Con chỉ khoe thành tích, giấu khuyết điểm – Cha mẹ nên làm gì?

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Khoe thành tích, giấu khuyết điểm – Cha mẹ cần hiểu rõ con cái đang che giấu những gì?

Hiện nay, do môi trường giáo dục của gia đình mà rất nhiều học sinh đã hình thành một thói quen xấu, đó là chỉ báo cáo với cha mẹ những chuyện vui, những chuyện đáng tự hào, và giấu kín những chuyện mà chúng cho là đáng trách. Đối với vấn đề này, điều đầu tiên cha mẹ cần phải làm là phân tích, làm rõ nguyên nhân từ chính bản thân mình, tự đặt ra những câu hỏi như: liệu có phải mình đã đòi hỏi, kì vọng quá cao ở con hay không? Có phải mình đã phê bình con một cách quá đáng? Hay cách mình đối xử với con là quá cứng nhắc và không khéo léo? Nếu như bạn trả lời là «có» với một trong số những câu hỏi trên thì cũng có nghĩa rằng: bản thân cha mẹ trước tiên phải thay đổi hành vi ứng xử của chính mình, sau đó mới mong thấy được sự tiến bộ của con cái.

Ai ai cũng biết, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái luôn cần có sự đồng cảm và sẻ chia, tuy nhiên, khi vấp phải trường hợp con cái của mình chỉ khoe thành tích, còn khuyết điểm thì che đậy, cha mẹ nên giải quyết như thế nào? Đây có thể được coi là một vấn đề nan giải của khá nhiều phụ huynh.

Trong cuộc thảo luận về ảnh hưởng qua lại giữa cha mẹ và con cái, một vị phụ huynh chia sẻ: Đã 3 năm nay, đứa con gái của tôi có một tật xấu là bất kỳ chuyện gì, nó đều nói một cách có chọn lọc, chỉ nói những điều hay, và báo cáo sai sự thật những điều chưa tốt. Dù ở trường nó bị thầy giáo phê bình là thường xuyên không hoàn thành hết bài tập, nó đều giấu, không nói nửa lời, theo mọi người, tôi nên làm thế nào?

Thực tế, đây là vấn đề khó giải quyết của đa số các bậc phụ huynh.

“Báo hỷ”, tức là báo cáo với cha mẹ những chuyện vui mà con cái hi vọng sẽ nhận được sự khen ngợi hay đánh giá cao từ phía cha mẹ. “Bất báo ưu”, tức là con cái vì một số lí do như lòng tự tôn quá lớn, cảm giác tự ti quá cao, vì muốn giữ hình ảnh “cái tôi” của mình, hay vì muốn trốn tránh sự chỉ trích, la mắng của cha mẹ mà đem những chuyện không hay, những chuyện đáng trách giấu kín trong lòng. Và khuynh hướng này được bộc lộ rõ nét ở những đứa trẻ có tính cách hướng nội.

Có thể nói, thói quen trên của con cái là do gia đình tạo nên. Có rất nhiều gia đình, khi con cái thông báo kết quả học tập, cái họ quan tâm chính là điểm số. Điểm số cao thì họ vui mừng, điểm số thấp thì họ tức giận. Không những thế, họ còn chỉ trích, la mắng con cái. Vì thế, con cái vì không muốn bị cha mẹ trách phạt đã giấu diếm không nói gì khi chúng đạt điểm thấp. Có gia đình thì lại đối xử với con cái quá nghiêm khắc, đòi hỏi quá cao, không dễ dàng bỏ qua cho con khi chúng mắc sai lầm. Và một khi chúng mắc lỗi, các bậc phụ huynh liền xét nét, quở trách không ngừng, thậm chí còn đánh chửi. Chính bởi những nguyên nhân này mà con trẻ luôn cố tìm cách để che đậy những chuyện không hay vì chúng sợ sẽ khiến cha mẹ tức giận. Thậm chí, đôi khi chúng còn cố lấy lòng cha mẹ bằng cách nói dối, biến chuyện đáng trách thành đáng khen.

Trước sự nghiêm khắc, cứng nhắc của gia đình, con cái chỉ còn biết cách báo cáo với phụ huynh những việc đạt thành tích tốt để nhận được những lời khích lệ, ngợi ca, tán thưởng. Ngược lại, chúng mang những lỗi lầm, những chuyện không hay giấu kín trong lòng để né tránh sự chỉ trích từ phía gia đình.

Do đó, khi con cái mắc tật xấu “khoe thành tích, giấu khuyết điểm”, các bậc phụ huynh không nên phê bình, chỉ trích, chửi mắng một cách tuỳ tiện, vô căn cứ. Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là phân tích, làm rõ nguyên nhân từ chính bản thân mình, tự đặt ra những câu hỏi như: liệu có phải mình đã đòi hỏi, kì vọng quá nhiều ở con hay không? Có phải mình đã phê bình con một cách quá đáng? Hay cách mình đối xử với con có phải là quá cứng nhắc và không khéo léo? Nếu như bạn trả lời là «có» với một trong số những câu hỏi trên thì cũng có nghĩa rằng: bản thân cha mẹ trước tiên phải thay đổi hành vi ứng xử của chính mình, sau đó mới mong nhận được sự tiến bộ từ con cái.
Để con cái không tiếp tục tái phạm thói quen “báo hỷ, bất báo ưu”, cha mẹ nên chú ý đến những điểm sau:

Lời khuyên thứ nhất cho cha mẹ: Coi trọng với những ưu điểm và "rộng lượng” với những thiếu sót của con ; tích cực biểu dương, hạn chế phê bình.


Khi con cái khoe với cha mẹ rằng hôm nay chúng được thầy cô giáo khen, kì thi vừa rồi đạt kết quả cao thì cha mẹ nên khen ngợi con cái, nên thể hiện rõ cho con cảm nhận được rằng chúng đã cố gắng và có tiến bộ và khiến chúng cảm thấy vinh dự khi làm được những điều như vậy. Từ đó, chúng sẽ ngày càng nỗ lực hơn nữa để tiếp tục dành được niềm vui đó.

Ngược lại, khi con cái có kết quả không như mong muốn, không như cha mẹ kì vọng, các bậc phụ huynh cũng đừng quá quan trọng hoá vấn đề, đừng làm cho mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn mà vội vàng trách cứ con cái. Điều này chỉ càng khiến tinh thần chúng suy sụp, chán nản, không biết làm thế nào. Những lúc như thế, cha mẹ nên nói với con cái rằng: “Đây không phải là lần cuối cùng, hãy cố gắng thêm chút nữa, cha mẹ luôn tin rằng con nhất định sẽ làm được tốt hơn thế. Nào chúng ta cùng xem tại sao con lại như thế….” Như thế, các em sẽ nhận thấy rằng cha mẹ luôn là người ở bênh, mãi là người an ủi, động viên và ủng hộ các em. Với sự giúp đỡ của cha mẹ, con cái sẽ dễ dàng nhận ra nguyên nhân của sự thất bại, và rồi tìm ra phương pháp thích hợp để tiến bộ. Nếu như con cái có thói quen “khoe thành tích, giấu khuyết điểm”, cha mẹ nên giúp con cái sửa chữa thông qua những việc làm cụ thể: Khi con nói ra những điều “không mấy vẻ vang”, thứ nhất, cha mẹ không được tức giận ; thứ hai, không phê bình ; thứ ba, không chửi mắng, đồng thời nói cho con cái biết, việc làm đó là biểu hiện của sự trung thực, mắc lỗi là chuyện nhỏ, nhưng có đủ dũng khí để thừa nhận lỗi lầm đó mới là điều khiến cha mẹ vui lòng.

Lời khuyên thứ hai dành cho cha mẹ: Thường xuyên trao đổi, chia sẻ với thầy cô giáo của con, cố gắng hiểu con một cách toàn diện.

Cha mẹ nên nói chuyện với thầy cô giáo của con nhiều hơn để có thể nắm được tình hình học tập ở trường của con. Nếu như phát hiện ra những điều con cái nói với mình không giống như những gì thầy cô giáo phản ánh, cha mẹ cũng không nên vội vàng trách mắng con. Vì như thế, nhất định chúng sẽ không tự nguyện nói ra, hoặc là sẽ tìm cách để nói dối cha mẹ. Cha mẹ cũng đừng nên giận quá mất khôn mà đánh chửi con cái vì điều đó rất có thể khiến cho chúng cảm thấy không chịu đựng nổi và sẽ chống đối lại. Bạn cũng có thể gác chuyện con cái che giấu khuyết điểm sang một bên, đồng thời, hãy nói chuyện với con, giúp đỡ chúng tìm ra nguyên nhân thất bại. Như thế mới cha mẹ sẽ giữ được thể diện cho con và giúp chúng ngày càng tiến bộ. Khi con cái cảm nhận được may mắn khi luôn có cha mẹ ở bên hỗ trợ, chúng sẽ chủ động tìm đến cha mẹ để chia sẻ những sai phạm, cùng cha mẹ tìm ra nguyên nhân cũng như cách giải quyết sự việc.

Ngoài việc thường xuyên trao đổi với các thầy cô giáo, cha mẹ cũng nên nói chuyện với bạn học của con cái để nắm bắt tình hình. Có rất nhiều vấn đề của học sinh mà các thầy cô giáo không thể hiểu rõ được, mà chỉ có những người bạn thường xuyên trò chuyện, vui chơi cùng con mới thực sự thấu hiểu.

Tóm lại, khi con cái mình mắc phải thói quen “khoe thành tích, giấu khuyết điểm”, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh, nhất quyết không được nổi nóng. Mặt khác, cha mẹ cũng cần phải làm gương cho con cái, chú ý đến lời nói, hành động của bản thân. Và một điều vô cùng quan trọng đó là cha mẹ nên tạo ra cho con cái một không khí thoải mái, một cái nhìn rộng lượng, chứ không phải là khiến con cái của mình phải chịu những áp lực tâm lí.

http://www.lamchame.com/forum/content.php/918-Con-Khoe-thành-tích-giấu-khuyết-điểm-cha-mẹ-nên-làm-gì
 
Top