Trẻ nhỏ cũng loét dạ dày

241
0
0

Quỳnh Anh 82

New Member
Ngày càng có nhiều trẻ nhỏ bị loét dạ dày. Điều nguy hiểm là các cháu thường bị chẩn đoán và điều trị nhầm thành đau bụng giun.

Thạc sĩ Lương Nhất Việt, Phó khoa Phẫu thuật trẻ em, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi năm, viện tiếp nhận vài chục trường hợp trẻ viêm loét dạ dày, tá tràng, thường trong độ tuổi 10 - 12, nhưng gần đây có nhiều cháu dưới 6 tuổi cũng bị bệnh này.

Căng thẳng, ăn vội… dễ loét dạ dày

Theo thạc sĩ Việt, bệnh không phải do vi khuẩn H.pylori bởi lẽ H.pylori chỉ là yếu tố thuận lợi giúp bệnh phát sinh còn nguyên nhân chủ yếu là yếu tố tinh thần. Hiện nay, trẻ bị căng thẳng trong học tập quá nhiều, xem ti vi, chơi vi tính, thức khuya, chế độ ăn uống không có quy luật, ăn nhiều thức ăn nhanh, nóng quá, lạnh quá, khó tiêu, không nhai kỹ, ăn vội... Đây là nguyên nhân khiến bệnh bùng phát, nhất là ở những trẻ có bố mẹ cũng bị mắc bệnh này.

Đã thế, đa phần trẻ nhập viện trong tình trạng muộn, khi có biến chứng như chảy máu, hẹp và thủng dạ dày (vì thấy trẻ kêu đau bụng, cha mẹ thường tưởng là ăn uống, do giun... nên mua thuốc cho dùng làm giảm mất triệu chứng). Triệu chứng lâm sàng ở trẻ thường không giống người lớn. Trẻ ít khi đau âm ỉ mà thường đau dữ dội, lăn lộn như giun lên ống mật. Chính vì vậy, nhiều trẻ được chẩn đoán và điều trị như giun chui ống mật hoặc đau bụng do giun.


Học tập quá căng thẳng, áp lực cũng khiến trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng. Ảnh: Phổ Ninh (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Trẻ thường thấy đau bụng vùng trên rốn, nhất là vào ban đêm, chừng 12 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Đau trước khi ăn hoặc sau khi ăn. trẻ xanh xao, thiếu máu, giảm cân. Ngoài ra, trẻ cũng không gặp ợ hơi, ở chua như người lớn mà thường nôn ói, thậm chí nôn ra máu, bụng bị đầy hơi, ăn vào khó tiêu, chán ăn.

“Viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ tiến triển rất nhanh, nếu không được điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, có khi gây thủng dạ dày; đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị (cuống bao tử), trẻ ăn vào, thức ăn không xuống ruột được, gây triệu chứng thường xuyên bị nôn ói; có thể bị ung thư dạ dày về sau”, bác sĩ Việt nói.

Có chế độ ăn phù hợp

Đối với những trẻ bị loét dạ dày, tá tràng, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị, phục hồi sức khỏe. Chế độ ăn nhằm mục đích bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm tiết acid dịch vị, nương nhẹ chức năng dạ dày ruột, đề phòng thiếu dinh dưỡng. Tuy chế độ ăn có vai trò quan trọng như vậy nhưng hầu như cha mẹ trẻ không hề biết điều này và cho con ăn hoàn toàn theo sở thích của trẻ hoặc theo ý muốn của cha mẹ.

Các bác sĩ khuyên, nên cho trẻ ăn các thức ăn giảm tiết acid dịch vị như mật ong, đường, bánh quy, dầu thực vật; thức ăn trung hòa acid dịch vị như sữa, trứng; thức ăn bọc hút niêm mạc dạ dày, ít mùi vị gồm gạo nếp, bột sắn, khoai, bánh mỳ. Nên dùng rau củ non, ít xơ sợi. Chế biến thức ăn nên hấp luộc, nấu chín hầm nhừ, nghiền nát hoặc xay nhuyễn để giảm kích thích tiết dịch vị và được vận chuyển nhanh qua dạ dày.

Nên hạn chế hoặc không sử dụng thức ăn, nước uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như các loại nước sốt, nước luộc thịt, dăm bông, lạp xường, xúc xích; thức ăn cứng dai, nhiều xơ sợi; thịt có gân, sụn, rau sống, rau quả nhiều chất xơ; thức ăn chua, dưa cà, hành muối, hoa quả chua; gia vị, dấm ớt, tỏi, hạt tiêu; rượu, chè, cà phê đặc.

Nên chia thức ăn làm nhiều bữa trong ngày để tránh kích thích niêm mạc dạ dày. Không để trẻ quá đói hoặc ăn quá no. Không ăn thức ăn quay, rán. Thức ăn không quá nóng hoặc quá lạnh vì làm cho dạ dày co bóp mạnh.

Phổ Ninh
 
Top