Me Minh "meo"
Active Member
Trung thu hoài niệm
(TNTS) Trong tiểu thuyết võ hiệp, ông Kim Dung xếp chiếc bánh chưng gồm nếp, nhân đậu xanh và thịt heo gói trong lá chuối vào một trong ba món quý báu của đất Hồ Châu, gọi là Hồ Châu tam bảo. Suy ra thì cái “bảo” đó cũng chỉ ngang ngang với bánh chưng của chúng ta mà thôi. Bần đạo từng ăn được một cái bánh ngon hơn nhiều. Đó là cái bánh trung thu ngày ấy.
Ngày ấy có nghĩa là những năm 1952, 1953 trên đất Quảng Nam. Bần đạo sinh ra trên núi rừng huyện Tam Kỳ trong một gia đình nghèo đi vì chiến tranh. Sinh con được mấy ngày, mẹ của bần đạo bế con về làng Kim Đới, nay thuộc xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ) nuôi dưỡng. Hồi nhỏ suy dinh dưỡng lắm nên rất xấu hổ! Bần đạo lớn lên ở đó cho đến năm 1955 thì mới chường mặt về quê mẹ là đất Duy Xuyên. Từ đó, bần đạo mới được học hành chút đỉnh để sau này viết báo cho bà con đọc chơi.
Lại nói về cái “ngày ấy”. Người Pháp ráo riết bao vây kinh tế vùng giải phóng Quảng Nam. Các huyện như Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Trà My, Hiên, Giằng, Phước Sơn… nghèo xơ nghèo xác. Pháp đổ quân vào; gặp trâu bò thì bắn bỏ, gặp heo gà thì bắt ăn, gặp lúa khoai thì đốt. Họ làm riết cái mửng đó cho nên dân nghèo; nhiều năm bị đói kém trầm trọng. Đói kém thì đói kém nhưng vẫn theo kháng chiến đến cùng. Ấy, dân Quảng Nam chịu chơi như rứa đó.
Bạn có về Quảng Nam mùa thu bao giờ chưa? Giữa mùa thu là thời điểm đẹp nhất của Quảng Nam. Trời xanh màu xanh của đồ sành sứ Khang Hy, gọi là bảo ngọc vô hà - ngọc quý không có vết. Sông Thu, sông Ly Ly, sông Tiên trong veo, êm đềm như đôi mắt đẹp tuyệt vời và phẳng như mặt gương soi. Ở phía tây, núi hàng hàng lớp lớp đứng trầm tư như triết gia. Ở phía đông, biển như ngọc biếc. Lúa chín vàng đều trân trong các vạt ruộng nhỏ. Vườn bắp, nương khoai, rẫy sắn, đồi chè… cái chi cũng mướt rượt, cái chi cũng thơ mộng. Nhưng thơ mộng nhất vẫn là đồi sim. Có câu làm chứng như vầy:
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín.
Một mình ta ngồi hát tuổi thơ bay.
Mùa thu, trăng long lanh sáng trên bầu trời xanh. Hội Mẹ chị từng xã nghèo lắm nhưng đến mùa trung thu cũng ráng làm ra một chiếc bánh làm quà cho con em. Bần đạo đã từng ăn những chiếc bánh ấy. Ngon vô cùng, quý vô cùng!
Hễ năm nào đói kém quá, Hội Mẹ chị làm bánh ít. Bánh như vầy: bột sắn (khoai mì) làm áo ở phía ngoài, phía trong là nhân đậu xanh. Hồi đó, chưa có đường công nghiệp, các mẹ và các chị làm bằng đường tán. Đường tán đen nhưng bảo đảm vệ sinh vì nấu thủ công từ mía ra. Hễ năm nào khá hơn, Hội Mẹ chị gói bánh ú. Bánh như vầy: nếp thơm làm áo ở phía ngoài, phía trong là nhân đậu xanh, có một miếng thịt mỡ được ướp bằng tiêu sọ Tiên Phước.
Bánh nào cũng thơm, bánh nào cũng ngon lành. Ăn một chiếc bánh giản dị đó, lòng người hân hoan mấy chục năm, tâm trí thông minh mấy chục năm. Chiều rằm tháng tám âm lịch, có anh thông tin cầm cái loa sắt đi rao: “Đồng bào chú ý! Đêm nay, Hội Mẹ chị xã sẽ tặng bánh trung thu cho các em thiếu nhi tại trường Xóm. Vậy mong đồng bào cho các em lên trường nhận bánh trung thu”.
Cứ ngày rằm tháng tám là bần đạo hồi hộp chờ nghe tiếng loa đó. Một năm chỉ chờ có một ngày mà! Cho nên bạn đọc phải biết bần đạo mê tơi món bánh đó đến cỡ nào. Ăn cơm chiều xong, bần đạo “chơi” bộ đồ tốt nhất gồm nhất y nhất huỡn may bằng vải nội hóa, đi… chân không, cầm một cây đuốc mù u đến trường. Cầm đuốc là cho có vị thôi chứ trăng sáng vằng vặc, cần chi tới đuốc với đèn? Không cần xếp hàng xếp hiếc gì hết, Hội Mẹ chị cũng biết thằng nào ra thằng nào, con nhà ai. Sướng nhất là bánh nấu tại chỗ, khói lửa um xùm. “Mười, mi lại đây! Mẹ cho mi cái bánh ni, con hỉ?”. Mười là… tên tộc của bần đạo. Bần đạo lãnh được cái bánh nóng hổi, sướng tê cả người, chạy ra sân ca hát với các bạn. Hát rằng:
Rằm trung thu trăng sáng trên bầu trời xanh.
Cùng vui bên nhau ca hát ta chào đón trăng…
Đào kênh Ba Kỳ đem nước về đồng
Mùa lúa tốt tươi…
Ấy, bần đạo vừa ca hát vừa ăn bánh như vậy. Hai câu trên thì bần đạo biết nhưng hai câu dưới có cái “kênh Ba Kỳ” chi chi đó thì bần đạo không hình dung nổi. Mười mấy năm sau, bần đạo thành nhạc sĩ, mới hiểu ra hai bài hát ngày xưa cùng âm thể Re trưởng, điệu hành khúc. Bốn mươi năm sau, bần đạo khôn hơn một chút mới hiểu ra kênh Ba Kỳ là dòng kênh đưa nước từ nguồn Chiên Đàn về sông Phú Hội - tiền thân của hồ Phú Ninh hoành tráng ngày nay.
Chiếc bánh trung thu giản dị, nghĩa tình năm xưa không ngờ lại tác động đến những tình cảm yêu thương quê nhà trong lòng người đến vậy. Bốn mươi năm sau, thằng bé từng ăn chiếc bánh đó trở về quê nhà, ngồi ngắm hồ Phú Ninh mênh mông. Bần đạo viết như vầy:
Chiều nay, tôi lên núi Sa Rô.
Ghé làng Bồng Miêu, thả hồn trên sóng ven hồ.
Cầm trên tay viên đá quê hương.
Cứ hỏi vì sao, vì sao trong đá có vàng?
Quảng Nam đẹp như thế.
Lòng dân như vàng tinh chế.
Sống vì ngày mai, làm nên những kỳ tích này.
Ngàn khe hòa trăm suối,
Nguồn xanh Chiên Đàn phơi phới.
Phú Ninh là đây, ngàn năm dáng đại công trình.
Nhớ tới chiếc bánh nghĩa tình năm xưa, bần đạo ví tấm lòng của các mẹ chị đẹp lấp lánh như vàng tinh chế. Quảng Nam là đất của nhiều mỏ vàng, nổi tiếng là thương hiệu vàng Bồng Miêu. Ở đây, người ta xay những cục đá pyrit ra thành bột và qua quá trình phân kim, tinh luyện, đã cho ra những thỏi vàng tinh chế. Còn kênh Ba Kỳ nay đã là công trình đại thủy nông Phú Ninh - một công trình lớn nhất của miền Trung.
Trong những năm còn làm công việc, thỉnh thoảng bần đạo cũng được mời đi ăn cơm; mùa trung thu thỉnh thoảng cũng có người lơ đãng tặng cho hộp bánh. Nhìn những bữa cơm ê hề thức ăn, nhìn những miếng bánh ngon lành đắt tiền, có khi bần đạo se lòng nghĩ lại ngày xưa. Đất nước phồn vinh, kinh tế phát triển mới có được bữa ăn này, miếng bánh này. Bởi đất nước nghèo đói trong chiến tranh nên tuổi thơ của những người như bần đạo mới trải qua một thời khốn khó. Thời khốn khó ấy làm nên tâm hồn bần đạo. Nay đất nước hòa bình thịnh vượng, tuổi thơ của các em được quan tâm chăm sóc, ăn ngon mặc đẹp. Cuộc sống mới làm nên tâm hồn các em. Ước mong lớp các em phát triển xa hơn, cao hơn bần đạo.
Nét đẹp nhất của xã hội chúng ta là hết lòng, hết dạ lo cho các em thiếu niên, nhi đồng. Mùa trung thu nào, chính quyền, các đoàn thể, các đơn vị hảo tâm, từng khu phố cũng tổ chức cho các em vui chơi ca hát và tặng quà cho các em. Những tấm lòng cởi mở, phước đức, nhân hậu như vậy thật đáng ca ngợi.
Bần đạo xin thỏ thẻ như vầy. Một - chúng ta chọn ngày tổ chức cho các em vui trung thu xa các ngày cường triều một chút, tránh mưa để các em được vui trọn vẹn. Cường triều rơi vào 14 và 15 âm lịch, chúng ta nên chọn cỡ 12 hay 13 (năm nay nhằm vào các ngày 11 và 12 tháng 9 dương lịch). Hai - ưu tiên tặng quà cho các em bị di chứng chất độc da cam, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ cơ nhỡ, trẻ vùng sâu vùng xa, trẻ nhà nghèo, sau đó mới ra đại trà. Ba - chương trình vui vui một chút, bớt… diễn văn dài. Món này bần đạo nhai cũng không vô chứ đừng nói là trẻ em. Bốn - cái bánh ngon ngon một chút, cho trẻ con sướng!
Vũ Đức Sao Biển
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110901/Trung-thu-hoai-niem.aspx
(TNTS) Trong tiểu thuyết võ hiệp, ông Kim Dung xếp chiếc bánh chưng gồm nếp, nhân đậu xanh và thịt heo gói trong lá chuối vào một trong ba món quý báu của đất Hồ Châu, gọi là Hồ Châu tam bảo. Suy ra thì cái “bảo” đó cũng chỉ ngang ngang với bánh chưng của chúng ta mà thôi. Bần đạo từng ăn được một cái bánh ngon hơn nhiều. Đó là cái bánh trung thu ngày ấy.
Ngày ấy có nghĩa là những năm 1952, 1953 trên đất Quảng Nam. Bần đạo sinh ra trên núi rừng huyện Tam Kỳ trong một gia đình nghèo đi vì chiến tranh. Sinh con được mấy ngày, mẹ của bần đạo bế con về làng Kim Đới, nay thuộc xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ) nuôi dưỡng. Hồi nhỏ suy dinh dưỡng lắm nên rất xấu hổ! Bần đạo lớn lên ở đó cho đến năm 1955 thì mới chường mặt về quê mẹ là đất Duy Xuyên. Từ đó, bần đạo mới được học hành chút đỉnh để sau này viết báo cho bà con đọc chơi.
Lại nói về cái “ngày ấy”. Người Pháp ráo riết bao vây kinh tế vùng giải phóng Quảng Nam. Các huyện như Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Trà My, Hiên, Giằng, Phước Sơn… nghèo xơ nghèo xác. Pháp đổ quân vào; gặp trâu bò thì bắn bỏ, gặp heo gà thì bắt ăn, gặp lúa khoai thì đốt. Họ làm riết cái mửng đó cho nên dân nghèo; nhiều năm bị đói kém trầm trọng. Đói kém thì đói kém nhưng vẫn theo kháng chiến đến cùng. Ấy, dân Quảng Nam chịu chơi như rứa đó.
Bạn có về Quảng Nam mùa thu bao giờ chưa? Giữa mùa thu là thời điểm đẹp nhất của Quảng Nam. Trời xanh màu xanh của đồ sành sứ Khang Hy, gọi là bảo ngọc vô hà - ngọc quý không có vết. Sông Thu, sông Ly Ly, sông Tiên trong veo, êm đềm như đôi mắt đẹp tuyệt vời và phẳng như mặt gương soi. Ở phía tây, núi hàng hàng lớp lớp đứng trầm tư như triết gia. Ở phía đông, biển như ngọc biếc. Lúa chín vàng đều trân trong các vạt ruộng nhỏ. Vườn bắp, nương khoai, rẫy sắn, đồi chè… cái chi cũng mướt rượt, cái chi cũng thơ mộng. Nhưng thơ mộng nhất vẫn là đồi sim. Có câu làm chứng như vầy:
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín.
Một mình ta ngồi hát tuổi thơ bay.
Mùa thu, trăng long lanh sáng trên bầu trời xanh. Hội Mẹ chị từng xã nghèo lắm nhưng đến mùa trung thu cũng ráng làm ra một chiếc bánh làm quà cho con em. Bần đạo đã từng ăn những chiếc bánh ấy. Ngon vô cùng, quý vô cùng!
Hễ năm nào đói kém quá, Hội Mẹ chị làm bánh ít. Bánh như vầy: bột sắn (khoai mì) làm áo ở phía ngoài, phía trong là nhân đậu xanh. Hồi đó, chưa có đường công nghiệp, các mẹ và các chị làm bằng đường tán. Đường tán đen nhưng bảo đảm vệ sinh vì nấu thủ công từ mía ra. Hễ năm nào khá hơn, Hội Mẹ chị gói bánh ú. Bánh như vầy: nếp thơm làm áo ở phía ngoài, phía trong là nhân đậu xanh, có một miếng thịt mỡ được ướp bằng tiêu sọ Tiên Phước.
Bánh nào cũng thơm, bánh nào cũng ngon lành. Ăn một chiếc bánh giản dị đó, lòng người hân hoan mấy chục năm, tâm trí thông minh mấy chục năm. Chiều rằm tháng tám âm lịch, có anh thông tin cầm cái loa sắt đi rao: “Đồng bào chú ý! Đêm nay, Hội Mẹ chị xã sẽ tặng bánh trung thu cho các em thiếu nhi tại trường Xóm. Vậy mong đồng bào cho các em lên trường nhận bánh trung thu”.
Cứ ngày rằm tháng tám là bần đạo hồi hộp chờ nghe tiếng loa đó. Một năm chỉ chờ có một ngày mà! Cho nên bạn đọc phải biết bần đạo mê tơi món bánh đó đến cỡ nào. Ăn cơm chiều xong, bần đạo “chơi” bộ đồ tốt nhất gồm nhất y nhất huỡn may bằng vải nội hóa, đi… chân không, cầm một cây đuốc mù u đến trường. Cầm đuốc là cho có vị thôi chứ trăng sáng vằng vặc, cần chi tới đuốc với đèn? Không cần xếp hàng xếp hiếc gì hết, Hội Mẹ chị cũng biết thằng nào ra thằng nào, con nhà ai. Sướng nhất là bánh nấu tại chỗ, khói lửa um xùm. “Mười, mi lại đây! Mẹ cho mi cái bánh ni, con hỉ?”. Mười là… tên tộc của bần đạo. Bần đạo lãnh được cái bánh nóng hổi, sướng tê cả người, chạy ra sân ca hát với các bạn. Hát rằng:
Rằm trung thu trăng sáng trên bầu trời xanh.
Cùng vui bên nhau ca hát ta chào đón trăng…
Đào kênh Ba Kỳ đem nước về đồng
Mùa lúa tốt tươi…
Ấy, bần đạo vừa ca hát vừa ăn bánh như vậy. Hai câu trên thì bần đạo biết nhưng hai câu dưới có cái “kênh Ba Kỳ” chi chi đó thì bần đạo không hình dung nổi. Mười mấy năm sau, bần đạo thành nhạc sĩ, mới hiểu ra hai bài hát ngày xưa cùng âm thể Re trưởng, điệu hành khúc. Bốn mươi năm sau, bần đạo khôn hơn một chút mới hiểu ra kênh Ba Kỳ là dòng kênh đưa nước từ nguồn Chiên Đàn về sông Phú Hội - tiền thân của hồ Phú Ninh hoành tráng ngày nay.
Chiếc bánh trung thu giản dị, nghĩa tình năm xưa không ngờ lại tác động đến những tình cảm yêu thương quê nhà trong lòng người đến vậy. Bốn mươi năm sau, thằng bé từng ăn chiếc bánh đó trở về quê nhà, ngồi ngắm hồ Phú Ninh mênh mông. Bần đạo viết như vầy:
Chiều nay, tôi lên núi Sa Rô.
Ghé làng Bồng Miêu, thả hồn trên sóng ven hồ.
Cầm trên tay viên đá quê hương.
Cứ hỏi vì sao, vì sao trong đá có vàng?
Quảng Nam đẹp như thế.
Lòng dân như vàng tinh chế.
Sống vì ngày mai, làm nên những kỳ tích này.
Ngàn khe hòa trăm suối,
Nguồn xanh Chiên Đàn phơi phới.
Phú Ninh là đây, ngàn năm dáng đại công trình.
Nhớ tới chiếc bánh nghĩa tình năm xưa, bần đạo ví tấm lòng của các mẹ chị đẹp lấp lánh như vàng tinh chế. Quảng Nam là đất của nhiều mỏ vàng, nổi tiếng là thương hiệu vàng Bồng Miêu. Ở đây, người ta xay những cục đá pyrit ra thành bột và qua quá trình phân kim, tinh luyện, đã cho ra những thỏi vàng tinh chế. Còn kênh Ba Kỳ nay đã là công trình đại thủy nông Phú Ninh - một công trình lớn nhất của miền Trung.
Trong những năm còn làm công việc, thỉnh thoảng bần đạo cũng được mời đi ăn cơm; mùa trung thu thỉnh thoảng cũng có người lơ đãng tặng cho hộp bánh. Nhìn những bữa cơm ê hề thức ăn, nhìn những miếng bánh ngon lành đắt tiền, có khi bần đạo se lòng nghĩ lại ngày xưa. Đất nước phồn vinh, kinh tế phát triển mới có được bữa ăn này, miếng bánh này. Bởi đất nước nghèo đói trong chiến tranh nên tuổi thơ của những người như bần đạo mới trải qua một thời khốn khó. Thời khốn khó ấy làm nên tâm hồn bần đạo. Nay đất nước hòa bình thịnh vượng, tuổi thơ của các em được quan tâm chăm sóc, ăn ngon mặc đẹp. Cuộc sống mới làm nên tâm hồn các em. Ước mong lớp các em phát triển xa hơn, cao hơn bần đạo.
Nét đẹp nhất của xã hội chúng ta là hết lòng, hết dạ lo cho các em thiếu niên, nhi đồng. Mùa trung thu nào, chính quyền, các đoàn thể, các đơn vị hảo tâm, từng khu phố cũng tổ chức cho các em vui chơi ca hát và tặng quà cho các em. Những tấm lòng cởi mở, phước đức, nhân hậu như vậy thật đáng ca ngợi.
Bần đạo xin thỏ thẻ như vầy. Một - chúng ta chọn ngày tổ chức cho các em vui trung thu xa các ngày cường triều một chút, tránh mưa để các em được vui trọn vẹn. Cường triều rơi vào 14 và 15 âm lịch, chúng ta nên chọn cỡ 12 hay 13 (năm nay nhằm vào các ngày 11 và 12 tháng 9 dương lịch). Hai - ưu tiên tặng quà cho các em bị di chứng chất độc da cam, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ cơ nhỡ, trẻ vùng sâu vùng xa, trẻ nhà nghèo, sau đó mới ra đại trà. Ba - chương trình vui vui một chút, bớt… diễn văn dài. Món này bần đạo nhai cũng không vô chứ đừng nói là trẻ em. Bốn - cái bánh ngon ngon một chút, cho trẻ con sướng!
Vũ Đức Sao Biển
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110901/Trung-thu-hoai-niem.aspx