Nghỉ hè, cho con chơi hay học?

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Mỗi khi hè đến các ông bố, bà mẹ lại trăn trở không biết nên cho con nghỉ hè ở đâu? Nhiều người khẳng định "cho con về quê là thượng sách", song không phải đứa trẻ nào cũng thích quê và đó chưa hẳn đã là phương án an toàn.

Lên lịch học thêm kín thời gian

Câu chuyện cho con về quê hay ở lại thành phố trở thành tâm điểm bàn tán của các chị em. Nhiều người cho rằng, hè là thời gian tốt nhất để học sinh chuẩn bị kiến thức cho chương trình trong năm học mới.

Chị Phượng Hoàng ở Ba Đình có cô con gái 6 tuổi, chị lo lắng con không theo kịp các bạn khi vào lớp 1 nên lập kế hoạch cho con đến lớp luyện chữ với lịch dày kín. "Quê nội ở ngay Văn Lâm, Hưng Yên này thôi! Mùa hè trước, vợ chồng mình cho cháu về quê với ông bà nội gần 2 tháng. Nhà vườn rộng nhiều cây ăn quả nên con bé thích lắm, năm nay mình chỉ cho cháu về 1 tuần rồi lên đi luyện chữ, học năng khiếu" - chị Hoàng chia sẻ.

Chị Thùy Trang chuẩn bị cho con trai 7 tuổi một mùa hè với lịch học các môn trong chương trình học hè, đồng thời liên hệ gia sư kèm con ở nhà. Sau bế giảng chưa được 1 tuần, bé còn chưa có thời gian "xả hơi", chị đã xếp thời khóa biểu cho con trai học thêm kín mít. "Chương trình học của bọn trẻ bây giờ nặng lắm, học ở trường bọn trẻ không tiếp thu kịp được. Không tranh thủ học hè, đến khi vào năm học có vắt chân lên cổ chạy cũng không kịp" - chị Trang lý giải.



Trẻ về quê thỏa sức chơi đùa


Số đông phụ huynh lại có quan niệm hoàn toàn khác, hè là khoảng thời gian cho trẻ xả căng thẳng sau một năm học vất vả. Vì thế, cần tạo cho trẻ một thời gian thú vị, bổ ích, chứ không phải chỉ cắm đầu vào sách vở, quanh quẩn với quyển truyện tranh, chơi điện tử trên máy vi tính hay xem phim hoạt hình.

Về quê là "thượng sách"

Nhiều cha mẹ chọn phương án cho con về quê để thay đổi không khí, khám phá thiên nhiên, gần gũi với môi trường hơn. Tuy nhiên, cho con về quê thì các ông bố bà mẹ có hàng trăm nỗi lo về con cái. Nào là ở quê trẻ có thích ứng được môi trường thay đổi không, rằng thì trẻ có được an toàn không, rồi lo muỗi và côn trùng cắn, lo con ăn uống không đúng khoa học, không đủ chất…

Vợ chồng chị Thu Thủy cùng quê ở Hà Tĩnh, làm việc ở Hà Nội cô con gái 10 tuổi và cậu ấm lên 5. Dự định cho con về quê với ông bà, hai vợ chồng yên tâm công tác. "Lo lắng nhà có ao phía trước, giếng khơi sau nhà, cậu con trai đang tuổi tò mò thích khám phá và nghịch dại. Ông bà chỉ cần lơ là tí là cháu có thể mon men ra bờ ao hay ra giếng nghịch nước ngay. Đó là chưa nói, ở quê nắng nóng đến 40 độ, sợ con không chịu được nên quyết định cho con ở lại rồi mời ông bà ra chơi vài tuần" - chị Thủy phân tích.

Cho con về quê đúng là "thượng sách", song không phải đứa trẻ nào cũng thích quê. Vì vậy, bố mẹ cũng phải có cách nắm bắt tâm lý của con.





Chơi những trò chơi dân gian


Chị Hồng ở Thanh Xuân Bắc cũng có lập kế hoạch cho con trai 7 tuổi về quê ngoại (Thanh Hóa) nghỉ hè 1 tháng để tập làm quen với môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, bé Tấn con trai chị lại không hề có hứng thú, thậm chí bé luôn "dị ứng" quê vì sợ bẩn, nắng nóng. Bắt đúng tâm lý thích đi tắm biển của con, chị Hồng phân tích "về quê có biển, cả nhà cùng đi tắm biển sẽ rất thú vị. Con về trước, 1 tháng sau mẹ về, hai mẹ con đi tắm biển. Thế là cu cậu đồng ý ngay!" - chị Hồng chia sẻ.

Theo tâm lý học lứa tuổi, trong sự phát triển của trẻ em về mặt tâm lý thì thiên nhiên là người thầy vô hình quan trọng. Cho trẻ về với thiên nhiên từ nhỏ và có sự dẫn dắt của người lớn, trẻ sẽ phát triển ý thức và quan tâm đến môi trường sống. Mặt khác, chính môi trường thiên nhiên trong lành cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển sức khỏe của trẻ. Để con không bị "sốc" khi về quê (buồn, không có việc gì làm, xa lánh trẻ con nông thôn, sợ bẩn, sợ muỗi…), cha mẹ cần có sự chuẩn bị tâm lý và tìm cách giúp trẻ thích ứng bằng cách giảng giải, phân tích cụ thể những vấn đề bé băn khoăn.

Rõ ràng, bắt con cái phải thay đổi ngay thói quen ở thành phố để thích ứng với cuộc sống ở quê không phải là điều dễ dàng và nhanh chóng. Cần có thời gian và sự giải thích tỉ mỉ, cặn kẽ để trẻ không cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ khi tiếp xúc với bờ đê, đống rạ...

Theo afamily
 
Top