“Vùng đất thiêng” trong khu rừng ngàn tuổi

10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
“Vùng đất thiêng” trong khu rừng ngàn tuổi

Những truyền thuyết của vùng đất gắn với rừng lim khiến khu rừng không chỉ là nơi để du khách đến tham quan, mà còn trở thành "vùng đất thiêng" trong lòng người dân địa phương.
Ít ai ngờ chỉ cách Hà Nội gần 100 cây số, tại vùng An Lạc (huyện Chí Linh, Hải Dương) lại có một khu rừng lim ngàn năm tuổi.


Cận cảnh cây lim lớn nhất có bướu mặt cáo.​


Kỳ thú rừng ngàn tuổi

Khu rừng còn có tên là rừng lim đền Cao, hiện còn hàng chục gốc lim cổ thụ. Rừng lim đền Cao có từ bao giờ, người cao tuổi nhất làng cũng không nhớ được. Chỉ nghe các cụ truyền nhau, nó có từ lâu lắm rồi.

Cụ Dương Văn Luyện, người dân địa phương, cho biết: "Từ khi tôi còn là đứa trẻ con chăn trâu, cắt cỏ đã thấy rừng lim cổ thụ thế này. Hỏi bố tôi, ông nội tôi thì mọi người đều nói nhiều đời trước người ta đã thấy rừng lim cổ thụ như thế".

Có người cho rằng, tuổi của rừng lim có thể đạt 300 - 400 năm nhưng có cụ già khẳng định, rừng lim có đến 800 - 900 năm tuổi. Theo nhận định của một nhà sử học, rừng lim có thể được trồng vào thời Tiền Lê.

Giải mã "đền thiêng"

Khu rừng nổi tiếng không chỉ vì những cây gỗ ngàn năm tuổi, mà còn được nhiều người biết đến vì ngôi đền tọa lạc trong khu vực. Bước qua 113 bậc tam cấp, người ta sẽ đặt chân lên ngôi đền cổ kính.

Đền Cao tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng thuộc dãy núi Voi, trước mặt là dòng Nguyệt Giang uốn lượn ôm ấp trọn vùng đất này. Theo truyền thuyết, đó là vùng đất thiêng, nơi tụ hội của 99 ngọn núi lớn nhỏ.



Voi đá trước cửa đền Cao trên núi Thiên Bồng​

Ngôi đền càng trở nên bí ẩn hơn khi người ta chỉ biết thông tin đến thế, chứ không biết đền là nơi thờ phụng ai. "Vì lời nguyền giữ "bí mật" nên khi khấn, chỉ được lẩm nhẩm gọi các ngài là "bề trên", là "đại vương", chứ tuyệt nhiên không một ai biết sự tích và tên tuổi của các "ngài" - Cụ Diệm nói.
Bí mật đã được tiết lộ khi năm 1988, cụ Dương Văn Diệm - Thủ nhang, trưởng ban khánh tiết - mới họp bàn với các cụ già trong làng, quyết định mở các sắc phong đã được đời nối đời lưu giữ trong cung cấm. Khi đó, ngôi đền mới được xếp hạng Di tích lịch sử và một phần thân thế của các danh tướng được thờ phụng trong đền được hé lộ.

Theo đó, truyền thuyết cho rằng vào thời Đinh, có hai vợ chồng họ Vương sống với nhau đã lâu nhưng chưa có con. Khi đến vùng đất An Lạc ngày nay, ông bà thấy đây là một vùng đất bình yên, thuần hậu, nên đã ở lại sinh cơ lập và sinh được 5 người con.

5 người con lớn lên học hành binh thư chữ nghĩa rất tinh thông. Năm 981, quân Tống xâm lấn bờ cõi nước ta. Nhà vua truyền hịch đi khắp nơi tìm người hiền tài ra phò vua giúp nước. Lúc này, 5 người con họ Vương đang có tang cha mẹ nên không dám về triều ứng thí.

Đến khi nhà Vua đem quân đi đánh giặc qua vùng này, đã cho lập đồn trại đóng quân tại đây và chiêu dụng năm chị em. Khi ấy, 5 vị tướng cầm quân, giáp chiến một trận cực kì ác liệt. Quân giặc thua to. Chưa nhận tiệc khao mừng thì 5 ngài đều thăng hoá về trời. Nhân dân kéo đến xem thì đã thấy mối đất đùn thành những ngôi mộ lớn liền lập đền hương khói. Đền có từ ngày ấy.

"Báu vật" vùng An Lạc

Ngày 25/2/2011, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Cao (thôn Đại, An Lạc, Chí Linh, Hải Dương), 54 cây lim nhiều năm tuổi đã được vinh danh là cây di sản Việt Nam.
Nhằm mục đích bảo vệ và bảo tồn nguồn gen tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của rừng, 54 cây lim trong diện tích rừng khoảng 1,2 ha, được quy vào rừng đặc dụng (loại rừng dùng để bảo tồn thiên nhiên). Năm 2000, rừng lim được tiến hành trồng nâng cấp 12 ha, mật độ hơn 300 cây/ha ở khu vực vành đai tiếp giáp với rừng lim cổ.

Có lẽ vì tấm lòng tri ân với người xưa giúp nước nên đã "thần thoại hóa" những câu chuyện xung quanh khu rừng và ngôi đền này.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều người dân kể lại những tình huống thực hư mờ ảo về "vùng đất thiêng". Nào là thời chiến tranh chống Pháp, hàng trăm quả đại bác, hàng chục tấn bom, phá tan hoang làng xóm nhưng không quả nào rơi vào ngôi đền và rừng lim. Rồi đến thời máy bay Mĩ ném bom miền Bắc, có 8 quả bom trút xuống khu vực đền nhưng đều rơi ra đồng bãi...

Thực hư về "rừng thiêng" như thế nào chưa rõ, nhưng theo một người già ở làng, cánh rừng lim nhờ đó không bị người ta xâm hại, dù gỗ lim có giá thuộc loại cao ngất ngưởng trên thị trường.

Cụ Dương Thị Phu cho hay: "Thậm chí, đến cả củi khô rụng trong rừng, cho cũng không ai lấy, bán không ai mua, nhà đền phải nhặt bó thành bó rồi đốt ở đền". Và như thế, rừng lim ngàn tuổi đã trở thành một "báu vật" của người địa phương.

Theo Đời sống&Pháp luật
 
1,416
0
36

MomMi

Active Member
Ðề: “Vùng đất thiêng” trong khu rừng ngàn tuổi

Đầu năm em đến Đền Cao mà không biết có rừng Lim cổ này. cứ tưởng có mỗi đền nhưng ai cũng bảo đền này rất thiêng. Mà ở đấy có một đặc điểm riêng: ở ngoài đền thì đốt hương màu vàng, nhưng mang hương vào thắp trong đền phải là hương đen. chẳng hiểu sao lại thế?
 
Top