Hãy nắm chặt những bàn tay bất hạnh
Cập nhật: Thứ năm, 7/10/2010 | 9:34:44 Sáng
Đồng chí Phó Tổng biên tập Vũ Kim Thành thăm xưởng sản xuất của Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc.
Đó là thông điệp mà những người làm Báo An ninh Thủ đô muốn gửi gắm tới bạn đọc cả nước trong chuyến hành trình tiếp theo của chuỗi hoạt động xã hội tình nghĩa sẽ diễn ra trong dịp Đại lễ. Sáng 6-10, 6 chiếc máy may công nghiệp trong tổng số quà trị giá gần 20 triệu đồng đã được đồng chí Vũ Kim Thành - Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô trao tận tay lãnh đạo Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc, thành phố Bắc Giang.
Những cánh chim lạc bầy
Nằm nép mình bên dòng sông Thương, nhiều năm nay Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc là chốn nương tựa của những mảnh đời bất hạnh. Mặc dù về mặt “danh chính ngôn thuận” trung tâm mới được thành lập từ cuối năm 2009, nhưng hơn hai chục năm về trước bà Giám đốc Nguyễn Thị Sông đã lặng lẽ chia sẻ với không biết bao nhiêu cuộc sống eo le.
Bỏ dở giấc mộng làm bác sỹ vì một cơn bạo bệnh, bà Sông giã từ trường Đại học Y Hà Nội về quê làm kế toán cho một hợp tác xã. Có lẽ nhờ truyền thống từ đời cụ theo nghề làm thuốc Nam chữa bệnh cứu người nên hễ thấy ai khốn khó, tàn tật hay không nơi nương tựa là bà lại đưa về nhà nuôi nấng.
Âm thầm làm việc thiện, đến một ngày, bà Sông chợt nhận ra rằng, nếu cứ cưu mang như vậy thì không ổn bởi những người tật nguyền mà bà mang về rút cuộc chẳng có một nghề ngỗng gì và cứ ăn bám mãi. Bỏ thì thương, nuôi thì bà đã có tuổi chả còn hơi sức đâu để giúp. Trăn trở hơn một năm trời, cuối cùng bà quyết định thành lập nên cơ sở nuôi dưỡng dạy nghề những người tàn tật, cơ nhỡ mang tên Thiên Phúc. Bây giờ, tôi chẳng thể giúp cơm nuôi hàng ngày, thôi thì giúp họ cái “cần câu cơm” vậy - bà Sông chia sẻ.
Gom góp những món tiền dành dụm cộng với sự giúp đỡ từ các mối quan hệ bạn bè, bà Sông xây dựng một căn nhà cấp 4 làm xưởng may rồi mua hơn chục chiếc máy may công nghiệp về bắt đầu gây dựng “cần câu cơm” cho những người khốn khó. Nhoáng một cái, cơ sở của bà trở nên quá tải bởi hơn 30 mảnh đời bất hạnh tìm đến. Chị Trịnh Thị Nguy bị điếc bẩm sinh quê ở tận Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang cứ lơ ngơ khi chúng tôi hỏi về gia cảnh. Mặc dù năm nay đã 40 tuổi, nhưng suy nghĩ của chị chỉ như đứa trẻ lên 10. Bà Sông cho biết: “Tội cô ấy lắm, bố mẹ chết từ năm lên 7, gia đình có tới 4 người là liệt sỹ, đầu óc lại có vấn đề nên chẳng biết làm ăn gì. Suốt mấy chục năm chỉ biết sống nhờ vào những đồng tiền trợ cấp của bà ngoại vốn là một bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cho đến khi bà ngoại mất thì thành ra không nơi nương tựa. Tôi đưa cô ấy về đây dạy cho nghề may, hàng tháng có thu nhập mà tự sống”.
Số phận cũng bi đát như thế là anh Vũ Văn An - 25 tuổi, quê ở tận Bình Khê, Đông Triều, Quảng Ninh. So với mọi người, An chỉ có duy nhất một cánh tay là có thể hoạt động bình thường. Từ bé 2 anh em An đã không biết mặt cha mẹ. Tuổi thơ của An là những chuỗi ngày bị chúng bạn kỳ thị bởi các dị tật bẩm sinh. Cả hai sống với bà ngoại, nhưng bà ngày càng yếu, đến khi không nuôi nổi cháu nữa, bà đành dứt ruột cho đi đứa em lành lặn. Còn riêng An, vì biết cháu không thể tự kiếm sống được bà giữ lại nuôi đến lúc lực tàn. An nói: “Em thương bà lắm, nhưng số phận em thế này thì biết giúp bà bằng cách nào. May quá một người bạn giới thiệu, thế là em tìm lên đây với mẹ Sông. Bây giờ thì em đã có thể yên tâm học nghề bởi mẹ Sông rất tận tình dạy dỗ và giúp đỡ. Hy vọng khi thạo nghề, em có thể tự nuôi sống bản thân và có chút tiền gửi về giúp bà”.
Giúp đời, xây tổ ấm
Đưa chúng tôi đi khắp xưởng may bao bì của mình, bà Sông trích ngang từng lý lịch “nhân viên” của mình. Quanh đi quẩn lại họ đều có một số phận nghiệt ngã giống nhau. Bà cho biết: “Hiện giờ tôi đã “tậu” được 11 chiếc máy may công nghiệp để giúp họ làm phương tiện kiếm sống, nhưng vẫn còn thiếu nhiều quá, thôi thì đành “phân bổ” ra vậy. Ai nhanh nhẹn hoạt bát hơn thì ngồi may, ai “chậm chạp” thì tôi dạy họ cách khâu, cắt hay đan lát mây tre đan. Ước mơ lớn nhất của tôi lúc này là làm sao có tiền sắm thêm vài dàn máy nữa để các cháu có thể có đủ phương tiện làm việc và nhờ đó có thêm thu nhập cho cả gia đình”.
Qua một kênh thông tin riêng, cái ước mơ nhỏ nhoi của bà Sông và những mảnh đời bất hạnh tại Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc đã tới được Báo An ninh Thủ đô. Và 6 chiếc máy mà Báo An ninh Thủ đô mang tới hôm nay đã giúp bà Sông thực hiện được một nửa ước nguyện của mình. Quá đỗi bất ngờ trước tấm lòng của Báo, bà cứ sụt sùi mãi chẳng nói nên lời.
Nghẹn ngào với đôi mắt đỏ hoe, bà nói: “Tôi chẳng biết nói gì để cảm ơn các anh. Tôi phải dành dụm biết bao năm trời mà chỉ mua được 11 cái máy, thế mà bỗng dưng các anh đến tặng luôn món quà bằng một nửa số đó. Thật là “nắng hạn gặp mưa rào”. Với chúng tôi, đó là một tài sản quá lớn và hơn hết, nó không chỉ là tài sản, nó còn là nguồn sống ngày mai của những số phận mà tôi đang cưu mang”.
Lăng xăng giúp chúng tôi lắp máy đưa vào vị trí, Thân Thu Hà, 21 tuổi, quê ở Yên Thế, Bắc Giang bị bại liệt 2 chân, một tay cứ xoắn lấy đồng chí Vũ Kim Thành - Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô để xí phần nhận máy. Hà nói: “Chú ạ, thế là từ nay cháu đã có máy riêng, không phải dùng chung với các anh chị khác nữa. Chắc chắn nhờ nó cháu sẽ học nghề nhanh hơn và kiếm được nhiều tiền hơn để gửi về giúp mẹ”.
Chứng kiến hành động ấy, chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Vâng, hy vọng những món quà của chúng tôi sẽ giúp em lập nghiệp và hơn hết chúng tôi muốn giúp các em có thể vượt lên số phận nghiệt ngã của chính bản thân mình.
(Theo ANTĐ