Truân chuyên ở New York

10,150
29
48

ALnML

Super Moderator
[h=1]Truân chuyên ở New York[/h] LTS: Năm 2010, Trang J.An rời Sài Gòn cùng một công việc rất ổn trong ngành quảng cáo để đeo đuổi thú vui chụp ảnh với một khoá học chuyên ngành nhiếp ảnh tại học viện Điện ảnh New York. Sau đó, cô quyết định trụ lại New York. Làm trợ giảng, quản lý studio, chụp event, chụp lookbook cho các hãng thời trang trẻ, chụp polaroid cho người mẫu, headshot cho các diễn viên... là những việc mà cô đã kinh qua. Cô từng triển lãm ảnh (5.2011) tại Aperture một gallery uy tín hàng đầu của New York trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Và đây là những trải nghiệm của cô trong hành trình công việc ở môi trường lao động khắc nghiệt bậc nhất thế giới này.

Ngày rời Sài Gòn, số lượng bạn trên Facebook của tôi xấp xỉ 300. Bay vèo nửa vòng trái đất để tìm kế sinh nhai ở New York, con số ấy tăng lên gấp ba lần. Phân nửa bạn mới của tôi làm nghề dính dáng ít nhiều đến nhiếp ảnh. Cũng là điều dĩ nhiên, tôi làm nghề chụp ảnh! Thân gái, lại trót đèo bòng với nghề chụp ảnh, chẳng thể nào sánh được các anh trai tráng, lại còn chọn một môi trường khắc nghiệt bậc nhất trên thế giới nữa. Bởi vậy công việc của tôi ở New York, nhiều khi tôi nghĩ, không còn là nhiều trải nghiệm mà là lắm truân chuyên.

Thấp cổ bé họng chụp event dạo

Lớp học của NYFA trong một buổi chụp ở Times Square.


Một trong những công việc đầu tiên được trả tiền đàng hoàng của tôi là chụp ảnh event cho một trong những công ty chuyên bao thầu ghi hình các buổi party của dân chơi New York. Tôi được giới thiệu từ một người bạn để liên hệ với người điều hành công ty. Mọi liên hệ đều chóng vánh vì 100% là online. Không có kiểu gặp mặt, đòi xem portfolio hay trình bày về kinh nghiệm.

Họ lướt website cá nhân của tôi chưa đầy năm phút (tôi đoán thế vì gửi website qua email cho người ta xong, năm phút sau tôi đã nhận được email giao công việc). Ngày event diễn ra, tôi đến sớm 15 phút để có thời gian chuẩn bị về dụng cụ lẫn tinh thần. Lần đầu chụp event ở New York, không khớp sao được. 1/4 thời gian đầu của buổi chụp diễn ra khá suôn sẻ, nhẹ nhàng.

Đến khi đám đông bắt đầu láo nháo ở khu vực tiền sảnh, ấy là lúc thời gian thử thách của tôi bắt đầu: chụp người nổi tiếng! Có ít nhất 30 tay máy đã bám trụ ở "tiền tuyến" ấy. Thế mới nói, mình hồn nhiên chụp ảnh không gian buổi tiệc mà chưa có kinh nghiệm "xí chỗ" cho màn chụp quan trọng. Dĩ nhiên 30 tay máy cao to, mũi lõ chẳng có lý do nào mà chừa chỗ cho con bé Việt Nam cao có 1,63m. Ừ thì tôi tặc lưỡi, đành lúc nhún, lúc nghiêng đến vẹo người mong kiếm được ngóc ngách để dí máy ảnh vào, ngoài ra không quên nín thở bên mấy ông tây… "viêm cánh".

Góc chụp của tôi rốt cuộc cũng không đến nỗi nào, giờ lại sinh ra cái khó khác. Các ngôi sao Mỹ đứng chụp chớp nhoáng và biến lẹ như gió. Bên tai tôi, các tay máy nháo nhác gọi tên các sao để họ đứng lại pose mà tôi đành câm nín, vì đến 99% danh sách celebrity tôi không thuộc tên! Ôi cái trí nhớ ngắn hạn của tôi. Coi như là bài học đáng nhớ cho đời đi chụp event. Người Mỹ cái gì cũng phải công nghiệp, cái gì cũng phải nhanh. Chụp event xong lúc 12 giờ đêm, tôi tức tốc về nhà, trút ảnh ra máy, biên tập đôi chút, chỉnh ảnh nhẹ nhẹ, rồi đăng tải ngay lên server để người ta cập nhật website tức thì. Tất cả vỏn vẹn trong vòng một tiếng, chóng mặt kinh hoàng.
Linh và bác Ian.


Sau buổi chụp ấy, tôi xếp xó ngay sự nghiệp chụp ảnh event dạo. Cũng mừng đấy là công việc được trả tiền đàng hoàng. Tôi nói thế vì có đến phân nửa nhiếp ảnh gia hay những thực tập sinh trong ngành nhiếp ảnh ở New York đã và đang làm việc không lương. Người ta phải "cống hiến" hết mình đến hàng tháng (nhiều khi đến hàng năm) với hy vọng tích luỹ kinh nghiệm và quan trọng hơn là gây dựng những mối quan hệ có thể dẫn dắt đến những mối công việc có thu nhập.

Nghĩ mà xem, hầu hết các nhiếp ảnh gia gạo cội về mọi lĩnh vực (thời trang, quảng cáo, nhiếp ảnh nghệ thuật v.v.) đều bám rễ ở đây. Thu nhập của họ đã chiếm phần lớn thu nhập của ngành nhiếp ảnh. Việc leo dần lên "tầng lớp" nhiếp ảnh gia có tiếng, có việc làm đều đặn, may mắn thì mất 5 – 10 năm. Chưa kể với bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, các khoản chi tiêu, đầu tư cho nhiếp ảnh ngày càng eo hẹp. Thay vì dốc nhiều tiền cho một ảnh chụp quảng cáo, các công ty bắt tay với các stock image agency (công ty đại lý ảnh) với kho dữ liệu ảnh khổng lồ kèm chi phí cực bèo. Thay vì đầu tư hàng chục ngàn đô cho một dự án ảnh quảng cáo, họ thà shopping online, lướt web mua ảnh tư liệu có sẵn để tiết kiệm kinh phí. Với bối cảnh ấy, nếu nghĩ một cách logic thì người ta sẽ nhảy bổ sang làm nhiếp ảnh gia tư liệu (tạm dịch là thế) và bán ảnh sỉ cho các stock agency. Nhưng ôi thôi, với mức giá bị trả cực bèo cho mỗi sưu tập ảnh, con đường ấy cũng cơ cực và rủi ro không kém.

Và… thế mới sinh ra các nghề phụ của nghề chụp ảnh, ví dụ như nghề chỉnh ảnh chẳng hạn.

Nghệ nhân chỉnh ảnh… chảnh!

Việc chỉnh ảnh tôi kiếm được qua craiglist (kiểu trang rao vặt đủ thứ rất phổ biến của người Mỹ). Kiếm việc qua craiglist có nhiều cái rủi ro. Spam cực nhiều, chưa kể post spam mưu cầu những điều bất chính. Lúc đó, tôi đang ở giai đoạn tài chính mong manh, nên cứ phải đâm đầu xin việc khắp nơi.

Mất có mấy ngày, tôi nhận được cú điện thoại đến phỏng vấn việc làm cho một công ty kinh doanh thời trang (họ niêm yết trên mạng là thế). Toà nhà nơi công ty đặt trụ sở cách Times Square một ngã tư, coi như tôi cũng thở phào nghĩ bụng ắt phải công ty tử tế mới "hoành tráng" thế. Leo lên toà nhà cao chót vót, tôi gõ cửa có gắn biển công ty.

Bước vào… choáng. Không gian làm việc của… công-ty-kinh-doanh-thời trang với 2/3 diện tích trụ sở cỡ 60m2 là thùng hàng đóng mở ngổn ngang. Giữa cái đống hỗn độn ấy là hai người Mễ làm công việc phân loại, đóng gói hàng và ba cô nhân viên ngồi ở một góc. Ông chủ (mà sau giới thiệu tôi biết là người Nga) lạnh lùng dành năm phút để tôi giới thiệu về bản thân thì ít mà mặc cả thu nhập kèm lượng công việc khoán trong ngày là nhiều. Sau lần nhận việc chụp event nhẹ nhàng, êm xuôi, cú đàm phán công việc kiểu lạnh như băng này có làm tôi dừng hình đôi chút.

Đã vác thân đến tận đây, tôi cũng tặc lưỡi gật đầu cái rụp nhận việc. "Ngày nào thì tôi có thể bắt đầu?", tôi hỏi ông ta. "Có thể bắt đầu luôn bây giờ!" Dừng hình tập hai. Nào tôi có nghĩ mình sẽ làm việc ngay. Vậy nên sáng dậy tôi tức tốc lao tới cuộc phỏng vấn với một cái bụng đói chưa kịp ăn sáng. Tám tiếng photoshop đồ trang sức chắc chắn là điều tôi ít muốn làm nhất trong ngày hôm ấy. Nhất là khi cứ mỗi 20 phút, lão chủ người Nga có khuôn mặt cáu bẳn kia lại thò đầu vào kiểm tra xem bao nhiêu shoot hình đã được chỉnh sửa.

Ôm cái bao tử rỗng đến 4 giờ chiều, tôi quyết định nghỉ tay để chạy đi mua đồ ăn thật lẹ. Mười phút sau quay lại với một cái bánh mì, tôi ngồm ngoàm ăn vừa làm cho kịp với tiến độ khoán. Chưa kịp nuốt hết miếng cuối, thì tiếng lão chủ "Vừa nãy cô đi ăn trưa bao lâu, nhớ trừ vào thời gian trả tiền nhé!" Mấy cô văn phòng ngồi ở góc kế bên đưa mắt ái ngại đầy thông cảm.

Lặng lẽ thu xếp đồ nghề, tôi nhẹ nhàng chào mấy cô văn phòng đang mắt tròn mắt dẹt chưa hiểu điều gì xảy ra. Gõ cửa phòng lão người Nga, tôi chấm dứt hợp đồng lao động tạm thời có giá trị bốn tiếng đồng hồ: "Xin lỗi, môi trường làm việc kiểu này không thích hợp với tôi. Mời ông kiếm người khác". Rõ ràng là tình thế đã biến chuyển 180 độ, tôi nhận ra sự ú ớ thấy rõ trên khuôn mặt ông ta. "Ok, vậy để tôi viết séc trả tiền cho mấy giờ làm việc vừa rồi!" Ông ta chưa kịp dứt lời, tôi phẩy tay và biến. Coi như kết thúc đời làm người chỉnh ảnh.

Tôi cũng chẳng có lý do gì để bận tâm trước gánh nặng cơm áo gạo tiền vì chỉ một tuần sau trải nghiệm bỏ việc ngắn ngủi này, tôi được nhận vào chính ngôi trường mình được đào tạo: Học viện làm phim New York (New York Film Academy – NYFA).

Siêu trợ giảng

Tại NYFA, tôi là sinh viên nhiếp ảnh đầu tiên được trường giữ lại làm trợ giảng. Làm trợ giảng ngành nhiếp ảnh đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với gánh nặng… "hàng chục ngàn đô". Đó là tiếp nhận và giao trả thiết bị nhiếp ảnh trước và sau giờ học, với những giờ làm đêm để kiểm tra định kỳ trang thiết bị cơ sở (hệ thống đèn, background studio, máy in cỡ lớn, phòng chiếu, máy tính...) đảm bảo cho những tiết học sớm suôn sẻ.

Là đứa hay quên, tôi phải ghi chép liên tục vì nếu rủi ro để quên hay thất lạc thiết bị, vài tháng lương coi như đi tong. Những ngày làm việc của tôi tại đây thường kéo dài đến 12 tiếng (9 giờ sáng – 9 giờ tối).

Làm trợ giảng trong các tiết học thực hành ánh sáng studio nhiều khi tôi bị lôi ra làm người mẫu bất đắc dĩ. Vốn dĩ ghét bị chụp ảnh, nhưng với các đạo cụ hoá trang vốn có trong trường làm phim, cùng với trí sáng tạo và hài hước có thừa của các sinh viên, những giờ sinh viên thực hành chụp studio đều mang lại cho mọi người những trận cười sảng khoái.

Một năm tại NYFA, tôi có đến 134 người bạn mới đến từ đủ năm châu lục và 28 quốc gia. Nhớ nhất là những lần chia tay mừng mừng tủi tủi, không thiếu những giọt nước mắt. Món quà mà tôi lưu giữ mãi là tấm thiệp với những dòng chia sẻ đầy xúc động được đích thân sinh viên thiết kế và ký tặng trước khi chia tay. Và họ gọi tôi là "siêu trợ giảng!"

Nhiếp ảnh gia may mắn




Phút thư giãn hiếm hoi giữa giờ chụp event.


Có lẽ đây là câu chuyện đáng nhớ nhất trong sự nghiệp làm nhiếp ảnh gia của tôi. Nó xảy ra vào một ngày hè năm ngoái khi tôi đang lang thang cùng Linh, cô bạn thân để tìm góc chụp ảnh cho blog thời trang online. Quần thảo chán chê ở khu West Village, chúng tôi vô tình lạc vào một khu vườn yên tĩnh. Ngồi ở trên ghế gỗ phía lưng khu vườn là một ông lão có khuôn mặt rất cine (tôi dám chắc ngày trẻ ông phải rất điển trai!) ăn mặc phong cách rất ănglê (polo hồng, áo vét màu kem). Chiếc ghế được đặt đầy chủ ý bên dưới vòm cây xanh đẹp như một bối cảnh phim. Hôm ấy Linh được tôi dặn mặc sẵn trang phục cổ điển lấy cảm hứng từ huyền thoại Andrey Hepburn trong phim Breakfast at Tiffany’s. Ý tứ hỏi ý ông xin phép được chụp hình, tôi nháy mắt cho Linh ngồi vào ghế rồi bấm máy cực lẹ. Bức hình ấy trở thành bức hình tôi yêu thích nhất sau buổi chụp ngày hôm ấy. Không chỉ vì không gian cực đẹp và phù hợp với trang phục mà tôi cần chụp cho blog, mà chính là khuôn mặt đầy biểu cảm, có phần khắc khổ của ông. Ông đang có tâm trạng như thế nào? Câu hỏi ấy khiến tôi băn khoăn mãi.

Ba tháng sau buổi chụp ấy, tôi hẹn Linh uống nước tại một lounge ở Soho. Hôm ấy lẽ ra tôi phải trực ca tối tại NYFA mà lớp học tối bị huỷ, nên bỗng dưng tôi có thời gian rảnh và ngẫu hứng hẹn gặp Linh. Quán nhỏ và đông nên chúng tôi ngồi quanh quầy bar. Uống xong ly rượu, chúng tôi chuẩn bị ra về thì một người đàn ông bước vào ngồi ngay chiếc ghế bên cạnh Linh. Tôi có đủ thời gian nhận ra khuôn mặt người đàn ông trước mặt: nhân vật trong bức ảnh yêu thích của tôi!

Linh cũng đang mắt chữ A, mồm chữ O, không tin những gì trước mắt. Tôi lôi vội chiếc iPhone và mở bức hình luôn được save trong album yêu thích và chìa ra trước mắt ông: "Xin lỗi, cháu nghĩ hình như chúng ta đã gặp nhau". Đến bây giờ, cả tôi, Linh và bác Ian vẫn không hiểu duyên số nào đã đưa đẩy chúng tôi gặp lại nhau trong ngày thu hôm ấy. Chỉ biết rằng đó chính là khởi đầu của một tình bạn đặc biệt giữa ba chúng tôi. Đến tận ngày hôm nay, dù luôn bận bịu vì những lý do riêng nhưng ngày thứ hai đầu tháng, Ian, Trang và Linh lại gặp nhau và chia sẻ những câu chuyện tâm tình, thậm chí đầy riêng tư. Câu chuyện đầu tiên của bác Ian? Bác đã mất người bạn đời yêu dấu chỉ mấy ngày trước khi tôi chụp bức hình ấy. Và chiếc ghế trong hình chính là chiếc ghế yêu thích của vợ chồng bác Ian trước khi bác gái mất. Tôi tin là sự nghiệp nhiếp ảnh trước mắt tôi còn dài để tôi thoả sức sáng tác và chụp hình. Nhưng để lặp lại một khoảnh khắc để đời như câu chuyện vừa rồi, có lẽ tôi phải là người cực may mắn! (Theo Sài gòn Tiếp thị)
 
Top