Ðề: Các mẹ ơi hãy cùng nhau giành lại sự sống cho con nhé
Một bài viết mới về chị Hòa và bé Đức Anh
http://tuthien.vn/?ad=show&ArtCat=6&ArtID=2515
Không để ngừng nhịp thở của con
(VNAD) - Còn gì đau đớn hơn khi phải ôm con vào lòng mà không thể biết nhịp thở của con sẽ ngừng lại lúc nào. "Không! Không để ngừng nhịp thở của con. Mẹ sẽ làm tất cả...", chị Hoà luôn dặn lòng mình như vậy.
Đức Anh đang chắt chiu sự sống giữa tình thương bao la của mẹ.
Chường mình ra để chèo chống gia đình khi người chồng trụ cột không còn, thế mà nỗi gieo neo đời người vẫn chưa ngừng đeo bám chị. Chị tự ví đời mình như chiếc thuyền nan chênh chao trước bão biển.
Chênh chao trước "bão"
Đôi mắt ầng ậng của chị cố nén nỗi đau để không bật thành tiếng khóc khi ký ức buồn đau ập về. Ký ức chị đã muốn quên mà chẳng thể quên. Ký ức về cái ngày 23.6.2004 nghiệt ngã: Chị nhận được hung tin từ những người bạn: Đến BV Việt - Đức nhận xác chồng. Chồng chị, anh Nguyễn Đức Thịnh, nguyên kỹ sư thuộc Cty cầu 7 Thăng Long mất trong một tai nạn giao thông khi đang tham gia thi công một công trình cầu trên Tuyên Quang.
Sự ra đi quá đột ngột, giữa lúc hạnh phúc đang ngập đầy ngôi nhà yên ấm, khi những đứa trẻ còn quá thơ dại. Lúc ấy, cháu gái lớn Thảo Phương mới 9 tuổi đầu; còn Đức Anh chưa tròn 21 tuần tuổi. Những trang nhật ký cuộc đời của cô giáo dạy văn Cao Thị Thúy Hoà, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) đầy mộng mơ bỗng giăng những dòng nhoè đầy nước mắt.
Những trang viết tâm trạng, chị chia sẻ cùng chúng tôi: "Ngày anh mất! Anh thân yêu nhất của đời em! Bố Thịnh của các con vô cùng yêu dấu! Em biết phải làm gì đây khi anh không còn sống lại? Các con liệu có phép nhiệm màu nào để bố khỏi ra đi?... Em thảng thốt không tin nổi: Vẫn gương mặt dịu hiền, vẫn bàn tay thân thuộc, vẫn thân hình ấm áp... sao lại phải nói lời vĩnh biệt? Đau xót quá!...
Anh thương yêu ơi! Ai sẽ thay anh nuôi Thảo Phương mới 9 tuổi đầu? Ai sẽ cùng em nuôi dưỡng Đức Anh khi con chưa tròn 21 tháng tuổi? Rồi đây, mỗi năm sinh nhật em, ai sẽ lại để lên bàn làm việc của em những bông hồng nồng nàn ánh lửa?... Với em, anh vẫn đang đi xa công tác như anh đã từng đi xây những nhịp cầu đất nước. Em vẫn sẽ hàng ngày nấu cơm đợi anh về. Anh đi xa! Đi xa! Đành lòng".
Thoáng thế mà đã 5 năm ngày người vợ tiễn biệt chồng, những đứa con tiễn biệt cha. 5 năm: Một khoảng thời gian đầy sóng gió. "Con thơ nín khóc để cười/ Trái tim vợ goá quên lời yêu thương/ Bao giờ cho tóc pha sương; Bao giờ mới hết đoạn trường chông gai/ Buồn vui biết sẻ trao ai?/ Ốm đau vấp ngã dặm dài chông chênh/ Thôi mình lại tự ru mình" (trích thơ chị Hoà).
Sự ra đi của người đàn ông trong gia đình ở vào tuổi 39 đã để lại những vết sẹo lớn trong lòng những người ở lại. Thảo Phương trở nên trầm tính hơn. Cháu bỗng thu mình vào những góc nhỏ đọc sách. Mẹ dường như trở thành người duy nhất có thể chia sẻ những buồn vui, nỗi niềm.
"Từ lớp 1, cháu luôn là chi đội trưởng, thường tham gia các hoạt động của trường, của lớp, dẫn các chương trình. Hè lớp 3, cháu học Trường đội Lê Duẩn, đạt thành tích được UBND quận Cầu Giấy khen thưởng. Nhưng từ khi bố mất, cháu ít nói hơn, không tham gia các hoạt động. Khi chuyển cấp, cháu không ghi vào hồ sơ các thành tích cũng như các hoạt động đã tham gia. Có sự thay đổi rất lớn trong tâm lý của cháu do sự khuyết thiếu bàn tay chở che của người cha".
Nhưng đau xót hơn cả là Đức Anh. Ngày chiếc xe tang từ BV Việt - Đức chạy về ngang ngôi nhà nhỏ cô đơn, cháu đưa cả hai tay... hoan hô, miệng cười bi bô "tô...ô..ô...tô" vì những vòng hoa tang sặc sỡ". Không ai cầm được nước mắt. Cứ thế, những đứa trẻ lớn lên mà không có một hình dung rõ rệt về bố. Hình ảnh bố chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng, sau những câu chuyện đêm khuya của mẹ. Và rồi liên tiếp những cơn sóng khác ập xuống gia đình chị Hoà, khi cái cột trụ đã không còn.
8 tháng sau khi anh Thịnh về cõi vĩnh hằng, tháng 2.2005, Thảo Phương phát hiện một khối u ở hàm. Vào khám trong BV Răng - hàm - mặt trung ương, cháu được các bác sĩ chẩn đoán bị u ác. Duy chỉ bác sĩ Tạ Văn Tờ, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh - tế bào của BV K còn băn khoăn khi kiểm tra tiêu bản xét nghiệm: "Có một tế bào không giống tế bào ác tính. Phải gửi sang Mỹ kiểm tra mới có kết quả chính xác". "Rất may, đây là một loại tế bào hiếm gặp, không phải ác tính" - chị Hoà nhớ lại.
Thần may mắn đã ban phép nhiệm màu với cô bé Thảo Phương để giờ đây cháu vẫn giữ được những nụ cười khoẻ khoắn. Tuy nhiên, cháu cũng phải trải qua đợt điều trị kéo dài hơn 1 năm trời với chi phí thuốc thang lên tới gần 30 triệu đồng.
Bóng ma bệnh tật đã cướp đi sự hồn nhiên của một đứa trẻ đang học dở dang lớp 1.
Rất nhanh, 4 năm sau bóng ma bệnh tật lại trùm lên Đức Anh. "Đầu tiên tôi thấy cháu hay bị nấc và kêu đau tay, đau chân. Kỳ thực lúc đó tôi chỉ nghĩ đó là sự phát triển bình thường, nên mới mua viên canxi cho cháu uống. Đến ngày 25.3.2009 thì cháu sốt dữ quá, khám ở phòng khám Mễ Trì thì các bác sĩ kết luận là cháu bị sốt do viêm họng, đau cơ và cho thuốc uống. Nhưng tình trạng trên vẫn kéo dài, lại thêm cả triệu chứng khó thở nữa.
Đến sáng sớm ngày 31.3, tôi cho cháu vào Viện Nhi T.Ư cùng với bà nội rồi lại phải tranh thủ đi dạy ở trường Lômônôxốp. Dạy hết tiết 1, mở máy ra liền lúc thấy 9 tin nhắn và cuộc gọi nhỡ. Nội dung tin nhắn: "Có phải chị Hoà không? Chị tới ngay bệnh viện, con chị bị bệnh nguy kịch, phải điều trị lâu dài". Cháu bị khối u trung thất, kích thước 11x7cm, diễn tiến thất thường, bất cứ lúc nào khối u cũng ngăn máu chảy vào tim, nguy cấp" - chị Hoà nhớ lại.
Suốt 2 tuần từ 31.3 - 13.4 là quãng thời gian chị Hoà phải thức trắng. Trắng đêm và chứng kiến nỗi đau của con. Những cơn đau rên xiết, quằn quại. Chiếc cặp sách tung tăng tới trường giờ phải xếp xó, nụ cười hồn nhiên sau những giờ tan trường mẹ đón giờ chìm sâu sau những tiếng khóc méo mó. Đứa bé dang dở lớp 1 Trường Tiểu học Mai Dịch chỉ còn biết gào lên mỗi khi bị cơn đau cấu xé. Chị Hoà cũng chỉ còn biết ôm con vào lòng. Và khóc. Khóc đến cạn nước mắt. Có khi cũng nghĩ quẩn, rằng cứ nhảy từ tầng 7 xuống đất, chết đi để đỡ phải chứng kiến nỗi đau quá lớn của con. Cái tầng 7 của BV Nhi T.Ư này đã thấm quá nhiều nước mắt của chị.
"Không phải riêng mình mà bất kỳ ai đã phải vào tầng 7 này đều đã rơi vào tận cùng của sự bất hạnh. Nghiêng nỗi đau với người khác để vơi đi nỗi đau của mình". Nghĩ vậy và chị dằn lòng: Chấp nhận, chịu đựng và vượt qua để tiếp tục. Tiếp tục kéo dài sự sống cho con. Tiếp tục tới hơi thở cuối cùng của con.
"Con sắp chết rồi, phải không mẹ?"
Câu hỏi của một đứa bé đang học dở dang lớp 1 khiến không ai cầm được nước mắt. Chị Hoà lặng câm. Và lại khóc. Chị chỉ dám trả lời con bằng một nụ cười nuốt giọt nước mắt chảy thốc ngược vào trong. Có lẽ thằng bé hiểu. Cùng phòng, chung giường với bao bệnh nhân nhí ung thư khác, tận mắt chứng kiến những vật vã thể xác, tận tai nghe thấy những tiếng kêu gào đứt ruột, tự đối mặt với nỗi đau của mình, có lẽ cháu hiểu câu chuyện đang tới không là cổ tích.
Theo các bác sĩ khoa Ung bướu, BV Nhi T.Ư, Đức Anh bị u lympho không Hodgkin, dòng tế T ở giai đoạn muộn (giai đoạn 4). Người trực tiếp theo dõi, điều trị cho cháu, BS Trần Đức Hậu đánh giá: "Hiện trạng tình trạng của cháu đang ổn. Tuy nhiên, với một bệnh nhân ung thư, không thể nói ổn cụ thể là như thế nào được mà chỉ nói có thể đáp ứng được việc điều trị. Chúng ta chỉ nói đang như thế nào chứ không nói sẽ như thế nào với một bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn như Đức Anh nhưng tiên lượng là xấu, kết quả điều trị không cao".
Phác đồ điều trị cho Đức Anh có thể kéo dài tới 2,5 năm liên tiếp với nhiều đợt truyền hoá chất khác nhau mà không đợt nào giống đợt nào. Tất nhiên, trong quá trình điều trị, sẽ có những giai đoạn bị đứt đoạn do bị bệnh khác chèn vào, tình trạng thể lực không đảm bảo.
Khó khăn nhất là 1 năm điều trị đầu tiên, các loại hoá chất dùng sẽ nặng, các đợt truyền kéo dài với mật độ dày hơn. Chi phí điều trị sẽ là rất lớn, dù đây là trường hợp đã được hưởng BHYT. Các khoản thuốc thang, chữa chạy, sinh hoạt hàng tháng chi trả hiện tại không dưới 10 triệu đồng/tháng.
Đức Anh đang bước vào đợt truyền hoá chất thứ ba. Cậu bé bụ bẫm ngày nào giờ chỉ còn 19 kílô. Cơ chân em giờ đã bị teo lại, việc di chuyển phải có người cõng, bế, thể trạng lúc nào cũng mệt mỏi, cháu lại chỉ còn biết khóc quấy. Cả khuôn mặt vốn đã giăng đầy phong sương của cô giáo dạy văn cũng hốc hác hơn. Và sẽ còn hốc hác nữa với đoạn trường giành giật sự sống cho con trước mặt.
Chị đã làm tất cả những gì có thể và sẽ tiếp tục làm. Tất cả để nhịp thở của con không ngừng lại. Suốt từ tháng tư, chị đã phải xin nghỉ dạy, khép lại giáo án để túc trực 24/24h trong bệnh viện. Chị đang tính chuẩn bị vào niên khoá mới sẽ trở lại lớp, rồi dạy thêm bất cứ khi nào có thể lấy tiền trang trải bệnh phí cho con. Ngặt nỗi thằng nhỏ cứ bám rịt lấy mẹ. Vừa rồi bà ngoại từ Việt Trì xuống trông cháu, mà cả buổi nó chỉ khóc đòi mẹ.
Một điều an ủi lớn lao, là nguồn tiếp thêm sức mạnh cho chị chèo chống con thuyền chở hai đứa con đang chênh chao trước bão, đó là sự chia sẻ: "Người không quen sống rất nhiều cho tôi". Rất nhiều tấm lòng đã nguyện ghé vai cùng chị trong "cuộc chiến" giành giật sự sống cho Đức Anh.
Người bạn thân từ hồi đại học Vũ Thị Bình, hiện là giáo viên văn Trường THPT Trần Phú có mặt bất cứ lúc nào nhận được điện thoại. Học trò các trường chị đã từng dạy góp từng 2.000 đồng ăn sáng. Những học trò từ nghìn trùng du học kính góp với cô giáo cũ những đồng tiền tiết kiệm... Đáng quý, đáng trân trọng bằng cả tấm lòng, nhưng chúng tôi nghĩ, và hiểu rằng, chừng ấy vẫn còn chưa đủ. Vẫn rất cần những tấm lòng ghé vai cùng chị Hoà vượt qua "cơn bão" nghiệt ngã này...
Theo Giang Hải - Duy Long (nguoilaodong)