Trẻ tự kỷ - Tại sao?

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Hiện nay, việc phát hiện những cháu bé có tình trạng Tự Kỷ đã trở nên ngày một nhiều và sớm hơn. Ngay từ 1,2 tuổi khi thấy bé không chịu nói, không thích giao tiếp hay có những phản ứng kỳ lạ, bố mẹ lập tức nghĩ rằng, trẻ có thể bị “bệnh tự kỷ” và tích cực tìm nhiều cơ sở để có những cách “điều trị” cho bé.

Nguyên Nhân dẫn đến tình trạng Tự Kỷ:

Khi đối diện với tình trạng kỳ lạ này, các nhà khoa học, y học, sinh học, tâm lý … đều có thể cho rằng nguyên nhân của tự kỷ có dính dáng đến lĩnh vực của mình, từ những vấn đề của di truyền, cấu trúc bất thường của hệ thần kinh não bộ, cho đến việc do bố mẹ không quan tâm giao tiếp với trẻ ngay từ khi mới sinh, và cả việc cho trẻ xem TV quá nhiều… mà nguyên nhân nào cũng có thể và có khi là tất cả !

Trong quá trình chẩn đoán với các trẻ có dấu hiệu tự kỷ từ nhiều năm nay, chúng tôi thấy có hai vấn đề do tâm lý nhưng lại có liên quan đến sinh học, đó là sự lo âu căng thẳng, buồn bực của người mẹ khi mang thai bé và việc sinh mổ. Tuy chưa thể xem đây có phải là hai nguyên nhân trong số các nguyên nhân tạo ra tình trạng Tự Kỷ hay không, nhưng hầu như trong các trường hợp chẩn đoán là Tự Kỷ hay hiếu động kém chú ý, thì có đến 80% các bà mẹ cho biết là có vấn đề căng thẳng lo lắng khi mang thai hay có tình trạng sinh mổ vì lý do này hay lý do khác. Và có đến gần 50% là có cả hai vấn đề : Lo lắng và sinh mổ.

Chúng tôi cho rằng trong quá trình sinh nở, khi sinh theo cách bình thường, thai nhi được di chuyển một cách chậm chạp từ trong lòng mẹ, là môi trường nước, ấm áp và quen thuộc sang một môi trường không khí, lạnh lẽo và xa lạ, thai nhi sẽ “trườn” theo đường sinh dục để ra ngoài, đủ thời gian để các cảm giác về xúc giác và thính giác cảm nhận sự thay đổi. Từ đó, trẻ sẽ “yên tâm” hơn, không còn lo lắng để có phản ứng “co lại” không muốn tiếp xúc nữa. Còn nếu sinh mổ, ngay từ trong lòng mẹ, trẻ được “di dời” ngay ra với môi trường bên ngoài một cách nhanh chóng, trẻ sẽ không đủ thời gian để cảm nhận, xúc giác không được kích thích một cách nhẹ nhàng, mà trái lại bị những tác động mạnh bạo của các bàn tay xa lạ cầm nắm, thai nhi vô cùng lo lắng, sợ hãi và những sang chấn tâm lý đầu đời đó sẽ có những tác động xấu lên hệ thần kinh của trẻ sau này.

Ngoài ra, trong đa số trường hợp sinh mổ, vì lý do sức khỏe, trẻ thường phải nằm trong lồng kính ít nhiều, đây cũng là một thời gian “chết” Tuy bảo vệ cho trẻ về sức khỏe, nhưng lại làm cho khả năng giao tiếp của trẻ giảm đi đáng kể.

Còn trong trường hợp người mẹ có những lo lắng, căng thẳng khi có thai thì điều này đã được chứng minh là sẽ gây ra những ảnh hưởng lên tâm sinh lý thai nhi, vì thế một trong những nguyên tắc của Thai giáo, là người mẹ nên có những trao đổi, vuốt ve một cách nhẹ nhàng lên thai nhi, tinh thần vui vẻ, và thường xuyên thì thầm to nhỏ, nghĩ về cháu bé trong lòng với niềm vui, thì cháu bé sinh ra sẽ phát triển một cách tốt đẹp.

Yếu tố xúc cảm có vai trò gì ?

Người ta thấy là tỷ lệ trẻ có tình trạng Tự Kỷ ở những gia đình trí thức, có ăn học, bố mẹ có địa vị và bằng cấp trong xã hội lại cao hơn ở những gia đình bình dân. Tại sao lại như vậy ? Phải chăng là các bà mẹ có ăn học đã được giáo dục là phải biết kìm nén cảm xúc. Dù cho phải “gặm một khối căm hờn” nhưng bề ngoài vẫn phải giao tiếp ứng xử bình thường, hay nếu có giận dữ, khóc lóc cũng phải có “điểu chỉnh âm thanh vừa đủ nghe” Chính điều đó đã tạo ra những “chất độc” với tác động tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ đến thai nhi. Còn với những gia đình bình dân, thì khi bực mình, lo lắng, giận dữ họ đều có thể biểu lộ cảm xúc một cách tự nhiên, có thể la hét, đập phá hay khóc lóc thoải mái, tuy bề ngoài trông như một con mẹ điên, nhưng có bao nhiêu cục giận, mối lo đều được xả ra hết, chẳng còn gì trong lòng, ngay chiều hôm đó là có thể kéo nhau đi ăn hàng được rồi! Có nhiều cặp vợ chồng giới bình dân buổi sáng mày tao chi tớ, đánh nhau chí tử nhưng buổi tối vẫn có thể lên giường với nhau, còn các cặp vợ chồng tri thức, khi phát sinh mâu thuẫn thì thường là “hồn ai nấy giữ, giường ai nấy nằm” và người mẹ trong trường hợp này thì chỉ biết ôm cái thai mà để cho nước mắt chảy ngược vào tim. Để rồi cái thai trong lòng phải “lãnh đủ” những uất ức, buồn rầu của người mẹ và sau này, những vết tích đó sẽ có thể tạo nên tình trạng từ chối giao tiếp nơi trẻ Tự Kỷ.

Đâu là biện pháp thích hợp?

Những tác động kể trên có thể là nguyên nhân để tạo ra tình trạng rối nhiễu cho trẻ nhất là hội chứng Tự Kỷ. Vì thế, trong thời kỳ mang thai, người mẹ không nến kìm nén những cảm xúc ấm tính, mà cứ để nó được bộc lộ trọn vẹn để không lưu giữ trong lòng. Ngoài ra chỉ nên sinh mổ trong những trường hợp bắt buộc và nên tìm cách giao tiếp với trẻ càng sớm càng tốt.

Chúng ta cũng nên biết không phải trẻ chậm nói nào cũng có thể chẩn đoán là Tự Kỷ, vì chậm nói là biểu hiện của nhiều tình trạng khác nhau, từ Chậm phát triển trí tuệ cho đến Hiếu Động kém chú ý đều có thể có biểu hiện này. Vì thế, đã có nhiều trẻ đã bị gắn cho cái nhãn “Tự Kỷ” hay “ có nét Tự Kỷ” dù không đúng, điều này làm phát sinh những thất vọng, lo lắng không đáng có cho bố mẹ các em và tai hại hơn, là có thể đưa ra những định hướng điều trị không chính xác cho tình trạng của trẻ.

Nhưng cũng có nhiều bố mẹ lại không chấp nhận sự thật, cho rằng con mình nếu bị “bệnh”, trước sau gì cũng sẽ tìm được thuốc hay, thày giỏi để chữa trị cho con. Để rồi chạy Đông chạy Tây tìm đến những phương pháp tốn kém, với các trang thiết bị hay các liệu pháp điều trị phức tạp, hay tìm cách cho con ra nước ngoài để điều trị, mà họ quên rằng, hay cố tình không biết, người thày thuốc giỏi nhất cho đứa con chính là bố mẹ các em !

Có thể nói các trung tâm, bệnh viện chỉ là nơi cung cấp cho bố mẹ những kiến thức, hỗ trợ và giám sát chương trình chăm sóc, giáo dục và trị liệu tại chính gia đình các em. Bởi vì sự giao tiếp và hội nhập của các em phải được điều chỉnh và tái cấu trúc ngay chính từ gia đình. Nếu bố mẹ từ chối hay tránh né tham gia kế hoạch chăm sóc trẻ dưới sự định hướng của các nhà chuyên môn thì đã vô tình bỏ qua một cơ hội xây dựng sự ổn định và hội nhập của trẻ với môi trường bên ngoài và nếu bố mẹ hy vọng sẽ tìm ra một liệu pháp thần kỳ để biến đổi con mình trở lại tình trạng bình thường thì đó chính là một ảo tưởng không nên có trong việc đem lại cho các em một cuộc sống, tuy không thể nào hoàn toàn giống như những trẻ bình thường, nhưng đó là một cuộc sống mà trẻ chấp nhận được mọi người và mọi người cũng chấp nhận được các em.

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh
 
Top