Xin lỗi con: có cần phải nói bằng lời?

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Xin lỗi con: có cần phải nói bằng lời?
27/03/2011 7:06


PNCN - Để xin lỗi con, đâu nhất thiết phải nói trực tiếp bằng lời, mà còn nhiều cách khác không kém phần hiệu quả, lại nhẹ nhàng, ý nhị, không mất cái “uy” của cha mẹ…
Lúc nhỏ, tôi là “chúa quậy phá”, “chúa ăn vụng” nên thường xuyên bị mẹ đánh đòn. Tuy nhiên, cũng có không ít lần tôi oan ức: lúc thì con chó đuổi gà chạy đổ đồ đạc, lúc thì con mèo xớt mất con cá mới chiên…, mẹ cũng đánh tôi. Khi mọi chuyện đã rõ trắng đen, biết mình sai nhưng mẹ tôi không cần nói xin lỗi. Bà có cách khác vô cùng độc đáo - xin lỗi bằng các món ăn. Thấy tôi giận, chẳng nói chẳng rằng, mẹ lụi cụi đi làm đồ ăn. Ở quê, thời ấy chẳng có hàng quán gì nhiều nên những món ăn vặt ngọt ngọt luôn là nỗi thèm khát của đám con nít. Lúc thì mẹ ra vườn hái chuối, khi ra chợ mua đậu, mua bột… về làm đủ món mà nằm mơ tôi cũng thèm: bánh chuối nước dừa, chè đậu xanh, chè trôi nước… Nấu xong xuôi, mẹ bưng đến cho tôi. Dẫu đang nức nở oan ức, đang nước mắt nước mũi kèm nhèm hay đang phụng phịu hờn dỗi, thấy món ngon, nghe mùi bánh, mùi chè thơm nức mũi, cơn giận của tôi chỉ còn phân nửa. Rồi tôi cắn một miếng bánh, ăn một muỗng chè, nghe cái vị ngọt ngào tan nơi đầu lưỡi, tôi hết giận, chỉ còn ấm ức đôi chút. Và đôi chút ấm ức cuối cùng ấy cũng bay biến sạch khi đến tối, mẹ ôm tôi vào lòng, gãi lưng cho tôi ngủ, miệng à ơi mấy câu ru quen thuộc…

Ảnh minh họa: Internet
Rồi tôi trưởng thành, lấy vợ, có con. Những khi có lỗi với con mình, mở miệng nói thẳng thì ngại, tôi lại nhớ cách xin lỗi của mẹ khi xưa. Không biết nấu ăn như mẹ, tôi xin lỗi con theo kiểu đàn ông của riêng mình. Tôi mua cho con một món đồ chơi mà nó đang thích, dẫn con đi chơi, đi ăn kem, đi xem xiếc… Từ nhỏ đến tận giờ - khi con tôi đã là một thiếu nữ 15 tuổi, tôi xin lỗi kiểu này nhiều lần và thấy nó thật sự hiệu quả.
Theo tôi, việc xin lỗi con hiệu quả phải hội đủ hai yếu tố: có thông điệp nhận sai, xin lỗi truyền đến con và cha mẹ có hành động bù đắp cho con. Việc xin lỗi trực tiếp bằng lời mới chỉ đáp ứng được vế một. Ngược lại, việc xin lỗi bằng hành động cụ thể vừa đáp ứng được cả hai vế, vừa giúp cha mẹ không ngại miệng, không mất uy… Các bậc cha mẹ cũng đừng quá lo theo kiểu “Tôi không nói thẳng, liệu con có hiểu?”. Con trẻ tuy ngây thơ nhưng cũng không kém phần nhạy cảm, chỉ cần cha mẹ thể hiện hành động xin lỗi một cách chân thành và tràn đầy tình thương, chúng sẽ hiểu ngay lập tức.
Riêng với tôi, mỗi lần xin lỗi con bằng hành động, tình cảm con cái đều thêm khắng khít, bền chặt. Như tôi, giờ đầu đã hai thứ tóc, vẫn cứ nhớ hoài “chén chè xin lỗi” của mẹ ngày xưa…
Nguyễn Nguyên
 
3,340
5
38

thuyvuong

Active Member
Ðề: Xin lỗi con: có cần phải nói bằng lời?

Thế này có gọi là mua chuộc không nhỉ ;)

Con thích ăn chè, mẹ nấu cho con ăn là thể hiện tình yêu, sự quan tâm đến sở thích của con thì tốt hơn là khi mẹ mắc lỗi mẹ nấu chè cho con ăn để mau quên lỗi của mẹ.

Có thể bằng nhiều cách để xin lỗi nhưng em nghĩ vẫn nên dùng cả lời nói, khi bố mẹ nhận ra mình "nhầm" mà xin lỗi con: con sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, được coi là người lớn nên không phải là bố mẹ mất uy mà đã dạy con thêm 1 bài hoc là dám làm dám nhận,
 
1,251
0
36

Chíc chíc

Active Member
Ðề: Xin lỗi con: có cần phải nói bằng lời?

Em nghĩ khi bố mẹ làm gì sai vẫn nên nói lời xin lỗi con. Mình suy từ bản thân mình ra thôi, khi nghe cụ thể lời xin lỗi từ người khác cảm giác rất ... hả hê, hì hì. Nhà em khi em hoặc chồng làm gì sai với con, dù nhỏ dù to đều nói câu xin lỗi, có lẽ vì vậy mà cu con nhà em cũng rất biết nói xin lỗi với bố mẹ.
Mà nhiều lúc em cũng áy náy lắm. Bạn ấy nghịch bị mẹ mắng, xin lỗi mẹ xong rồi được mẹ bế. Ngồi trong lòng mẹ bạn í thủ thỉ: mẹ ơi, sao mẹ lại hay thích mắng con thế ạ? :">
 
Top