Chất “thúc” chín quả, độc hại đến đâu?

39
0
0

Mẹ Bubu&Shi

New Member
Sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng truyền tải thông tin người dân làm nghề buôn bán hoa quả ở một số nơi sử dụng một loại hóa chất có in chữ Trung Quốc để thúc chín các loại quả như đu đủ, chuối…, các nhà khoa học đã vào cuộc. Kết quả ban đầu, hóa chất có thành phần chính có tên là ethrel.

Ethrel là gì?
Đây là một acid có tên 2-chloroethyl phosphonic acid – CEPA (hoặc ACEP) dạng lỏng có màu từ không màu đến hổ phách nhẹ, tan dễ dàng trong nước. Liều gây chết trung bình LD50 là > 2.000 mg/kg thể trọng nếu dùng theo đường miệng và thấm qua da. Nồng độ gây chết trung bình LC50 trong vòng 4 giờ là 4,5mg/l. Các chế phẩm của ACEP có tên là ethrel, ethephon, ethefon, camposan, arvest…
Trên thế giới, ethrel được sử dụng hết sức rộng rãi để kích thích sự chín của các loại quả, làm quả chín đồng loạt tạo điều kiện cho công nghệ sau thu hoạch. ACEP ức chế sinh trưởng chiều cao của cây và tăng sự phân cành, kích thích sự chín của thuốc lá, màu sắc đẹp và phẩm chất thuốc lá tăng. Ethrel còn tăng sự tiết nhựa mủ cao su, tăng tỷ lệ hoa cái ở bầu bí. Khi gặp nước, ethrel chuyển thành etylen - một hormon có vai trò chính trong quá trình chín của quả nên khi phun vào cây, quả, ethrel xâm nhập vào tế bào bị nước có trong tế bào phân hủy thành etylen theo phản ứng:

0
Cl-CH2-CH2-P-OH + H20 -> CH2=CH2 + H3PO4 + HCl
OH

Sự hình thành etylen từ ACEP (ethrel)

Và etylen
Năm 1917, khi nghiên cứu quá trình chín của quả thấy có xuất hiện etylen. Từ năm 1933 – 1937, nhiều nghiên cứu khẳng định nó được sản xuất trong một số nguyên liệu thực vật, đặc biệt là trong thịt quả. Năm 1935, Crocker và một số cộng sự người Mỹ cho rằng etylen là hormon của sự chín. Sau đó bằng các phương pháp phân tích cực nhạy đã phát hiện ra etylen có trong tất cả các mô của cây và là một sản phẩm tự nhiên của quá trình trao đổi chất ở trong cây. Etylen có tác dụng làm quả mau chín được sản sinh mạnh trong quá trình chín và rút ngắn thời gian chín của quả.
Độc tính của ethrel
Tuy nhiên ethrel không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” như một số thông tin gần đây nhưng có những độc tính nhất định. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy liều gây chết 50 dùng qua đường ăn uống – LD50>2.000 mg/kg và liều dùng qua đường hô hấp LC50 trong vòng 4 giờ là 4,5 mg/l (4.500 ppm). Như vậy, theo thang xếp loại độ độc “Hodge & Sterner” – 1 trong 2 thang xếp loại đang được dùng nhiều nhất hiện nay thì ethrel được xếp loại chất độc nhẹ.
Các nghiên cứu về độc tính của ethrel cho thấy, đối với mắt, ethrel gây kích ứng, xót mắt, gây đỏ mắt; với da, nếu có tiếp xúc trực tiếp sẽ ăn mòn, gây sưng, đỏ da. Vì thế, khi dùng loại hóa chất này cần đeo găng tay và đeo kính để tránh tác hại cho cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một thông báo nào về nguy cơ gây ung thư hay những ảnh hưởng trên các cơ quan khác của cơ thể về lâu dài.
Trong thực tế
Trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp, việc làm quả chín nhanh và chín đồng loạt để thu hoạch cơ giới có ý nghĩa rất quan trọng. Một số loại quả như chuối, cà chua, xoài… thường thu hoạch xanh để dễ vận chuyển và bảo quản được lâu, vì vậy việc điều khiển quả chín đồng loạt, có màu sắc đẹp là cần thiết. Phun ethrel cho quả trước khi thu hoạch hai tuần với nồng độ 500 – 5.000 ppm (0,0005 – 0,005%) sẽ kích thích quả chín đồng loạt. Xử lý ethrel để kích thích sự chín của nho với nồng độ 500 – 1.000 ppm (0,0005 – 0,001%0. Phun ethrel với nồng độ 100 – 500ppm cho hồ tiêu vào thời kỳ quả bắt đầu chín sẽ làm cho quả chín nhanh. Phun ethrel với nồng độ 700 – 1.400 ppm làm quả cà phê chín sớm hơn 2- 4 tuần so với không xử lý.
Bên cạnh đó, do đặc tính kích thích sự ra hoa của một số thực vật, etylen, ethrel và các chất tương tự (axetylen) được sử dụng trong trồng trọt để kích thích dứa, xoài ra hoa trái vụ, tăng thêm một vụ thu hoạch mà kết quả là những loại quả trái mùa gần đây đã xuất hiện với chất lượng ngon không kém chính vụ. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng ethrel còn có tác dụng giảm bệnh khô, chai với các loại cây có mùi như cam, bưởi, chanh, giảm sượng khi chín với măng cụt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc ethrel sẽ kích thích hình thành hoa cái. Ở cây họ bầu bí và các cây đơn tính khác: sử dụng ethrel 50 – 250 ppm sẽ tạo nên 100% hoa cái nên đã làm tăng năng suất của các cây họ bầu bí.
Ethrel được sử dụng trong ngành trồng trọt (trong và sau thu hoạch) ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hà Lan, New Zealand… để điều hòa sinh trưởng thực vật, tạo sản phẩm trái vụ và rấm chín hoa quả hàng loạt như nho, cà chua, táo, chuối, đu đủ… Ở nước ta, trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cầm sử dụng ở Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BNN ngày 28/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ethrel được phép sử dụng làm chất điều hòa sinh trưởng thực vật với công dụng là “kích thích mủ/cao su” kích thích hoa ở nhãn, vải, xoài, thanh long. Tuy nhiên, trong Tuyển tập công trình nghiên cứu KHCN 2000 của tác giả Trần Hạnh Phúc thì ethrel đã chứng minh nhiều tác dụng đặc biệt đối với thực vật, đặc biệt đối với quá trình làm chín hoa quả. Cũng theo nghiên cứu này, việc sử dụng ethrel để rấm chín trái cây không gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Như vậy, bước đầu có thể loại bỏ lo ngại về tác hại của ethrel gây ra trong quá trình rấm chín hoa quả. Tuy vậy, để phòng ngừa việc người buôn bán hoa quả lạm dụng chất này hoặc sử dụng loại ethrel không tinh khiết, người tiêu dùng vẫn nên rửa, ngâm và gọt bỏ lớp vỏ ngoài dầy hơn để hạn chế lượng hóa chất dư thừa đi vào cơ thể./.

Theo Sức khỏe & Đời sống
 
Top