Ðề: Đà Nẵng ơi tình người (tầng 4)
Hôm nay Tí bị sốt mẹ ở nhà theo dõi đọc được bài này của BS Đỗ Hồng Ngọc post để các mẹ tham khảo :
Không đùa với Sốt xuất huyết!
Trong mùa có dịch Sốt xuất huyết (SXH) như hiện nay, tốt nhất là phải cảnh giác. Khi có một trẻ bị sốt cao trong gia đình, phải nghĩ ngay đến SXH, theo dõi ít nhất một tuần lễ, rồi sau đó nếu không phải là SXH thì ta mới có thể thở phào nhẹ nhõm được! Vì sao? Vì SXH là một thứ bệnh diễn biến rất khó lường! Cho đến nay, SXH vẫn là thứ bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có thuốc chủng ngừa. Nhờ tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nên tại các bệnh viện có chuyên khoa Nhi, tỷ lệ tử vong thấp, khiến ta dễ chủ quan. Thực tế, ở những vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, nhiều khi còn “không rõ nguyên nhân”! Bệnh diễn biến rất bất ngờ. Mới thấy trẻ “không sao cả” bỗng rơi vào sốc, trụy tim mạch, rối lọan đông máu, co giật, lúc đó thì đã hết sức khó khăn! Tình trạng đó, bác sĩ gọi là SXH độ IV, hy vọng mong manh! Tóm lại, mùa này, một trẻ bị sốt cao liên tục 3 ngày liền (sốt trên 39 độ C), khó làm hạ sốt ( uống thuốc hạ sốt không ăn thua, vẫn sốt lại như thường) lại sốt suông ( không kèm ho, ỉa chảy như các lần trước…) thì … “chắc chắn” là SXH rồi, không cần phải chờ kết quả xét nghiệm gì nữa mà phải đưa ngay đến bệnh viện. Tại bệnh viện, bác sĩ cho thử máu- thậm chí thử nhiều lần- cũng chỉ là để theo dõi xem lúc nào thì cần phải can thiệp, nghĩa là phải truyền dịch, thế thôi. Bệnh nguy hiểm nhất vào ngày thứ ba đến ngày thứ sáu, đó là thời điểm dễ rơi vào “sốc”, trở tay không kịp! Năm xưa, một đứa cháu của một nhà văn nổi tiếng ở miền Trung bi sốt cao ba ngày liền, đưa đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo viêm họng, không phải sốt xuất huyết, còn thề thốt nếu cháu bị SXH thì ông sẽ … từ chức, bỏ nghề! Kết quả, đứa bé… tử vong vì SXH! Vụ đó đưa đến kiện tụng dai dẳng khá lâu, không biết rồi sau ra sao.
SXH được chia làm 4 độ. Độ I và độ II là SXH nhẹ, không cần chữa cũng khỏi, uống nước lã cũng khỏi (nên nhiều thầy “bảo đảm” chữa khỏi SXH chính là chữa dạng này!). Cũng may, lọai SXH nhẹ như vậy chiếm đến 80% các trường hợp. Chỉ có khỏang 20% trường hợp có thể chuyển sang độ III và chừng 1% chuyển sang độ IV. SXH độ III, phải đựơc chữa tại bệnh viện. Bệnh viện có chuyên khoa nhi, khoa nhiễm càng tốt. Vấn đề là làm sao biết lúc nào bệnh chuyển từ độ II sang độ III? Có một số dấu hiệu giúp phát hiện sớm với điều kiện phải được theo dõi thật sát. Ai theo dõi sát? Chính là phụ huynh, ngừơi nhà của trẻ chớ không phải ai khác. Vì trong mùa dịch, các bác sĩ điều dưỡng đều tràn ngập, đầu tắt mặt tối, không thể theo dõi kỹ trên từng bệnh nhân như người nhà được! Vả lại việc theo dõi các dấu hiệu này cũng dễ, ai cũng làm được. Dấu hiệu chuyển từ độ II sang dộ III là đột nhiên trẻ kêu đau bụng (đau nhiều hơn, đau vùng hông phải), bứt rứt, lăn lộn, kêu khát nước, da đổi sắc ( bầm bầm, tím tái), tay chân lạnh, mạch nhảy nhanh và nhẹ… Chỉ chừng ấy thôi là đủ để báo động ngay cho bac sĩ. Can thiệp kịp thời sẽ có hiệu quả tốt.
Tóm lại, không đựơc chủ quan, không đùa với SXH.. Gia đình cần biết cách theo dõi chứ không nên “khoán trắng” cho nhân viên y tế đang bị quá tải. Cũng nên nhớ rằng SXH hiện nay không chỉ xảy ra ở trẻ em, mà ở cả người lớn, tuy vậy, lứa tuổi từ 3-8 vẫn là lứa tuổi có nguy cơ cao nhất. Cũng đừng quên “Không có lăng quăng thì không có SXH”! Và Y tế một mình dù ba đầu sáu tay cũng không thể làm… hết lăng quăng được!