Cõi Ảo (T/g: Nguyễn Văn Thọ)

1,557
0
0

Camellia

New Member
Câu chuyện này bắt đầu trên một trang web(1).

Rất nhiều người đọc mục “Tự truyện”, nhưng không một câu hỏi nào của người đọc làm tác giả bài viết, một cô gái trẻ, quan tâm cả. Chuyện cô kể về một người mẹ, người đàn bà dũng cảm, kiên nhẫn đi suốt cuộc chiến tranh và hy sinh tất cả cho con bà ăn học nên người.

Người viết vào mục cảm tưởng là một nhà văn: “Thật là một người mẹ rất đáng kính trọng, không tầm thường!” Ông xúc động ghi lại cảm tưởng và xin người viết cốt chuyện để viết một truyện ngắn.

Giọng kể của cô gái rất vô tư và mộc mạc, nhân vật đứa con của người mẹ - người kể - do ghi tên cũng không có dấu nên ông tưởng lầm là con trai. Cô viết Trần Phượng thành Tran Phuong, vì vậy trong lá thư ông dùng đại từ anh để gọi tác giả.

Cô gái trả lời thư người bạn không biết mặt, đồng ý cho ông lấy chuyện cô đã kể làm tư liệu. Trong hai lá thư tiếp đó, hỏi thêm những chi tiết về người mẹ, nhà văn vẫn đinh ninh người viết cho mình là một cậu con trai. Thư nào ông cũng cẩn thận đề dòng cuối: “Tôi thực lòng cám ơn cậu đã trả lời thư tôi.”

Tình bạn của họ bắt đầu như vậy.

Truyện ngắn hoàn thành rất nhanh và trước khi gửi đăng, ông tri ân người cung cấp tài liệu cho ông bằng cách gửi cho cô gái đọc trước khi đưa in.

Cô gái đọc xong truyện, gửi thư vội cho nhà văn, cải chính rằng, nhân vật trong truyện phải là một cô gái!

Tất cả tình tiết truyện đã được nhà văn cấu tứ rất nhịp nhàng, vì thế việc thay đổi giới tính của nhân vật tạo nên sự phức tạp không cần thiết. Thế là giữa họ có một cuộc cãi vã chừng hai, ba lá thư. Cuối cùng thì cô gái đành chấp nhận sự giải thích có tình có lý của nhà văn.

Vài tuần sau, nhà văn lĩnh nhuận bút, ông muốn gửi cô báo biếu và khao cô một chầu cà-phê. Thực khó lòng từ chối một lần hẹn êm đềm như vậy. Cô gái nhận lời.

Từ khi biết Phượng là một cô gái, nhà văn vẫn nghĩ về cô với hình ảnh một cô gái bình thường, khuôn mặt luôn có cặp kính cận như cô tả. Đối với ông, qua sự tan vỡ ở mối tình đầu thì hình thức là một khía cạnh quan trọng nhưng không phải là tất cả để nói lên bản chất của cái đẹp, dù hình thức có thể giữ vai trò hệ trọng để gợi cảm, nhưng chỉ là khởi đầu. Điều đấy thật đặc trưng cho tư duy của một người từng trải lại đam mê, nắm được mẹo luật sáng tác. Ông đi về phía nơi có quán cà-phê thanh lịch: Quán Phố.

Trời xuân lây phây mưa bụi. Ông dựng cổ áo măng tô dạ xám lên che ấm lồng ngực. Cái mũ nồi Basque hơi sụp xuống. Chọn bàn trống ngay lối vào, lơ đãng nhìn ra đường phố. Quán Phố hôm nay không nhiều khách lắm. Nhưng cũng tới bốn năm cặp bạn tới ngồi trước khi ông tới. Vài người đi lẻ, dường như không chờ đợi ai. Họ tới đây, có lẽ chỉ thưởng thức li càfê dưới trời lạnh. Ông chả vội vàng gì, bình nhiên châm một điếu thuốc và lấy tập bản thảo truyện ngắn của một người bạn ra tranh thủ đọc.

Cô gái vừa ở một hội nghị khoa học bàn về quản lý y tế ra. Hôm nay cô là diễn giả. Báo cáo của cô thực súc tích và gây bất ngờ cho nhiều người. Người ta tặng cô những bó hoa thật đẹp. Cô gái ra khỏi hội trường của Viện, nhớ tới cuộc hẹn với nhà văn quen trên thư điện tử. Chỉ còn ba phút! Cô vội vã ra chỗ để xe và thực sự lúng túng với số hoa bồng bênh, bất tiện trên cái làn trước tay lái.

Nhà văn xem đồng hồ. Đã đến giờ hẹn mà cô gái không tới. Ông quan sát toàn tiệm. Không có cô gái nào đi một mình, có hình dáng như ông tưởng tượng cả. Mấy cô gái trẻ có hình thức bình thường thì đi với bạn trai và không mang kính cận. Có hai cô gái rất xinh bên kia bàn đang ríu rít nói về ca sĩ X. Theo ông, X rất sến. Như vậy, không phải là Phượng. Phượng hiểu biết, bình dị và nhỏ nhắn. Phượng đi một mình. Cô có kính cận. Đấy là vài đặc tính để nhận biết, do ông suy tưởng qua mấy lá thư của cô.

Cô gái thực ra đã tới gần điểm hẹn. Nhưng cô đã thấm mệt và bệnh tim bẩm sinh của cô làm cô bất chợt cảm thấy choáng váng. Phượng dừng xe lại bên đường vài phút và vô tình làm rớt cặp kính xuống đất khi cô xếp lại bó hoa sắp rơi vì gió. Một mắt kính vỡ tan trên hè đường. Cô gái trẻ sững sờ, bởi vì không có nó, cô nhìn mọi vật đều huyền ảo.
Phượng dắt xe phải tới 15 phút mới tới quán Phố. Như vậy người đợi chờ cô quá 30 phút. Ông trả tiền và đứng dậy. “Có thể do lý do gì đấy, cô gái bận, lỡ hẹn!” Ông bước ra khỏi quán cà-phê Phố, nghĩ ngay đến ý kiến góp ý với truyện ngắn của bạn, không hề để ý tới Phượng và đống hoa trên tay đã đến, lướt qua sát người ông để bước vào tiệm.

Phượng đã tất tưởi gửi xe. Cô bước nhanh và đảo mắt. Không có người nào lớn tuổi ra dáng đợi chờ. Cô không biết rằng người vừa đi sát mình là nhà văn Nguyễn Thụ. Ông già ấy đâu rồi? Phượng thoáng nghĩ về hai truyện ngắn của nhà văn vừa được đọc (Có thể chính vì thế ở những lá thư đầu cô luôn gọi ông là bác). Cô quan sát một vòng nữa bằng đôi mắt hơi nâu, trong sáng nhưng thiếu kính. Có, cô có ngoái nhìn lướt qua ông, nhưng lại nghĩ “người ấy không thể có phong độ nhanh nhẹn như vậy”.

Gió xuân thốc mưa bụi làm ướt tái đi khuôn mặt có làn da rất đỗi mịn màng chẳng khi nào cần đánh phấn của cô. Quán đã vắng dần. Phượng trả tiền tách trà, lấy xe, đi rất chậm, sát bên hè trái đường Quán Phố.

Nhà văn về tới nhà. Ông chậm rãi nấu một bát mì và ăn ngay cạnh bàn máy tính. Viết đến mười một giờ đêm, ông chợt nhớ tới chiều hẹn vừa lỡ. Tại sao cô bé không đến? Ông bật Email(2). Lá thư xanh biếc, với dòng chữ quen thuộc hiện ra, from: Phuong.
Thư ngắn. Cô hỏi, sao ông không tới? Cô than phiền về chuyện vỡ kính; về trái tim đột ngột trở chứng của cô. Cô bảo, hôm nay cô có nhiều hoa mà không gặp ông để chia cho ông một bó. Thế đấy! Chỉ thế đấy mà ông chợt nhói lên. Có phải chăng, ông nhớ tới con gái ông ở tận Sài Gòn. Nó cũng bị tim như thế. Vì nó mà ông và vợ cũ của ông tuy tan vỡ vẫn còn duyên nợ với nhau bao năm mới chia tay. Ông hiểu, quên ngay việc lỡ hẹn để trách cứ cô gái. Ông viết, kể lại việc mình chờ đợi thế nào và an ủi cô vài lời. “Hẹn một dịp nào đó sẽ gặp nhau vậy!” Cuối thư ông hỏi địa chỉ cô, ngỏ ý muốn gửi cô tờ báo có in truyện, cái truyện ngắn dựa vào cốt chuyện về người mẹ của cô. Xong, ông nhấn nút. Thư bay đi.

Chỉ sau vài phút thì ông nhận thư trả lời. Thực đáng tiếc, chiều mai cô sẽ bay đi úc, bắt đầu một khoá học lấy bằng Master theo kế hoạch tài trợ của nước bạn. “Xin bác hãy gửi báo về địa chỉ dưới đây của cháu, mẹ cháu sẽ chuyển sau cho cháu vậy!” Cô gái viết. Nhà văn lắc đầu. Mình thực là vô duyên! Ông nghĩ và không hề biết là Phượng cũng đang nghĩ về ông khi cô sắp xếp mấy cuốn sách vào va li: “Mình nhìn thấy ông ta rồi. Cũng chưa già lắm. Cái dáng lướt sát mình khi ấy. Giá mà khi đó còn cặp kính nhỉ!” Phượng tủm tỉm cười một mình.

Nửa tháng sau, trên hộp thư điện tử của Thụ xuất hiện lá thư đầu tiên của Phượng. Thư nhẹ nhàng kể về cuộc sống tại úc, kèm theo là bức ảnh, một cô gái dáng thanh tú quay lưng lại như khoe bộ tóc dày đen buông xoã ngang vai. Cô đang ngắm dòng sông nhỏ và cánh rừng vàng thu phía trước; lại cả vài bức ảnh màu chụp những con vật lạ, ngộ nghĩnh mà theo Thụ, cô gái cắt cúp khá đẹp. Ông tự hỏi, sao tóc như vậy lại cắt ngắn đi nhỉ? ồ, thời đại mới mà! Thời đại mà việc lấy nét, tốc độ, cửa mở đã có máy tự động giải quyết! Nhưng cô biết chụp ảnh lắm đấy. Ông viết, khen cô cắt cúp, bố cục các mảng tối sáng rất đẹp. Cô gái lập tức trả lời rằng, cô có học chụp ảnh và máy của cô là máy cơ, không phải máy tự động. Chỉ có vậy mà ông vẫn cặm cụi trả lời những lá thư chẳng có gì quan trọng như thế của Phượng. Không hiểu do lý do nào đó, Phượng gọi ông bằng chú thay “bác”. Từ ấy, thư thường có dòng đầu: Chú Thụ ơi!

Nguyễn Thụ thực ra không có nhiều thời gian. Để kiếm sống, ông phải lăn lưng làm việc tại một nhà xuất bản. Ngoài ra công việc của cá nhân ông là sáng tác. Ông thuộc số ít văn sĩ không thích quan hệ rộng. Sự viết của ông thực sự là đam mê, dầu mệt nhọc. Thích thú như thế, nhưng ông không coi trọng nó hơn các công việc khác, như việc vi đọc bản in thử cho các cây bút trẻ chẳng hạn. Ông thường nghĩ, viết văn cũng như kiếm sống, để mình sống; không có việc nào trên đời cao quý hơn việc nào. Cao quý là do tấm lòng với công việc. Việc viết của ông cũng chẳng mong cái danh như người khác. Ông viết cho Phượng: “Tôi viết văn để trả nợ và giải toả, tâm sự với bè bạn.” Có thể thế thật, bởi vì ông luôn cảm thấy cô đơn, khổ tâm, nhất là khi ông không viết được gì.


----------------

(còn nữa)
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Cõi Ảo (T/g: Nguyễn Văn Thọ)

Tiếp theo
------------

Những lá thư bay đi, bay lại trên không gian; khi thì đậu xuống nơi Phượng, cái phòng nhỏ trông ra một cánh rừng đầy lá vàng và con suối vòng vo, róc rách chảy bên một lối mòn về tít khoảng rừng bao la còn hoang dại; khi thì sa xuống mái nhà luôn ẩm thấp, dưới bóng một cây lan lớn, tỏa hương thầm dịu. Từng ngày một, từng tuần một, nó như một thứ men, vô tình ủ thứ nhựa tiềm ẩn trong hai người. Với Phượng, ông là người chăm chỉ nhất phúc đáp thư cô. (Đấy là ý kiến của Phượng, ở lá thư sau này cô thật thà kể). Sự chăm chỉ của ông cũng có nguyên do của nó. Khởi đầu là lòng ưu ái với lớp người trẻ, sau là sự tưởng tượng về Phượng qua những lá thư của cô. Sự tưởng tượng về Phượng khơi động cả tới phần sâu kín nhất trong ông, hình ảnh của một người con gái đã xa lắm, hồi ông mới ra trận và tình cảm ấy bị thời cuộc, thời gian phủ lên một lớp tro kín. Tự nhiên, dần dần ông mong đợi các lá thư của Phượng. Ông thoảng buồn khi bấm vào máy không có lá thư xanh với ký tự From: Phuong. Là một người nhạy cảm, ông chắp nối những tình cảm xưa và hôm nay của ông làm mấy bài thơ. Những bài thơ tình, thứ thơ mà đã lâu quá rồi ông không dám viết. Thơ tình khó lắm! Làm sao mà có thể lột tả, gợi mở tâm hồn người ta với ngôn ngữ bình dị, ý tứ chân thành? Thực là, Phượng, với những câu chuyện thông minh, vô tư và dí dỏm đã đánh thức từ trong xa xôi của ông những tình cảm trong sáng và tốt đẹp.

Tại úc, cô Phượng cũng rất vui khi nhận thư ông. Với cô, quan hệ trên mạng như một trò đùa. Một trò đùa dai vô hại. Họ vẫn xưng hô bằng chú, cháu, nhưng những câu chuyện của họ, biểu hiện tình cảm của họ dường như vượt qua mọi khách sáo. Theo năm tháng, dù từ những quan niệm khác nhau bởi thế hệ, nó vẫn làm ấm lòng cả hai người trong hai hoàn cảnh khác nhau. Với Phượng, trò đùa vô hại làm cô bớt đi khoảng trống vắng hoang hoác nơi quê người, su cô đơn vốn dĩ ăm ắp trong một người đang độ rừng rực thanh xuân.

Một tuần liền, sáu tháng sau đó, ông bỗng bặt tin Phượng. Tự nhiên ông cảm thấy trống vắng điều gì đấy rất khó cắt nghĩa. Nhất là những khi ông không tìm thấy một đoạn viết mới, tiếp tục cuộc hành trình văn chương của ông; nhất là khi hàng ngày ông phải đụng chạm với trăm ngàn điều dung tục mà ông phải sống chung, không thể lẩn tránh. Ông làm nhiều thơ hơn, cảm giác buồn mơ hồ, tự nhiên buồn, không rõ từ đâu luôn tới, xâm chiếm tâm hồn ông và cũng tự nhiên, nó nằm ngoài ý đồ của chính tác giả.

Tháng sáu, một tuần liền, thời tiết Hà Nội đỏng đảnh. Những cơn mưa bất chợt ào về xối xả, nước phố dềnh lên lênh láng ngập đầy cửa nhà và sau đó là nắng vỗ lửa xuống mặt phố. Ông ốm, phải nghỉ việc, ngủ mê mệt trong mơ sảng lạ lùng. Ông thấy mình đi với mấy người lính trẻ năm nào. Ông thấy cả khu rừng già chìm trong tiếng mưa, nghe rõ tiếng ào ào; tưởng như ở trên cao thăm thẳm có một người khổng lồ gầm gừ, hăm doạ đe nẹt những con người nhỏ bé đang đồn trú dưới thảm rừng nhiệt đới. Ông lại mơ thấy ông bị thương, bàn chân đẫm máu và thấy một cô gái rất trẻ, không rõ mặt tới nhẹ nhàng nâng đầu ông lên, cho ông gối vào cánh tay mềm mại của cô. Ông muốn mà không sao cất lên lời. Đôi môi ông nóng rát. Ông mơ thấy cô gái hôn ông và ông ghì chặt tới thảm thương tấm thân nóng giãy. Cô gái hơi mỉm cười và đáp lại đôi mắt khẩn cầu của ông bằng bàn tay ấm, mềm. Nhè nhẹ, cô vuốt ve, vỗ về mái tóc còn xanh mướt của người lính. Cảnh cuối cùng ông thấy cô bước vào một dòng sông cuồn cuộn đầy khói và khuất mờ trong đó. Ông thét lên, tỉnh giấc. Người ông đẫm mồ hôi. Ông ngồi dậy trong đêm, lần sờ hai viên thuốc hạ nhiệt trong túi áo nhàu nát treo trên thành ghế viết.

Dựa vào những suy cảm từ giấc mơ ấy, ông viết thành một bài thơ 21 câu. Đặt cho nó một tựa đề: Tình Yêu Của Tôi. Nhưng đọc cả bài, người ta không thể biết, đấy là tình cảm lý tưởng hay tình yêu cụ thể của một con người đã hơn 50 tuổi.

Mấy tuần sau đó, ông liên tục nhận và gửi thư cho Phượng. Họ nói chuyện về con Koala ngộ nghĩnh. Nó hay nghịch như cháu, song nó ngủ nhiều lắm, cô gái viết vậy. Ông hỏi cô ngủ một ngày bao tiếng. Phượng trả lời rằng, cô rất ghét ngủ. Mỗi ngày cô chỉ ngủ năm tiếng là nhiều lắm rồi. Ông trách cô không biết gìn giữ sức khoẻ. Cô lại thanh minh là cô phải đọc rất nhiều và còn bướng bỉnh bảo: “Cháu sống được bao lâu mà ngủ hết cả quỹ thời gian ngắn ngủi?” Ông liền viết doạ: “Cô bé ơi, nước da sẽ xỉn đi, khô lại vì phụ nữ cần ngủ cho khí huyết lưu thông. Nhất là cháu bị tim nữa! Việc ấy không thể coi thường!” Cô gái trêu chọc ông rằng, chú lo bò trắng răng. Cháu viết văn thì kém chú, nhưng chuyên môn của cháu là chăm sóc sức khoẻ con người cơ mà! Như thế đấy, họ lại tranh luận những chuyện liên quan tới nghề nghiệp của Phượng, rồi cả vài bài tiểu luận văn chương ông mới viết. Xem ra, cô gái kiến thức cũng không vừa, lại tỏ ra chẳng dễ khuất phục. Nhưng bao giờ cũng vậy, ông nhường nhịn, nhận phần thua về mình. Cô gái không muốn vậy. Có lần cô viết, cháu không cần cái lối thua trận giả vờ ấy, chú phải nói đến cùng với cháu! Ngô hay khoai? Khoa học không có nhượng bộ! Cô viết vậy. Ông cười tha lượng trong đêm. Thư trả lời, ông viết, vâng Phượng ạ, khoa học không có nhượng bộ, nhưng cuộc sống đôi khi cần tính nhượng bộ, và nó cũng thuộc về khoa học!

Họ cứ thư từ suốt đã hơn một năm trời. Nếu cộng lại thư họ dài tới vài cây số. Có lần ông mở hộp thư lưu của Phượng ra giật mình; vì nếu in ra, ông có một cuốn sách dày tới 400 trang không kém. Thế mà cách đây không lâu, người ta đã vội vàng dự đoán, khi thế giới tràn ngập máy tính thì không còn ai muốn viết thư nữa. ồ, thư bút, giấy mực thì có thể như vậy! Ông nghĩ.

Một bữa, cô gái từ trường về bị mưa. Thời tiết bên úc trái ngược với Việt Nam. Khi ở ta là mùa đông thì nơi ấy là hè và ngược lại. Cô gái bị cảm lạnh và rất khó ở vì “bệnh tim chết tiệt nó hành hạ cháu!”. Chuyện ấy, Phượng vô tình cho ông biết khi trả lời chậm trễ một lá thư ông. Thế là ông cuống lên, ông điện vào Sài Gòn, hỏi tên thuốc mà con ông rành hơn. Ông điện hỏi cả bè bạn, cả giáo sư chuyên khoa, cách ngừa phòng giữ gìn của người bệnh tim và những phản ứng phụ của thuốc trị liệu. Ông viết một thư dài cho Phượng, gửi cả thuốc sang tận úc, để nhận thư cám ơn và lời trách đùa: “Sau, cháu tự lo được, vì chú đã chở củi về rừng rồi!” Đêm đó, không hiểu sao ông lại nghĩ tới cảnh ngày xưa nằm một mình canh một kho đạn trong rừng. Thế là ông chép vài truyện cười gửi cho cô, lại tiện tay bấm nút cho tập thơ mới viết của ông bay đi. Gần hai chục bài thơ tình như dải mây trôi tới úc. Thơ thì khó lắm. Ngôn ngữ lại bảng lảng, chả cụ thể gì. Vì vậy Phượng đọc nó với tâm trạng vừa tò mò vừa hứng thú và sau là một tâm trạng đề phòng. Cô gửi về ông những nhận xét rất dè dặt nhưng chính xác về tình cảm và ý tưởng của tác giả. Cuối thư cô còn viết: “Sao chú buồn thế, hở chú?”

Đấy là điều hiếm, nhất là khi bây giờ nhiều người làm thơ, nên nhiều người đọc thơ hời hợt. Với ông, thơ rất khó. Trước khi quen Phượng, ông chỉ làm thơ khi không viết văn xuôi được. Những cảm giác lãng đãng khi không thể biểu đạt trong văn xuôi; những suy cảm mà nếu lưu giữ, đè nén, không viết ra, trở thành sự hành hạ, buộc ông phải viết. Ông tự nhận, so với văn xuôi, thơ ông còn non trẻ, lẫm chẫm, nhưng hồn hậu. Điều ấy, một thi sĩ bạn ông cũng từng nhận xét để khuyên ông nên tập trung cho văn xuôi. Nhưng ông cho là, việc gì phải từ bỏ nó. Bên cạnh văn xuôi, thơ như cái nạng nhỏ, giúp các truyện ngắn của ông có sức gợi. Sức gợi mở, đó là điều cần của thể loại văn xuôi hiện đại chăng? Ông nghĩ vậy.

Thế mà Phượng lại nhận xét khác. Cô cho là thơ ông hay hơn truyện! Ông cười trong đêm. Không vặn lại Phượng. Văn chương, sự thẩm ngấm nó, đôi khi cần cả vốn sống để nhận ra một cách sâu sắc những điều chìm đắm, ẩn giấu dưới con chữ, sự kiện.

Phượng dạo này khá rỗi. Cô viết vậy. Thế là ông có sáng kiến nhờ cô đọc những tiểu luận và truyện ông mới viết, cả những bài báo, trước khi ông đưa in. Thực kỳ lạ, ông viết rất hăng sau các thư của Phượng. Những cảm nhận của cô nhiều khi chưa đúng hẳn, nhưng giúp ông điều chỉnh những chi tiết và hành văn giản dị, trong sáng hơn. Cứ như thế, ông làm cho Phượng cũng vui, dù là cô không ý thức rằng, trong các tác phẩm của ông đã có cả, một chút thôi, hơi thở của Phượng, cô gái trẻ hà vào.

Tết năm ấy chậm chạp trôi qua. Ông viết gửi Phượng lá thư ngắn chúc tết. Cô gái đáp lại bằng tấm thiệp tràn ngập màu xanh với mẫu chữ rất điệu. Cái con Koala mắt tròn xoe cứ nhấp nhánh mà cô cài lên tấm thiếp làm ông bất chợt tủm tỉm cười. Đêm ấy, ông uống rượu tới khuya, hơi nhiều tại nhà một người bạn. Khi bước khỏi ngôi nhà ấm cúng, đầy phong vị tết của hai vợ chồng kia, ông bắt chợt cái lạnh leo xeo vuốt ve khuôn mặt. Ngửng lên trời thăm thẳm, ông chợt nhớ tới Phượng. Giá bây giờ có mưa nhỉ? Ông khát. Ông chợt nảy ra một tứ thơ và đi như chạy về nhà để viết. Bài thơ nhan đề Chờ mưa viết nhanh như dòng thác, chảy ào ra từ con tim ông, trong căn nhà nghe rõ tiếng những giọt khuya lộp độp rớt xuống từ tàn lá, mang theo cả hương của cây lan già. Bài thơ có mấy câu rất tha thiết, nói tới tâm trạng hanh hao của một con người luôn thèm yêu, bàng bạc cảm giác cô đơn. Thực tâm, ông không có ý tán tỉnh ai cả và có thể nghĩ vậy, nên ông bắn bài thơ lên trời, gửi cho cô bạn gái kênh tuổi ở xa kia, mong cầu chia sẻ, an ủi cả hai phía.


------------

(Còn nữa)
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Cõi Ảo (T/g: Nguyễn Văn Thọ)

Tiếp theo
-------------

Phượng đọc bài thơ ấy của ông khi mà cô đang nhớ nhà nhất. Thật vậy, nhiều bài thơ của ông làm cô xúc động. Nhưng bài thơ vừa nhận làm cô bàng hoàng. Cái đoạn: “…Tôi từng đêm đợi mưa/ như rừng khô tháng hạ/ như suối trơ sỏi đá/ Mưa có biết tôi chờ?…”, thực sự làm cô hoang mang về tình cảm của ông nhà văn kỳ quặc này. Cô lập tức viết lá thư ngắn. Phải ngăn chặn những ý nghĩ ấy từ xa! Thế là sau vài lời bình, cô nói rằng cô khó hiểu tình cảm của ông, cô hoàn toàn không chờ đợi điều đấy, cô hỏi: “Từ trước đấy chú sống thế nào, viết thế nào, khi chưa có Mưa?” Chữ mưa cô viết rõ to và trong ngoặc. Viết xong, cô bấm máy. Lá thư vút đi.

Nguyễn Thụ nhận được thư thì đã khuya lắm. Ông nhấn cái nút, lá thư hiện ra. Ông hoàn toàn bất ngờ với câu hỏi của Phượng. Những câu hỏi ngắn, thực ra cũng không có tâm địa nặng nề gì, nhưng vẫn như làn roi quất mạnh vào con tim ông. Nhất là khi ông đang buồn và khó ở. Ông cho là Phượng không còn tri kỷ nữa. Cô ấy trẻ quá! Rồi, ông lại tự trách mình đã thả nổi tình cảm, không lường hết khả năng sinh thành một đời sống tình cảm khác của người đọc. Sáng tác của ông, mỗi đứa con vừa ra đi, vừa thoát khỏi ngòi bút, đã không phụ thuộc vào ông nữa. Nó có một thân phận ngoài ý muốn của ông rồi. Điều ấy ông biết, nhưng thói tự ái của một người đầy nhạy cảm, trái tim rất dễ tổn thương lại xúi ông viết một lá thư phản hồi trách móc. Ông suy nghĩ một lát và hạ chữ vĩnh biệt ở cuối thư. Khi ấy, ông vừa có cảm giác xấu hổ vừa tự thương mình.

Gửi thư xong, ông ngồi lặng trong đêm. Hôm nay là một ngày không may. Vừa chưa hết sự tức bực do mấy chữ đã bị biên tập cắt đi trong một truyện ngắn của ông in số tết thì lại bị công an phạt khi ông đi ngược chiều ở sát đại sứ quán Pháp; giờ là lá thư đáng buồn này. Đêm lặng, hương lan già luồn vào nhà, lặng lẽ ngấm theo hơi thở của ông, làm ông dần bình tâm lại. Cô gái trẻ có quyền như vậy. Chính ông là người có lỗi. Ông nhớ lại chuyện với Phượng từ ngày đầu tiên để ân hận về sự nóng nảy của mình. Ông giật mình, chợt nhận ra từ đâu thăm thẳm, hình như, hình như…

Nhắm mắt lại, ông không dám nghĩ tiếp. Ông nhỏm dậy, lặng lẽ bật máy, xếp những lá thư của ông và Phượng vào một ngăn lưu trữ. Mái đầu chớm bạc của ông rung nhẹ. Một lát, ông nhấn nút, những lá thơ vụt nằm vào kho lưu trữ.

Ngoài trời, mưa xuân về, thưa và nhẹ.

Trong khi đó, Phượng đọc đi đọc lại thư ông tới cả chục lượt. Hơn năm nay, ông là người duy nhất liên lạc thường xuyên với cô. Thi thoảng lắm, cô mới gọi điện về Hà Nội cho mẹ. Người bạn trai của cô, mối tình đầu của cô cũng lười viết thư. Cô có cảm giác tủi thân khi chợt nghĩ, hình như khi cô đã thuộc về người ta rồi, thì người ta bỏ mặc cô ở đây và thi thoảng mới ngó tới. Tại sao cô nỡ trách cứ thô bạo tình cảm của ông già ấy để ông nổi giận và hạ lời vĩnh biệt? Phượng ngồi một mình trong gian nhà có thể nghe thấy tiếng tim cô đập. Cô hoàn toàn không có ai để đủ tin cậy mà trao đổi việc này. Có thể nguyên do đẩy tình cảm của ông tới trạng thái ấy vì lỗi ở cả cô nữa. Cô chẳng thường mong những lá thư của ông kia mà? Cô chẳng thường ngủ rất ngon với những bài thơ của ông ấy. Tại sao cô, một người tuy còn trẻ, có học thức, lại không còn lời nào tế nhị hơn để đẩy xa, tạo được khoảng an toàn với tình cảm của ông? Hay là, hay là chính sự đề phòng của cô cũng là sự dối lòng mình. Phượng khóc.

Ông ấy vĩnh biệt rồi. Lúc ấy, lòng tự ái làm cô không viết thư trả lời ông. Nhưng khi vừa ở trường về, cô vẫn bật máy rất nhanh không kịp cởi áo khoác. Màn hình chạy nhanh vệt tín hiệu rà soát thư từ như mọi khi mà cô cảm thấy hôm nay sao chậm thế! Chẳng có lá thư quen thuộc! Cô chợt nghĩ, chia tay nhau cũng phải rõ ràng, khoai ra khoai chứ! Thế là cô viết thư cho ông sau ba ngày im lặng. Thư cô viết mở đầu bằng lời xin lỗi. Lời xin lỗi của một người ít tuổi, đã làm ông buồn. Xin ông bỏ qua điều gì, nếu không phải. Cô nói, cô rất tôn trọng ông và giữ lại sự tôn trọng ấy. Cô mong ông hiểu, và tin là ông sẽ hiểu. Việc cô từ chối không cho ông số điện thoại cũng không phải sự coi thường ông. Cuối thư cô nhắc lại ông không nên vội vã tức giận, cô vẫn là một đứa trẻ với ông và luôn cầu mong ông sống hạnh phúc.

Làm xong việc đó Phượng như vơi đi gánh nặng. Cô thấy thanh thản và đọc hết toàn bộ hai chương của cuốn sách bàn về vai trò của ngân hàng thế giới với sự phát triển của hệ thống y tế trong các nước chậm tiến. Cô lấy bút ghi lại những thông tin cần thiết và sau đó tha thẩn ra bờ suối. Dòng suối trong vắt, nhìn thấy cả những viên sỏi màu hồng và những con cá có cái bụng trong suốt, vun vút lao vào đớp những mẩu bánh vụn của cô tung ra. Như thế là mình đã thanh minh về việc trót vô tình làm tổn thương con người ấy. Chắc ông ấy không trả lời mình đâu. Nhưng tại sao mình cứ quan tâm tới thư của ông ấy nhỉ? Cô cười nhạo cái bóng cô dưới con suối vì tự biết vì sao cô đã làm như vậy. Không, rồi cả tuần sẽ không bật máy. Có thư sẽ không trả lời. Cô nghĩ thế và quay về nhà yên tâm ngủ ngon trên chiếc đi văng màu vàng nhạt.

Lá thư của Phượng tới Hà Nội sau đó vài chục giây. Đó chính là lúc ông buồn nhất. Mấy ngày qua, ông nhận ra tình cảm của ông. Bởi thế, nên khi lý trí buộc ông gửi lá thư giã từ đi thì con tim ông đau đớn. Không muốn nghĩ đến Phượng nữa mà sao cứ nghĩ hoài. Tựa hệt như ông mất đi một điều gì đó vô cùng quý hiếm trong thời gian vừa qua. Cuộc hành trình của ông với Phượng hoàn toàn không vụ lợi về mặt thể chất. Ngay cả khuôn mặt cụ thể của cô, ông còn không tường nữa là. Một bức tranh tự hoạ của cô gửi về, bằng mầu sáp, cũng bảng lảng như thơ ông! Trong ông, từ khi khởi đầu đến hôm qua, bao nhiêu là bao nhiêu câu chuyện, không chỉ gợi cho ông về một tình yêu mà ông mơ ước. Cô gái thông minh đến thế, cô gái có dáng mảnh mai và mang một tâm hồn phong phú, đẹp, chinh phục ông bắt nguồn từ lòng biết ơn rất sâu sắc của cô với người mẹ, rồi những quan niệm, tâm từ, tình cảm của cô với công việc, con người, xã hội, từng ngày một cho ông nhận ra: “Con người ấy phải đẹp, nhưng cô còn trẻ quá!” Bấy nay, nó thực sự như điều gì cần đến đã đến, làm ông nối tiếp những suy cảm về cái đẹp, điều tốt đẹp, mặc cho là cuộc đời ông nhiều cay đắng và mất mát; mặc cho cuộc sống hàng ngày quanh ông còn quá nhiều điều bất cập và dung tục. Thư cô gái, sự giao lưu của họ, như một làn gió ấm trong đêm, làm tan hết sự trống trải không cùng của ông hôm nào. Trong cơn điên khùng của mình, ông lập tức phúc đáp và trình bày, phân tích tất cả những diễn biến tình cảm tự nhiên của ông. Ông nói cả nỗi buồn và sợ hãi trong mấy ngày qua. Ông viết ra cả mấy câu thơ trong bài thơ vừa viết. Để cuối cùng ông xuống dòng kết thúc bằng ba chữ: Anh yêu em!

Nhấn nút.

Lá thư vèo bay như một tia chớp xanh rơi vào hộp thư của Phượng, rồi nằm đó được hai ngày. Phượng nhất quyết không mở máy đã hai ngày. Nhưng buổi tối hôm đó cô không thể không ấn vào cái nút gọi Email trên màn hình, ánh chớp vút xuống làm cô choáng váng.

Bốn câu thơ của người ấy, cái người tên là Nguyễn Thụ ấy, thực sự làm cô bàng hoàng:

- Anh yêu em,

sợ chậm buổi chiều

lỡ câu hẹn, gió mang lời trăng trối

sợ…đứt một ngọn cỏ, trên đường em bước vội

sợ, làn hơi dứt quãng nụ hôn..


Phượng đọc đi đọc lại lá thư của ông. Cô nhớ lại suốt thời gian gần hai năm vừa qua. Cũng giống như ông, cô đã nhiều khi hờn giận, nhiều lần trông đợi. Bấy lâu nay, ở đâu cái biên giới giữa trò đùa vô hại và những tình cảm có tính tích tụ, rồi trở nên khắc khoải, trạng thái yêu rất thực tâm xuất hiện trong con người cô? Sự chân thành của ông ư? Những quan tâm và lo lắng rất chi tiết của ông suốt gần hai năm ư? Cô không sao tự rạch ròi phân định ở đâu, điều gì đã đẩy tình cảm của cô dần phát triển, không lường hết, xóa bỏ cái trò đùa ban đầu của cô.

Nhưng cô có người yêu rồi. Cô không có lý do gì để cắt bỏ người ta, mặc cho là nếu so sánh thì cô cảm thấy cái người tên Nguyễn Thụ kia yêu cô đắm say và mạnh mẽ hơn, biểu hiện chăm lo kỹ càng và chi tiết hơn. Ông ta sâu sắc hơn cái người cô từng yêu trước. Mặc cho là ông hơn cô nhiều tuổi, không trẻ bằng cái hoàn cảnh có sẵn của cô. Sao con người ông lại bất hạnh thế? Sao cuộc sống lại trớ trêu vậy? Nếu như ông ấy tỏ ra, một chút thôi, dùng vật chất để mua chuộc cô thì thực dễ hiểu, dễ giải quyết; đằng này, toàn bộ hành trình quen biết giữa cô và ông chỉ có mối quan hệ tinh thần thuần tuý và luôn đặt nó lên trên các giá trị vật chất. Có lẽ cô cũng yêu ông rồi, và như thế thì thực đáng trách, dù cô không hề lợi dụng ông. Thậm chí tình cảm của ông, của cô giờ đây chỉ đầy giày vò, đau khổ.


-----------
(Còn nữa)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Cõi Ảo (T/g: Nguyễn Văn Thọ)

Tiếp theo và Hết
----------

Cô phải nói rõ mọi chuyện cho ông ấy, trực tiếp bằng điện thoại. Nói rõ rằng, cô có bạn trai rồi. Phải rõ ràng! Nghĩ vậy, Phượng lục tìm số máy của ông và ấn phím.

Đầu dây bên kia im ắng tới ba bốn giây gì đó, rồi vọng ra một giọng rất ấm áp. Ông ta! Tự nhiên Phượng run lên. Cô không đủ sức để nói lời dự kiến. Cái giọng bên kia càng ấm áp bao nhiêu, dồn dập bao nhiêu thì cô càng lúng túng bấy nhiêu. Đột nhiên, không hiểu vì sao, cô rơi thỏm vào trạng thái hoàn toàn bất lực. Phượng bật khóc.

Ông hoàn toàn bất ngờ khi đã nửa đêm rồi. Ông bột phát nói lên những lời âu yếm nhất để khuyên giải cô gái nín đi. Ông nói rất chậm rồi nhanh như sợ đường dây vụt đứt giống hệt hồi nào trong một trận chiến đấu. Cả hai đều nghe rất rõ hơi thở của nhau, sắc thái của giọng nói, tiếng khóc và tiếng đồng hồ tích tắc trên bàn vọng vào.

Phượng sợ hãi tắt máy. Cô lăn ra đi-văng bưng mặt. Nước mắt phương xa thấm ướt cả cái gối mềm. Trời ơi, tưởng gỡ ra lại buộc vào!

Sau đó là thời gian đẹp nhất của hai người. Họ trao đổi thư dày đặc hơn. Cô gái nhận những bài viết của ông đọc và trao đổi rất thành tâm những chi tiết sai sót trong tầm nhận thức của cô. Thậm chí, nhà văn nào chả có câu viết vội, cô mạnh dạn sửa chữa như một người thư ký cần mẫn và bôi hồng những đoạn ấy cho ông đỡ mất công tìm kiếm. Có lần hứng khởi, cô còn dịch ra tiếng Anh mấy đoạn thơ của ông viết tặng. Rồi cô còn làm ông lúng túng khi viết cho ông lời một bài hát: as long as you love me(3)! Phượng cũng không gọi cô với từ chú nữa. Mở đầu những lá thư bây giờ, cô đề: Anh Thụ ơi! Chữ viết bằng máy, mà đôi khi ông cảm giác, hình như cô nắn nót lắm thì phải.

Mùa ấy có một hội thảo văn chương ở úc. Như duyên trời đã định, do mối giao tiếp, người ta đích danh mời ông tham dự với tư cách một nhà văn viết về chiến tranh. Nguyễn Thụ chuẩn bị hành trang nhanh và gọn nhẹ. Ông báo cho nhà xuất bản, cơ quan ông, sẽ ở lại úc thêm một tuần vì lý do riêng. Ông sẽ dành bất ngờ cho Phượng, không báo trước cho cô. Ông dò hỏi kinh nghiệm vào úc của bè bạn, lên phố trên mua một vài thứ quà Việt Nam cho Phượng và bạn văn. Dự tính như thế, nhưng ông không kiềm lòng được, để ngày đầu tiên đến úc, ông tới phòng máy tính của khách sạn viết thư báo cho Phượng, tin ông sẽ tới thăm cô. Buổi tối ấy, cũng không thể kìm lòng, ông lại gọi điện thoại cho Phượng.

- Anh ở cách em có hơn ba trăm cây thôi! Anh sẽ tới. Anh yêu em, Phượng ơi!

Đầu máy bên kia có giọng Phượng. Cô không giấu nổi ngạc nhiên về tin bất ngờ này và ngồi phịch xuống ghế sau cú điện ngắn, thở mạnh.

Suốt đêm ấy Phượng không ngủ. Cô không thể tưởng tượng ông lại có mặt tại xứ sở này. Cô giật mình khi nghĩ tới việc, chỉ một tháng nữa thôi cô sẽ kết thúc khóa học trở về Việt Nam. Cô sẽ gặp lại người yêu năm xưa của cô. Bây giờ ông đến đây, trong căn phòng chỉ có một chỗ ngủ này, cô xử lý thế nào.

Phượng đã yêu ông, nhưng cô chưa dứt khoát rõ ràng với người yêu cũ, mà theo kế hoạch trước khi đi thì chuyến về này cô và anh ấy sẽ thành hôn. Bây giờ đối mặt với thực tế, Phượng thấy hoàn toàn khó xử. Cô còn trẻ. Vâng, còn trẻ, nhưng vốn kiến thức nghề nghiệp của cô, những nhận thức của cô về phân tâm học, về sức mạnh của bản năng để cô hoàn toàn ý thức được những điều có thể xảy ra ở gian phòng này, mà cô thì chưa muốn, không muốn như vậy. Liệu cô có đủ bản lĩnh để chế ngự được những tình cảm mãnh liệt của ông không? Nếu như cuộc tình cũ của cô rõ ràng rồi, thì việc để ông ở tới đây, khi người ta yêu nhau hết mình, tất cả sẽ không còn là vấn đề. Suốt đêm Phượng tự đối thoại, đôi co với chính mình như vậy. Rõ ràng, cô đang đứng trước một bờ vực mà người ta phải nhảy qua nó để tới nơi phải đến.

Phượng suy nghĩ một lát và nhấc máy.

Đầu bên kia là cô nhân viên khách sạn nơi ông ở. “Vâng, chúng tôi sẽ báo cho khách của chúng tôi. Cám ơn bà. Xin bà vui lòng để lại địa chỉ và tên họ.”

Ông trở về sau bữa tiệc chiêu đãi ăm ắp men say. Người ta báo với ông có điện thoại, có thư gửi cho ông trên hộp email của ông. Đã hai giờ đêm rồi. Ông tới phòng máy tính dùng chung cho khách để lấy thư, in ra bằng chiếc máy lade rất xịn. Thì ra Phượng đã tự lượng sức mình mà có lá thư này. Cô viết: “Em không dám gọi điện cho anh. Hãy bình tĩnh nghe em nói. Em biết rằng anh rất yêu em, em cũng yêu anh, nhưng thực tệ bạc và xấu xa nếu che giấu anh những điều mà em nói ra hôm nay… “

Ông nằm vật ra giường. Cái đệm khách sạn thơm dịu và êm ái đến thế mà ông không sao chợp mắt. Phượng đã kể tất cả. Cô đề nghị ông nên suy nghĩ kỹ nếu như tới chỗ cô ở. Lời lẽ trong thư mộc mạc và lộn xộn, nhưng đủ hiểu. Cái bức màn kéo toang cả ra, trước mặt ông là sự thực. Sự thật mấy khi đẹp như điều ông ao ước, say đắm bấy nay. Sự thật thực phũ phàng, nhưng “cô ấy là một người trung thực!” Suốt đêm ông suy nghĩ, miên man đau đớn và sớm sau quyết định.

Ông trở về Việt Nam ngay chiều hôm sau, khi đã gửi lá thư viết cho Phượng cùng gói quà mà ông cất công mang từ Việt Nam . Không, em chưa hiểu hết tôi! Ông nhận xét như vậy và cố gắng viết những dòng thư vắt từ con người của ông.

Ngày hôm sau khi ông có mặt tại Hà Nội thì cô Phượng cũng nhận được thư và quà của ông. Phượng mở lá thư viết trên tờ giấy A4 trắng muốt. Đây là lần đầu tiên cô đọc thư ông với nét chữ rất khoáng đạt. Thư viết:

Phượng yêu dấu,
Thực là đau lòng trước sự thật mà em đã kể. Nhưng một lần nữa tôi hiểu, em là người con gái rất đẹp trong tâm tưởng bấy nay tôi hằng ao ước. Có lẽ chúng ta phải chấm dứt mối quan hệ này vì cuộc sống không thể sống với thế giới ảo. Dù là cái ảo bao giờ cũng đẹp, thậm chí rất đẹp, đi xa hơn nhiều cõi thực. Tôi đã yêu em. Tôi vẫn yêu em, nghĩ về em mãi mãi. Nhưng người ta không thể cùng một lúc uống hai loại trà hương khác nhau, và tôi sẽ ra đi, vì tôi hiểu được những đau khổ và hạnh phúc của cuộc đời. Sự mất mát lần này làm tôi cảm giác, coi là không có gì sánh nổi, nhất là khi tôi, con người ta khó có cơ hội, cơ duyên để kiếm tìm một người như em. Tôi phải ra đi thôi, vì dù sao tôi còn có đủ nghị lực và kinh nghiệm để vượt qua nó. Đồng thời, có thể, sự chịu đựng của một người đã trải qua nhiều mất mát dễ dàng hơn anh bạn trẻ của em. Tôi mong cầu em hạnh phúc. Đủ thời gian để nhìn rõ tình yêu của mình. Hãy tự hỏi trái tim, chờ khi nó thật yên tĩnh trong thanh vắng nhất! Thực là đáng tiếc, nhưng có lẽ phải như vậy, bởi vì tôi yêu em. Tôi yêu em và tôi vẫn sợ đứt một ngọn cỏ.., sợ làn hơi dứt quãng.. như ngày nào tôi viết. Vĩnh biệt !.


Phượng đã ngẩn ngơ cả một tuần sau đó. Nhưng công việc bảo vệ luận án ngập đầu cuốn cô đi và nghị lực của cô đã giúp cô vượt qua tất cả. Ngày cô nhận bằng tốt nghiệp Master xuất sắc, bao nhiêu lời chúc và hoa của giáo sư và bè bạn, thế mà chiều xuống cô vẫn bâng khuâng như thiếu vắng điều gì.

***
Phượng quay về Việt Nam. Tại Hà Nội cô gửi cho ông dăm lá thư nữa, nhưng hoàn toàn không có hồi âm.

Nhưng hình như mọi sự đều tương đối.

Kế hoạch, dự kiến của bạn trai cô và gia đình về lễ cưới dây dưa tới đầu năm sau. Mùa xuân năm nay Phượng đã 28 tuổi. “Con đã đến lứa rồi đấy! Còn kén cá chọn canh gì nữa. Nó hiền như đất ấy mà”. Đã bao lần mẹ cô giục giã với đôi mắt gần như van lơn. Và, Phượng chấp nhận.

Trước lễ cưới một tuần, Phượng bỗng nghĩ đến ông. Ông ấy thực là một người tốt. Cô luôn luôn có ý nghĩ ấy trong đầu. Hôm cô đi chọn cà-vạt cho chú rể cô còn nghĩ: “Giá mà mình chọn cái này cho ông ấy nhỉ? Bây giờ ông ấy sống ra sao? Hay là viết thư hỏi toà soạn địa chỉ của ông ấy? Người ta cười chết! Những bài thơ của ông ấy vừa in mà mình mới đọc, sao càng buồn thế! Hay là mình có lỗi? Có lẽ phải viết cho ông ấy lá thư cuối cùng.”

Phượng ngồi vào bàn máy. Cô gọi trong chớp mắt ra địa chỉ ông. Cô ngồi im lặng một lát, rồi cô viết, vừa khóc vừa viết. Thư của cô kể bao nhiêu chuyện từ ngày bặt tin ông. Cô kể rằng, cô yêu ông, vẫn nhớ đến ông mà không biết bây giờ ông ở đâu và ai là người thay thế cô sửa chữa những câu viết vội? Cô kể cho ông hay, nếu ông tới hôm ấy, chắc chắn bây giờ chúng ta đã thuộc về nhau rồi! Đã ba bốn lần Phượng phải dừng lại để lau nước mắt. Lá thư cô như một dòng suối từ nguồn vô tận chảy ra, tưởng như không biết dừng ở chỗ nào.

Phượng lấy giấy thấm nước mắt. Cô kể về ngày cưới của cô sắp tới?

Không! Như thế thì ông ấy đau đớn lắm! Cô dừng lại.

Cô tin là như vậy. Con người ấy chịu bao nhiêu mất mát của cuộc đời rồi, sao cô lại làm trái tim ông ấy bầm rát lần nữa. Hay là ông ấy đủ sức vượt qua tất cả? Như ông ấy từng viết cho cô: “Cuộc sống này, tự thân nó chẳng có ý nghĩa gì cả, ngoài việc sinh con đẻ cái, nối dài cái phần xác của mình; ý nghĩa của cuộc sống có được là nằm trong tay mỗi đứa chúng ta!” Ông ấy làm bao nhiêu điều cho cô, không chỉ cho cô, thực trung thành với điều ông tâm nguyện, nói cho cô ngày nào: “Trước khi viết một điều nhân ái, phải biết tập sống nhân ái. Khó lắm, nhưng phải thế!”

Ông ấy như vậy. Như vậy thì ông ấy sẽ nghĩ gì về cô nhỉ?

Phượng dừng lại. Cắn chặt môi mà nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Không, cô tin là ông ấy sẽ tha thứ cho cô tất cả. Mọi điều cô viết chỉ làm ông ấy đau lòng nữa mà thôi.

Phượng lấy giấy lau nước mắt. Ngửa đầu ra ghế, nhắm mắt vài phút.

Cô tháo cặp kính ra. Bình tĩnh lại!

Cô ngỗi bất động tới nửa giờ như hóa đá trước bàn máy. Rồi cô thong thả lau rất kỹ cặp kính của cô, cặp kính đã hai năm nay, từ sau buổi hẹn đầu tiên ấy, cô đã mua nó, mang nó để viết cho ông bao nhiêu là lá thư.

Phượng lấy giấy lau sạch những vết mờ trên cặp kính cận lần nữa.

Cô mở tất cả thư của ông trong lưu trữ ra. Cô lấy con chuột kéo những lá thư đi rất chậm, nhìn lại một lần cuối cùng những dòng chữ thương vô bờ của ông.

Xong, cô nhấn nút, nhấn nút.

Toàn bộ thư từ, cả thư cô mới viết, tất cả, bị dòng tín hiệu chạy nhằng nhằng liên tục, xanh lét nhấn chìm, vụt biến.

Một vài giây sau trời sang chiều. Ngoài trời bỗng mưa như thác và từ nhà thờ lớn đột ngột vang lên hồi chuông dài. Chuông ngân nga, lan xa, trong vắt hoà vào thác mưa trắng xoá ngút ngàn trùm lên thành phố, lên đường phố, cuốn theo tất cả bụi bậm sinh ra sau một ngày mệt nhoài, một ngày với bao loại người cùng phương tiện chuyển động với tốc độ của thời kỳ điện tử digital. Thản nhiên, mưa cũng trùm xuống nơi có ngôi nhà nhỏ, nơi cây lan già nghiêng nghiêng, tháng năm vẫn thầm thả hương. Và, mưa làm nhoà ướt đẫm khuôn mặt thanh tú của một cô gái đang đứng giữa trời. Khuôn mặt chẳng vui, chẳng buồn, mơ hồ lắm của một người con gái tên Phượng.,.

N.V.T.


------------------
(1): Web: Trang tin mạng Internet, nơi có thể mọi người viết lên đó là những vấn đề cùng trao đổi.
(2)Email: Thư điện tử
(3)As long as you love me: Khi nào anh còn yêu em





---------
HẾT​
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
2,398
0
36

Mexecuazin

Active Member
Ðề: Cõi Ảo (T/g: Nguyễn Văn Thọ)

sao mình ghét đọc chuyện dài thế, từ sáng toét cả mắt..chị ơi, có chuyện tranh k, up lên đê...
 
741
0
16
Ðề: Cõi Ảo (T/g: Nguyễn Văn Thọ)

Hôm nọ được đi nghe anh Thọ nói chuyện về tác phẩm anh viết. Gọi là "anh" nhưng chắc anh cũng xấp xỉ lục tuần rồi. Mới biết anh là một người lính, đã từng chiến đấu chống Mỹ, rồi sang Đức định cư từ những năm 90. Anh là người viết rất hay về cuộc sống của những người Việt tha phương thời xuất khẩu lao động. Trong các tác phẩm mình ấn tượng nhất truyện "Quyên", kể về cuộc sống khốc liệt của những người Việt vượt biên ở châu Âu.
 
816
0
16

Linh mèo

Member
Ðề: Cõi Ảo (T/g: Nguyễn Văn Thọ)

Em cũng thích truyện "Quyên", rất cảm động :(
 
Top