Ðề: Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn- đầu tư tài sản của mình hiệu quả
Cái giá của thông tin
Từ tuần này NHNN sẽ giám sát chặt chẽ việc các TCTD đem vốn đi gửi ở các NH khác với LS ở mức cao hơn LS tiết kiệm niêm yết thông qua các công ty con của mình.
Trên danh nghĩa đây là lãi suất thỏa thuận giữa các doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi và ngân hàng đang cần huy động vốn, nó nằm trong biên độ cho phép của luật pháp (tối đa bằng 150% lãi suất cơ bản tức 13,5%/năm).
Còn giữa hai bên thương lượng với nhau những gì, mức lãi suất cộng thêm dưới hình thức nọ kia… chỉ có họ biết với nhau.
Đấu thầu thanh khoản, tại sao không?
Xảo thuật trên của các ngân hàng thừa vốn đã diễn ra từ lâu và hiện tại càng ngày càng thay đổi linh hoạt. Họ thậm chí còn giảm giao dịch trực tiếp trên thị trường mở và đem trái phiếu cho những ngân hàng cần vốn vay. Người vay thường là các ngân hàng nhỏ và lãi suất vay trái phiếu cũng không thấp chút nào.
Rõ ràng trong hệ thống ngân hàng, có tình trạng vốn “nơi ăn không hết, nơi lần không ra” và theo NHNN, có hiện tượng đầu cơ lãi suất ở một số điểm, chứ xét trên toàn cục các tổ chức tín dụng không quá thiếu vốn. Và giám sát là để xử lý, dập tắt các điểm đầu cơ đó.
Tuy nhiên, có những biện pháp mang tính thị trường hơn giám sát sao chưa được tiến hành? NHNN vẫn nói bơm vốn qua kênh thị trường mở là để tháo gỡ vấn đề thanh khoản của các ngân hàng và chỉ những ngân hàng thiếu thanh khoản mới được bơm vốn.
Nhưng thực tế chỉ ra rằng các ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản không có hoặc không có đủ trái phiếu để tham gia thị trường mở.
Tiền của thị trường mở với lãi suất 8,75%/năm kỳ hạn 7 và 14 ngày chủ yếu đang rơi vào các ngân hàng có trái phiếu.
Tại sao NHNN không mở cho các ngân hàng nhỏ thực sự thiếu thanh khoản một cửa như đấu thầu thanh khoản và cho phép họ thế chấp bằng hồ sơ tín dụng của khách hàng hoặc tài sản khác, không nhất thiết phải là trái phiếu?
Đấu thầu thanh khoản sẽ tránh được động thái chính thức đưa lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn tăng lên vì một động thái chính thức kiểu đó có thể phát ra tín hiệu mặt bằng lãi suất tăng.
Mặt khác, nó sẽ giúp đưa tiền thẳng từ NHNN ở vị trí người cho vay cuối cùng đến trực tiếp ngân hàng cần vốn. Những ngân hàng thừa vốn và sở hữu nhiều trái phiếu sẽ không thể chen vào giữa và hưởng chênh lệch như đại lý cấp một.
Điều quan trọng khác giúp dòng vốn thông suốt và không bị “vón cục”, từ đó ổn định lãi suất chính là minh bạch hóa nhu cầu vốn thực của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Các số liệu xác thực về tổng vốn huy động, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng phải được thông báo, cập nhật từng tháng và vào những thời điểm nhạy cảm để công luận và doanh nghiệp có thể đánh giá một cách tương đối chính xác lãi suất đã hợp lý chưa.
Suy điễn logic sẽ là: ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi chắc là do cần vốn, mà cần tức là có thể thiếu. Đầu vào tăng ắt đầu ra phải tăng. Sẽ có doanh nghiệp tuy chưa thật sự cần vốn, nhưng lo cuối năm lãi suất còn tăng, khó vay ngân hàng, nên xoay xở vay ngay bây giờ cho chắc ăn.
Thế nhưng nếu họ có được số liệu huy động vốn của ngân hàng, biết dư nợ cho vay tăng hay giảm, họ sẽ tiên liệu được thời điểm và lãi suất vay vốn thích hợp.
Có những doanh nghiệp đã cẩn thận tập hợp số liệu vốn huy động, cho vay của những ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán từ báo cáo tài chính từng quí. Nhưng việc này cũng chỉ cung cấp cho họ một cái nhìn sơ lược, không phải một bức tranh tổng thể mà họ cần.
Gần 22 triệu lượt truy cập để tìm “bí mật”
Ít ai biết rằng khoảng một năm trở lại đây số người truy cập website của NHNN tăng vọt và đến ngày 20-11-2010 tổng số lượt truy cập lên đến gần 22 triệu. Đơn giản là gần đây mọi quyết định bằng văn bản của NHNN từ lớn đến nhỏ đều được đăng tải trên website này.
Do tin đồn xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn những năm trước, nên mỗi lần có tin đồn như thay đổi dự trữ bắt buộc, lãi suất cơ bản, tỷ giá… người ta lại “nhào vô” trang web của NHNN xem có thực không, hoặc tìm phát biểu của lãnh đạo NHNN về những vấn đề đó. Người vào thì nhiều, song thông tin họ cần tìm kiếm lại chẳng được bao nhiêu.
Mục “Các bài phát biểu của lãnh đạo NHNN” chỉ thấy đăng tải toàn thư của thống đốc gửi các đơn vị hành chính sự nghiệp trong ngành nhân lễ kỷ niệm này nọ, nhân các hội nghị và ký kết dự án.
Các phát biểu về chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất… không thấy đâu. Tìm số tuyệt đối về tổng vốn huy động, cho vay của ngân hàng mỏi mắt không thấy. Chỉ có được số liệu về mức tăng trưởng tín dụng, huy động vốn nhưng nhiều tháng lại không khớp nhau.
Nhìn sang bên cạnh. Ở trang web của Bộ Tài chính không phải cứ truy cập là tìm được đủ mọi thông tin cần thiết.
Song ít ra người ta có thể tìm thấy chi tiết cân đối thu chi ngân sách nhà nước (bản mới nhất là quí 3-2010) với con số tuyệt đối của từng khoản mục, chứ không phải tỷ lệ phần trăm tăng giảm.
Ở đây có từng khoản chi tiết, kể cả chi quốc phòng. Riêng nợ nước ngoài có một phần riêng với bản tin nợ nước ngoài cập nhật từng quí, tuy có chậm nhưng khá đầy đủ như nợ nước nào, bao nhiêu, bằng đồng tiền gì.
Tất nhiên, nhu cầu thông tin của các đối tượng là khác nhau, song không thể nói số tuyệt đối tổng dư nợ hoặc tổng vốn huy động của ngân hàng quan trọng hơn cân đối thu chi ngân sách quốc gia, đến mức không thể công khai được.
Chừng nào thông tin tín dụng còn chưa công khai, minh bạch thì chừng đó bức tranh tiền tệ còn phủ những nét mờ, khiến người dân, doanh nghiệp lúng túng, băn khoăn trước mỗi quyết định sát sườn như giữ tiền đồng hay mua vàng, ngoại tệ.
Ngân hàng thì không thể chủ động ấn định lãi suất đầu vào - đầu ra cho phù hợp, cứ phải quan sát, ngó nghiêng ngân hàng bạn làm thế nào rồi mới cân nhắc. Doanh nghiệp thì khó mà lên kế hoạch làm ăn bởi không biết tỷ giá, lãi suất sẽ biến động thế nào.
Theo Hải Lý
TBKTSG