Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Làm từ thiện phải có cái tâm

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
(VOV) - Những bước chân thầm lặng của anh vẫn ngày ngày đến với bệnh nhân, viết tiếp về huyền thoại gia đình Nguyễn Lân tài hoa, danh giá.

Là một chuyên gia tim mạch có tên tuổi với nhiều cống hiến trong nền Y học Việt Nam, hiện nay Tiến sĩ – Bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Lân Hiếu đang giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm nhiệm công tác tại Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội. Anh cũng là một trong số ít bác sĩ ở Việt Nam thường xuyên được mời đi giải quyết những ca khó của bệnh tim mạch ở trong nước cũng như trong khu vực.

Dù đang giữ nhiều trọng trách quan trọng, bận rộn với lịch làm việc, công tác, giảng dạy, nghiên cứu nhưng anh vẫn luôn dành thời gian cùng đội tình nguyện của Trường tổ chức nhiều chuyến từ thiện, khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.



Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu ân cần thăm khám cho bệnh nhân trong một chuyến từ thiện tại huyện Kiến An - Hải Phòng

Giản dị trong chiếc áo blue trắng, anh ân cần đến với người bệnh, và coi việc chữa bệnh cho người nghèo cũng là một cách để góp phần cống hiến cho nền Y học nước nhà. Biết anh, nhiều người không khỏi thắc mắc, tại sao anh lại có nhiều nhiệt huyết như thế, trên mỗi phương diện anh đều làm được một cách rất thành công? Vẫn giữ nụ cười hiền hậu, anh nói: “Đó là nghề, và cũng là trách nhiệm của một thầy thuốc”.

Từng say mê, yêu thích và ước mơ trở thành họa sĩ, nhưng chính kỷ niệm buồn của tuổi thơ đã khiến anh có bước rẽ mới và chọn nghề y. Anh kể, năm 17 tuổi, chứng kiến cảnh bà ngoại bị ung thư phổi, vật vã trong đau đớn mà mọi người đành bất lực. Chính sự ra đi của bà đã thôi thúc anh phải làm gì đó để không phải nhìn thấy những người thương yêu đau đớn vì bệnh tật. Sau đó, anh chọn nghề Y, như chính sự lựa chọn của định mệnh.

Trong thời gian học tập tại Pháp, lại đúng là lúc công nghệ về can thiệp tim bẩm sinh đang phát triển nhất. Quá trình du học đã giúp anh rất nhiều trong việc nâng cao trình độ chuyên môn. Về nước, anh đem kiến thức của thành tựu y học hiện đại này áp dụng vào thực tiễn nước nhà, và anh cũng là một trong những người đầu tiên thực hiện can thiệp tim bẩm sinh ở Việt Nam. Đánh giá về trình độ chuyên môn ấy của nước ta hiện nay, anh cho biết: “Có thể nói mình không bị chậm so với thế giới. Số lượng bệnh nhân được can thiệp hiện đang đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á”.

Trong công việc của một giảng viên, anh Lân Hiếu cho rằng việc giảng dạy ở trường Y khác hẳn với việc giảng dạy ở những môi trường khác, bởi số lượng học trò ít hơn, việc dạy cũng phải chuyên sâu hơn.

Anh từng đến Ấn Độ hỗ trợ, chuyển giao công nghệ can thiệp tim bẩm sinh cho nhiều tỉnh ở nước này. Anh cũng thường xuyên nhận đồng nghiệp từ Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Philippines, cũng như nhiều đồng nghiệp từ các bệnh viện trong cả nước đến học nghề tại Trung tâm Tim mạch Đại học Y Hà Nội.

Sức người có hạn, song số lượng bệnh nhân lại quá lớn. Nên sau khi thực hành thành thạo tại Trung tâm Tim mạch Đại học Y Hà Nội, nhiều đồng nghiệp của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã khai trương những Trung tâm can thiệp tim mạch ở địa phương, tạo nên những cánh tay nối dài, góp phần giải quyết hiện trạng số lượng bệnh nhân đổ về quá tải tại các bệnh viện trung ương. Anh tự hào nói: “Sau khi về nước tới nay, tôi đã hỗ trợ trực tiếp, chuyển giao công nghệ cho hơn 10 Trung tâm tim mạch trên khắp các vùng miền. Hiện nay, hơn nửa trong số các trung tâm đó đã có thể tự giải quyết được các công việc chuyên môn”.

Mặc dù còn khá trẻ (sinh năm 1972), nhưng bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là một trong những bác sĩ được bệnh nhân tin tưởng và tìm đến nhiều nhất. Họ tìm đến anh không chỉ vì anh giỏi về trình độ chuyên môn mà còn bởi cách anh hỏi chuyện, thăm khám một cách thật ân cần, chu đáo, cởi mở và gìn giữ y đức một cách tự nhiên.

Đức tính này, anh bị ảnh hưởng sâu sắc từ chính người mẹ - vốn là một bác sĩ Nhi khoa (trước khi làm Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Không ít lần chứng kiến cảnh mẹ trăn trở, thao thức trước những ca bệnh nặng, cách mẹ chăm sóc những bệnh nhi một cách chu đáo, ân cần, hơn ai hết, anh cảm nhận được bài học từ bà về lòng yêu thương và từ đó ý thức tình cảm cần có của người thầy thuốc đối với bệnh nhân.

“Mỗi lần cứu chữa được cho một cháu bé, hay làm được một việc từ thiện nào đó tôi đều cảm thấy thoải mái và rất hạnh phúc. Đây chính là động lực lớn nhất của tôi”, bác sĩ Lân Hiếu mỉm cười nói.

Bước chân thầm lặng

Sau nhiều năm chứng kiến hiện trạng số bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh tái khám sau phẫu thuật vẫn còn quá ít so với thực tế. Có lẽ khó khăn lớn nhất trong việc kết nối các em với các cơ sở y tế vẫn là vấn đề tài chính từ phía gia đình bệnh nhân. Xuất phát từ những trăn trở đó, nhiều năm nay, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cùng với bạn bè của mình góp tiền mua máy siêu âm xách tay, thành lập “bệnh viện dã chiến” cùng với nhóm Chia sẻ tình thương (Chiasetinhthuong.org) đến các địa phương làm từ thiện, khám bệnh miễn phí và điều trị sau phẫu thuật đối với trẻ em nghèo bị bệnh tim.



Bác sĩ Hiếu trò chuyện cởi mở với các đồng nghiệp

Qua các đợt khám bệnh miễn phí tại các địa phương, tình trạng bệnh nhân đã được các bác sĩ trong đoàn sàng lọc một cách kỹ càng, sau đó tư vấn, gửi bệnh nhân đến các bệnh viện cho phù hợp giữa tình trạng chuyên môn và tình trạng bệnh nhân, giữa tình trạng kinh tế của mỗi gia đình với sự hỗ trợ từ các quỹ từ thiện… Do vậy, chưa bao giờ bác sĩ Lân Hiếu để tình trạng bệnh nhân nào đã gặp vì quá nghèo mà không được chữa trị, cũng chưa bao giờ có bệnh nhân nào vì không có tiền mà phải chờ chết hoặc phải mổ mở ngực như trước đây (do chi phí thấp hơn).

Với một mạng lưới đội ngũ tình nguyện rộng khắp, bác sĩ Lân Hiếu và đồng nghiệp đã kịp thời phát hiện, xác minh khá nhiều những hoàn cảnh khó khăn, sau đó liên hệ, tìm kiếm các nhà hảo tâm, đồng thời tham gia phẫu thuật cứu sống nhiều bệnh nhi nghèo mắc bệnh tim ở vùng sâu, vùng xa.

Làm tình nguyện, đối với bác sĩ Lân Hiếu đó là sở thích từ bé. Anh luôn quan niệm, làm từ thiện phải có cái tâm, chứ không phải là sự hối thúc của bất kỳ ai. Mỗi khi làm được một điều gì đó giúp đỡ các cháu bé có hoàn cảnh khó khăn anh cảm thấy rất vui. Cách đây không lâu, anh gặp một cháu bé 16 tuổi ở Hà Tây (cũ) mắc bệnh tim, cần phải tiến hành phẫu thuật. Ngoài tiền bảo hiểm đã hỗ trợ, gia đình phải trả thêm 20 triệu cho chi phí ca mổ. Song, hoàn cảnh gia đình em này rất khó khăn, để có được số tiền đó là điều quá sức đối với gia đình. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã gọi điện cho một người bạn đang ở nước ngoài, “xin” được 25 triệu tiền mặt, giúp gia đình em vượt qua ngay được cơn khó khăn này.

Trong chuyến tình nguyện, khám bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo tại Lai Châu, cả đêm bác sĩ Lân Hiếu bị đau răng, không ngủ được, lại vừa phải di chuyển bằng xe khách rất vất vả. Anh nói, dù rất đau, nhưng nghĩ tới nụ cười của trẻ, giọt nước mắt hạnh phúc của gia đình bệnh nhân, anh đã có thêm động lực. Sau đó, anh phải dùng tới biện pháp ngậm nước trà xanh không độ để giảm đau. Nhớ lại kỉ niệm khó quên, anh cười nói: “Đến bây giờ cứ nhìn thấy chai trà xanh là tôi lại cảm thấy rùng mình”.

Biết có đoàn tình nguyện của bác sĩ Lân Hiếu và đội Chia sẻ tình thương về huyện Kiến An, Hải Phòng khám bệnh miễn phí cho trẻ em, ngay từ sáng sớm, vợ chồng chị Cao Thị Kim Phượng (ở xã Bát Trang, huyện An Lão, Hải Phòng) đã lục đục chuẩn bị đưa cậu con trai mới 10 tháng tuổi tới khám. Chị cho biết, hơn 1 tháng nay, con chị đang chập chững tập đi, nhưng nhiều lần cháu bị va đập mạnh, khóc đến ngất đi hoặc ngừng thở tới vài giây. Sợ con có vấn đề về tim, anh chị rất lo lắng đúng lúc hay tin có đoàn bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đến khám từ thiện, nên chị đem con đi ngay.

Chị vui mừng khi bác sĩ thông báo là con chị không bị bệnh tim, sức khỏe hoàn toàn bình thường, chỉ do thần kinh bị kích động, nên cháu mới bị ngất. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy có đoàn bác sĩ đến khám bệnh miễn phí ở Hải Phòng. Đến đây, được bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cùng với đoàn từ thiện đón tiếp niềm nở, tận tình, chu đáo, thăm hỏi, động viên tạo sự thân thiện với các cháu và gia đình, chúng tôi cảm thấy rất vui và thoải mái. Được khám ở đây chúng tôi cảm thấy rất yên tâm”.

Sinh ra trong một dòng họ danh giá, không ỷ thế vào gia đình, TS. BS Nguyễn Lân Hiếu đã tự mình dựng nên sự nghiệp khoa học riêng. Trong chiếc áo blue trắng, cuộc sống hàng ngày của anh là niềm vui khi đem đến hạnh phúc và niềm hy vọng sống cho bệnh nhân và người thân của họ.

Những bước chân thầm lặng của anh vẫn ngày ngày đến với bệnh nhân, tiếp tục nghiên cứu, học tập các thành tựu mới để đóng góp vào sự phát triển của nền Y học nước nhà, viết tiếp về huyền thoại của một đại gia đình Nguyễn Lân tài hoa, danh giá./.

Kim Anh/VOV online
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
122
0
0

Nhân Ái

New Member
Ðề: Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Làm từ thiện phải có cái tâm

Lần đi cùng với Lân Hiếu lên Lai Châu khiến mình nhớ mãi, có nhiều chuyện đáng phải suy nghĩ lắm.
Lúc ăn sáng ở Tân Uyên, học trò của Lân Hiếu đi mua thuốc giảm đau cho anh (anh bị đau dạ dày và hôm đó còn đau cả răng nữa) gặp một trường hợp trẻ em bị ốm (đi cùng bố mẹ ra cửa hàng); các em đã chủ động khám và mang cả máy móc ra tác nghiệp tại chỗ... hình ảnh người thầy thuốc lúc bấy giờ thật quá đẹp.
Lân Hiếu có nói với mình hai câu mà mình tâm đắc vô cùng. Đại ý:
- Mình cho học sinh đi như thế này để các em biết thêm... chứ hàng ngày ở bệnh viện có vấn đề lắm.
- Thằng Dũng nó sẽ giỏi hơn mình... phải như thế xã hội mới phát triển.
Thật sự cảm phục!
Đối với mình, chỉ qua một chuyến đi, mình đã cảm thấy trong con người Lân Hiếu hàm chứa cả 2 người THẦY.
Dù ngành Y còn có chuyện nọ kia... như người ta vẫn nói. Nhưng với mình đây vẫn là ngành có truyền thống nhất VN, còn những người như Lân Hiếu và những học trò sẽ tiếp nối anh; mình vẫn tin tưởng vào những điều tốt đẹp
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
3,455
2
38

mecunlinh

Active Member
Ðề: Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Làm từ thiện phải có cái tâm

Sáng nay đưa ông ngoại đi khám bệnh, trong lúc chờ gặp 1 bác bệnh nhân đã được Bs. Hiếu thông tim cho cách đây 3 năm hết lời ca ngợi bs. Hiếu tốt lắm, không chịu nhận phong bì mà còn cho số đt để khi cảm thấy khó thở gọi điện BS sẽ hướng dẫn cho. Sau này bác bệnh nhân này còn dẫn người hàng xóm đến TT tim mạch BV ĐHY khám và can thiệp tim. Khi kể gia cảnh người hàng xóm, các BS cũng nhất định không nhận tiền bồi dưỡng mà rất nhiệt tình giúp đỡ.

Giá như BS nào cũng được như Bs. Hiếu thì bệnh nhân nghèo đỡ khổ biết bao nhiêu và bộ trưởng bộ Y tế chả cần kêu gọi dân đi làm " gián điệp" nữa.
 
Top