Uống nhiều nước cũng bị ngộ độc

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Vào mùa hè, nhiều người nghĩ uống nhiều nước vừa đỡ khát, vừa tăng cường thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, uống nước quá nhu cầu cũng có thể bị ngộ độc vì thận không kịp bài tiết nước.

Mất nhiều dưỡng chất

ThS Doãn Thị Tường Vi – Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV 198 (Bộ Công an) cho biết, nước chiếm từ 60 – 70% cơ thể. Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể. Nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài qua nước tiểu, mồ hôi.

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cơ thể mất đi chừng 2,5 lít nước. Để cho cơ thể hoạt động tốt, cần uống vào một lượng nước từ 1,5 lít đến 2 lít. Nếu uống quá nhiều nước so với nhu cầu sẽ khiến thận làm việc quá sức. Ngoài việc thải các sản phẩm chuyển hóa, thận còn thải cả các dưỡng chất và các nguyên tố vi lượng có lợi khác.

ThS, BS Lê Thị Hải – GĐ Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nước có thể cung cấp trực tiếp từ chất lỏng ta uống hoặc từ thực phẩm ta ăn. Các thực phẩm như rau tươi, trái cây có thể chứa từ 70% đến 85% nước.


Nếu uống quá nhiều nước so với nhu cầu sẽ khiến thận làm việc quá sức


Nếu ăn chế độ nhiều nước như cháo, súp... thì nhu cầu uống nước ít hơn, ngược lại nếu ăn cơm, ăn bánh mỳ, hoặc bữa ăn không có canh thì nhu cầu uống nước tăng lên. Khi sốt cao, mất nước hoặc thời tiết nóng, đổ mồ hôi nhiều, khi tập thể thao, khi bị nôn, hay đi tiêu chảy... cần uống nhiều nước. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hải, chúng ta không nên uống quá nhiều nước trong một ngày. Uống nước quá nhu cầu cũng có thể đưa tới tình trạng ngộ độc nước, chẳng hạn khi giảm béo theo chế độ ăn và tăng uống nước, thận không kịp bài tiết nước, nước xâm nhập tế bào, làm mất thăng bằng muối khoáng, dẫn đến rối loạn điện giải, các chức năng tế bào bị đình trệ, đưa đến hôn mê và có thể chết người.

Uống ngay cả khi chưa khát

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, sáng ngủ dậy uống 1- 2 ly nước đun sôi để nguội, vừa tỉnh ngủ lại tốt cho cơ thể. Uống nước vào sáng sớm còn có tác dụng làm sạch đường tiêu hoá. Nên uống nước 10 phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn. Vì uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa, vừa uống, vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ, không tốt cho tiêu hoá.

Theo Th.S Tường Vi, mùa hè nắng nóng, mồ hôi ra nhiều nên nhu cầu về nước tăng cao, nhất là với những người làm việc nặng hoặc làm ngoài trời nắng. Lúc này, cơ thể cần nước để bù cho lượng mồ hôi thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể. Nếu uống nước hạn chế hoặc uống nước không đúng cách sẽ làm cảm gia mệt mỏi đến nhanh hơn, năng suất lao động giảm. Khi vận động, làm việc, cứ khoảng nửa giờ nên uống 100-150ml nước.

BS Tường Vi cũng khuyến cáo không nên nhịn nước quá lâu. Uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc, tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm một, để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bạn thiếu nước.

Nước khoáng: Là nước uống có chứa các chất khoáng như natri, kali, canxi, magiê... Các loại nước khoáng do chứa thêm các chất khoáng nên phải dùng đúng lúc, đúng đối tượng, không được sử dụng bừa bãi. Các loại nước khoáng thiên nhiên thường có nồng độ khoáng không quá cao nên những người trưởng thành có chức năng thận tốt có thể sử dụng được.

Nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời bị mất nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất. Sau đó, vẫn nên dùng nước tinh khiết để bù nước cho cơ thể.

Các loại nước ngọt có ga: Không nên uống vì có thể gây thừa cân béo phì, hoặc đầy bụng, biếng ăn ở trẻ em.

Các loại nước ép quả công nghiệp: Có nhiều đường, hàm lượng chất khoáng và vitamin ít, uống nhiều dẫn đến thừa cân, béo phì.

Các loại nước tăng lực: Nếu uống nhiều cũng sẽ gây thừa cân, béo phì.

Các chất lỏng như rượu mạnh, bia không được xếp vào nhóm nước uống.

Các loại nước uống nên hạn chế trong mùa hè

Theo Gia Đình & Xã Hội​
 
Top