Tuyệt vời tuổi lên 4

10,222
30
48

ALnML

Super Moderator
[h=1]Tuyệt vời tuổi lên 4[/h] (Webtretho) Chào mừng bạn đến với thế giới của trẻ lên 4! Trong suốt năm thứ tư này, bé sẽ tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng cũ đồng thời phát triển các kỹ năng mới. Mọi điều mới lạ đều làm con hứng thú. Có thể nói thiên thần nhỏ của bạn bây giờ đang “dư thừa” trí tò mò và năng lượng. Các trò chơi ngoài trời làm cho bé cảm thấy thích thú nhất; để giúp bé không bị chán dẫn đến những hành vi bộc phát, bạn hãy bày thật nhiều trò vận động cho bé chơi. Bé 4 tuổi hầu như không còn nhút nhát với người lạ như trước nữa, bạn có thể nhận thấy ở con sự háo hức muốn dự các buổi tiệc và đến nhà người khác chơi. Ở độ tuổi này, thường bé trai thích chơi với bé trai và bé gái chơi với bé gái, chúng thích hóa trang rồi đóng vai người này, người nọ – bé học hỏi được nhiều nhất thông qua trò chơi này. Đóng giả làm lính cứu hỏa, cô giáo, cảnh sát, hay phi hành gia… đều mang lại cho các bé cơ hội giải tỏa những nỗi sợ hãi và những tưởng tượng trong đầu. Bé con 4 tuổi của bạn đang trải qua rất nhiều thay đổi trong suốt giai đoạn phát triển này. Hãy cùng khám phá một vài cột mốc phát triển của bé nhé! [h=2]Phát triển thể chất[/h]
Khả năng vận động của bé bây giờ đã phát triển hơn nhiều (Ảnh: Inmagine)

Bé lên 4 có thể tự mình làm được ngày càng nhiều việc hơn. Khả năng sử dụng các cơ (cả lớn và nhỏ) của bé vẫn tiếp tục phát triển suốt năm qua. Nếu bé 3 tuổi còn gặp phải một số khó khăn khi tự mặc áo quần và tự đút ăn thì khi lên 4, hầu như tất cả các bé đều đã có thể cơ bản mặc, cởi quần áo mà không cần giúp đỡ. Bé cũng có thể sử dụng nĩa để tự đút ăn một cách thuần thục, sự giúp đỡ duy nhất mà bé cần trong giờ ăn là mẹ cắt nhỏ thức ăn ra thôi. Bé 4 tuổi cũng có thể sử dụng kéo khá tốt rồi, bé thích cắt giấy theo đường thẳng cũng như cắt theo hình thù. Khả năng vẽ và tô màu của bé cũng ngày càng tiến bộ – tuy nhiên, vì những ngón tay của bé ngắn và mũm mĩm nên yêu cầu vẽ hay tô màu không lem ra ngoài các đường viền vẫn là một thách thức lớn. Bé cũng có thể đạp và điều khiển được xe đạp có gắn hai bánh phụ. [h=2]Phát triển trí tuệ[/h] Bé 4 tuổi có những bước tiến lớn về trí tuệ. Bé đã hiểu rõ về từ ngữ, câu cú dùng đã tương đối gần “chuẩn” nên người ngoài gia đình có thể hiểu được bé nói gì. Lúc này, bé có thể bắt đầu tỏ ra thích đọc sách. Điều quan trọng là bạn khuyến khích con phát triển trí tuệ nhưng đừng thúc ép có thể dẫn đến tác dụng ngược, đừng yêu cầu con phải học đọc hay hoàn thành những nhiệm vụ đòi hỏi phải ngồi yên một chỗ và tập trung trong một khoảng thời gian dài. Bé sẽ học đọc chữ khi đến thời điểm thích hợp, còn ở giai đoạn này, hãy chỉ khuyến khích tình yêu sách ở con bằng cách đọc sách cho bé nghe mỗi tối. Việc này giúp ngôn ngữ của bé phát triển và cho bé thêm các “chất liệu” để suy nghĩ, tưởng tượng. [h=2]Phát triển cảm xúc[/h] Bé 4 tuổi tính khí thất thường lắm, vừa mới vui đây mà lại có thể buồn ngay được. Lúc bé buồn, hãy an ủi bé được chừng nào tốt chừng ấy, nhưng đừng quá băn khoăn về điều đó. Thường bé nhanh buồn thì cũng nhanh vui lại thôi. Mặc dù có những lúc con xoay bạn như chong chóng thế nhưng hãy kiên nhẫn, con bạn sẽ sớm trưởng thành về cảm xúc thôi. Bé đang phát triển khả năng nhận diện cảm xúc. Bé có thể hiểu và tôn trọng cảm xúc của người khác, bắt đầu biết diễn tả cảm xúc của mình và biết cố gắng an ủi người khác. Bé bắt đầu có thể lý giải nguyên do dẫn đến một số cảm xúc cơ bản như vui, buồn, giận dữ. Ví dụ bé có thể nói: “Bạn đó buồn tại vì bạn bị mất đồ chơi đó mẹ.” [h=2]Phát triển xã hội[/h] Lên 4 tuổi, con bạn bắt đầu hiểu khái niệm tình bạn. Bé học cách hợp tác hơn khi chơi với bạn bè, bé thích nghe kể chuyện cũng như tự mình kể chuyện, bé thích thì thầm và kể cho bạn nghe các bí mật, bạn sẽ thường thấy bé vòng tay ôm một người bạn và biết được khi nào bạn của bé đang buồn… Tuy nhiên bé vẫn thiếu ý thức “chung thủy” với các bạn. Ví dụ bé có thể nói Gia Hân là bạn thân nhất của bé, thế nhưng khi Gia Hân trèo lên xích đu nhanh hơn thì bé lại tuyên bố “không thích Gia Hân nữa và không làm bạn với Gia Hân nữa.” Con bạn đang phát triển các kỹ năng xã hội, vì vậy việc bạn khuyến khích các mối quan hệ của con đồng thời với công nhận những cảm xúc của con là rất quan trọng. Chẳng hạn bạn có thể nói “Gia Hân giành được xích đu trước con nên con buồn đúng không? Không sao cả, rồi mai mốt con và Gia Hân sẽ lại làm lành với nhau thôi.”
Bé đang ở tuổi thừa trí tò mò và năng lượng nên rất thích khám phá (Ảnh: Inmagine)

Con bạn rất thích khám phá những điều mới lạ. Bé thích làm quen với những người mới, đến những nơi mới, chơi đồ chơi mới và tham gia vào các hoạt động mới – những điều giúp bé thỏa mãn được bản tính hay thắc mắc của mình. Vì vậy khi có dịp, bạn nên bày ra nhiều hoạt động khác nhau để bé vui chơi. [h=2]Kỷ luật[/h] Cách nuôi dạy con hiệu quả nhất khi này là gì? Các nghiên cứu cho thấy phụ huynh nào quan tâm, kiên định và nhất quán đối với con sẽ gặt hái được những kết quả tích cực. Quan trọng là bạn hãy cố gắng không sử dụng những hình thức kỷ luật quá hà khắc. Cha mẹ phải cố gắng tránh việc đối xử không tốt với con trẻ khi dạy chúng. Cách kỷ luật dùng bạo lực có thể làm cho một đứa trẻ sợ cha mẹ mình, làm giảm tác dụng của những tương tác tích cực giữa cha mẹ đối với con trẻ và có thể khiến đứa trẻ lớn lên với tính cách hung hăng. Tránh đánh đập, la hét và sử dụng những từ ngữ tàn nhẫn khi dạy con. Nếu bạn cảm thấy sắp sửa mất bình tĩnh thì hãy để con trong phòng rồi ra ngoài 5 phút cho bình tĩnh lại trước khi giải quyết tình huống – 5 phút này có thể giúp cả bạn và con tránh được nhiều tổn thương về sau.
Những nguyên tắc hướng dẫn tích cực dạy con cách cư xử: - Khen ngợi và nhắc lại những hành vi tốt của con; bỏ qua những hành vi chưa tốt của con bất cứ lúc nào có thể. - Khi con chưa ngoan, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, hướng sự chú ý của con sang những hành động khác có thể chấp nhận được. - Đặt ra giới hạn và nguyên tắc rõ ràng; thực hiện những điều này ở mức độ phù hợp với con. - Hãy nhất quán. - Không sử dụng những từ ngữ không hay với con.




Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo Education.com
 
Top