Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại

10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
v
Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại

24/12/2010 06:00 (VTC News) - Tôi đã quyết định vạch rừng tìm đường trèo núi, với khát vọng dù không là người đầu tiên, thì cũng là nhà báo đầu tiên chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” của Việt Nam.



Kỳ 1: Hành trình thất bại

Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, quá yêu môn địa lý, cô giáo đã tặng tôi một tấm bản đồ nước Việt. Gần như ngày nào tôi cũng nhìn ngắm tấm bản đồ, rồi ao ước được đặt chân đến mọi miền Tổ quốc. Những đỉnh núi chìm trong mây mù luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Gần 10 năm làm báo, tôi đã đi khắp mọi miền Tổ quốc và đã đặt chân lên rất nhiều đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Với tôi, hai đỉnh núi, gồm Fansipan – “nóc nhà Tây Bắc” và Tây Côn Lĩnh – “nóc nhà Đông Bắc Việt Nam”, là hai đỉnh núi hấp dẫn nhất.

"Nóc nhà Đông Bắc" lúc nào cũng chìm trong mây mù.
Tôi đã trèo Fansipan vài lần và mỗi chuyến đi như cuộc rong chơi, ngoạn cảnh. Xưa kia, con đường từ Xín Chải cuốc bộ lên Fan mất 5 ngày còn vất vả, chứ đường từ Núi Xẻ lên như bây giờ quá dễ dàng, không còn sức hấp dẫn nhiều nữa.

Ở Tây Bắc, có vô vàn đỉnh núi cao và hiểm trở. Ngay cạnh đỉnh Fansipan được coi là “nóc nhà Đông Dương”, còn có đỉnh Phu Ta Leng cao tới 3.096m. Đỉnh này nằm ở phía Tây Bắc đỉnh Fansipan, thuộc đất Lai Châu. Ngay cạnh đỉnh núi này, cũng trên dãy Hoàng Liên Sơn, là ngọn Bạch Mộc Lương Tử, cao 2.998m.

Ít ai biết rằng, ngoài những đỉnh cao huyền thoại của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, còn có một đỉnh núi khác cũng cao vượt ngưỡng 3.000m, đó là đỉnh Pu Si Sung, cao tới 3.076m. Đỉnh này nằm ở Tây Bắc của Lai Châu, là đầu nguồn của hàng loạt con suối đổ ra sông Đà và sông Nậm Na, sát biên giới Việt – Trung. Quanh chân ngọn núi ấy, chỉ có người La Hủ ở, những cư dân có đôi chân nhỏ, nhưng bắp và gân chân quấn quện như những sợi dây thừng.

Phóng viên vượt đoạn đường đầu tiên của quá trình chinh phục Tây Côn Lĩnh.
Ở nơi giáp ranh giữa tỉnh Yên Bái và Sơn La, còn có đỉnh núi huyền thoại, là đỉnh U Bò, cao tới 2.879m. Không rõ ngọn núi này nằm trên địa phận của tỉnh nào, nhưng chinh phục từ phía xã Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La) hoặc từ hướng xã Bản Công (Trạm Tấu, Yên Bái) đều được. Tôi đã từng trèo lên đỉnh núi này trong chuyến vào “vương quốc hoa anh túc”, với 5 ngày cuốc bộ.

Hầu hết những “nóc nhà” ở vùng Tây Bắc Việt Nam tôi đã chinh phục thành công, nhưng đỉnh Tây Côn Lĩnh, “nóc nhà Đông Bắc”, ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam vẫn như thách thức.

Phóng viên trên đỉnh Fansipan.
Sau khi đã tham khảo đủ các loại bản đồ địa chất, các cán bộ địa phương, đồng bào ở vùng Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, tôi nhận thấy, có nhiều con đường chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh. Một đường từ xã Cao Bồ (thuộc huyện Vị Xuyên) đi lên. Tuy nhiên, con đường này xa xôi, hiểm trở, lại phải cắt hết cả Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh rộng cả chục ngàn héc-ta, quả là không khả thi.

Con đường thứ hai từ phía đường mòn dọc biên giới. Đây là con đường nhỏ xíu, cheo leo vách đá, được mở ra lẫn với giao thông hào hồi chiến tranh biên giới. Con đường này nối tắt từ thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) đến cửa khẩu Thanh Thủy (Vị Xuyên). Nhưng con đường này cũng không khả thi, bởi vì, phải đi xe máy mất cả ngày trời rất vất vả qua Pố Lồ đến Lao Chải. Từ Lao Chải, theo bản đồ địa hình, đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh còn rất xa, mà không thể tìm được người dẫn đường, vì quanh khu vực không có dân cư.

Phương pháp leo núi của đồng bào sống dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Cứ chiếu theo bản đồ, chỉ có con đường chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” từ hướng xã Túng Sán là khả thi nhất. Kẻ chỉ trên bản đồ, tính theo tỉ lệ, thì từ trung tâm xã Túng Sán, theo đường chim bay, lên đến đỉnh Tây Côn Lĩnh không xa lắm. Đường chim bay thì là vậy, nhưng đường bộ loanh quanh trên núi thì phải gấp vài lần. Nhưng may mắn là từ trung tâm xã, còn có một bản nằm dưới chân ngọn núi này, đó là bản Chúng Phùng. Từ bản Chúng Phùng sẽ tìm đường lên mỏm núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh huyền thoại.

Đã có tổng cộng 3 lần tôi tìm đường vào tận bản Chúng Phùng, nhưng chỉ dừng ở chân núi. Lần thứ nhất là mùa thu năm 2007, lần thứ hai là năm 2008 và lần thứ ba cũng là mùa thu 2009.

Phút hiếm hoi lộ ra khỏi mây mù của "nóc nhà Đông Bắc".
Năm 2007, sau khi đánh vật với chiếc xe win 100 suốt một ngày trời, rã rời tay chân, tôi mới vào đến UBND xã Túng Sán. Ông Bí thư xã Giàng Quáng Hòa nhìn tôi như người… ngoài hành tinh. Bởi vì, con đường 30 cây số từ thị trấn Vinh Quang vào Túng Sán là đường… đi bộ. Ông không hiểu bằng cách nào mà tôi cưỡi được xe máy vào. Thực ra, tôi và anh Trịnh Tưởng, cán bộ Ngân hàng chính sách huyện Hoàng Su Phì cưỡi xe thì ít, mà đẩy xe, khiêng xe thì nhiều, mới vào được đến nơi. Bây giờ, đường vào Túng Sán đang được mở rộng, xe chạy ra vào ngon lành, nhưng khi đó, đồng bào, cán bộ xã vẫn phải về huyện họp chợ bằng đôi chân.

Sau khi trình bày ý muốn chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, ông Hòa có vẻ mặt trầm trọng. Ông gọi chủ tịch, công an xã, công an cắm bản, xã đội… sang phòng ông, cùng bàn bạc với phóng viên. Ông bảo, gần 60 năm sống ở Túng Sán, khả năng leo núi như sơn dương, luồn rừng như cầy cáo, leo cây như khỉ vượn, thế nhưng, ông chưa từng đặt chân lên đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Một trong số hàng vạn thân cây khổng lồ trong rừng Tây Côn Lĩnh.
Ông Hòa hỏi han toàn bộ anh em cán bộ trong xã, song ai cũng lắc đầu, chưa từng lên cái đỉnh núi mà nhắc đến tên ai ai cũng biết đó. Theo lời ông Hòa, từ ngày ông lớn lên ở xã Túng Sán, rồi làm cán bộ xã mấy chục năm nay, ông chưa nghe nói đến ai từng chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh. Còn trước khi ông sinh ra, thời Pháp, đã có ai leo lên đỉnh núi hay chưa, thì ông không biết.

Nghe tôi đề xuất leo lên đỉnh Tây Côn Lĩnh, ông Hòa xúc động lắm. Ông bảo, có lẽ cũng phải lên đó một lần, kẻo sinh ra ở chân núi, rồi chết đi cũng ở dưới chân núi, không một lần trèo lên “nóc nhà Đông Bắc”, thì sống quả phí một đời.

Thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh trong thân cây khổng lồ đã mục ruỗng giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh.
Rồi ông Bí thư Giàng Quáng Hòa dẫn tôi ra phía sau trụ sở ủy ban xã chỉ tay về phía mây mù bảo: “Phải cuốc bộ một ngày đường đến điểm trường Túng Quá Lìn, rồi nửa ngày nữa đến bản Chúng Phùng, mới nhìn thấy đỉnh Tây Côn Lĩnh. Mình cũng chỉ mới đi đến bản Chúng Phùng thôi, vì từ đó là hết đường rồi. Theo phán đoán của mình, từ bản Chúng Phùng lên đỉnh núi phải mất ngày rưỡi đến hai ngày”.

Nghĩ đến đoạn đường chinh phục mỏm núi cao nhất của dãy núi huyền thoại Tây Côn Lĩnh mà oải. Tuy nhiên, tôi đã quyết định vạch rừng tìm đường trèo núi, với khát vọng dù không là người đầu tiên, thì cũng là nhà báo đầu tiên chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” của Việt Nam.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
 
10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại

Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh 25/12/2010 06:00 (VTC News) - Đêm ấy, tôi ngủ ở điểm trường. Gió to, rét không ngủ được. Mùa đông ở Tây Côn Lĩnh lạnh kinh khủng, nhiệt độ có thể xuống đến 4-5 độ âm, thầy cô phải đẽo băng nấu lấy nước.
Tin liên quan » Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)
Kỳ 2: “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh

Để chinh phục được đỉnh Tây Côn Lĩnh, thì trước mắt phải chinh phục được bản Chúng Phùng bằng đôi chân cuốc bộ.

Tôi và anh Trịnh Hữu Tưởng (cán bộ Ngân hàng chính sách huyện Hoàng Su Phì), cuốc bộ từ sáng sớm đến trưa thì trông thấy những mái tôn phản chiếu ánh mặt trời lấp lóa. Bản Túng Quá Lìn (anh em cán bộ huyện thường gọi vui là Túng Quá Liều) nằm chênh vênh chót vót trên sườn núi đã hiện ra trước mắt, ấy thế mà phải đi lòng vòng đến nhập nhoạng tối mới tới nơi.

Đường vào bản Túng Quá Lìn.
Tường nhà của dân ở đây toàn trình đất, hoặc lát gỗ rất dày, để chống lại gió Tây Côn Lĩnh lúc nào cũng như bão, và cái lạnh âm độ vào mùa đông.

Ngay đầu bản là điểm trường Túng Quá Lìn. Điểm trường nằm giữa khu rừng già, trước mặt là rừng vầu, sau lưng là đại ngàn thông. Gió từ phía bên kia bị gom vào khe núi, quật vào rừng thông, rừng vầu rít lên veo véo. Hễ cuốc bộ thì thôi, chứ dừng chân là lạnh cóng, không cất nổi bước.

Thấy người lạ, bọn trẻ trong bản í ới gọi nhau ra nhìn ngó, chỉ trỏ, lấm lét cứ như thể có người ngoài hành tinh vào bản.

Những rông núi trùng điệp của dãy Tây Côn Lĩnh.
Thầy Vương Văn Hòa vén liếp che gió ngó ra đón khách lạ. Anh bảo, chiều nào anh cũng ngồi trước hiên nhà, nhưng mấy tháng nay không có người lạ vào bản. Mấy tháng rồi anh cũng không về huyện, chẳng rõ có ngôi nhà nào mới mọc thêm ở cái thị trấn bé xíu dưới thung lũng kia không.

Nói là trường học, nhưng toàn nhà đất với nhà liếp. Hai ngôi nhà tường trình đất dày cộp, nứt nẻ loang lổ, đổ vỡ lung tung là lớp học, còn một ngôi nhà liếp là chỗ ở và chỗ nấu ăn của thầy cô giáo.

Tôi chưa kịp trình bày lý do vào bản, thì vợ chồng thầy Hòa và cô giáo Phạm Thị Hoa Lài đã mời tôi vào nhà, rồi đon đả nấu ăn, sắp bữa. Khách lạ, cán bộ vào bản, thường tá túc nhờ các giáo viên, các giáo viên cũng muốn gặp gỡ, trò chuyện với người dưới xuôi, nên sự thân tình rất tự nhiên.

Lớp học ở điểm trường Túng Quá Lìn của cô giáo Phạm Thị Hoa Lài. Thầy Hòa chạy xuống nhà ông Bí thư bản Thào Seo Cá xin rau về tiếp đãi nhà báo. Anh đi một lát, vác về một bao, cười hề hề: “Rau nhà bí thư bản mọc như rừng, cả bản ăn không kịp, bán chẳng ai mua, cũng chẳng thể vác rau đi bộ hai ngày xuống huyện bán, nên cứ lấy thoải mái”.

Măng thì sẵn trong rừng, gồm đủ các loại măng nứa, măng tre, măng vầu. Thầy cô làm măng khô, măng muối, măng xào đủ món. Đường sá xa xôi, hiểm trở, chợ búa chẳng có, nên món ăn quanh năm suốt tháng của thầy cô ở điểm trường này là rau và măng. Nhiều khi hết gạo, ăn rau và măng thay cơm. Với người miền xuôi, đã thừa ứa thịt, thì những món rau sạch mọc trên núi cao này là đặc sản, nhưng với thầy cô, ăn quanh năm suốt tháng, thì đúng là cực hình với mồm miệng.

Trong đêm ở nhờ điểm trường Túng Quá Lìn, tôi đã chứng kiến một hình ảnh mà có lẽ trong đời làm báo tôi không thể nào quên được.

Phóng viên giữa thảm hoa dại tuỵệt đẹp ở bản Chúng Phùng dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Cô giáo Phạm Thị Hoa Lài đun cái chảo đen xì nóng ran, rồi hai tay cầm cái cục đen nhẫy, to bằng bắp chân, dài như cái điếu cày, cứ quẹt quẹt vào lòng chảo, phát ra tiếng xèo xèo.

Thì ra, cứ hè hoặc tết thầy cô mới xuống thị trấn được một lần nên mua cả chục kilôgam mỡ lợn, cuộn lại thành cục đem về treo gác bếp. Khói và khí nóng bốc lên làm hơi nước bay đi, mỡ cô đặc lại. Treo gác bếp đến khi nào khối mỡ chuyển sang màu xanh, cứng như khúc gỗ thì dùng được.

Thầy cô mang khúc mỡ này lên trường, treo ở gác bếp, khi xào nấu gì, lại gỡ xuống mài lên mặt chảo nóng, lấy mỡ dùng.

Đêm ấy, tôi ngủ ở điểm trường. Gió to, rét không ngủ được. Mùa đông ở Tây Côn Lĩnh lạnh kinh khủng, nhiệt độ có thể xuống đến 4-5 độ âm, thầy cô phải đẽo băng nấu lấy nước. Ngoài trời, trăng sáng vằng vặc, trăng nhô khỏi đỉnh Tây Côn Lĩnh to như cái mẹt. Có lẽ do sương núi làm tán ánh trăng, nên nhìn trăng mới to như thế.

Nhà ở của thầy giáo Vương Văn Tôn và Lê Văn Hưng ở điểm trường Chúng Phùng.
Cô giáo Lài kể, lần đầu được ngắm trăng trên Tây Côn Lĩnh, cô thắc mắc sao trăng ở đây to vậy. Anh chàng học sinh Mông đi kéo vợ đêm bảo: “Cô giáo dốt thế, núi cao, trăng gần nên nhìn chả to hơn thì sao!”.

Cuộc sống của vợ chồng thầy giáo Vương Văn Hòa cứ tội tội thế nào ấy. Hai vợ chồng thầy ngày trước dạy ở Bắc Mê, mỗi người một xã. Để được gần nhau, hai người đã xung phong vào điểm trường Túng Quá Lìn dạy, khi điểm trường này vừa mở.

5 năm công tác ở đây, đã đủ điều kiện để được chuyển về gần thị trấn, nhưng anh chị không nỡ về. Để gây dựng được uy tín với học sinh, với dân bản, vợ chồng thầy Hòa phải vất vả mấy năm nay.

Người Mông ở mảnh đất rừng rú này nghĩ việc đi học là cho thầy cô chứ không phải cho bản thân nên họ không hào hứng cho con cái đi học. Đồng bào quý thầy Hòa, nể thầy Hòa lắm, họ mới cho con em đi học. Giờ thầy bỏ về thì không chừng học sinh cũng bỏ học hết. Những thầy cô giáo khác lên đây, chắc gì đã đủ tâm huyết với đồng bào nơi góc rừng xó núi này.

Sớm hôm sau, khi trời tờ mờ sáng, tôi và anh Trịnh Hữu Tưởng trở dậy tiếp tục nhằm hướng chân đỉnh Tây Côn Lĩnh mà đi. Ở hướng đó, còn có mười mấy nóc nhà của bản Chúng Phùng. Từ bản Chúng Phùng, sẽ không còn đường mòn cuốc bộ nữa, mà phải vạch rừng tìm lên đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Rừng già rậm rạp trên sườn Tây Côn Lĩnh.
Giữa một ngọn đồi trọc lơ trọc lốc, giữa một thảm rừng cỏ dại tím ngắt, không hiểu là loại cỏ hoa gì, đẹp như cổ tích, hiện ra một ngôi nhà trình đất và một ngôi nhà liếp xiêu vẹo. Hóa ra, đây là điểm trường Chúng Phùng của thầy Vương Văn Tôn và Lê Văn Hưng. Điểm trường có cả thảy 18 học sinh, nhưng không thấy em nào đến lớp.

Ngôi nhà liếp xiêu vẹo vì bị gió thổi mạnh. Tôi mở cửa đi vào, thấy hai thầy giáo nằm cuộn tròn trong chăn. Thì ra hai thầy đều ốm nặng, nằm bẹp, không gượng dậy nổi. Thầy Tôn da bủng tái xanh, môi sưng phồng nứt nẻ toang hoác.

Thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh bên một cây dẻ rêu mốc xanh rì.
Thế là chuyến leo đỉnh Tây Côn Lĩnh của tôi buộc phải hủy bỏ. Tôi phải quay về điểm trường Tùng Quá Lìn thông báo cho các thầy cô mang thuốc lên cho thầy Tôn và thầy Hưng, rồi tìm cách khiêng hai thầy xuống núi chữa trị. Nếu cứ mặc hai thầy nằm bẹp giữa rừng thiêng nước độc, gió thốc rét căm căm thế này, không khéo toi mạng.

Mấy ông thợ săn người Mông ở bản Chúng Phùng bảo, có hai nơi gió to nhất là đỉnh Tây Côn Lĩnh và đỉnh Lủng Cẩu ở cuối dãy Tây Côn Lĩnh. Gió to đến nỗi, cây cối quanh núi Tây Côn Lĩnh mấy trăm năm tuổi mà chỉ to bằng bắp tay, cao quá đầu người.

Những câu chuyện về Tây Côn Lĩnh ngày càng thú vị, nhưng tôi đành phải dừng bước, vì không đủ sức và phương tiện để đi lên nổi. Đỉnh Tây Côn Lĩnh mù mịt trong mây.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
 
10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại

Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam

27/12/2010 06:00 (VTC News) - Toàn bộ người Mông ở hai bản Túng Quá Lìn và Chúng Phùng đều bảo trong rừng Tây Côn Lĩnh có hổ. Một con hổ lớn vừa về bản bắt trâu bò của dân, nên không ai dám vào rừng nữa.

Tin liên quan » “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (kỳ 2)
» Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)

Kỳ 3: Chinh phục Tây Côn Lĩnh ở... Bốt Đen!

Thi thoảng tôi vẫn vào trang Phuot.net (trang web của giới du lịch bụi), để theo dõi giới du lịch bụi chinh phục các đỉnh núi. Mấy năm nay, đã có tổng số 6 đoàn tuyên bố chinh phục thành công đỉnh Tây Côn Lĩnh! Họ kể lại chuyến đi khủng khiếp ấy bằng lời và những hình ảnh núi non hiểm trở.

Đỉnh Chiêu Lầu Thi cũng có độ cao gần bằng Tây Côn Lĩnh.
Tuy nhiên, thực tế, họ đã leo nhầm. Hoàng Su Phì là nơi tập trung một số mỏm núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh. Những mỏm núi này có độ cao không kém Tây Côn Lĩnh là mấy. Đỉnh Chiêu Lầu Thi (còn gọi là Kiêu Liều Ti) nằm trên địa bàn xã Hồ Thầu, cao tới 2.402m, đỉnh Gia Long thuộc xã Bản Phùng cao ngót 2.400m. Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.427m, hơn đỉnh Chiêu Lầu Thi không đáng kể.

Những nhóm du lịch bụi thường đi xe máy hoặc xe đạp từ cửa khẩu Thanh Thủy, theo đường mòn biên giới đến xã Lao Chải. Từ đây, họ cuốc bộ về phía biên giới để tìm đến mỏm núi Bốt Đen. Hành trình trèo lên mỏm núi này mất vài giờ đồng hồ. Sở dĩ, tên ngọn núi này là Bốt Đen vì trên đó có một cái bốt đổ nát do thực dân Pháp xây dựng từ thời Pháp thuộc. Khi những nhóm du lịch bụi đến được Bốt Đen, thì khẳng định đã đặt chân lên đỉnh Tây Côn Lĩnh!

Đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Nhưng thực ra, Bốt Đen chỉ là một mỏm núi bình thường, cao hơn 2.000m so với mặt nước biển. Bốt Đen là một trong số hàng chục ngọn núi nhấp nhô xung quanh đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đứng trên đỉnh Bốt Đen vào những ngày quang mây, cũng không thể nhìn thấy đỉnh Tây Côn Lĩnh, vì nó nằm sau những mỏm núi khác.

Việc trèo lên hai đỉnh núi là Chiêu Lầu Thi và Bốt Đen thì quá dễ dàng, vì hai ngọn núi này là điểm du lịch của huyện Hoàng Su Phì. Đỉnh Bốt Đen vốn là đồn bốt thời Pháp, nên có đường mòn lên, chỉ đi mất vài tiếng. Còn đỉnh Chiêu Lầu Thi có cảnh quan đẹp, có loại chè Tuyết Shan búp tím ngon tuyệt vời, nên đã được mở đường lên đến gần đỉnh để khai thác du lịch. Còn đỉnh Gia Long vốn có một số di tích đổ nát của “vua Gia Long”, ông “vua” của người La Chí, giống như “vua Mèo” Vương Chí Sình, nên cũng đã được một số người thám hiểm.

Từ bản Chúng Phùng chỉ đi một lát là hết đường mòn.
Một số đoàn thám hiểm từng trèo lên một trong số mấy đỉnh núi này, đã vội khẳng định chinh phục thành công Tây Côn Lĩnh là sai lầm. Tôi đã từng trèo lên cả ba đỉnh là Chiêu Lầu Thi, Gia Long và Bốt Đen. Chỉ có đỉnh Tây Côn Lĩnh vẫn thách thức, trêu ngươi quyết tâm của tôi.

Sau chuyến đi thất bại vào năm 2007, năm 2008 và 2009, tôi tiếp tục trở lại bản Chúng Phùng để chinh phục Tây Côn Lĩnh. Tuy nhiên, cả hai lần tôi đều không thuê được người dẫn đường. Đi khắp bản, đến từng nhà nhờ vả, vẫn không thuê được ai dẫn lên đỉnh núi.

Năm 2008, toàn bộ người Mông ở hai bản Túng Quá Lìn và Chúng Phùng đều bảo trong rừng Tây Côn Lĩnh có hổ. Một con hổ lớn vừa về bản bắt trâu bò của dân, nên không ai dám vào rừng nữa. Tôi không tin rừng Tây Côn Lĩnh có hổ, song Bí thư Thào Seo Cá của bản Túng Quá Lìn và Bí thư Giàng A Cáo của bản Chúng Phùng đều khẳng định như đinh đóng cột rằng có hổ xuất hiện. Người Mông không dám vào rừng vì sợ hổ, thế là tôi lại quay về.

Phải bám vách núi và khe suối để đi.
Năm 2009, sau khi nhờ được hai anh chàng Thào A Vương và Giàng Seo Quáng ở bản Chúng Phùng gùi đồ và dẫn đường vào rừng chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, tôi rất vui. Công cho hai ngày dẫn đường là 1 triệu đồng và trả trước. Đêm ấy, tôi ngủ sớm để lấy sức sáng mai đi từ lúc gà gáy. Thế nhưng, sớm hôm sau, hai anh chàng này trả lại tiền và từ chối dẫn đường, vì trong rừng có… ma!

Theo lời những người ở bản Chúng Phùng, từ ông già đến thanh niên, thì mới đây, trong rừng Tây Côn Lĩnh có một con ma kỳ quái. Con ma mang khuôn mặt của đứa trẻ con, nhưng mái tóc lại dài lướt thướt. Thợ săn đêm trong rừng thường xuyên gặp nó bay lơ lửng trên ngọn cây, mái tóc quẹt xuống đất. Con ma chết oan nên cứ vừa bay vừa khóc.

"Người rừng" Trần Ngọc Lâm có thể chinh phục mọi đỉnh núi mà không cần người dẫn đường.
Đồng bào Mông sống ở núi cao, hiểm trở, đi rừng rất giỏi, nhưng có điểm đặc biệt là sợ… ma. Họ nhìn đâu cũng ra ma, nào là ma gà, ma bếp, ma sau nhà, ma cây, ma suối, ma núi, ma ngũ hải… Dù đi rừng nhiều, song họ không bao giờ dám bước chân vào những khu rừng mà cha ông họ chưa từng đến, vì họ nghĩ cha ông chưa đi đến tức là khu rừng đó có ma. Người Mông sống ở những khu vực rất cao, nhưng lại không bao giờ vượt quá độ cao 2.000m. Theo họ, ở độ cao trên 2.000, cũng có rất nhiều… ma. Thế là, chuyến đi đã thất bại. Đỉnh Tây Côn Lĩnh ám ảnh tôi cả trong giấc ngủ.

Thân cây ngàn năm tuổi đã mục nát và tự đổ xuống.
Sau 3 lần chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh thất bại, tôi nhận thấy rằng, không thể phụ thuộc vào người Mông ở bản Chúng Phùng nữa. Tuy nhiên, tự mình cũng không thể vào rừng được. Nếu không dự đoán được thời tiết, gặp mưa ở cái lạnh độ âm, thì chắc chắn để lại xương cốt trong rừng thẳm. Đấy là chưa kể lạc đường, chết đói, hoặc gặp thú hoang…

Đang lúc không biết làm cách nào chinh phục được “nóc nhà Đông Bắc”, thì “người rừng” Trần Ngọc Lâm, từng có 10 năm sống trong rừng Hoàng Liên Sơn bảo: “Tất cả các đỉnh núi cao nhất Tây Bắc chú đã trèo hết. Đi một ngày không tới thì đi một tuần, một tuần chưa đến thì một tháng. Khắc đi khắc đến, chả có gì đáng ngại. Chỉ cần có tấm bản đồ địa hình là đi được”.

Thế là, tôi lên Lào Cai, rồi cùng ông Trần Ngọc Lâm và thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh, đều là những người mê rừng rú, sang Hoàng Su Phì quyết đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
 
10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại

Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh

30/12/2010 06:00 (VTC News) - Khu nghĩa địa Tây gồm hai dãy, mỗi dãy có 12 ngôi. Như vậy, có tổng số 24 bộ hài cốt trong khu nghĩa địa Tây này.
Tin liên quan » Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 3)
» “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (Kỳ 2)
» Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)
Kỳ 4: Nghĩa địa lính Pháp giữa đại ngàn

Tôi, “người rừng” Trần Ngọc Lâm, lương y Phạm Văn Thanh xuất phát từ thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) trên 2 chiếc xe Win 100 từ lúc tờ mờ sáng, đến chiều mới vào đến bản Chúng Phùng.

Cũng may, tỉnh Hà Giang đang mở con đường lớn từ Vinh Quang đi Hà Giang, qua xã Túng Sán, nên đường khá rộng. Nhưng đường từ Túng Sán qua Túng Quá Lìn và Chúng Phùng thì đúng là khủng khiếp. Hai năm trước, đây còn là con đường cuốc bộ, nay được người dân sửa lại để xe máy có thể đi được. Tuy nhiên, đi xe máy có lẽ còn mệt hơn đi bộ, vì đi được thì ít, mà đẩy xe thì nhiều, đá hộc cứ to như con lợn nằm ngổn ngang giữa đường hẹp.

Những nấm mồ chôn lính Pháp bị thời gian bào mòn, giờ chỉ còn là những mô đất nhỏ, đánh dấu bằng bụi cây.
Trước khi vào Tây Côn Lĩnh, anh Lại Văn Hà, Phó phòng Công thương đã điện trước cho Bí thư bản Chúng Phùng Vàng A Cáo, nhờ anh này dẫn đường lên đỉnh núi và phân công người gùi đồ giúp. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt, anh ta lại từ chối vì… không biết đường. Anh chàng bí thư mới 27 tuổi này, đã dành cả buổi chiều và buổi tối, huy động hết thanh niên trong bản, mới thuê được một người gùi đồ cho chúng tôi. Anh chàng gùi đồ là Vàng Seo Vần, mới 20 tuổi, đã có vợ và một con. Vần cũng như toàn bộ cư dân ở bản Chúng Phùng, không biết đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh vì chưa lên bao giờ, nhưng nhiệm vụ gùi đồ của Vần rất quan trọng.

Đêm ấy, chúng tôi ngủ ở nhà Bí thư bản Vàng A Cáo. 5 giờ sáng, ông Lâm đã đánh thức chúng tôi. Ông Lâm đã dậy từ 3 giờ sáng, nấu nồi cơm to tướng rồi dùng chiếc khăn nắm lại, cho vào túi bóng nhét vào ba lô.

Tác giả bên ngôi mộ chôn lính Pháp, được đánh dấu bằng một gốc cây.
Chúng tôi lên đường khi mây còn bao phủ mù mịt. Vàng Seo Vần đi trước dẫn đường vào đến con suối Túng Quá Lìn. Đây là con đường mòn mà người Mông ở Chúng Phùng đi nương. Vần bảo, chỉ đi hết con đường này là Vần mù tịt, không biết lên đỉnh Tây Côn Lĩnh kiểu gì. Tuy nhiên, Vần đã biết định hướng ngọn núi này. Cứ theo lời các cụ già trong bản kể lại, thì đỉnh Tây Côn Lĩnh nằm ẩn sau đỉnh núi cao nhất, mờ ảo trong mây mù, mà đứng ở bản Chúng Phùng thi thoảng vẫn thấy nó hiện ra.

Cuốc bộ đến khi mặt trời ló dạng khỏi dãy Tây Côn Lĩnh, khi những cơn gió lớn thổi những đám mây bay đi, thì chúng tôi đến một bãi đất trống, đôi chỗ như xa van với những bụi cỏ. Thi thoảng có chú bìm bịp chạy ra bãi đất trống rồi lại hốt hoảng chui vào bụi rậm.

Trên bãi đất trống ấy, một người đàn ông đang phát những cây cỡ cổ tay. Thấy lạ, tôi hỏi anh ta phát cây làm gì. Anh ta bảo: “Mình phát cây ở mộ người Tây ấy mà. Chỗ này là mả Tây đấy!”. Hóa ra, thời Pháp, từng có vụ rơi máy bay trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Vụ rơi máy máy bay đã khiến toàn bộ lính Pháp và phi công tử nạn.

Anh Lênh chỉ một ngôi mộ của lính Pháp.
Người phát cây ở khu “mả Tây” là Vàng Dìn Lênh. Anh Lênh bảo, anh thường vào khu vực này thả trâu, rỗi rãi, anh lại vác dao làm việc thiện là phát cây cho khu mả được sạch sẽ, quang đãng.

Khu mộ gồm hai dãy, mỗi dãy có 12 ngôi. Như vậy, theo anh Lênh, có tới 24 bộ hài cốt trong khu “mả Tây” này.

Người chứng kiến tận mắt vụ rơi máy bay kinh hoàng này là ông Vàng Dìn Di, chú ruột của anh Lênh. Những cụ già chứng kiến vụ máy bay rơi đều đã về trời, duy chỉ còn cụ Di vẫn sống, năm nay 80 tuổi. Cụ Di thường kể lại cho con cháu nghe câu chuyện về vụ rơi máy bay thảm khốc này.

Bộ phận của chiếc máy bay rơi mà anh Lênh vẫn giữ. Đó là buổi chiều tối mùa hè năm 1947, khi Di đang lên nương cùng cha mẹ, thì bỗng thấy tiếng động cơ gầm rú trên bầu trời. Bình thường, những con “chim sắt” vẫn bay qua bầu trời Chúng Phùng, nhưng tiếng gầm rú này thì rất lạ.

Anh chàng Di nhìn lên bầu trời, thì thấy một chiếc máy bay từ phía Tây bay đến, khói xả mù mịt đằng đuôi. Chiếc máy bay chao đảo rồi cắm đầu lao thẳng vào vách núi, ngay trên lưng đỉnh Tây Côn Lĩnh, phát ra tiếng nổ vang trời.

Người Mông khi đó sống trong rừng rậm, chả bao giờ ra khỏi rừng, nên không biết nó là máy bay. Họ chỉ nghĩ đấy là những con chim sắt khổng lồ. Tò mò, không hiểu vì sao chim đâm xuống núi lại nổ to như thế, anh chàng Di và đám thanh niên cắt rừng tìm vào chỗ có cột khói bốc lên.

Đến nơi, đám thanh niên hãi hùng trước cảnh tượng: Cây cối đổ nát, sắt thép tung tóe khắp nơi, 24 thi thể người không nguyên vẹn văng tứ tung. Trông những người này đều rất lạ: cao to, mái tóc dù cháy xém, song vẫn nhận ra màu vàng, xoăn tít. Những người lạ này rất giống với những nhân vật độc ác trong các câu chuyện truyền miệng, rằng họ chuyên bắn giết người và bắt người Việt Nam làm nô lệ.

Người dân Chúng Phùng có rất nhiều đồ vật làm từ xác máy bay. Vỏ máy bay bằng nhôm, khá mềm, thì được uốn thành những chiếc điếu cày. Khi đám thanh niên có mặt được một lúc, thì trưởng bản Thào Seo Tao cùng các bô lão trong bản cũng có mặt. Họ tranh luận rất sôi nổi. Người thì bảo bọn họ là Tây xâm lược, chuyên giết người, ác như thú dữ nên mặc kệ, cứ để cho hổ và lợn rừng xơi. Tuy nhiên, phần lớn thì lại bảo nghĩa tử là nghĩa tận, rằng họ chết rồi, không hại được ai nữa, nên chôn cho họ.

Nghe lời trưởng bản, người dân Chúng Phùng phân công nhiệm vụ, nhóm xẻ gỗ đóng quan tài, nhóm cuốc bộ vào khu vực máy bay rơi để gom xác phi công.

Khi 24 chiếc quan tài được đưa vào khu vực rơi máy bay, thì những xác phi công cũng được gom lại.

Trưởng bản Thào Seo Tao bảo: “Nó sống là người Tây, đến áp bức dân ta, nhưng nó chết ở bản ta thì là ma bản ta rồi, nên chúng ta cũng phải làm ma theo phong tục của bản”. Thế là đồng bào dựng lều đúng chỗ máy bay rơi để làm ma. Ông Tao chủ trì cuộc làm ma khổng lồ, dân bản góp trâu, gà, lợn, xôi nếp để cúng mấy ngày đêm liền, đúng theo phong tục của người Mông.

Làm ma xong, đồng bào khiêng quan tài đi chừng 3 cây số từ sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh ra bãi đất trống, cạnh khu vực đất canh tác để chôn. Cứ 4 thanh niên chịu trách nhiệm chôn cất một người. Đất cứng như thép, nên vừa khiêng, vừa đào bới, phải 2 ngày mới chôn xong một thi thể. Mùi tanh của xác chết để lâu ngày vảng vất khắp bản Chúng Phùng, cả chục ngày sau mới hết.

Chôn cất xong, mỗi người một đường, chạy te tua về nhà. Họ cố tình chạy nhanh và lòng vòng để con ma không theo kịp về nhà làm phiền cuộc sống của họ.

Trong số mấy chục người từng chôn xác Tây trong vụ rơi máy bay, giờ chỉ còn ông Vàng Dìn Di. Hàng năm, vào ngày cuối năm, ông Di và con cháu, trong đó có anh Lênh, vẫn lên khu mả Tây phát cây, phát cỏ cho khu mả quang đãng, sạch sẽ, rồi hương khói, xôi gà cúng bái cẩn thận, như phong tục của người Mông.

Anh Lênh bảo, 60 năm đã trôi qua, giờ 24 lính Tây này đã trở thành ma của bản Chúng Phùng. Nhưng người dân bản Chúng Phùng vẫn mong họ được trở về cố quốc.

Không hiểu sao, vụ rơi máy bay nghiêm trọng như vậy, chết tới 24 mạng người, mà không thấy nhắc đến trong lịch sử. Đã bao năm trôi qua, cũng không thấy người thân của họ, các tổ chức tìm kiếm hài cốt tìm đến để quy tập. Cũng có thể Chúng Phùng quá xa, quá heo hút, nên rất ít người ở ngoài Chúng Phùng biết đến câu chuyện rơi máy bay thảm khốc này.

Còn tiếp...

Phạm Ngọc Dương
 
10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại

í ẩn vương quốc ngọc am cực quý ở Tây Côn Lĩnh

31/12/2010 06:00 (VTC News) - Nhiều người đã hỏi giá những tác phẩm lũa ngọc am và các nghệ nhân mang chúng xuống từ vùng đất địa đầu phát giá cả tỉ bạc khiến ai cũng kinh hãi.
Tin liên quan » Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh (Kỳ 1)
» Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 2)
» “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (Kỳ 3)
» Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 4)
Kỳ 5: Vương quốc ngọc am đã tuyệt chủng

Sau này, khi về thị trấn Vinh Quang, hỏi các cụ già ở Hoàng Su Phì, mới biết sơ qua về vụ rơi máy bay thảm khốc ở lưng đỉnh Tây Côn Lĩnh. Theo đó, vào năm 1947, một chiếc máy bay, không rõ là Dakota hay C47, đi ném bom ở vùng Lào Cai, đã bị Việt Minh bắn thương.

Máy bay trúng đạn, nên phi công đã lái về thị xã Hà Giang. Tuy nhiên, khi qua đỉnh Tây Côn Lĩnh, có thể vì mây mù, núi cao, phi công quan sát không rõ, nên đã đâm vào vách núi. Cũng có thể khi bay đến ngọn núi này, máy bay đã mất thăng bằng và đâm xuống.

Đỉnh Tây Côn Lĩnh lúc ẩn lúc hiện trong mây.
Hiện tại, rất nhiều đồ dùng của người dân Chúng Phùng được làm từ bộ phận của chiếc máy bay đó. Vỏ máy bay bằng nhôm, mềm, được uốn thành điếu cày rất nhiều. Thép và hợp kim được nấu chảy luyện thành dao, liềm, xoong, chảo, thậm chí là đồ xao chè.

Từ khu nghĩa địa chôn người Pháp, chúng tôi tiếp tục nhằm hướng đỉnh Tây Côn Lĩnh cuốc bộ. Đi chừng 2 tiếng đồng hồ thì đến vách núi nơi chiếc máy bay rơi. Vách núi nằm ngay bên con suối dốc ngược, nước chảy ào ào.

Vàng Seo Vần chỉ nơi máy bay rơi từ thời Pháp thuộc.
Đi tiếp chừng một giờ dọc ven suối Túng Quá Lìn, thì đến điểm giao cắt giữa hai con suối. Tuy nhiên, một con suối cạn trơ đáy. Theo Vàng Seo Vần, vào mùa mưa, con suối này chảy như lũ, nhưng vào mùa khô, thì lại chẳng có giọt nước nào. Con suối này bắt nguồn từ gần đỉnh Tây Côn Lĩnh, đổ thẳng xuống suối Túng Quá Lìn.

Chúng tôi đi theo hướng con suối cạn nứt nẻ, nghỉ chân giữa khu rừng trúc bạt ngàn, xanh biếc. Do suối chảy mạnh vào mùa lũ, nên làm trơ ra những khúc gỗ, những gốc cây nửa chìm, nửa nổi trong đất.

Tôi ngồi trên tảng đá lắng tai nghe tiếng chim ríu rít. Ông Trần Ngọc Lâm và lương y Phạm Văn Thanh vạch những bụi cỏ ven suối tìm thuốc quý. Anh chàng Vần rút chiếc dao đi rừng chém phầp phập vào một gốc lũa nhô lên khỏi lòng suối. Vần chặt chém một lát thì được một bó củi, chất thành đống nhỏ trước mặt tôi.

Thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh bên một gốc ngọc am khổng lồ đã chết từ cả trăm năm trước.
Vần lấy bao diêm quẹt lửa, châm ngọn lửa leo lét vào đống củi. Thật lạ, đống củi bùng cháy như tẩm xăng, bốc mùi thơm ngào ngạt, mùi đậm hơn cả trầm hương. Tôi thấy mùi hương rất quen.

Tôi nhặt một thanh củi đưa lên mũi, bỗng chột dạ, nhận ra đây là mùi hương tôi đã nhiều lần ngửi thấy trong những lần theo chân PGS. TS. Nguyễn Lân Cường đi khai quật những ngôi mộ hợp chất. Mùi của loại gỗ này chính xác là mùi của tinh dầu ngọc am trong các ngôi mộ hợp chất.

Mộ hợp chất là loại mộ của quan lại, vua chúa, người giàu xuất hiện từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 ở Việt Nam. Người giàu được chôn trong chiếc quan tài bằng gỗ ngọc am và xác được thả trong lớp tinh dầu ngọc am đặc sánh. Quan tài được đặt trong bể hợp chất vôi cát mật và được bịt kín. Những ngôi mộ hợp chất này có thể giữ được xác ướp nguyên vẹn như mới chết hàng ngàn năm. Đây là kỹ thuật ướp xác đặc biệt của người Việt và bí quyết đơn giản nằm ở tinh dầu của thứ gỗ quý đặc biệt này.

Những gốc ngọc am nửa chìm nửa nổi trong lòng đất. Theo TS. Nguyễn Lân Cường, ngọc am là tên cổ, còn tên thông dụng là hoàng đàn rủ, tên la tinh là Cupressus funebris (Trung Quốc gọi là bách mộc). Đây là loại cây thân gỗ, lá kim, cao đến 35m, tán hình tháp, vỏ thân màu đỏ nâu và nhẵn. Cành mọc đứng, đầu rủ xuống nên gọi là hoàng đàn rủ.

Hoàng đàn rủ phân bố khá phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Trùng Khánh và một số tỉnh phía Nam. Tại Việt Nam, ngọc am mọc rải rác ở Hà Giang, trên độ cao gần 2.000m.

Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học, thì ngọc am đã tuyệt chủng ở Việt Nam, không còn thấy loài cây này xuất hiện ở đâu nữa.

Tôi chợt nhớ lại cuộc Triển lãm Sinh vật cảnh Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tại khuôn viên Bảo tàng Hà Nội. Tại cuộc triển lãm này, trong gian hàng trưng bày sinh vật cảnh của tỉnh Hà Giang, có một số tác phẩm lũa ngọc am. Đứng bên những tác phẩm này, có thể ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt bốc ra từ những gốc cây đã nằm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm dưới lòng đất.

Những tác phẩm lũa ngọc am được phát giá bạc tỉ ở Bảo tàng Hà Nội. Nhiều người đã hỏi giá những tác phẩm lũa ngọc am và các nghệ nhân mang chúng xuống từ vùng đất địa đầu phát giá cả tỉ bạc khiến ai cũng kinh hãi. Theo mấy nghệ nhân này, loài ngọc am chỉ mọc ở vùng Hà Giang và đã tuyệt chủng từ hàng trăm năm rồi. Để kiếm được những gốc cây ngọc am, họ phải đào xuống lòng đất cả chục mét, xới tung cả một khu rừng, mới có cơ may kiếm được.

Những thân ngọc am chết từ nhiều trăm năm trước, gốc chìm xuống lòng đất, phần vỏ mục ruỗng, để lại phần lõi vĩnh cửu với thời gian. Gió mưa, lở núi, xói mòn, những gốc ngọc am lộ ra khỏi lòng đất. Chính vì thế, theo các nghệ nhân, chỉ những người có duyên lớn lắm mới gặp được.

Lần đầu tiên đến trụ sở Công ty Thần Châu Ngọc Việt của ông Đào Trọng Cường – người sở hữu khối ngọc bích Jade lớn nhất thế giới, tôi không được đại gia này giới thiệu về những viên đá trị giá triệu đô, mà ông khoe với tôi việc vừa tậu được một cái gốc cây ngọc am không to lắm. Ông Cường gắn nó vào bệ đá và để trang trọng giữa công ty. Ai đến, ông cũng khoe cái gốc cây này và bảo nó vô giá.

Ôi trời ơi! Trước mắt tôi, dưới lòng con suối cạn trơ đáy, hiện ra lổn nhổn những gốc ngọc am. Nếu đào lòng suối này lên, có thể thu được hàng ngàn gốc ngọc am quý hiếm. Cả cánh rừng ngọc am đã tuyệt chủng, những gốc cây lặn xuống lòng đất, rồi nước chảy xói mòn, những gốc cây này lộ ra. Hoặc quá trình lở núi, lũ quét, những gốc ngọc am bị cuốn xuống suối và bị bùn đất nhấn chìm. Vậy là, tôi đã lạc vào vương quốc của loài cây cực kỳ quý hiếm, nhưng đã bị coi là tuyệt chủng ở Việt Nam.

Tôi và lương y Phạm Văn Thanh hoa mắt với những gốc cây mà ở Mỹ Đình người ta đòi bạc tỉ. Tôi và anh Thanh ra sức dùng dao đào bới. Anh chàng Vần trông thấy cười toe toét: “Nhà báo bê làm sao được xuống núi. Mà có đem được xuống núi cũng không mang về được đâu. Kiểm lâm và công an bắt đi tù đấy”. Nghe thấy Vần nói thế, tôi và anh Thanh cụt hứng.

Sau này tìm hiểu, tôi mới biết đại ngàn Tây Côn Lĩnh từng là xứ sở của loài ngọc am. Tuy nhiên, loài cây này đã tuyệt chủng rồi. Dù công an, kiểm lâm truy bắt rất gắt gao, song hiện ở Hoàng Su Phì vẫn có một số đường dây buôn bán gỗ ngọc am về Hà Nội.

Anh Vàng Dìn Lênh và những quả ngọc am làm giống.
Có chuyện này, không biết có nên kể ra không. Lúc xuống núi, gặp lại anh Vàng Dìn Lênh, hỏi về cây ngọc am, anh ta nói nhỏ vào tai tôi: “Vẫn còn một cây ngọc am đấy, nhưng xa lắm, phải đi bộ 2 ngày mới tới. Nhưng đừng kể với kiểm lâm là ta nói nhé, không ta bị đi tù đấy!”.

Lênh nói với vẻ rất nghiêm trọng, rồi anh dẫn tôi ra giá phơi ngô trước nhà, chỉ vào đống quả đầy gai. Theo lời Lênh, đây là quả ngọc am mà Lênh mới hái từ cây ngọc am trong khe núi. Về thị trấn Vinh Quang, tôi mới biết, hiện trong rừng Tây Côn Lĩnh vẫn còn một cây ngọc am, nhưng được các lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền đang bảo vệ cây ngọc am này như báu vật để nhân giống.

Để có được cánh rừng ngọc am, có lẽ cần thời gian cả trăm năm nữa.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
 
10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại

Kho thảo dược quý trên “nóc nhà Đông Bắc”

01/01/2011 06:00 (VTC News) – Ông Lâm bảo, ở khu rừng như thế này, ở độ cao này, nấm linh chi nhiều như… nấm rơm. Còn ở rừng Hoàng Liên Sơn, ông Lâm đi một ngày, có thể nhặt được cả tấn!

Những kỳ trước: » Bí ẩn vương quốc ngọc am cực quý ở Tây Côn Lĩnh (Kỳ 5)
» Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh (Kỳ 4)
» Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 3)
» “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (Kỳ 2)
» Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)

Thoát khỏi con suối chứa đầy gỗ ngọc am quý hiếm thì hết đường. “Người rừng” Trần Ngọc Lâm định hướng, rồi dùng dao phát trúc mở đường tiến sang phía Đông.

Thoát khỏi rừng trúc, chúng tôi lại tuột xuống một thung lũng. Từ đây, mở ra trước mắt, là những cánh rừng thảo quả mênh mông bát ngát. Khắp các sườn đồi, khe suối là thảo quả. Những thân cây khổng lồ ngã đổ chổng vó trong những cánh rừng thảo quả. Dưới gốc những thân cây lớn nhất còn đứng vững, người Mông thường đặt một tấm bia bằng gỗ để thờ… ma cây.

Người Mông thường thờ ma ở những gốc cây khổng lồ.
Nhìn những cánh rừng thảo quả, ông Lâm thờ dài thườn thượt. Ông bảo, không có thứ gì tàn phá rừng khủng khiếp như thảo quả. Để trồng được thảo quả, người ta phải phát những cây nhỏ dưới mặt đất, để lại những cây lớn làm bóng mát. Điểm đặc biệt của loài thảo quả là chúng chỉ sống được ở độ cao trên dưới 2.000m, trong bóng râm.

Theo lời ông Lâm, rễ thảo quả tiết ra đất một loại chất độc, khiến nhiều loài cây không lên được. Độ 10 năm sau, những cây cổ thụ làm bóng mát cũng chết. Cây bóng mát chết, ánh nắng chiếu xuống, thảo quả cũng chết, thế là đất bỏ hoang. Từ đó, những khu vườn trồng thảo quả trở thành đồi núi trọc.

Đứng giữa rừng thảo quả, ông Lâm bảo, sẽ tìm được cây thuốc giảo cổ lam. Chúng tôi tìm xuống khe suối, y rằng tìm được những bãi giảo cổ lam mọc nhiều như cỏ. Ông Lâm chỉ cho Vàng Seo Vần cây giảo cổ lam và dặn Vần hướng dẫn người dân Chúng Phùng lấy giảo cổ lam phơi khô đem bán với giá một vài trăm ngàn một kg. Vần rất vui mừng, vì hy vọng sẽ có nghề… hái thuốc và hái ra tiền.

Một cây pơ-mu đã bị đốn hạ, chỉ còn lại cái gốc.
Ông Lâm bảo, nếu vùng nào thảo quả lên được, thì có nghĩa khu vực đó có độ cao trên dưới 2.000m, và như vậy, khu rừng sẽ có pơ-mu. Tuy nhiên, chúng tôi đi rạc cẳng, chẳng tìm thấy cây pơ-mu nào, chỉ thấy rặt những gốc pơ-mu chìm lẫn trong vườn thảo quả. Ông Lâm dùng dao chém vào gốc cây lấy mảnh gỗ cho tôi ngửi và nhận rõ đó là gốc pơ-mu. Như vậy, đại ngàn pơ-mu ở Tây Côn Lĩnh đã bị chặt hết từ nhiều năm trước.

Ở độ cao 2.000m, đại ngàn Tây Côn Lĩnh rất rậm rạp, song gỗ quý đều đã bị chặt phá tự bao giờ. Thật khó tưởng tượng, nơi núi cao, rừng thẳm thế này mà người ta cũng chặt phá được. Theo lời ông Lâm, khu vực này cách suối Túng Quá Lìn không xa lắm, nên rừng dễ dàng bị tàn phá. Lâm tặc xẻ gỗ, thả xuống thung lũng, kéo ra suối, để nước suối mùa lũ tự cuốn gỗ xuống chân núi, rất nhàn hạ.

Một cây pơ-mu khổng lồ còn sót lại ở Tây Côn Lĩnh.
Từ những cánh rừng thảo quả, chúng tôi tiếp tục nhằm đỉnh Tây Côn Lĩnh để đi. Cứ mỗi độ cao, đại ngàn Tây Côn Lĩnh lại có một thảm thực vật mới. Cứ hết rừng trúc lại đến rừng cổ thụ, hết rừng cổ thụ lại đến rừng trúc. Càng lên cao, trúc càng nhỏ.

Lên đến độ cao 2.200m, là đến những khu rừng dẻ. Tôi quả thực choáng ngợp trước những khu rừng đẹp như cổ tích. Những thân cây dẻ khổng lồ vài người ôm, rêu xanh mọc trùm kín từ gốc đến ngọn.

Tôi nghỉ chân ở rừng dẻ, “người rừng” Trần Ngọc Lâm và thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh trèo lên các vách đá tìm cây thuốc. Đi một lát, ông Lâm, anh Thanh cười hớn hở khoe rằng, ở Tây Côn Lĩnh xuất hiện những cây thuốc cực quý.

Ông Lâm chỉ cho Vàng Seo Vần cách kiếm tiền bằng cách nhổ cây giảo cổ lam đem bán.
Trong số những cây thuốc quý, có một loại mà ông gọi là “Viagra Hoàng Liên”. Loại cây này mọc lẫn trong những bụi cỏ, củ nằm dưới lòng đất, chỉ lên lá vào một mùa nhất định, nên phải hiểu được đặc tính sinh tồn của chúng mới tìm được.

Ông Lâm kể vui, hồi ông cùng nhạc sĩ Đặng Hùng (đã gần 70 tuổi, hiện sống ở Sapa) vào rừng Hoàng Liên Sơn, ông Lâm nhổ cây thuốc này và kể với ông Hùng rằng nó là viagra của Hoàng Liên Sơn, không nên uống khi… không có vợ. Tuy nhiên, ông Hùng không tin. Đêm ấy, hai ông dựng lều trong rừng, ông Lâm đã nấu cây này cho ông Hùng uống. Uống xong, ông Hùng bảo: “Thôi, chú ngủ lại rừng, anh về đây”.

Lương y Phạm Văn Thanh và cây thuốc "Viagra Hoàng Liên".
Hôm sau, ông Lâm gặp vợ nhạc sĩ Đặng Hùng, hỏi vui: “Hôm qua anh Hùng bị sao vậy chị?”. Bà cười bẽn lẽn ngượng ngùng: “Khiếp! Chú đầu độc thế nào mà anh ấy coi tôi như con cave”.

Ngoài cây thuốc này, ông Lâm còn tìm được một loại tam thất đặc biệt quý. Loại tam thất này được người Trung Quốc thu mua với giá 4-5 triệu đồng/kg. Ông Lâm đưa cho anh chàng Vàng Seo Vần xem cây và củ tam thất rồi hỏi: “Ở rừng Tây Côn Lĩnh còn nhiều không?”, song Vần lắc đầu bảo: “Hiếm lắm, không còn đâu”.

Theo Vần, từ nhiều năm trước, người Trung Quốc đã mò sang Hoàng Su Phì thu mua loại tam thất này. Lúc đầu, họ mua với giá vài chục ngàn đồng, sau tăng lên vài trăm ngàn và giờ đây, khi giá của loại tam thất này lên đến vài triệu đồng một kg thì nó đã gần như tuyệt chủng. Muốn tìm được những củ tam thất quý hiếm, phải trèo lên vách đá cheo leo, có thể mất mạng bất cứ lúc nào.

Đường chinh phục Tây Côn Lĩnh khá hiểm trở. Nhiều đoạn phải bám dây rừng mà leo.
Vượt qua rừng dẻ, lại đến rừng trúc. Chúng tôi cuốc bộ trên sống một dãy núi như đi trên lưng con ngựa. Ông Lâm chợt giữ tôi và anh Thanh lại, bảo Vần phát đường đi trước. Hóa ra, ông Lâm phát hiện được một loại cây thuốc cực quý. Ông Lâm dùng mũi dao nạy nhẹ từng chút một, sau đó nhấc bổng cả củ, rễ và lá cây lên. Thân cây rất nhỏ, chỉ bằng cái nan hoa xe máy, có 7 chiếc lá xòe thành một mặt phẳng trông khá kỳ quái, thế nhưng, củ của nó lại khá to, dài, cong queo, thành đốt, trông như củ chóc dong.
Thất diệp nhất chi hoa có tác dụng ức chế trực tiếp sự phát triển của tế bào ung thư. Nhiều nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc cho thấy, dịch chiết thất diệp nhất chi hoa đã góp phần kéo dài thời gian sống của những bệnh nhân bị ung thư dạ dày và ung thư phổi.
ThS. Hoàng Khánh Toàn

Ông Lâm gọi anh chàng Vàng Seo Vần lại hỏi: “Vần có biết đây là cây gì không?”. Vần lắc đầu bảo: “Cây này ta không biết nó tên là gì, nhưng người Trung Quốc mua đắt lắm. Ngày xưa, họ đi từ Trung Quốc sang bản Chúng Phùng đặt mua với giá vài trăm ngàn một kg, giờ họ có trả chục triệu một kg cũng không còn nữa đâu”.

Lại là người Trung Quốc! Ông Lâm thở dài thườn thượt. Cái cây nhỏ xíu với cái củ kỳ quái kia người dân Sapa gọi là cây “Bẩy lá một hoa”, hoặc gọi sang trọng hơn thì là Thất diệp nhất chi hoa, vì nó có 7 lá xòe với bông hoa thuôn ra ở giữa. Cây này còn được gọi là sâm nam, vì nó quý như nhân sâm, củ cũng giống củ sâm. Hiện người giàu có đang truy tìm ráo riết loài cây này để điều trị ung thư.

Theo phán đoán của ông Lâm, với độ cao và thảm thực vật đặc trưng này, nhất định Tây Côn Lĩnh có nhân sâm. Tuy nhiên, để tìm thấy sâm thì phải có ống nhòm, lia từng khe đá trên vách núi, mới có cơ may tìm được.

Cả ngày vòng ngang rẽ dọc tìm đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh, ông Lâm chỉ cho tôi và thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh cả trăm cây thuốc quý, những loài đặc hữu, chỉ xuất hiện ở độ cao từ 2.000 trở lên.

Cây Thất diệp nhất chi hoa.
Lương y Phạm Văn Thanh rất sung sướng khi đào được củ của cây Thất diệp nhất chi hoa.
Tôi đang mải phát đường, quay lại, chẳng thấy ông Lâm đâu. Hóa ra ông trèo lên một cây kháu vàng, loài cây mà gỗ cứng như thép. Ông thả xuống những cây nấm đỏ thẫm hình thù như vỏ con trai. Ông Lâm bảo, đó chính là nấm linh chi, loại nấm mà người dân ở Quảng Nam đổ xô đi tìm để chữa ung thư, khiến báo chí ầm ĩ một thời. Tôi và anh Thanh xuýt xoa nhét vào balô. Ông Lâm nhìn cảnh đó cười nghiêng ngả. Ông bảo, ở khu rừng như thế này, ở độ cao này, thứ nấm đó có mà nhiều như… nấm rơm. Còn ở rừng Hoàng Liên Sơn, loại linh chi này, ông Lâm đi một ngày, có thể nhặt được cả tấn!

Theo lời ông Lâm, đại ngàn Tây Côn Lĩnh đã bị người Trung Quốc nhổ mất một số loại cây cỏ quý nhất, tuy nhiên, Tây Côn Lĩnh vẫn là một kho thảo dược khổng lồ, cực kỳ có giá trị.

Trong đợt khảo sát từ 25/4/2005 đến 30/4/2005, nhóm công tác bao gồm TS. Lê Trần Chấn, TS. Nguyễn Ngọc Ninh (Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học), KS. Trần Văn Cự (Vườn Quốc gia Tam Đảo) và KS. Nguyễn Danh Viễn (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Đồng Văn) đã phát hiện được loài thực vật quý hiếm, đó là cây Bảy lá một hoa, ở độ cao 1.634m, thôn Hapuda B (xã Thài Phìn Tủng, Đồng Văn) và Hồ Thầu (Hoàng Su Phì, Hà Giang).
Cây Bảy lá một hoa có tên khoa học là Paris polyphylla Smith. Còn gọi là Thất diệp chi hoa thuộc họ Trọng lâu (Trilliaceae).
Bảy lá một hoa là cây thảo sống lâu năm, thân khí sinh cao 0,5 - 0,7m, có 5 đến 9 lá xếp thành một vòng. Lá hình mác thuôn, đầu nhọn dài 7 - 15cm, rộng 1,5 - 3cm, có 3 gân. Hoa đơn độc mọc trên đỉnh, cánh hoa màu vàng hình dải.
Bảy lá một hoa là cây thuốc giải độc nổi tiếng, dùng để chữa trị rắn độc cắn hoặc nhọt, bằng cách giã nát thân, rễ của nó và thêm một ít dấm, đắp vào vết thương là được. Thân và rễ sắc lên uống còn chữa được bệnh động kinh, viêm phổi và viêm họng.
Bảy lá một hoa có khu phân bố tương đối hẹp, do đó, sự tồn tại lâu dài của loài này là mỏng manh. Vì vậy, loài này được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, xếp ở cấp R (rare) - cấp hiếm.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
 
10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại

Đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ cuối) 04/01/2011 06:00 (VTC News) - Cảm giác khi đôi chân đặt lên “nóc nhà Đông Bắc” thật khó tả. Tôi đã có 3 lần tìm đường lên đỉnh núi này thất bại. Hình như đã có vài giọt nước mắt hạnh phúc, chưa kịp chảy xuống má, đã bị gió như bão của Tây Côn Lĩnh cuốn đi mất.
Các kỳ trước: » Kho thảo dược quý trên “nóc nhà Đông Bắc” (Kỳ 6)
» Bí ẩn vương quốc ngọc am cực quý ở Tây Côn Lĩnh (Kỳ 5)
» Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh (Kỳ 4)
» Sự lầm tưởng về “nóc nhà Đông Bắc” Việt Nam (Kỳ 3)
» “Trồng người” trên lưng Tây Côn Lĩnh (Kỳ 2)
» Cuộc chinh phục “nóc nhà Đông Bắc” huyền thoại (Kỳ 1)

Khi mặt trời ngấp nghé đỉnh Chiêu Lầu Thi cao sừng sững trong mây mù, thì “người rừng” Trần Ngọc Lâm đề nghị dừng chân. Ông Lâm phát trúc lấy mặt bằng dựng lều, tôi và thầy thuốc đông y Phạm Văn Thanh đi gom củi khô.

Đêm mùa đông, ở độ cao này cực kỳ lạnh, nước cũng đóng băng, nên phải gom một lượng củi đủ để đốt suốt đêm sưởi ấm. Nơi chúng tôi dừng chân qua đêm là khu rừng dẻ, toàn những cây dẻ khổng lồ.

Vàng Seo Vần được giao nhiệm vụ đi tìm khe để lấy nước. Ông Lâm đi nhổ một số loại thảo dược có tác dụng bồi bổ, phục hồi sức khỏe để sắc nước uống và ngâm chân cho khỏi đau. Vần đi một lát đã về với một can nước đầy.

Khu rừng với những loài cây kỳ quái.
Khi mặt trời lặn xuống bên kia đỉnh Chiêu Lầu Thi, trời nhập nhoạng, cũng là lúc thú rừng xuất hiện. Tiếng lợn rừng cắn nhau chí chóe từ phía dưới vọng lên, tiếng khỉ hót và đám chuột rừng thi thoảng lại chạy roạt roạt ở ngay cạnh lều chúng tôi ở.

Vàng Seo Vần bảo rừng Tây Côn Lĩnh có rất nhiều dúi. Dúi là họ nhà chuột, tuy nhiên nó to hơn chuột rất nhiều. Con trung bình cũng cỡ 1kg, con to có thể đến 2kg. Loài dúi thường ăn mầm cây chít, do đó, ở đâu có nhiều cây chít thì ở đó dúi đào hang be bét.

Vần kéo tôi ra một mỏm núi rồi chỉ tay bảo phía đó có cả cánh rừng chít, nên dúi nhiều vô kể. Vần lôi từ túi áo ra mấy cái bẫy chuột và rủ tôi đi săn dúi, tuy nhiên, tôi không đi. Vần đi một lát, đã thấy quay về với một chú dúi to tướng trên tay. Vần chỉ đặt bẫy ở miệng hang một lúc, chú dúi đã mò vào bẫy. Thế là, đêm ấy, ngoài món cơm nắm nướng, thịt hộp, còn có thêm món dúi nướng rất ngon.

Vàng Seo Vần và chú dúi tóm được.
Ăn uống xong, tôi chui vào túi ngủ đánh một giấc đến sáng. Lúc mở mắt, mây còn giăng khắp ngả, đã thấy ông Lâm dập lửa, dọn đồ chuẩn bị lên đường từ lúc nào.

Từ nơi dựng lều ở độ cao 2.100m, cuốc bộ một lát, vượt ra khỏi rừng dẻ, chúng tôi đến một khu vực có nhiều chè. Thật bất ngờ khi ở trên độ cao này lại có chè. Tuy nhiên, chè ở đây phân bố thưa thớt, cây nhỏ, chứ không đậm đặc và cây nào cây nấy to đùng như khu rừng ở đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Tuy nhiên, nếu đây là loại chè Shan như ở Hồ Thầu, thì dù chỉ có vài trăm cây cũng là cực quý. Hồ Thầu nổi tiếng với loại chè Shan tuyết trên sườn núi Chiêu Lầu Thi, có búp to bằng ngón tay, màu tím ngắt, búp được phủ một lớp lông trắng mịn. Loại chè này có giá 3-4 triệu đồng/kg.

Thầy thuốc Phạm Văn Thanh và củ thuốc quý đào được trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Càng lên cao, ông Lâm càng thấy xuất hiện nhiều loại thuốc quý. Từ độ cao 2.200m, vòng sang sườn đông của Tây Côn Lĩnh, gió thổi như bão, những cây dẻ khổng lồ, to vài người ôm đã không còn nữa, thay vào đó là rừng trúc ken dày. Ông Lâm đi trước, nhẹ nhàng phát những cây trúc cản đường để mở lối đi.

Ông Lâm chỉ cho tôi xem những cây măng trúc bé bằng ngón tay cái, song bị héo rũ. Tôi quan sát kỹ, thì thấy có một vết rách ở giữa thân cây măng. Ông Lâm bảo, đó là vết cắn của khỉ. Bọn khỉ chỉ cắn một vết khá nhỏ trên thân cây măng rồi móc lấy cái lõi non bên trong để ăn. Lúc này, tôi mới để ý thì thấy rằng, 90% măng trúc đã bị bọn khỉ xơi mất. Như vậy, có thể khẳng định, đại ngàn Tây Côn Lĩnh còn rất nhiều khỉ. Vần thì bảo, đồng bào Chúng Phùng và Túng Quá Lìn bẫy được khỉ thường xuyên khi chúng về nương phá ngô sắn. Trước đây, dân thường vào rừng săn khỉ, quây cả đàn lại bắn chết, nhưng giờ súng kíp đã bị thu hết, nên không săn được khỉ nữa.

Vết khỉ ăn măng.
Tuy nhiên, theo Vần, dân Chúng Phùng không có súng đi săn, không có súng tự vệ, thì thợ săn ở Trung Quốc lại vác súng mò sang rừng Tây Côn Lĩnh bắn thú. Những toán thợ săn Trung Quốc còn kéo đến những cánh rừng sát bản Chúng Phùng để bắn lợn rừng và khỉ. Đồng bào Chúng Phùng nhìn thấy họ đều ngại, vì họ đều lăm lăm súng ống trên tay. Đêm ngủ trong rừng Tây Côn Lĩnh, thi thoảng tôi nghe thấy tiếng nổ đùng đoàng. Vần bảo, đó là tiếng súng săn thú rừng của người Trung Quốc.

Chúng tôi cứ cuốc bộ trên sống núi, vượt qua rừng trúc thì đến một hệ sinh thái hoàn toàn khác: rừng đỗ quyên. Tưởng rằng, đỗ quyên là loài đặc hữu của Fansipan, không ngờ Tây Côn Lĩnh cũng có rừng đỗ quyên. Chỉ tiếc là dịp chúng tôi đi, đỗ quyên chưa nở hoa đỏ rực.

Ông Trần Ngọc Lâm...
...và tác giả trèo lên ngọn cây đỗ quyên trên đỉnh Tây Côn Lĩnh để nhìn ra tứ phía.
Cuốc bộ xuyên rừng đỗ quyên đến gần trưa, thì chúng tôi trèo lên đến đỉnh núi mà mọi người lầm tưởng đó là đỉnh Tây Côn Lĩnh. Đứng từ bản Chúng Phùng nhìn rõ đỉnh núi này, tuy nhiên, nó không phải đỉnh núi cao nhất. Nhưng khi đứng trên đỉnh núi này, sẽ nhìn thấy đỉnh Tây Côn Lĩnh ở ngay trước mặt, cao hơn không đáng kể. Đỉnh núi này và đỉnh Tây Côn Lĩnh được ngăn bởi một thung lũng nhỏ, võng xuống như lưng con ngựa. Điểm võng xuống đó, chính là đầu nguồn của những con suối.

Vậy là đỉnh Tây Côn Lĩnh đã ở ngay trước mắt. Lòng tôi tràn ngập hạnh phúc, cứ thế vạch rừng phăm phăm bước đi. Khi gần lên đến đỉnh, mọi người dừng chân và thống nhất nhường cho tôi là người đầu tiên đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc”.

Ông Trần Ngọc Lâm, thầy thuốc Phạm Văn Thanh và tác giả chụp ảnh kỷ niệm trên "nóc nhà Đông Bắc".
Có thể từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã đặt chân lên đỉnh Tây Côn Lĩnh để vẽ địa đồ, có thể thợ săn nào đó đã vô tình bước qua mỏm núi này, nhưng tôi cứ vui vẻ mà chắc rằng, tôi là gã nhà báo đầu tiên đặt chân lên “nóc nhà Đông Bắc” của đất nước tươi đẹp này.

Cảm giác khi đôi chân đặt lên “nóc nhà Đông Bắc” thật khó tả. Tôi đã có 3 lần tìm đường lên đỉnh núi này thất bại. Hình như đã có vài giọt nước mắt hạnh phúc, chưa kịp chảy xuống má, đã bị gió như bão của Tây Côn Lĩnh cuốn đi mất.

Chúng tôi thay nhau trèo lên ngọn đỗ quyên để nhìn ra tứ phía. Chiếu trên bản đồ, thấy thị xã Hà Giang cách đỉnh Tây Côn Lĩnh không xa lắm, nhưng núi non trùng điệp, mây mù giăng kín nên chẳng nhìn thấy gì. Phóng tầm mắt về hướng Tây Bắc, qua bản làng nhỏ xinh của xã Lao Chải, thấy nước bạn Trung Quốc rộng lớn mênh mông, núi non trùng điệp. Từ đỉnh Tây Côn Lĩnh, nhìn rõ cả cái cổng làng của nước bạn.

Ghi tên mình...
...để lưu dấu trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.
Chúng tôi mở nắp chai rượu thóc Nàng Đôn nổi tiếng của Hà Giang để chia vui. Uống hết chai rượu, thầy thuốc Phạm Văn Thanh lấy bút ghi tên nhóm chúng tôi vào tờ giấy, gói vào túi nilon, cho vào chai rượu rồi vặn chặt nắp lại. Anh Thanh buộc dây vào cổ chai rồi treo lủng lẳng trên một cây đỗ quyên trên đỉnh núi.

Sau khi đào được một balô cây thuốc cực quý trong rừng đỗ quyên trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, chúng tôi rời “nóc nhà Đông Bắc”. Tôi đề xuất mở đường theo hướng Tây Bắc, xuống xã Lao Chải, rồi cắt chân núi tìm về bản Chúng Phùng. Theo tính toán, hành trình này mất khoảng 3 ngày. Tuy nhiên, Vàng Seo Vần bảo không thể đi vào khu rừng phía Tây Bắc được, vì đó là bãi mìn khổng lồ. Ông Lâm có nhiều năm ở chiến trường, nên ông bảo thông tin Vần nói là đúng. Thời chiến tranh biên giới, cả hai bên đều giăng mìn khắp ngả.

Chúng tôi dạo chơi, tìm cây thuốc chán chê, rồi quay về địa điểm dựng lều trước khi trời tối. Hành trình cuốc bộ một ngày đã đưa tôi trở lại bản Chúng Phùng.

Đỉnh Tây Côn Lĩnh lại chìm nghỉm trong mây mù như triệu năm nay vẫn thế.

Phạm Ngọc Dương
 
Top