Gần 2/3 doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam làm ăn có lãi

98
0
16

hatenanews

Member
Sáng ngày 14/2, Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản ( JETRO ) tại Hà Nội công bố kết quả cuộc khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương, trong đó có các doanh nghiệp xứ sở Mặt trời mọc ghi nhận nhiều điểm cải thiện tại Việt Nam.

Số doanh nghiệp có lãi tăng

Theo kết quả khảo sát, có đến 62,8% số doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có lãi. Xét theo loại hình doanh nghiệp, tỷ lệ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu (EPE) và doanh nghiệp không gia công xuất khẩu (Non-EPE) trả lời “có lãi” lần lượt là 59,63% và 62,2%.

So với các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ báo lãi của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chỉ thấp hơn tỷ lệ được ghi nhận ở Philippines và Trung Quốc.

Tìm hiểu thêm: Doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác phát triển sản phẩm chè Việt Nam

Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 2/3 số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai, đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác.

“Điều này thể hiện các doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là thị trường tiềm năng và có sức hấp hẫn cao”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, nói tại buổi họp báo.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn/BizLIVE

Gần 88% số doanh nghiệp cho rằng lý do để mở rộng kinh doanh là “doanh thu tăng”, và 46% số doanh nghiệp kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng cao.

Môi trường đầu tư ở Việt Nam cải thiện

Về thuận lợi trong môi trường đầu tư, Việt Nam xếp thứ tư trên tổng số 15 quốc gia được khảo sát về “Tình hình chính trị, xã hội ổn định”.

Ngoài ra, hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản trả lời nhìn nhận tích cực về “Quy mô thị trường, tính tăng trưởng”, và “Chi phí nhân công rẻ” của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam vẫn “đội sổ” về “Rào cản ngôn ngữ” khi chỉ 9,5% trong số họ cho biết không gặp trở ngại gì. Theo ông Kawada, một số nước láng giềng như Philippines và Malaysia có lợi thế hơn Việt Nam do tiếng Anh được sử dụng rộng rãi.

Khảo sát cũng chỉ ra nhiều rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó có Chi phí nhân công tăng cao, Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, Chính quyền địa phương vận dụng chính sách không rõ ràng, và Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp.

Đáng chú ý, trong số năm hạng mục rủi ro hàng đầu trong đầu tư, ngoại từ rủi ro “Chi phí nhân công tăng cao”, các nội dung khác đều cải thiện so với năm trước.

Ông Atsusuke Kawada đánh giá rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam có nhiều cải tiến vượt bậc, nhất là về hệ thống luật pháp, thủ tục hành chính và thủ tục thuế. Điều này nhờ vào sự quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan có liên quan, nhất là việc tiếp tục ra Nghị quyết 19. Tuy vậy, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để giảm các rủi ro này.

Tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp

Các doanh nghiệp chế tạo Nhật Bản cho biết tỷ lệ nội địa hóa của họ tại Việt Nam là 34,2%. Tỷ lệ này cao hơn Phillipines (31,6%), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (67,8%) , Thái Lan (57,1%), Indonesia (40,5%) và Malaysia (36,6%).

Báo cáo chỉ ra rằng Tỷ lệ cung ứng tại các doanh nghiệp nội địa Việt Nam vẫn dậm châm tại chỗ, ở mức 41,1%. So với các quốc gia khác, tỷ lệ cung ứng từ nguồn “Doanh nghiệp nước ngoài khác” (ngoài doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp Nhật Bản) là cao (13,1% năm 2016), chủ yếu từ các doanh nghiệp Đài Loan.

Xét tổng thể, tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa Việt Nam chỉ đạt 14,1% (34,2%*41,1%), được JETRO đánh giá ở mức “rất thấp”. Tỷ lệ này thấp so với mức 40,3% của Trung Quốc, 24,8% của Thái Lan và 19,1% của Indonesia.

Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản được JETRO thực hiện thường niên từ năm 1987.

Khảo sát năm 2016 được thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương, từ tháng 10 đến 11 năm 2016.

Trong số 4.642 doanh nghiệp trả lời hợp lệ có 639 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
 
Top