Ðề: Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn- đầu tư tài sản của mình hiệu quả
Hai tỷ giá, hai lãi suất
Cơ chế hai tỷ giá, hai lãi suất đang làm méo mó thị trường vốn và cả bảng cân đối tài chính ở tầm doanh nghiệp cũng như quốc gia.
Chỉ còn khoảng 10 ngày là đến hạn chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh thành phải báo cáo về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến độ tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng của các tổ chức tín dụng.
Khả năng tăng đủ vốn của 22 ngân hàng cổ phần là rất thấp và theo tính toán sơ bộ của TBKTSG, còn khoảng 80% các tổ chức tín dụng phải tăng vốn thêm 1.000 tỉ đồng/đơn vị nữa. Lấy đâu ra mười mấy ngàn tỉ đồng để tăng vốn?
Nguồn cung cho nhu cầu tăng vốn chủ yếu là vay ngân hàng. Điều này đang là một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất tiền đồng tăng cao trên cả thị trường một (huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế) và thị trường hai (liên ngân hàng).
Bên cạnh đó, càng về cuối năm, hiện tượng phòng thủ thanh khoản càng lan rộng trong giới ngân hàng. Đầu tiên là các ngân hàng dồi dào tiền đồng do có nguồn huy động tốt rút bớt lượng vốn cung ứng trên thị trường liên ngân hàng.
Thí dụ trước đây ngân hàng A có thể cho vay liên ngân hàng 10 tỉ đồng/ngày, nay đề phòng các doanh nghiệp tăng cường rút tiền chi trả lương, thưởng hoặc vay thêm vốn để thanh toán cuối năm, họ giảm lượng vốn cho vay xuống 8 tỉ đồng/ngày.
Trong khi đó các ngân hàng nhỏ luôn trong tình trạng “đói” thanh khoản hay thanh khoản “lưng lửng bụng” thì thay vì vay 10 tỉ nay nâng lên 12 tỉ đồng/ngày. Sự chênh lệch này đã khiến cho lãi suất tiền đồng không thể hạ được.
Ngoài ra việc NHNN giám sát chặt chẽ và sẽ thanh tra, xử lý một số ngân hàng gửi tiền lãi suất cao ở những tổ chức tín dụng khác thông qua công ty con làm cho hoạt động gửi tiền - vay tiền trong nội khối ngân hàng co hẹp.
Lãi suất tiết kiệm 14%/năm đã trở nên phổ biến, công khai, còn lãi suất tiền gửi thỏa thuận hay cộng thêm các hình thức khuyến mại có nơi đã chạm mức 16%/năm.
Cơ chế trong - ngoài, vốn chỉ tồn tại với tỷ giá, nay lan sang cả lãi suất và doanh nghiệp, người dân, ngân hàng cùng phải chấp nhận nó.
Chưa biết cơ chế hai tỷ giá, hai lãi suất còn tồn tại trong thời gian bao lâu, song rõ ràng nó đang làm méo mó thị trường vốn và cả bảng cân đối tài chính ở tầm doanh nghiệp cũng như quốc gia.
Các ngân hàng phải “giấu giếm” thu các loại phí đi kèm tỷ giá, lãi suất. Doanh nghiệp hạch toán lén lút và một tiền lệ xấu đang hình thành trên sổ sách kế toán của họ. Thậm chí những nhà xuất khẩu bán ngoại tệ cho ngân hàng theo giá 19.500 đồng/đô la Mỹ bị cho là “có vấn đề”.
Với những công ty nguồn thu ngoại tệ chỉ là 1 -2 triệu đô la Mỹ, việc hạch toán hai tỷ giá đã khó khăn, nhưng khó khăn đó chưa thấm vào đâu so với những đơn vị mà mỗi chuyến hàng xuất khẩu mang về hàng chục triệu đô la Mỹ.
Sự chênh lệch tỷ giá trong - ngoài làm lợi nhuận của họ có thể tăng giảm hàng chục tỉ đồng tùy theo tỷ giá hạch toán. Vì thế sẽ có những công ty lẽ ra lãi mà hóa lỗ hoặc ngược lại.
Hơn nữa một khi lãi suất và cơ chế có chân trong-chân ngoài, tiêu cực dễ nảy sinh trong quá trình giao dịch giữa các chủ thể. Những nhà đầu tư nước ngoài không thể hạch toán sổ sách với hai tỷ giá, đành phải ngồi chờ tỷ giá ổn định mới dám chuyển ngoại tệ ra tiền đồng để giải ngân cho các dự án
Tự do hóa lãi suất và áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá thả nổi có điều tiết (chứ không phải điều tiết hoàn toàn) có lẽ là một quá trình gây nhiều đớn đau. Tuy nhiên cùng với sự đau đớn ấy lãi suất, tỷ giá sẽ được công khai, minh bạch.
Thị trường tài chính Việt Nam từ trước đến nay vốn đã bị nhận xét là thiếu minh bạch thông tin, nay cơ chế hai lãi suất, hai tỷ giá chẳng khác nào ươm thêm mầm cho sự thiếu minh bạch đó phát triển ở mức độ trầm trọng hơn.
Các nhà xuất nhập khẩu nhìn nhau, hỏi tỷ giá giao dịch thực là tỷ giá nào. Ai cũng biết sau khi cộng thêm phí, tỷ giá giao dịch thực ngang bằng với tỷ giá thị trường tự do. Mà tỷ giá thị trường tự do có 5 -7 bậc. Vậy tính minh bạch, công khai của tỷ giá, lãi suất nằm ở đâu?
Các doanh nghiệp cho biết họ hy vọng cơ chế tỷ giá, lãi suất hiện tại sẽ nhanh chóng thay đổi vào đầu năm 2011. Nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có động thái nào cho thấy thời điểm đó sẽ diễn ra.
Đây mới chính là điều đáng quan tâm lúc này. Bởi sự không rõ ràng của chính sách có thể đẩy một số hoạt động kinh tế vào chỗ ngưng trệ.
Chẳng hạn doanh nghiệp tiếp tục găm giữ ngoại tệ, ngân hàng hạn chế cho vay. Ảnh hưởng của kênh dẫn vốn ngân hàng eo hẹp đến nền kinh tế có thể chưa nhìn thấy ngay tức thì do độ trễ của nó, nhưng hậu quả có thể sẽ hiện rõ trong quí một năm sau.
Theo Hải Lý
TBKTSG