Lội sông tìm chữ

10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Lội sông tìm chữ
Cập nhật lúc: 05/09/2012-15:09:54



KTĐT - Dù phải sống bấp bênh trên những ngôi nhà nổi, bươn chải mưu sinh cùng mẹ cha kiếm ăn từng bữa nhưng ước mơ được tới trường, được học chữ để đổi đời vẫn luôn ấp ủ trong tâm trí những đứa trẻ ở xóm nhà nổi ven sông Hồng.
Len lỏi qua những con ngõ nhỏ, dài và ẩm ướt, chúng tôi tìm đến với cái xóm nhỏ mà người ta vẫn thường gọi bằng đủ thứ tên như "xóm nhà nổi", "xóm làng chài", "xóm nước đen"… Cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến chúng tôi có cảm giác vui mừng xen lẫn âu lo. Mừng cho đời sống của nhiều hộ gia đình ở cái xóm nhỏ này đã đổi khác nhiều, nhưng xót xa cho con đường đến trường của những em nhỏ nơi đây.
Bươn chải mưu sinh Cả xóm nhà nổi có khoảng 14 hộ gia đình sinh sống với khoảng 40 nhân khẩu. Ông Minh, "xóm trưởng", người đã hơn 10 năm cư trú tại đây cho biết, khoảng một năm về trước số hộ có đông hơn. Tuy nhiên, năm nay mưa bão nhiều, nước sông lên cao, đất bãi bồi không có nên một số hộ gia đình dạt đi nơi khác để kiếm sống. Những căn nhà tạm bợ được kết thành từ tre nứa, lênh đênh trên mặt nước là nơi cư trú của các gia đình. Hàng ngày, cư dân xóm nhà nổi phải lấy nước sông để phục vụ sinh hoạt, giặt giũ, tắm rửa. Nếu như trước đây đa số các hộ gia đình phải sử dụng nước mưa trữ trong chum, vại để nấu nướng thì giờ đây, không ít hộ "khá giả" hơn, đã có tiền mua nước trên bờ với giá 2.000 đồng/hai xô (chừng 30 lít) để sử dụng. Người dân xóm nhà nổi kiếm sống bằng đủ thứ nghề, từ chài lưới, đội cát thuê, đến chăn nuôi, trồng rau màu khi nước cạn… Chị em phụ nữ thường kiêm thêm nghề nhặt rác, bán ve chai, buôn bán nhỏ ở chợ đầu mối Long Biên… hoặc ai thuê gì làm đó để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Vì sống nhờ con nước nên thu nhập từ "mô hình nông nghiệp ven sông" cũng rất bấp bênh. Đơn cử như đợt mưa lớn kéo dài vừa qua đã khiến vườn chuối nhà anh Vũ Văn Học bị ngập trắng. Công sức chăm bón cả năm trong thoáng chốc đổ sông, đổ bể. Nước sông lên cao cũng khiến việc đánh bắt cá và chăm đàn gà, đàn vịt trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, đồng tiền kiếm được từ buôn bán, nhặt nhạnh "đồ thừa của thiên hạ" cũng không ổn định. Như chị Hạnh, một cư dân xóm nhà nổi chia sẻ, thời tiết thuận lợi còn kiếm được dăm ba chục ngàn đồng, đủ rau cháo qua ngày và cho thằng cu đi học. Còn hễ trời mưa to gió lớn là chỉ có ngồi nhà ăn cháo! Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em xóm nhà nổi cũng bị kéo vào cuộc mưu sinh nghiệt ngã đó. Ngoài việc học, các bé thường phải tham gia phụ giúp gia đình nhiều việc khác. Bé Tuyền (hiện đang học lớp 3, trường Mái ấm tình thương 19/5) sau giờ học phải đi nhặt ve chai ở chợ Long Biên, trong khi bé Hương (bạn cùng lớp với Tuyền) cũng phải đi bán đồ chơi dạo ở chợ đêm (dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào) vào các ngày cuối tuần để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Vì không có phương tiện đi lại nên mỗi khi "đi làm", các em đều phải cuốc bộ cả chục cây số. Khi được hỏi, đi làm thế có cực quá không, bé Hương thành thật: "Vất vả cũng quen rồi anh ạ!". Dẫu cuộc sống còn nhiều trắc trở nhưng nhiều bà con xóm nhà nổi chia sẻ, so với cách đây gần một năm, đời sống của cư dân trong xóm đã khá giả hơn nhiều. Chủ yếu bởi cư dân trong xóm chịu khó tìm việc để làm, không quản ngại bất cứ công việc nặng nhọc nào. Bởi thế nên nhiều hộ đã có "của ăn của để" và sắm sửa được thêm những vật dụng sinh hoạt cần thiết. Chỉ là nhà nổi nhưng hầu hết các gia đình đều có điện lưới, trẻ em không phải học bằng đèn dầu như trước. Trong những căn nhà tạm, người ta vẫn thấy vang lên tiếng tivi, đài cát-xét, tiếng nhạc rộn ràng… Bữa ăn của bà con giờ cũng tươm tất hơn nhiều.
Chèo thuyền đến trường.
Cho con cái chữ nên người Cả xóm nhà nổi có khoảng 16 em nhỏ đang độ tuổi tới trường thì có 9 em được đi học. Cách đây một năm, tất thảy trẻ em trong xóm chài đều phải theo học tại Mái ấm tình thương 19/5 (Tân Ấp, phường Phúc Xá, Ba Đình) vì được hỗ trợ học phí. Đến nay, kinh tế các hộ có phần khá hơn nên nhiều em được đi học trường công (với cơ sở vật chất và điều kiện học tập tốt hơn). Xóm hiện có 4 em theo học tại trường Tiểu học Nghĩa Dũng và một em học lớp 9 tại trường THCS Phúc Xá. Những em khác theo học tại Mái ấm tình thương 19/5 đều được hỗ trợ hoàn toàn học phí. Nếu không có tiền và vẫn theo được con chữ cho tới hết lớp 5, các em sẽ tiếp tục được giúp đỡ để có thể theo học cấp 2 tại trường THCS Phúc Xá hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ba Đình. Học phí trường công hàng tháng chừng 50.000 đồng không phải là trở ngại quá lớn cho con đường tìm kiếm con chữ của những đứa trẻ ở xóm nhà nổi. Vất vả hơn là con đường tới trường. Mùa cạn, để tới lớp, các em phải lội sông vì nước nông, thuyền mắc cạn. Trong khi những ngày mưa lớn, nước sông lên cao, phải chèo thuyền vào bờ, rồi đi bộ vài cây số men theo những con ngõ dài, hẹp và lầy lội để tới trường. Nhiều hôm trời mưa tới lớp mà quần áo, giầy dép đứa nào cũng ướt nhèm và lấm lem bùn đất.
Lội sông đến trường.
Phận đời nghèo khó nên ngoài giờ học, nhiều em nhỏ thường phải đi làm thêm những việc lặt vặt như nhặt ve chai, bán vé số, đồ chơi… hoặc theo chân phụ giúp bố mẹ kiếm tiền. Dẫu khó khăn là vậy nhưng ước mơ con chữ vẫn luôn cháy bỏng trong ánh mắt trẻ thơ và những bậc cha mẹ ở cái xóm nhỏ này. Gia đình anh Vũ Văn Học có 4 người con thì chỉ có bé út Vũ Thị Hương hiện đang học lớp 3 tại Mái ấm tình thương 19/5. Hai chị lớn của Hương đều đã đi làm trong nội thành, còn anh trai thì nghỉ học từ năm lớp 2. Chia sẻ với chúng tôi, anh Học nói, so với cách đây ba năm, gia đình anh đã bớt khó khăn hơn nhiều. Chính vì vậy, anh sẽ cố gắng để bé Hương theo học đến nơi đến chốn cho bằng bạn bằng bè. Bà Trần Thị Tuyết, năm nay đã ngoài 80 tuổi, có cháu tên là Nguyễn Tiến Thành, đang học lớp 12, trường THPT Vạn Phúc (huyện Gia Lâm) tâm sự: "Thằng bé mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ nó đi làm xa, mỗi năm về thăm được 2 - 3 lần. Tôi tuổi già sức yếu, chẳng biết sống được mấy năm nữa. Chỉ mong cháu có được cái chữ, mai này hy vọng thoát được cái xóm nghèo này…". Cho dù cuộc sống còn nhiều vất vả lo toan, thiếu trước hụt sau nhưng cư dân xóm nhà nổi ai cũng mong con cái có được cái chữ nên người. Thương mẹ cha, những đứa trẻ trong xóm đều cố gắng chăm chỉ học hành. Nhờ đó mà hầu hết các em đều đạt kết quả học tập khá, rất ít trường hợp phải học lại năm sau. Nếu như trước đây hầu hết lũ trẻ chỉ đi học để biết đọc, biết viết thì nay rất nhiều em có chí học lên cấp 2, cấp 3 và xa hơn là ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học. Khi được hỏi về điều kiện sống hiện tại, bà Tuyết tâm sự: "Cuộc sống của cư dân trong xóm không quá khó khăn như nhiều người bên ngoài vẫn nghĩ. Chính quyền phường Phúc Xá cũng có những hỗ trợ và quan tâm nhất định tới các hộ sinh sống ở đây. Điều duy nhất khiến chúng tôi bận lòng là việc đi lại của các cháu quá ư vất vả và nguy hiểm...".
Một góc xóm nhà nổi.
Trò chuyện cùng anh Vũ Văn Học, chúng tôi được biết, anh từng mất đi một bé trai khi đứa trẻ bị rơi xuống sông. Cũng từ những câu chuyện thương tâm như thế mà tất thảy những đứa trẻ ở xóm nhà nổi khi chập chững biết đi đã được bố mẹ dạy học bơi. Lớn hơn một chút thì phải biết chèo thuyền. Đó cũng là bài học đầu đời để chúng có thể sinh tồn ở nơi con nước nhiều hiểm nguy rình rập này. Trước khi rời khu xóm nhỏ, chúng tôi vẫn không sao quên được lời ông Minh "xóm trưởng" khi đề cập tới mong muốn của cư dân xóm nổi: "Chúng tôi mong sao được xã hội quan tâm, đời con cháu có được cái chữ để thoát nghèo và không phải sống đời lênh đênh như thế hệ cha ông chúng nữa…".
"Các anh trên phường Phúc Xá tốt lắm. Cứ vài tháng lại thấy xuống thăm hỏi và động viên bà con. Dịp lễ, Tết, Trung Thu nào cũng có cái quà, cái bánh cho lũ trẻ. Cũng nhờ các anh ấy quan tâm, giúp đỡ mà cuộc sống của chúng tôi bớt cơ cực hơn nhiều…". Anh Vũ Văn Học Cư dân xóm chài.


Trọng Tùng
 
Top