(11.2008) Tình người trong hoạn nạn

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Quỹ trái tim nhân ái báo Hànộimới đến với người dân vùng ngập lụt:
Tình người trong hoạn nạn
07/11/2008 07:48

Đại diện báo Hànộimới và Công ty CP Ao Vua tặng gạo cho người dân huyện Mỹ Đức.

(HNM) - Mưa chưa dứt hạt, hàng cứu trợ đã kịp đưa đến người dân vùng bị ngập trong nước. Ngày 6-11, Quỹ Trái tim nhân ái, báo Hànộimới cùng với Công ty cổ phần Ao Vua và Nhóm từ thiện tự nguyện Chia sẻ tình thương của webtretho đã chở 2 tấn gạo, 680 kg mỳ tôm về với bà con các huyện Mỹ Đức, Đan Phượng, Thanh Trì. Đây là 3 vùng rốn nước đến nay vẫn ngập mênh mông.



Đan Phượng - liêu xiêu trong nước
Chúng tôi vừa đặt chân đến xã Tân Lập, huyện Đan phượng, ông Bùi Ngọc Luân, Thường vụ đảng ủy xã Tân Lập đã than thở: “Mất hết rồi các anh ạ. 100% số hộ bị mất trắng về nông nghiệp; 50% số hộ bị nước tràn vào nhà. Nước sạch sinh hoạt thiếu thốn, củi lửa chẳng có, đi lại khó khăn, người sống chung với gia súc”. Đúng như lời ông Luân, con đường làng nước vẫn ngập cao quá gối, dù trời đã dứt mưa từ chiều hôm trước. Còn mấy thôn ngoài bãi, nước vẫn ngập đến ngang ngực.

Đưa chúng tôi đến một số hộ trong xã, ông Luân thở dài: “Chưa nhà nào kịp thu hoạch, lúa nứt nanh, mọc mầm hết cả nếu có vớt lên cũng chỉ để cho chăn nuôi !”. Một xã thuần nông như Tân Lập mà thiệt hại lên đến hơn 12 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Chiến, Phó chủ tịch Thường trực Hội Chữ thập đỏ Đan Phượng cho biết, toàn huyện có gần 1.200 trang trại với tổng diện tích 306 ha cây ăn quả và gần 200 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Từng ấy diện tích, từng ấy vốn liếng nay ra sông, ra ao, mất trắng.
Lúc chúng tôi mang mỳ tôm đến từng nhà ở tổ 13, xã Tân Lập trên chiếc bè ghép bằng thân cây chuối, anh chị Lâm - Tính cứ đứng dựa vào chiếc trụ cổng đã cũ, tần ngần nhìn đoàn cứu trợ. Chị Tính bảo, hơn một mẫu ruộng đến nay chưa được hạt thóc nào vào bồ. Lại đúng vào mùa giáp hạt, thóc trong nhà cũng không còn là bao. Thế cũng có nghĩa là nguy cơ đói, nghèo, vay mượn đã hiển hiện trước mắt anh chị cùng 3 đứa con nhỏ...

Chiều 6-11, Quỹ “Trái tim nhân ái” báo Hànộimới, Công ty cổ phần Ao Vua đã chuyển 2 tấn gạo tới các gia đình vẫn đang bị ngập sâu trong nước ở 2 xã Hợp Tiến, Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đợt mưa to kéo dài vừa qua, xã Hợp Tiến có 1.197 hộ với 6.274 nhân khẩu, xã Hợp Thanh có 554 hộ với 2.985 nhân khẩu ngập trong nước. Thiệt hại do mưa úng ở hai xã đã lên tới hàng tỷ đồng. Hiện cuộc sống của người dân trong vùng ngập nước gặp rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình trong nhà đã hết sạch lương thực, thực phẩm, chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Thanh Trì vẫn mênh mông nước
Sáng 6-11, chúng tôi chở gần 400kg mì ăn liền về xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Chiều hôm trước, bà Lã Thị Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện cung cấp qua điện thoại: “Gần 1 tuần nay, 3 xã Đại Áng, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai ngập chìm trong biển nước, dân sống bằng mì ăn liền, còn nước sạch dự trữ trong các bể, nay cũng đã cạn. Nước ngập lâu ngày, các xã vùng bãi Duyên Hà, Vạn Phúc, Yên Mỹ vốn thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập nước, nhưng giờ đã quá sức chịu đựng, cũng đang xin cứu trợ khẩn cấp”.
Vừa qua đầu làng, xe chúng tôi đã bị ngập nước đành phải sang xe chuyên dụng của Thanh tra GTCC. Vừa đi vừa thấp thỏm trong bể nước mênh mông, thầm cầu mong ông lái xe đừng chệch bánh vào mương, rãnh. Đến bãi rác đầu thôn Siêu Quần (thôn ngập sâu nhất của xã), không thể đi tiếp được nữa chúng tôi chuyển mì tôm lên thuyền tôn rồi đẩy vào trong các ngõ ngách. Bà Đàm Thị Khương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Nước ngập quá lâu, để bảo đảm an toàn, lãnh đạo xã quyết định sơ tán toàn bộ người già và trẻ em ra trường tiểu học của xã”. Toàn thôn bị ngập, nơi thấp nhất 1,5m. 700 hộ với 3.800 nhân khẩu bị đảo lộn hoàn toàn cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thoan, 24 tuổi, ở đội 12, xóm sông Hòa Bình, thôn Siêu Quần, vừa nhận mì vừa than thở: “Cả gia đình em đã sơ tán vào nhà họ hàng cả rồi. Nhà cửa để đấy, vài ba hộ cắt cử người trông hộ cho nhau. Gần tuần nay, già trẻ, lớn bé đều phải ăn mì tôm, uống nước lã. Mì cũng đã gần hết, nếu không được cứu trợ, chúng em đến đói mất”.

Tả Thanh Oai vốn ít đất canh tác, đa phần dân sống bằng nghề chăn nuôi. Với chủ trương cải tạo môi trường, xã đã thực hiện dự án vận động người dân chuyển chuồng trại về khu tập trung 6,8ha, cách xa khu dân cư. Gần tuần nay, lợn được “di cư” vào trong làng tránh ngập, gà được đưa lên tầng cao. Ông Lê Đình Vệ, 45 tuổi, vừa đun cám lợn vừa bùi ngùi tâm sự: “Từ gần tuần nay, gia đình tôi phải sống chung với lợn. Tầng 1 cho người, còn tầng áp mái thì để dành chỗ cho 30 con lợn to và một đàn lợn con mới sinh”.
Dọc đường vào các ngõ, tấp nập nhiều thuyền tôn chở những sọt trứng đầy. Chị Nguyễn Thị Nam vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, mắt đỏ hoe: “Mỗi ngày nhà em có hơn 100 trứng gà, vịt mới đẻ. Nước ngập thế này, chả ai vào lấy trứng, em lội nước bán rao trong làng chẳng được bao nhiêu”.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đành rằng, chính quyền địa phương không thể để dân đói, nhưng cũng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Và chúng tôi nhớ lời của bà Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đan Phượng: “Người nghèo của Đan Phượng còn nhiều lắm. Mưa lụt thế này cái khó càng chồng chất thêm lên vai họ, ít nhất là về con giống, đồng vốn để khôi phục sản xuất”. Vâng, đó cũng không phải nỗi lo của riêng Đan Phượng mà của nhiều người dân vùng lụt khác, nhất là với những người đang bám ruộng, bám đồng.

Nhóm PV Công tác xã hội

http://www.hanoimoi.com.vn/vn/71/186543
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Top