Ðề: 15.11.2009: CSTT đến với người dân bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 11 tại Phú Yên hoặc Bình Định
Bão lũ đã để lại hậu quả nặng nề cho TP Quy Nhơn. Hiện nay, chính quyền thành phố đang tập trung cứu trợ nhân dân vùng lũ; đồng thời, triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả...
Đến chiều tối ngày 3.11 vẫn còn hàng trăm ngôi nhà dân ở phường Nhơn Phú bị ngập chìm trong nước.(Ảnh: TS)
Đê Vân Hà trên địa bàn phường Nhơn Phú bị vỡ đứt hàng chục mét chưa khắc phục được. Ảnh: Tiến Sỹ
* Xác xơ sau lũ
Sáng 6.11, nước lũ đã rút càng lộ rõ những thiệt hại mà bão lũ đã gây ra ở TP Quy Nhơn. Trên hai tuyến đường ra vào thành phố là đường Hùng Vương và Quốc lộ 1D, nhiều đoạn đã bị sạt lở, bong tróc; nhiều chiếc cầu bị hư hỏng nặng, riêng cầu Mố trên Quốc lộ 19 trên địa bàn phường Nhơn Bình bị lũ làm đứt một đoạn dài hơn 5 m. Nhiều đoạn đường sắt bị hư hỏng nặng. Nhà cửa, cây cối hai bên đường Hùng Vương và các tuyến Quốc lộ, các tuyến đường ngoại thành đều ngập trong bùn đất. Việc tu sửa, dọn dẹp nhà cửa của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Phần lớn các tuyến đường giao thông trong các khu dân cư các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu đều rất lầy lội, cây cối ngã đổ chắn cả lối đi. Đê sông Hà Thanh tại địa bàn phường Nhơn Phú bị vỡ gần 50 m, các phương tiện giao thông không qua lại được. Ruộng vườn bị lấp đầy đất đá. Đê Đông trên địa bàn phường Nhơn Bình cũng bị sạt lở nặng, nhiều đoạn thân đê chỉ còn gần một mét.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu, ở tổ 1 KV 6, phường Nhơn Phú, đứng bên ngôi nhà bị đổ nát, nghẹn ngào nói: “Đêm 3.11, nước lũ ập vào quá nhanh, ngôi nhà 3 gian của tui không chịu nổi sức nước đã ngã đổ, hai vợ chồng ôm con bơi qua bụi tre gần nhà để trú tránh. Bây giờ nhà cửa đổ nát, lúa gạo, quần áo đều trôi sạch. Nhìn con ăn mì thay cơm mà rơi nước mắt”. Ngôi nhà anh Võ Thanh Thành Sơn ở tổ 1 KV2 cũng chỉ còn sót lại nền nhà. Anh Sơn tâm sự trong nước mắt: “Hai vợ chồng tôi buôn thúng bán bưng, góp nhóp mãi mới xây được căn nhà. Giờ nhà cửa bị lũ cuốn trôi, gạo không có ăn, biết bao giờ mới dựng lại được căn nhà”...
Ông Huỳnh Văn Phương, Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú, cho biết: “Hàng ngàn người dân trong phường đang hết sức khó khăn vì nhà cửa, tài sản bị lũ làm hư hại và cuốn trôi. Nhìn các cụ già và lũ nhỏ cầm mì tôm sống ăn thay cơm, tôi không cầm được nước mắt. Bởi vậy, nhận được bao nhiêu lương thực, thực phẩm của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, chúng tôi cấp phát cho dân ngay”.
Ở các xã Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Lý và các phường Nhơn Bình, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân… bão lũ cũng đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Hiện nay, chính quyền TP Quy Nhơn đang huy động mọi nguồn lực tập trung cứu trợ nhân dân, giúp người dân khắc phục khó khăn trước mắt.
* Tập trung khắc phục hậu quả
Trong các ngày qua, chính quyền TP Quy Nhơn đã trích ngân sách mua 3.533 thùng mì tôm, 6.400 chai nước suối cùng nhiều bồn chứa nước, huy động lực lượng đưa hàng cứu trợ đến người dân vùng lũ. UBND TP Quy Nhơn cũng đã tiếp nhận và cấp phát 4.297 thùng mì tôm, 9.527 chai nước và 1.889 suất quà của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các hộ gia đình có người bị chết, bị thương; hộ có nhà bị sập; chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân đùm bọc, sẻ chia khó khăn với các hộ gia đình bị thiệt hại. Huy động thanh niên xung kích, dân quân tự vệ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ và phối hợp với ngành chức năng của tỉnh tu bổ, gia cố tạm các tuyến đường giao thông bị sạt lở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại. Trung tâm Y tế thành phố cấp phát thuốc cho các xã, phường xử lý các giếng nước bị ngập; hỗ trợ người dân làm vệ sinh môi trường...
Theo ông Thái Ngọc Bích, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn: Trong ngày 6.11, thành phố tiếp tục phân bổ cho các xã, phường 90 tấn gạo, 1.000 thùng mì tôm và 30 thùng nước để cấp phát cho các hộ dân bị thiệt hại giải quyết khó khăn trước mắt. Bên cạnh đó, huy động lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ, học sinh tại các địa phương thu dọn cây xanh, đất đá, các loại chất thải ở các tuyến đường; khôi phục giao thông, hàn khẩu tạm các đoạn đê sông, kênh mương bị vỡ, hạn chế tối đa tình trạng ngập úng cục bộ tại một số nơi trên địa bàn các xã, phường. Hội Chữ Thập đỏ thành phố, các tổ chức từ thiện trên địa bàn thành phố đã tổ chức vận động quyên góp, đi thăm và cứu trợ khẩn cấp các gia đình bị nạn. Công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả bão lũ ở thành phố đã và đang được thực hiện một cách khẩn trương…
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Quy Nhơn, đến ngày 6.11 trên địa bàn thành phố có 7 người chết, 2 người bị thương; 140 ngôi nhà sập hoàn toàn; 1.511 ngôi nhà bị tốc mái và 41 ngôi nhà khác bị hư hỏng. Bão lũ cũng đã làm 54 tàu thuyền bị chìm, vỡ và hư hỏng; 2 xà lan chở gỗ bị chìm; hàng ngàn ha hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị mất trắng; 105.950 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Cầu Bến Tỷ ở xã Phước Mỹ; đường Xuân Diệu; công trình điện chiếu sáng Nam sông Hà Thanh; kè mái bảo vệ đê sông Hà Thanh; cầu Sông Ngang bị sạt lở, hư hỏng nặng. Nhiều trạm y tế xã, phường bị hư hỏng. Nhiều trường học bị tốc mái, ngập nặng. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 200 tỉ đồng.
Đến ngày 6.11, vậy là đã bốn ngày qua mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng về cơn bão số 11 và trận lụt lịch sử ở phía nam Bình Định. Nước lũ đã dần rút và đã bày ra những thiệt hại cụ thể, những hình ảnh khiến mỗi chúng ta không thể không chia sẻ nỗi đau mất mát quá lớn với địa phương, đồng bào vùng lũ, với những gia đình phút chốc mất người thân, trắng tay gia sản…
Tuyến đường sắt từ Quy Nhơn đi Diêu Trì bị nước trôi hết đất phần móng, còn trơ lại đường ray.
Sau bão lũ ngôi nhà yên ấm của gia đình bà Đào Thị Lan (Canh Vinh, Vân Canh) chỉ còn lại đống đổ nát.
Chị Nguyễn Thị Hòa, ở Canh Hiển may mắn tìm được một ít tài sản dù nó bị ngâm nước lũ mấy ngày liền.
Ngôi nhà Bà Mai Thị Lựu giờ là một hố nước sâu và tài sản cũng chỉ còn mấy chiếc bát đĩa mẻ sau khi nước lũ đi qua.
“Lũ trôi hết rồi…” - Bà Nguyễn Thị Hà Thủy (P. Nhơn Bình, Quy Nhơn) cho biết.
Lúa giống bị nước lũ “ngâm” mấy ngày là khó khăn cho vụ Đông- Xuân này ở gia đình chị Hiền ở Phước Hòa (Tuy Phước).
Nước lũ nhòe trên trang vở em Trần Thị Minh Thảo (học sinh lớp 5 trường tiểu học Nhơn Bình) lo cho những ngày đến trường sắp tới?.