Hương vị quê nhà

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Hương vị quê nhà: Nem nướng Lạng Sơn
Nghe đến nem nướng nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món nem chua Thanh Hóa nướng nức tiếng gần xa được bày bán trên vỉa hè, các gánh hàng rong len lỏi khắp ngõ nhỏ, hay như nem chua rán Hàng Bông, được người dân Hà thành ưa chuộng.


Nhưng nem nướng Lạng Sơn có hương gây mùi nhớ rất đặc biệt. Nem Lạng Sơn to bằng cổ tay, gói trong ba lớp lá chuối xanh buộc lạt chặt để khoảng 1, 2 hôm trước khi nướng bằng than hồng.

Tại Lạng Sơn, thị trấn Hữu Lũng nổi tiếng là nơi có nhiều hộ dân sống bằng nghề gói nem nướng. Ngon nhất phải kể đến cửa hàng nem nướng Bà Láng, là cửa hàng làm nem nướng đầu tiên tại đây có tay nghề cao nhất. Hằng ngày tại cửa hàng luôn rộn ràng cảnh người thái thịt, người lau lá chuối, người gói, người tước lạt, người buộc nem để đem bán tại chợ hay giao hàng đặt cho các bữa tiệc. Thành phần nem nướng bao gồm thịt lợn, bì lợn, và chút thính trộn lẫn. Để có được nem ngon phải chọn được phần thịt lợn khoét vai không quá nạc nhưng cũng không được quá mỡ, phải chọn con lợn mới giết, thịt hồng.




Thông thường một chiếc nem gói khoảng 0,3kg thịt lợn. Thịt mua về được rửa sạch, thái con chì, bì lợn luộc chín, cạo sạch lông. Sau đó trộn cả phần thịt và bì với bột thính, gói lại bằng lá chuối tươi và buộc lạt. Không nên buộc lạt quá chặt vì sẽ làm cho nem cứng, và khi nướng, nem sẽ không chín đều. Bày nem ra đĩa bỏ lớp lá đã cháy ra, hương thơm nồng của thịt nướng cùng mùi chua ngai ngái của thịt đã lên men quyện vào nhau, sẽ càng thăng hoa cùng vị cay cay của tương ớt. Nếu không có lò than, bạn có thể dùng lò vi sóng, nhưng chắc chắn không ngon bằng.



Theo TN





Cạnh tranh với Ruồi này :D Đố ăn được đấy :D
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hương vị quê nhà

Hương vị quê nhà: Bánh trôi Bằng Giang
Bà tôi vốn gốc Hoa, vì mưu sinh phải trôi dạt về vùng Bằng Giang (Cao Bằng) kiếm sống. > Hương vị quê nhà

Cả nhà tôi ngày ấy sống nhờ công khuân vác của ông và nồi bánh trôi của bà. Mẹ và sáu dì, cậu lần lượt trưởng thành. Và không ai bảo ai, cả ba cô con gái đều theo nghề của bà: nấu và bán bánh trôi. Hai dì theo chồng, đi bán chợ phương xa, còn mẹ tôi vẫn ngồi góc chợ Bằng Giang, chiều chiều mở gánh.




Bánh trôi của mẹ được bắt bằng nếp cái, mẹ tự ngâm nước, giã tại nhà. Ngày nào cũng vậy, mẹ ra giàn hái gấc, rồi nạo, lược, xay, trộn lẫn vào phân nửa bột nếp. Chuẩn bị cho một gánh hàng chiều, mẹ phải ngồi tỉmẩn se từng viên nếp: cái trắng, cái cam, cái nửa cam nửa trắng, một mâm rồi hai mâm...

Để thắng nước đường gừng, mẹ dùng toàn mật mía. Nồi nước đường lúc nào cũng sôi lửa riu riu. Mỗi khi có khách, mẹ cho 10 viên bánh vào nồi nước gừng có chút dầu để trụng bánh. Đó là phút giây "huyền diệu" nhất của công đoạn nấu bánh trôi, những chiếc bánh màu nâu đỏ chuyển sang đỏ cam tươi - màu gấc nguyên sơ của núi rừng Việt Bắc. Mẹ khéo léo cho bánh ra bát, lại chan đường, nước cốt dừa rồi rắc một ít vừng, hoặc lạc rang giã nhuyễn...



Tôi nhớ hoài những ngày nắng, đám bạn trường tiểu học Cao Bằng của tôi cứ chực chờ quanh gánh hàng của mẹ. Bưng bát bánh trôi, nhiều bạn hít hà vì vị cay của gừng... mồ hôi nhễ nhại vậy mà ai cũng thật vui! Khi trời đổ mưa, những cô chú công nhân quanh khu chợ cũng nhờ vị nồng ấm của gừng mà bớt lạnh giá. Đêm hè, rồi đến đêm đông... Gánh bánh trôi của mẹ tôi tại chợ Bằng Giang chẳng mấy chốc mà đã 26 năm tuổi. Bốn chị em tôi lớn lên, được học hành, thành người cũng từ gánh hàng ấy... Nhiều lúc, ở thủ đô phồn hoa, rẽ vào một con ngõ nhỏ, bất chợt thấy quầy bánh trôi... tôi lại trào dâng ký ức hàng bánh của mẹ. Tôi biết, dù có bệnh tật, mệt mỏi thế nào, hay bận bịu giỗ chạp ở xa, mẹ cũng quầy quả quay về xóm chợ Bằng Giang mở hàng... Không phải mẹ sợ mất khách mà cứ sợ món bánh của bà bị thất truyền...
Hàng bánh trôi hôm nay nhiều không kể xiết, ngay tại chợ Bằng Giang, mẹ cũng đã có đồng nghiệp cạnh tranh... Nhưng không ai kiên nhẫn, tự tay nạo gấc, pha màu, giã vừng, lột vỏ, tỉ mẩn và chỉn chu như mẹ. Và cũng nhờ đó, hàng bánh trôi của mẹ, của bà tôi đã thành "một phần lịch sử" của chợ Bằng Giang...

> Hương vị quê nhà

Theo Phụ nữ TP HCM
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hương vị quê nhà

Hương vị quê nhà: Bánh Khẩu sli
Đến Cao Bằng, bạn sẽ được thưởng thức thứ bánh đặc sản của vùng đất này, đó là Khẩu sli. Cái tên bánh hẳn gợi nhiều tò mò cho bạn. > Hương vị quê nhà

Khẩu sli tiếng địa phương có nghĩa là bánh gạo nếp nổ, cũng có thể hiểu là bánh bỏng. Trước đây người Cao Bằng chỉ làm khẩu sli trong những dịp lễ tết, hội hè. Bây giờ, khẩu sli đã trở thành thứ bánh bày bán hằng ngày như nhiều thứ quà khác.

Ngày trước rất chú trọng việc chọn nếp khi làm bánh bởi đây là loại bánh đòi hỏi người làm phải chịu khó, tỉ mỉ và tinh tế. Nếp để làm bánh phải chọn nếp ngon, mẩy đều, mười hạt như mười. Đồ nếp chín rồi dỡ ra, để nguội. Trộn xôi với cám gạo, loại cám mới xay thơm và mịn, đảo đều, đánh tơi ra. Làm thế cốt để cơm nếp không dính vào nhau mà rời ra từng hạt. Có người đem xôi rửa qua nước nguội cho khỏi dính, cách làm này nhanh và đỡ mất công nhưng sẽ làm giảm độ thơm ngon của nếp.


Bánh bỏng nếp Khẩu sli.​

Sau công đoạn này lại phơi thêm một nắng cho hạt nếp se lại mới đem giã thành xôi dẹt. Sàng sẩy sạch sẽ, loại bỏ những hạt gãy nát xong lại đem phơi cho khô hẳn. Như thế tạm xong khâu chuẩn bị, sau đó rang xôi trong chảo gang. Khi rang để lửa vừa phải, đảo cho đều tay. Hạt nếp chín đều, nở phồng, cắn thấy vừa giòn vừa xốp là được.
Đường để làm khẩu sli thường là đường phên (loại đường thẻ của địa phương, miếng to chừng bàn tay). Đường được đun chảy, khi đun thêm một chút nước thành một thứ mật sền sệt. Để thử xem được chưa, người ta chờ cho đường sôi một lúc, nhỏ một chút vào bát nước lạnh, thấy đường vón cục lại, “ngồi” dưới đáy bát là đã đủ độ.
Bỏng nếp đã sẵn sàng. Cho bỏng vào chảo đường đang sôi, nhanh tay đảo để đường và bỏng quyện đều nhau. Đổ ra khuôn gỗ vuông, dàn đều, dùng chai thủy tinh cán qua cán lại nén cho chặt.
Sau cùng đổ lên mặt bánh một lớp kẹo lạc (kẹo đậu phộng) dàn cho phẳng. Kẹo và bánh kết dính nhau làm một. Chờ cho bánh nguội, dùng dao bén cắt thành từng miếng to nhỏ tùy ý. Dùng giấy bản gói bánh thành từng phong, từng cọc. Bên ngoài bọc lớp giấy hoa hay giấy xanh đỏ cho đẹp. Bánh được bọc trong lớp nilông để chống ẩm, để được lâu mà không bị ỉu, vẫn giòn, thơm.
Chiếc bánh khẩu sli mới chỉ trông thôi đã thấy ngon. Những hạt nếp phồng trắng ngà xáo với đường cứ vàng ươm, óng ánh. Lớp kẹo lạc phủ trên mặt bánh một màu nâu đỏ, bóng mượt. Nếm thử, miếng bánh giòn tan trong miệng, có vị thơm dẻo của nếp rang, vị bùi béo của lạc, vị ngọt thanh của đường mía. Dùng bánh khi uống trà lại càng hợp khẩu. Cái hương vị rất riêng, rất đặc biệt của khẩu sli khiến nhiều người phải vương vấn mãi.
Khẩu sli đã trở thành đặc sản của đất Cao Bằng. Người nơi xa đến bao giờ cũng không quên mua vài phong khẩu sli đem về mời bạn bè, người thân cùng thưởng thức.

Theo CATPHCM
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hương vị quê nhà

Hương vị quê nhà: Bánh ít lá gai
Giadinh.net - “Muốn ăn bánh ít lá gai/Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”. Chiếc bánh ít lá gai là một đặc trưng của Bình Định, không chỉ từ hương vị ngọt bùi thơm dẻo kết tinh từ lao động và sáng tạo của người nông dân, từ hình dáng tựa những ngôi tháp Chàm cổ kính rêu phong, từ sắc màu đen lục của lá gai và nếp dẻo mà còn bởi cái tên gọi mang đầy chất huyền thoại… Sự tích chiếc bánh
Theo sự tích xưa, sau khi chàng Lang Liêu - con trai của vua Hùng thứ sáu đã thắng cuộc trong hội thi làm các món ăn để cúng trời đất, tổ tiên trong ngày tết đầu năm mới với hai thứ bánh ngon lành và đầy ý nghĩa là bánh chưng và bánh dày, một nàng con gái út của vua thường được mọi người gọi trìu mến là nàng út ít, vốn rất giỏi giang, khéo léo trong công việc bếp núc, đã nhân dịp đó trổ tài, sáng tạo thêm ra những món bánh mới. Nàng út muốn có một thứ bánh mới vừa mang hương vị bánh dày, vừa mang hương vị bánh chưng của anh mình. Nàng liền lấy chiếc bánh dày bọc lấy nhân của chiếc bánh chưng. Thứ bánh mới này quả đã đạt được yêu cầu tuy hai mà một của nàng út.


Trải qua nhiều thời đại, bánh nàng út ít đã được cải tiến trở thành nhiều hình vẻ hơn và tên bánh được gọi vắn tắt là bánh ít như ngày nay (Ảnh: TL).

Có thứ bánh mới, nàng út lại suy nghĩ rồi quyết định phỏng theo hình dáng của bánh dày và bánh chưng để làm thành hai dáng bánh khác nhau, một thứ dáng tròn không gói lá, giống hệt như bánh dày, một thứ dùng lá gói kín thành dáng vuông giống hệt như bánh chưng để đạt được ý nghĩa “tuy hai mà một”. Nhưng cả hai thứ bánh đó đều làm nho nhỏ, xinh xinh để tỏ ý khiêm nhường với thứ bậc út ít của mình trước các anh chị.
Sau hội thi, ngoài bánh dày, bánh chưng được coi như những thứ bánh thiêng liêng ra, những cặp bánh mang ý nghĩa “tuy một mà hai, tuy hai mà một” của nàng út cũng được mọi người khen ngợi không ngớt. Sau này, những thứ bánh ấy được lưu truyền trong dân gian, mọi người làm theo và cứ gọi bánh này là bánh út ít. Trải qua nhiều thời đại, bánh nàng út đã được cải tiến trở thành nhiều hình vẻ hơn và tên bánh được gọi vắn tắt là bánh út ít, rồi thành bánh ít như ngày nay.
Cũng có người giải thích rằng loại bánh này nhiều hình nhiều vẻ: Thứ gói lá, thứ để trần, nặn cao, nặn dẹt, thứ trắng, xanh, đen, thứ nhân dừa, nhân đậu... nên khi làm bánh, dù là để ăn hay để bán, người ta cũng thường làm mỗi thứ một ít cho có thứ nọ, thứ kia, đủ vẻ, đủ hình, do đó mà thành bánh ít. Có câu ca dao:
Bánh thật nhiều, sao kêu bánh ít
Trầu có đầy sao gọi trầu không?
Cầu kỳ công đoạn làm bánh

Ngày nay, dù có nhiều loại bánh hiện đại, ngon, rẻ và hấp dẫn hơn nhiều, song người Bình Định vẫn không bỏ nghề làm bánh ít lá gai. Nếu không làm để bán được thì cũng làm để cúng giỗ và làm quà cho lễ hồi dâu. Họ truyền nghề này cho thế hệ con cái, nhất là con gái, như một thứ bảo bối gia truyền, một nét đẹp văn hóa.
Để làm được chiếc bánh ít, người ta phải trải qua nhiều công đoạn khéo léo. Đầu tiên là phải chọn nếp để xay (nếp dùng làm bánh ít phải là nếp mới, thơm, độ dẻo vừa) rồi vo kỹ, ngâm với nước vài giờ, sau đó mới xay nhuyễn. Nếu xay bằng cối xay thủ công, phải đăng cho ráo nước để được một khối bột dẻo.
Để có màu xanh đen và hương vị thơm chát cho bánh, người ta hái lá gai non (cây lá gai thường mọc sẵn ở các hàng rào quanh nhà), rửa sạch rồi luộc chín, vắt khô, sau đó trộn với bột dẻo đem giã. Đây là công đoạn dụng khá nhiều sức. Vì nếu giã chưa nhuyễn, bánh ăn lợn cợn, tạo cảm giác không ngon.
Tiếp đến là công đoạn làm nhân “nhưng” bánh. “Nhưng” bánh ít lá gai bao gồm đậu xanh, đường, dừa, có chút quế và bột va-ni cho thơm. Đậu xanh đem xay vỡ đôi rồi ngâm và đãi cho sạch vỏ trước khi luộc chín. Cùi dừa được bào ra thành sợi, bỏ vào chảo gang xào chung với đường một lúc cho đến độ chín tới mới trộn tiếp đậu xanh. Xào “nhưng” trên bếp lửa liu riu cho đến khi nào đường chín tới, “nhưng” có màu vàng sẫm, dẻo quánh, mùi thơm bốc lên ngào ngạt là vừa.
Làm bánh ít không khó, nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ. Sau khi đã xào “nhưng” xong, ngắt một miếng bột nếp, tẽ thành bánh mỏng hình tròn trên lòng bàn tay, rồi vốc một nhúm “nhưng” bỏ vào giữa, túm bốn bên lại cho khít mối, sau đó vo tròn trong lòng bàn tay. Lúc này, bột nếp đã bọc toàn bộ “nhưng” bánh thành một khối tròn. Để cho bánh khỏi dính, người ta chấm một chút dầu phộng, xoa đều trên tấm lá chuối xanh, sau đó bọc bánh lại theo hình tháp rồi mang đi hấp. Có nơi, người ta hấp bánh trần, bánh chín mới gói để giữ màu xanh của lá chuối. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng, đầy vẻ quyến rũ, huyền bí.
Ngoài bánh ít lá gai, có một số nơi làm bánh ít thường bằng bột nếp, màu trắng, có “nhưng” đậu xanh, “nhưng” dừa đường hoặc “nhưng” tôm, thịt; có loại gói lá chuối, có loại để trần; Cũng có loại làm bằng bột khoai mì, bột củ dong... và đều làm chín bằng phương pháp hấp như trên, song người An Nhơn, Bình Định thì chỉ làm bánh ít lá gai “nhưng” dừa hoặc “nhưng” đậu xanh gói lá chuối rồi mới đem đi hấp.
ở hầu hết các làng quê Bình Định, đám giỗ nào cũng có bánh ít lá gai. Bánh cúng xong được dọn lên mâm cỗ làm món quà tráng miệng và làm quà bánh cho người ở nhà. Đây cũng là nét riêng trong văn hoá ẩm thực và văn hoá ứng xử của người Bình Định.
Mai Thìn​
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hương vị quê nhà

Hương vị quê nhà: Gỏi mít non đất Quảng
Giadinh.net - “Có duyên lấy đặng chồng nguồn/Ngồi trên ngọn gió có buồn cũng vui/Nhón chân kêu bớ họ nguồn/Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. > Hương vị quê nhà: Bánh ít lá gai

Cây mít được người Kinh, người Thượng ở các huyện miền núi, như Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long (Quảng Ngãi) trồng nhiều. Vùng đất sỏi cằn này thích hợp cho cây mít tuy trái nhỏ nhưng lại ngon, thơm, ngọt, quyến rũ hơn mít dưới xuôi nhiều lần. Trên những xe hàng xuôi từ các huyện miền núi về đồng bằng xứ Quảng, lúc nào cũng đầy ắp những bao mít non. Góc bán mít, nhất là mít non, ở từng chợ, chợ quê, chợ tỉnh, bao giờ cũng tấp nập, nhộn nhịp người mua. Đương nhiên, mít luộc, gỏi mít ngoài chợ làm sao ngon, đầy đủ hương vị bằng do chính tay của các mẹ, các chị xứ Quảng làm.



Mua khoảng nửa trái mít non về là cả nhà bốn, năm người ăn mệt nghỉ. Chịu khó gọt sạch lớp vỏ, gai bên ngoài, xắt thành nhiều miếng nhỏ, cỡ chừng nửa bàn tay, ngâm, rửa trong nước cho hết chất nhựa. Khi nồi nước trên bếp sôi sùng sục, đồng loạt thả mít vào, khoảng mươi phút sau, mít chín vừa (đừng để mít chín nhừ sẽ mất ngon). Là món luộc, nhanh ăn, chỉ cần xắt ra từng miếng nhỏ, vừa ăn, chuẩn bị một bát nước mắm, nếu gặp phải bát nước mắm cái, mắm tôm thì càng tuyệt (vì mít non rất hợp “gu” thứ này) cùng với các gia vị quen thuộc như ớt sim, tỏi giã nhỏ, đảm bảo khó có người nào dám chê món dân dã, đơn giản này mà không ngon, lạ miệng.
Đúng bài nhất, phải là món gỏi mít non. So với món luộc trên thì món gỏi có phần công phu hơn chút ít. Luộc xong, băm cho thật nhỏ, vụn, đợi chảo dầu phụng sôi mạnh, đổ vào đảo nhanh, rồi bắc xuống. Rang lạc thơm giòn, giã giập, thổi sạch lớp vỏ lụa bao bên ngoài, chẳng quên chút mắm, tiêu, ớt, vài chục cọng lá rau húng cho vào, trộn tới khi đều. Dùng bánh tráng mỏng hay bánh tráng nướng chín vàng ươm mà cuốn, mà xúc gỏi mít non sẵn trên bát đĩa, thì có gì ngon hơn. Gỏi mít non, được mọi người thích ăn thường xuyên, mọi lúc, vì bản thân nó vừa thơm ngọt, bùi vừa có nhiều chất bổ dưỡng, giàu vitamin các loại.
Món gỏi mít thơm ngon này không chỉ góp mặt trong vô số bữa ăn thường nhật của từng gia đình mà còn được “phô diễn” rất nhiều trong giỗ chạp, liên hoan bạn bè, người thân. Thêm vài xị rượu đế nữa, cái ngon đến… ngất ngây. Có rất nhiều sản vật của làng quê này được chế biến thành gỏi, như gỏi đu đủ, gỏi xoài, gỏi cá cơm, song hiếm có loại gỏi nào “qua mặt” được gỏi mít non. Mít non, một món ngon, bổ, rẻ, dễ làm, ai mà không ghiền, không khoái cơ chứ…

 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hương vị quê nhà

Hương vị quê nhà: Lẩu vịt nấu sấu
Hà Nội giờ đang vào mùa sấu. Trái sấu nho nhỏ đơn sơ mà tạo ra nhiều cảm hứng biến tấu thi vị trong ẩm thực.

Sấu có mặt từ các món ăn chơi của các thiếu nữ cho đến những tô canh thanh đạm lẫn món lẩu đầy kì công của các bà nội trợ.


Món lẩu đặc trưng miền Bắc được nấu theo phong vị của người Nam.


Tôi nhớ có lần bạn tôi được quà chừng một bọc sấu tươi được gửi xách tay từ Hà Nội đến tận nhà, bạn ríu rít gọi nhóm bốn người đến ăn món vịt nấu sấu. Lúc đó, với tôi, cái trái tròn tròn xanh xanh bé tí ấy khi ăn sống chẳng có ấn tượng gì vì không “đã” bằng cóc và xoài. Khi thấy bạn lấy ra 6 trái sấu cho nồi lẩu nửa con vịt, tôi tròn mắt vì nghĩ thế có thấm vào đâu. Vì mấy trái sấu đó mà bạn tíu ta tíu tít chuẩn bị nào vịt, nào cà rốt, củ cải, hành tây, đầu hành, ngò gai, gừng, rau muống, cải thảo, bún tươi… , đủ chất của một nồi lẩu khoái khẩu của dân Sài Gòn. “Trái sấu già mới thơm, không bị chát và đủ độ chua sẽ khiến thịt vịt mềm nhanh”, bạn vớt mấy trái sấu chín rục ra dằm nát rồi đổ vào lại nồi lẩu và nháy mắt khi thấy ai cũng sốt ruột bởi mùi chua của sấu và vị béo của vịt trộn lẫn vào nhau bốc lên thơm dịu.

Khi nồi lẩu với màu đỏ cà rốt, trắng trong củ cải, vàng dịu của gừng, trắng ngà của vịt lẫn vào màu xanh của hành ngò, được bưng ra để liu riu lên bếp ga trên cái bàn nhỏ xíu, chung quanh là màu trắng muốt của bún, xanh um của rau muống, đỏ tươi của chén mắm ớt gừng, cả đám ngẩn người ra trước sự biến tấu pha trộn của sắc màu lẫn hương vị hai miền một cách khéo léo không ngờ, rồi cùng quây quần xúm xít hít vào cái mùi thơm dìu dịu, không cả để ý chuyện nhỏ bạn đính chính bảo thực ra là học trộm từ cô chủ một quán ăn nhỏ có nhiều món lẩu đặc trưng miền Bắc được nấu theo phong vị của người Nam.

Sài Gòn đang mùa mưa. Chìm trong âm thanh giao hòa tầm tã của đất trời, không gì tuyệt hơn là ngồi với vài người bạn tâm giao bên nồi lẩu nghi ngút khói, cắn miếng thịt mềm mềm ngọt ngọt của vịt đã thấm độ chua thanh của sấu, nhấp một ngụm rượu nếp cái hoa vàng hạ thổ, mà nghe nồng sâu hương vị cuộc đời.

TheoAfamily
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hương vị quê nhà

Hương vị quê nhà: Đậm đà bún bò Huế
Chẳng phải vì bún bò Huế là ông mai, bà nguyệt của tôi với chàng nên tôi bênh vực, thiên vị bún bò Huế nằm trong món ngon đầu bảng mà bạn nên ăn nếu phải xa xứ. Vì quả thực, ăn bún bò Huế rất dễ làm đã đầy thú ẩm thực, ngọt dịu nhẹ vị ninh dừ nhưng gợi nhớ thật lâu bởi hương xả, hương ớt...

Khi tôi khoe với anh ý định sẽ nấu một nồi bún bò Huế cho anh - chàng trai Huế chính gốc, anh đã trêu: "Ngoài công thức như em đã... search trên mạng, còn phải có thêm một chút hồn thiêng sông núi của kinh đô cổ, một giọt nước mắt của mẹ, một giọt mồ hôi của cha, vài tiếng cười trong trẻo ngây thơ của đàn em nhỏ, một tà áo dài trinh nguyên của nữ sinh Đồng Khánh, và nhất là cần một tấm lòng yêu thương vô bờ bến của cô gái đất Hà thành đối với người yêu xứ Huế!". Tôi đã nhoẻn miệng cười vì anh lấy cớ nồi bún bò Huế để "công khai" nhận anh là người yêu tôi.





Trong lần về thăm Huế cùng anh, tôi được tận... miệng ăn thử bún bò Huế ở vùng sông Hương núi Ngự. Dù anh đã giúp tôi dặn cô chủ quán đừng cho nhiều ớt, nhưng bát bún giò heo theo đúng kiểu Huế vẫn đủ độ làm môi tôi tê mọng. Lạ thay, vì thế nên tôi đam mê, không thể quên được vị cay từ xả và ớt được ninh tới nhừ trong nồi nước dùng, mà bát bún được bưng ra chưa đưa lên miệng đã phà đủ hơi nóng và mùi thơm làm vị giác cứ trực đọng nước miếng. Dù hơi "choáng váng" trước miếng giò heo to quá cỡ hơn cả cổ tay, nhưng tôi cũng đành bỏ qua vẻ duyên dáng, thanh lịch để tay không gặm nhấm cho đã. Miếng giò heo ngấm đẫm vị nước dùng cay cay, thơm ngọt như của vị mắm tôm mà chẳng phải mắm tôm, ăn béo ngậy mà không ngán ngấy, thế mới hiểu sao mấy chú ở bên cạnh cứ gọi "thêm tô nữa!".

Lấy đũa rút đôi ba sợi bún, miếng trước gắp kèm lát thịt bò tươi chần mềm ngọt, miếng sau cắn thử lát thịt bò ninh hầm thơm mùi hành tây. Húp một thìa nước dùng cay cay, thơm thơm, gắp thêm miếng tiết luộc. Dùng kèm với chút giá, rau má, rau thơm, bắp chuối thái mỏng... Ăn thấy đủ, thấy đã cảm giác thưởng thức ẩm thực chứ không bị hẫng hụt, bị nhạt thếch khoang miệng vì mất hứng như nhiều món khác, nhìn thì đã đầy nhưng nếm thì mừng hụt!

Nước dùng của bún bò Huế ngon ở sự kỳ công trong cách chế biến, xương ninh nhừ tới mấy giờ đồng hồ, lại thêm giò heo, thịt bò, đường trắng hầm cùng thì quả thực, chẳng cần tới chút mì chính làm gì cho... vô duyên! Lại thêm bó xả trong nồi thơm ngào ngạt, vài củ hành tây ninh tới màu trắng trong mà vẫn dư dả vị ngọt ngái, tăng thêm hương vị đậm đà cho nồi nước dùng. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bún bò Huế có mùi ngon đặc trưng của mắm ruốc. Ăn vào có vị ngọt dịu dàng, mùi thơm dễ chịu chứ không nồng, không tanh. Vì mắm ruốc được pha loãng với nồi nước, đánh tan lên rồi ngâm cho đến khi tôm tép trong mắm lắng lại dưới đáy, lúc đó mới đem chắt ra làm nước dùng...

Đó cũng là bí quyết mà mãi sau này tôi mới được biết, nên lần đầu nấu nồi bún bò, tôi đã bị anh chê là chẳng hiểu gì về ẩm thực Huế. Sau một hồi giận dỗi, chàng gửi cho tôi tin nhắn: "Đọc công thức nấu bún bò Huế "gia truyền" của anh rồi, em còn can đảm nấu theo kiểu Hà Nội nữa không?!!! Chỉ còn một cách lấy chồng... người Huế thì mới có thể nấu ra hương bị bún bò Huế thôi em ạ, anh nghe người ta bảo thế. Cũng không biết có thật hay không, hay là em thử một lần xem sao...".
Theo Nấu ngon
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hương vị quê nhà

Hương vị quê nhà: Bánh đa cá Quỳnh Côi
Món bánh đa nghe chừng đơn giản, nhưng đúng bánh đa Quỳnh Côi phải là thứ bánh sợi nhỏ mà đều tăm tắp, và cái màu trong suốt của bánh khi nấu lên lại trở màu trắng tinh, giòn dai và thơm thơm mùi gạo... Mỗi lần có dịp về quê chơi hay ghé qua công tác ở thành phố Thái Bình, tôi lại ghé cái quán nhỏ có từ gần 30 năm trên con phố nhỏ Nguyễn Thái Học để được thưởng thức món ăn dân dã nhưng đáng để cất công đi hàng trăm cây số: canh bánh đa cá Quỳnh Côi.


Quỳnh Côi là một thị trấn nhỏ nằm cách thành phố Thái Bình chừng hơn 20km, nằm giữa những đồng lúa trù phú, những con kênh nho nhỏ. Cũng như nhiều vùng quê Bắc Bộ, ở Quỳnh Côi, hạt gạo, con cá, cây rau là những thứ nguyên liệu giản dị thường ngày, rất dễ tìm. Nhưng chúng lại không thường chút nào khi được chế biến kết hợp với nhau thành món canh bánh đa cá.




Thành phố Thái Bình cách Hà Nội khoảng 110km, cách thành phố Hải Phòng 70km và cách thành phố Nam Định 18km. Ngoài canh cá Quỳnh Côi, Thái Bình còn những đặc sản khác cũng rất nổi tiếng như: Ổi Bo (Hoàng Diệu), bánh cáy làng Nguyễn, gỏi nhệch Diêm Điền, mọc thò Thái Thụy...

Người Quỳnh Côi có nghề làm bánh đa, đó là những chiếc bánh đa gạo tròn to đem nướng giòn chia cho trẻ con hay bánh đa thái sợi, phơi khô để nấu món ăn với thịt, cá, tôm... Bánh đa Quỳnh Côi là bí quyết nhà nghề ít nơi nào sánh được, sợi nhỏ đều tăm tắp, chỉ nhỉnh hơn chiếc tăm tre một chút, được phơi khô có màu trong suốt. Thế rồi khi nấu, sợi bánh nở ra màu trắng tinh, giòn dai và thơm thơm mùi gạo. Thứ bánh đa này là nguyên liệu quan trọng làm nên hương vị món bánh đa cá Quỳnh Côi. Cũng cá, cũng rau, cũng chừng ấy gia vị nhưng không có bánh đa Quỳnh Côi thì món canh bánh đa chưa ra chất đặc sản. Những sợi bánh trắng ngần ấy không dễ kiếm ở các đô thị lớn, cũng không hiện diện trong nhà hàng, khách sạn, chỉ có chợ quê mới tìm được, lại rẻ như một thứ thức ăn bình dân.

Nguyên liệu chính của món ăn này là cá quả (cá lóc), hoặc cá trắm, trắm đen càng ngon. Người ta đem làm sạch, lóc phần thịt nạc, khéo léo lách bỏ xương, rồi đem thái thành miếng dày chừng hơn nửa phân, ướp với chút nước mắm ngon, tiêu bột và nước cốt nghệ. Để đạt hương vị của món ăn, nhất thiết phải dùng nghệ tươi giã nhuyễn bỏ xác chứ không phải thứ bột nghệ người ta bán sẵn ngoài chợ. Cá được tẩm ướp chừng nửa giờ cho thấm, khi xong lại được cho lên vỉ nướng qua than hoa cho thơm và chín tới, sao cho lớp vỏ ngoài vừa se lại, thịt cá bên trong vừa chín thì bỏ ra khỏi vỉ đem chiên lên tới khi vàng sẫm.

Có lần quán vắng khách, vừa ngồi ăn tôi vừa lân la hỏi người chủ quán xem tại sao phải nướng rồi mới đem chiên, bà cười bảo để miếng cá vừa giòn, vừa dai, vừa thơm, chan nước không bị nhũn ra mà giữ nguyên được độ thơm ngon của cá. Chỉ một bí quyết đơn giản thế mà bao gồm kinh nghiệm của bao nhiêu năm bán món canh cá của bà.

Phần cá dính chút xương vây, người ta đem băm nhuyễn với hành khô, tiêu và ớt quả tươi, nhuyễn đến độ xương không còn lạo xạo mà quyện vào với thịt cá. Khi cá đã nhuyễn, người ta nặn thành từng viên chả đem chiên vàng hai mặt. Chả chiên xong mỏng và xốp, giòn giòn, thơm cay rất đặc trưng. Phần đầu và xương sống cá được ninh để lấy thứ nước dùng trong và ngọt đậm đà. Thêm ít rau gia vị là hành lá, thìa là, rồi cứ mùa nào thức nấy khi thì thêm rau rút (nhút) vào mùa nóng, khi thì thêm rau cần hoặc rau cúc tần vào mùa lạnh.

Người Quỳnh Côi có nghề làm bánh đa, đó là những chiếc bánh đa gạo tròn to đem nướng giòn chia cho trẻ con hay bánh đa thái sợi, phơi khô để nấu món ăn với thịt, cá, tôm... Bánh đa Quỳnh Côi là bí quyết nhà nghề ít nơi nào sánh được, sợi nhỏ đều tăm tắp, chỉ nhỉnh hơn chiếc tăm tre một chút, được phơi khô có màu trong suốt.

Bát canh bánh đa bình dân là thế mà được bài trí rất công phu hấp dẫn. Dưới nền bánh đa trắng ngần là lớp rau xanh được chần rất nhanh qua nước dùng, cá chiên vàng sậm, miếng chả tròn và hành lá, thìa là. Cuối cùng là nước dùng chan để ăn nóng.

Dù là mùa đông ngồi dưới bát canh bánh đa bốc khói nghi ngút hay mùa hè toát mồ hôi vì nóng, bát canh bánh đa cá Quỳnh Côi vẫn khiến tôi không bao giờ hết ngưỡng mộ sự tinh tế trong cái món đặc sản mà tác giả của nó không xuất thân ở chốn cao sang, và món ăn cũng chẳng phải là cao lương mỹ vị.
Theo Món ngon
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Hương vị quê nhà

Hương vị quê nhà: Đặc sản mùa nước nổi Giadinh.net - Vào mùa nước nổi, người dân khu vực Đồng Tháp Mười lại bận rộn với công việc mưu sinh như: chài, lưới, giăng câu, hái bông điên điển, bông súng...

Những năm gần đây, do nhu cầu ẩm thực có xu hướng quay về với thiên nhiên, đồng nội thì công việc mưu sinh mùa nước nổi lại càng sôi động hơn. Việc khai thác những tài nguyên sẵn có vào mùa này như trẩy hội, thu hút đông đảo người dân tham gia…


Hẹ nước.

Đi săn đặc sản
Mới vừa rồi có dịp về thăm quê, biết tôi thích bơi xuồng, mấy đứa em con bà cô liền rủ rê đi “săn” đặc sản. Trên những dòng kênh nước trong như mắt mèo, chiếc xuồng ba lá len lỏi trong những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn và điên điển nở hoa vàng rực, tôi như bị cuốn hút vào mê hồn trận của một vùng sông nước quê hương. Mục đích của chúng tôi là đi hái điên điển và bông súng, nhưng khi thấy một rừng rau hẹ nước đang lặc lìa, uyển chuyển theo dòng nước, “lòng tham không đáy” lại trỗi dậy. Nhưng ngặt nỗi tôi không biết bơi, đành lấy cây sào quơ mấy vòng xuống đáy kinh, thế mà vẫn hái được chúng. Cọng hẹ nước dài ngoằng bám vào cây sào như mớ dây gân quấn vào chân vịt ghe máy, bồng bềnh trên mặt nước. Thấy cách “thu hoạch” của tôi không mấy hiệu quả, thằng em nhảy ùm xuống nước vớt lên đưa cho tôi một nạm rau còn nguyên gốc. Thì ra, cái thứ rau người ta bày bán ở ngoài chợ cả chục ngàn đồng một kg cọng nào cọng nấy to bằng ngón tay, thẳng băng, bóng mượt mà không bị dập nát chính là hái theo kiểu của thằng em!


Mực xào hẹ.
Chúng tôi bơi xuồng vào sâu hơn trên cánh đồng mênh mông nước, từng đám lúa ma khoe những chùm bông trắng nõn nà tua tủa lên vòm trời, dưới đáy nước thỉnh thoảng vẫn bắt gặp cái thứ rau kỳ cục ấy, nó uốn éo, lượn lờ theo dòng chảy nhẹ nhàng. Hàng đàn cá rô non dạn dĩ lượn qua lượn lại sát mặt nước, nghe tiếng động mái dầm, chúng “dọt” thục mạng vào nấp trong đám hẹ, một cảnh tượng hết sức lý thú!
Vì là chỗ cạn nên tôi không ngần ngại lội xuống ruộng ngập để chính tay mình được vuốt ve và nhổ lên những cọng hẹ non mượt. Phút chốc, chúng tôi đã hái được cả thúng đầy, toàn là những bụi hẹ non, trơ ra bộ rễ tua tủa, trắng phếu.
Loài cây đồng quê




Hẹ nước thuộc nhóm cây hoàn toàn thủy sinh, vì chúng không thể tồn tại được trong mùa khô. Vì vậy, ta thường thấy chúng mọc trong những vùng thường xuyên ngập nước, tạo nên những khoảng dày đặc, thích nghi trên vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Chúng có mặt hầu như quanh năm trên những dòng kinh nội đồng, nhưng sinh trưởng mạnh vào mùa nước nổi. Giống như các loài thủy sinh khác, hẹ nước tiến hóa bằng cách sinh sản theo hiện tượng thụ phấn thích ứng. Hoa đực nở dưới nước nhưng chúng nhẹ hơn nước nên lập tức nổi lên trên bề mặt. Trên đó chúng kết hợp với hoa cái thường được hỗ trợ bởi cái cuống thật dài. Vì thế, sự thụ phấn xảy ra không nhờ côn trùng mà do dòng nước mang phấn tới hoa cái.


Canh hẹ đậu tươi.


Xưa nay ăn mắm kho hay lẩu mắm, đi kèm theo là cả một “vườn” rau dại, nhưng có người cho rằng thiếu sự hiện diện của hẹ nước thì coi như nồi mắm “bỏ đi”. Hẹ nước đem bán ngoài chợ, người ta đã cắt bỏ gốc, rễ. Trước khi ăn, đem ngâm hẹ vào thau nước khoảng nửa tiếng cho nó “nhả” phèn, dạo nhẹ tay lại vài ba bận cho thật sạch là được. Cái ngon của hẹ nước chấm mắm kho đặc biệt ở chỗ càng nhai càng nghe ngọt, nghe bùi. Cái ngọt, cái bùi của hẹ nước đã thắm tình, nặng nghĩa phù sa sông nước Cửu Long.

Hẹ nước có hương thơm rất đặc trưng, gần giống với rong đuôi chồn, lá có hình dải lụa rộng khoảng một phân và màu sắc rất đa dạng tùy theo từng giống, từng loài. Có lúc ta bắt gặp những bụi hẹ có màu lá xanh sẫm hoặc đỏ sẫm. Hẹ mọc dưới kinh thì lá dài có khi cả mét, to bản, hẹ mọc trên ruộng thì ngắn hơn, trung bình từ 3 đến 5 tấc, lá nhỏ nhưng tất cả đều có một điểm chung là xốp và giòn. Chính vì những đặc điểm này mà nó trở thành món rau đặc sản của vùng phèn Đồng Tháp Mười, không thể thiếu được trong bữa cơm với nồi lẩu mắm khi con nước tràn đồng.


 
6,216
0
36

susu1811

Active Member
Ðề: Hương vị quê nhà

Bánh nổ xứ Quảng

AT - Tôi còn nhớ cách đây mấy chục năm về trước, cứ đến giữa tháng chạp, ở nông thôn nhà nhà đều đóng bánh nổ. Tiếng đùng đùng vang vọng suốt đêm. Vậy mà giờ đây lớp trẻ ở nông thôn lại không biết cách làm cũng như cách thưởng thức loại bánh này.



Bánh nổ xứ Quảng



Bánh nổ là loại bánh được làm từ nếp và đường cát, một vật liệu có sẵn ở nông thôn.

Để có được một cây bánh nổ, người làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải chọn nếp hạt to, đem phơi lại khoảng một nắng. Phơi xong dùng chiếc chảo to bắc lên bếp, đốt lửa cho chảo nóng, đổ nếp hạt vào rang. Dùng đũa trộn đều nhiều lần, lấy nắp đậy lại để hạt nếp khỏi văng ra ngoài. Khoảng vài phút sau mở nắp ra lấy đũa trộn lại vài lần rồi nhắc chảo xuống đổ ra thúng. Tiếp tục bắc chảo khác lên rang cho đến khi hết nếp. Rang xong để cho nếp dịu, dùng tay chà nhẹ cho trấu dính trong vỏ rời ra. Lúc này hạt nổ sạch trấu trắng như bông, ta có thể đóng thành cây bánh.

Trước khi đóng phải thắng đường. Khi thắng đường người ta bỏ ít gừng và dầu chuối vào. Đường tới đem trộn chung với nếp nổ, đổ vào khuôn dùng vồ đóng. Khuôn bánh cao 40cm-45cm, được làm bằng bốn miếng gỗ tốt ghép vào một cái đế cũng bằng gỗ. Bề dày mỗi miếng gỗ khoảng 3cm. Ở ngoài có hai niềng vuông bằng gỗ dùng để ráp vào và tháo ra. Khi ráp vào, chính giữa có một khoảng trống vuông chu vi 6cm-7cm và một cái chày vuông cũng bằng gỗ vừa lọt khoảng trống ấy. Vừa đóng vừa đổ nếp vào, mãi đến khi đầy khuôn và chặt thì dừng lại, tháo hai niềng và bốn miếng gỗ ra, ta sẽ có một cây bánh nổ dài 40cm-45cm. Ta đem bánh đặt lên bàn, dùng dao bén cắt thành lát. Dày, mỏng, to, nhỏ, hình dáng thế nào tùy từng người.

Bánh nổ, khi thưởng thức, phải ăn từ từ ta mới cảm nhận hết vị ngon ngọt, đậm đà của bánh. Trong những ngày cuối đông đầu xuân, với chút gió se lạnh, ngồi nhâm nhi miếng bánh nổ ngòn ngọt với chút mứt gừng cay cay cùng chén trà nóng thì không gì thú vị bằng.

Ngày nay, có phải vì thị trường tràn ngập những loại bánh cao cấp, bao bì mẫu mã đẹp, hay vì quá bận rộn việc mưu sinh mà người dân xứ Quảng lại quên đi thứ bánh đặc sản chốn đồng quê này? Không biết họ nghĩ gì khi món quà quê dần biến mất ở nông thôn trong dịp tết đến xuân về?

PHẠM VĂN HOANH
(Quảng Ngãi)
 
1,250
0
0

baoduy_susu

New Member
Ðề: Hương vị quê nhà

bánh nổ quê ông xã ngon lắm, năm nào bà nội cũng gửi ra cho vo chồng mình ăn tết, nhớ hương vị quá
 
6,216
0
36

susu1811

Active Member
Ðề: Hương vị quê nhà

bánh nổ quê ông xã ngon lắm, năm nào bà nội cũng gửi ra cho vo chồng mình ăn tết, nhớ hương vị quá
em cũng thèm chị ạh, bánh nổ và nước chè xanh, chẹp chẹp món này các cụ măm cũng được, thanh niên măm cũng được, trẻ con thì càng được hi.hi hay lại buôn nhỉ
 
1,250
0
0

baoduy_susu

New Member
Ðề: Hương vị quê nhà

em ơi họ chỉ làm vào dịp tết, còn bánh bán đại trà thì lại không được ngon, nếu buôn thì phải đặt làm riêng mới ngon được.
 
Top