Bệnh ngoài da dùng thuốc bôi corticoid thế nào?

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
(Theo suckhoedoisong)

Hiện nay các thuốc bôi corticoid dùng điều trị bệnh ngoài da rất phong phú và đa dạng và cũng là nhóm thuốc hay được bệnh nhân tự ý mua về dùng. Việc sử dụng không đúng chỉ định sẽ có nhiều nguy cơ gây tác dụng phụ, tai biến do thuốc làm cho bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị tiếp theo vì chúng gây biến đổi hình thái lâm sàng và khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh... Vì vậy cần phải hiểu về thuốc trước khi sử dụng.

Nên chọn dạng thuốc bôi nào?

Điều này rất quan trọng vì tác dụng của corticoid cũng bị ảnh hưởng bởi tá dược. Phân tử steroid ở thuốc mỡ có hoạt tính mạnh nhất, sau đó đến thuốc dầu, gel, cream, dung dịch, xịt:

-Thuốc mỡ tác dụng tốt nhất đối với những tổn thương mạn tính có dày da, nên tránh bôi lên tổn thương da cấp tính có mụn nước, chảy nước.
-Thuốc dạng dung dịch, gel, xịt thích hợp cho vùng có lông, tóc.
-Thuốc dạng cream, dung dịch tốt nhất cho vùng nếp gấp.
-Thuốc dạng gel, xịt thích hợp cho tổn thương ở niêm mạc.

Tuy vậy đối với dạng thuốc mỡ rất nhờn và khó rửa nên ở vùng mặt, cổ không được ưa dùng mà dạng cream, gel, dung dịch lại thích hợp hơn. Dạng thuốc mỡ corticoid có hoạt tính cực mạnh không được dùng ở các nếp gấp hoặc bẹn, bìu vì những vùng này hấp thụ rất mạnh và dễ gây biến chứng tại chỗ cũng như toàn thân.

Tác dụng phụ trên da là biểu hiện thường gặp khi dùng corticoid bôi và càng nặng hơn nếu dùng phương pháp băng bịt kín lâu dài mà không có sự theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc. Teo da có thể xảy ra rất nhanh khi dùng thuốc bôi có hoạt tính cực mạnh đặc biệt là khi bôi ở vùng da mỏng hoặc nếp gấp. Tác dụng phụ hay gặp nhất là trứng cá và tổn thương da dạng trứng cá, đôi khi viêm da quanh miệng. Ngoài ra thuốc còn làm mất tính đàn hồi của da, rạn da, giãn mạch, xuất huyết, rậm lông, rối loạn sắc tố, bùng phát nhiễm khuẩn, nấm, virut, làm chậm liền vết thương, viêm da tiếp xúc dị ứng do thành phần có trong tá dược.

Chứng trơ với corticoid hay xảy ra ở bệnh nhân có viêm da cơ địa hoặc eczema khi bôi corticoid mà tổn thương không đáp ứng hoặc tiến triển nặng hơn.

Để tránh tác dụng phụ của thuốc khi dùng cần lưu ý một số điểm sau:

Thời gian bôi thuốc và số lần bôi trong ngày phải tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc. Thông thường mỗi ngày bôi từ 1-2 lần. Đối với những tổn thương mạn tính thường bôi thuốc trong 2 tuần sau đó nghỉ vài ngày hoặc một tuần rồi lặp lại 2-3 đợt như vậy sau đó thay bằng thuốc có hoạt tính nhẹ hơn

Đối với các vùng da có đặc điểm giải phẫu khác nhau nên dùng thuốc có độ mạnh khác nhau vì khả năng hấp phụ khác nhau. Ví dụ ở vùng da dày như bàn tay, bàn chân nên dùng loại có hoạt tính mạnh, cực mạnh, còn ở mặt, bẹn bìu nên dùng loại vừa hoặc nhẹ.

Diện rộng của vùng bôi thuốc cũng nên lưu ý, tránh bôi một vùng da rộng nhất là loại có hoạt tính mạnh vì dễ gây biến chứng toàn thân. Mặt khác nếu bôi dạng thuốc mỡ với diện rộng sẽ gây hạn chế hô hấp của da. Bởi vậy nếu có thương tổn lan toả toàn thân nên bôi luân chuyển từng vùng.

BS. Phạm Thị Lan
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Hạn chế tác dụng phụ của corticoid bôi ngoài da

Hạn chế tác dụng phụ của corticoid bôi ngoài da

Corticoid dùng trong bệnh ngoài da có những tác dụng thế nào? Tôi bị trứng cá có thể dùng thuốc corticoid để trị bệnh không?
Ngô Thu Trang (Bắc Giang)

Corticoid là nhóm thuốc dùng để chữa nhiều bệnh và cũng là một trong những nhóm thuốc thường bị lạm dụng trong điều trị. Người bệnh tự ý mua về dùng, việc sử dụng không đúng chỉ định, không đúng cách dùng sẽ có nhiều nguy cơ gây tác dụng phụ, tai biến do thuốc.

Corticoid dùng để bôi ngoài da có các dạng dung dịch, gel, cream... Tác dụng phụ thường gặp nhất là gây trứng cá và tổn thương da dạng trứng cá, rạn da, giãn mạch, rậm lông, làm chậm liền vết thương, bùng phát nhiễm khuẩn, nấm, virut... Đối với loại corticoid có hoạt tính mạnh có thể gây teo da (nhất là khi bôi ở những vùng da mỏng, có nếp gấp)... Các tác dụng phụ sẽ càng nặng hơn nếu bôi thuốc mà băng bịt kín lâu dài không có sự theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc. Các tác dụng phụ này sẽ làm cho bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị tiếp theo vì chúng gây biến đổi hình thái lâm sàng và khả năng đáp ứng với điều trị của bệnh...

Để hạn chế tối đa tác dụng phụ của corticoid cần sử dụng đúng chỉ định, đúng liều lượng (vì nếu bôi thuốc quá ít sẽ kém tác dụng, hoặc quá nhiều sẽ lãng phí và nguy cơ tác dụng phụ do thuốc gây ra), đúng cách và có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc. Thông thường mỗi ngày bôi từ 1-2 lần. Đối với những tổn thương mạn tính thường bôi thuốc trong 2 tuần sau đó nghỉ vài ngày hoặc một tuần rồi lặp lại 2-3 đợt như vậy sau đó thay bằng thuốc có hoạt tính nhẹ hơn.

Các vùng da khác nhau có đặc điểm giải phẫu khác nhau và khả năng hấp thu thuốc cũng khác nhau, vì thế nên dùng thuốc có độ mạnh, yếu khác nhau cho phù hợp. Ví dụ ở vùng da dày (bàn tay, bàn chân) nên dùng loại có hoạt tính mạnh đến cực mạnh. Đối với những vùng da mỏng (bẹn, bìu), vùng mặt nên dùng loại vừa hoặc nhẹ. Khi bôi thuốc tránh bôi trên một vùng da rộng (đặc biệt với loại có hoạt tính mạnh và cực mạnh) vì dễ gây biến chứng toàn thân. Mặt khác nếu bôi dạng thuốc mỡ với diện rộng sẽ gây hạn chế hô hấp của da. Bởi vậy nếu có thương tổn lan tỏa toàn thân nên bôi luân chuyển từng vùng.

BS. Đinh Ngọc San​
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Flucina - Xin chớ lạm dụng!

Flucina - Xin chớ lạm dụng!

Flucina có rất nhiều tên như: flucin, flucinol, flucivina, flucort, fluocin, fluocinolon, fluonid, flucin... Đây là loại thuốc corticoid dùng bôi tại chỗ. Thuốc dùng ngoài da để điều trị các bệnh Eczema (eczema tiết bã, hình đĩa, dị ứng), viêm da (viêm da dị ứng, tiếp xúc, viêm da thần kinh), vẩy nến (ngoại trừ dạng vẩy nến lan rộng), liken phẳng, luput ban đỏ hình đĩa. Một số chế phẩm còn phối hợp với kháng sinh như neomycin để điều trị các nhiễm khuẩn ngoài da. Khi sử dụng thuốc này phải có đơn của bác sĩ, nhưng trên thực tế rất nhiều người tự ý mua về dùng dẫn tới lạm dụng thuốc. Bất cứ bệnh ngoài da nào cũng mang ra dùng. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Nếu dùng không đúng, lạm dụng trẻ em dễ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc (dễ bị suy giảm trục tuyến yên - dưới đồi - thượng thận như chậm lớn, không tăng cân và dễ bị hội chứng Cushing hơn người lớn. Đây cũng là tác dụng không mong muốn chung của các corticoid). Vì thế cần hạn chế dùng cho trẻ em. Khi dùng giữ ở liều tối thiểu cần thiết đủ đạt hiệu quả điều trị.



Đối với người có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, người bị trứng cá đỏ, nhiễm khuẩn ở da do vi khuẩn, nấm hoặc virut như bị herpes, thủy đậu... và hăm da (ở trẻ em) không được dùng thuốc này. Khi dùng thuốc trên mảng da rộng không nên băng kín vì tăng nguy cơ nhiễm độc toàn thân. Thuốc cũng có thể gây suy vỏ tuyến thượng thận ở những người bệnh dùng lượng lớn thuốc và bôi trên diện rộng, dài ngày hoặc băng kín. Đối với người bị bệnh vẩy nến cần được theo dõi cẩn thận vì bệnh có thể nặng lên hoặc tạo vẩy nến có mủ. Dùng thuốc cho các vết thương nhiễm khuẩn mà không có thêm các kháng sinh điều trị thích hợp có thể làm cho nhiễm khuẩn bị lan rộng. Và hãy ngừng thuốc nếu thấy kích ứng da hoặc viêm da tiếp xúc trong lúc điều trị.
DS. Hoàng Thu​
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Những điều cần biết về thuốc corticoid

Những điều cần biết về thuốc corticoid

Tác giả : DS. TRƯƠNG TẤT THỌ
CORTICOID: Thuốc hay cần có thầy giỏi


Cách đây vài mươi năm, viên thuốc "hạt dưa" đã trở nên quen thuộc đến mức người dân - nhất là ở các vùng quê - đau gì cũng mua dùng; Mà quả là hiệu nghiệm thật, uống vào thấy "hết bệnh" ngay, nhưng khi ngưng dùng thì bệnh tái phát. Loại thuốc này chính là Dexamethasone, nhiều người quen gọi là viên "đề xa", một loại thuốc corticoid. Tuy nhiên nếu sử dụng các thuốc corticoid bừa bãi sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

CORTICOID LÀ THUỐC GÌ?

Ðó là những nội tiết tố (hormone) do vỏ nang thượng thận (cortico-surrénale) tiết ra, có cấu trúc hóa học steroid nên được gọi tắt là nhóm thuốc corticoid. Ðến nay người ta đã tổng hợp được rất nhiều nhóm thuốc steroid và sử dụng rộng rãi, đồng thời cũng kéo theo tình trạng lạm dụng thuốc rất phổ biến.

THUỐC HAY VÌ CÓ NHIỀU CÔNG DỤNG TRỊ BỆNH

Những tên khoa học của thuốc như Hydrocortison, Prednison, Betamethason, Dexamethason, Prednisolon... cho thấy các nhóm thuốc này rất đa dạng, nhiều chủng loại và mỗi loại lại có rất nhiều tên thương mại khác nhau.

Thuốc có nhiều công dụng điều trị:

- Chống viêm ở giai đoạn sớm, giai đoạn muộn bất kể nguyên nhân gì như cơ học, hóa học, nhiễm khuẩn, dị ứng. Chỉ riêng với đặc tính này, thuốc cũng đã trị được nhiều loại bệnh như viêm khớp do thấp khớp, bệnh thoái hóa khớp, viêm các khớp ngoại vi, những tình trạng bệnh lý do chấn thương khớp, trị sẹo lồi, sẹo phì đại (khoa da), trị viêm phần trước mắt (khoa mắt), trị viêm mũi (khoa tai mũi họng)...
- Chống dị ứng: Dùng điều trị trong các bệnh dị ứng da, dị ứng đường hô hấp, hen suyễn nặng...
- Ngoài ra còn nhiều chỉ định chuyên môn khác do tác dụng đa dạng của thuốc như bệnh da pemphigut, vảy nến, bệnh giảm tiểu cầu thứ phát vô căn của người lớn, bệnh thiếu máu tán huyết do tự miễn...
Chính vì đa công dụng như thế nên nhiều người đã lầm tưởng rằng thuốc corticoid là loại thần dược trị được bá bệnh.

TÁC HẠI CỦA VIỆC LẠM DỤNG THUỐC

Việc lạm dụng corticoid sẽ gây rất nhiều tác hại cho người dùng. Nhiều loại kem trị mụn chứa corticoid nếu dùng dài ngày sẽ làm mụn nổi nhiều hơn khi ngưng thuốc hoặc gây nám da mặt:
Dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (tưởng nhầm là thuốc rửa trong mắt, giúp mắt sáng long lanh) sẽ dẫn đến đục thủy tinh thể, thấy cảnh vật mờ mờ ảo ảo...

Những tai biến chính do lạm dụng corticoid:
- Tăng cân do giữ natri, đào thải kali gây béo bệu, mặt tròn như mặt trăng.
- Làm cao huyết áp, tăng đông máu có thể gây nghẽn mạch.
- Chậm liền sẹo các vết thương và dễ gây nhiễm khuẩn thứ phát.
- Làm thoái biến protid nên dễ gây teo cơ.
- Làm xương xốp do giảm hấp thu calci nên khi té ngã dễ bị gãy xương.
- Làm loét dạ dày - tá tràng, dễ gây xuất huyết tiêu hóa.
- Ức chế miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể.
- Làm tăng tiết mồ hôi, co giật, tăng áp lực nội sọ, rối loạn kinh nguyệt, ảo giác, vui vẻ thái quá, tăng nhãn áp.
Ðấy là lý do vì sao thuốc corticoid nhất thiết cần có chỉ định điều trị của thầy thuốc.

"THUỐC HAY CẦN CÓ THẦY GIỎI"

Cách sử dụng corticoid rất đa dạng: từ uống, tiêm bắp, tiêm gân đến tiêm vào trong khớp, vùng ngoại vi của khớp (khớp gối, khớp háng, khớp vai), hoặc tiêm vào các mô mềm, bao gân...

- Tùy theo từng loại bệnh để chọn loại corticoid thích hợp.
- Tùy tình trạng bệnh và tổng trạng bệnh nhân mà dùng liều lượng và thời gian thích hợp, vì có những bệnh cần dùng liều cao tấn công rồi sau đó giảm liều từ từ; Có những bệnh lại cần khởi đầu với liều thấp rồi tăng dần lên cho đến khi đáp ứng được hiệu năng trị liệu. Nếu cần thiết dùng cho trẻ em thì liều dùng phải được kiểm soát chặt chẽ theo tỷ lệ phù hợp với tuổi hay cân nặng. Ðặc biệt cần hết sức thận trọng với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
- Trong khi dùng thuốc cần theo dõi sát bệnh nhân để đề phòng các biến chứng liên quan đến huyết áp, cân nặng, phân, lipid trong máu và theo dõi tái phát bệnh lao nếu người dùng có tiền sử lao. Trong thời gian điều trị bằng corticoid, khẩu phần ăn cần giảm muối, giảm đường và tăng lượng đạm.

Việc ngưng dùng corticoid cũng là cả một nghệ thuật nhằm giúp phục hồi chức năng nang thượng thận của bệnh nhân. Có thể giảm liều mỗi ngày hoặc dùng một ngày, ngưng một ngày; Hoặc dùng thuốc ban ngày không dùng ban đêm để nang thượng thận làm việc đều đặn trở lại và tiếp tục tiết ra nội tiết tố corticoid thiên nhiên.


Tóm lại, corticoid là loại thuốc hay nhưng khó sử dụng và cần phải có thầy thuốc giỏi chỉ định. Quan điểm dùng corticoid "trị bá bệnh" sẽ làm che mờ triệu chứng bệnh và để lại nhiều dư chứng.
 
Top