Cuối xuân, dạo bước tới Côn Sơn

10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Cuối xuân, dạo bước tới Côn Sơn

18-03-2011 11:00:00
Bài và ảnh Giang Hoàng
Côn Sơn 500 năm trước là nơi Nguyễn Trãi lui về ẩn dật, Côn Sơn bây giờ là nơi mời gọi du khách bốn phương dừng chân, thư thả dạo bước giữ rừng thông để thấy lòng bình yên...

Không còn cảnh chen chúc đông nghịt khách thập phương vào những ngày hội chính đầu tháng Giêng, không gian Côn Sơn những cuối xuân vừa tĩnh tại lại không quá thanh vắng giúp cho du khách cảm nhận được vẻ đẹp của một thắng tích, của mái chùa cổ kính nép mình dưới tán thông, của hiên nhà xưa nơi người anh hùng đã tức cảnh đề thơ.


Hành trình khám phá Côn Sơn bắt đầu bằng vãn cảnh Côn Sơn tự. Lối vào chùa được trải những hàng gạch bát xếp chéo giữa những cây thông cổ thụ xòe tán râm mát. Chùa được khởi dựng vào thời Trần. Cùng với chùa Yên Tử, Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, đây là một trong bốn trung tâm lớn của thiền phái Trúc Lâm.


Đây chính là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang. Sau khi Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp và từ đó đến nay, ngày mất của Huyền Quang dần trở thành Hội Xuân Côn Sơn.

Đến với Côn Sơn, du khách sẽ nghe kể về huyền thoại giếng Ngọc nằm ở chân núi sau chùa Côn Sơn, nước trong xanh và mát lạ kỳ. Từ giếng Ngọc, khách lên đỉnh núi ở độ cao hơn 200m để ngắm bàn cờ tiên trên đỉnh Côn Sơn.







Du khách cũng không thể bỏ qua đền thờ Nguyễn Trãi, một quần thể kiến trúc mới được tu bổ. Đền nằm dưới chân núi Phượng Hoàng, trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền.

Tam quan đền thờ Nguyễn Trãi sừng sừng giữa trời​
Đền thờ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi
Ở lưng chừng núi là khu đền thờ Trần Nguyên Đán - ông ngoại Nguyễn Trãi. Năm 1385, Trần Nguyên Đán cùng vợ đưa cháu về sống tại Côn Sơn.

Tại đây ông cùng vợ trồng rừng thông, bãi giễ và xây dựng quần thể kiến trúc trong núi. Ngoài ra còn có một khu nền nhà cũ tương truyền là nơi Nguyễn Trãi sống trong những ngày ông về Côn Sơn ẩn cư.


Đi giữa bạt ngàn rừng thông cao tít, mùi nhựa thông dìu dịu lan tỏa khắp không gian, ngắm những dòng suối và thác nước quanh năm róc rách. Côn Sơn đã chứng kiến một chặng đường đời và bi kịch của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Sau những năm tham gia triều chính, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn và sống cuộc dời ẩn dật.

Cảnh đẹp Côn Sơn đã gợi nên cảm hứng để Nguyễn Trãi sáng tác nhiều bài thơ trong Quốc Âm thi tập. Những câu thơ xưa vẫn còn văng vẳng đâu đây:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Thông tin thêm:
Nằm cách Hà Nội 80km về phía đông bắc, khu du lịch Côn Sơn thuộc địa phận xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh (Hải Dương) là một điểm đến trong tuyến hành hương Côn Sơn - Kiếp Bạc - Yên Tử - Quỳnh Lâm.



dạo bước tới Côn Sơn ,
 
Top