Xóm trọ ung thư giữa mùa đông xứ Bắc

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
óm trọ ung thư giữa mùa đông xứ Bắc SGTT.VN - Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 20km, xóm trọ của những người bị ung thư thuộc bệnh viện K2 đã từ lâu được mệnh danh là xóm trọ “tử thần”. Bao con người đã đến đây sống từ vài tháng đến vài năm rồi rời xa cõi đời này trong nước mắt và nỗi đau đớn của gia đình, bạn bè.


Ông lão bị ung thư không có tiền thuê phòng đang phải ở ngoài vườn hoa. Ảnh: Trần Hưng
Mỗi cảnh đời ở đây là một nỗi đau với những trăn trở khôn nguôi. Nhưng ở xóm trọ thuộc thôn Tựu Liệt, Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội này chúng tôi vẫn thấy niềm tin, khát vọng sống dù có thể chỉ tính bằng ngày, bằng tháng của những bệnh nhân ung thư ở khắp các tỉnh thành quần tụ về đây.
Em muốn được về nhà đi học
Xóm trọ lụp xụp với những gian nhà cấp 4 lợp mái tôn được chia thành nhiều phòng với diện tích khác nhau. Chúng tôi thấy mỗi một phòng lại được kê nhiều giường nằm, phòng lớn lên đến gần 20 giường, phòng nhỏ cũng 3 – 4 giường. Ở góc sân có chiếc bếp than tổ ong đang rực lửa là một tà áo đồng phục học sinh thoáng qua.
Em gái bé nhỏ mặc bộ áo đồng phục mùa đông cấp 3 ấy khẽ chào chúng tôi rồi lại vào bếp nấu cơm. Em tên Vi Ngọc Anh, hiện đang học lớp 11 trường PTTH xã Hải Long, huyện Như Thanh, Thanh Hoá. Em sinh năm 1994, tuy chưa đầy 17 tuổi nhưng đã phải mang trong mình căn bệnh ung thư xương và trở thành cư dân của xóm trọ tử thần này suốt hơn một năm qua. Ánh mắt em ngập nỗi buồn, giờ này các bạn em đang tung tăng đùa nghịch nơi sân trường, trong lớp học thì em lại phải ẩn mình chữa bệnh nơi này. Em kể cho tôi nghe về bạn bè, về ngôi trường của mình và niềm khát khao được về nhà để đến trường. Từ trong những lời kể ấy, trên khoé mắt của Ngọc Anh những giọt nước mắt lăn dài...
Ngọc Anh đưa chúng tôi vào căn phòng u tối nơi có chiếc giường em thuê để nằm chữa bệnh. Khi cánh cửa vừa mở ra thì chúng tôi thấy một người đàn ông bước tới bắt tay, chào hỏi. Ông chính là bố đẻ của Vi Ngọc Anh. Ông Hương kể lại: “Miền quê tôi thanh bình, không hề bị ô nhiễm, đa số người dân làm nông nghiệp và nương rẫy. Nhưng thật đau đớn cho gia đình tôi khi hơn một năm trước cháu Ngọc Anh kêu đau ở cánh tay và đau liên tục nhiều ngày. Cả gia đình tôi hoảng hốt đưa cháu đi khám và đau đớn nhận kết quả cháu đã bị ung thư xương”. Người cha thương con phải bỏ mọi việc ở quê để lên Hà Nội sống và giúp con chữa bệnh. Theo ông Hương cho biết, dù Ngọc Anh đã được phẫu thuật cắt bỏ một đoạn xương tay, nhưng giờ đây bệnh lại chạy lên vai. Lúc này, trong căn phòng tăm tối ấy, chúng tôi thấy Vi Ngọc Anh đã ngồi nép mình ở phía góc nhà và ông bố đau khổ.
Ông Hương cho biết, những đồng tiền cuối cùng của gia đình, vay mượn họ hàng đều đã dùng hết để điều trị cho Ngọc Anh. Nếu đợt này lên chữa mà phải tia xạ, truyền hoá chất thì không biết gia đình ông sẽ lấy tiền ở đâu cho cháu. Ngày ngày Ngọc Anh vẫn mang theo và mặc chiếc áo đồng phục học sinh trên người như để cho vơi đi nỗi nhớ trường, nhớ lớp...
Ánh sáng niềm tin cuối con đường
Tầm trưa, sau những giờ khám và chữa bệnh thì các bệnh nhân sẽ về xóm trọ nghỉ ngơi. Khi cơn mưa rét của ngày đông càng nặng hạt thì đoàn người cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bắt đầu lặng lẽ, đau đớn về phòng nghỉ. Thấy có người lạ đứng trước cửa phòng, một người đàn ông đã rụng gần hết tóc chạy ra chào đón và mời chúng tôi vào phòng chơi. Anh rôm rả trò chuyện với chúng tôi như thể mình là người vừa đi chơi về chứ không phải là tâm trạng của bệnh nhân ung thư hạch đã bị di căn mấy năm nay. Anh cho tôi biết mình tên Nguyễn Văn Hương ở Cửu Phẩm, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Anh Hương mới 40 tuổi nhưng trông già hơn tuổi nhiều. Anh đã điều trị ở đây ba tháng trời và tiếp tục phải truyền hoá chất một đợt ba tháng nữa. Trái ngược với vẻ tươi vui của anh thì người vợ lặng im ngồi bên cạnh chồng, có lúc lại gục xuống.
Anh Hương kể: “Thời gian trước tôi bị nổi hạch khắp người và đau dữ dội, khi đến bệnh viện khám thì bàng hoàng phát hiện ra mình đã bị ung thư hạch. Khi bác sĩ trả kết quả xét nghiệm, vợ tôi đã gục luôn ở cầu thang”. Những đợt điều trị trước anh đã mất gần 50 triệu, nhưng nếu không tia xạ, truyền hoá chất thì hạch bệnh sẽ chạy khắp người. Dường như đã chấp nhận hiện thực và cũng là để động viên vợ con nên anh Hương không u sầu và chán chường nữa.
Câu chuyện giữa chúng tôi và anh Hương bị ngắt đoạn bởi lời nói của một bệnh nhân khác cùng phòng trọ chen vào. Anh Nguyễn Viết Nguyên ở xã Là Ngựu, Sông Mã, Sơn La cũng đã có thâm niên ở xóm trọ tử thần này nói: “Mấy thằng con tôi do thương bố quá nên phải bán cả đất ở quê, mà họ thấy mình bị bệnh nên ép giá chả được bao nhiêu. Cứ mỗi đợt điều trị của tôi lại mất một mảnh đất ở quê”. Thương các con, ông Nguyên đã phải cắn răng xuống Hà Nội trị bệnh. Ông kể lại, các con tôi chúng cho biết chỉ cần thấy bố còn sống là chúng con vui rồi, bố phải đi chữa bệnh thì chúng con mới yên lòng.
Sống ở khu xóm trọ bình dân nhất thôn Tựu Liệt này mỗi người cũng phải mất 20.000 đồng/ngày để thuê một giường nằm. Nếu điều trị lâu dài thì mỗi tháng riêng tiền sinh hoạt, nhà trọ, ăn uống thì mỗi bệnh nhân cũng phải mất 2 – 3 triệu đồng...
Không thể có tiền nhập xóm trọ tử thần, một ông lão khoảng 80 tuổi đành chấp nhận kê giường ngoài vườn hoa bệnh viện để chữa bệnh. Ông không muốn cho chúng tôi biết tên. Khi hỏi, ông chỉ nói vì bệnh viện quá tải, vì không đủ tiền thuê phòng nên phải chịu nằm ngoài này, “rét lắm chứ, nhưng biết làm sao được”. Không có người nhà đi theo chăm sóc, không có một căn phòng trọ để ở, ông lão cứ lặng lẽ sống qua ngày, qua đêm ở ngoài vườn hoa. Cái rét của mùa đông Hà Nội những ngày này có hôm xuống dưới 10 độ C. Nhìn ông lão già cả với chiếc chăn mỏng manh và đồ đạc mang theo chữa bệnh chẳng có gì, chúng tôi không khỏi động lòng thương xót.
Tựu Liệt bao năm nay vẫn là vậy, xóm trọ tử thần bao năm nay vẫn thế. Những số phận, những kiếp người với đủ các loại bệnh ung thư đang đau khổ, tuyệt vọng trước ngưỡng cửa tử thần. Nhưng có những người chúng tôi đã gặp, vẫn còn niềm tin mãnh liệt vào một chút ánh sáng nhỏ nhoi cuối con đường của đời mình.
Hải Dương


http://sgtt.vn/Loi-song/136195/Xom-tro-ung-thu-giua-mua-dong-xu-Bac.html
 
Top