Kim P. đâu. Người ta chỉ biết tên thường gọi của bả là "bà Năm Lũng" thôi. Lũng là tên tục. Vì bà ấy là con thứ 5 trong gia đình nên bà con trong xóm ghép tên, gọi là bà Năm Lũng" - ông Mười Khang, chạy xe ôm ở đầu khu phố 4, cho biết - "Bà Năm đông anh em lắm, đâu cũng cỡ chục người, lớp sống tại Việt Nam, lớp ở Mỹ và nhiều nhất là ở Đức. Anh em của bả ai cũng giàu có, giàu căn cơ, có nền tảng chứ hổng phải như người ta nhờ buôn bán chụp giựt, làm ép phê phi vụ đen phi vụ tối mà… phát".

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết trước đây bà Năm Lũng cùng những anh chị em của mình kế thừa nghề làm bún gạo từ mẹ cha để lại. "Mẹ bà Năm Lũng có nghề làm bún gạo từ trước năm 1975. Hồi đó tôi còn làm thuê cho bà ấy, làm từ năm 1976 đến khoảng năm 1986 thì nghỉ. Mẹ bà Năm mất, để lại lò bún cho các con" - ông Khang nói - "Bà Năm hồi ấy cũng rất giàu vì của cải có được từ trước giải phóng. Bả cũng là người hiền lành, đức độ, thương kẻ làm người khó. Hễ biết ai đau yếu, bệnh tật, túng thiếu… gì thì bả thường đến thăm hỏi và giúp đỡ ngay. Bởi vậy khi bả mất, ai cũng thương cũng tiếc".

Những người dân ở khu phố 4 quả quyết rằng bà Năm Lũng giàu nứt đố đổ vách không phải "nhờ" câu kết với một số quan chức o ép người nghèo bằng cách "giương cờ" giải tỏa rồi đền bù với giá rẻ mạt vốn là chiêu phổ biến của không ít doanh nghiệp bất động sản. Họ cũng khẳng định rằng bà Năm giàu cũng chẳng phải nhờ khui mỏ vàng ở Tây Ninh hay Bình Phước… như ai đó đồn đãi. "Bả giàu nhờ chi tiêu cần kiệm. Tui ở gần nên biết rõ, người ta làm được 8 đồng thì tiêu 3 đồng, để dành 5 đồng, có người tiêu 5 để lại 3. Còn bả, mượn thêm 2 đồng để dành cho chẵn chục, bả chấp nhận ăn mắm ăn muối, chấp nhận sống kham khổ để tích lũy đặng mai nay cho con cháu của mình" - bà Sáu Lành, cùng tuổi 65 với bà Năm Lũng, chia sẻ.

Trong trí nhớ của bà con lối xóm, bà Năm Lũng là một người giàu có, song vô cùng giản dị. "Tui chỉ biết là bả giàu, bả có nhiều nhà đất thôi. Chứ chuyện bả có bao nhiêu cây vàng, bao nhiêu triệu đôla, bao nhiêu tỉ đồng gửi ngân hàng, bao nhiêu sổ hồng sổ đỏ… thì sao mà biết được. Nhưng điều mà tôi và bà con ở đây ai cũng biết, ai cũng rõ là tuy giàu có như vậy nhưng bà Năm Lũng sống giản dị, hổng có kiểu phách lối của kẻ ỷ mình có nhiều tiền của mà khoe vàng đeo đỏ người, tiêu pha hoang phí, hay đánh bóng mặt tiền, gặp bà con lối xóm là xem thường, khinh khi. Người ta giàu có thường là như vậy, chứ bà Năm Lũng thì ngược lại, bà ấy khiêm nhường lắm, gặp người sang kẻ hèn đều chào hỏi ân cần, vui vẻ".

Ngược lại theo như tâm tình của nhiều cư dân sở tại là bà chủ lò bún có 1.000 tỉ đồng "giàu nhưng như người nghèo khổ". Ông Lê Văn Quới, sinh năm 1968, ngụ địa chỉ 112A, đường Tô Hiệu, tặc lưỡi: "Nói thiệt với các chú, hồi bả còn sống, chú nhìn bả chẳng thể nghĩ là bả giàu có lắm tiền vàng. Ai mà quen cái kiểu trông mặt bắt hình dong đảm bảo lầm hàng ngay. Ở vùng này ai chả biết cái hình ảnh của bả, đi dép nhựa sờn cũ, đi chiếc xe Dream lùn cũ mèm, mặc bộ quần áo cũng cũ mèm. Nghe nói có lần bả đi siêu thị, lúc bả dừng lại bên cái ghế massage hỏi giá, nghe cô tiếp thị nói đắt lắm, đến 6-7 chục triệu lận, bác không mua nổi đâu thì bả cười chẳng nói gì. Lấy hết thông tin rồi, bả về gọi điện, người ta mang máy đến giao, đi cùng có cô tiếp thị làm nhiệm vụ hướng dẫn cách sử dụng. Đến lúc gặp bả, cô ấy chưng hửng xin lỗi rối rít bảo… không ngờ”.

Đất rẻ đẻ ra vàng

Quay trở lại hành trình làm giàu của người đàn bà quá cố có 1.000 tỉ đồng. Khi biết chuyện bà Năm Lũng đột ngột mất đi để lại khối tài sản lớn đến không tưởng, nhiều người đoán định rằng nếu không phải trúng số độc đắc, nếu chỉ dựa vào việc kinh doanh lò bún và dẫu có chắt chiu tằn tiện đến mấy…. bà Năm cũng không thể tích lũy được tài sản "khủng" đến như vậy.

Trò chuyện với cư dân địa phương, những người được gọi là hàng xóm của bà Năm Lũng, chúng tôi cũng chỉ biết được chuyện "bả giàu nhờ làm bún, nhờ chi tiêu tiết kiệm"… mà thôi. Thật lòng mà nói, những câu trả lời ấy không đủ sức thuyết phục để vẽ nên chân dung, hành trình trở thành đại gia thứ thiệt của bà chủ lò bún Hiệp Lợi!

"Nói thiệt với các chú, là hàng xóm của nhau thì chúng tôi cũng chỉ biết vậy thôi, chứ chuyện của cải, tài sản là của người ta, họ làm gì mặc họ, mình quan tâm quá làm gì, có ích lợi gì đâu" - ông Hồng, tài xế xe ôm, tâm sự và gợi ý - "Muốn rõ nhất, các chú nên hỏi thăm người làm tại cơ sở bún Hiệp Lợi của bà Bảy Mảnh là em gái của bà ấy. Lò bún này trước là của bà Năm Lũng nhưng bà ấy giải nghệ cách đây 5 năm để lại cho em. Chú cứ vào đấy hỏi, ắt sẽ rõ".

Chúng tôi lần theo hướng dẫn của ông Hồng, tìm đến cơ sở sản xuất bún gạo với thương hiệu Long Phụng có tiếng ở quận Tân Phú, hỏi chuyện về bà Năm Lũng, những công nhân ở đây, cả người quản lý cơ sở tất thảy đều lắc đầu, người bảo không biết, người gợi ý "muốn gì hỏi bà chủ".

Chị M., có gần 20 năm làm việc ở lò bún này, e dè: "Tụi tui chỉ là người làm công, nói bậy bạ hổng chừng bị cho nghỉ việc". Vòng vo thăm hỏi chuyện cuộc sống, lương bổng một hồi, chị M. tặc lưỡi: "Không phải vì mình thân là người làm công mà khen chủ chứ thực sự thì chị em bà Năm, bà Bảy sống tốt lắm. Làm việc ở đây, lương thì không quá cao nhưng chế độ đàng hoàng, hổng phải lo thuê mướn chỗ ngủ nghỉ. Cũng hổng sợ tăng ca, phạt vạ. Khi đau bệnh cũng được bà chủ quan tâm hỏi han, cho tiền mua thuốc men, đỡ đần chi phí điều trị".

Chị bán quán nước ở đầu lối vào tên Thu, bật mí rằng các chị em bà Năm Lũng "ở quanh quẩn đây". Vì chị Thu vừa bán hàng vừa trả lời nên cuộc trò chuyện liên tục ngắt quãng.

- So với bà Năm thì bà Bảy giàu hơn không chị?

- Người nào có tiền bạc trong tủ nhà nấy, làm sao tôi biết được. Mà chừng như bà Năm Lũng giàu nhất trong các anh chị em. Mà bả giàu cũng đúng thôi, bả không có con cái gì hết, chỉ có một đứa con nuôi nên chẳng phải tiêu tốn gì nhiều.

Cô hàng nước kể rằng, bà Năm Lũng tuy là phụ nữ nhưng có cốt cách đàn ông, mạnh mẽ, quyết đoán, làm việc dứt khoát, nói một là một, không có kiểu cò kè bớt 1 thêm 2. "Bả giàu nhờ tiền viện trợ từ nước ngoài" - chị Thu, nói: "Bả sống nói chung cũng tương đối khép kín, ít giao du. Gặp ai thì bả cười, hỏi thăm vài câu rồi tất bật đi làm việc. Giàu sụ vậy chứ bả lúc nào cũng làm việc quần quật, làm lụng còn hơn người làm của mình. Chẳng bao giờ thấy bả nghỉ ngơi hay đi du lịch. Nói chung tui thấy bả đúng là mẫu người tham công tiếc việc".

Được những cư dân địa phương gợi ý, bắc cầu, rồi chúng tôi cũng tìm được người rất rõ hành trình trở thành đại gia có 1.000 tỉ đồng của bà chủ cơ sở bún gạo. Người đó là ông Nguyễn Văn Hoàng, Hội phó ngoại giao miếu Hòa Tây, ở sát cơ sở Hiệp Lợi 2 chuyên sản xuất bún gạo khô và nui các loại hiệu Long Phụng. Miếu Hòa Tây là di tích lịch sử cấp thành phố. Miếu được xây dựng vào năm 1981, thờ 3 võ tướng triều Nguyễn hy sinh trong kháng chiến chống Pháp gồm Bùi Văn Khoa, Nguyễn Văn Sốc và Trần Văn Lý. Ông Hoàng cho biết lúc trùng tu miếu năm 2012, ông Thạch Vũ P., em trai bà Năm Lũng, người đại diện cho anh chị em bà P. có mối tranh chấp liên quan đến tài sản 1.000 tỉ đồng với chị Thạch Hà H.L. đã đóng góp một số tiền. Góp vào ngày 17/3 âm lịch.

Theo tâm tình của ông Hoàng, trước giải phóng, ông làm công cho mẹ bà Thạch Kim P. Sau mẹ bà P. mất, ông tiếp tục làm cho bà P. (bà Năm Lũng) được một thời gian. Ông Hoàng cho biết bà Năm Lũng là người có chức sắc trong họ đạo Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh. Vào những ngày rằm vía bà, bà P. thường đi Tòa thánh Tây Ninh. Khi bà chết, mộ phần của bà gia đình làm đến mấy tỉ đồng (theo như trong vi bằng do Thừa phát lại quận Bình Thạnh, số tiền xây mộ cho bà P là 113.000 USD). Hồi mẹ bà Năm Lũng mất cũng được chôn cất tại Tòa thánh. Bà mất khoảng năm 1995.

Ông Hoàng cho biết hành trình của bà Năm Lũng trở thành đại gia 1.000 tỉ bắt đầu phải kể đến vào những năm cuối thập niên 80, khi nhiều tập đoàn tan rã, đất đai của đoàn viên ngày trước bị gom về một mối nay của ai trả người nấy, nhiều vô kể, rộng mênh mông. Lúc bấy giờ sẵn có tiền, lại là người thức thời nên bà Năm Lũng đã tung tiền tậu đất: "Vì đất rẻ nên bà ấy mua rất nhiều. Có điều đáng nể là bả không mua đất có diện tích nhỏ mà mua toàn những lô đất rộng hàng ngàn, hàng chục ngàn mét vuông. Thời đó đất rộng, người thưa, người ta bán đất theo kiểu công (1.000m2), mẫu (10.000m2) nên bà Năm Lũng tha hồ thu gom. Ai cần tiền, ai có đất rộng, ai bán rẻ là bả tung tiền thu mua với phương châm chỉ mua vào chứ không bán ra".

Một người quen của ông Hoàng, góp chuyện: "Lúc đầu bà Năm Lũng mua đất với diện tích lớn là để tận dụng làm sân phơi bún. Sau bả nhạy bén nhận thấy người rồi sẽ đông, đất thì không nảy nở thêm được nên cứ nhắm đất có diện tích lớn mà mua. Đất rộng quá, không bỏ phí, khi đất có giá thì bà Năm Lũng lên chiến dịch khai thác. Bả xây phòng trọ, lập nhà xưởng cho thuê. Tiền cho thuê nhiều lô đất làm nhà xưởng và hàng trăm phòng trọ ước tính mỗi tháng bà Năm cũng thu về cả tỉ đồng. Nên chuyện bà ấy có cả ngàn tỉ là không có gì quá lạ".

Cũng theo lời kể của ông Hoàng, khoảng năm 1990, giá đất ở khu vực quận Tân Phú (trước là quận Tân Bình) rất rẻ. Có những lô đất ngày trước bà Năm Lũng mua chỉ có 15 cây vàng sau này khi giá trị nhà đất lên đến đỉnh cao thì lô đất chưa đến 20 cây vàng leo thang đến hơn 1.000 cây, thậm chí còn hơn thế nữa. Về điều này, ông Thạch Đa Đạt, một người cháu họ của bà Năm Lũng khẳng định hoàn toàn chính xác. Ông Đạt bật mí, khoảng trước năm 1990, đất trống ở quận Tân Bình, đặc biệt tại khu vực phường Hiệp Phú bây giờ nhiều vô kể. Đất nhiều quá, nhiều gia chủ cứ để mặc ai muốn bao chiếm, cho ở nhờ đặng giữ đất vô tư. Và cũng vì lúc ấy chưa mấy ai ý thức được đất hoang với ao nước, cỏ dại mọc um ùm mai này sẽ hóa vàng nên cô Năm Lũng đã tung tiền mua. "Hồi năm 1990, tôi từng làm mối cho cô Năm mua lô đất 16 cây vàng. Đến năm 2005, có người trả đến 3.000 cây vàng" - ông Đạt khẳng định.

Trong vi bằng ghi nhận tài sản của bà Năm Lũng ghi rõ nhiều lô đất tiền tỉ mà bà đứng tên sở hữu: "Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 10/2/1991, bên chuyển nhượng ông Phạm Văn Thái - bà Lê Thị Cúc và bên nhận chuyển nhượng là bà Thạch Kim P. lô đất có diện tích 5.280m2, tờ bản đồ số 24 tọa lạc tại Phú Thọ Hòa…. Một giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 9/5/1992, bên chuyển nhượng ông Lê Chính - Nguyễn Tăng Thức, bên nhận chuyển nhượng là bà Thạch Kim P., sang nhượng diện tích 2.029m2 tọa lạc tại phường 20, quận Tân Bình…".

Xem ra, hành trình trở thành đại gia 1000 tỉ của bà chủ lò bún gạo Thạch Kim P. đúng như tâm tình của những người biết chuyện: Phát tài nhờ… đất rẻ đẻ ra vàng.


Theo Xuân Xe – Thành Dũng (ANTG)
 
Top