Gian nan hành trình xin làm người nghèo để cứu con!

144
0
0

Lantrailt

New Member
Gian nan hành trình xin làm người nghèo để cứu con​

http://dantri.com.vn/c20/s20-334661/gian-nan-hanh-trinh-xin-lam-nguoi-ngheo-de-cuu-con.htm

Tôi là người mẹ có tội lớn với các con. Sinh ra chúng nhưng không mang lại cho chúng một cuộc sống đủ đầy (…)Giờ tôi chỉ ao ước có được cuốn sổ thuộc diện hộ nghèo để làm lá bùa hộ mệnh, cứu mạng con tôi...
Đó là những lời trần tình xúc động của một người phụ nữ ở thôn Diệu, xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Chị là Nguyễn Thanh Bình, đang mang bệnh nặng nhưng lại phát hiện ra con gái mình sẽ qua đời nếu không được phẫu thuật tim.


Trong lúc khốn quẫn, được một số người gợi ý nên xin vào danh sách hộ nghèo để được hỗ trợ. Và với chị Bình, giờ đây cuốn sổ hộ nghèo chính là “tấm bùa hộ mệnh” cho con gái. Dù nghèo đói thật, nhưng nhà chị Bình lại không đủ điều kiện để được sở hữu cuốn “sổ hộ nghèo”. Và cái hành trình khổ đau xin làm người nghèo để cứu con gái của chị cũng bắt đầu.


Lời khẩn cầu từ rừng cọ


Trong bức thư gửi cho tôi, người mẹ khổ đau này viết: “Tôi là người mẹ có tội lớn với các con. Sinh ra chúng nhưng không mang lại cho chúng một cuộc sống đủ đầy, dù đó chỉ là một mái nhà che thân, một bữa cơm ngon với món thịt rang mà chúng thích... Chồng tôi làm bốc vác xi măng, còn tôi thì khai thác đá ở mỏ đá thuộc Công ty Xi măng Thanh Ba. Thu nhập mỗi tháng của cả 2 vợ chồng tôi chừng 1,5 triệu đồng. Vì không có nhà ở, chúng tôi thuê tạm 1 căn hộ với giá 80.000 đồng/tháng để lấy chỗ đi về. Vì hoàn cảnh khó khăn, tôi phải đem các con gửi mẹ đẻ nuôi nấng.



Gần nhà máy xi măng, quanh năm khói bụi mịt mù, con trẻ đau ốm triền miên. Vợ chồng tôi mải mê mưu sinh, cố gắng kiếm cho các con ngày 2 bữa cơm đạm bạc và cho chúng được học hành. Các con tôi khôn lớn dần lên trong ngôi nhà tranh vách tre của mẹ. Bi kịch bắt đầu xảy đến với gia đình tôi cách đây 5 năm. Trong một tai nạn xe cộ, tôi bị ngã gãy chân và phải nghỉ việc trị thương. Cũng trong tai nạn ấy, tôi chết điếng khi biết mình còn mắc 2 căn bệnh sỏi thận và gan nhiễm mỡ rất nặng... Sức khoẻ yếu dần, không lâu sau tôi được công ty cho nghỉ mất sức, họ thanh toán cho tôi cả bảo hiểm và tiền lương tổng cộng lại là 8 triệu đồng. Số tiền chỉ đủ để tôi trang trải nợ nần cho cái chân bị gãy trước đó. Nhưng...”.



Đọc lá thư đến đây thì tôi bắt gặp những nét chữ đã bị nhòa đi trên giấy trắng. Điều khiến chị gục ngã lại không phải là bệnh tật của mình, mà là sự yếu dần đi của cô con gái cả xinh xắn. Cháu bé mắc bệnh tim bẩm sinh, nếu không được cứu chữa kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hơn 4 năm nay, gia đình chị Bình đã loay hoay tìm đủ phương cách để cứu chữa cho con, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào tiền.



Cuối thư có đoạn viết: “Giờ tôi chỉ ao ước có được cuốn sổ thuộc diện hộ nghèo để làm lá bùa hộ mệnh, cứu mạng con tôi”. Đọc xong lá thư, tôi tức tốc thu xếp công việc, bắt chuyến xe Mỹ Đình - Thanh Ba, lần tìm theo địa chỉ của chị Bình.



Vào hộ nghèo không dễ


Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Luyến - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá - chị Bình lấy chồng sang xã bên, hộ khẩu mới chuyển về đây nên xã không nắm được về tình trạng tật bệnh và hoàn cảnh kinh tế gia đình.


Bà Luyến khẳng định: “Cách đây 2 tháng, đích thân tôi tiếp bà Nguyễn Thị Lý (mẹ đẻ chị Bình) và được biết, bà ấy xin xác nhận có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để đi xuống Hà Nội kêu cầu các cơ quan, tổ chức hảo tâm giúp đỡ để chữa bệnh cho cháu bà ấy. Tôi có xác nhận vào lá đơn của bà Lý, còn chuyện vào danh sách hộ nghèo của xã thì không thể làm được trong thời điểm này, phải đợi đến cuối năm”.


Với nhiều người dân xã Thanh Xá, việc gia đình chị Bình tìm mọi cách chạy đôn chạy đáo, xin vào danh sách hộ nghèo của xã để được một lần sử dụng cái đặc quyền của người nghèo, đi chữa bệnh cho con thật đáng thương. Nhưng chính họ cũng nghèo chẳng kém gì chị Bình và hơn nữa, họ chẳng có quyền phủ quyết chuyện đó?



Không chỉ đến xã xin vào danh sách hộ nghèo, bà Lý còn nhiều lần đến nhờ ông Nguyễn Anh Mận, Trưởng khu II, xã Thanh Xá giúp đưa gia đình bà vào danh sách hộ nghèo vì tình trạng cấp bách trước bệnh tật của con, cháu bà Lý. Chia sẻ với chúng tôi, ông Mận thở dài nói: “Bà ấy nghèo thật, nhưng nếu theo cách tính quân bình hiện nay thì không đủ tiêu chuẩn được vào danh sách hộ nghèo. Mà hàng năm chúng tôi rà soát cặn kẽ lắm, chủ yếu là “đưa ra” thoát nghèo để lấy thành tích thi đua cơ sở, chứ “đưa vào” là phải thuộc trường hợp bất đắc dĩ lắm.



Như gia cảnh bà Lý còn 1 đứa con trai đi làm ở ngoài, cứ ra khỏi làng là phải tính thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng. Chia ra 2 mẹ con là mỗi người 500.000. Thế thì không thể nghèo được rồi. Chẳng cần biết thằng bé đó đi làm xa có gửi được đồng nào về cho mẹ nó hay không? Tôi cứ chiểu theo quy định mà tính, hơn nữa nhà bà ấy đã có 2 đứa con trai xây dựng gia đình, thuộc diện hộ nghèo của xã... đưa nốt cả nhà bà ấy vào làm sao được?”.



Khi nhắc đến bệnh tình của cháu Nguyễn Thị Thùy Phương, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học xã Thanh Xá, thì chẳng cán bộ xã nào hay biết. Họ đổ thừa cho việc chị Bình mới chuyển khẩu về xã Thanh Xá, trước đây hộ khẩu của vợ chồng chị thuộc thị trấn Thanh Ba quản lý. Tuy nhiên, việc cháu Phương sinh sống thật ở xã Thanh Xá từ lúc 9 tháng tuổi, do bà Lý nuôi nấng, chăm sóc thì ai cũng thừa nhận là đúng.


Cô giáo Tống Thị Tích, chủ nhiệm lớp của cháu Phương, ở Khu II, xã Thanh Xá khẳng định: “Nhà trường ai cũng biết cháu Phương mắc bệnh tim bẩm sinh từ lâu. Riêng năm học lớp 4 do tôi chủ nhiệm, Phương ngất trong giờ học khoảng 4 lần. Mỗi khi như vậy đều làm cho tôi và các em học sinh rất lo lắng, sợ sẽ có chuyện gì không may xảy ra. Tôi đã khuyên bà ngoại cháu là không nên ép cháu học nhiều, sức nó yếu, cần thiết thì cho nghỉ cũng không sao? Nhỡ có chuyện gì thì nguy hiểm đến tính mạng của cháu. Tôi không được biết về hoàn cảnh quá khó khăn của gia đình cháu, chỉ thắc mắc không hiểu tại sao gia đình không mổ cho cháu sớm?”.



Bác sĩ Nguyễn Xuân Toàn - Trạm y tế xã Thanh Xá chính là người đã trực tiếp cứu cháu Phương vượt qua cơn nguy kịch nhiều lần. Anh Toàn cho biết: “Lần nào đưa về trạm xá, cháu Phương cũng nằm trong cơn nguy kịch gặp nguy hiểm, tôi cũng tiêm 1 mũi thuốc trợ tim và 1 mũi để giãn khí quản, cho cháu thông đường thở. Khi hồi tỉnh lại thì cháu lại bình thường. Nhưng mỗi khi cấp cứu cho cháu xong, tôi cũng báo cáo lên trạm trưởng để anh ấy có hướng báo cáo lên cấp trên theo thẩm quyền của mình. Tôi chỉ làm công tác chuyên môn mà thôi”.



Trong suốt 5 năm phát hiện ra bệnh tình của con mình, gia đình chị Bình chỉ duy trì sức khỏe cháu Phương, bằng những mũi tiêm trợ tim, giãn khí quản... của những bác sĩ quen ngoài thị trấn Thanh Ba. Năm 2009, cháu Phương có nhiều biểu hiện yếu hơn những năm trước.


Tháng 6/2009, cháu Phương được đưa xuống Hà Nội khám theo lời hẹn của các bác sĩ thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương. Khám xong, họ khuyên chị Bình nên tự làm thủ tục liên hệ sang Bệnh viện Việt - Đức để mổ tim cho cháu Phương, kẻo càng để lâu càng nguy hiểm đến tính mạng. Chị Bình bật khóc giữa chốn đông người, vị bác sĩ gạn hỏi, chị thổn thức: “Nhà cháu nghèo quá, làm gì có tiền mà mổ tim cho con? Mỗi lần xuống đây khám lại phải đi vay khắp nơi mới đủ tiền lộ phí, giờ mổ thì lấy đâu được tiền?”.

Nhìn những giọt nước mắt tội nghiệp của người mẹ nghèo, những người có mặt ở phòng khám bệnh viện không cầm được xúc động.


Theo Thu Hoài
Gia đình & Xã hội​

Tội cho 2 mẹ con quá! Nhà mình xem có giúp đc gì ko ạ???
 
Top