“Gà trống nuôi con”

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
PN - Bỗng dưng phải làm mẹ, những ông bố “gà trống nuôi con”; hay gọi như người Pháp là “Cha gà mái” - “Papa-poule”; phải đối mặt với bao điều, từ đơn giản đến phức tạp mà thiên chức tự nhiên của người đàn ông không hề được chuẩn bị trước. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”…

CHUYỆN CỦA BÀ MẸ VỢ

Tôi góa chồng năm 27 tuổi. Một mẹ một con đùm bọc lẫn nhau. Con gái tôi lấy chồng, tôi có thêm đứa con trai. Niềm vui khi đón đứa cháu gái ra đời chưa đầy tháng thì mẹ nó ra đi vì bệnh tim. Tôi quỵ xuống, chỉ muốn theo con gái mà đi cho nhẹ gánh đời. Con gái mất, cháu ngoại khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Mọi chuyện ập xuống đầu con rể. Nó lặng lẽ lo tang vợ đâu vào đấy; lo cả việc chăm sóc, an ủi tôi. Nó lóng ngóng pha sữa, cho con bú. Đôi bàn tay to lớn vốn quen những công việc đàn ông, giờ vụng về lóng ngóng với chuyện đàn bà tỉ mẩn.



Tuổi cao cùng nỗi đau mất con đã lấy đi chút sức lực còn lại, tôi đành giao phó mọi việc cho con rể. Tất tả như gà mái mẹ, nó dậy từ tờ mờ sáng, pha sữa, nấu cháo ủ sẵn cho con. Nó làm đủ trò để dỗ dành con bé ăn từng muỗng cháo, uống từng ngụm sữa. Có lần con bé sốt siêu vi, nó ngồi suốt canh giấc ngủ của con, giặt khăn ấm lau mình cho con hạ sốt, kề miệng hút đàm khi con nghẹt mũi khó thở. Con bé khóc ngằn ngặt cả đêm, nó bồng đi khắp nhà, cất cái giọng khàn đục ru con ngủ. Nó dọn phân, tắm rửa cho con, cố gắng nhẹ nhàng để không làm đau con bé. Nhìn nó vụng về, loay hoay mà thương. Tôi bảo nó thuê người giúp việc để chăm sóc cho con, nó bảo: “Đã không có mẹ bú mớm, nếu giờ không có cha dỗ dành nữa thì tội nghiệp cháu lắm mẹ à”. Nó hớn hở khoe cái răng đầu tiên đang nhú lên của con bé, chẳng một lời than thở vì phải thức đêm chăm con sốt mọc răng. Nó mừng rơi nước mắt khi lần đầu nghe con gọi tiếng “ba”. Nó nâng bàn tay bé xíu dẫn con gái tập đi, đầu va vào cạnh tủ đau điếng mà miệng liên tục khen con giỏi, đã đi được vài bước rồi…

Từ bỏ mọi thú vui đàn ông, xong công việc là nó chạy ngay về với con. Nó như con đại bàng khư khư giữ lấy tổ của mình, ấp iu từng động cựa của con. Giờ cháu tôi đã lên năm, rể của tôi lại gò lưng dạy con đánh vần. Tôi dò ý, bảo nó nên kiếm cho con bé một người mẹ, nó nhe răng cười: “Mẹ khéo lo. Con là cha, là mẹ luôn rồi. Một mình con đủ để yêu thương bé thay cho cả hai người”.

NGƯỜI VỢ LẦM LẠC

Ánh nắng cuối ngày hắt những tia sáng chập choạng, vàng vọt lên những hàng bia mộ. Nghĩa trang vắng lặng. Người đàn bà đứng cúi đầu trước mộ phần còn nồng mùi vôi vữa. Chị khuỵu xuống thắp một nén nhang, mắt không dám nhìn thẳng vào di ảnh người quá cố, dù nụ cười của người đàn ông từng là chồng chị, thật hiền.

Hơn hai mươi năm trước, không chịu nổi cơ cực, đói nghèo, chị bỏ lại đứa con bốn tuổi cho chồng, chạy theo người đàn ông khác. Ôm con trong căn nhà vắng lặng, người đàn ông vừa mang nỗi đau tình phụ, vừa phải gánh đứa con trai nhỏ ngơ ngẩn vì nhớ mẹ. Anh chẳng nghĩ đến mình, đồng lương công nhân ít ỏi anh dành mua sữa, mua thịt cho con. Đêm đêm, thằng bé giật mình khóc thét vì thiếu hơi mẹ, anh để con nằm ngủ trên ngực mình, truyền cho nó hơi ấm người cha, suốt nhiều năm ròng như thế. Chiều tan ca, anh tất tả về nhà đưa con ra bờ kênh lộng gió ngắm những cánh diều bay. Kiếm từng mảnh giấy màu, anh tỉ mẩn làm chiếc diều nhỏ để nghe tiếng con cười... Từng ngày trôi qua, thằng bé ngày nào ngơ ngác như chú chim non lạc mẹ giờ đã lớn khôn, vào đại học, quyết tâm học thành tài để đền đáp ơn cha.

Ngày đứa con hớn hở mang chiếc áo mới, mua bằng đồng lương đầu tiên về tặng cha, cũng là lúc nó quỵ xuống ôm lấy thân hình ốm yếu lạnh ngắt của cha. Anh ra đi vì một cơn bạo bệnh. Đôi mắt khép lại nhưng trên khuôn mặt gầy ấy vẫn ánh lên nét tự hào, khóe miệng như đang nhoẻn cười mãn nguyện: chú chim non ngày nào giờ đã đủ lông đủ cánh để tự bay vào đời. Anh cũng biết, con trai mình sẽ tha thứ cho mẹ, bởi anh luôn dạy con lòng bao dung, độ lượng.

TẤM LÒNG CON GÁI

Khách dự tiệc cưới ở nhà hàng Hoàng Oanh (Đà Lạt) đã thật sự xúc động khi cô dâu xinh xắn cầm micro, cất tiếng: “Thưa quý khách, trong ngày vu quy, tôi xin dâng lên người cha kính yêu lòng biết ơn vô bờ mà một đứa con gái có thể bày tỏ với cha mình. Ông đã ở bên con gái mình những ngày nó cô đơn, lẻ loi vì mất mẹ; khi nó chán đời, lạc lối; khi nó trở thành thiếu nữ rồi biết yêu. Ông quên mình cũng trống vắng, cô độc; ông không nghĩ mình cần một bàn tay chăm sóc dịu dàng. Ông dồn hết tình thương cho tôi. Ngày ngày, ông cần mẫn đưa tôi đến trường. Tôi vào tuổi dậy thì, ông lúng túng nói với tôi những điều mà lẽ ra một người mẹ sẽ dặn dò con gái. Tôi không hiểu ông lấy đâu ra sự kiên nhẫn để có thể mãi yêu thương tôi, một đứa con gái ngỗ nghịch nhiều lần làm ông phiền lòng”. Rồi nghẹn ngào, cô gục đầu vào ngực cha - người đàn ông mái tóc đã bạc phơ.

Cô dâu trẻ còn muốn nói với cha nhiều điều, về buổi chiều tháng Tám không thể nào quên năm cô 14 tuổi. Giận cha không cho mặc đầm bó ngắn cũn cỡn, cô bỏ đi cùng đám bạn, qua đêm không về. Trời mưa gió tầm tã ông lặn lội đi tìm con. Gặp con say khướt, sằng sặc cười như kẻ điên khùng, ông lặng lẽ đưa con về, ngồi thâu đêm canh cho con ngủ. Sáng con gái dậy, ê ẩm vì cơn say, đã có sẵn chén cháo gà ông nấu từ sớm mai, giục con ăn cho tỉnh rượu. Vậy mà nhìn đôi mắt cha đỏ lên vì thiếu ngủ, con gái ông còn cười cợt, khiêu khích. Không rầy la, ông chỉ nhẹ nhàng khuyên con điều hay lẽ phải… Cô dâu trẻ thì thầm trong tiếng nấc nhẹ: “Cha ơi, sao cha có thể bao dung đến vậy? Suốt đời con chẳng thể nào quên công ơn dưỡng dục của cha”. Ông xúc động ôm vai con gái, cầm tay con trao cho chú rể. Ông biết rồi mình vẫn dõi theo con, ở bên khi nó cần. Như bao “gà trống nuôi con", ông chỉ có tình yêu thương vô bờ làm “la bàn” cho mọi hành động.

Những người cha “gà trống nuôi con” luôn phải vượt qua bao nhọc nhằn. Trao cho con trọn vẹn tình yêu thương, và “phần thưởng” cho họ chính là tình yêu, lòng biết ơn và sự thành đạt của những đứa con. Hạnh phúc ấy tuy đong đầy vất vả nhưng nếu phải làm lại từ đầu, những người cha ấy vẫn chẳng từ nan.

XUÂN HẠO


http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2012/Pages/ga-trong-nuoi-con.aspx
 
Top