'Con muốn mua vài giờ làm việc của mẹ...'

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
"Con biết, một giờ làm việc của mẹ có thể kiếm được một số tiền khá lớn. Nhưng xin mẹ hãy dành một ít thời gian cho con. Nếu đối với mẹ, tiền vẫn là trên hết, thì con muốn "mua" một vài giờ làm việc của mẹ, được không ạ?".

Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THCS Nguyễn Du, Tam Kỳ, Quảng Nam) bày tỏ trong bài viết gửi tới cuộc thi "Bố mẹ ơi, con muốn nói" do Công ty cổ phần sách Thái Hà tổ chức suốt 1 năm qua.
Đáng lưu ý, trong số gần 1000 bài viếtcó đến 87% bày tỏ bức xúc của mình với cha mẹ, chỉ một số rất ít bày tỏ tình yêu, lời cảm ơn, tri ân đến đấng sinh thành.

"Mua" một vài giờ của mẹ?

Thu Hiền viết: "Mẹ có biết con mặc cảm thế nào khi cô giáo bảo chỉ có mình con là không có phụ huynh đi họp. Nếu là trước kia thì con chịu đựng được, nhưng bây giờ, gia đình mình đã khấm khá hơn trước nhiều, tại sao mẹ không dành thời gian quan tâm tới con?".

Dù đã học gần hết cấp 2, nhưng Trần Thị Tuyết Trinh (Trường THCS Phong Hải, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) vẫn nhớ đau đáu câu chuyện bố không quan tâm và dành thời gian cho mình từ hồi còn học lớp 3.

Sau nhiều năm dồn nén, Tuyết Trinh đã bật ra qua từng câu chữ: "Cô giáo cho bài tập và bảo nếu không làm được bài thì cứ về nhà hỏi ba để ba giải cho. Con luôn tự hào về ba nên cược với tụi bạn: “Ba tao sẽ giải đúng nhất”.

Về nhà con thấy ba đang ngồi xem tivi, con vui vẻ đưa cho ba câu hỏi, trong lòng con nghĩ ba sẽ vui vẻ trả lời câu hỏi của mình. Nhưng ngoài sức mong đợi của con, ba quát: “Phải tự học chứ, hỏi ba làm cái gì?”. Buồn cộng thất vọng, không biết mai trả lời sao với tụi bạn nữa. Rằng ba tao không giải à?

Thế là cả ngày hôm ấy, con ngồi lì trong nhà, không chịu đi học. Ba hỏi sao con không đi học, con không chịu nói khiến ba tức giận lấy roi ra đánh con vài cái, con khóc vì đau cả ngày hôm ấy. Và trong suy nghĩ của con là con ghét ba. Lần đánh đó đau và bây giờ vẫn còn đau. Con nghĩ là từ đó con không hay ngồi nói chuyện với ba. Và ba cũng thế, ba quá vô tâm mà không biết con dỗi ba chuyện ấy và cũng không thèm quan tâm. Chắc ba cũng không nhớ chuyện này đâu nhỉ? Nhưng con thì nhớ mãi".

Cũng trong một tâm trạng tha thiết mong mỏi, khát khao mẹ dành thời gian quan tâm đến mình, em Nguyễn Phượng Anh, (HS lớp 8 một trường cấp 2 của thành phố Thái Nguyên) đã tâm sự: "Mẹ đã không hiểu tôi, mẹ không giống với những gì tôi luôn luôn mong muốn. Lúc nào mẹ cũng cáu gắt với tôi, lúc nào mẹ cũng mắng, cũng quát khi tôi làm một việc gì đó không vừa lòng mẹ.

Tôi ở cái tuổi 13-14, cái tuổi dở ương dở chứng và luôn gặp nhiều rắc rối. Nhưng có bao giờ mẹ quan tâm nhiều đến tôi đâu. Thời gian chính mẹ chỉ dành cho việc lên lớp. Thời gian còn lại mẹ dạy thêm ở nhà hoặc soạn bài lên lớp. Nhiều lúc rảnh mẹ lại lên ngồi vi tính truy cập internet và bảo mẹ cần biết tin tức ngày hôm nay. Giá như tôi và mẹ có thể trò chuyện nhiều hơn..."

"Tung hỏa mù" để mẹ nghe con

Những bức thư các em gửi đến là những nỗi buồn từ trong sâu thẳm các em đang còn vị thành niên.

Đó là những câu chuyện bức xúc, luôn âm ỉ trong lòng mà các em khó có thể mở lòng với bố mẹ.
Rất nhiều những tâm sự của các em cho thấy, dù đầy đủ điều kiện vật chất nhưng lại bị "bỏ đói" tình cảm, khiến các em thèm khát những lời yêu thương, hỏi han chia sẻ, thèm một người lắng nghe và hiểu mình.

Em Nguyễn Hồng Nhung, HS lớp 10 (bài viết được lọt vào top 30) kể rằng, lúc học lớp 9 thì nhất nhất mọi điều đều nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ.

Nhưng từ khi lên lớp 10 thì nhận thấy mọi quyết định của cha mẹ không còn đúng như trước. Chỗ học thêm bố mẹ bảo tốt nhưng Nhung học lại không hiệu quả và mất thời gian. Trao đổi thì mẹ bảo "không muốn nghe lời mẹ nên mới như vậy". Từ đó, việc trao đổi với bố mẹ dần dần cách xa.

"Em rất muốn đón em từ trường học về mẹ hỏi chuyện ở trường ra sao, có mối quan hệ nào chưa... Nhưng mẹ im lặng và em cũng im lặng suốt cả quãng đường dài về nhà", Nhung bộc bạch.

Chia sẻ với các em, bà Nguyễn Thị Lan Minh - Chuyên viên cao cấp (Trưởng ban truyền thông, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Giám đốc chương trình "Cửa sổ tình yêu") thẳng thắn: "Có lúc nào các con nghĩ cha mẹ đang rất bận, nhiều áp lực? Nếu muốn mẹ nói chuyện thì nên "tung hỏa mù". Ví dụ, con có chuyện rất bí mật hay trường con hôm nay có một vụ đình đám,... nhưng chưa nói ngay mà tối mới nói. Chắc chắn lúc đó cha mẹ sẽ tò mò và tìm cách hỏi chuyện con".

Bà Minh cũng kể một câu chuyện về con gái một người bạn đang học lớp 8.

Trong một buổi hội thảo về quyền trẻ em, cô bé đã rất bức xúc khi đưa ra câu chuyện của mình.
Một lần đi học về thấy thợ đang dọn bộ loa, đài âm ly lên phòng mà trước đó không thấy cha mẹ nói gì. Em đã hỏi mẹ thì nhận được câu: "Phòng của chị, nhưng nhà của tôi". Bà Minh đã bật ghi âm và sau đó nói chuyện lại với bố mẹ cô bé.

"Khoảng 2 ngày sau, cô bé này gọi điện cho tôi và mừng rỡ khoe, bố mẹ đã xin lỗi cháu. Cháu thích quá vì người lớn đã biết xin lỗi", bà Minh kể.

Qua đây, bà Minh thẳng thắn trao đổi, để cha mẹ gần gũi hơn với con cái thì chính con cái cũng phải có nghệ thuật gợi mở chuyện.

Phải tạo cho cha mẹ cơ hội để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ. "Cha mẹ chính là chỗ dựa tin cậy nhất để con cái có thể chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình".
  • Theo vnn.vn
 
Top