Người đua diều - Khaled Hosseini

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XXI


Chúng tôi vượt qua sông và cho xe chạy về phía Bắc xuyên qua quảng trường Pashtunistan. Baba vẫn thường đem tôi nhà hàng Khyber ăn món cừu kabob. Toà nhà vẫn còn đứng vững, nhưng cửa đã bị khoá bằng khoá treo, cửa sổ vỡ tan chữ K và chữ R trên biển hiệu đã mất 1.

Tôi thấy một xác người chết gần nhà hàng. Chắc là treo cổ. Một người đàn ông trẻ lủng lẳng dưới đầu dây thừng buộc vào xà nhà, mặt sưng lên và xanh xám, áo quần anh ta mặc trong ngày cuối đời mình rách bươm và thấm máu. Hình như là chẳng mấy ai để ý đến anh ta.

Chúng tôi lặng lẽ cho xe chạy qua, và thẳng đến quận Wazir-Akbar Khan. Đâu đâu, tôi cũng thấy một lớp bụi mù mịt bao phủ lên thành phố và những toà nhà bằng gạch phơi. Đi khỏi vài dãy nhà phía Bắc quảng trường Pashtunistan, Farid chỉ vào hai người đang nói chuyện sôi nổi ở một góc phố đông đúc. Một trong hai người tập tễnh một chân, chân kia cụt dưới gối. Hắn đang ôm cái chân giả trong hai cánh tay.

- Ông có biết họ đang làm gì không? Mặc cả cái chân giả đấy.

- Hắn đang bán chân giả à? Farid gật đầu:

- Ông có thể kiểm được một món tiền kha khá ở chợ đen. Nuôi lũ con ông vài tuần lễ.Điều làm tôi ngạc nhiên, phần lớn nhà cửa ở quận Wazir-Akbar Khan vẫn còn mái và tường không đổ. Thực ra, những ngôi nhà này vẫn nguyên hình dạng xinh đẹp, cây cối vẫn ló ra ngoài tường, và đường phố hầu như không rác rưởi như ở Karteh-Seh. Những biển chỉ đường đã phai nhạt, một số xoắn lại và bị đạn bắn thủng, vẫn còn chỉ đường.

- Nơi này không đến nỗi tệ lắm, - tôi nhận xét.

- Có gì lạ đâu, phần lớn những nhân vật quan trọng sống ở đây.

- Taliban?

- Cả chúng nữa. - Farid nói.

- Ai khác nữa?

Anh ta lái xe đưa chúng tôi vào một đường phố rộng lề đường khá sạch, hai bên là những ngôi nhà có tường vây quanh phía bên kia đường.

- Những nhân vật đằng sau bọn Taliban. Những bộ não thực sự của cái chính phủ này, nếu ông có thể gọi nó như thế: Những tên Ẳ rập, Chechens, Pakistan. - Farid nói rồi chỉ tay về phía Bắc. - Phố 15, lối đó, được gọi Sarak-e-Mehmana. Phố Khách. Khách, đó là tên chúng gọi những kẻ sống ở đây. Tôi nghĩ một ngày nào đấy, lũ khách đó sẽ đái bừa lên thảm trải.

- Tôi nghĩ phố ấy đấy! - Tôi nói. - Kia kìa! - Tôi chỉ về phía cái mốc thường vẫn dùng định hướng khi tôi còn nhỏ. Baba từng bảo: Nếu có bao giờ con bị lạc, hãy nhớ phố của chúng ta là phố có cái nhà màu hồng ở cuối ấy. Ngôi nhà màu hồng với cái mái rất dốc từng là ngôi nhà duy nhất ở khu này ngày xưa có cái màu đó. Nay vẫn thế.Farid ngoặt lên phố đó. Tôi thấy ngay ngôi nhà của Baba.
° ° °
Chúng tôi tìm thấy con rùa nhỏ đằng sau những bụi tầm xuân ở trong sân. Chúng tôi không biết làm thế nào nó lại ở đó, và chúng tôi đang quá phấn khích để mà bận tâm chuyện vặt ấy. Theo ý kiến của Hassan, một ý hay, chúng tôi sơn mai nó màu đỏ tươi. Như thế chúng tôi không bao giờ thất lạc mất nó trong bụi rậm. Chúng tôi giả vờ chúng tôi là những nhà thám hiểu liều mạng, đã khám phá ra một con quỷ khổng lồ thời tiền sử từ một khu rừng nhiệt đới xa xôi và chúng tôi mang nó về cho cả thế giới xem. Chúng tôi đặt nó trong toa hàng bằng gỗ mà ông Ali đã đóng mùa đông năm trước cho sinh nhật của cậu, giả vờ đó là một chiếc lồng thép khổng lồ. Chú ý, quái vật thở ra lửa! Chúng tôi đi đều bước trên cỏ và kéo toa xe đằng sau chúng tôi, quanh những cây táo và cây anh đào trở thành những toà nhà chọc trời vươn cao đến tận mây, bao cái đầu thò ra khỏi hàng ngàn cửa sổ ngắm nhìn quanh cảnh diễn ra ở bên dưới. Chúng tôi bước qua cây cầu cong nhỏ hình bán nguyệt mà Baba xây gần một đám những cây sung, nó trở thành cây cầu treo vĩ đại nối liền các thành phố và cái ao nhỏ bên dưới trở thành một biển sóng cồn. Pháo hoa nổ bên trên những cột cầu đồ sộ và binh lính vũ trang đứng hai bên chào chúng tôi cùng những dây cáp thép khổng lồ đâm lên trời. Con rùa nhỏ xóc lên xóc xuống trong khoang lái, chúng tôi kéo toa hàng xung quanh lối xe lượn vòng ngoài cổng sắt và đáp lại sự chào đón của các nhà lãnh đạo thế giới khi họ vẫn đang đứng và vỗ tay hoan hô. Chúng tôi là Hassan và Amir, những nhà phiêu lưu nổi tiếng, những nhà thám hiểm vĩ đại nhất thế giới, xứng đáng nhận một huân chương danh dự vì hành động can trường của chúng tôi...

Tôi thận trọng bước lên lối xe vào nơi nhưng bãi cỏ dại lúc này mọc xen giữa nhưng viên gạch màu đỏ úa. Tôi đứng bên ngoài cánh cổng sắt ngôi nhà của Baba, cảm thấy như một người khách lạ. Tôi đặt hai tay lên những song sắt han gỉ, nhớ lại tôi đã chạy qua chiếc cổng này hàng ngàn lần khi còn là đứa trẻ ra sao, vì những chuyện giờ chẳng còn nghĩa lý gì khi đó hình như lại vô cùng quan trọng. Tôi chăm chú nhìn vào trong.

Lối xe vào từ cổng tới sân, nơi Hassan và tôi mùa hè thường tập đi xe đạp và thay nhau ngã, trông không rộng và dài như tôi nhớ. Nhựa đường nứt ra thành những vết ngoằn ngoèo như tia chớp, thêm nhiều đám cỏ dại mọc lên từ các khe. Phần lớn bạch dương đã bị đốn, những thân cây mà Hassan và tôi thường trèo lên để chiếu gương vào các nhà hàng xóm. Những cây nào còn đứng vững hầu như trụi lá. Bức tường Ngô ốm vẫn còn đó, dẫu tôi chẳng nhìn thấy ngô, thấy ốm hoặc thấy cái gì khác dọc theo bức tường ấy bây giờ. Nước sơn đỏ bắt đầu bong ra, có chỗ tróc từng mảng lớn. Cái sân cỏ trước nhà đã chuyển sang cùng một màu nâu như những lớp bụi lượn lờ khắp trên cánh phố, loáng thoáng điểm những bãi phân trơ ra, bên trên không có gì mọc được.

Một chiếc xe jeep đỗ ở lối xe vào và trông thật nghịch cảnh: chiếc Mustang đen của Baba cũng từng ở chỗ đó. Bao năm trời, chiếc Mustang tám xi lanh rồ lên nổ máy đánh thức tôi dậy. Tôi nhìn thấy dầu xe nhỏ xuống từ phía dưới chiếc xe Jeep và vấy bẩn lối đi như vết mực. Ngoài chiếc xe jeep ra chỉ còn thấy một cái xe cút kít rỗng không lăn lóc bên cạnh. Tôi chẳng thấy dấu vết nào của những khóm hoa hồng mà Baba và ông Ali đã trồng bên trái lối đi, chỉ có phân vãi trên nhựa đường. Và cỏ dại.Farid bấm còi ô tô hai lần phía sau tôi. Anh ta gọi:

- Chúng ta nên đi thôi. Agha. Chúng ta sẽ gây chú ý đấy.

Tôi nói:

- Cho tôi thêm mấy phút nữa thôi.

Ngôi nhà tự bản thân nó đã khác xa với toà nhà trắng bề thế của tuổi thơ tôi. Trông nó nhỏ hơn. Mái xô, vữa nứt. Cửa sổ phòng khách tiền sảnh và phòng tắm của khách ở trên gác đều vỡ, được đóng đinh qua loa vào khung cửa vải nhựa trong hoặc ván gỗ. Sơn tường khi xưa sáng trắng lấp loá nay ngả màu xám như ma quỷ và xói mòn long tróc từng phần, trơ lớp gạch lên dưới. Bậc thềm trước cửa đổ nát. Giống như rất nhiều nhà khác ở Kabul, ngôi nhà của cha tôi là bức tranh của sự huy hoàng sụp đổ.

Tôi thấy cửa sổ của phòng ngủ tôi ngày xưa, trên tầng hai, cửa sổ thứ ba phía Nam cầu thang chính lên nhà. Tôi kiễng chân nhòm, chẳng thấy gì phía sau ngoài bóng tối. Hai nhăm năm trước tôi từng đứng sau vẫn cái cửa sổ ấy, mưa mau nhỏ giọt trên ô kính và hơi thở tôi làm kínhmờ đi. Tôi đã dõi theo Hassan và ông Ali chất những gói đồ của họ vào cốp xe của cha tôi.

- Amir Agha! - Farid lại gọi.

- Tôi đến đây, - tôi đáp lại.

Tôi muốn vào đó phát điên lên. Muốn bước lên thềm nhà phía trước nơi ông Ali thường bắt Hassan và tôi phải bỏ ủng đầy tuyết ra. Muốn bước vào tiền sảnh, ngửi mùi vỏ cam ông Ali quăng vào lò cho cháy cùng với mùn cưa. Ngồi vào bàn ăn, uống trà với một lát bánh naan, nghe Hassan hát những bài ca Haraza cổ.Lại một tiếng còi nữa. Tôi bước lại cho chiếc Land Cruiser đỗ dọc lề đường. Farid ngồi hút thuốc sau tay lái.

- Tôi phải nhìn thêm một thứ nữa, - tôi bảo anh ta thế.

- Ông có thể nhanh nhanh lên không?

- Cho tôi mươi phút.

- Vậy, đi đi.

Rồi đúng lúc tôi quay lưng định đi.

- Có điều hãy quên tất cả đi cho nhẹ lòng.

- Để làm gì?

- Để sống tiếp, - Farid nói. Anh ta ném điếu thuốc qua cửa xe. - Ông cần phải nhìn thêm bao nhiêu nữa. Hãy để tôi giúp ông bớt phiền muộn: Chẳng thứ gì ông nhớ tới còn tồn tại đâu. Tốt như hãy quên đi.

- Tôi không muốn quên nữa, - tôi nói. - Cho tôi thêm mươi phút.

Chúng tôi hầu như không đổ một giọt mồ hôi, Hassan và tôi, hồi vất vả trèo lên ngọn đồi ngay phía Bắc ngôi nhà của Baba. Chúng tôi chạy nhảy lên tận đỉnh đồi, đuổi nhau hoặc ngồi trên một sườn dốc nơi nhìn thấy sân bay ở đằng xa rất rõ. Chúng tôi thường xem máy hay cất cánh và hạ cánh. Rồi lại chạy đuổi.

Giờ đây, lúc tôi lên tới đỉnh ngọn đồi cheo leo này, mỗi hơi thở rã rời như hít phải lửa. Mồ hôi từng giọt nhỏ xuống mặt. Tôi đứng đó, thở phì phò một lúc, cái gì bất ngờ đau nhói bên sườn. Rồi tôi đi tìm khu nghĩa trang bị bỏ hoang. Không mất mấy thì giờ để thấy nó. Nó vẫn ở đó, và cây lựu xưa cũng vậy.

Tôi tựa người vào tảng đá xám lối cống nghĩa trang nơi Hassan chôn mẹ mình. Đôi cánh cổng bằng sắt xưa kia trụ trên những chiếc bản lề nay biến mất, và những bia mộ khó lòng nhìn rõ qua hàng đám cỏ dại dày đặc tranh nhau đất mọc. Một đôi quạ đậu trên bức tường thấp vây quanh nghĩa trang.

Hassan đã viết trong bức thư rằng cây lựu nhiều năm không ra quả. Nhìn cái cây gầy guộc, trụi lá, tôi ngờ nó sẽ không bao giờ ra quả nữa. Đứng bên dưới gốc, tôi nhớ lại bao nhiêu lần chúng tôi đã trèo lên đấy, cưỡi lên những cành cây, hai chân đung đưa, ánh nắng lốm đốm lung linh qua kẽ lá, chiếu lên mặt chúng tôi như một bức khảm sứ của ánh sáng và bóng tối. Mùi vị đặc trưng của quả lựu như thấm vào miệng tôi.

Tôi quỳ gối xuống và lấy hai tay cọ cọ lên thân cây. Tôi tìm thấy cái tôi tìm. Dấu khác đã mờ đi, hầu như hoàn toàn phai nhạt, nhưng nó vẫn còn đấy: "Amir và Hassan, hai sultan của Kabul." Tôi lấy ngón tay vạch lên đường cong của mỗi nét chữ. Cậy những miếng vẩy nhỏ ở những kẽ nứt.

Tôi ngồi xếp bằng dưới gốc cây nhìn về phía Nam thành phố tuổi thơ tôi. Những ngày đó, ngọn cây vươn lên sau những bức tường của mọi ngôi nhà. Bầu trời trải rộng và xanh biếc, và quần áo giặt hong khô trên những dây phơi chấp chới trong ánh mặt trời. Nếu bạn cố lắng nghe, bạn có thể nghe thấy cả tiếng rao của những người bán trái cây cùng với con lừa của họ, khắp quận Wazir Akbar Khan: Ai đào đây! Mơ đây! Nho đây! Vào lúc chiều sớm, bạn còn nghe thấy azan, tiếng gọi từ tháp chuông nhà thờ ở Sar-e-Nau gọi tín đồ cầu nguyện.

Tôi nghe thấy tiếng còi xe và nhìn thấy Farid vẫy tôi. Đến giờ phải đi rồi.

Chúng tôi lại cho xe chạy về phía Nam, trở lại hướng Quảng trường Pashtunistan. Chúng tôi đi ngang qua dăm ba chiếc xe tải hở mui màu đỏ với đám thanh niên đeo súng và để râu ngồi chật cứng trong buồng lái.

Farid lầm bầm chửi mỗi lần chúng tôi vượt qua một chiếc.

Tôi thuê một phòng nhỏ gần Quảng trường. Ba cô bé mặc áo váy dài đen giống hệt nhau và những chiếc khăn quàng trắng bâu lấy một gã đàn ông đeo kính, dáng người nhẹ nhõm, sau quầy thanh toán. Hắn chém tôi 75 đô, cái giá không thể nghĩ tới cho một nơi có mã ngoài tồi tàn đến thế này, nhưng tôi cũng chẳng bận tâm. Vơ vét để tận thu cho một nhà nghỉ bãi biến ở Hawaii là một chuyện. Làm việc đó để nuôi lũ trẻ là chuyện khác.

Không có nước nóng, bệ xí sứt mẻ và giật nước không chảy. Chỉ có mỗi một chiếc giường khung sắt và tấm đệm cũ, một cái chăn rách, và một ghế gỗ ở góc phòng. Cửa sổ nhìn xuống quảng trường bị vỡ, không ai thay. Lúc tôi hạ va li của mình xuống, tôi để ý thấy một vết máu khô trên bức tường ở phía sau chiếc giường.

Tôi đưa cho Farid một ít tiền để anh ta ra ngoài mua cái gì đó về ăn. Anh ta quay về với bốn xiên thịt kabob nướng nóng bỏng, bánh naan mới và một bát to cơm trắng. Chúng tôi ngồi lên giường và gần như ngốn ngấu các món ăn. Rốt cuộc, cũng có một thứ ở Kabul chẳng hề thay đổi: Món cừu kabob vẫn ngậy béo và ngon như ngày nào.

Đêm đó, tôi ngủ trên giường còn Farid dưới sàn, quấn trong tâm chăn cực dày mà chủ khách sạn cho thuê tính thêm tiền. Không có ánh sáng nào lọt vào phòng, ngoài ánh trăng tràn qua chiếc cửa sổ kính vỡ. Farid nói với tôi rằng chủ nhà bảo Kabul đã hai ngày hôm nay không có điện và máy phát của ông ta cần sửa chữa. Chúng tôi chuyện trò với nhau một lúc. Anh ta kể cho tôi nghe chuyện mình lớn lên ở Mazar-i-Sharif, thuộc Jalalabad. Anh ta kể cho tôi nghe về khoảng thời gian ngắn sau khi cha con anh ta tham gia jihad, chiến đấu chống bọn Shorawi ở Thung lũng Panjsher. Họ bị vây hãm, không có thực phẩm và phải ăn cả châu chấu để sống. Anh ta kể cho tôi nghe cái ngày trực thăng nã súng giết chết bố anh, cái ngày mìn chôn cướp mất hai con gái anh. Anh ta hỏi tôi về nước Mỹ. Tôi bảo, ở Mỹ, anh có thể bước vào một cửa hàng tạp hoá mua bất kỳ thứ nào trong số mười lăm hay hai mươi loại ngũ cốc khác nhau. Thịt cừu non luôn luôn tươi và sữa lúc nào cũng lạnh, đầy trái cây và nước sạch. Nhà nào cũng có tivi, tivi nào cũng có điều khiển từ xa, và nếu muốn, có thể dùng ăng-ten chảo vệ tinh, thu được trên năm trăm kênh.

- Năm trăm kênh cơ à? - Farid ngạc nhiên kêu lên.

- Năm trăm.

Chúng tôi im lặng một lúc. Đúng lúc tôi nghĩ anh ta đã ngủ, Farid cười khúc khích:

- Agha, ông đã nghe kể giáo sĩ Nasruddin làm gì khi con gái ông về nhà và phàn nàn rằng bị chồng mình đánh chưa?

Tôi có thể cảm thấy anh ta đang mỉm cười trong bóng tối và nụ cười của chính tôi trên mặt tôi. Không có một người Afghan nào trên thế giới lại không biết ít nhất vài chuyện đùa về ông giáo sĩ ngớ ngẩn ấy.

- Làm gì?

- Ông cũng đánh con gái, rồi trả con về để bảo cho chồng cô ta biết rằng giáo sĩ không ngu đâu: Nếu tên chó đẻ định đánh con gái ông, thì giáo sĩ sẽ đánh lại vợ nó để trả đũa.

Tôi cười. Phần vì câu đùa, phần vì sao mà tính hài hước của người Afghan chẳng bao giờ thay đối. Những cuộc chiến được phát động, Internet ra đời, và người máy đã lăn trên bề mặt sao Hoả, vậy mà ở Afghanistan chúng ta vẫn còn kể những chuyện cười về giáo sĩ Nasruddin. Tôi nói:

- Anh đã nghe kể cái lần giáo sĩ vác trên vai một bao nặng và cưỡi lừa chưa?

- Chưa.

- Ai đó trên đường phố bảo tại sao ông không đặt cái bao lên lưng con lừa ông ấy nói: như thế là tàn nhẫn. Riêng tôi thôi cũng đủ nặng cho con vật tội nghiệp rồi.

Chúng tôi kể cho nhau những chuyện cười về giáo sĩ Nasruddin cho đến khi cạn vốn và chúng tôi lại nằm im.

- Amir agha? - Farid nói, làm tôi giật mình vì đã gần ngủ thiếp.

- Sao?

- Tại sao ông lại về đây ý tôi muốn hỏi, thực ra tại sao ông về đây?

- Tôi đã nói với anh rồi.

- Vì thằng bé?

- Vì thằng bé.

Farid trở mình trên sàn nhà:

- Không thể tin nối.

- Đôi khi bản thân tôi, tôi cũng không thể tin nổi tôi lại về đây.

- Không... ý tôi muốn nói là, tại sao lại thằng bé đó? Ông đi cả một đoạn đường dài từ Mỹ vì... một thằng bé Shi'a?

Câu hỏi đó giết chết tiếng cười trong tôi. Và cả giấc ngủ nữa. Tôi nói:

- Tôi mệt rồi. Ta hãy ngủ đi một lát.Farid ngáy vang ngay khắp căn phòng trống trải. Tôi vẫn thức hai tay khoanh trên ngực, mắt đăm đăm nhìn qua chiếc cửa sổ vỡ kính vào đêm sáng sao và nghĩ, có thể những gì người ta nói về Afghanistan là đúng. Có thể đó là một chốn không hy vọng.

Một đám đông hối hả đang tràn vào đầy Sân vận động Ghazi khi chúng tôi bước theo các lối hầm vào. Hàng nghìn người quẩn quanh chen chúc nhau trong dãy khán đài bằng bê tông chặt như nêm cối. Trẻ con nô đùa trong lối đi giữa các hàng ghế và đuổi bắt khắp các bậc lên xuống. Mùi đậu ngọt nấu trong nước tương gia vị bốc lên trên không, pha lẫn với mùi phân súc vật và mùi mồ hôi. Farid và tôi bước đi qua những người bán hàng rong, bán thuốc lá, hạt thông. và bích quy.

Một thằng bé gầy nhom mặc chiếc áo jacket vải tuýt níu lấy khuỷu tay tôi và nói nhỏ vào tai tôi. Hỏi tôi có muốn mua "ảnh sex" không.

- Rất sex, Agha, - nó nói, đôi mắt nhớn nhác của nó đảo đi đảo lại, nhắc tôi nhớ đến một cô gái vài năm trước cố nài bán côcain cho tôi ở quận Tenderloin bang San Francisco. Thằng bé vén một bên áo jacket của nó hở ra, cho tôi thoáng nhìn thấy đám ảnh sex của nó: những tấm bưu thiếp phim Hinđi giới thiệu các nữ diễn viên mắt nai đầy nhục cảm, áo quần đầy đủ trong vòng tay của những diễn viên nam chính. "Quá sex". Thằng bé nhắc lại.

- Không, cảm ơn, - Tôi vừa nói vừa tránh nó ra.

- Nó mà bị tóm, chúng sẽ cho nó một trận đòn roi khiến bố nó ở trong mồ cũng phải thức dậy, - Farid lẩm bẩm.

Tất nhiên, chẳng có chỗ ngồi được chỉ định. Chẳng ai lịch sự chỉ cho chúng tôi khu, cánh, dãy và ghế ngồi. Chẳng bao giờ lại có chuyện đó, kể cả ngày xưa dưới chế độ quân chủ. Chúng tôi tìm được một chỗ tàm tạm, ngay bên trái khu trung tuyến, mặc dầu Farid phải xô đẩy và cùi chỏ mất một lúc.

Tôi vẫn nhớ sân bóng cỏ mọc xanh rờn vào những năm 70 khi Baba thường mang tôi tới xem bóng đá ở đây. Nay, đường pít là một bãi hổ lốn. Hố nhỏ, hố to khắp nơi. Đáng chú ý nhất là một đôi hố sâu ở phần đất phía sau khung thành phía Nam. Và chẳng có một đám cỏ nào, chỉ có phân. Cuối cùng, khi hai đội ra sân chơi - tất cả đều mặc quần dài bất kể trời nóng và khi cuộc chơi bắt đầu, khó có thể theo dõi quả bóng trong những lớp mây bụi mù do cầu thủ đá lên. Những tên Talib trẻ, mang theo roi, lăng xăng trên lối đi giữa các hàng ghế ngồi, vụt bất kỳ ai reo lên quá to.

Sau tiếng còi dứt nửa hiệp đấu, chúng lôi họ ra ngoài ngay. Một đội xe tải đỏ hạng nhẹ đầy bụi, giống như những chiếc xe tôi đã gặp quanh thành phố từ lúc mới đến, phóng qua cổng vào sân vận động. Đám đông đứng cả lên. Một phụ nữ mặc burqa màu xanh lục ngồi trong buồng lái của một chiếc xe tải, và một người đàn ông bị bịt mắt trong chiếc xe kia. Hai chiếc xe từ từ chạy quanh đường biên như thế để đám đông được nhìn kỹ. Và nó có được hiệu quả mong muốn: Mọi người vươn cổ lên, chỉ trỏ kiễng chân nhìn. Cạnh tôi, quả hầu ở cổ Farid lên lên xuống xuống trong khi anh ta khẽ lẩm bẩm cầu kinh.

Hai chiếc xe tải đỏ chạy vào bãi bóng, phóng thẳng về phía cuối bãi trong hai làn mây bụi. Chiếc xe tải thứ ba gặp chúng ở phía cuối bãi. Buồng lái chiếc xe tải này chất đầy một thứ gì đó, và bất chợt tôi hiểu ra, mục đích của hai cái hố sâu phía sau khung thành. Chúng bốc dỡ chiếc xe tái thứ ba. Đám đông lầm rầm đoán chuyện gì sắp xảy ra.

- Ông có muốn ở lại không? - Farid nghiêm nghị hỏi tôi.

- Không, - tôi nói. - Trong đời mình, tôi chưa từng bao giờ muốn rời khỏi một nơi tệ hại như tôi muốn lúc này. Nhưng chúng ta phải ở lại.

Hai tên Talib với những khẩu Kalashnikov đeo lủng lẳng qua vai, giúp người đàn ông bị bịt mắt ra khỏi chiếc xe tải thứ nhất, hai tên khác giúp người phụ nữ trùm burqa. Người phụ nữ khuỵu gối và đổ phịch xuống đất. Mấy tên lính kéo chị lên và chị lại ngã khuỵu xuống. Khi chúng cố kéo chị dậy, chị kêu thét lên và đá túi bụi. Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên được âm thanh tiếng kêu thét đó. Đó là tiếng kêu của con thú hoang đang cố rút chiếc chân bị kẹp ra khỏi cái bẫy gấu. Hai tên Talib nữa nhập hội, đẩy chị xuống cái hố sâu đến ngực. Người đàn ông bị bịt mắt, trái lại, để mặc chúng hạ anh xuống chiếc hố đào cho anh ta. Lúc này trông chỉ còn thấy một cặp bán thân nhô lên khỏi mặt đất.

Một viên giáo sĩ, mặt bầu bĩnh, râu bạc, mặc quần áo màu xám đứng gần khung thành hắng giọng vào chiếc micro cầm tay. Đằng sau lão ta, người phụ nữ dưới cái hố vẫn đang gào thét. Lão ta đọc một đoạn dài từ kinh Koran, cái giọng mũi của lão lượn lờ khắp sân vận động. Lúc này quần chúng bất chợt đã trở nên yên lặng. Tôi bỗng nhớ tới câu của Baba đã nói với tôi từ rất lâu: Đái vào râu cái lũ khỉ già lên mặt đạo đức ấy. Bọn chúng chẳng làm được trò trống gì, ngoài việc lần tràng hạt và đọc một cuốn sách viết bằng thứ tiếng mà chính chúng cũng không hiểu. Mong Thượng đế giúp tất cả chúng ta, đừng để bao giờ Afghanistan rơi vào tay bọn chúng.

Khi đọc kinh xong, viên giáo sĩ lại hắng giọng:

- Hỡi những người anh em và chị em, - lão cất tiếng kêu gọi bằng tiếng Farsi, giọng oang oang khắp sân vận động. - Chúng ta đến đây hôm nay để thực hiện Shari'a 2. Chúng ta đến đây hôm nay để thực hiện công lý. Chúng ta hôm nay tới đây vì ý muốn của Đức Allah, và lời phán bảo của Đấng tiên tri Muhammad, cầu cho Người được bình yên, sống mãi và bằng an ở đây, Afghanistan quê hương yêu dấu của chúng ta. Chúng ta lắng nghe những gì Thượng đế phán, và chúng ta vâng lời người, bởi vì chúng ta chẳng là cái gì ngoài việc là những sinh linh hèn hạ, bất lực trước sự vĩ đại của Thượng đế. Và Thượng đế bảo sao? Ta hỏi các người đấy! THƯỢNG ĐẾ PHÁN BẲO SAO? Thượng đế phán bảo mọi kẻ mắc tội đều phải bị trừng phạt xứng đáng với tội lỗi của hắn. Đấy không phải lời lẽ của ta, cũng không phải lời lẽ của những người anh em của ta. Đấy là những lời phán bảo của THƯỢNG ĐẾ. - Giáo sĩ chỉ bàn tay không cầm micro lên trên trời. Đầu tôi như đang có cái gì đập thình thình bên trong. Mặt trời dường như quá nóng.

- Mọi kẻ mắc tội phải bị trừng phạt thích đáng với tội lỗi của nó. - Viên giáo sĩ nhắc lại vào micro, giọng hạ xuống, phát âm rành mạch từng từ một, thong thả và rất kịch. - Và trừng phạt như lúc nào cho xứng đáng với tội ngoại tình, hỡi các anh em, chị em. Chúng ta sẽ trừng phạt kẻ làm nhơ bẩn tính thiêng liêng của hôn nhân lúc nào đây? Chúng ta sẽ phải xử lý thế nào, kẻ dám nhổ vào mặt Thượng đế? Chúng ta sẽ trả lời những kẻ ném đá vào cửa sổ ngôi nhà của Thượng đế như thế nào? CHÚNG TA SẼ NÉM ĐÁ TRẲ L� I!

Giáo sĩ tắt micro. Một tiếng xì xào khe khẽ lan khắp đám đông.

Bên cạnh tôi, Farid đang lắc đầu lẩm bẩm:

- Thế mà chúng dám tự nhận là tín đồ Hồi giáo.

Rồi một gã đàn ông cao lớn vai rộng bước ra khỏi chiếc xe tải hạng nhẹ. Bộ dạng của hắn cũng gây được những tiếng hoan hô của vài ba khán giả. Lần này, không ai bị vụt vì reo lên quá to. Bộ quần áo trắng sáng chập chờn trong ánh nắng chiều, mép áo sơ mi rộng của hắn phập phồng trong gió nhẹ, hai cánh tay hắn giang ra như hai cánh tay Jesus trên thánh giá. Hắn từ từ quay người đủ một vòng để chào đám đông. Khi hắn đối mặt với phần khán đài chúng tôi, tôi thấy hắn đeo một đôi kính râm tròn đen như đôi kính của John Lennon.

- Chắc hắn là người chúng ta cần gặp, - Farid nói.

Gã Talib cao lớn đeo kính râm đen bước lại đống đá mà chúng bốc dỡ trên chiếc xe tải thứ ba xuống. Hắn nhặt một hòn lên và giơ cho quần chúng xem. Tiếng ồn xẹp xuống, thay vào là tiếng xôn xao lan khắp sân vận động. Tôi nhìn quanh tôi, thấy ai cũng đang phì ra tiếng xì. Gã Talib giống một cách kỳ cục cầu thủ ném bóng chày trên ụ đất, ném mạnh hòn đá vào người đàn ông bịt mắt trong cái hố. Hòn đá trúng vào bên cạnh đầu. Người đàn bà lại kêu thét lên. Quần chúng giật mình kêu "Ối!" Tôi nhắm mắt lại lấy hai tay che mặt. Tiếng khán giả kêu"Ối" hoà nhịp với mỗi lần đá văng đi, cứ thể tiếp tục trong một lúc lâu. Khi họ dừng lại, tôi hỏi Farid liệu đã xong chưa. Anh ta bảo chưa. Tôi đoán là cổ họng mọi người đã khản hết. Tôi không biết tôi ngồi hai tay ôm mặt như thế bao lâu. Tôi chỉ biết tôi lại mở mắt ra khi mọi người xung quanh tôi hỏi: Mord? Mord? Đã chết chưa?

Người đàn ông trong cái hố lúc này là một đống giập nát đầm đìa máu me, rách xé tơi tả. Đầu quẹo xuống phía trước, cằm sát vào ngực. Gã Talib đeo kính râm đang nhìn xuống một người đàn ông khác ngồi xổm gần cái hố, tay gã tung lên tung xuống một hòn đá. Người đàn ông ngồi xổm, hai tai cắm hai nhánh ống nghe, đầu kia ống nghe áp vào ngực người đàn ông trong cái hố. Người này rút ống nghe khỏi tai và lắc đầu, bảo chưa với gã Talib đeo kính râm. Quần chúng kêu rên lên.

John Lennon bước trở lại cái ụ đất.

Khi mọi việc đã xong, khi hai cái xác đầm ma máu me đã bị quăng một cách phỉ báng lên phía sau hai chiếc xe tải đỏ hạng nhẹ - mỗi xác một xe - vài người lấy xẻng lấp hố lại. Một trong số họ phủ qua loa vết máu bằng cách đá đất bẩn lên trên. Mấy phút sau hai đội bóng lại ra sân. Hiệp hai bắt đầu.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi được sắp xếp vào ba giờ chiều hôm ấy. Sự nhanh chóng làm tôi ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ phải có thời hạn, ít nhất cũng phải hỏi vòng vo, có lẽ cả kiểm tra giấy tờ của chúng tôi nữa. Nhưng tôi được nhắc cho biết ngay cả những việc công vẫn cứ được giải quyết ngoài cửa công thế nào ở Afghanistan: Tất cả những gì Farid phải làm là bảo một gã Talib cầm roi rằng chúng tôi có một chuyện riêng tư muốn thảo luận với người đàn ông mặc đồ trắng. Farid và gã trao đổi một vài câu. Thế là gã cầm roi gật đầu và quát bằng tiếng Pashtu với một thanh niên trên sân bóng, tên này chạy ngay về phía khung thành phía nam, nơi tên Talib đeo kính râm đang gẫu chuyện với giáo sĩ mặt phúng phính đọc bài thuyết giáo. Cả ba nói chuyện với nhau. Tôi thấy gã đeo kính râm đưa mắt tìm kiếm xem ai. Gã gật đầu. Nói điều gì đó vào tai người nhắn tin. Gà thanh niên truyền đạt lời nhắn lại cho chúng tôi.Nhất trí. Ba giờ.

--------------------------------
1Khyber Restaurant: Nhà hàng Khyber, nay đã mất chữ K và chữ R có nghĩa biển hiệu chỉ còn chữ hyber-estaurant.
2Shari'a: Luật Islam, luật Hồi giáo.
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XXII


Farid cho xe chạy chậm lại trên lối xe vào của một toà nhà lớn ở Wazir Akbar-Khan. Anh ta cho xe đỗ dưới bóng một cây dương liễu rủ ra ngoài tường của khu cư trú hỗn hợp trên phố 15, Sarak-e-Mehmana, Phố Khách. Anh để động cơ chạy số không và chúng tôi ngồi khoảng một phút, nghe tiếng tinh tinh của máy đã mát lại, chẳng ai nói điều gì. Farid xoay người trên ghế ngồi, và mân mê chùm chìa khoá vẫn còn cắm vào công tắc khởi động. Tôi chắc anh ta đang chuẩn bị nói với tôi một điều gì.

- Tôi cho là tôi nên đợi ông ở trong xe, - cuối cùng anh ta cũng nói, giọng hơi có vẻ xin thứ lỗi. Anh ta không nhìn tôi. - Đây là công việc chính của ông rồi, tôi...

Tôi vỗ vào lưng anh:

- Anh đã làm hơn rất nhiều những gì tôi trả cho anh. Tôi không mong anh đi cùng với tôi.

Nhưng tôi lại mong tôi không phải đi một mình. Bất kể những gì tôi đã học được ở Baba, tôi vẫn mong ông đứng ngay bên tôi lúc này. Baba chắc sẽ phá cổng trước đi vào, yêu cầu được đưa đến người có trách nhiệm, đái vào râu kẻ nào cản đường ông. Nhưng Baba đã chết lâu rồi, và đã được chôn ở khu người Afghan trong một cái nghĩa trang nhỏ ở Hayward. Mới tháng vừa rồi, Soraya và tôi còn đặt một bó cúc trắng và hoa lan cạnh mộ chí của ông. Tôi chỉ có mỗi một mình.

Tôi ra khỏi xe, và bước tới cánh cổng trước bằng gỗ cao to. Tôi bấm chuông, nhưng không nghe thấy tiếng reo - vẫn chưa có điện - và tôi phải đập thình thình vào cánh cửa. Một lát sau, tôi nghe thấy những giọng nói cộc cằn, ở bên kia cánh cổng, và hai người đàn ông xách súng Kalashnikov ra mở cửa.Tôi liếc nhìn về phía Farid đang ngồi trong xe, miệng mấp máy không thành tiếng, tôi sẽ trở lại, nhưng không chắc mấy tôi sẽ quay lại.

Gã đàn ông đeo súng lục soát tôi từ đầu đến chân, vuốt chân, sờ nắn đũng quần tôi. Một trong hai tên nói với nhau bằng tiếng Pashtu, và cả hai cùng cười thầm. Chúng tôi bước qua cổng trước. Hai tên lính gác dẫn tôi ngang qua một sân cỏ được cắt tỉa rất cẩn thận, đi qua một hàng hoa thiên trúc quỳnh và những bụi cây thấp dọc theo tường. Một chiếc máy bơm nước bằng tay ở phía cuối sân. Tôi nhớ ngôi nhà của Kaka Homayoun ở Jalalabad đã bơm nước dưới giếng như thế, hai chị em sinh đôi Fazila và Karima thường cùng tôi ném sỏi xuống để nghe tiếng tõm.

Chúng tôi leo lên vài ba bậc thềm, và đi vào một ngôi nhà rộng lớn trang trí sơ sài. Chúng tôi đi qua tiền sảnh - một lá cờ lớn phủ kín một bức tường - và hai gã lính canh dẫn tôi lên gác, tới một căn phòng có đôi ghế sofa màu xanh bạc hà giống hệt nhau và một tivi màn hình lớn ở góc xa. Một tấm thảm cầu kinh đóng đinh ở trên tường trưng ra một thánh địa Mecca nho nhỏ hình chữ nhật. Tên nhiều tuổi hơn lấy nòng súng chỉ về phía chiếc sofa. Tôi ngồi xuống. Chúng rời khỏi căn phòng.

Tôi bắt chéo chân lên nhau. Lại bỏ ra. Ngồi với hai bàn tay vã mồ hôi trên hai đầu gối. Liệu tư thế đó có làm tôi trông căng thẳng không? Tôi cài hai bàn tay lại với nhau, khẳng định thế lại tệ hơn nên đành khoanh tay trước ngực. Máu giần giật hai bên thái dương tôi. Tôi cảm thấy cô đơn tuyệt đối. Những ý nghĩ cứ lởn vởn quẩn quanh trong đầu tôi, nhưng tôi không muốn nghĩ chút nào, bởi vì cái phần điềm tĩnh trong tôi biết rằng tất cả những gì tôi loay hoay ngụy tạo thật điên rồ. Tôi ở cách xa vợ tôi hàng nghìn dặm và đang ngồi trong căn phòng như một cái xà lim đợi một gã đàn ông mà tôi thấy rõ là kẻ đã giết hai con người cùng ngày hôm đó. Đúng là điên rồi. Còn tệ hại hơn, thật là vô trách nhiệm. Rất có thể tôi sẽ làm cho Soraya trở thành một biwa, một goá phụ ở tuổi ba mươi sáu. Đây không phải mày, Amir - một phần trong con người tôi nói. Mày là kẻ nhát gan. Mày bẩm sinh đã thế rồi. Và như thế đâu có gì là xấu xa bởi vì mày không bao giờ lừa dối bản thân về việc này. Cũng không về việc kia. Hèn nhát không có gì tệ hại chừng nào hèn nhát đi đôi với thận trọng. Nhưng khi một kẻ hèn nhát không còn nhớ mình là ai... cầu Thượng đế cứu rỗi hắn.

Có một chiếc bàn cà phê bên ghế sofa. Chân bàn kim loại bắt chéo hình chữ X có treo một vòng những quả chuông nhỏ bằng đồng thau cỡ quả óc chó. Tôi đã từng trông thấy một chiếc bàn như thế trước đây. Ở đâu nhỉ? Rồi tôi sực nhớ ra: Trong một hiệu trà đông đúc ở Peshawar, cái đêm tôi đi dạo bộ. Trên bàn có đặt một chiếc bát đựng nho đỏ. Tôi vặt một quả, ném vào miệng. Tôi phải làm cho bản thân tôi bận tâm đến một điều gì đó, bất cứ điều gì, để làm câm bặt tiếng nói trong đầu tôi. Nho ăn ngọt. Tôi ném một quả khác vào miệng, không nhận ra rằng nó có thể là miếng thực phẩm đặc cuối cùng tôi được ăn trong một thời gian dài.

Cửa mở và hai gã đeo súng trở lại, giữa chúng là gã Talib cao lớn mặc đồ trắng, vẫn đeo kính râm John Lennon, trông giống như một lãnh tụ tinh thần Hindu thần bí vai rộng, theo trào lưu Thời đại Mới nào đó.

Hắn ngồi vào một chỗ đối diện với tôi, hai tay đặt lên hai tay ghế. Hắn chẳng nói chẳng rằng một lúc lâu. Chỉ ngồi đó, quan sát tôi, một tay gõ vào bao súng, tay kia xoay xoay những hạt màu ngọc bích của chuỗi hạt cầu kinh. Lúc này hắn mặc áo vest đen ra ngoài áo sơ mi trắng, và đeo một chiếc đồng hồ vàng. Tôi còn nhìn thấy một vết máu khô trên ống tay áo trái. Tôi còn thấy hắn không thay quần áo sau hai vụ hành quyết đầu ngày hôm ấy, như một ám ảnh bệnh hoạn.

Chốc chốc bàn tay tự do của hắn lại huơ lên và những ngón tay mập mạp của hắn lại đập vào cái gì đó trong không khí. Các ngón tay làm những động thái vuốt ve từ tốn, như thể hắn đang mơn trớn một con thú cảnh vô hình. Một trong hai ống tay áo co lại và tôi thấy những vết xăm trên cánh tay, tôi đã từng thấy vẫn những vết đó trên mình đám người vô gia cư sống trong những ngõ hẻm rùng rợn ở San Francisco.

Da hắn xanh xao hơn hai tên kia, gần như tái xám, một hạt mồ hôi nhỏ long lanh trên trán, ngay dưới chiếc khăn đen Hồi giáo. Râu hắn cũng dài đến ngực như những tên khác nhưng nhạt màu hơn.

- Salaam alykum, - hắn nói.

- Salaam.

- Giờ thì cậu có thể bỏ cái trò đó đi rồi, cậu biết không. - Hắn nói.

- Xin lỗi, tôi không hiểu.

Hắn ngoặt lòng bàn tay về phía một trong hai gã vũ trang và ra hiệu. Phrưưựt Bất thình lình má tôi đau nhói, tên lính gác đang giật lên giật xuống chòm râu tôi và cười khúc khích. Tên Talib nhăn nhở:

- Một trò khá hay lâu nay tao mới xem đấy. Nhưng tao nghĩ thực ra trò này còn hay hơn nhiều. Mày có thấy thế không? Hắn xoay xoay ngón tay, bật tanh tách, nắm đấm mở ra rồi lại nắm chặt lại:

- Vậy, Inshallah, mày thích trò diễn hôm nay chứ?

- Trò diễn là thế à? - Tôi vừa nói vừa xoa má, hy vọng giọng nói của tôi không phản lại nỗi kinh hoàng đang bùng nổ trong tôi.

- Công bằng xã hội là trò diễn vĩ đại nhất, người anh em ạ. Kịch tính. Căng thẳng hồi hộp. Và, hay nhất là giáo dục tập thể.

Hắn lại bật ngón tay.

Tên trẻ hơn trong hai tên lính gác châm một điếu thuốc cho hắn. Tên Talib cười, lẩm bấm một mình. Hai bàn tay nó rung rung và gần như đánh rơi điếu thuốc:

- Nhưng mày muốn một trò diễn thực sự, phải cùng tao ở Mazar. Tháng Tám năm 1998, thế đó.

- Tôi xin lỗi không hiểu.

- Chúng tao bỏ chúng cho lũ chó, mày biết chứ. Tôi hiểu hắn đang định đi tới đâu.

Hắn đứng phắt lên, bước quanh sofa một vài bước. Rồi lại ngồi xuống. Nói liến thoắng:

- Chúng tao đi từ nhà này sang nhà khác, tập trung bọn đàn ông và lũ con trai lại. Chúng tao bắn ngay ở đó trước mặt gia đình chúng. Để chúng hiểu. Để chúng nhớ chúng là ai, chúng thuộc về đâu.

Lúc này hắn gần như hổn hển:

- Đôi khi chúng tao phá cửa nhà bọn chúng, xông thẳng vào trong nhà. Và... tao... tao quét nòng súng máy của tao khắp quanh phòng và bắn, bắn cho đến khi khói mờ mắt tao.

Hắn ngả người về phía tôi, như một người định thổ lộ một bí mật lớn.

- Mày không biết ý nghĩa của từ "giải phóng" cho đến khi mày làm xong chuyện đó, đứng trong một căn phòng đầy những mục tiêu, để cho đạn bay, không cảm thấy tội lỗi và cắn rứt, hiểu rõ mình là đức hạnh, tốt, và đứng đắn. Biết được mình đang làm công việc của Thượng đế giao cho. Thật đáng kinh ngạc.

Hắn hôn chuỗi hạt và ngoẹo đầu.

- Mày nhớ chuyện đó chứ, Javid?

- Vâng, Agha sahib, - tên trẻ hơn đáp lại. - Làm sao tôi có quên được?

Tôi đã được đọc về cuộc tàn sát tập thể người Hazara ở Mazar-i-sharif trên báo chí. Nó xảy ra ngay sau khi bọn Taliban chiếm Mazar, một trong những thành phố cuối cùng bị thất thủ. Tôi vẫn nhớ Soraya đưa cho tôi bài báo đó vào lúc ăn sáng, mặt nhợt không còn hạt máu.

- Từ nhà này sang nhà khác, chúng tao chỉ nghỉ để ăn và cầu kinh, - tên Taliban nói. Hắn nói một cách thích thú, như người đang kể về việc mình đã tham dự một phần lớn vào câu chuyện. - Chúng tao để xác chúng trên đường phố và nếu gia đình chúng cố lẻn ra để lôi chúng trở lại trong nhà chúng tao đã bắn nốt cả bọn này. Chúng tao để xác chúng trên đường phố trong nhiều ngày. Chúng tao để chúng cho chó ăn. Thịt chó cho chó. - Hắn bóp nát điếu thuốc. Day mắt bằng hai bàn tay run run. - Mày ở Mỹ về?

- Vâng.

- Độ này, con điếm ấy thế nào? Tôi bất chợt muốn vãi đái. Tôi cầu mong mọi sự sẽ qua đi.

- Tôi đang tìm một thằng bé.

- Không phải đứa nào cũng được chứ? - Hắn nói. Hai tên đeo súng Kalashnikov cười. Răng chúng cáu màu vàng thuốc lá naswar 1.

- Tôi biết nó ở đây, với ông, - tôi nói. - Tên nó là Sohrab.

- Tao sẽ hỏi mày một điều: Mày đang làm gì với con điếm đó? Tại sao mày không ở đây, cùng với những người anh em Hồi giáo, phục vụ đất nước mày?

- Tôi đã đi xa lâu lắm rồi, - tôi chỉ nghĩ nổi để nói thế. Đầu tôi cảm thấy quá nóng. Tôi ép chặt hai đầu gối, kìm giữ bóng đái của tôi.

Tên Talib quay về phía hai tên đang đứng ở cửa và hỏi chúng:

- Đấy có phải là câu trả lời không?

- Không, thưa Agha sahib, - chúng thống nhất, vừa đáp vừa tủm tỉm cười.

Hắn quay lại nhìn tôi. Nhún vai:

- Không phải câu trả lời. Chúng bảo thế. - Hắn nhả ra một hơi thuốc. - Có những người trong nhóm của tao ở đây tin rằng, bỏ watan 2 khi nó cần mày nhất cũng cùng một giuộc phản bội. Tao có thể bắt giữ mày về tội phản bội, và cả bắn mày về tội đó nữa. Việc đó có làm mày sợ không?

- Tôi chỉ đến đây tìm thằng bé.

- Việc đó có làm mày sợ không?

- Sợ.

- Có thế chứ, - hắn nói. Hắn ngả lưng vào chiếc ghế sofa. Bóp nát điếu thuốc.

Tôi nghĩ về Soraya. Như thế làm tôi trấn tĩnh. Tôi nghĩ tới vết chàm hình lưỡi liềm của nàng, đường cong thanh tao ở cổ nàng, đôi mắt ngời sáng của nàng. Tôi nghĩ về cái đêm cưới của chúng tôi, nhìn vào hình nhau trong gương dưới tấm khăn che màu xanh lục, và má nàng đỏ bừng lên như thế nào khi tôi nói yêu nàng. Tôi vẫn nhớ hai chúng tôi nhảy theo một bài ca Afghan cổ, lượn đi lượn lại, mọi người xem và vỗ tay, một thế giới mờ mờ những hoa, những váy áo, những bộ lễ phục, và những khuôn mặt tươi cười.

Tên Talib đang nói cái gì đó.

- Xin lỗi?

- Tao bảo mày có muốn thấy nó không? Mày có muốn thấy thằng bé của ta không? - Môi trên hắn cong cớn lên thành một tiếng cười khẩy, khi nói đến hai từ thằng bé.

- Có.Tên lính gác rời khỏi phòng. Tôi nghe thấy tiếng cọt kẹt của cánh cửa lắc lư mở ra. Nghe thấy tên lính gác nói gì bằng tiếng Pashtu, bằng một giọng cứng rắn. Rồi tiếng chân, tiếng vòng nhạc leng keng cùng mỗi bước đi. Nó nhắc tôi nhớ tới người làm xiếc khỉ mà Hassan và tôi thường đuổi theo, xuống tận Shar-e-Nau. Chúng tôi thường trả hắn một đồng rupia để xem một điệu múa. Chiếc chuông quanh cổ con khỉ cũng kêu leng keng như thế này.Rồi cửa lại mở ra và tên lính gác bước vào. Gã mang theo một máy stereo - một máy radio cátxét lớn - trên vai. Phía sau hắn, một đứa bé trai mặc áo choàng pirhan-tumban rộng màu xanh xaphia đi theo.

Giống nhau đến sững sờ. Đến độ lầm lẫn. Tấm ảnh Polaroid của chú Rahim Khan đã không được công bằng.

Thằng bé có cái mặt tròn như mặt trăng giống bố, chiếc cằm nhọn, hai tai xoắn như ốc biển và cũng vẫn thân hình nhẹ nhõm. Bộ mặt búp bê Tàu của tuổi thơ tôi, bộ mặt chăm chú bên trên những quân bài bạc màu suốt những ngày mùa đông, bộ mặt đằng sau chiếc màn chống muỗi, khi chúng tôi ngủ trên mái nhà của Baba vào mùa hè. Đầu nó cũng cạo trọc, mắt nó đen sẫm màu chì tô, và hai má đỏ rực khác thường. Khi nó dừng lại ở giữa phòng, những chiếc chuông nhạc đeo quanh mắt cá chân cũng ngừng leng keng.

Mắt nó nhìn tôi. Nấn ná mãi. Rồi nhìn đi chỗ khác. Nhìn xuống đôi chân trần của nó.Một trong hai tên lính gác ấn nút và nhạc Pastu tràn ngập căn phòng. Trống vỗ, đàn harmonium, tiếng the thé của dilroba 3. Tôi cho là âm nhạc không đắc tội chừng nào nó vẫn còn lọt lỗ tai bọn Taliban. Cả ba tên đều vỗ tay:

- Wah wah! Mashallah! - Chúng reo lên hoan hô.

Sohrab giơ hai cánh tay lên và từ từ quay người. Nó đứng kiễng trên ngón chân, quay quay một cách duyên dáng, hạ mình xuống gối, lại thẳng người lên, rồi lại quay tiếp. Hai bàn tay bé nhỏ xoay xoay trên cổ tay, những ngón tay bật tanh tách, và cái đầu lắc lư bên nọ qua bên kia như một quả lắc đồng hồ. Hai chân nó giậm xuống sàn nhà, nhạc rung leng keng hoà một cách hoàn hảo với nhịp điệu của tiếng vỗ, mắt nó lim dim nhắm lại.

- Mashallah! - Chúng reo lên. - Shahbas!

Hoan hô! Hai tên lính gác huýt sáo và cười. Tên Talib mặc đồ trắng gật gù theo điệu nhạc, miệng hơi há ra trong một vẻ dâm dật.

Sohrab nhảy theo một vòng tròn, mắt nhắm lại, nhảy cho đến khi nhạc dừng. Những chiếc chuông nhạc reo lên một lần cuối, khi nó giậm mạnh chân cùng với nốt nhạc cuối cùng của bài ca. Rồi nó đứng sững lại trong nửa vòng quay.

- Bia, bia 4, cậu bé của ta, - tên Talib vừa nói vừa gọi Sohrab lại chỗ hắn.

Sohrab đi đến cho hắn, đứng giữa hai đùi hắn, đầu cúi xuống. Tên Talib ôm hai cánh tay quanh thằng bé.

- Nó múa mới tài chứ, đúng không, thằng con trai Hazara của ta.

Hai tay nó vuốt từ lưng thằng bé xuống rồi lại vuốt lên đến dưới hai nách. Một trong hai tên gác huých tên kia và cười rúc rích. Tên Talib bảo chúng đi ra để mặc chúng tôi.

- Vâng, thưa Agha sahib, - chúng vừa nói vừa đi ra.

Tên Talib quay thằng bé lại để đối mặt với tôi. Nó khoá hai cánh tay quanh bụng Sohrab, tì cằm lên vai thằng bé. Sohrab nhìn xuống chân nhưng vẫn lén liếc nhìn tôi, ngượng ngùng, trốn tránh. Tay gã đàn ông vuốt lên vuốt xuống bụng thằng bé, lên rồi lại xuống, từ từ, dịu dàng.

- Dẫu sao tao vẫn cứ thắc mắc. - Tên Talib nói. - Đôi mắt vằn đỏ của nó chằm chằm nhìn tôi qua vai của Sohrab. - Đại khái đã có chuyện gì xảy ra với Balabu già?

Câu hỏi giáng một nhát búa vào giữa hai mắt tôi. Tôi cảm thấy không còn một chút sắc diện. Hai chân tôi lạnh toát. Chết điếng.

Hắn cười:

- Mày nghĩ thế nào? Nghĩ mày đeo râu giả vào và tao sẽ không nhận ra mày ư? Về điểm này, tao cược với mày là mày chẳng bao giờ hiểu nổi tao cả. Tao chẳng bao giờ quên một khuôn mặt. Không bao giờ.

Hắn cọ môi vào tai Sohrab, mắt vẫn không rời tôi.

- Tao nghe nói cha mày chết rồi. Xì - xì. Tao vẫn luôn luôn muốn đánh cuộc với ông ấy. Xem ra tao sẽ phải giải quyết mọi chuyện cho đứa con trai bạc nhược của ông ấy.

Nói rồi hắn bỏ kính râm ra, và găm đôi mắt xanh vằn máu vào mắt tôi.Tôi cố thở mà không thở được. Tôi cố chớp mắt mà không chớp được. Khoảnh khắc như siêu thực - Không, không siêu thực mà vô lý - nó làm cho tôi không thể thở được nữa, nó đem thế giới quanh tôi đến một nơi tắc nghẹn. Mặt tôi nóng bừng. Câu ngạn ngữ cổ về đồng xu tồi 5 như thế nào nhỉ? Quá khứ của tôi cũng giống thế, luôn luôn lật đi lật lại. Tên hắn nhô lên từ một nơi sâu thẳm mà tôi không muốn nói tới, như thể gọi tên hắn thì có thể cầu hồn hắn tới. Nhưng hắn đã ở đây rồi bằng xương bằng thịt, ngồi cách tôi không đầy một mét rưỡi, sau bao năm ròng ấy. Tên hắn thoát ra khỏi đôi môi tôi: "Assef".

- Amir jan.

- Anh đang làm gì đây? - Tôi nói, biết hoàn toàn dại dột đi hỏi như thế, tuy vậy không thể nghĩ được điều gì khác để nói.

- Tao ư? - Assef nhíu lông mày. - Tao thích làm gì thì làm thôi. Câu hỏi phải là mày định làm gì ở đây?

- Tôi đã nói với anh rồi. - Tôi nói. Giọng tôi run lên. Tôi mong sẽ không run như thế, mong thịt tôi đừng rời rụng khỏi xương tôi.

- Thằng bé?

- Vâng.

- Tại sao?

- Tôi sẽ trả anh tiền đề chuộc nó, - tôi nói. - Tôi có thể chuyển tiền qua ngân hàng.

- Tiền ư? - Hắn bật cười. - Mày đã bao giờ được nghe nói về Rockingham chưa? Miền Tây nước Úc, một mảnh thiên đường. Mày nên thấy nơi ấy. Hàng dặm, hàng dặm bãi biển. Nước xanh biếc. Bầu trời trong xanh. Bố mẹ tao sống ở đấy, một biệt thự trước bãi biển. Có cả một sân golf sau biệt thự và một hồ bơi nhỏ. Ngày nào bố tao cũng chơi golf. Mẹ tao, bà thích quần vợt hơn. Bố tao bảo, bà có quả vụt trái phù thuỷ. Họ sở hữu một tiệm ăn Afghan và hai cửa hàng đá quý. Cả hai ngành kinh doanh này là để làm cảnh thôi.

Hắn vặt một quả nho âu yếm bỏ vào miệng Sohrab.

- Vậy nếu tao cần tiền, tao sẽ bảo họ chuyển theo ngân hàng cho tao.

Hắn hôn vào bên cạnh cổ Sohrab. Thằng bé hơi ngại ngùng một chút và lại nhắm mắt lại.

- Vả lại tao không chiến đấu chống bọn Shorawi vì tiền. Cũng không tham gia Taliban vì tiền. Mày có muốn biết tại sao tao tham gia vào bọn họ không?

Đôi môi đã khô. Tôi liếm môi và thấy lưỡi tôi cũng khô.

- Mày có khát không? - Assef vừa hỏi vừa cười một cách tự mãn.

- Không.

- Tao nghĩ mày đang khát đấy.

- Tôi không sao, - tôi nói. Sự thật là, tôi cảm thấy căn phòng bất chợt quá nóng. Mồ hôi vã ra các lỗ chân lông của tôi, làm nhói buốt da tôi. Và có phải điều này đang thực sự xảy ra không? Có phải tôi đang thực sự ngồi đối diện với Assef không?

- Tuỳ mày, - hắn nói. - Dẫu sao chăng nữa, tao đã từng ở đâu nhỉ? Ồ, phải, tao đã tham gia Taliban như thế nào. Ồ, như mày nhớ đấy, tao không phải hạng thích tôn giáo lắm. Nhưng một hôm tao trải qua ngày lễ mang quà cho chúa Hài đồng Jesu ở Bethleem. Tao trải qua ở trong nhà lao. Mày có muốn nghe không đấy?

Tôi không nói gì.

- Được. Tao kể cho mày vậy, - hắn nói. - Tao trải qua một thời gian ở trong tù, tại Poleh-Cherkhi, đúng sau khi Babrak Karmal 6 nắm quyền năm 1980. Tao ở đó được một đêm, khi toán lính Parcham 7 rầm rập tiến vào nhà tao, gí súng ra lệnh cho cha tao và tao đi theo chúng. Lũ chó đẻ chẳng đưa ra một lý do gì, và cũng chẳng thèm trả lời những câu hỏi của mẹ tao. Đó cũng chẳng phải là một chuyện ly kỳ gì. Ai cũng biết bọn cộng sản không có giai cấp. Chúng xuất thân từ những gia đình nghèo khổ vô danh. Vẫn cái lũ chó không đáng liếm giày cho tao trước khi bọn Shorawi đến, lúc này lại đang gí súng ra lệnh cho tao, cờ Parchami trên ve áo chúng, bày tỏ phần nào lòng tin của chúng vào sự sụp đố của giai cấp tư sản và chúng hành động như thể chúng mới là những kẻ có giai cấp. Khắp nơi đều xảy ra chuyện bắt giữ nhà giàu, tống họ vào nhà lao, nêu gương cho các đồng chí.

Chúng tao bị nhét bừa thành từng nhóm sáu người một vào một xà lim, mỗi cái chỉ bằng cỡ cái tủ lạnh. Đêm nào thằng chỉ huy, cái giống nửa Hazara, nửa Uzbek người ngợm sực mùi lừa thối, cũng lôi một tù nhân ra khỏi xà lim mà đánh cho đến khi mồ hôi ròng ròng xuống cái mặt mẹt của nó mới thôi. Rồi nó thường châm một điếu thuốc lá, bẻ khục tay và bỏ đi. Đêm hôm sau, nó lại chọn một người khác. Một đêm, nó chọn tao. Không gì có thể tệ hại hơn là chọn tao vào lúc ấy. Tao bị đái ra máu đã ba hôm liền. Sỏi thận. Và nếu mày chưa một lần bị, hãy tin tao khi tao nói đau không thể tưởng tượng nổi. Mẹ tao cũng thường bị thế, và tao nhớ bà một lần đã bảo tao rằng, thà đau đẻ còn hơn là đau sỏi thận. Dẫu sao tao cũng làm gì được nào? Chúng lôi tao ra ngoài và bắt đầu đá tao. Thằng có đôi ủng cao đến gối với mũi ủng bằng thép mà đêm nào nó cũng đi vào để chơi cái trò đá người nho nhỏ ấy. Và nó đá ủng vào người tao. Tao kêu thét rồi lại kêu thét, nhưng nó vẫn đá tao, và thế rồi, bất chợt, nó đá vào bên thận trái tao và sỏi thận trôi ra. Đúng như thế đấy! Ôi, nhẹ cả người. - Assef cười. - Và tao hét lên Allah-u-akhar, và nó lại đá tao mạnh hơn và tao bật cười. Nó điên lên, đá mạnh hơn và nó càng đá mạnh,tao càng cười khoẻ. Nó ném tao trở lại xà lim, tao vẫn cười. Tao vẫn cười và cười mãi, bởi vì bất chợt tao hiểu rằng đó vốn là thông điệp của Thượng đế. Người ở bên tao. Người muốn tao sống có lý tưởng.

Mày biết không, mấy năm sau, tao chạm trán với thằng chỉ huy đó trên một chiến trường - Thượng đế mới khéo giở trò chứ. Tao vớ được nó trong một chiến hào ngay phía ngoài Meymanah, đang đầm đìa máu với một mảnh đạn ở ngực. Nó vẫn còn đi đôi ủng ấy. Tao hỏi nó liệu nó có còn nhớ tao không. Nó bảo không. Tao bảo nó vẫn cái điều tao vừa bảo với mày ấy, rằng tao không bao giờ quên một bộ mặt. Rồi tao bắn nó bằng một loạt đạn. Từ đó tao đã được trao cho một sứ mạng.

- Sứ mạng gì kiểu đó? - Tôi nghe thấy tôi nói - Ném đá vào những cặp ngoại tình? Vụt roi những người đàn bà đi giày cao gót? Tàn sát người Hazara? Tất cả đều nhân danh Hồi giáo?

Tôi đâu ngờ mình lại bỗng tuôn ra hàng tràng như thế, chẳng kịp kiềm chế nữa. Tôi chỉ mong thu hồi lại những lời nói đó. Nuốt chúng đi. Nhưng chúng đã tuột ra mất rồi. Tôi đã vượt qua ranh giới, và bất kể thế nào, chút hy vọng nhỏ nhoi tôi vẫn mong, sống sót ra khỏi chỗ này đã tiêu tan theo nhưng lời nói đó.

Một cái nhìn ngạc nhiên lướt qua khuôn mặt Assef, rồi lại biến mất ngay.

- Rốt cuộc, tao thấy việc này hoá ra cũng thú, - hắn cười khẩy nói. - Nhưng có những điều loại phản quốc như mày không hiểu đâu.

- Như điều gì?

Lông mày Assef cau lại:

- Như niềm kiêu hãnh về dân tộc mày, những phong tục của mày, ngôn ngữ của mày. Afghanistan giống như một toà nhà đẹp bừa bãi rác rưởi và ai đó phải loại bỏ rác rưởi đi.

- Đó là những gì anh vẫn đang làm ở Mazar, đi từ nhà này sang nhà khác? Vứt bỏ rác rưởi?

- Đúng như thế.

- Ở Phương Tây người ta có một từ chuyên dùng chỉ việc đó đấy - tôi nói. - Họ gọi đó là kỳ thị chủng tộc.

- Họ gọi thế à? - Mặt Assef rạng rỡ lên. - Kỳ thị chủng tộc. Tao lại thích chuyện ấy. Tao thích âm thanh của những chữ đó.

- Tất cả những gì tôi muốn là thằng bé.

- Kỳ thị chủng tộc. - Assef lẩm bẩm, nhấm nháp từng câu từng chữ.

- Tôi muốn thằng bé, - tôi lại nói. Đôi mắt của Sohrab liếc nhanh sang tôi. Đôi mắt ấy là đôi mắt cừu bị chọc tiết. Chúng cũng có cái màu than đen nhánh. Tôi vẫn nhớ vào ngày lễ Eid qorban 8, ông giáo sĩ trong sân sau nhà chúng tôi vẫn thường quệt chất bôi đen lông mày lên mắt con cừu và cho nó một thỏi đường, trước khi cắt họng nó. Tôi nghĩ tôi thấy được sự cầu xin trong đôi mắt của Sohrab.

- Nói cho tao biết tại sao. - Assef nói. Hắn cắn dái tai của Sohrab giữa hai hàm răng hắn. Nhả ra. Những hạt mồ hôi lăn từ lông mày hắn xuống.

- Đó là việc riêng của tôi.

- Mày muốn làm gì với nó? - Hắn nói. Rồi nở một nụ cười bẽn lẽn. - Hoặc cho nó.

- Chuyện đó thật tởm lợm, - tôi nói.

- Mày đã biết thế nào chưa? Mày đã thử chưa?

- Tôi muốn đem nó đến một nơi tốt đẹp hơn.

- Nói cho tao biết tại sao.

- Đó là việc riêng của tôi, - tôi nói. Tôi không biết điều gì đã làm tôi bạo dạn lên đến mức cộc cằn như thế, cũng có thể là bởi tôi nghĩ đằng nào tôi cũng sắp chết.

- Tao lấy làm lạ, - Assef nói. - Tao không hiểu tại sao mày lại đi bao nhiêu đường đất, Amir, đi cả một chặng đường dài như thế vì một thằng Hazara? Tại sao mày lại về đây? Thực ra tại sao mày lại tới đây?

- Tôi có những lý do của tôi, - tôi nói.

- Vậy thì rất tốt, - Assef nói và cười mỉa. Hắn đẩy mạnh vào lưng Sohrab, xô thằng bé vào cái bàn. Hông của Sohrab đập vào bàn, làm lật ngửa cái bàn lên và nho đổ ra ngoài. Nó ngã đè lên nho, trước hết là mặt rồi đến áo sơ mi đều tím đỏ nước nho. Chân bàn, bắt chéo qua vòng chuông đồng, lúc này chĩa lên trần.

- Vậy, mang nó đi, - Assef nói.Tôi giúp Sohrab đứng dậy, phủi đi những miếng nho giập nát bám vào quần nó như những con hà bám vào chân cầu tàu biển.

- Mang nó đi, xéo, - Assef vừa nói vừa chỉ ra cửa.

Tôi cầm lấy tay của Sohrab. Bàn tay nhỏ bé, da khô và chai lì. Những ngón tay của nó ngọ nguậy lồng vào những ngón tay tôi. Tôi lại nhìn thấy Sohrab trong tấm ảnh Polaroid, cung cách hai cánh tay nó ôm lấy chân Hassan, đầu nó tựa vào hông cha nó. Cả hai đều đang mỉm cười.

Tiếng nhạc rung leng keng khi chúng tôi bước qua căn phòng. Chúng tôi đã đến sát cửa.

- Tất nhiên, - Assef nói phía sau chúng tôi. - tao quên không bảo mày, mày không thể mang nó đi miễn phí.

Tôi quay lại:

- Anh muốn gì?

- Mày phải giành được nó.

- Anh muốn gì?

- Chúng ta, mày và tao, còn có một chuyện chưa thanh toán, - Assef nói. - Mày vẫn nhớ chứ, có nhớ không?

Nó không cần phải lo. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được, cái ngày sau khi Daoud Khan lật đổ nhà vua. Cả cuộc đời trưởng thành của tôi, bất cứ khi nào tôi nghe thấy cái tên Daoud Khan, tôi lại như thấy Hassan đang chĩa súng cao su vào mặt Assef, Hassan đang nói rằng mọi người sẽ bắt đầu phải gọi nó là thằng Assef Một-mắt thay cho Assef Ăn-Tai. Tôi vẫn nhớ, tôi đã từng thèm muốn lòng dũng cảm của Hassan như thế nào. Assef phải quay bước và giao hẹn cuối cùng sẽ gặp lại chúng tôi. Nó đã giữ lời hẹn đó với Hassan. Bây giờ đến lượt tôi.

- Được thôi, - tôi nói, cũng chẳng còn biết phải nói thế nào khác nữa. Tôi không đến mức phải cầu xin, thì chỉ còn mỗi cách làm dịu khoảnh khắc này đối với hắn.

Assef gọi hai thằng lính gác quay lại căn phòng và nói với chúng:

- Tao muốn chúng mày hãy nghe kỹ ta nói đây. Một lát nữa tao sẽ đóng cửa lại. Rồi nó và tao sẽ thanh toán một chuyện nhỏ cũ. Bất kể chúng mày nghe thấy gì, cũng không được vào. Có nghe rõ tao nói không? Không được vào!

Bọn gác gật đầu. Hết nhìn Assef lại nhìn tôi:

- Vâng, thưa Agha sahib.

- Khi mọi việc đã xong, chỉ một trong hai chúng tao sẽ bước ra khỏi căn phòng này, - Assef nói. - Nếu là nó, vậy là nó đã giành được tự do của nó, và chúng mày để cho nó đi. Chúng mày hiểu chứ?

Tên lính gác nhiều tuổi hơn rê rê chân:

- Nhưng Agha sahib...

- Nếu là nó, để cho nó đi! - Assef hét lên.

Hai tên kia ngần ngại nhưng lại gật đầu. Chúng quay bước. Một trong hai đứa đến sát Sohrab.

- Cứ để nó ở đấy, - Assef nói. Hắn nhăn nhở. - Để cho nó xem. Những bài học là việc tốt đối với những thắng bé.

Bọn gác rời khỏi đó. Assef đặt chuỗi hạt cầu kinh của hắn xuống. Sờ lên túi ngực chiếc áo vest đen. Những gì hắn moi ra khỏi chiếc túi đó không làm tôi ngạc nhiên chút nào: hai quả đấm bằng thép không gỉ.

Ông ta tóc chải gôm và có bộ ria Clark Gable 9 trên đôi môi dày. Gôm thấm qua chiếc mũ giấy phẫu thuật màu xanh, tạo ra một vết sẫm màu hình châu Phi. Tôi nhớ như thế về ông ta. Nhớ chuỗi dây chuyền vàng có tượng Thánh Allah quanh chiếc cổ ngăm đen của ông ta. Ông ta đang nhìn sát xuống người tôi, nói rất nhanh bằng thứ tiếng gì đó tôi không hiểu, hình như tiếng Urdu. Đôi mắt tôi cứ nhìn theo quả hầu ông ta nhô lên nhô xuống, và tôi muốn hỏi xem, ông ta bao nhiêu tuổi quá chừng, ông ta còn quá trẻ, giống như một diễn viên trong phim lá cải nước ngoài nào đó trên vô tuyến, nhưng tất cả những gì tôi lúng búng nói được là: Tôi nghĩ, tôi đã đánh nhau với hắn một trận tuyệt hay. Tôi nghĩ tôi đánh một trận tuyệt hay với hắn.

Tôi không biết liệu tôi có đánh với Assef một trận thật tuyệt hay hay không. Tôi không nghĩ là tôi đã làm được như thế. Làm sao tôi có thể cơ chứ? Đó là lần đầu tiên tôi đánh nhau với người khác. Ngay cả đến việc thụi ai một quả, cả đời tôi, tôi cũng chẳng bao giờ làm nổi.

Ký ức về trận đánh nhau với Assef thật sinh động lạ thường theo nhiều giai đoạn. Tôi nhớ Assef vặn to nhạc lên trước khi đeo quả đấm thép vào. Tấm thảm để quỳ, tấm thảm Mecca đan hình chữ nhật, tuột một bên khỏi tường quàng lên đầu tôi bụi bay ra làm tôi hắt hơi. Tôi nhớ Assef ép nho lên đầu tôi, hắn gầm gừ nghiến răng, và nhe hết răng ra sáng bóng, đôi mắt vằn máu của hắn long lên. Chiếc khăn tu-ban của hắn trễ xuống để tuột ra những mảng tóc uốn cong màu hung đỏ dài xuống tận vai.

Và kết cục, tất nhiên. Tôi vẫn còn nhìn thấy một cách hoàn toàn rõ ràng. Tôi sẽ mãi mãi nhìn thấy.

Chủ yếu, tôi nhớ việc này: Hai quả đấm thép của hắn loé lên trong ánh trời chiều. Mấy quả đấm đầu tiên cảm thấy nó lạnh biết chừng nào và chúng nhanh chóng nóng lên bằng máu tôi biết mấy. Bị lạng người vào tường, một chiếc đinh nơi một khung tranh có thể từng được treo đâm vào lưng tôi. Sohrab kêu thét lên. Trống vỗ, phong cầm, chiếc dilroba. Bị văng mạnh vào tường. Hai quả đấm thép đấm vỡ xương hàm tôi. Những cái răng chèn vào họng, nuốt chúng, nghĩ về vô số thời gian tôi đã tiêu tốn để đánh răng, chải răng. Bị văng mạnh vào tường. Nằm lăn trên sàn nhà, máu từ môi trên bị rách toác ra vấy lên tấm thảm màu hoa cà, cơn đau lan rất nhanh khắp bụng tôi, và tự hỏi không biết từ khi nào lại có thể thở được. Tiếng xương sườn tôi răng rắc như những cành cây Hassan và tôi thường bẻ để đấu gươm, như chàng Sinbad trong những phim cổ. Sohrab kêu thét. Một bên mặt tôi bị đập mạnh vào góc chiếc tivi đứng, lại một tiếng gãy rắc nữa. Lần này ngay dưới mắt trái tôi. Tiếng nhạc. Sohrab kêu thét.

Những ngón tay túm lấy tóc tôi, kéo ngửa đầu tôi ra sau, ánh thép không gỉ lấp lánh. Chúng xông tới kìa. Lại thêm tiếng gãy rắc nữa, lần này là mũi tôi. Nhịn đau, để ý xem răng tôi không còn thẳng hàng như trước ra sao. Lại bị đá. Sohrab kêu thét.

Tôi không biết đến mức nào tôi bật cười, nhưng tôi đã bật cười. Đau đến bật cười, đau hai hên hàm, xương sườn, cổ họng tôi. Và tôi càng cười khoẻ, hắn càng đá tôi khoẻ, đấm tôi, cào cấu tôi.

- GÌ MÀ CƯỜI KHỎE THẾ? - Assef vẫn gầm lên cùng mỗi quả đấm.

- GÌ MÀ VUI ĐẾN THẾ? - Assef rống lên, lại một xương sườn nữa răng rắc. Lần này thấp hơn.

Chuyện vui thế ấy là vì lần đầu tiên kể từ mùa đông năm 1975 tôi cảm thấy thư thái. Tôi cười bởi tôi cảm thấy điều đó, trong một cái xó xỉnh hẻo lánh ở một góc tâm trí tôi, tôi vẫn từng mong mỏi nó. Tôi vẫn nhớ cái ngày trên đồi, tôi đã ném những quả lựu túi bụi vào Hassan và cố khiêu khích cậu. Cậu chỉ đứng đó, không làm gì, nước lựu đỏ thấm đẫm áo sơ mi của cậu như máu. Rồi cậu đã giật một quả lựu từ tay tôi, nghiền nát nó vào trán mình. Bây giờ cậu đã thoả mãn chưa? Cậu rít lên. Có cảm tháy dễ chịu hơn không? Tôi đã không được hạnh phúc, và đã không cảm thấy dễ chịu hơn, không một chút nào. Nhưng bây giờ thì tôi đã hạnh phúc và dễ chịu hơn. Thân thể tôi gãy nát - mãi sau này tôi mới phát hiện ra mình bị thương nặng đến mức nào. - Nhưng tôi cầm thấy đã lành. Cuối cùng lành bệnh. Tôi cười.

Rồi thì kết cục. Chuyện ấy, tôi sẽ mang xuống mồ.Tôi vẫn nằm trên mặt đất, cười mãi, Assef ngồi giạng hai chân trên ngực tôi, mặt hắn, một cái mặt nạ điên rồ, được đóng khung bằng những mớ tóc rối tung của hắn lắc lư sát gần vào mặt tôi. Bàn tay không đeo quả đấm thép của hắn khoá quanh họng tôi. Tay kia, cái tay đeo quả đấm thép giơ thẳng lên trên vai hắn. Hắn giơ nắm đấm cao hơn nữa, định đấm tiếp.Rồi, một giọng nói nhỏ nhẹ:

- Bas. Thôi đi.Cả tôi và hắn cùng nhìn.

- Làm ơn, đừng đánh nữa.Tôi nhớ tới một điều gì đó ông giám đốc trại mồ côi đã nói khi ông ra mở cổng cho tôi và Farid. Tên ông là gì nhỉ Zaman phải không? Nó không rời vật đó, ông ấy đã nói thế. Đi đâu nó cũng giắt vào thắt lưng quần nó.

- Đừng đánh nữa.

Hai vệt mascara hoà lẫn nước mắt lăn xuống đôi má Sohrab làm vấy bẩn cả màu hồng. Môi dưới nó run run. Nước mũi chảy ra. Nó quát lên:

- Bas. Thôi.

Tay nó giơ cao hơn vai, giữ miếng da đựng đạn ở cuối mảnh dây cao su được kéo giãn hết mức ra đằng sau. Có một cái gì đó trong miếng da, một vật gì sáng sáng và màu vàng. Tôi chớp chớp từ trong hốc mắt và nhìn thấy đó là một viên bi đồng từ cái vòng chuông ở đáy bàn. Sohrab chĩa súng cao su vào mặt Assef từ lúc nào.

- Làm ơn, đừng đánh nữa, Agha. - Nó nói, giọng nó khàn khàn và run run. - Không được đánh bác ấy nữa.

Miệng Assef mấp máy không thành lời. Hắn định nói điều gì đó. Rồi dừng lại. Cuối cùng hắn nói:

- Mày nghĩ mày đang làm gì cơ chứ?

- Làm ơn dừng lại, - Sohrab nói, những giọt nước mắt mới ứa ra ngân ngấn trong đôi mắt xanh của nó, hoà lẫn với mascara.

- Bỏ xuống, thằng Hazara, - Assef rít lên. - Bỏ xuống nếu không, những gì tao đang làm với nó sẽ chỉ là vặn tai nếu đem so với những gì tao sẽ làm với mày.

Nước mắt chảy ròng ròng, Sohrab lắc đầu:

- Làm ơn, Agha, dừng lại.

- Bỏ súng cao su xuống.

- Không được đánh bác ấy nữa.

- Bỏ xuống.

- Xin Agha.

- BỎ XUỐNG!

- Bas. Thôi đi.

- BỎ XUỐNG! Assef bỏ họng tôi ra. Lăn xả vào Sohrab.

Súng cao su phựt một cái khi Sohrab thả dây. Thế là Assef kêu thét lên. Nó đặt tay lên chỗ mới chỉ một khoảnh khắc trước thôi mắt trái nó vẫn còn. Máu chảy ra giữa những ngón tay nó. Máu và một chất gì khác nữa, một chất gì trắng và trong như keo. Chất đó được gọi là thuỷ tinh dịch. Tôi hiểu rõ như vậy. Ta đã được đọc về chất ấy ở đâu đó. Thuỷ tinh dịch.

Assef lăn lộn trên tấm thảm. Lăn đi lăn lại. Rú lên, tay úp vào cái hốc đầm đìa máu.

- Đi thôi! - Sohrab nói. Nó cầm lấy tay tôi. Giúp tôi đứng dậy. Từng phân một cái cơ thể bị giập nát của tôi đều như rên lên vì đau đớn. Đằng sau chúng tôi, Assef vẫn rú.

- CÚT! ĐEM NÓ CÚT KHỎI ĐÂY! - Nó hét lên.

Tôi loạng choạng ra mở cửa. Mắt hai tên gác trợn lên khi thấy tôi, và tôi tự hỏi không biết tôi lúc ấy trông như thế nào. Mỗi khi thở bụng tôi lại đau nhói. Một trong hai tên gác nói gì đó bằng tiếng Pashtu, rồi chúng chạy vụt qua chúng tôi vào căn phòng nơi Assef vẫn đang kêu thét "CÚT".

-Bia. Lại đây. - Sohrab nói, vừa kéo tay tôi. - Đi thôi!

Tôi loạng choạng bước xuống hành lang, bàn tay nhỏ bé của Sohrab trong tay tôi. Tôi ngoảnh lại đằng sau nhìn lần cuối cùng. Hai tên lính gác xúm lại trên mình Assef, làm gì đó trên mặt nó. Rồi tôi hiểu: Viên bi đồng nhỏ vẫn găm trong cái hốc mắt trống rỗng.

Toàn bộ thế giới chao đảo, bập bềnh, đu đưa. Tôi tập tễnh bước xuống bậc thềm, dựa người vào Sohrab. Bên trên, Assef vẫn tiếp tục kêu thét, tiếng kêu của con thú bị thương. Chúng tôi cứ thế đi ra ngoài nơi có ánh sáng, cánh tay tôi quàng lên vai Sohrab, và tôi nhìn thấy Farid đang chạy lại phía chúng tôi.

- Bismillah! Bismillah! Đức Allah phù hộ! - Anh ta nói, đôi mắt trố lên nhìn vào tôi.

Farid quàng cánh tay tôi quanh vai mình và bế tôi lên. Chạy vội, đem tôi về chiếc xe tải. Tôi nghĩ tôi đã kêu rên. Tôi quan sát đôi dép của Farid chạy rầm rập trên mặt đường lát đá, vỗ vào đôi gót chân đen nhẻm chai sạn của anh. Thở cũng đau. Rồi tôi đã đang nhìn lên nóc chiếc Land Cruiser, trong chiếc ghế sau, đệm nhồi màu be sờn rách, lắng nghe tiếng đinh đinh đinh báo hiệu cửa mở, tiếng chạy rầm rập quanh chiếc xe tải, Farid và Sohrab nói với nhau mấy câu gì đó. Cửa xe đóng sập lại và máy nổ. Chiếc xe lao về phía trước, và tôi cảm thấy một bàn tay nhỏ bé trên trán tôi. Tôi nghe thấy tiếng nói trên đường phố, ai đó đang quát tháo, và những hàng cây mờ mờ lướt qua cửa sổ. Sohrab đang thổn thức. Farid thì vẫn đang nhắc lại:

- Bismillah! Bismillah! Đức Allah phù hộ!

Đại khái tôi đã trải qua như thế.



--------------------------------
1Naswar: Một loại thuốc gây nghiện làm từ lá thuốc, vôi và đất ở Ba Tư. 2Watan: Tuổi trẻ, tuổi thanh xuân. 3Dilroba: Một loại nhạc cụ. 4Bia, bia: Lại đây, lại đây. 5Ngạn ngữ cổ: Turn up like a bad penny: Nghĩa đen: trở mặt như một đồng xu tồi; ý muốn nói: Hiện ra khi không mong muốn, không được hoan nghênh, đặc biệt thường xuyên như thế. 6Tổng bí thư Đảng Cộng sản Afghanistan khi đó, sau chống lại Liên Xô và bị xử bắn. 7Parchami: Thuộc đảng Babrak Karmal lúc đó. 8Eid qorban: Lễ Hiến sinh. 9Clark Gable: Diễn viên nổi tiếng của Mỹ chuyên đóng vai cao bồi, và đóng vai Rhett Burtler trong phim Cuốn theo chiều gió.
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

XXIII



Những khuôn mặt ló qua một lớp sương mù, nấn ná, rồi mờ nhạt đi. Họ chằm chằm nhìn xuống hỏi tôi nhiều câu hỏi. Tôi có biết tôi là ai không? Tôi có đau ở đâu không? Tôi biết tôi là ai và tôi đau ở khắp mọi chỗ. Tôi muốn nói cho họ biết vậy, nhưng nói cũng đau. Tôi biết điều này bởi vì hồi nào đó có thể là một năm, có thế là hai, cũng có thể mười năm rồi, tôi đã cố nói chuyện với một đứa trẻ má hồng, mắt bôi đen. Đứa trẻ. Phải, lúc này tôi thấy nó rồi. Chúng tôi trong một chiếc xe vớ vẩn, đứa trẻ và tôi, và tôi cũng không nghĩ Soraya đang lái xe đi vì Soraya không bao giờ lái nhanh thế này. Tôi muốn nói một điều gì đó với đứa bé, hình như việc tôi nói là rất quan trọng. Nhưng tôi không nhớ, tôi muốn nói gì, hoặc tại sao nó lại quan trọng như thế. Có thể tôi muốn bảo nó đừng khóc nữa, mọi việc bây giờ đều ổn rồi. Cũng có thể không phải. Vì một lý do nào đó tôi không tài nào tưởng nổi, tôi muốn cảm ơn đứa bé.

Những khuôn mặt. Họ đều đội nhưng chiếc mũ xanh. Họ ra ra vào vào để nhìn. Họ nói nhanh, dùng những từ tôi không hiểu. Tôi nghe thấy những giọng nói khác, những tiếng ồn khác, những tiếng còi ô tô và những tiếng còi cấp cứu. Và luôn luôn thêm những khuôn mặt. Chăm chú nhìn xuống. Tôi chẳng nhớ được ai trong bọn họ, trừ cái người tóc chải gôm có bộ ria Clark Gable, cái người có vết hoen hình châu Phi trên mũ. Ngài ngôi sao phim lá cải. Thật tức cười. Lúc này tôi lại muốn cười. Nhưng cười cũng đau.

Tôi lịm đi.

Bà bảo tên bà là Aisha, "giống như vợ nhà tiên tri" ấy. Mớ tóc hoa râm của bà rẽ ngôi giữa và buộc lại đằng sau kiểu đuôi ngựa, mũi bà xâu một chiếc khuyên giống như mặt trời. Bà đeo kính hai tròng khiến mắt bà như trồi ra. Bà cũng mặc đồ xanh và có hai bàn tay mềm mại. Bà thấy tôi nhìn bà và bà mỉm cười. Nói một câu gì đó bằng tiếng Anh. Một cái gì đó đâm mạnh vào cạnh ngực tôi.

Tôi lịm đi.

Một người đàn ông đang đứng bên giường tôi. Tôi biết anh ta. Anh ta ngăm đen và cao gầy, râu cằm dài. Anh đội một chiếc mũ, những chiếc mũ đó gọi là gì nhỉ? Pakol à? Đội lệch sang bên, như một nhân vật nổi tiếng mà tên tuổi đã tuột khỏi tâm trí tôi rồi. Tôi biết người đàn ông này.

Anh ta lái xe chở tôi đi đâu đó vài năm trước. Tôi biết anh ta. Có cái gì đó không ổn nơi miệng tôi. Tôi nghe thấy một tiếng nhỏ to gì đó.

Tôi lịm đi.

Cánh tay phải tôi rát bỏng. Người đàn bà đeo kính hai tròng và chiếc khuyên hình mặt trời đang khom người trên cánh tay tôi, gắn một ống nhựa trong lên đó. Bà ta nói, đó là chất "Potassium." "Nhói một cái như ong đốt thôi, phải không?" Đúng là nhói một cái. Tên bà là gì nhỉ? Cái gì đó có liên quan đến tiên tri. Tôi cũng biết bà từ mấy năm trước. Bà thường buộc tóc kiểu đuôi ngựa. Bây giờ búi ngược lên. Soraya cũng búi tóc như thế lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau. Bao giờ nhỉ? Tuần trước à?

Aisha! Phải rồi.

Có một cái gì đó không ổn nơi miệng tôi. Và cái gì đó đâm mạnh vào ngực tôi.

Tôi lịm đi.

Chúng tôi đang trong dãy núi Sulaiman ở Baluchistan và Baba đang vật nhau với một con gấu đen. Ông là Baba của tuổi thơ tôi, Toophan agha, Ngài Bão tố, với khổ người cao lớn của dòng giống Pashtun chứ không phải người đàn ông khô héo dưới những tấm chăn, người đàn ông má hõm và mắt trũng. Người và thú, họ lăn xả vào nhau trên một đám cỏ xanh rờn, mớ tóc màu hung uốn cong của Baba tung bay. Con gấu gầm lên, hoặc cũng có thể là Baba. Nước dãi và máu bắn ra. Móng vuốt và bàn tay tát, đấm. Cả hai ngã đánh rầm một cái xuống đất và Baba đang ngồi trên ngực con gấu, những ngón tay ông thọc sâu vào lỗ mũi nó. Ông ngước lên nhìn tôi và tôi hiểu. Ông là tôi. Tôi đang vật con gấu.Tôi tỉnh dậy. Người đàn ông cao gầy, ngăm đen đã trở lại bên giường tôi. Tên anh ta là Farid. Giờ thì tôi nhớ rồi. Đến cùng anh là đứa trẻ trong chiếc xe. Bộ mặt nó nhắc tôi nhớ đến âm thanh của những cái chuông. tôi đang khát.

Tôi lịm đi.

Tôi vẫn lịm đi rồi lại tỉnh dậy như thế.

Người đàn ông với bộ ria Clark Gable, hoá ra là bác sĩ Faruqi. Ông chẳng phải ngôi sao phim lá cải nào cả, mà là nhà giải phẫu đầu và cổ, dẫu tôi vẫn nghĩ, ông là cái gã tên Armand nào đó trong một bộ phim ướt át nào đó được dựng trên một hòn đảo nhiệt đới.

Tôi đang ở đâu? Tôi muốn hỏi. Nhưng miệng tôi vẫn không mở được. Tôi nhăn mặt. Gầm gừ. Armand mỉm cười. Hàm răng sáng trắng.

- Chưa được, Amir, - ông nói. - Nhưng sẽ chóng thôi. Khi nào tháo dây thép ra. - Ông nói bằng tiếng Anh, với một giọng Urdu nằng nặng ồm ồm.

Dây thép ư?

Armand khoanh tay, ông có hai cánh tay lông lá và đeo một cái lắc cưới bằng vàng.

- Ông hẳn lấy làm lạ, ông đang ở đâu, chuyện gì đã xảy ra với ông. Như thế là tuyệt đối bình thường, tình trạng hậu phẫu luôn mất phương hướng như thế đấy. Vậy tôi sẽ nói cho ông những gì tôi biết.

Tôi muốn hỏi ông về những dây thép. Hậu phẫu là thế nào? Aisha đâu rồi? Tôi muốn bà ấy mỉm cười với tôi, muốn bàn tay êm dịu của bà ấy trong tay tôi.

Armand cau mày, dựng một bên lông mày lên, làm ra vẻ hơi quan trọng:

- Ông đang trong một bệnh viện ở Peshawar. Ông đã ở đây được hai ngày rồi. Ông đã bị những thương tích rất trầm trọng, Amir, tôi phải nói với ông như vậy. Tôi muốn nói, ông thật may mắn mới sống sót đấy, ông bạn ạ. - Ông xua xua ngón tay trỏ của ông, như quả lắc đồng hồ khi nói vậy. - Lá lách của lưng bị giập - có lẽ thật may mắn cho ông - chỉ là giập chậm, bởi vì ông có những dấu hiệu xuất huyết sớm trong ổ bụng. Các đồng nghiệp của tôi trong nhóm tổng phẫu phải thực hiện việc cắt bỏ khẩn cấp một phần lá lách. Nếu nó bị vỡ sớm hơn, ông hẳn sẽ bị chảy máu dẫn tới tử vong. - Ông vỗ nhẹ lên cánh tay tôi, cánh tay đang I.V. 1 và mỉm cười. - Ông cũng bị gãy bảy chiếc xương sườn. Một chiếc gây tràn khí màng phổi.

Tôi cau mặt. Cố mở miệng. Lại nhớ đến những dây thép.

- Có nghĩa là một ca thủng phối. - Armand giải thích. Ông giật giật cái ống nhựa trong bên sườn trái tôi. Tôi lại cảm ấy vật gì đâm vào ngực. - Chúng tôi niêm kín cái lỗ thủng đó, bằng cái ống ở ngực này.

Tôi nhìn theo cái ống thọc qua những lớp băng trên ngực tôi dẫn tới một cái bình một nửa là các cột nước. Tiếng sủi tăm sùng sục là từ đó.

- Ông cũng bị nhiều vết rách khác nhau nữa. Nghĩa là những vết cắt.Tôi muốn bảo ông ta tôi hiểu từ đó nghĩa là gì. Tôi là một nhà văn. Tôi định mở miệng. Quên mất những dây thép.

- Vết rách tệ hại nhất là ở môi trên của ông. - Armand nói. - Cú va đập mạnh đã xẻ đôi môi trên của ông, vét sạch phần chính giữa. Nhưng không lo, các bác sĩ phẫu thuật tạo hình sẽ khâu chúng lại với nhau và họ tin là ông sẽ có một kết quả tuyệt vời, dẫu ở đó sẽ là một cái sẹo. Cái đó thì không thể tránh khỏi.Có cả một vết gãy ở ổ mắt trên trái, nghĩa là xương hốc mắt, và chúng tôi cũng phải gắn nó lại. Những dây thép ở hai bên hàm ông khoảng sáu tuần nữa sẽ được tháo ra, - Armand nói liếp. - Cho đến lúc đó chỉ ăn chất lỏng, lắc đầu và bắt tay được thôi. Ông sẽ bị sút cân, và sẽ nói như Al Pacino trong tập đầu bộ phim Bố già ấy, trong ít lâu, - ông ta cười. - Nhưng hôm nay ông có một việc phải làm đây. Ông có biết việc gì không?

Tôi lắc đầu.

- Việc của ông hôm nay là phải thông hơi. Ông phải làm việc đó, chúng tôi mới có thể bắt đầu cho ông ăn chất lỏng được. Chưa đánh rắm, chưa được ăn. - Ông ta lại cười.

Lát sau, sau khi Aisha thay dây truyền tĩnh mạch và nâng đầu giường lên như tôi yêu cầu, tôi nghĩ về những gì đã xảy ra với tôi. Giập lách. Gãy răng. Thủng phổi. Vỡ xương hốc mắt. Nhưng trong khi tôi quan sát một con chim câu đang mổ mẩu vụn bánh trên bệ cửa sổ, tôi vẫn nghĩ tới một điều khác mà Armand,bác sĩ Faruqi đã nói: Cú va đập mạnh đã xẻ đôi môi trên của ông. Ông ta đã nói: Vét sạch phần chính giữa. Vét sạch phần chính giữa. Giống như môi chẻ.

Hôm sau Farid và Sohrab đến thăm.

- Hôm nay, ông có biết chúng tôi là ai không? Ông có nhớ ra không? - Farid hỏi, nửa đùa.Tôi gật đầu.

- Al hamdullellah! - Anh tươi cười nói. - Đừng nói vớ vẩn nữa.

- Cảm ơn, Farid. - Tôi nói qua hai hàm bị chằng kín dây thép. Armand nói đúng, tôi nói giống như Al Pacino trong phim Bố già. Và lưỡi tôi làm tôi ngạc nhiên mỗi lần nó thọc vào khe trống của những chiếc răng tôi đã nuốt. - Tôi muốn cảm ơn anh. Về tất cả mọi điều.

Anh xua tay, mặt đỏ lên một chút, và nói:

- Thôi đi. Không đáng cảm ơn đâu.

Tôi quay về phía Sohrab. Nó đang mặc một chiếc áo ngoài mới, một chiếc pirham-tumban màu nâu nhạt có vẻ hơi rộng đối với nó, và đội một mũ chỏm đen. Nó đang nhìn xuống dưới chân, mân mê cái dây truyền tĩnh mạch cuộn lại ở trên giường.

- Chúng ta chưa bao giờ được giới thiệu đầy đủ với nhau, - tôi nói và chìa tay ra cho nó. - Bác là Amir.

Nó nhìn xuống tay tôi rồi mặt tôi và hỏi:

- Bác là Amir Agha mà bố đã kể cho cháu?

- Đúng đấy. - Tôi nhớ rõ từng chữ trong bức thư của Hassan. Tôi đã kể rất nhiều về cậu cho Farzana jan và Sohrab, về chúng ta đã lớn lên cùng nhau, cùng chơi các trò chơi và chạy đuổi trên đường phố. Họ cười trước những chuyện về tất cả những trò tinh quái mà cậu và tôi thường gây ra.

- Bác nợ cháu lời cảm ơn, Sohrab jan. - Tôi nói. - Cháu đã cứu sống bác.

Nó không nói gì. Tôi thõng tay xuống khi nó không nắm tay tôi. Tôi lúng búng:

- Bác thích bộ quần áo mới của cháu.

- Của con trai tôi đấy, - Farid nói. - Chúng lớn không mặc vừa nữa. Rất vừa với Sohrab. - Anh bảo Sohrab có thể ở tạm với anh, cho đến khi nào chúng tôi tìm được chỗ cho nó. - Chúng tôi không có nhiều phòng, nhưng tôi làm thế nào được? Tôi không thể để nó lang thang trên đường phố. Vả lại, các con tôi có vẻ thích nó, phải không, Sohrab? Nhưng thằng bé vẫn chỉ nhìn xuống, quay quay cái dây.

- Tôi vẫn định hỏi ông, - Farid nói, hơi có vẻ ngần ngại. - Chuyện gì đã xảy ra trong ngôi nhà đó? Chuyện gì đã xảy ra giữa ông và nên Talib ấy?

Tôi nói:

- Ta cứ coi như cả tôi và hắn đều đáng phải thế.

Farid gật đầu, không hỏi thêm nữa. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ là ở đâu đó giữa khoảng thời gian chúng tôi rời Peshawar đi Afghanistan đến giờ này, chúng tôi đã trở thành bạn bè.

- Tôi đang định hỏi một điều nữa.

- Điều gì?

Tôi không muốn hỏi. Tôi sợ câu trả lời.

- Rahim Khan, - tôi nói.

- Ông ấy đã đi rồi.

Tim tôi nảy lên:

- Chú ấy đã...

- Không, chỉ... ra đi thôi.

Farid trao cho tôi một mẩu giấy gấp kín và chiếc chìa khoá nhỏ:

- Chủ nhà đưa cho tôi thứ này khi tôi đến tìm ông ấy. Ông ta bảo Rahim Khan đi khỏi ngôi nhà ngay sau hôm chúng ta rời Peshawar.

- Ông ấy đi đâu?

Farid nhún vai:

- Chủ nhà không biết. Ông ấy bảo, Rahim Khan để lại bức thư và chiếc chìa khoá cho ông rồi bỏ di.

Farid xem đồng hồ:

- Tôi nên đi thôi, Sohrab.

- Anh có thể để nó lại đây một lúc được không, - tôi nói. - Lát nữa hãy đón nó. - Tôi quay lại phía Sohrab. - Cháu có muốn ở lại đây với bác một lúc không?

Nó nhún vai không nói gì.

- Tất nhiên rồi. - Farid nói. - Tôi sẽ đến đón nó đúng trước giờ cầu kinh buổi tối.

Có ba bệnh nhân khác trong phòng tôi. Hai người đàn ông nhiều tuổi hơn, mỗi người bị cắt bỏ một chân, người kia cò cử vì hen, và một thiếu niên khoảng mười lăm, mười sáu tuổi mổ ruột thừa. Người bị cắt chân chằm chằm nhìn chúng tôi không chớp, mắt chuyển từ tôi sang thằng bé Hazara đang ngồi trên chiếc ghế đẩu. Người thân những bạn cùng phòng với tôi - những bà già trong shalwar-kameezes 2 sáng màu, bọn trẻ và người đàn ông đội mũ chỏm - ra ra vào vào ầm ĩ cả căn phòng. Họ mang theo mướp đắng pakoras, bánh naan, bánh samosas 3, cơm biryani 4.

Đôi khi người ta cứ thế lang thang vào trong phòng, như cái người đàn ông cao lớn để râu ấy bước vào ngay trước lúc Sohrab và Farid đến. Ông ra quấn một chiếc mền nâu quanh người. Bà Aisha hỏi ông ta điều gì đó bằng tiếng Urdu. Ông ta chẳng thèm chú ý tới bà và đưa mắt nhìn qua căn phòng. Tôi nghĩ ông ta nhìn tôi hơi lâu hơn cần thiết.

Khi bà hộ lý lại hỏi tiếp, ông ta chỉ quay người rồi đi.

- Cháu có khoẻ không? - Tôi hỏi Sohrab. Nó nhún vai, nhìn vào hai bàn tay nó.

- Cháu có đói không? Cái bà kia cho bác một đĩa biryani, nhưng bác không ăn được, - tôi nói. Tôi không biết nói gì khác với nó. - Cháu có muốn ăn không?

Nó lắc đầu.

- Cháu có muốn nói chuyện không?

Nó lại lắc đầu.Chúng tôi ngồi như thế, lặng im trong một lúc, tôi đặt lưng vào hai chiếc gối ở trên giường, còn Sohrab ngồi trên chiếc ghế đẩu ba chân gần giường. Tới một lúc, tôi ngủ mất, và khi tỉnh dậy, ánh nắng đã nhạt đi đôi chút, bóng chiều đã dài ra, và Sohrab vẫn còn đứng ngồi cạnh tôi. Nó vẫn nhìn xuống hai bàn tay nó.

Đêm đó, sau khi Farid đón Sohrab đi rồi, tôi bóc thư của chú Rahim Khan. Tôi đã chần chừ việc đọc thư càng lâu càng tốt. Thư viết:

Amir jan.

Inshallah, cháu đã nhận bức thư này một cách an toàn. Chú cầu nguyện chú đã không đẩy cháu vào con đường hiểm nguy và Afghanistan đã không đến nỗi tàn tệ với cháu. Cháu luôn luôn ở trong những lời cầu nguyện của chú từ hôm cháu rời khỏi đây.

Suốt những năm qua cháu đã đúng khi nghi ngờ chú biết. Chú biết hết. Hassan kể lại vắn tắt cho chú sau khi chuyện xảy ra. Những gì cháu đã làm là sai, Amir jan, nhưng đừng quên, cháu chỉ là một thằng bé khi chuyện đó xảy ra. Một thằng bé gặp rắc rối. Cháu quá khắc nghiệt với bản thân cháu, và cháu vẫn còn như thế - Chú đã nhìn thấy điều đó trong mắt cháu ở Peshawar. Nhưng chú hy vọng, cháu sẽ lưu ý đến điều này: một con người không có lương tâm, không có lòng tốt sẽ không biết đau khổ. Chú hy vọng nỗi đau của cháu sẽ chấm dứt cùng với cuộc hành trình về Afghanistan.

Amir jan, chú lấy làm xấu hổ về những lời dối trá chú đã kể với cháu suốt những năm ấy. Cháu nổi giận ở Peshawar cũng đúng thôi. Cháu có quyền được biết. Hassan cũng vậy. Chú biết, không được miễn tội cho ai về bất cứ chuyện gì, nhưng Kabul cái thời chúng ta sống là một thế giới lạ lùng, một nơi trong đó có những việc bị làm to chuyện hơn là sự thật.

Amir jan, chú biết cha cháu đã nghiêm khắc với cháu thế nào khi cháu lớn lên. Chú thấy cháu đã phải chịu đựng thế nào, và khao khát đến mức nào để có được tình yêu thương của ông ấy, và trái tim chú đã rớm máu vì cháu. Nhưng cha cháu là một người bị giằng xé giữa hai nửa, Amir jan: Cháu và Hassan. Ông ấy yêu cả hai đứa, nhưng ông ấy khôngthể yêu Hassan như ông ấy mong mỏi, công khai và như một người cha. Vì vậy, ông ấy bất đắc dĩ phải đối xử thiếu tình cảm với cháu - Amir, cái nửa hợp pháp về mặt xã hội, cái nửa đại diện cho sự giàu sang ông ấy đã được thừa hưởng và đặc quyền mắc-tội-được-miễn-hình phạt do sự giàu sang đem lại. Khi ông ấy nhìn thấy cháu, ông ấy nhìn thấy chính bản thân ông ấy. Và tội lỗi của ông ấy. Cháu vẫn còn giận và chú nhận ra còn quá sớm để mong cháu chấp nhận việc này, nhưng có thể một ngày nào đó cháu sẽ thấy ông ấy khắc nghiệt với cháu, thì ông ấy cũng khắc nghiệt với chính mình. Cha cháu, cũng giống như cháu, là một linh hồn bị hành hạ, Amir jan ạ.

Chú không sao miêu tả nổi cho cháu chiều sâu và sự u ám của nỗi buồn ập đến với chú khi chú được biết ông ấy qua đời. Chú yêu ông ấy bởi vì ông ấy là bạn chú, nhưng cũng vì ông ấy là một người tốt, có thể còn là một con người vĩ đại nữa. Và đấy là điều chú muốn cháu hiểu, rằng lòng tốt, lòng tốt đích thực ấy, đã được sinh ra từ sự ân hận của bố cháu. Đôi khi, chú nghĩ mọi việc ông ấy làm, nuôi người nghèo lang thang trên đường phố, xây dựng trại mồ côi, cho bạn bè tiền khi túng quẫn, thảy đều là cách để ông ấy tự chuộc lỗi. Và chú tin, Amir jan, chuộc lỗi thành thực chính là như thế, khi tội lỗi dẫn đến lòng tốt.

Chú biết, cuối cùng thì Thượng đế sẽ tha thứ. Người sẽ tha thứ cho cha cháu, cho chú, và cả cháu nữa. Chú mong cháu cũng có thể tha thứ như thế. Tha thứ cho cha cháu nếu cháu có thể. Tha thứ cho chú nếu cháu mong muốn. Nhưng quan trọng nhất, hãy tha thứ cho chính bản thân cháu.Chú đã để lại cho cháu một ít tiền, thật ra là hầu hết những gì chú còn lại. Chú nghĩ cháu có thể phải chi tiêu một ít khi cháu quay lại đây, và số tiền đó có thể đủ để trang trải. Có một ngân hàng ở Peshawar, Farid biết địa chỉ. Tiền ở trong hộp tiền gửi có bảo đảm. Chú đã gửi cho cháu chìa khoá.

Còn đối với chú, đã đến lúc chú phải ra đi. Chú còn rất ít thời gian và chú muốn được một mình thời gian đó. Xin đừng tìm chú. Đó là yêu cầu cuối cùng của chú đối với cháu.Chú để lại cháu trong bàn tay Thượng đế.
Bạn của cháu mãi mãi.
Rahim
Tôi đưa ống tay áo bệnh viện lên chùi mắt. Tôi gấp bức thư lại và đặt xuống dưới đệm.

Amir, cái nửa hợp pháp về mặt xã hội, cái nửa đại diện cho sự giàu sang ông ấy đã được thừa hưởng và đặc quyền mắc-tội-được-miễn-hình phạt do sự giàu sang đem lại. Có thể đó là nguyên do tại sao Baba và tôi đã từng đối xử với nhau tốt đẹp đến thế ở Mỹ, tôi cũng chẳng biết nữa. Bán đồ đồng nát lấy vài đồng tiền nhỏ mọn, những nghề tôi tớ của chúng tôi, căn hộ bẩn thỉu của chúng tôi - phiên bản của chiếc lều ở Mỹ, có thể ở Mỹ, khi Baba nhìn vào tôi, ông thấy một chút của Hassan.

Cha cháu, giống như cháu, là một linh hồn bị hành hạ, chú Rahim Khan đã viết thế. Có thể là như thế. Cả hai chúng tôi đều mắc tội và phản bội. Nhưng Baba đã tìm thấy một con đường để trở lại tốt đẹp từ sự ăn năn. Tôi đã làm gì nào, ngoài chối bỏ tội lỗi đối với chính những con người tôi đã từng phản bội và rồi cố quên đi tất cả? Tôi đã làm gì, ngoài mang lấy một chứng mất ngủ?

Tôi đã bao giờ làm gì để sửa sai chưa?

Khi bà điều dưỡng viên - không phải Aisha, mà là một phụ nữ tóc đỏ tôi không nhớ tên - bước vào với một bơm tiêm trong tay, hỏi tôi có cần tiêm một ống moóc phin không, tôi nói có.

Sớm hôm sau, họ tháo ống hút khí ở ngực tôi ra, và Armand cho phép nhân viên của mình để tôi được nhấp nước táo ép. Tôi bảo Aisha cho tôi mượn một chiếc gương khi bà đặt ca nước ép lên chiếc bàn tủ cạnh giường tôi. Bà vừa nâng cặp kính hai tròng của mình lên trên trán vừa kéo rèm cửa mở rộng ra để ánh sáng ban mai tràn vào trong phòng và ngoái lại bảo tôi:

- Hãy nhớ là mấy ngày nữa trông sẽ khá hơn. Con rể tôi bị tai nạn xe máy năm ngoái, bộ mặt đẹp trai của nó bị kéo lê trên đường nhựa và thâm tím như quả cà. Bây giờ lại đẹp trai rồi, trông như ngôi sao màn bạc Lollywood 5 ấy.

Bất kể những lời đảm bảo của bà, nhìn vào trong gương và thấy một vật khăng khăng rằng nó là mặt mình, khiến tôi điếng người đi một chút. Trông giống như ai đó đã luồn một chiếc vòi bơm khí vào dưới da tôi và bơm tháo hết ra. Đôi mắt tôi trồi lên và thâm lại. Tệ hại nhất là cái miệng tôi, một miếng thịt kỳ quái dẩu lên màu tím và đỏ, nhàu nát và đầy những mũi khâu. Tôi thử mỉm cười, và một cơn đau như xé lướt dọc qua đôi môi tôi. Tôi sẽ làm thế trong một thời gian. Có những mũi khâu qua má trái tôi, ngay dưới cằm, trên trán sát dưới chân tóc.

Ông bạn già bị cắt bỏ chân nói gì đó bằng tiếng Urdu. Tôi nhún vai và lắc đầu với ông ta. Ông ta chỉ vào mặt mình, vỗ nhẹ, và toét miệng cười, răng đã móm hết cả. "Tốt lắm", ông nói bằng tiếng Anh. Inshallah.

- Cảm ơn. - tôi thì thào.

Farid và Sohrab đến, đúng lúc tôi cất chiếc gương đi. Sohrab ngồi lên chiếc ghế đẩu, ngả đầu vào thành giường.

- Ông biết đấy, chúng tôi mong đưa ông khỏi đây càng sớm càng tốt, - Farid nói.

- Bác sĩ Faruqi bảo...

- Tôi không nói bệnh viện. Tôi muốn nói Peshawar kia.

- Tại sao?

- Tôi không nghĩ ông sẽ được an toàn ở đây lâu, - Farid nói. - Anh hạ giọng. - Bọn Taliban có bè đảng ở đây. Chúng sẽ bắt đầu lùng kiếm ông.

- Tôi nghĩ chúng có thể đã lùng rồi, - tôi thầm thì, bất chợt nghĩ đến người đàn ông để râu la cà vào căn phòng và đứng ngay đó chăm chú nhìn tôi.

Farid khom người xuống:

- Chừng nào ông có thể đi lại được là tôi sẽ mang ông tới Islamabad. Ở đó cũng không tuyệt đối an toàn đâu, không chỗ nào ở Pakistan tuyệt đối an toàn cả, nhưng còn hơn ở đây. Ít nhất cũng sẽ chấp nhận được một thời gian.

- Farid jan, việc này không được an toàn cho lắm. Có lẽ anh không nên để chúng thấy cùng với tôi. Anh còn có cả một gia đình phải chăm sóc.

Farid phẩy tay:

- Mấy đứa con trai tôi còn nhỏ, nhưng chúng rất khôn ngoan. Chúng biết làm thế nào để chăm sóc các mẹ của chúng và em gái chúng, - anh mỉm cười. - Hơn nữa, tôi không nói tôi làm chuyện ấy miễn phí.

- Tôi cũng chẳng để anh làm thế. - tôi nói. Tôi quên mất tôi không thể mỉm cười và cố thử. Một vệt máu nhỏ rỉ ra dưới cằm tôi. - Tôi có thể xin anh giúp tôi một việc nữa không?

- Vì ông, cả nghìn lần rồi. - Farid nói.

Và bất chợt, tôi bật khóc. Nước mắt trào xuống hai má tôi, làm buốt lớp thịt bị bóc da của hai môi tôi.

- Có chuyện gì vậy - Farid hoảng hốt hỏi.

Tôi lấy tay bưng mặt, giơ tay kia lên. Tôi biết cả phòng đang nhìn tôi. Sau cùng, tôi cảm thấy mệt, chống chếnh:

- Tôi xin lỗi.

Sohrab đang cau mày nhìn tôi.

Khi tôi đã có thể nói tiếp, tôi bảo Farid tôi cần gì:

- Chú Rahim Khan nói họ sống ở Peshawar.

- Ông có thể viết tên họ của họ ra, - Farid nói, mắt thận trọng nhìn tôi, dường như không biết tôi có thể gây chuyện gì tiếp nữa. Tôi nguệch ngoạc tên của họ xuống một mảnh khăn giấy. "John và Betty Cadwell".

Farid gấp mảnh giấy lại bỏ vào túi:

- Tôi sẽ đi tìm họ ngay, - nói xong anh quay lại Sohrab. - Còn cháu, tối nay chú sẽ đến đón cháu. Đừng làm Amir agha quá mệt.

Nhưng Sohrab đã lảng đến bên cửa sổ, nơi có đến nửa tá chim bồ câu nghênh ngang đi tới đi lui trên bệ cửa mổ vào gỗ và những mẩu bánh cũ.

Trong ngăn kéo giữa của chiếc bàn tủ bên giường tôi, tôi tìm thấy một cuốn tạp chí Địa lý Quốc gia cũ, một chiếc bút chì bị cắn đầu, chiếc lược mất răng, và thứ mà tôi đang nhễ nhại mồ hôi cố tìm bằng được: Một cỗ bài. Trước đó tôi đã đếm, và lạ thay, cỗ bài đủ cả. Tôi hỏi Sohrab có muốn chơi không. Tôi không mong nó trả lời, nói gì đến chơi. Từ lúc chúng tôi chạy trốn khỏi Kabul, nó cứ lầm lầm lỳ lỳ. Nhưng từ cửa sổ nó ngoảnh lại và bảo:

- Cháu chỉ biết chơi bài panjpar.

- Thế thì bác lấy làm tiếc cho cháu mất rồi, bởi bác là một đại kiện tướng về bài panipar. Nổi danh thế giới đấy.

Nó đến ngồi vào chiếc ghế đẩu cạnh tôi. Tôi chia cho nó năm quân bài:

- Khi bố cháu và bác ở tuổi cháu, bọn bác thường chơi loại bài này. Nhất là về mùa đông, khi tuyết rơi và không thể ra ngoài. Thường chơi cho đến khi mặt trời lặn.Nó đánh cho tôi một quân và tôi nhặt một quân ở cỗ bài lên. Tôi nhìn trộm nó khi nó tính nước đánh. Nó giống bố đủ đường: từ cách nó xoè bài ra bằng cả hai tay, cách nó hiếng mắt khi đọc lên quân bài đánh ra, cách nó hầu như không nhìn ai trong khi chơi.Chúng tôi lặng lẽ chơi. Tôi thắng ván đầu, để nó thắng ván sau, và thua thực sự năm ván:

- Cháu chơi giỏi như bố cháu, có thể còn hơn nữa, - tôi nói sau ván thua cuối cùng. - Bác vẫn thường đánh bại bố cháu, nhưng bác nghĩ bố cháu nhường bác thắng. - Tôi ngừng lại một lúc - Bố cháu và bác được bú cùng một bà mẹ.

- Cháu biết.

- Thế... Thế bố cháu đã nói với cháu điều gì về bọn bác?- Nói bác là người bạn tốt nhất mà bố cháu chưa bao giờ có, - nó nói.

Tôi quay quay con Ji rô trong mấy ngón tay, lật sấp lật ngửa quân bài và nói:

- Bác sợ bác không phải là một người bạn tốt đến thế đâu. Nhưng bác muốn là bạn cháu. Bác nghĩ, bác có thể là một người bạn tốt của cháu. Liệu thế có ổn không? Cháu có muốn thế không?

Tôi đặt bàn tay lên cánh tay nó một cách thận trọng, nhưng nó vội rụt lại. Nó ném bài xuống, rời khỏi chiếc ghế, bước trở lại cửa sổ. Bầu trời bồng bềnh những dải mây màu đỏ và tía trong khi mặt trời đang lặn trên Peshawar. Từ dưới đường phố, tiếng còi ô tô nối tiếp nhau và tiếng be be của một con lừa, tiếng còi của một viên cảnh sát. Sohrab đứng trong ánh sáng màu đỏ sẫm, trán tì vào kính cửa sổ, hai nắm tay giấu dưới hai bên nách.

Aisha bảo một trợ lý nam giúp tôi tập đi những bước đầu tiên ngay đêm đó. Tôi chỉ bước quanh phòng được một lần, một tay nắm chặt lấy cái giá truyền tĩnh mạch có bánh xe, tay kia bám vào cánh tay người trợ lý. Mất mươi phút để tôi bước trở lại giường, và ngay lúc đó, vết mổ ở bụng tôi quặn đau dữ dội làm tôi vã hết mồ hôi. Tôi nằm vào giường, thở dốc, tim đập thình thịch trong tai, càng nghĩ tôi nhớ vợ tôi biết mấy.

Sohrab và tôi chơi panjpar gần như suốt ngày hôm sau, lại trong im lặng. Và sau hôm ấy nữa. Chúng tôi hầu như không nói, chỉ chơi panjpar, tôi xê đi dịch lại trên giường, nó, trên chiếc ghế đẩu ba chân. Cái lệ của chúng tôi chỉ bị phá vỡ lúc tôi tập đi quanh phòng, hoặc xuống phòng tắm bên dưới. Khuya đêm đó tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy Assef đang đứng ở lối cửa ra vào phòng bệnh của tôi, viên bi đồng vẫn còn trong hốc mắt. Nó đang nói:

- Chúng ta cùng một giuộc, mày và tao. Mày bú cùng với nó, nhưng mày là anh em sinh đôi của tao.Tôi bảo với Armand sớm hôm sau rằng tôi sẽ rời khỏi đây.

- Chưa ra viện được, - Armand phản đối. Hôm đó ông không mặc quần áo phẫu thuật khử trùng, mà thay một bộ com lê mở khuy, cravát vàng. Tóc chải gôm hất ra sau. - Ông vẫn còn đang phải truyền kháng sinh tĩnh mạch và...

- Tôi phải đi, - tôi nói. - Tôi rất biết ơn mọi việc ông đã làm cho tôi, biết ơn tất cả. Thực sự như thế. Nhưng tôi phải rời khỏi đây.

- Ông sẽ đi đâu? - Armand hỏi.

- Tôi không nói thì hơn.

- Ông hầu như chưa thể bước đi nổi.

- Tôi có thể đi lại từ đầu đến cuối phòng, - tôi nói. - Sẽ ổn thôi.

Kế hoạch như thế này: Rời khỏi bệnh viện. Lấy tiền từ hộp tiền gửi bảo đảm ở ngân hàng, thanh toán viện phí. Đi xe đến trại mồ côi và để Sohrab lại với ông bà John và Betty Cadwell. Rồi đi xe đến Islamabad và thay đổi kế hoạch di chuyển. Cho bản thân thêm vài ngày nữa để bình phục hơn. Bay về nhà.

Dẫu sao đó mới là kế hoạch. Cho tới khi Farid và Sohrab đến sáng hôm đó:

- Các bạn ông, cái ông bà John và Betty Cadwell ấy, họ không có ở Peshawar, - Farid nói.

Tôi đã phải mất mười phút mới chui vào được chiếc áo pirham-tumban của tôi. Ngực tôi, nơi họ đã rạch để lồng ống hút khí vào vẫn đau khi tôi giơ cánh tay lên, và bụng tôi vẫn giần giật mỗi lần tôi cúi xuống. Tôi thở như kéo bễ dẫu chỉ để cố gói ghém một ít đồ đạc của tôi vào cái túi giấy nâu. Nhưng tôi tỏ ra đã sẵn sàng và đang ngồi ở đầu giường khi Farid bước vào đem theo những tin tức ấy.

Sohrab ngồi lên giường cạnh tôi. Tôi hỏi:

- Họ đã đi đâu?

Farid lắc đầu:

- Ông không hiểu...

- Bởi vì Rahim Khan đã nói...

- Tôi đã đến lãnh sự quán Mỹ, - Farid vừa nói vừa nhấc chiếc túi của tôi lên. - Ở Peshawar chẳng có ông bà John và Betty Cadwell nào cả. Theo như những nhân viên lãnh sự quán, họ không hề tồn tại. Dẫu sao cũng không ở Peshawar này.

Ngồi cạnh tôi, Sohrab lật giở nhưng trang sách của tạp chí Địa lý Quốc gia cũ.

Chúng tôi đến lấy tiền ở ngân hàng. Ông giám đốc, một người bụng phệ, mồ hôi lấm chấm dưới cánh tay, vẫn tươi cười và bảo tôi, không ai ở ngân hàng đụng đến tiền. "Tuyệt đối không ai", - Ông ta nói một cách nghiêm trang, xua xua ngón tay trỏ giống như cách nói của Armand.

Cho xe chạy qua Peshawar với món tiền lớn như thế trong cái túi giấy quả là chuyện hơi đáng sợ. Thêm nữa, tôi vẫn ngờ, bất kỳ ai để râumà nhìn chằm chằm vào tôi đều là một tên sát nhân Talib do Assef phái tới. Hai điều khiến nỗi sợ hãi của tôi thêm tồi tệ là: Có quá nhiều người để râu ở Peshawar và ai cũng nhìn chằm chằm.

- Chúng ta có liên quan gì đến hắn nào - Farid nói, vừa dìu tôi từ phòng thanh toán về chỗ chiếc xe. Sohrab ngồi sẵn ở ghế sau của chiếc Land Cruiser, đang nhìn xe cộ đi lại qua cửa xe đã hạ kính xuống, tay chống cằm.

- Nó không thể ở lại Peshawar, - tôi hổn hển nói.

- Không, Amir Agha, nó không thể, - Farid nói. Anh đã đọc được ý nghĩ của tôi. - Tôi xin lỗi, tôi cũng muốn, tôi...- Không sao đâu, Farid, - tôi nói, cố tạo ra một nụ cười mệt mỏi. - Anh phải nuôi nhiều miệng ăn.Lúc này một con chó đang đứng cạnh chiếc xe, nó đứng hai chân sau, quào quào vào cửa xe, đuôi ve vẩy. Sohrab đang âu yếm con chó. Tôi nói:

- Tôi nghĩ giờ thì nó phải đi Islamabad thôi.

Tôi ngủ suốt gần như cả bốn tiếng đồng hồ xe chạy tới Islambad. Tôi mơ rất nhiều, phần lớn chỉ còn nhớ lại như là ít mớ hổ lốn những hình ảnh, những mẩu ký ức rõ mồn một loé lên trong đầu tôi như những thẻ nhớ Rolodex 6: Baba đang nấu món sốt cừu non cho bữa tiệc sinh nhật lần thứ mười ba của tôi. Soraya và tôi đang làm tình lần đầu tiên, mặt trời mọc lên ở đằng Đông, tai chúng tôi vẫn còn vang tiếng nhạc cưới, bàn tay nhuộm lá móng của nàng lồng vào bàn tay tôi. Lần Baba mang Hassan và tôi tới cánh đồng dâu tây ở Jalalabad - người chủ bảo chúng tôi có thể ăn bao nhiêu tuỳ thích, chừng nào chúng tôi mua của ông ít nhất bốn kilô - cuối cùng tất cả chúng tôi đều bị đau bụng ra sao. Những giọt máu của Hassan nhỏ từ đũng quần xuống trên tuyết, trông sẫm lại, màu gần như đen. Máu mủ là thứ quyền uy, bachem ạ. Khala Jamila vỗ nhẹ vào đầu gối Soraya và nói: Thượng đế hiểu hơn cả, có thể Người không định thế đâu. Baba nói trọng tội duy nhất là tội ăn cắp. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền được biết sự thật của một con người. Chú Rahim Khan trên điện thoại bảo tôi, có một con đường để tốt lành trở lại. Một con đường để lại tốt lành trở lại.


--------------------------------
1I.V. Viết tắt từ intraveinous - truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.
2Shalwar - kameezes: Loại quần áo phương Đông do Max Tilke thiết kế dùng cho những dân tộc khác nhau ở Nam Á, năm 1922.
3Samosas: Bánh bột khoai thơm vùng Trung Á, nhân bên trong gồm hành, táo khô, thịt khô, phổ biến ở Ấn Độ, Pakistan và các nước Nam Á.
4Biryani: Món cơm Ấm Độ - cơm nhuộm màu gia vị trộn lẫn thịt, cá, rau.
5Lollywood: Chỉ công nghệ điện ảnh Pakistan, xây dựng ở Lahore - Lollywood là từ kết hợp từ Lahore và Hollywood.
6Rolodex: Một thiết bị hồ sơ quay vòng dùng để lưu giữ sự trao đổi thông tin về kinh doanh. Rolodex là từ ghép của hai từ Rolling (lăn, quay) và Index (mục lục chỉ dẫn)
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XXIV


Nếu như Peshawar là một thành phố khiến tôi nhớ tới những gì đã từng là Kabul trong quá khứ thì Islamabad là một nơi mà một ngày nào đó Kabul có thể trở thành. Đường phố rộng hơn đường phố của Peshawar, sạch hơn, hai bên đều có những hàng cây hibiscus 1 và cây hoa phượng đỏ. Những khu phố chợ được tổ chức quy củ hơn, và không có chuyện chen chúc xe kéo với người đi bộ. Kiến trúc cũng trang nhã hơn, hiện đại hơn, và tôi thấy những công viên đầy hoa hồng, hoa nhài nở dưới bóng các cây to.

Farid tìm thấy một khách sạn nhỏ bên đường phố chạy dọc theo triền đồi Margalla. Chúng tôi đi qua nhà thờ Shah Faisal nổi tiếng trên đường tới đó, nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng nhất thế giới, với những thanh rầm bê tông khổng lồ, và những tháp giáo đường cao vút. Sohrab vui hẳn lên trước cảnh tượng nhà thờ, ngả người ra ngoài cửa xe để nhìn cho tới khi Farid ngoặt xe ở một góc phố.

Phòng khách sạn quả là cả một sự cải thiện vượt trội so với lần Farid và tôi lưu lại ở Kabul. Chăn mền sạch sẽ, thảm trải được hút bụi, và phòng tắm không một vết bẩn. Có cả dầu gội đầu, xà phòng, bàn cạo râu, một bồn tắm và khăn tắm thơm mùi chanh. Và không một vết máu trên tường. Một vật khác nữa là chiếc máy thu hình được đặt trên một tủ thấp, giữa hai giường đơn.

- Nhìn này! - Tôi nói với Sohrab. Tôi lấy tay bật lên, - không có điều khiển từ xa - và đổi số, chọn kênh. Tôi tìm được một màn trình diễn của bọn trẻ với hai con búp bê cừu óng lông tơ đang hát bằng tiếng Urdu. Sohrab ngồi lên một giường, thu hai gối vào ngực. Những hình ảnh ở tivi phản chiếu trong đôi mắt xanh của nó, trong khi nó xem, vẻ mặt bình thản, người đu đưa. Tôi nhớ đến cái lần tôi đã hứa với Hassan, tôi sẽ mua cho gia đình cậu một chiếc tivi màu, khi nào cả hai chúng tôi lớn lên.

- Tôi phải đi thôi, Amir agha, - Farid nói.

- Ở lại đây đêm nay, - tôi nói. - Đi cả một đoạn đường dài rồi. Mai hãy đi.

- Taskakor. Cảm ơn. - Anh nói. - Nhưng tôi muốn trở về nhà đêm nay. Tôi nhớ các con tôi.

Lúc đi ra khỏi phòng, anh dừng lại ở cửa, nói:

- Tạm biệt, Sohrab jan.Anh đợi lời đáp lại, nhưng Sohrab chẳng hề đề ý đến anh. Nó vẫn chỉ đu đưa người, mắt sáng lên bởi ánh bạc của những hình ảnh lung linh trên màn hình.

Ra đến ngoài, tôi trao cho anh một chiếc phong bì. Khi anh xé ra, miệng há hốc.

- Tôi không biết cảm ơn anh thế nào đây, - tôi nói. - Anh làm cho tôi quá nhiều.

- Bao nhiêu ở đây thế? - Farid nói, hơi sửng sốt.

- Hơn hai nghìn đô la một chút.

- Hai nghìn... - Anh thốt lên. Môi dưới của anh hơi rung rung.

Lát sau, khi cho xe lao khỏi hè đường, anh nhấn còi hai lần và vẫy tay. Tôi vẫy lại.

Tôi chẳng bao giờ gặp lại anh nữa.Tôi quay về phòng khách sạn và thấy Sohrab đang nằm co như con tôm ở trên giường, đôi mắt nhắm nghiền, nhưng tôi không thể bảo có phải nó đang ngủ hay không. Nó đã tắt tivi. Tôi ngồi trên giường tôi, nhăn nhó vì đau đớn, lau mồ hôi lạnh ở lông mày. Tôi không biết việc đứng lên ngồi xuống và nằm lăn ra giường còn đau bao lâu nữa. Tôi không biết khi nào có thể ăn được thức ăn đặc. Tôi không biết làm gì với thằng bé bị thương đang nằm trên giường kia, dẫu một phần trong tôi hẳn đã biết rồi.

Có một bình nước đặt trên cái tủ thấp. Tôi rót một cốc và lấy ra hai viên thuốc giảm đau của Armand. Nước ấm và có vị đắng. Tôi kéo rèm, thấy dễ chịu trở lại khi ở trên giường và nằm xuống. Tôi nghĩ ngực tôi sẽ rách to ra. Khi cái đau đã giảm bớt phần nào, và tôi lại có thể thở được, tôi kẻo chăn lên ngực và đợi cho thuốc của Armand phát huy tác dụng.

Khi tôi tỉnh giấc, căn phòng đã tối hơn. Một mảnh trời hé ra giữa hai rèm cửa, ngả sang màu đỏ tía của hoàng hôn đang chuyển về đêm. Khăn trải giương ướt đẫm và đầu tôi như vỡ ra. Tôi đã lại mơ nữa, nhưng tôi không thể nhớ được mơ về cái gì. Tim tôi giật thót khi nhìn sang giường Sohrab và thấy trống không. Tôi gọi tên nó. Âm thanh giọng tôi làm tôi giật mình. Ngồi trong một phòng khách sạn tối tăm, xa nhà hàng nghìn dặm, thân thể đau nhừ, bị mất phương hướng, tôi gọi tên một thằng bé mà tôi mới chỉ gặp được mấy ngày. Tôi lại gọi tên nó nữa, và chẳng nghe thấy gì. Tôi vất vả ra khỏi giường, tìm ở buồng tắm, nhìn vào dãy hành lang hẹp bên ngoài phòng. Nó đi mất rồi.

Tôi khoá cửa lại và tập tễnh đi tới văn phòng giám đốc trong sảnh chờ, một tay bíu chặt tay vịn dọc theo lối đi để khỏi ngã. Có một cây cọ giả bụi bặm ở góc sảnh chờ và những con chim hồng hạc màu hồng trên giấy dán tường. Tôi thấy ông giám đốc đang đọc nhật báo đằng sau quầy sổ sách kế toán bằng formica. Tôi tả Sohrab cho ông và hỏi ông ta có thấy nó không. Ông ta đặt báo xuống và bỏ kính ra. Ông ta có bộ tóc mượt óng và hàng ria nhỏ thẳng băng đốm bạc. Người ông ta thoang thoảng mùi loại trái cây nhiệt đới nào đó mà tôi không thể nhận ra.

- Lũ con trai, chúng thích chạy quanh quẩn, - ông ta vừa nói vừa thở dài. - Tôi có ba thằng. Suốt ngày chúng chạy đâu đó quên cả mẹ chúng. - Ông ta lấy tờ báo phe phẩy mặt và nhìn chằm chằm vào hàm tôi.

- Tôi không nghĩ nó ra ngoài quanh quẩn, - tôi nói. - Chúng tôi có phải người ở đây đâu. Tôi sợ nó có thể bị lạc.

Ông ta lắc đầu bên này qua bên khác:

- Vậy đáng lẽ ông phải để mắt tới thằng bé chứ, thưa ông.

- Tôi biết thế, - tôi nói. - Nhưng tôi ngủ thiếp đi mất, khi tỉnh dậy thì nó đi mất rồi.

- Lũ con trai vẫn hay như thế, ông phải biết chứ.

- Vâng, - tôi nói, mạch tôi đập nhanh. Làm sao ông ta có thể vô tình đến thế trước sự lo lắng của tôi?

Ông ta chuyển tờ báo sang tay kia, quạt tiếp:

- Bây giờ, chúng thích xe đạp lắm.

- Ai cơ?

- Mấy thằng con trai tôi ấy, - ông ta nói. - Chúng bảo: Bố ơi bố, xin bố mua cho chúng con mấy chiếc xe đạp, chúng con sẽ không làm phiền bố nữa. Nào, xin bố. - Ông cười khẩy qua lỗ mũi. - Xe đạp ư. Mẹ chúng sẽ giết tôi. Tôi xin thề với ông như vậy.Tôi tưởng tượng Sohrab đang nằm trong một cái rãnh, hoặc trong một cái thùng xe, bị trói chặt và nhét giẻ vào miệng. Tôi không muốn máu nó trên hai bàn tay tôi. Không muốn cả nó nữa.

- Làm ơn... - Tôi nói, tôi liếc. Đọc tên ông in trên ve áo chiếc sơ mi cộc tay màu xanh da trời. - Ông Fayyaz, ông có thấy nó không?

- Thằng bé à?

Tôi cắn răng chịu đựng:

- Vâng, thằng bé! Thằng bé đến đây cùng tôi. Lạy Đức Allah, ông thấy nó hay không thấy nó?

Ông ta thôi quạt. Mắt ông ta nheo lại:

- Đừng có cáu kỉnh với tôi, ông bạn. Tôi không phải là người để lạc nó.

Đã đến mức không thể dừng dòng máu nóng đang giần giật bốc lên mặt tôi.

- Ông nói đúng. Tôi sai rồi. Lỗi của tôi. Nhưng ông có thấy nó không?

- Xin lỗi. - Ông ta cộc lốc. Lại đeo kính vào. Mở xoạch tờ báo ra. - Tôi chẳng thấy thằng bé nào như thế.

Tôi đứng ở quầy chừng một phút, cố gắng không gào lên. Lúc tôi ra khỏi hành lang, ông ta nói:

- Ông nghĩ, nó có thể lang thang ở đâu không?

- Không, - tôi đáp. Tôi cảm thấy mệt mỏi. Mệt và hoang mang.

- Nó có sở thích gì chăng? - Ông ta nói. Tôi thấy ông ta gấp báo lại. - Lũ con trai tôi chẳng hạn, chúng thường bắt chước mọi thứ theo những phim hành động Mỹ, nhất là cái gã Arnold Schwargenegger...

- Nhà thờ! - Tôi nói. - Nhà thờ lớn. - Tôi nhớ ra cung cách toà nhà thờ đã làm cho Sohrab sững sờ choáng váng đến thế nào khi xe chúng tôi qua đấy, và nó đã ngả người ra ngoài cửa xe để nhìn như thế nào.

- Shah Faisal?

- Vâng. Ông có thể đưa tôi đến đó không?

- Ông không biết đó là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới à? - Ông ta hỏi.

- Không, nhưng...

- Riêng sân thôi đã chứa đủ bốn mươi nghìn người.

- Ông có thể đưa tôi đến đó không?

- Từ đây chỉ một cây số thôi, - ông ta nói. Nhưng ông ta đã lảng ra khỏi quầy.

- Tôi sẽ trả ông tiền xe, - tôi nói.

Ông ta thở dài và lắc đầu:

- Đợi đấy. Ông ta biến vào phòng trong, quay ra đã đeo đôi kính khác, chùm chìa khoá trong tay, và cùng với một phụ nữ thấp, mập mạp, mặc áo sari màu da cam theo sau. Người này ngồi vào chiếc ghế của ông ở sau quầy.

- Tôi không lấy tiền của ông, - ông ta vừa nói vừa bước qua bên tôi. - Tôi sẽ chở ông đi, bởi vì tôi cũng là một người cha như ông.

Tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải lái xe vòng quanh thành phố cho đến tận đêm. Tôi nghĩ đến chuyện phải gọi cảnh sát, miêu tả Sohrab cho họ dưới cái nhìn trách móc qua mắt kính của ông Fayyaz. Tôi nghe thấy cả giọng nói của viên sĩ quan, mệt mỏi, chẳng chút quan tâm, hỏi những câu hỏi bắt buộc. Và nấp dưới những câu hỏi chính thức là câu không chính thức: Ai quen đến một thằng bé Afghan đã chết làm cái chết tiệt gì?

Nhưng chúng tôi đã tìm thấy nó, cách nhà thờ khoảng gần trăm mét, đang ngồi trong một bãi đỗ xe rộng, trống một nửa, trên một bãi cỏ tách biệt. Fayyaz lái xe đến bãi cỏ và để tôi ra khỏi xe. Ông nói:

- Tôi phải về thôi.

- Thế là tốt lắm rồi. Chúng tôi sẽ đi bộ về, - tôi nói. - Cảm ơn ông, ông Fayyaz. Thành thật cảm ơn ông.

Ông ngả người qua chiếc ghế, trước khi tôi ra khỏi xe.

- Tôi có thể nói một điều với ông không?

- Nhất định rồi.Trong bóng tối của buổi hoàng hôn, trông mặt ông chỉ còn lại đúng cặp kính phản chiếu ánh sáng mờ nhạt.

- Một điều về những người Afghan các ông là... ờ, dân các ông hơi liều đấy.

Tôi mệt và đau. Hàm tôi giật giật. Và những vết thương chết tiệt trên ngực và bụng khiến tôi cảm thấy như có những dây thép gai ở dưới da. Nhưng dẫu sao tôi cũng bắt đầu cười.

- Tôi... Tôi đã nói gì nào... - Ông Fayyaz vẫn nói, nhưng tôi cười khùng khục xen vào, những tiếng cười tràn ra từ cái miệng tôi bị khâu lại.

- Lũ điên, - ông nói. Lốp xe rít lên khi ông phóng xe đi, đèn đuôi xe nhấp nháy đỏ trong ánh sáng mờ tối.

- Cháu làm bác sợ quá. - Tôi nói. - Tôi ngồi bên cạnh nó, nhăn mặt lại vì đau lúc cúi xuống.

Nó đang nhìn vào nhà thờ. Nhà thờ Hồi giáo Shah Faisal lúc này hình thù giống như một chiếc lều bạt khổng lồ. Xe hơi đến và đi, những người đi lễ mặc đồ trắng ùn ùn kéo vào đổ ra. Chúng tôi ngồi lặng lẽ, tôi dựa vào một thân cây. Sohrab cạnh tôi, ôm gối. Chúng tôi lắng nghe tiếng nguyện cầu, ngắm nhìn hàng trăm ngọn đèn các toà nhà chung cư bật lên, trong ánh sáng tà dương đang tắt. Nhà thờ lấp lánh như một viên kim cương trong bóng tối, làm bầu trời sáng lên, và cả khuôn mặt Sohrab nữa.

- Bác đã bao giờ đến Mazar-i-Sharif chưa? - Sohrab hỏi, cằm tựa trên đầu gối.

- Đã lâu lắm rồi. Bác không nhớ lắm nữa.

- Bố mang cháu đến đấy khi cháu còn bé. Mẹ và Sasa cũng đi cùng. Bố mua cho cháu một con khỉ ở phố chợ. Không phải con khỉ thật, mà là loại có thể thổi phồng lên. Khỉ màu nâu và có nơ cổ.

- Bác hình như cũng đã có một con như thế, khi còn bé.

- Bố mang cháu đến Nhà thờ Xanh, - Sohrab nói. - Cháu nhớ có rất nhiều chim câu ở bên ngoài masjid 2 và chúng không sợ người. Chúng đến sát chỗ chúng cháu. Sasa đưa cho cháu một miếng bánh naan và cháu cho chim ăn. Chẳng mấy chốc, bao nhiêu bồ câu đến gù khắp quanh cháu. Rất là vui.

- Chắc cháu nhớ bố mẹ cháu lắm. - tôi nói. Tôi không biết liệu nó có nhìn thấy bọn Taliban kéo lê bố mẹ nó trên đường phố không. Tôi mong là không.

- Bác có nhớ bố mẹ bác không? - Nó hỏi, cằm vẫn tựa trên đầu gối, mắt ngước nhìn tôi.

- Bác có nhớ bố mẹ không à? Ờ, bác chẳng bao giờ được gặp mẹ bác. Bố bác chết cách đây mấy năm. Nhưng có, bác có nhớ ông. Đôi khi rất nhiều.

- Bác có nhớ, ông trông như thế nào không?Tôi nghĩ đến cái cổ to bè của Baba, đôi mắt đen của ông, bộ tóc nâu rối bù của ông. Đến lúc tôi được ngồi trên đùi ông như ngồi trên hai thân cây. Tôi nói:

- Bác nhớ trông ông như thế nào chứ, nhớ cả mùi của ông thế nào nữa.

- Cháu bắt đầu quên gương mặt của họ rồi, - Sohrab nói. - Như thế có xấu không?

- Không, - tôi nói. - Thời gian làm quên đi. - Tôi nghĩ tới một cái gì đó. Tôi nhìn vào túi trước áo khoác tôi. Tìm tấm ảnh Polaroid của Hassan và Sohrab, và nói:

- Đây.Nó đưa tấm ảnh lên gần sát mặt, xoay cho ánh sáng nhà thờ chiếu lên đó. Nó nhìn tấm ảnh rất lâu. Tôi nghĩ nó sắp khóc nhưng nó không khóc. Nó chỉ giữ trong hai tay, chạm ngón tay cái lên mặt ảnh. Tôi nghĩ đến một câu tôi đã đọc ở đâu đó, cũng có thể tôi nghe ai nói thế: Có rất nhiều trẻ con ở Afghanistan, nhưng hầu như không có tuổi thơ.

Nó chìa tay trả tấm ảnh cho tôi.

- Giữ lấy, - tôi nói. - Của cháu đấy.

- Cảm ơn bác, - nó lại nhìn tấm ảnh và cẩn thận bỏ vào túi áo ngoài. Một chiếc xe ngựa kéo lọc cọc vào bãi đậu xe. Những chuông nhạc nhỏ đung đưa quanh cổ ngựa và kêu loong cong theo mỗi bước đi.

- Gần đây, cháu cứ nghĩ rất nhiều về các nhà thờ, - Sohrab nói.

- Cháu nghĩ ư? Nghĩ gì?

Nó nhún vai:

- Chỉ nghĩ về chúng thôi, - nó ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào tôi lúc này nó đang khóc, nhẹ nhàng, thầm lặng. - Cháu có thể hỏi một điều không, Amir agha?

- Tất nhiên rồi.

- Liệu thượng đế... - nó bắt đầu, nghẹn lại một chút. - Liệu Thượng đế có đày cháu xuống địa ngục vì nhưng gì cháu đã làm với con người ấy không? Tôi quàng lấy nó, nó chuồi ra. Tôi lùi lại:

- Không, tất nhiên là không rồi, - tôi nói. Tôi muốn kéo sát nó vào người tôi, ôm lấy nó, nói cho nó biết cuộc đời đã từng không nhân từ với nó, chứ không phải là ngược lại.

Mặt nó biến sắc và gượng trấn tĩnh lại:

- Bố cháu vẫn thường bảo ngay cả làm đau người xấu cũng là sai trái. Bởi vì họ không biết điều gì tốt hơn, bởi vì người xấu đôi khi cũng trở thành tốt.

- Không luôn luôn thế đâu, Sohrab.

Nó nhìn tôi một cách nghi hoặc.

- Kẻ đã làm tổn thương cháu, bác biết hắn từ nhiều năm nay rồi, - tôi nói. - Bác đoán cháu hình dung ra điều ấy, là từ cuộc nói chuyện giữa bác và hắn. Hắn... hắn đã từng một lần định làm bác bị thương khi bác ở tuổi cháu, nhưng bố cháu đã cứu bác. Bố cháu rất dũng cảm và bố cháu luôn cứu bác khỏi những khó khăn, bảo vệ bác. Vậy nên một hôm con người xấu đó đã đánh bố cháu. Nó đánh bố cháu theo lối rất tệ hại, và bác... bác đã không thể cứu bố cháu như bố cháu đã cứu bác.

- Tại sao người ta cứ muốn làm hại bố cháu? - Sohrab nói bằng một giọng bị nghẹn lại. - Bố có bao giờ ác với ai đâu.

- Cháu nói đúng. Bố cháu là một người tốt. Nhưng đó lại là điều bác đang cố nói cho cháu biết đấy, Sohrab jan. Rằng trên cuộc đời này có những người xấu và đôi khi người xấu vẫn cứ xấu mãi. Đôi khi cháu phải chống lại chúng. Những gì cháu đã làm đối với con người đó là những gì bác lẽ ra đã phải làm từ bao năm rồi. Cháu đã cho hắn điều mà hắn đáng phải chịu, và hắn còn đáng bị hơn thế nữa.

Nó lấy ống tay áo lau mặt. Mũi dãi chảy trên môi nó. Nó lấy hai tay ôm mặt khóc một lúc lâu nữa trước khi nói tiếp:

- Cháu cũng nhớ bố và mẹ, nhớ cả Sasa và ông Rahim Khan nữa. Nhưng đôi lúc cháu cũng lấy làm mừng là họ không... họ không còn ở đây chút nào nữa.

- Tại sao?

- Bởi vì... - nó nói, thổn thức nấc lên, miệng há hốc ra, - bởi vì cháu không muốn họ thấy cháu... cháu bẩn thỉu đến thế, - nó nuốt hơi rồi thở ra thành một tiếng khóc dài, thút thít. - Cháu quá bẩn thỉu và đầy tội lỗi.

- Cháu không bẩn thỉu, Sohrab. - Tôi nói.

- Mấy người đó...

- Cháu không bẩn thỉu chút nào hết.

-... họ đã làm những chuyện... con người xấu xa đó và cả hai thằng kia nữa... chúng đã làm những chuyện... đã làm những chuyện với cháu.

- Cháu không bẩn thỉu, không đầy tội lỗi, - tôi chạm vào cánh tay nó, nhưng nó rút ra. Tôi lại nắm lấy, dịu dàng, và kéo nó vào người tôi:

- Bác không làm tổn thương cháu đâu, - tôi thì thào. - Bác hứa đấy. - Nó chống lại một chút. Thôi dần. Để mặc tôi kéo nó vào người và ngả đầu vào ngực tôi. Tấm thân nhỏ bé co giật trong cánh tay tôi mỗi lần nó nấc lên thổn thức.

Tình máu mủ tồn tại giữa những con người cùng được nuôi dưỡng từ một bầu sữa mẹ. Giờ đây, khi nỗi đau của thằng bé thấm qua cả áo tôi, tôi thấy tình máu mủ cũng đã bén rễ giữa hai chúng tôi. Những gì đã xảy ra với Assef trong căn phòng đó đã gắn bó chúng tôi lại không gì thay đổi được. Tôi vẫn đang tìm lúc thích hợp, thời điểm thích hợp để hỏi một câu đang ong ong trong đầu tôi, làm tôi thao thức suốt đêm. Tôi quyết định giờ phút ấy là lúc này, ngay ở đây, ngay bây giờ, với ánh sáng rực rỡ của ngôi nhà của Thượng đế soi sáng chúng tôi:

- Cháu muốn đến sống ở Mỹ với bác và vợ bác không?

Nó không trả lời. Nó khóc nức nở vào áo tôi, và tôi để nó nức nở.

Suốt một tuần, không ai trong chúng tôi nhắc đến chuyện tôi đã hỏi nó, như thể câu hỏi chưa từng được đặt ra. Thế rồi một hôm, Sohrab và tôi thuê một chiếc ta xi đi tới quan sát điểm Daman-e-Kole - còn được gọi là "mép núi". Xây dựng trên lưng chừng Dãy đồi Margalla, quan sát điểmnày cho ta cái nhìn toàn cảnh Islamabad với những dãy đại lộ sạch sẽ, hai bên là hàng cây và những ngôi nhà màu trắng. Người lái xe bảo chúng tôi lên trên đó chúng tôi có thể trông thấy dinh tổng thống. Ông ta nói: "Nếu trời mới mưa xong và không khí quang đãng, ông có thể nhìn quá cả Rawalpindi." Tôi thấy đôi mắt ông ta ở gương chiếu hậu, hết nhìn Sohrab lại chuyển sang nhìn tôi, đảo qua đảo lại, đảo qua đảo lại. Tôi cũng nhìn thấy mặt của chính tôi nữa. Nó không còn sưng to như trước, nhưng mang một màu vàng sạm từ những mảng bị thâm tím đã nhạt đi.

Chúng tôi ngồi trên một băng ghế dài ở khu picnic, dưới bóng một cây keo. Một ngày ấm áp, mặt trời chót vót cao trên bầu trời xanh màu ngọc bích. Ở những băng ghế cạnh đó, mấy gia đình ăn qua loa món bánh samosas và mướp đắng pakoras. Đâu đó radio đang mở bài hát Hindi tôi nghĩ mình nhớ trong một bộ phim cũ, có thể là Pakeeza. Lũ con trai, nhiều đứa trong bọn chúng trạc tuổi Sohrab, đang săn đuổi những trái bóng đá, khúc khích cười và hét toáng lên. Tôi nghĩ tới trại mồ côi ở Karteh-Seh, nghĩ tới những con chuột cống cuống quýt chạy giữa hai chân tôi ở văn phòng của ông Zaman. Ngực tôi thắt lại vì một cơn giận dữ bất ngờ dâng lên trước cung cách những người đồng bào của tôi đang huỷ diệt đất nước của chính mình.

- Gì vậy ạ? - Sohrab hỏi.

Tôi cố tạo ra một nụ cười và bảo nó không có chuyện gì quan trọng.Chúng tôi trải một trong những chiếc khăn tắm của khách sạn lên bàn ăn picnic và chơi bài panjpar trên đó. Tôi cảm thấy rất dễ chịu ở đó, cùng với con trai người em khác mẹ, chơi bài, hơi ấm mặt trời phả vào gáy tôi. Bài hát kết thúc và một bài hát khác lại bắt đầu, nhưng tôi không biết bài này.

- Nhìn kìa, - Sohrab nói. Nó chỉ lên bầu trời bằng mấy con bài. Tôi ngước lên, thấy một con diều hâu đang lượn vòng trong bầu trời bao la không một gợn mây.

- Bác không biết lại có diều hâu ở Islamabad đấy, - tôi nói.

- Cháu cũng vậy, - nó nói, mắt nó nhìn theo vòng lượn của con chim. - Nơi bác sống có diều hâu không?

- San Francisco ấy à? Bác đoán là có. - Dẫu sao tôi cũng không thể nói tôi đã trông thấy nhiều rồi.

- Ồ...

Tôi đang mong nó sẽ hỏi thêm, nhưng nó lại trỏ tay kia ý hỏi liệu chúng tôi có thể ăn chưa. Tôi mở túi giấy và đưa cho nó bánh sandwich thịt viên. Bữa trưa của tôi còn có thêm một ca chuối trộn cam nữa - Tôi đã thuê chiếc máy xay sinh tố của bà Fayyaz suốt cả tuần. Tôi hút qua ống hút và miệng tôi đầy nước trái cây trộn ngọt ngào. Một ít rớt ra khỏi mép tôi. Sohrab đưa cho tôi chiếc khăn ăn và nhìn tôi chấm chấm khẽ vào môi. Tôi mỉm cười và nó cũng mỉm cười đáp lại.

- Bố cháu và bác là hai anh em, - tôi nói. Lời lẽ cứ tự nhiên buột ra. Tôi đã muốn nói với nó từ cái đêm chúng tôi ngồi bên nhà thờ, nhưng tôi đã không nói. Nhưng nó có quyền được biết, tôi không muốn giấu nó bất cứ điều gì nữa. - Anh em cùng cha khác mẹ, thực đấy. Hai người có cùng một ông bố.

Sohrab ngừng nhai. Đặt chiếc bánh xuống:

- Bố cháu không bao giờ nói ông có một người anh em.

- Bởi vì bố cháu không biết.

- Tại sao bố cháu không biết?

- Không ai nói cho bố cháu biết, - tôi nói. - Cũng không ai nói cho bác biết. Gần đây bác mới phát hiện ra thôi.

Sohrab chớp chớp mắt. Như đang nhìn tôi, và chính là lần đầu tiên nó thực sự nhìn tôi:

- Nhưng tại sao mọi người lại giấu bố cháu và bác chuyện đó?

- Cháu biết đấy, có hôm bác cũng tự hỏi mình câu hỏi đó. Cũng có câu trả lời, nhưng không phải câu trả lời hay ho. Thôi chúng ta hãy cứ nói là họ không bảo cho chúng ta biết, bởi vì bố cháu và bác... không được coi như là anh em.

- Vì bố là người Hazara?

Tôi cương quyết không rời mắt khỏi nó:

- Đúng thế.

- Thế bố bác... - nó hỏi, mắt nhìn miếng bánh của nó. - Bố bác có yêu bác và bố cháu bằng nhau không?

Tôi nghĩ tới một ngày cách đây đã lâu tại hồ Gargha, Baba cho phép mình vỗ vào lưng Hassan khi viên đá của Hassan thia lia vượt trội tôi. Tôi hình dung Baba trong phòng bệnh, mặt rạng rỡ khi họ tháo băng ở môi Hassan ra:

- Bác nghĩ ông yêu hai người ngang nhau nhưng khác nhau.

- Ông xấu hố vì bố cháu à?

- Không, - tôi nói. - Bác nghĩ ông tự hổ thẹn vì bản thân.

Nó nhặt bánh lên và lặng lẽ nhấm nháp chiếc bánh.

Chúng tôi rời về lúc chiều muộn, mệt vì nóng, nhưng mệt một cách vui thích. Suốt trên đường về, tôi cảm thấy Sohrab đang quan sát tôi. Tôi bảongười lái xe ghé vào một cửa hàng bán thẻ gọi. Tôi đưa cho ông ta tiền và một chút tiền boa để ông chạy vào mua cho tôi một thẻ gọi.

Đêm đó, chúng tôi nằm trên giường của chúng tôi xem một chương trình trò chuyện trên tivi. Hai giáo sĩ râu dài lốm đốm bạc, chít khăn tu-ban trắng đang nhận các cuộc gọi của tín đồ trên khắp thế giới. Một người gọi từ Phần Lan, một ông tên Ayub hỏi liệu con trai tuổi dưới hai mươi của ông ta có thể bị đày xuống địa ngục vì mặc quần thụng quá trễ khiến đồ lót bên trong hở ra không.

- Một lần cháu đã thấy một bức hình của San Francisco đấy.

- Thật à?

- Có một cây cầu đỏ và một toà nhà mái nhọn.

- Cháu nên thấy các đường phố nữa, - tôi nói.

- Đường phố thế nào? - Lúc này nó nhìn sang tôi. Trên màn hình tivi, hai ông giáo sĩ đang tham khảo ý kiến nhau.

- Chúng rất là dốc, khi cháu lái xe lên dốc tất cả những gì cháu thấy chỉ là mui xe và bầu trời thôi. - tôi nói.

- Nghe có vẻ sợ nhỉ, - nó nói và xoay nghiêng người, quay mặt sang bên tôi, lưng về phía tivi.

- Chỉ ít lần đầu thôi, - tôi nói. - Nhưng rồi cháu sẽ quen đi.

- Ở đấy có tuyết không?

- Không, nhưng chúng ta sẽ gặp rất nhiều sương mù. Cháu biết chiếc cầu đỏ cháu đã nhìn thấy chứ?

- Vâng.

- Đôi khi sương mù dày đặc suốt buổi sáng, tất cả những gì cháu nhìn thấy chỉ là đỉnh của hai ngọn tháp nhô lên.

- Ồ! - Có chút ngạc nhiên và thán phục trong nụ cười của nó.

- Sohrab này?

- Dạ.

- Cháu đã nghĩ chút nào đến điều bác hỏi cháu lúc trước chưa?

Nụ cười của nó tắt ngấm. Nó nằm ngửa ra. Gối đầu lên hai bàn tay. Hai giáo sĩ khẳng định con trai của Ayub rốt cuộc sẽ phải xuống địa ngục vì mặc quần kiểu đó. Họ tuyên bố tội đó có nêu trong Haddith 3.

- Cháu đã nghĩ, - Sohrab nói.

- Và?

- Cháu sợ.

- Bác biết, cũng hơi sợ một tí, - tôi nói, chộp lấy tia hy vọng hé lộ ra đó. - Nhưng cháu sẽ học được tiếng Anh rất nhanh, và cháu sẽ quen dần với...

- Ý cháu không phải như vậy. Điều đó cũng làm cháu sợ, nhưng...

- Nhưng gì nữa?

Nó lại lăn về phía tôi. Co hai đầu gối lên:

- Ngộ nhỡ bác chán cháu thì sao? Ngộ nhỡ vợ bác không thích cháu?

Tôi cố lê ra khỏi giường và vượt qua khoảng cách giữa chúng tôi, đến ngồi bên nó, rồi nói:

- Sohrab, bác sẽ không bao giờ chán cháu. Không bao giờ. Lời hứa đấy. Cháu là cháu của bác, cháu nhớ chứ? Và Sohrab jan, bác gái là một phụ nữ rất nhân từ. Hãy tin bác, bác gái sẽ yêu cháu. Bác cũng hứa như thế nữa.Tôi đánh liều. Cúi xuống và cầm lấy tay nó. Nó rụt lại một chút nhưng để tôi cầm.

- Cháu không muốn đến một trại mồ côi khác, - nó nói.

- Bác sẽ không bao giờ để xảy ra chuyện đó. Bác hứa với cháu thế. - Tôi ôm lấy bàn tay nó trong cả hai tay tôi. - Về nhà với bác.

Nước mắt nó tràn ra đầm đìa chiếc gối. Nó không nói gì một lúc lâu. Rồi tay nó xoắn chặt lấy tay tôi. Và nó gật đầu. Nó gật đầu.

Gọi thử đến lần thứ tư mới nối được máy. Chuông reo ba hồi trước khi nàng nhấc máy lên:

- Hello?

Lúc đó là 7 giờ 30 tối ở Islamabad, khoảng cùng giờ vào buổi sáng ở California. Có nghĩa Soraya đã dậy được một giờ rồi và chuẩn bị đến trường.

- Anh đây, - tôi nói. Tôi đang ngồi trên giường tôi, ngắm Sohrab ngủ.

- Amir! - Nàng hầu như reo lên. - Anh có khoẻ không? Anh đang ở đâu?

- Anh đang ở Pakistan.

- Sao không gọi cho em sớm hơn? Em phát ốm vì tashweesh 4 đấy! Mẹ em ngày nào cũng cầu nguyện cho anh và làm lễ nazr cho anh.

- Anh xin lỗi đã không gọi. Bây giờ anh khoẻ rồi. - Tôi đã nói với nàng tôi sẽ chỉ đi mất một tuần, nhiều nhất là hai. Thế mà tôi đã đi gần một tháng. Tôi mỉm cười. - Và bảo Khala Jamila đừng có giết cừu đấy.

- Anh nói "khoẻ rồi" là ý thế nào? Mà giọng nói của anh làm sao vậy?

- Bây giờ đừng lo đến chuyện đó nữa. Anh khoẻ rồi. Thật đấy, Soraya. Anh có một chuyện phải nói với em, một chuyện đáng lẽ phải nói với em từ lâu rồi, nhưng trước hết anh cần nói với em điều này.

- Điều gì vậy? - Giọng nàng hạ xuống, thận trọng hơn.

- Anh không trở về nhà một mình. Anh sẽ đem theo về một thằng bé. - Tôi ngừng lại. - Anh muốn chúng ta nhận nuôi nó.

- Cái gì?

Tôi xem đồng hồ:

- Anh còn năm mươi bảy phút trên cái thẻ gọi vớ vẩn này và anh có rất nhiều điều phải nói với em. Em ngồi tạm xuống đâu đi.

Tôi nghe thấy tiếng chân ghế kéo vội trên sàn gỗ.

- Nói tiếp đi, - nàng bảo.

Thế là tôi đã làm cái việc mà tôi không làm trong mười lăm năm chung sống. Tôi kể hết cho vợ tôi mọi chuyện. Mọi chuyện. Tôi đã hình dung ra khoảnh khắc này rất nhiều lần, đã sợ đến chết được, nhưng khi tôi nói ra, tôi cảm thấy như nhẹ cả lồng ngực. Tôi mường tượng Soraya cũng đã trải qua điều gì đó rất giống như thế, vào cái đêm khastegari của chúng tôi, khi nàng kể hết cho tôi quá khứ của nàng.

Khi tôi nói xong, nàng khóc.

- Em nghĩ thế nào? - Tôi hỏi.

- Amir, em chẳng biết nghĩ sao nữa. Anh đã kể cho em quá nhiều chuyện, cùng một lúc thế này.

- Anh cũng nhận thấy thế.Tôi nghe thấy tiếng nàng sụt sịt mũi:

- Nhưng em hiểu điều này lắm. Anh phải mang nó về. Em muốn anh làm thế.

- Em có chắc không? - Tôi vừa hỏi vừa nhắm mắt lại, mỉm cười.

- Em có chắc không ư? - Nàng nói. - Amir, nó là gaom 5 của anh, gia đình của anh, vậy nó cũng là gaom của em. Tất nhiên là em chắc rồi. Anh không thể để nó lang thang đường phố, - dừng một lúc. - Trông nó thế nào?

Tôi nhìn sang Sohrab đang ngủ trên giường:

- Nó trông đáng yêu, theo kiểu nghiêm nghị.

- Ai có thể quở trách nó nào? - Nàng nói. - Amir, em muốn gặp nó. Em muốn thật đấy.

- Soraya?

- Vâng.

-Dostet darum. Anh yêu em.

- Em cũng yêu anh. - nàng nói. Tôi như nghe thấy cả tiếng cười trong những lời nói của nàng. - Và anh hãy bảo trọng.

- Anh sẽ thế. Còn một điều nữa. Đừng nói với bố mẹ em thằng bé là ai. Nếu họ cần biết, việc đó phải để anh nói.

- Được rồi.

Chúng tôi gác máy.

Bãi cỏ bên ngoài toà Đại sứ Mỹ ở Islamabad được xén rất gọn ghẽ, điểm những khóm hoa hình tròn bao quanh bằng nhưng hàng rào cây cắt tỉa thẳng hàng. Bản thân toà nhà giống như nhiều toà nhà khác ở Islamabad, mái bằng và màu trắng. Chúng tôi phải qua vài trạm kiểm soát dọc đường để đến đó và ba nhân viên an ninh đảm bảo việc khám xét người tôi sau khi dây thép bó hàm tôi làm phát tín hiệu ở máy dò kim loại. Cuối cùng khi chúng tôi từ cái nóng bên ngoài bước vào trong, không khí của máy điều hoà nhiệt độ ập vào mặt tôi như bị hắt nước đá. Bà thư ký ở sảnh tiếp tân, một phụ nữ tóc hung chừng năm mươi tuổi, khuôn mặt nhỏ nhắn, mỉm cười khi tôi nói cho bà tên tôi. Bà mặc một chiếc áo khoác màu nâu nhạt và một quần âu đen, người phụ nữ đầu tiên tôi trông thấy suốt trong mấy tuần lễ, mặc thứ gì khác chiếc burqa hoặc shalwar-kameez. Bà ngước dò tôi trong danh sách các cuộc hẹn, gõ gõ cái.đầu tẩy bút chì lên bàn. Bà tìm thấy tên tôi và bảo tôi ngồi xuống.

- Ông có muốn uống một cốc nước chanh không?

- Cảm ơn bà, tôi không dùng gì.

- Thế còn con trai ông?

- Tôi xin lỗi?

- Cậu bé xinh trai kia ấy, - bà vừa nói vừa mỉm cười với Sohrab.

- Ồ. Bà tử tế quá, cảm ơn bà.

Tôi và Sohrab ngồi trên một chiếc ghế sofa bọc da đen ngay bên bàn tiếp khách, cạnh một lá cờ Mỹ to. Sohrab cầm một cuốn tạp chí từ chiếc bàn cà phê trên lót kính. Nó lật trang, không thật sự nhìn vào tranh ảnh bên trong.

- Gì đấy ạ? - Sohrab hỏi.

- Hả?

- Bác đang mỉm cười.

- Bác đang nghĩ về cháu, - tôi nói.

Nó mỉm cười bẽn lẽn, nhặt thêm một cuốn tạp chí khác và lật mở khoảng nửa phút.

- Đừng sợ, - tôi vừa nói vừa đụng vào cánh tay nó. - Những người ở đây đều thân thiện cả. Yên tâm. - Lẽ ra tôi có thể dặn dò nó trước mới phải. Tôi vẫn bồn chồn trên ghế, hết cởi lại buộc dây giày. Bà thư ký đặt một cốc to nước chanh đá lên bàn cà phê.

- Cháu uống đi.

Sohrab mỉm cười bẽn lẽn: Cảm ơn bà nhiều lắm, - nó nói bằng tiếng Anh. Nhưng lại nghe như: "Cảm ơn bà niều lám." Đó là câu tiếng Anh duy nhất nó biết, nó bảo tôi thế, và câu "Chúc một ngày tốt lành."

Bà cười:

- Không có gì đâu.

Bà bước trở lại bàn làm việc của mình, gót giày cao gõ lên sàn.

- Chúc một ngày tốt lành. - Sohrab nói.

Raymond Andrews là một người đàn ông thấp bé, hai bàn tay nhỏ, móng tay cắt giũa rất cẩn thận, ngón tay đeo nhẫn cưới. Ông ta bắt tay tôi lấy lệ, có cảm giác như bắt tay một con chim sẻ. Đó lại là những bàn tay nắm số phận chúng tôi.

Tôi nghĩ thế, trong khi Sohrab và tôi tự ngồi xuống trước bàn giấy của ông ta. Một bức tranh quảng cáo phim Những người khốn khổ được đóng đinh trên tường phía sau ông ta, gần bản đồ địa chính nước Mỹ. Một chậu cà chua dãi nắng trên bệ cửa sổ.

- Ông hút thuốc không? - Ông hỏi bằng một giọng nam trung khá trầm, không hợp chút nào với dáng vẻ nhẹ nhõm của ông.

- Không, cảm ơn, - tôi nói, không chút quan tâm đến cách ông ta hầu như không thèm liếc nhìn Sohrab, hoặc cách ông ta nói mà không nhìn tôi.

Ông ta lôi ngăn kéo bàn làm việc ra, và châm một điếu ở bao thuốc vơi một nửa. Ông ta cũng lôi ra một lọ nước thơm ở cùng ngăn kéo ấy. Vừa nhìn mấy cây cà chua vừa chà xát nước thơm vào hai tay, điếu thuốc phập phèo bên mép. Rồi ông ta đóng ngăn kéo, tì hai khuỷu tay lên bàn làm việc và thở phào:

- Nào, - ông ta nói, vừa nheo mắt trước khói thuốc. - Kể cho tôi chuyện của ông đi.

Tôi cảm thấy mình như Giăng van Giăng ngồi trước Giave. Tôi nhắc nhở mình rằng lúc này tôi đang trên đất Mỹ, rằng cái gã này đang đứng về phía mình, rằng hắn được trả lương để giúp những người như tôi.

- Tôi muốn nhận nuôi thằng bé này, mang nó theo về Hợp chủng quốc cùng với tôi. - Tôi nói.

- Nói cho tôi biết chuyện của ông, - ông ta nhắc lại, dùng ngón trỏ dụi tàn thuốc lên chiếc bàn sắp xếp rất ngăn nắp, đoạn búng nó vào sọt rác.Tôi kể cho ông ta hết những gì tôi đã suy nghĩ kỹ trong đầu, từ lúc gác máy với Soraya. Tôi đã vào Afghanistan để mang về đứa con trai của người em cùng cha khác mẹ của tôi. Tôi đã tìm thấy thằng bé trong hoàn cảnh nghèo khổ tồi tàn, còm cõi vì đau ốm trong một trại mồ côi. Tôi đã trả một số tiền cho ông giám đốc trại mồ côi, và lôi được thằng bé ra. Rồi tôi mang nó tới Pakistan.

- Ông là bác nửa huyết thống của thằng bé?

- Vâng.

Ông ta xem đồng hồ. Ngả người ra và xoay chậu cà chua trên bậu cửa sổ.

- Ông biết ai có thể chứng thực điều đó chứ?

- Có, nhưng tôi không biết hiện giờ ông ấy ở đâu.

Ông ta quay lại phía tôi và gật đầu. Tôi cố đọc nét mặt của ông ta mà không đọc nổi. Tôi không biết liệu đã bao giờ ông ta thử chơi bài poke hay chưa. Ông ta nói:

- Tôi cho rằng hai hàm ông bị bó dây thép thế kia không phải là lời trình bày hợp lý cuối cùng của ông.

Sohrab và tôi, chúng tôi gặp rắc rối, và thế là tôi biết rồi. Tôi bảo ông ta tôi bị cướp ở Peshawar.

- Dĩ nhiên, - ông ta nói. Rồi hắng giọng. - Ông là tín đồ Hồi giáo chứ?

- Vâng.

- Ngoan đạo?

- Vâng.

Thực ra, tôi không còn nhớ lần cuối cùng tôi rập trán xuống đất để cầu nguyện là bao giờ nữa. Rồi tôi lại nhớ đến cái ngày mà bác sĩ Amani chẩn đoán bệnh cho Baba. Tôi đã quỳ xuống chiếc thảm cầu nguyện, chỉ nhớ được mấy khổ thơ tôi đã học ở trường.

- Điều đó giúp cho trường hợp của ông một chút, nhưng không nhiều, - ông ta vừa nói vừa gãi gãi trên đám tóc rất mượt của bộ tóc màu hung đỏ.

- Ông định nói sao? - Tôi hỏi. Tôi với lấy bàn tay Sohrab, ngoắc ngón tay tôi vào ngón tay nó. Sohrab băn khoăn hết nhìn tôi lại nhìn Andrews.

- Sẽ là một câu trả lời dài dòng và tôi tin chắc tôi rút cục cũng phải nói ra. Ông có muốn câu trả lời vắn tắt trước không?

- Cứ cho là như thế đi.

Andrews dụi điếu thuốc, hai môi mím lại:

- Bỏ chuyện này đi.

- Tôi xin lỗi?

- Việc xin nhận nuôi thằng bé này. Bỏ đi. Đó là lời khuyên của tôi.

- Đã rõ, - tôi nói. - Giờ, có lẽ ông cho tôi biết tại sao chứ.

- Có nghĩa là ông muốn câu trả lời dài, - ông ta nói, giọng bình thản, không hề phản ứng lại giọng nói cộc lốc của tôi. Ông ta ép hai lòng bàn tay lại như thể đang quỳ trước Đức mẹ đồng trinh. - Ta cứ cho là chuyện ông kể cho tôi là thực đi, dẫu tôi dám chắc với ông tiền lương hưu của tôi, phần lớn chuyện đó là thêu dệt và cắt xén. Ông hãy lưu ý, không phải là tôi nhiều chuyện đâu. Ông đây, nó đây, tất cả vấn đề là ở đó. Ngay cả thế nữa, đơn thỉnh cầu của ông cũng gặp phải những trở ngại quan trọng, không kể cái tối thiểu ấy là thằng bé này không mồ côi.

- Đương nhiên nó là trẻ mồ côi rồi.

- Nhưng lại không, về mặt pháp lý.

- Bố mẹ nó bị xử bắn trên đường phố. Những người hàng xóm đều thấy chuyện đó. - tôi nói, và lấy làm mừng vì chúng tôi nói bằng tiếng Anh.

- Ông có những giấy khai tử không?

- Giấy khai tử? Chúng ta đang nói về Afghanistan. Phần lớn dân ở đó không có giấy khai sinh.

Đôi mắt vô cảm của ông ta không hề chớp:

- Tôi không làm ra luật, thưa ông. Dù bất kể ông giận dữ thế nào, ông vẫn cần chứng minh bố mẹ nó đã qua đời. Thằng bé phải được công nhận là một đứa trẻ mồ côi hợp pháp.

- Nhưng...

- Ông muốn một câu trả lời dài dòng, và tôi đang trả lời cho ông. Vấn đề tới của ông là ông cần sự hợp tác của nơi quê gốc của đứa trẻ. Mà, trong hoàn cảnh khả quan nhất, việc đó cũng rất khó, xin trích lời ông, chúng ta đang nói về Afghanistan. Chúng ta không có sứ quán Mỹ ở Kabul. Việc đó làm cho mọi điều càng cực kỳ phức tạp. Gần như là bất khả.

- Theo như ông nói, tôi nên ném nó trở lại đường phố? - Tôi hỏi.

- Tôi không nói thế.

- Nó đã bị lạm dụng tình dục, - tôi vừa nói vừa nghĩ tới những chuông nhạc đeo xung quanh cổ chân, chất mascara trên mắt nó.

- Tôi rất tiếc khi nghe chuyện đó, - miệng Andrews nói. Nhưng với cung cách ông ta nhìn tôi, như thể chúng tôi đang nói chuyện về thời tiết. - Nhưng cái đó cũng sẽ không buộc Cục Nhập cư cấp visa cho thằng bé được.

- Ông đang nói gì vậy?

- Tôi đang nói, nếu ông muốn giúp đỡ, hãy gửi tiền cho một tổ chức cứu trợ có uy tín. Tình nguyện vào trong một trại tị nạn. Nhưng ở thời điểm này, chúng ta cực lực ngăn công dân Mỹ nhận trẻ con Afghan làm con nuôi.Tôi đứng dậy:

- Thôi nào, Sohrab, - tôi nói bằng tiếng Farsi. Sohrab luồn đến bên tôi, đầu ngả vào hông tôi. Tôi lại nhớ đến tấm ảnh Polaroid chụp nó và Hassan cũng đứng với nhau như thế. - Tôi có thể hỏi ông một điều không, ông Andrews?

- Được.

- Ông có con không?

Lần đầu tiên, ông ta chớp mắt.

- Thế nào, ông có không? Một câu hỏi đơn giản thôi mà.

Ông ta im lặng.

- Tôi nghĩ thế này, - tôi vừa nói vừa nắm lấy tay Sohrab. Người ta phải đặt một người biết thế nào là muốn có một đứa con vào cái ghế của ông mới đúng.Tôi quay lưng, bước ra. Sohrab bám theo tôi.

- Tôi có thể hỏi ông một câu không? - Andrews gọi với.

- Ông hỏi đi.

- Ông đã hứa với đứa trẻ là ông sẽ đem nó theo ông?

- Nếu tôi hứa thì sao?

Ông ta lúc đầu:

- Hứa với trẻ con là một việc nguy hiểm.

Ông ta thở dài và lại mở ngăn kéo bàn làm việc ra:

- Ông định theo đuổi việc này? - Vừa nói ông vừa lục lọi các giấy tờ.

- Tôi định theo đuổi đấy.

Ông rút ra một tấm danh thiếp.

- Vậy, tôi khuyên ông gặp một luật sư giỏi về nhập cư. Ông Omar Faisal làm việc ngay ở Islamabad. Ông có thể nói với ông ấy là tôi gửi ông đến.

Tôi cầm danh thiếp từ tay ông ta, ấp úng:

- Cảm ơn.

- Chúc may mắn, - ông ta nói.

Lúc chúng tôi ra khỏi phòng, tôi ngoái nhìn lại. Andews đang đứng thẳng góc với ánh sáng mặt trời, lơ đãng nhìn qua cửa sổ, hai tay xoay chậu cà chua về phía mặt trời, nâng niu âu yếm.

- Bảo trọng, - bà thư ký nói khi chúng tôi đi qua bàn làm việc của bà.

- Sếp của bà cư xử thật lạ lùng, - tôi nói. Tôi hy vọng bà sẽ trợn mắt lên, có thể gật đầu hưởng ứng: "Tôi biết, mọi người đều nói thế," đại khái như vậy. Thay vì thế, bà hạ giọng: "Khổ thân ông Ray, ông ấy không còn là mình nữa từ khi con gái ông ấy chết." Tôi nhướn mày lên.

- Tự tử, - bà thì thào.
° ° °
Trên taxi trở về khách sạn, Sohrab dựa đầu vào cửa xe, vẫn chăm chú nhìn các toà nhà lướt qua, những hàng cây keo. Hơi thở của nó làm mờ cửa kính, nó lau sạch, rồi lại làm mờ. Tôi đợi nó hỏi tôi về cuộc gặp gỡ, nhưng nó không hỏi.

Bên trong cửa phòng tắm đóng kín, nước đang chảy. Kể từ ngày chúng tôi thuê phòng khách sạn này, Sohrab đêm nào cũng tắm khá lâu trước khi đi ngủ. Ở Kabul, nước máy nóng cũng giống như các ông bố: một món hàng quý hiếm. Bây giờ mỗi đêm Sohrab tắm gần một tiếng, đầm mình trong nước sữa tắm, kỳ cọ. Ngồi ở đầu giường, tôi gọi cho Soraya. Tôi liếc nhìn khe sáng nhỏ dưới phòng tắm. Sohrab, cháu cảm thấy sạch chưa?

Tôi kể lại cho Soraya những gì Raymond Andrews đã nói tôi và hỏi:

- Vậy em nghĩ sao?

- Chúng ta phải nghĩ rằng ông ấy nhầm. - Nàng bảo tôi nàng đã gọi cho vài tổ chức thu xếp việc nhận con nuôi quốc tế. Nàng chưa tìm được nơi nào muốn xem xét việc tiến hành nhận con nuôi Afghan, nhưng nàng vẫn đang tìm.

- Bố mẹ em nghe tin ấy với thái độ thế nào?

- Madar sung sướng cho chúng ta. Anh biết bà nghĩ thế nào về anh mà, Amir, trong con mắt bà anh không thể làm điều gì sai. Pakar... ồ, vẫn luôn luôn như thế, hơi khó hiểu. Ông không nói gì nhiều.

- Còn em? Em hạnh phúc chứ?

Tôi nghe thấy nàng chuyển máy sang tay kia:

- Em nghĩ chúng ta sẽ là tốt cho cháu anh, nhưng biết đâu thằng bé là đem lại hạnh phúc cho chúng ta.

- Anh cũng đang nghĩ như thế.

- Em biết, có vẻ hơi điên, nhưng em thấy mình cứ thắc mắc không biết món quarma nào thằng bé thích, hoặc nó thích học môn gì nhất. Em tưởng tượng sẽ giúp nó những bài làm về nhà... - nàng cười.

Trong phòng tắm, nước ngừng chảy. Tôi nghe thấy Sohrab trong đó, tháo nước ở bồn vì nước đã tràn ra ngoài.

- Em sẽ vui lắm đấy, - tôi nói.

- Ồ suýt em quên! Em đã gọi cho Kaka Sharif.

Tôi nhớ ông đã ngâm một bài thơ viết từ mảnh giấy văn phòng khách sạn, tại lễ nika của chúng tôi. Con trai ông đã nâng cuốn kinh Koran trên đầu chúng tôi khi Soraya và tôi bước lên bục, mỉm cười trước các máy ảnh loé đèn.

- Ông ấy bảo thế nào?

- Ồ, bác ấy đang vận động ủng hộ chúng ta. Bác ấy sẽ gọi cho vài người bạn thân của bác ấy ở Sở Nhập cư.

- Đấy mới thực sự là tin quan trọng, - tôi nói. - Anh nóng lòng cho em gặp Sohrab quá.

- Em cũng nóng ruột mong gặp anh, - nàng nói.

Tôi gác máy, mỉm cười.

Sohrab, mấy phút sau, từ buồng tắm hiện ra. Nó hầu như không nói lấy mươi lời từ khi gặp ông Raymond Andrews và những nỗ lực gợi chuyện của tôi chỉ nhận được một cái gật đầu hoặc một lời đáp có hay không. Nó leo lên giường, kéo chăn đắp đến cằm. Trong vòng vài phút đã ngáy.

Tôi lau tấm gương mờ hơi nước thành một vòng tròn và cạo mặt bằng bàn dao cạo cổ lỗ của khách sạn, loại mở ra và đặt lưỡi vào. Rồi tôi cũng tắm, nằm ở đó cho đến khi nước nóng đã nguội đi và da tôi săn lại. Tôi nằm đó, đầu óc trôi giạt, băn khoăn, tưởng tượng...

Omar Faisal mập mạp, ngăm đen, má lúm đồng tiền, mắt đen tròn, và có nụ cười khuyết răng đáng mến. Bộ tóc mỏng đốm bạc của ông buộc kiểu đuôi ngựa ra phía sau. Ông mặc một bộ đồ nhung kẻ màu nâu, khuỷu tay đệm da và mang theo một chiếc cặp cũ nhồi đầy giấy tờ. Quai cặp bị mất, vì vậy ông phải ôm cặp vào ngực. Ông là người bao giờ cũng bắt đầu bằng việc cười với câu xin lỗi không cần thiết, như: Tôi xin lỗi, tôi sẽ ở đó lúc năm giờ. Cười. Khi tôi gọi cho ông, ông đã một mực không đến gặp chúng tôi. "Tôi xin lỗi, bọn tài xế taxi trong thành phố này như lũ cá mập ấy." Ông nói bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo, không một dấu hiệu thổ ngữ nào. "Đánh hơi thấy mùi nước ngoài, là giã gấp ba tiền cước."

Ông đẩy cửa đi vào, tươi cười và xin lỗi tíu tít, mồ hôi nhễ nhại và thở hổn hển. Ông lấy khăn tay lau mồ hôi trên lông mày và mở cặp, lục lọi lấy ra một kẹp giấy ghi chép, và xin lỗi vì đã bày bừa giấy tờ ra giường. Ngồi khoanh chân trên giường, Sohrab mắt vừa vẫn theo dõi màn hình tivi đã tắt tiếng vừa nhìn ông luật sư phiền toái. Tôi đã dặn nó từ lúc sáng rằng ông Faisal có lẽ sẽ đến đây, và nó đã gật đầu, hầu như chẳng hỏi điều gì mà chỉ tiếp tục xem cảnh bầy thú trò chuyện với nhau.

- Vậy là chúng ta đã gặp nhau. - ông Faisal vừa nói vừa bật mở kẹp giấy tờ pháp lý màu vàng. - Tôi mong lũ trẻ nhà tôi trông nom mẹ chúng khi có công việc. Tôi xin lỗi, có lẽ không phải những điều ông muốn nghe từ một luật sư tương lai, hả? - Ông cười.

- Ồ, ông Raymond Andrews đánh giá cao về ông.

- Ngài Andrews à. Vâng, vâng. Ông bạn đứng đắn. Thực ra ông ấy cũng đã gọi cho tôi và nói với tôi về ông.

- Ông ấy đã làm thế?

- Ồ vâng.

- Vậy ông đã rõ cảnh ngộ của tôi.

Ông Faisal thấm thấm những giọt mồ hôi phía trên môi:

- Tôi đã rõ chuyện ông kể lại cảnh ngộ của ông với ông Andrews. - ông nói.

Hai má ông lúm một nụ cười bẽn lẽn. Ông quay lại phía Sohrab và nói bằng tiếng Farsi. - Đây chắc hẳn là anh bạn trẻ đang gây ra rắc rối.

- Đấy là Sohrab, - tôi nói. - Sohrab, đây là ông Faisal, bác đã nói với cháu.

Sohrab tụt xuống giường và bắt tay ông Omar Faisal, chào khẽ:

- Salaam alaykum.

- Alaykum salaam, Sohrab. - Ông Faisal nói. - Cháu có biết cháu được đặt tên theo một chiến binh vĩ đại không?

Sohrab gật đầu. Lại trèo lên giường và nằm nghiêng xem tivi.

- Tôi không biết ông lại nói tiếng Farsi giỏi thế, - tôi nói bằng tiếng Anh. - Ông lớn lên ở Kabul à?

- Không, tôi sinh ra ở Karachi. Nhưng tôi đã sống ở Kabul nhiều năm, quận Shar-e-Nau gần nhà thờ Haji Yaghoub. Thật ra, tôi lớn lên ở Berkeley. Cha tôi mở một cửa hàng chuyên về âm nhạc ở đó vào những năm cuối thập kỷ sáu mươi. Tự do tình dục, băng buộc đầu, sơ mi nhuộm loang, như ông có thể hình dung ấy. - Ông ngả người về phía trước. - Tôi đã từng ở quận Woodstock.

- Cực kỳ thời thượng, - tôi nói, và ông Faisal cười đến vã mồ hôi ra lần nữa. - Dẫu sao, - tôi tiếp tục, - những gì tôi đã nói với ông Andrews là gần như đầy đủ trừ một hai điều. Có thể là ba điều. Tôi sẽ kể hết với ông, không giấu giếm gì.

Ông liếm ngón tay, mở tới một trang giấy trắng và tháo nắp bút:

- Tôi hoan nghênh việc đó, Amir. Và tại sao chúng ta lại không giữ kín, nói bằng tiếng Anh từ đầu đến cuối nhỉ?

- Rất hay.Tôi nói với ông mọi chuyện đã xảy ra. Kể lại với ông việc gặp chú Rahim Khan, hành trình cam go tới Kabul, trại mồ côi, việc ném đá ở Sân vận động Ghazi.

- Chúa ơi! - Ông thì thào. - Tôi rất tiếc, tôi có những kỷ niệm thật êm đềm về Kabul. Không thể tin được đấy lại là nơi ông đang kể cho tôi.

- Gần đây ông có ở đó hay không?

- � n Chúa, không.

- Tôi có thể nói với ông, đó không phải là Berkeley.

- Ông tiếp tục đi.

Tôi kể nốt cho ông, cuộc gặp Assef, đánh nhau, Sohrab và chiếc súng cao su của nó, cuộc chạy trốn của chúng tôi về Pakistan.

Khi tôi kể xong, ông ghi nguệch ngoạc mấy dòng, thở dài sườn sượt, và nghiêm nghị nhìn tôi:

- Chà, ông còn có một trận chiến gay go trước mắt.

- Trận mà tôi có thể thắng?

Ông đóng nắp bút:

- Dù có liều làm thử như ông Andrews, cũng không có gì là chắc chắn. Không phải bất khả, nhưng hầu như không chắc chắn gì cả. - Cái nhìn vui đùa trong con mắt và nụ cười trìu mến của ông không còn nữa.

- Nhưng vấn đề là những đứa trẻ như Sohrab cần một mái nhà ấm áp hơn tất cả. - Tôi nói. - Những luật lệ và quy tắc này chẳng có ý nghĩa gì với tôi.

- Ông đang thuyết giáo cho ban đồng ca đấ 6, Amir, - ông nói. - Nhưng sự thật là, xét đến những luật nhập cư gần đây, những chính sách của sở nhận con nuôi và bối cảnh chính trị ở Afghanistan, thì mọi chuyện đều chống lại ông.

- Tôi không hiểu, - tôi nói. Tôi muốn đấm vào một cái cái gì đó. - Ý tôi muốn nói, tôi hiểu mà cũng không hiểu điều đó.

Omar gật đầu, cau mày lại:

- Ờ, đại khái như thế này. Với hậu quả của một thảm hoạ, dù là tự nhiên hay do con người gây ra - và Taliban là một thảm hoạ, Amir, hãy tin tôi - vẫn luôn khó để xác định một đứa trẻ là trẻ mồ côi. Trẻ con được đưa vào trại tị nạn, hoặc bố mẹ chúng bỏ rơi chỉ vì không chăm sóc nổi chúng. Luôn luôn xảy ra như vậy. Vì vậy Sở Nhập cư không thể cấp visa, trừ phi đứa trẻ rõ ràng được xác định là một trẻ mồ côi đủ tư cách pháp nhân. Tôi xin lỗi, tôi biết nói thế này có vẻ buồn cười, nhưng ông cần những giấy chứng tử.

- Ông đã từng ở Afghanistan, - tôi nói. - Ông biết điều đó là không thể được.

- Tôi biết, - ông nói. - Nhưng ta hãy giả thiết là đứa trẻ rõ ràng không còn bố mẹ sống sót. Ngay cả như thế, Sở Nhập cư sẽ nghĩ, việc nhận con nuôi thực tế sẽ tốt hơn khi giao đứa trẻ vào tay ai đó ngay trên chính đất nước nó, như vậy việc thừa kế của nó có thể được bảo đảm.

- Thừa kế nào? - Tôi nói. - Bọn Taliban đã phá huỷ tất cả những gì người dân Afghan được thừa kế. Ông biết là chúng đã làm gì với pho tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan rồi đấy.

- Tôi xin lỗi, tôi đang nói với ông Sở Nhập cư sẽ làm như thế nào, Amir. - Omar nói, vừa chạm vào cánh tay tôi. Ông liếc nhìn Sohrab và mỉm cười. Quay lại phía tôi, ông tiếp. - Giờ, vì một đứa trẻ phải được nuôi hợp pháp theo luật lệ và quy chế của đất nước của chính nó. Nhưng với một đất nước đang rối loạn, giả sử một đất nước như Afghanistan, các cơ quan chính phủ đang bộn bề những công việc khẩn cấp, thì soạn thảo những luật lệ về việc nhận con nuôi không phải là vấn đề tối ưu tiên.

Tôi thở dài và dụi mắt. Ngay sau đó, đầu tôi nhức như búa bổ.

- Nhưng ta hãy giả thiết, vì lý do nào đó Afghanistan thống nhất được cái đạo luật ấy. - Omar nói, vừa khoanh hai cánh tay lên cái bụng phệ của ông. - Vẫn chưa thể cho phép việc nhận con nuôi này. Thực tế là, ngay cả những quốc gia Hồi giáo ôn hoà vẫn còn phân vân về việc nhận con nuôi bởi vì trong phần lớn những quốc gia đó, luật Hồi giáo, Shari'a, không thừa nhận con nuôi.

- Ông đang bảo tôi từ bỏ chuyện này? - Tôi vừa hỏi vừa ép tay lên trán.

- Amir, tôi lớn lên ở Hoa Kỳ. Nếu nước Mỹ có dạy tôi điều gì thì đó là trút bỏ, có nghĩa trở lại đúng như ban đầu và đái vào cái bình nước giải khát của tổ chức Girl-Scout 7. Nhưng là luật sư của ông, tôi phải nói hết sự thật với ông, - ông nói tiếp. - Cuối cùng, các sở phụ trách việc nhận con nuôi, theo thông lệ, sẽ gửi nhân viên của mình tới đánh giá hoàn cảnh của đứa trẻ, và không có một sở tương đối khôn ngoan nào lại đi gửi phái viên của mình tới Afghanistan.Tôi nhìn Sohrab đang ngồi trên giường xem tivi, theo dõi chúng tôi. Nó ngồi đúng như kiểu bố nó vẫn quen ngồi, chống cằm trên đầu gối.

- Tôi là bác cùng cha khác mẹ với bố nó, cái đó có nghĩa gì không?

- Cũng được xem xét nếu ông chứng minh được điều đó. Tôi xin lỗi, ông có một thứ giấy tờ nào không, hoặc ai đó có thể xác nhận giúp ông?

- Chẳng có giấy tờ gì cả, - tôi nói bằng một giọng mệt mỏi. - Chẳng ai biết về điều đó. Sohrab cũng chẳng biết, cho đến khi tôi nói với nó, và bản thân tôi, tôi cũng mới phát hiện ra điều đó gần đây thôi. Người khác duy nhất biết chuyện thì đã đi rồi, có thể đã chết.

- Hừm.

- Tôi phải lựa chọn thế nào đây, ông Omar?

- Tôi sẽ nói thẳng. Ông không có nhiều sự lựa chọn đâu.

- Ôi, Chúa ơi, vậy tôi có thể làm gì?

Omar hít vào một hơi dài, gõ gõ chiếc bút vào cằm, chờ đến khi thở ra mới nói:

- Ông vẫn có thể gửi một đơn thỉnh cầu nuôi trẻ mồ côi, hy vọng may ra có thể thành công. Ông cũng có thể nhận con nuôi độc lập, có nghĩa là ông phải ở ngay Pakistan cùng với Sohrab, ngày qua ngày lại, chờ vài năm sau. Ông có thể tìm một nơi tị nạn cho nó. Đó là cả một tiến trình lâu dài và ông sẽ phải chịu sự phiền toái về chính trị. Rồi ông có thể xin cấp một visa nhân đạo. Việc đó lại cần đến sự sáng suốt của ông Tổng Biện lý và cũng chẳng phải là điều dễ dàng. - Ông dừng lại. - Có một sự lựa chọn khác, có lẽ là cách tốt nhất cho ông.

- Cách gì? - Tôi vừa nhoài người về phía trước vừa hỏi.

- Ông có thể trao nó lại cho một trại mồ côi ở đây, rồi gửi đơn thỉnh cầu xin một trẻ mồ côi. Bắt đầu bằng thủ tục I-600 cùng với việc tìm hiểu gia đình ông trong khi nó đã ở một nơi an toàn.

- Những thứ đó là gì?

- Tôi xin lỗi, I-600 là thủ tục của Sở Nhập cư. Việc tìm hiểu gia đình được tiến hành bởi một hãng phụ trách việc nhận con nuôi tuỳ ông chọn. Đó là, ông biết đấy, để xem có chắc chắn ông và bà nhà không bị điên.

- Tôi không muốn làm như thế, - tôi đáp, vừa nhìn lại Sohrab. - Tôi đã hứa với nó, tôi sẽ không gửi nó trở lại một trại mồ côi.

- Như tôi đã nói, đó có lẽ là cách lựa chọn tốt nhất.

Chúng tôi nói thêm với nhau một lúc nữa. Rồi tôi tiễn chân ông ấy ra tận xe, một con Rệp V.W. cổ lỗ. Lúc đó mặt trời đang xế trên Islamabad, một khối đỏ rực như lửa ở phía Tây. Tôi chứng kiến chiếc xe nghiêng hẳn đi, dưới sức nặng của ông trong khi ông loay hoay để luồn vào sau tay lái. Ông kéo kính xuống:

- Ông Amir này.

- Sao ạ?

- Tôi đã định nói ngay trong đó, về những gì ông đang cố làm ấy mà. Tôi cho việc đó là hơi vĩ đại đấy.

Ông vẫy tay, đoạn phóng xe đi. Đứng ngoài khách sạn vẫy lại ông, tôi mong Soraya có thể ở đây với tôi.

Sohrab đã tắt tivi khi tôi trở lại phòng.Tôi ngồi ở đầu giường mình, yêu cầu nó đến ngồi bên tôi. Tôi bảo nó:

- Ông Faisal nghĩ có một cách để bác có thể mang theo cháu tới Mỹ.

- Ông ấy nói thế à? - Sohrab vừa nói vừa mỉm cười một cách mơ hồ lần đầu tiên trong mấy ngày liền. - Khi nào bác cháu mình có thể đi?

- Ồ, đó mới là vấn đề. Có thể phải mất một ít lâu. Nhưng ông ấy nói có thể sẽ xong và ông ấy sẽ giúp chúng ta.Tôi đặt tay trái tôi lên gáy nó. Bên ngoài, tiếng gọi cầu kinh om sòm khắp các đường phố.

- Bao lâu? - Sohrab hỏi.

- Bác không biết. Một thời gian.

Sohrab nhún vai và mỉm cười, lần này miệng rộng hơn:

- Cháu chẳng cần. Cháu có thể đợi. Giống như những trái táo chua ấy?

- Táo chua ư?

- Một lần, khi cháu còn rất bé ấy, cháu trèo lên cây ăn những quả táo xanh, chua. Bụng cháu phình lên và cứng như một cái trống, rất đau. Mẹ bảo, nếu cháu chỉ cần đợi cho nó chín, chắc hẳn cháu sẽ không bị đau. Vì thế bây giờ, bất cứ khi nào, dù cháu muốn một thứ gì lắm, cháu cũng cố nhớ tới lời mẹ dặn về những trái táo.

- Táo chua, - tôi nói. - Mashallah, cháu đúng là một đứa trẻ tinh khôn bác chưa bao giờ gặp đấy, Sohrab jan.

Tai nó đỏ ửng lên.

- Bác sẽ đem cháu tới chiếc cầu đỏ chứ? Chiếc cầu trong sương mù ấy? - Nó hỏi.

- Nhất định rồi, - tôi nói. - Nhất định rồi.

- Và chúng ta sẽ lái xe leo lên những đường phố đó, những đường phố mà trên đó bác chỉ thấy nóc xe và bầu trời ấy?- Sẽ đi trên từng con đường một. - tôi nói. Nước mắt tôi cay cay và tôi phải chớp chớp cho đỡ đi.

- Tiếng Anh có khó học không?

- Bác đảm bảo trong vòng một năm cháu sẽ nói thạo như nói tiếng Farsi.

- Thật không?

- Thật, - tôi đặt một ngón tay dưới cằm nó, nâng cầm nó lên, cho mặt nó nhìn vào mặt tôi. - Còn có một việc khác nữa, Sohrab.

- Việc gì ạ?

- À, ông Faisal nghĩ rằng sẽ thực sự giúp được chúng ta, nếu chúng ta sẽ... nếu chúng ta có thể yêu cầu cháu ở tạm trong một ngôi nhà cho trẻ con, trong một khoảng thời gian.

- Nhà cho trẻ con hả? - Nó nói, nụ cười vụt tắt. - Ý bác nói một trại mồ côi?

- Chỉ trong một thời gian ngắn thôi mà.

- Không, - nó nói. - Không, xin bác.

- Sohrab, chỉ trong một thời gian ngắn thôi, bác hứa mà.

- Bác đã hứa bác sẽ không bao giờ cho cháu vào một trong những nơi ấy nữa, Amir Agha. - Nó nói. Giọng nó như vỡ ra, nước mắt tràn đầy mắt nó. Tôi cảm thấy đau nhói trong lòng.

- Việc này khác. Sẽ ở ngay đây. Ở Islamabad, chứ không phải ở Kabul. Và bác sẽ luôn luôn tới thăm cháu, cho tới khi có thể mang cháu ra và đưa cháu sang Mỹ.

- Không, cháu xin bác, không! - Nó kêu toáng lên. - Cháu sợ nơi ấy lắm rồi. Chúng sẽ hại cháu! Cháu không muốn đến đấy.

- Không ai hại cháu nữa đâu. Không bao giờ nữa.

- Có, họ sẽ hại cháu. Họ luôn luôn nói họ sẽ không thế nhưng họ nói dối. Họ nói dối! Thượng đế ơi, xin Người! Tôi lấy ngón tay cái chùi nước mắt nhỏ xuống hai má nó.

- Táo chua, cháu nhớ chứ? Nó chỉ như những trái táo chua thôi mà, - tôi dịu dàng nói. - Không, không phải thế. Không phải chỗ đó. Thượng đế, ôi Thượng đế, xin Người, không! - Nó run lên. Nước mắt và mũi dãi hoà lẫn nhau trên mặt nó.

- Thôi thôi! - Tôi kéo nó sát vào người tôi, vòng hai cánh tay ôm lấy tấm thân nhỏ bé đang run rẩy của nó. - Thôi thôi. Thôi được rồi. Chúng ta sẽ cùng về nhà. Rồi cháu thấy, mọi việc sẽ ổn thôi.

Giọng nó bị nghẹt vì bị ấp chặt vào ngực tôi, nhưng tôi nghe thấy sự hoang mang trong đó:

- Xin bác hứa, bác sẽ không làm thế! Ôi Thượng đế, Amir Agha! Xin bác hứa, bác sẽ không làm thế đi! Tôi có thể hứa thế nào đây? Tôi ôm nó sát vào người tôi, ghì thật chặt, và đu đưa như ru. Nó khóc vào áo sơ mi của tôi cho đến khi khô nước mắt, đến khi cơn run rẩy của nó ngừng lại, và những lời van xin cuống quýt của nó nhỏ dần, thành những tiếng lầm bầm không rõ nói gì nữa. Tôi đợi, ru nó cho đến khi hơi thở nó chậm dần, và người nó chùng lại. Tôi nhớ một câu tôi đã đọc ở đâu đó lâu lắm rồi: Trẻ con luôn đối diện với sợ hãi như thế đấy. Chúng ngủ thiếp đi.

Tôi bế nó về giường của nó, đặt nó xuống. Rồi tôi về giường tôi nằm, nhìn ra ngoài cửa sổ vào bầu trời màu đỏ tía bao trùm Islamabad.

Bầu trời đã tối sẫm khi chuông điện thoại reo khiến tôi choàng tỉnh dậy. Tôi giụi mắt và bật đèn ngủ lên. Hơn mười giờ rưỡi đêm một chút. Tôi đã ngủ được gần ba tiếng đồng hồ. Tôi nhấc máy lên:

- Allô!

- Gọi từ Mỹ đây, - tiếng ông Fayyaz hờ hững.

- Cảm ơn ông, - tôi nói. Đèn buồng tắm vẫn sáng. Sohrab đang tắm đêm. Hai tiếng lách cách, rồi tiếng Soraya:

- Salaam, - nàng chào có vẻ phấn khích.

- Chào em.

- Việc gặp luật sư diễn biến thế nào rồi? Tôi kể lại cho nàng những gì ông Omar Faisal đã đề xuất.

- Thôi, anh có thể quên chuyện đó đi. - Nàng nói. - Chúng ta sẽ không phải làm thế nữa.

Tôi ngồi bật dậy.

- Sao, xảy ra chuyện gì vậy?

- Em được nghe lại từ Kaka Sharif. Ông nói chủ yếu là phải đưa Sohrab sang Mỹ. Một khi nó đã ở đây rồi, sẽ có nhiều cách để giữ nó lại. Vì vậy bác ấy đã gọi cho vài người bạn của bác ấy ở Sở Nhập cư. Tối nay bác ấy gọi lại cho em và bảo bác ấy hầu như chắc chắn có thể lấy cho Sohrab một visa nhân đạo.

- Không đùa đấy chứ? - Tôi nói. - Ôi, tạ ơn Thượng đế. Tốt thay, Sharif jan!

- Em biết mà. Dẫu thế nào, chúng ta cũng sẽ là những người bảo trợ. Việc này chắc sẽ rất nhanh thôi. Bác ấy bảo visa sẽ có hiệu lực khoảng một năm, tha hồ đủ thời gian để tiến hành xin nhận con nuôi.

- Thực sự sẽ diễn ra như thế chứ Soraya?

- Có vẻ là như thế, - nàng nói. Nàng có vẻ sung sướng. Tôi bảo nàng tôi yêu nàng, và nàng nói nàng cũng yêu tôi. Tôi gác máy.

- Sohrab! - Tôi gọi và bật dậy khỏi giường. - Bác có tin vui đây - Tôi gõ cửa buồng tắm. - Sohrab, Soraya jan vừa gọi từ California. Hai bác sẽ không phải đưa cháu vào trại mồ côi nữa, Sohrab. Bác và cháu, chúng ta sẽ sang Mỹ. Có nghe bác nói không? Chúng ta sẽ sang Mỹ! Tôi đẩy cửa mở ra. Bước vào phòng tắm.

Chợt tôi khuỵu gối xuống, kêu thét lên. Nghiến răng lại mà kêu lên. Kêu lên cho tới khi họng tôi muốn vỡ ra và ngực tôi nổ tung.

Sau này, họ nói tôi vẫn còn kêu khi xe cấp cứu tới.


--------------------------------
1Hibiscus: Một loại cây miền nhiệt đới có hoa đỏ, màu sắc rực rỡ. Có từ điển dịch là cây dâm bụt. 2Masjid: Toà nhà thờ. 3Haddith: Những bộ sách được coi là công cụ quan trọng để xác định lối sống theo đạo Hồi, được soạn bởi những trường luật Hồi giáo truyền thống. 4Tashweesh: Lo lắng. 5Gaom: Cháu. 6Tiếng Anh "You are preaching to the choir". Ý nói, nói những điều không cần thiết, vì ban đồng ca luôn luôn được dự những buổi giảng kinh rồi. 7Girl-Scouts: Tổ chức tương tự như tổ chức Hướng đạo sinh (Scouts) huấn luyện thiếu nữ những kỹ năng thực hành và thực hiện nhiều hoạt động cùng những kỹ năng thực hành đó. Ví dụ cắm trại. Ý nói: gỡ bỏ hết, trở lại ban đầu, đừng hối tiếc, băn khoăn gì hết.
 
5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XXV


Họ không muốn để tôi vào.

Tôi thấy họ đẩy nó, qua hai lần cửa và tôi đi theo. Tôi xông qua hai cửa đó, mùi iốt và ôxy già xộc vào mũi tôi, nhưng tôi chỉ đủ thời gian trông thấy hai người đàn ông đội mũ phẫu thuật và một phụ nữ mặc đồ xanh đang hội ý bên chiếc xe đẩy. Tấm khăn trắng buông cả ra ngoài thành xe, quệt xuống sàn lát gạch men hình ô vuông cáu bẩn. Đôi chân bé nhỏ, đầy máu thò ra ngoài dưới tấm khăn và tôi nhìn thấy móng ngón cái bên chân trái bị bong ra. Rồi một người đàn ông cao lớn, chắc nịch mặc đồ xanh lơ áp tay vào ngực tôi, đẩy tôi trở ra bên ngoài qua mấy lần cửa, chiếc nhẫn cưới của ông ta lạnh toát áp lên da tôi. Tôi lao về phía trước và nguyền rủa ông, nhưng ông ta nói tôi không thể ở đây, nói bằng tiếng Anh, giọng lịch sự nhưng kiên quyết:

- Ông phải đợi, - vừa nói ông ta vừa dẫn tôi tới khu vực đợi, và chiếc cửa đôi đu đưa đóng lại phía sau ông ta cùng một tiếng thở dài, và tất cả những gì tôi trông thấy chỉ còn là chóp những chiếc mũ phẫu thuật qua ô kính hẹp hình chữ nhật của lần cửa.

Ông ta bỏ tôi trong một hành lang rộng không có cửa sổ, chật ních những người đang ngồi trên những ghế sắt gấp kẻ dọc tường, những người khác trên tấm thảm trải mỏng, xơ mòn. Tôi lại muốn kêu thét nữa, và tôi nhớ lần cuối cùng, tôi cũng cảm thấy như thế, đi cùng với Baba trong bồn của chiếc xe tải chở xăng dầu, vùi mình trong bóng tối cùng những người chạy nạn khác. Tôi muốn tự mình tách khỏi chốn này, khỏi thực tại này, nổi lên như một đám mây và bồng bềnh trôi đi, tan chảy vào đêm hè ẩm ướt và rã ra đâu đó thật xa, bên kia các quả đồi. Nhưng tôi đang ở đây, đôi chân nặng như chì, hai lá phổi như cạn kiệt dưỡng khí, họng tôi cháy bỏng. Sẽ chẳng trôi đi đâu hết. Sẽ chẳng có thực tại nào khác đêm nay. Tôi nhắm mắt lại và hai lỗ mũi tôi sực mùi hành lang, mồ hôi và mùi amôniắc, mùi cồn sát trùng và mùi món cà ri. Trên trần, những con thiêu thân đang lao mình vào ánh đèn tuýp nhờ xám chạy dọc hành lang và tôi nghe được ca tiếng vỗ những đôi cánh mỏng của chúng. Tôi nghe thấy tiếng chuyện gẫu, tiếng thổn thức nghẹn ngào, tiếng sụt sịt, ai đó đang than khóc, ai khác lại thở dài, những chiếc cửa thang máy mở ra đánh "bình" một cái, phẫu thuật viên gọi to ai đó bằng tiếng Urdu.

Tôi lại mở mắt và tôi biết mình phải làm gì. Tôi nhìn quanh, tim tôi như một búa khoan trong lồng ngực, mạch máu đập thình thịch trong tai. Có một phòng nhỏ làm kho chứa đồ tối om bên trái. Ở đó, tôi tìm được thứ tôi cần. Thế là được rồi. Tôi vơ lấy một chiếc khăn trải giường trắngtừ đống khăn đã gấp và mang ra ngoài hành lang. Tôi thấy một y tá đang trò chuyện với viên cảnh sát gần phòng nghỉ. Tôi nắm lấy khuỷu tay cô y tá đó mà kéo ra, tôi muốn biết phía nào là phía Tây. Cô không hiểu và những nếp nhăn trên mặt cô hằn sâu thêm khi cô cau mày. Họng tôi đau và mắt tôi cay vì mồ hôi, mỗi hơi thở như hít lửa vào, và tôi cho là tôi đang khóc. Tôi lại hỏi. Tôi van xin. Viên cảnh sát là người chỉ cho tôi.

Tôi ném chiếc jai-namaz, thảm quỳ tạm thời của tôi, xuống sàn nhà, quỳ gối, rạp đầu xuống đất, nước mắt tôi đầm đìa tấm khăn. Tôi cúi lạy về phía Tây. Rồi tôi nhớ mười lăm năm nay tôi chưa từng cầu nguyện. Từ lâu tôi đã quên hết câu cú. Nhưng không quan trọng, tôi sẽ thốt ra mấy từ tôi vẫn còn nhớ: La illaha il Allah, Muhammad u rasul ullah. Không có Thượng đế nào ngoài Đức Allah và Muhammad là Sứ giả của Người. Bây giờ, tôi mới thấy Baba nhầm, có một Thượng đế, luôn luôn có một Thượng đế. Tôi thấy Người ở đây, trong những con mắt của mọi người nơi dãy hành lang tuyệt vọng này. Đây là ngôi nhà thực sự của Thượng đế, đây là nơi những ai để lạc mất Thượng đế sẽ tìm thấy Người, không phải toà masjid trắng với những ngọn đèn lấp lánh như kim cương và những tháp gọi cầu kinh cao vời vợi. Có một Thượng đế ở đây, ở đây phải có, và bây giờ tôi sẽ nguyện cầu, tôi sẽ cầu xin Người xá tội cho tôi vì đã lãng quên Người bao nhiêu năm qua, xá tội cho tôi vì đã phản bội, đã dối trá, và đắc tội mà không bị trừng phạt, chỉ quay lại với Người vào giờ khắc cần thiết lúc này của tôi. Tôi cầu xin Người hãy nhân từ, khoan dung và độ lượng như cuốn kinh của Người đã dạy về Người như vậy. Tôi cúi lạy về phía Tây, hôn mặt đất và hứa tôi sẽ cầu kinh sáng zakat, cầu kinh tối namaz. Tôi sẽ ăn chay suốt tuần lễ Ramadan và khi tháng Ramadan qua đi tôi sẽ tiếp tục ăn chay, tôi sẽ ghi khắc trong tâm khảm mình từng lời dạy cuối cùng trong cuốn sách thiêng của Người, và tôi sẽ hành hương tới cái thành phố nóng bức ấy trong sa mạc và cũng sẽ cúi lạy trước Ka'bah 1. Tôi sẽ làm tất cả những việc này và ngày nào tôi cũng sẽ nghĩ tới Người, miễn là Người ban cho tôi chỉ nguyện ước này: Hai bàn tay tôi đã vấy máu của Hassan, tôi xin Người đừng để nó phải vấy máu con trai cậu ấy nữa.

Tôi nghe thấy tiếng thút thít và nhận ra đó là tiếng của mình. Đôi môi tôi mặn chát, nước mắt từ từ tuôn xuống mặt. Tôi cảm thấy mắt mọi người trong hành lang đều nhìn tôi, và tôi vẫn cúi lạy về phía Tây. Tôi cầu nguyện. Tôi cầu xin tội lỗi không đuổi kịp tôi với cung cách mà tôi vẫn luôn sợ rằng nó sẽ đuổi kịp.

Một đêm không sao tối đen bao trùm lên Islamabad. Đã mấy giờ qua, tôi vẫn đang ngồi trên sàn của phòng đợi nhỏ ngoài cái hành lang dẫn tới phòng cấp cứu. Trước mặt tôi là một chiếc bàn cà phê màu nâu ảm đạm bề bộn nhật báo và tạp chí quăn góc - một số tháng 4/1996 của Time và tờ tin Pakistan chụp bộ mặt của một chàng trai trẻ bị tàu cán chết tuần trước đó, một tạp chí giải trí với những diễn viên Lollywood đang mỉm cười trên bìa láng bóng. Có một bà già mặc áo shalwar-kameez màu xanh và quàng một chiếc khăn san móc sợi gà gật trong một chiếc ghế đẩy ngang qua chỗ tôi. Chốc chốc bà lại giật mình tỉnh dậy và lẩm bẩm cầu kinh bằng tiếng Ẳrập. Tôi băn khoăn đến phát mệt mỏi, không biết lời cầu xin của ai, của tôi hay của bà ấy đêm nay sẽ được Người nghe thấy. Tôi hình dung ra khuôn mặt của Sohrab, cái cằm hơi dẩu ra, đôi tai ốc biển nho nhỏ, đôi mắt xếch lá tre quá giống bố nó. Một nỗi buồn thảm đen tối như đêm bên ngoài xâm lấn hồn tôi, và tôi cảm thấy cổ họng mình nghẹn lại.

Tôi cần không khí.

Tôi đứng dậy và mở cửa sổ. Không khí lọt qua màn cửa có mùi ẩm mốc và nóng. Nó sực mùi quả chà là chín nẫu và mùi phân súc vật. Tôi cố hít vào phổi từng ngụm lớn, nhưng như thế cũng không xoá tan cảm giác nghẽn nghẹt trong lồng ngực. Tôi lại ngồi xuống sàn. Tôi vớ lấy cuốn tạp chí Time và lật giở các trang. Nhưng tôi không thể đọc, không thể tập trung vào bất cứ điều gì. Vì vậy tôi lại quăng nó lên bàn và trở lại chăm chú nhìn vào các khe nứt ngoằn ngoèo trên sàn xi măng, những mạng nhện ở phào trần nhà, những xác ruồi và xác côn trùng khác trên bậu cửa sổ. Chủ yếu tôi chăm chăm nhìn đồng hồ treo trên tường. Đã hơn bốn giờ sáng, tôi đã ở bên ngoài căn phòng cửa quay hơn năm tiếng đồng hồ rồi. Tôi vẫn chưa nghe được tin tức gì.

Tôi bắt đầu cảm thấy sàn nhà bên dưới như một phần của cơ thể, hơi thở tôi mỗi lúc một nặng nề hơn, chậm chạp hơn. Tôi muốn ngủ, nhắm mắt lại, ngả đầu tôi xuống sàn nhà lạnh và bụi bặm. Thiếp đi. Khi tôi tỉnh dậy, biết đâu tôi sẽ khám phá ra mọi thứ tôi nhìn thấy trong cái buồng tắm của khách sạn chỉ là một phần của cơn mơ: những giọt nước nhỏ từ vòi thành tiếng binh binh xuống nước tắm hoà máu, cánh tay trái đung đưa qua thành bồn, lưỡi dao cạo đầm đìa máu vẫn nằm trên téc nước bồn cầu - vẫn lưỡi dao cạo tôi đã dùng cạo râu hôm trước - và đôi mắt nó vẫn hé mở nhưng không còn ánh sáng. Hơn bất cứ điều gì. Tôi muốn quên đi đôi mắt ấy.

Chẳng mấy chốc, giấc ngủ kéo đến và tôi để mặc nó mang tôi đi. Tôi mơ thấy nhiều chuyện mà sau đó tôi không nhớ nổi.

Ai đó vỗ vào vai tôi. Tôi mở mắt. Có một người đàn ông đang quỳ bên tôi. Ông ta đội một chiếc mũ, giống những người đàn ông đằng sau lần cửa quay, với một cái khẩu trang phẫu thuật bằng giấy trùm kín miệng - tim tôi lặng đi khi tôi nhìn thấy một giọt máu trên chiếc khấu trang. Ôngmới dán tấm hình cô gái nhỏ mắt nai vào máy nhắn tin của mình. Ông bỏ mặt nạ ra và tôi mừng vì không phải nhìn vào máu của Sohrab nữa. Da ông ngăm đen giống màu sôcôla Thuỵ Sĩ nhập khẩu mà Hassan và tôi vẫn thường mua ở phố chợ Shar-e-Nau. Tóc ông thưa mỏng và đôi mắt màu nâu lục dưới hai hàng lông mày cong. Bằng giọng nói rất Anh, ông bảo tôi ông là bác sĩ Nawaz, và bất chợt tôi muốn tránh xa con người này, bởi tôi không nghĩ tôi có thể chịu nổi khi nghe những gì ông đến để nói với tôi. Ông nói thằng bé đã tự cắt sâu vào tay mình và mất rất nhiều máu, vậy là miệng tôi lại lẩm bẩm câu kinh ấy.

La illaha il Allah, Muhammad u rasul ullah

Họ đã phải truyền vài ba đơn vị máu.

Mình sẽ phải nói với Sohrab thế nào đây?

Hai lần, họ phải giành lại sự sống cho nó.

Tôi sẽ cầu namaz, tôi sẽ cầu zakat.

Họ có lẽ đã không cứu được nó nếu trái tim nó không trẻ và khoẻ mạnh.

Tôi sẽ ăn chay.

Nó sống rồi.

Bác sĩ Nawaz mỉm cười.

Phải mất một lúc tôi mới ghi nhận được những gì ông vừa nói. Rồi ông còn nói thêm nhưng tôi không nghe thấy. Bởi vì tôi đã nắm lấy hai tay ông và đưa lên mặt. Tôi khóc vì trút được nỗi lo âu trong hai bàn tay nhỏ bé, múp míp của con người xa lạ này và ông không nói gì lúc ấy. Ông đợi.

Phòng hồi sức cấp cứu hình chữ L và nhờ tối, một mớ bòng bong các thiết bị điện tử kiểm tra kêu bíp bíp và các máy móc kêu ro ro. Bác sĩ Nawaz dẫn tôi đi giữa hai dãy giường phân cách nhau bởi những rèm nhựa trắng. Giường của Sohrab là chiếc cuối ở góc phòng, chiếc gần nhất với bàn làm việc của y tá, nơi có hai nữ y tá trang bị áo quần mổ màu xanh đang ghi chép vội vào kẹp giấy và khẽ chuyện gẫu với nhau. Lúc lặng lẽ cùng lên thang máy với bác sĩ Nawaz, tôi đã nghĩ tôi sẽ lại khóc khi trông thấy Sohrab. Nhưng khi ngồi trên chiếc ghế ở chân giường nó, nhìn vào khuôn mặt trắng nhợt của nó qua một mớ rối tung những ống nhựa nhờ sáng và dây truyền máu, mắt tôi ráo hoảnh. Nhìn ngực nó phập phồng theo nhịp của chiếc máy thở đang huýt lên tôi lặng người đi, giống như một người lặng đi mấy giây sau khi đánh tay lái chiếc xe của mình tránh được một cú va chạm ngay đầu mũi xe.

Tôi ngủ gà ngủ gật, và khi tỉnh dậy, tôi thấy mặt trời đang lên trên một bầu trời màu bơ sữa qua chiếc cửa sổ gần bàn y tá. Ánh nắng xiên vào phòng, đổ bóng tôi lên người Sohrab. Nó vẫn không động đậy.

- Tốt nhất ông nên ngủ đi một lúc. - Cô y tá bảo tôi. Tôi không nhận ra cô. Có lẽ đã có thay ca trong khi tôi thiếp đi. Cô đưa tôi sang một căn phòng khác, ngay bên ngoài phòng hồi sức cấp cứu. Căn phòng trống. Cô đưa cho tôi gối và chăn bệnh viện. Tôi cảm ơn cô và nằm xuống một chiếc sofa nhựa ở góc phòng. Tôi hầu như ngủ thiếp đi ngay.

Tôi mơ thấy mình trở lại căn phòng tầng dưới. Bác sĩ Nawaz bước vào và tôi ngồi dậy đón ông. Ông tháo cái khẩu trang giấy ra, hai bàn tay ông đột nhiên trắng hơn tôi nhớ, những móng tay gọt giũa cẩn thận, tóc rẽ đường ngôi mượt mà, và tôi thấy ông không phải là bác sĩ Nawaz nữa mà là Raymond Andrews, người đàn ông bé nhỏ ở toà đại sứ, với chậu cà chua. Andrews ngẩng đầu lên. Nheo mắt lại.

Ban ngày, bệnh viện là mê cung vô số những hành lang bắt góc nhau, nhờ nhờ thứ ánh sáng huỳnh quang đỏ nhạt ở trên đầu. Tôi đã nhận ra sơ đồ bệnh viện, nhận ra rằng nút bấm tầng bốn trong thang máy phía Đông không bật sáng, rằng cánh cửa tới phòng đàn ông ở tầng ấy bị kẹt và phải đẩy vai mới mở ra được. Tôi đã hiểu được bệnh viện có một nhịp sống riêng, hoạt động náo nhiệt lúc đổi ca sáng, cái hối hả ban trưa, sự tĩnh lặng và êm ả của những giờ giấc đêm khuya, thỉnh thoảng mới bị ngắt quãng bởi những hình ảnh lờ mờ các bác sĩ và y tá vội vã cấp cứu ai đó. Tôi vẫn ngồi canh bên giường Sohrab suốt cả ngày, và đêm thì lang thang qua những hành lang ngoằn ngoèo của bệnh viện, lắng nghe gót giày mình gõ trên gạch lát, nghĩ về những gì tôi sẽ nói với Sohrab khi nó tỉnh đậy. Cuối cùng tôi đành trở lại phòng hồi sức cấp cứu, bên chiếc máy thở kêu ro ro cạnh giường nó, hầu như chẳng thiết nghĩ thêm gì nữa.

Sau ba ngày ở phòng hồi sức cấp cứu, họ tháo ống thở và chuyển nó xuống chiếc giường tầng dưới. Tôi không ở đó lúc họ chuyển nó. Tôi đã trở về khách sạn đêm ấy đề có thể ngủ thêm một chút nhưng cuối cùng trằn trọc trên giường suốt cả đêm. Sáng ra, tôi cố không nhìn vào cái bồn tắm. Lúc này nó đã sạch sẽ, ai đó đã lau sạch máu, trải chiếu mới lên sàn, và cọ rửa sạch tường. Nhưng tôi không thể ngăn tôi ngồi trên bờ sứ lạnh của bồn tắm. Tôi hình dung Sohrab xả đầy nước nóng vào bồn. Thấy nó cởi quần áo. Thấy nó vặn bàn cạo ra, và mở cái chốt kép an toàn ở trên, tháo lưỡi dao, cầm giữa ngón trỏ và ngón cái. Tôi hình dung nó ngâm mình vào nước, nằm ở đó một lúc, mắt nhắm lại. Tôi không hiểu lúc cuối nó nghĩ gì khi nó giơ lưỡi dao lên rồi hạ xuống.

Tôi đang chực ra khỏi phòng tiếp khách của khách sạn thì ông giám đốc Fayyaz đuổi kịp tôi:

- Tôi rất lấy làm buồn cho ông, - ông nói. - Nhưng tôi yêu cầu ông, làm ơn rời khỏi khách sạn. Chuyện này tệ hại cho công việc kinh doanh của tôi, rất tệ hại.

Tôi bảo ông tôi hiểu, và làm thủ tục trả phòng. Ông không tính tiền ba ngày tôi ở bệnh viện. Chờ một chiếc taxi bên ngoài phòng đợi của khách sạn, tôi lại nghĩ đến những gì ông Fayyaz đã nói với tôi cái đêm chúng tôi đi tìm Sohrab: một điều về người Afghan các ông là... ồ, dân các ông hơi liều đấy.

Tôi đã cười ông, nhưng bây giờ tôi thật sự kinh ngạc. Có phải thực sự tôi đã ngủ mất sau khi cho Sohrab hay cái tin mà nó sợ nhất hay không?

Khi đã vào trong xe, tôi hỏi người tài xế có biết một hiệu sách Ba Tư nào không. Anh ta nói có một hiệu cách đây hai cây số về phía Nam. Chúng tôi dừng lại ở đó trên đường tới bệnh viện.

Phòng mới của Sohrab có tường màu kem, gờ tường xám đen sứt mẻ, gạch lát nền tráng men có lẽ đã từng rất trắng. Nó ở cùng phòng với một đứa con trai choai choai người Punjabi, một y tá cho biết thằng bé bị gãy chân khi tuột từ trên nóc chiếc xe buýt đang chạy. Chân thằng bé bị bó bột, được nâng lên, giữ bằng nẹp có đai dây da treo lên cho khối nặng.

Giường của Sohrab ở gần cửa sổ, nửa phía dưới được chiếu sáng bởi ánh nắng mặt trời non trưa tràn qua những ô cửa hình chữ nhật. Một nhân viên bảo vệ mặc đồng phục đứng ở cửa sổ đang cắn hạt dưa rang - Sohrab được theo dối hai bốn trên hai bốn giờ vì tự sát. Quy chế bệnh viện, bác sĩ Nawaz thông báo vậy cho tôi. Người gác nghiêng mũ khi thấy tôi và rời khỏi phòng.

Sohrab mặc áo ngủ cộc tay của bệnh viện và nằm ngửa, chăn kéo tới ngực, mặt quay về phía cửa sổ. Tôi nghĩ nó đang ngủ, nhưng khi tôi kéo nhẹ chiếc ghế sát vào giường nó, hai mi mắt nó chớp chớp và mở ra. Nó nhìn tôi, rồi nhìn đi chỗ khác. Nó quá xanh xao, mặc dầu tất cả số máu họ đã tiếp cho nó, và có vết thâm tím ở nếp gấp cánh tay phải.

- Cháu có sao không? - Tôi hỏi.

Nó không trả lời. Nó nhìn qua cửa sổ, vào những hố cát và ghế đu trong vườn bệnh viện. Có một giàn lưới uốn hình vòm gần sân chơi, dưới bóng những hàng cây dâm bụt, vài cây nho xanh leo lên hàng rào mắt cáo bằng gỗ. Đám trẻ đang nô đùa với những xô chậu trong hố cát. Bầu trời hôm đó xanh biếc không một gợn mây và tôi thấy một chiếc máy bay phản lực nhỏ xíu để lại đằng sau hai vệt trắng. Tôi quay lại Sohrab và hỏi:

- Mấy phút trước, bác nói chuyện với bác sĩ Nawaz, ông ấy nghĩ vài ngày nữa cháu sẽ được ra viện. Đó là một tin mừng, phải không?

Tôi vẫn vấp phải yên lặng. Đứa con trai Punjabi ở cuối phòng cựa quậy trong giấc ngủ và rên lên điều gì đó.

- Bác thích phòng này của cháu, - tôi vừa nói vừa cố không nhìn vào cổ tay băng bó của Sohrab. - Trời đẹp quá, cháu có thấy thế không.Vẫn im lặng. Vài phút lúng túng nữa trôi qua, lông mày và môi trên tôi lấm tấm mồ hôi. Tôi chỉ vào bát đậu aush 2 Hà Lan không đụng đến ở trên tủ giường, và chiếc thìa nhựa không dùng đến:

- Cháu nên cố ăn một chút. Lấy lại sức khoẻ của cháu. Cháu có muốn bác giúp cháu ăn không?

Nó bắt lấy cái nhìn của tôi, rồi lại trông đi nơi khác, mặt lạnh như đá. Mắt nó vẫn không có sắc sáng, trống rỗng y như khi tôi tìm thấy nó và kéo nó ra khỏi bồn tắm. Tôi thò tay vào trong túi giấy giữa hai chân và lấy ra cuốn sách cũ Shahnamah tôi đã mua ở hiệu sách Ba Tư. Tôi quay bìa sách về phía Sohrab:

- Bác vẫn thường đọc cuốn này cho bố cháu, khi hai anh em còn nhỏ. Bọn bác thường leo lên ngọn đồi ở gần nhà, và ngồi dưới gốc cây lựu...Tôi nói nhỏ dần, Sohrab lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi gượng cười:

- Bố cháu thích nhất là chuyện về Rostam và Sohrab, vì thế mà cháu mang cái tên ấy, bác biết là cháu biết điều đó. - Tôi dừng lại, hơi cảm thấy như mình là một thằng ngốc. - Dù thế nào thì bố cháu cũng đã nói trong thư gửi cho bác cháu thích chuyện đó, vì vậy bác nghĩ bác có thể đọc cho cháu nghe một ít. Cháu có thích thế không?

Sohrab nhắm mắt lại. Lấy cánh tay, cái cánh tay thâm tím ấy che lên mắt.Tôi lật mở đến trang tôi gập lúc ở trong xe taxi và bảo "bắt đầu nào", lần đầu tiên tự hỏi không biết Hassan đã nghĩ gì khi cuối cùng cậu tự đọc được Shahnamah và phát hiện ra tôi đã đánh lừa cậu suốt những năm tháng ấy.Tôi hắng giọng và đọc: "Hãy để tai nghe kỳ hết trận chiến của Sohrab chống Rostam, dẫu đó là một chuyện đầm đìa nước mắt. Chuyện kể rằng vào một ngày, Rostam từ trường kỷ vươn mình thức dậy, đầu óc đầy nhưng điềm triệu quái gở. Ông ta nhớ ra...". Tôi đọc cho nó gần hết chương 1, tới phần chàng chiến binh trẻ Sohrab đến chỗ mẹ mình, là Tahminah, công chúa của Samengan và yêu cầu được biết hình dáng của cha chàng. Tôi gấp sách lại.

- Cháu có muốn bác tiếp tục không? Sắp có những trận đánh xảy ra, cháu nhớ không? Sohrab dẫn quân đội của mình tới pháo đài trắng ở Iran phải không nhỉ? Bác đọc tiếp nhé?

Nó khẽ lắc đầu. Tôi bỏ cuốn sách trở lại vào túi giấy.

- Cũng được, - tôi nói, cảm thấy phấn chấn vì dẫu sao nó cũng đã đáp lại. - Có lẽ ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục. Cháu cảm thấy thế nào? Miệng Sohrab hé mở và một tiếng khàn khàn vuột ra. Bác sĩ Nawaz đã bảo tôi sẽ xảy ra như thế do ống thở luồn qua dây thanh quản. Nó liếm môi và lại cố nói:

- Mệt.

- Bác biết. Bác sĩ Nawaz đã lường trước là như thế. - Nó lắc đầu.

- Sao cơ, Sohrab?

Nó nhăn mặt khi nói lại bằng một giọng khàn khàn, gần như không hơn tiếng thì thào:

- Chán tất cả.

Tôi thở dài và ngồi sụp xuống ghế. Có một dải nắng trên giường giữa hai chúng tôi, và trong đúng một khắc, từ phía bên kia dải nắng, bộ mặt xanh xám như tro đang nhìn tôi giông hệt bộ mặt của Hassan. Không phải Hassan chơi bi đá với tôi tới tận lúc giáo sĩ rung chuông báo giờ kinh Azan buổi tối và ông Ali gọi chúng tôi về nhà, không phải Hassan tôi đuổi theo từ trên đồi trong khi mặt trời đang lặn sau những nóc nhà đất sét ở đằng Tây, mà là Hassan lần cuối cùng tôi thấy còn sống, đang kéo lê đồ đạc của mình phía sau ông Ali trong một trận mưa như trút nước của mùa hè ấm áp, nhét chúng vào cốp xe của Baba trong khi tôi dõi theo qua cửa sổ ròng ròng nước mưa của phòng mình.Nó lắc đầu từ từ và nhắc lại:

- Chán hết mọi thứ.

- Bác phải làm gì, Sohrab? Làm ơn nói cho bác biết.

- Cháu muốn... - nó lắc đầu. Nó lại nhăn nhó và đưa tay lên họng như thể để gỡ tung bất cứ thứ gì đang chặn lấy giọng nói của nó. Hai mắt tôi lại hướng vào cổ tay quấn chặt băng gạc trắng. - Cháu muốn lại được sống như xưa. - Nó thở.

- Ồ, Sohrab.

- Cháu muốn Bố và Mẹ Jan. Cháu muốn Sasa. Cháu muốn chơi đùa với ông Rahim Khan sahib ở ngoài vườn, cháu muốn được sống trong ngôi nhà của chúng cháu, - nó đưa cánh tay lên ngang mắt. - Cháu muốn lại được sống như xưa.

Tôi không biết nói gì, nhìn đi đâu, đành nhìn xuống hai bàn tay tôi. Cuộc sống như xưa của cháu, tôi nghĩ. Cuộc sống như xưa của bác nữa. Bác đã chơi đùa trong cùng cái sân ấy, Sohrab. Bác sống trong cùng ngôi nhà đó. Nhưng cỏ đã chết và một chiếc xe jeep của kẻ xa lạ đã đỗ trên lối xe vào ngôi nhà của chúng ta, vãi dầu trên khắp mặt đường nhựa. Cuộc sống như xưa của chúng ta đã ra đi rồi, Sohrab, và mọi người trong đó đều đã chết hoặc đang chết. Bây giờ chỉ còn mỗi cháu và bác thôi. Chỉ mỗi cháu và bác.

- Bác không thể cho cháu điều đó, - tôi nói.

- Giá bác đừng...

- Xin cháu đừng nói thế.

- Giá bác đừng... giá bác để mặc cháu trong bồn nước.

- Đừng bao giờ nói thế, Sohrab, - tôi vừa nói vừa ngả người về phía trước. - Nghe cháu nói thế bác không chịu nổi. - Tôi sờ vào vai nó, nó giật nảy người. Lùi lại. Tôi buông tay, buồn rầu nhớ lại nhưng ngày cuối cùng trước khi tôi thất hứa với nó rút cục nó đã thoải mái để tôi chạm vào người nó thế nào.

- Sohrab, bác không thể đem lại cho cháu cuộc sống như xưa, bác cầu mong Thượng đế để bác có thể làm như vậy. Nhưng bác có thể mang cháu đi theo bác. Bác chạy vào buồng tắm để nói cho cháu biết là vì thế. Cháu có visa đi sang Mỹ, để sống với bác và bác gái. Thật đấy. Bác xin hứa.

Nó thở hắt ra qua lỗ mũi và nhắm mắt lại. Giá tôi đừng nói mấy từ "Bác xin hứa" thì hơn.

- Cháu biết đấy, bác đã làm nhiều điều bác hối tiếc trong đời. Và có thể không gì đáng tiếc hơn việc bác không giữ được lời hứa với cháu. Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, bác hết sức xin lỗi, bác xin cháu, xin sự tha thứ của cháu. Cháu có thể làm việc đó không? Có thể tha thứ cho bác không? Cháu có thể tin tưởng bác không - Tôi hạ giọng. - Cháu sẽ đi cùng với bác chứ?

Trong lúc đợi nó trả lời, trí óc tôi chợt loé trở lại một ngày đông đã lâu rồi, Hassan và tôi ngồi trên tuyết dưới gốc cây anh đào trụi lá. Tôi đã chơi một trò độc ác với Hassan hôm đó, giỡn với cậu ấy, yêu cầu cậu ấy ăn bẩn để chứng tỏ lòng trung thành của cậu ấy với tôi. Giờ đây, tôi là kẻ dưới kính hiển vi, là kẻ phải chứng tỏ nhân cách của mình. Tôi đáng như thế lắm.

Sohrab xoay nghiêng người, xây lưng lại tôi. Nó không nói gì một lúc lâu. Thế rồi, đúng lúc tôi nghĩ có thể nó đã ngủ, nó nói giọng khàn khàn:

- Cháu mệt lắm.

Tôi ngồi bên giường nó cho tới khi nó ngủ. Có cái gì đó đã mất giữa Sohrab và tôi. Cho tới lúc tôi gặp ông luật sư, ông Omar Faisal, một tia hy vọng đã bắt đầu lọt vào đôi mắt Sohrab, như một vị khách rụt rè.Bây giờ tia hy vọng ấy đã ra đi rồi, vị khách kia đã bỏ chạy, tôi không biết khi nào nó dám quay trở lại. Tôi không biết bao lâu nữa Sohrab mới lại cười. Bao lâu nữa nó mới lại tin tôi. Liệu có bao giờ không?

Tôi đành rời khỏi phòng bệnh và đi tìm một khách sạn khác, không biết rằng phải một năm sau đó tôi mới lại được nghe thấy Sohrab nói thêm một lời nào khác.

Cuối cùng thì Sohrab cũng chẳng bao giờ nhận lời đề nghị của tôi. Nó cũng chẳng khước từ. Nhưng nó biết, một khi băng đã được tháo ra, áo quần bệnh viện đã trả lại, nó chỉ là một đứa trẻ Hazara mồ côi vô gia cư nào đấy. Nó có gì mà lựa chọn? Nó có thể đi đâu? Vì vậy, tiếng vâng ở nó trên thực tế giống một sự đầu hàng lặng lẽ hơn, không hẳn một sự chấp thuận mà chính là một hành động buông xuôi, vì quá chán nản để mà quyết định, và quá mệt mỏi để mà tin tưởng. Điều nó mong mỏi là cuộc sống xưa kia. Những gì nó có được là tôi và nước Mỹ. Xét cho hết lẽ, chẳng phải là một số phận tồi tệ gì cho lắm, nhưng tôi không thể nói với nó như thế. Viễn cảnh là điều xa xỉ khi đầu óc anh lúc nào cũng ong ong một bầy quỷ dữ.

Và nếu sự việc diễn ra như thế, khoảng một tuần nữa thôi, chúng tôi sẽ vượt qua cái đường băng trải bê tông nhựa đường ấm nóng, và tôi sẽ mang con trai của Hassan từ Afghanistan tới Mỹ, đem nó ra khỏi tình trạng chắc chắn hỗn loạn và bỏ nó vào sự hỗn loạn của sự không chắc chắn.

Một hôm, có thể vào khoảng năm 1983 hoặc 1984 gì đó, tôi ở cửa hàng video ở Fremont. Tôi đang đứng ở gian hàng phim Phương Tây thì một anh chàng cạnh tôi đang uống coke, chỉ vào băng Bảy anh chàng cừ khôi và hỏi tôi đã xem phim này chưa.

- Rồi, mười ba lần, - tôi nói. - Charles Bronson chết trong phim, rồi cả James Coburn và Robert Vangha cũng chết.

Hắn nhăn mặt lại nhìn tôi, như thế tôi vừa nhổ vào cốc nước giải khát của hắn.

- Cảm ơn nhiều, trời hỡi.

Hắn vừa nói vừa lắc đầu, mồm lấm bẩm một điều gì đó trong khi đi khỏi.Về sau tôi mới biết, ở Mỹ, đừng có tiết lộ hồi kết của bộ phim, nếu anh làm thế, anh sẽ bị khinh thường, và phải hết lời xin lỗi vì đã mắc tội Làm Hỏng Phần Kết.

Ở Afghanistan, phần kết mới là phần được quan tâm nhất. Khi Hassan và tôi trở về nhà sau khi xem một bộ phim Hindu ở rạp chiếu phim Zainab, những gì ông Ali, chú Rahim Khan - Baba hoặc vô số bạn bè của Baba, những em họ, cháu họ lũ lượt ra ra vào vào ngôi nhà - chỉ muốn biết điều này: Cô gái trong phim có tìm thấy hạnh phúc không? Bacheh, chàng trai trong phim, có thành công và hoàn thành những giấc mộng của mình không hay là chàng ta đành chịu đắm mình trong thất bại?

Cuối cùng có hạnh phúc không, họ muốn biết điều ấy.

Nếu có ai hôm nay muốn hỏi tôi liệu câu chuyện về Hassan, Sohrab và tôi có kết thúc hạnh phúc không, có lẽ tôi sẽ chẳng biết nói thế nào.

Liệu có ai muốn hỏi?

Rốt cuộc, cuộc đời không phải là một bộ phim Hindu. Zendagi migzana, những người Afghan thích nói thế: Đời cứ trôi đi, chẳng kể đến bắt đầu, kết thúc, kamyab, nab-kam, khủng hoảng hay thanh thản, luôn tiến về phía trước như một đoàn lữ hành ì ạch và bụi bặm của người du mục Kochis.Tôi có lẽ không biết trả lời câu hỏi đó thế nào. Bất kể chuyện phép mầu nho nhỏ Chủ nhật vừa rồi.

Chúng tôi về đến nhà khoảng bảy tháng trước, vào một ngày ấm áp tháng Tám năm 2001. Soraya đón chúng tôi ở sân bay. Tôi chưa từng lần nào xa Soraya lâu đến thế, và khi nàng khoá hai cánh tay quanh cổ tôi, khi tôi ngửi thấy mùi hương táo trên tóc nàng, tôi mới nhận ra tôi nhớ nàng quá thể. Tôi thì thầm:

- Em vẫn cứ là mặt trời ban mai cho yeld 3 của anh.

- Gì cơ?

- Không có gì. - Tôi hôn tai nàng.

Sau đó nàng khom gối xuống ngang tầm mắt Sohrab. Nàng cầm tay nó và mỉm cười với nó:

- Salaam, Sohrab Jan. Dì là Khala Soraya của cháu. Tất cả chúng ta đang mong cháu.

Nhìn nàng mỉm cười với Sohrab, mắt hơi ngân ngấn, tôi thoáng nghĩ nàng lẽ ra đã có thể làm mẹ, nếu dạ con của nàng không phản bội nàng.

Sohrab rê rê chân và nhìn đi chỗ khác.

Soraya đã chuyển phòng đọc trên gác thành phòng ngủ cho Sohrab. Nàng dẫn nó vào và nó ngồi ở mép giường. Khăn trải giường nổi bật những cánh diều sắc màu rực rỡ tung bay trong bầu trời xanh biếc. Nàng đã tạo nhiều vạch trên bức tường gần chiếc tủ con, từng phân từng tấc để đo chiều cao sẽ ngày một tăng của đứa trẻ. Ở chân giường, tôi thấy một rổ liễu gai đầy sách, một đầu tàu và một hộp màu nước.

Sohrab đang mặc một chiếc áo phông trắng loại bình thường và quần Jeans mới mà tôi mua cho nó ở Islamabad ngay trước khi chúng tôi rời khỏi đó - Chiếc áo phông lụng thụng ngoài đôi vai giơ xương và hõm xuống của nó. Sắc màu vẫn còn chưa ửng lên trên mặt nó, trừ những quầng thâm quanh đôi mắt. Lúc này nó nhìn chúng tôi một cách thản nhiên như nhìn vào những đĩa cơm bệnh viện đặt ngay ngắn trước mặt.

Soraya hỏi liệu nó có thích căn phòng của nó không và tôi để ý thấy nàng cố tránh nhìn vào cổ tay thằng bé, mắt nàng luôn quay trở lại những vết cắt màu hồng. Sohrab hơi cúi đầu. Giấu hai bàn tay dưới khe đùi và không nói không rằng. Rồi nó hồn nhiên ngả đầu lên gối. Chưa đầy năm phút sau, Soraya và tôi đứng ở cửa ngắm vào, nó đã đang ngáy.

Chúng tôi đi ngủ, Soraya ngủ thiếp đi, đầu nàng gối trên ngực tôi. Trong bóng tối của căn phòng, tôi nằm thao thức, lại thêm một lần mất ngủ. Thao thức. Và cô đơn cùng lũ ma quỷ của bản thân tôi.

Đôi lần giữa đêm khuya, tôi rón rén ra khỏi giường đến phòng Sohrab. Tôi đứng bên, nhìn xuống, và thấy một cái gì đó thò ra dưới gối. Tôi cầm lên. Thấy đó là tấm ảnh Polaroid của Rahim Khan, tấm ảnh tôi đã cho Sohrab vào cái đêm chúng tôi ngồi bên nhà thờ Shah Faisal. Tấm ảnh của Hassan và Sohrab đứng sát cạnh nhau, nheo mắt trong ánh mặt trời, và mỉm cười như thể thế giới là một nơi tốt đẹp, công bằng. Tôi không hiểu Sohrab đã nằm trên giường chăm chú nhìn tấm ảnh, chuyển tay nọ qua tay kia trong bao lâu.Tôi nhìn vào tấm ảnh. Cha cháu là một người bị giằng xé giữa hai nửa, chú Rahim Khan đã viết thế trong bức thư của ông. Tôi đã từng là cái nửa được cho phép, được xã hội thừa nhận, nửa hợp pháp, hiện thân vô thức tội lỗi của Baba. Tôi nhìn vào Hassan phô ra hai chiếc răng cửa bị khuyết, ánh nắng chiếu xiên lên mặt. Nửa kia của Baba. Cái nửa không được phép, nửa không có đặc quyền. Cái nửa thừa kế tất cả những gì là trong sạch và cao quý ở Baba. Cái nửa mà, biết đâu, trong cõi hẻo lánh bí ẩn nhất của trái tim mình, Baba đã nghĩ nó mới là đứa con trai đích thực của ông.

Tôi lại luồn tấm ảnh trở về nơi tôi đã lấy. Rồi tôi nhận ra được một điều: Rằng ý nghĩ vừa xong không hề mang theo nhói đau nào hết. Khép cửa phòng Sohrab, tôi băn khoăn tự hỏi liệu có phải ấy là con đường sựkhoan dung đâm chồi nảy lộc, không phải bằng trống giong cờ mở, mà chính là nỗi đau đã thu dọn những đồ lề của nó, gói ghém lại, và tiêu biến đi không lời giã biệt giữa đêm khuya.

Ông tướng và Khala Jamila hôm sau đến ăn tối. Khala Jamila, tóc cắt ngắn và đỏ sẫm hơn bình thường, đưa cho Soraya maghout 4 rắc hạnh nhân để ăn tráng miệng. Bà nhìn thấy Sohrab liền tươi cười:

- Mashallah! Soraya jan bảo chúng ta là cháu xinh trai lắm, nhưng nhìn ngoài đời cháu còn xinh trai hơn.

Bà trao cho nó chiếc áo len màu xanh cổ lọ:

- Bà đan cho cháu đấy. Cho mùa đông tới. Inshallah, mong cháu mặc vừa.

Sohrab cầm lấy chiếc áo len.

- Xin chào, anh bạn trẻ, - đó là tất cả những gì ông tướng nói, vừa cúi xuống hai tay tì lên cây gậy của ông, nhìn Sohrab như thể người ta đang nghiên cứu một đồ trang hoàng lạ lùng tại nhà ai đó.

Tôi trả lời, rồi lại trả lời, những câu hỏi của Khala Jamila về những vết thương của tôi - Tôi đã yêu cầu Soraya nói với họ rằng tôi bị cướp - khẳng định với bà rằng tôi không bị thương tật nào vĩnh viễn, rằng những dây thép vài tuần nữa sẽ được tháo ra và tôi lại có thể ăn những thứ bà nấu, rằng, vâng, tôi sẽ cố bôi nước ép cây hoàng liên và đường lên các vết sẹo của tôi để cho chúng chóng mờ.

Ông tướng và tôi ngồi ở phòng khách uống rượu vang trong khi Soraya và mẹ nàng dọn bàn ăn. Tôi kể cho ông nghe về Kabul và bọn Taliban. Ông lắng nghe và gật gù, cây gậy đặt lên đùi và tặc tặc lưỡi khi tôi kể cho ông về người đàn ông tôi bắt gặp đang bán chiếc chân giả của mình. Tôi không đả động đến cuộc hành quyết ở Sân vận động Ghazi và Assef. Ông hỏi tôi về Rahim Khan, người mà ông đã gặp ở Kabul vài lần, và lắc đầu nghiêm nghị khi tôi kể cho ông nghe về bệnh tình của chú. Nhưng trong khi chúng tôi nói chuyện, tôi bắt gặp mắt ông không ngừng hướng về Sohrab đang nằm ngủ trên chiếc ghế dài. Như thể chúng tôi đang mon men quanh bờ những gì ông thực sự muốn biết.

Việc tán gẫu cuối cùng cũng chấm dứt trong bữa tối, khi ông tướng đặt dĩa xuống và nói:

- Vậy Amir jan, anh sẽ nói cho chúng ta biết tại sao anh lại mang cậu bé này về cùng với anh chứ?

- Iqbal jan! Hỏi thế là thế nào? - Khala Jamila nói.

- Trong khi mình đang bận đan áo len, mình yêu quý, tôi phải quan tâm sự nhìn nhận của cộng đồng về gia đình chúng ta. Mọi người sẽ hỏi. Họ sẽ muốn biết tại sao lại có một thằng bé Hazara sống cùng với con gái chúng ta. Tôi phải nói với họ thế nào đây?

Soraya buông thìa xuống. Quay về phía bố mình.

- Bố có thể nói...

- Thôi được rồi, Soraya, - tôi vừa nói, vừa cầm lấy tay nàng, - thôi được rồi. - Tướng quân Sahib hoàn toàn có lý. Mọi người sẽ hỏi.

- Amir!... - Nàng ngắt lời.

- Không sao. - Tôi quay về phía ông tướng. - Tướng quân Sahib, bố thấy đấy, bố con ngủ với vợ người ở của ông ấy. Bà này đẻ cho bố con một đứa con trai tên là Hassan. Hassan bây giờ đã chết. Thằng bé đang ngủ trên ghế dài là con của Hassan. Nó là cháu của con. Đó là những gì bố cứ nói cho mọi người biết khi họ hỏi.

Tất cả đều nhìn tôi chằm chằm.

- Và một điều nữa, tướng quân Sahib, - tôi nói. - Bố đừng bao giờ gọi nó là thằng bé Hazara trước mặt con nữa. Nó có một cái tên. Tên nó là Sohrab.

Chẳng ai nói gì đến bữa ăn bị ế.

Sẽ là sai lầm nếu nói Sohrab trầm lặng. Trầm lặng là thanh thản. Bình yên. Trầm lặng là vặn nhỏ cái nút Âm Lượng của cuộc đời.

Im lặng là ấn nút Tắt. Tắt nó đi. Tắt tất cả.

Sự im lặng của Sohrab không phải là im lặng tự thân của những kẻ nhận thức được tội lỗi của mình, nhưng kẻ phản kháng, tìm cách nói lên căn nguyên bằng cách không thèm nói gì hết. Đó là sự im lặng của một người che mình trong một chốn tối tăm, cuốn hết tất cả các mép điểm lại và đè chặt xuống dưới.

Nó có chiếm mất nhiều không gian sống lắm đâu. Rất ít là khác. Đôi khi ở chợ, trong công viên, tôi đề ý thấy cái lối mọi người khác hầu như không cả nhìn nó, như thể nó chẳng hề ở đó. Tôi đang đọc sách chợt nhìn lên, thấy Sohrab đã vào trong phòng và ngồi trước mặt tôi từ lúc nào mà tôi đã không hề để ý. Nó bước như sợ để lại đằng sau tiếng bước chân. Nó di chuyển như không muốn khuấy động không khí xung quanh nó. Thường thường, nó ngủ.

Sự im lặng của Sohrab cũng khó cho cả Soraya nữa. Trên điện thoại đường dài tới Pakistan, Soraya đã nói với tôi về những việc nàng đang sắp xếp cho Sohrab. Những lớp học bơi. Bóng đá. Liên đoànBowling. Giờ đây nàng sẽ chỉ lướt qua phòng Sohrab, hé nhìn những cuốn sách vẫn nằm im không mở trong giỏ liễu gai, đồ thị tăng trưởng không đánh dấu, mớ đồ chơi xếp hình không lắp ráp, mỗi thứ lại một nhắc nhở về cuộc đời lẽ ra có được. Một sự nhắc nhở đến giấc mơ héo rũ khi mới đâm chồi. Nhưng không phải một mình nàng như thế. Tôi cũng đã có những giấc mơ riêng cho Sohrab.

Trong khi Sohrab trầm lặng, thế giới lại không như vậy. Một buổi sáng thứ Ba ngày 11 tháng Chín năm 2001, toà Tháp Đôi đổ sụp và sau đêm ấy, thế giới đã đổi thay. Cờ Mỹ đột nhiên xuất hiện ở khắp nơi, trên cần ăng ten của những chiếc taxi màu vàng len lỏi giữa dòng xe cộ, trên những ve áo của khách hộ hành đi lại trên các hè đường thành một dòng chảy đều đặn, cả trên những chiếc mũ cáu bẩn của đám ăn xin ở San Francisco ngồi bệt dưới mái bạt của những phòng trưng bày mỹ thuật nhỏ và những cửa hiệu có mặt tiền rộng rãi. Một hôm tôi đi qua chỗ Edith, người đàn bà vô gia cư ngày nào cũng chơi đàn ắc-coóc-đê-ông trên góc phố Sutter và Stockton và nhận thấy một lá cờ Mỹ dán trên hộp đàn dưới chân bà ta.

Chẳng bao lâu, sau khi toà Tháp Đôi bị tấn công, Mỹ oanh tạc Afghanistan. Liên minh miền Bắc tiến vào và bọn Taliban chạy cuống quýt như lũ chuột cống rút vào hang. Đột nhiên, mọi người đứng xếp hàng trong cửa hàng bách hoá cũng nói chuyện với nhau về những thành phố tuổi thơ tôi. Kandahar, Herat, Maza-i-Sharif. Khi tôi còn nhỏ, Baba đã mang Hassan và tôi tới Kunduz. Tôi không còn nhớ nhiều lắm về chuyến đi, trừ chuyện ngồi dưới bóng một cây keo với Baba và Hassan, thay nhau uống nước ép dưa hấu tươi trong một cái vò sành và xem ai nhổ hạt dưa xa nhất. Giờ đây Dan Rather, Tom Brokaw, và mọi người nhấm nháp cà phê sữa tại Starbucks cũng đang nói về trận đánh chiếm Kunduz, thành luỹ cuối cùng của Taliban ở phía Bắc. Tháng Mười hai năm ấy, người Pashtun, người Tajik, người Uzbek và người Hazara, tập trung lại ở Bonn và, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, bắt đầu một tiến trình để ngày nào đó chấm dứt trên hai mươi năm bất hạnh trong thời trai trẻ của họ. Chiếc mũ lông cừu và chiếc áo chapan xanh của Hamid Karzai 5 trở nên nổi tiếng.

Sohrab mộng du qua tất cả những sự kiện đó.

Soraya và tôi tham gia vào những dự án của người Afghan, ngoài ý thức về nghĩa vụ công dân, còn là nhu cầu đối với một điều gì đó - bất cứ điều gì - để lấp đầy cái im lặng ở trên gác, cái im lặng hút hết mọi điều như một cái hố đen. Trước đây, tôi chưa từng là kiểu người ưa hoạt động, nhưng khi một người đàn ông tên là Kabir, một cựu đại sứ của Afghanistan ở Sofia, kêu gọi tôi và hỏi tôi có muốn giúp ông một dự án bệnh viện không, tôi nói đồng ý. Cái bệnh viện nhỏ này trụ gần biên giới Afghan - Pakistan và có một phòng mổ nhỏ điều trị cho những người Afghan tị nạn bị thương vì mìn chôn. Nhưng nó đã phải đóng cửa vì thiếu ngân sách. Tôi trở thành giám đốc dự án, Soraya là đồng giám đốc của tôi. Hầu như ngày nào tôi cũng ở trong phòng làm việc, gửi thư điện tử cho mọi người khắp thế giới, xin trợ cấp, tổ chức những chương trình xã hội gây vốn. Và tự nhủ mang Sohrab sang đây là việc nên làm.

Năm đó kết thúc với tôi và Soraya trên tràng kỷ, chăn phủ lên chân, xem Dick Clark trên tivi. Mọi người reo lên vui mừng và hôn nhau khi quả cầu bạc rơi xuống và hoa giấy tung trắng xoá màn hình. Trong ngôi nhà chúng tôi, năm mới bắt đầu khá giống cách năm cũ kết thúc. Trong im lặng.

Thế rồi, bốn hôm trước, vào một ngày mưa lạnh tháng Ba năm 2002, một điều kỳ diệu nho nhỏ đã xảy ra.

Tôi đem Soraya, Khala Jamila, và Sohrab tới nơi người Afghan tụ hội lại với nhau ở công viên Hồ Elizabeth tại Fremont. Ông tướng, tháng trước cũng đã được triệu tập về Afghanistan giữ cương vị bộ trưởng, và đã bay về đó hai tuần trước - Ông không mang theo bộ đồ màu xám và chiếc đồng hồ bỏ túi. Kế hoạch để mấy tháng sau Khala Jamila đoàn tụ với ông cũng đã được ông sắp xếp. Bà nhớ ông khổ sở - và lo lắng cho sức khoẻ của ông ở đó - và chúng tôi đã nài bà ở lại với chúng tôi ít lâu.

Thứ Năm trước, ngày đầu xuân, là ngày Tết Năm Mới - ngày Sawl-e-Nau - nên người Afghan ở Vùng Vịnh đã lên kế hoạch đón mừng khắp Vịnh Đông và toàn bán đảo. Kabir, Soraya, và tôi có thêm lý do để vui mừng: Cái bệnh viện nhỏ bé của chúng tôi ở Rawalpindi đã khai trương tuần trước, không phải một bệnh viện phẫu thuật, chỉ là một bệnh viện nhi khoa. Nhưng đây là sự khởi đầu tốt, tất cả chúng tôi đều nhất trí như vậy.

Đã nhiều ngày nắng mãi, nhưng sáng Chủ nhật khi tôi bước ra khỏi giường, tôi nghe thấy tiếng những giọt mưa vỗ mạnh vào cửa sổ. Vận may của người Afghan, tôi nghĩ vậy. Cười thầm. Tôi cầu kinh namaz buổi sáng, trong khi Soraya vẫn ngủ - Tôi không còn phải xem đến cuốn sách kinh nhỏ tôi có được từ nhà thờ nữa, những thánh thi lúc này tuôn ra một cách tự nhiên, không cần cố gắng.

Chúng tôi đến vào quãng trưa và thấy đầy người đang trú dưới một tấm vải nhựa lớn hình chữ nhật căng trên sáu cái cọc cắm xuống đất. Ai đó đã rán món bánh bolani, hơi nước bốc lên từ những tách trà, và một thùng xúp lơ nấu aush. Một bài hát cũ của Ahmad Zahir xoẹt xoẹt, ồm ồm cất lên từ một máy cát-xét. Tôi hơi mỉm cười lúc bốn người chúng tôi chạy vội qua bãi cỏ ướt sũng. Soraya và tôi dẫn đầu, Khala Jamila chạygiữa, Sohrab đằng sau chúng tôi, mũ trùm của chiếc áo mưa màu vàng nảy lên sau lưng nó.

- Chuyện gì mà vui thế - Soraya vừa nói vừa cầm tờ báo gấp che lên đầu.

- Em có thể đem người Afghan ra khỏi Paghman, nhưng em không thể đem Paghman ra khỏi người Afghan được. - Tôi nói.

Chúng tôi rạp người xuống dưới cái lều bạt tự chế. Soraya và Khala Jamila từ từ đi về phía một người đàn bà to béo quá khổ đang rán bánh bolani nhồi rau bina. Sohrab đứng im dưới mái che một lúc rồi bước ra ngoài trời mưa, hai tay đút túi áo mưa. Tóc nó - bây giờ ngả màu nâu và thẳng như tóc Hassan - bết xuống da đầu. Nó dừng lại gần một vũng nước nhỏ màu cà phê và chăm chú nhìn vào đó. Hình như chẳng ai để ý. Chẳng ai gọi nó vào. Thời gian trôi đi, những thắc mắc về đứa con trai nuôi bé nhỏ - nhất định là kỳ cục - của chúng tôi may sao cũng đã tạm ngừng, và xét tới thực tế những thắc mắc của người Afghan đôi khi sống sượng đến mức nào, cung có thể coi đây như một khuây khoả đáng kể. Mọi người thôi không hỏi tại sao nó chẳng bao giờ nói. Tại sao nó không chơi với những đứa trẻ khác. Và hay nhất là, họ thôi không làm chúng tôi ngột mạt với sự đồng cảm quá mức của họ, họ khe khẽ lắc đầu, với tiếng "tặc" lưỡi, với câu "Oh, gung bichara". Ô, thằng bé tội nghiệp này câm. Trò sính cái lạ dần dần sẽ biến đi. Như tấm giấy dán tường xỉn màu, Sohrab đã hoà lẫn vào bối cảnh.

Tôi bắt tay ông Kabir, một người đàn ông nhỏ nhắn tóc trắng như cước. Ông giới thiệu tôi với hơn chục người, một trong số họ là giáo viên về hưu, người khác là một kỹ sư, một cựu kiến trúc sư, một nhà phẫu thuật lúc này đang điều hành một cửa hàng bánh mì kẹp xúc xích nóng ở Hayward. Tất cả bọn họ đều nói họ đã biết Baba từ hồi ở Kabul, và đều nói về ông với lòng kính trọng. Bằng cách này hoặc cách khác, ông đều liên quan tới cuộc sống của họ. Những người này đều nói tôi thật may mắn có một người cha vĩ đại như ông.

Chúng tôi trò chuyện với nhau về thế sự khó khăn và cái cương vị có thể là bạc bẽo mà ông Karzai đang gánh, về khoá Loya jirga 6 sắp tới, và việc nhà vua đe doạ sắp trở về quê hương sau hai mười tám năm biệt xứ. Tôi còn nhớ cái đêm năm 1973, người em họ của Zahir Shah lật đổ ông ta. Tôi còn nhớ súng nổ hàng loạt và bầu trời sáng trắng như bạc, ông Ali ôm tôi và Hassan trong cánh tay ông và bảo chúng tôi đừng sợ, rằng đó chỉ là họ đang bắn vịt.

Rồi ai đó kể một chuyện cười về giáo sĩ Nasruddin và tất cả chúng tôi đều cười.

- Anh biết không, cha anh cũng là một con người hài hước đấy. - ông Kabir nói.

- Ông ấy hài hước à, đúng thế không? - Tôi vừa nói vừa mỉm cười nhớ lại chỉ sau khi đến Mỹ được ít lâu Baba bắt đầu càu nhàu về ruồi Mỹ ra sao. Ông thường ngồi tại bàn bếp với cái vỉ ruồi của ông, theo dõi lũ ruồi bay vụt từ tường này sang tường khác, vo ve ở chỗ này, vù vù ở chỗ kia, gây bực bội và đâm bổ vào người.

- Ở cái đất nước này, đến ruồi cũng vội vội vàng vàng. - Ông thường rên rỉ. Tôi đã cười thích chí đến thế nào. Bây giờ nhớ lại tôi chỉ mỉm cười.

Vào quãng ba giờ chiều, mưa ngừng, và bầu trời đông đặc những cụm mây màu xám nặng nề. Một luồng gió mát lạnh thổi qua công viên. Thêm những gia đình xuất hiện. Nhưng người Afghan đón chào nhau, ôm ghì lấy nhau, hôn nhau, chia sẻ các món ăn. Ai đó nhóm than trong những bếp nướng ngoài trời, và chẳng mấy chốc, mùi hành nướng và thịt cừu morgh ngào ngạt mũi tôi. Rồi nhạc, giọng một ca sĩ mới nào đó tôi không biết và tiếng trẻ con khúc khích cười đùa. Tôi thấy Sohrab, vẫn trong chiếc áo mưa màu vàng, tựa người vào thùng rác, mắt đăm đăm nhìn một cái chuồng dơi rỗng không bên kia công viên.

Một lúc sau, lúc tôi đang chuyện gẫu với một nhà cựu phẫu thuật, người mới nói cho tôi biết ông và Baba từng là bạn học cùng lớp tám, thì Soraya kéo ống tay áo tôi:

- Amir, xem kìa! Nàng đang chỉ tay lên trời. Nửa tá diều đang bay trên cao, lấp lánh các màu vàng, đỏ, xanh lá cây in trên nền trời.

- Thử xem sao, - Soraya nói, lần này nàng chỉ vào một người đang bán diều ở một quầy hàng gần đó.

- Cầm lấy cái này, - tôi nói và đưa cốc trà của tôi cho Soraya. Tôi xin lỗi và bước tới quầy bán diều, đôi giầy của tôi nhóp phép trên cỏ ướt. Tôi chỉ vào chiếc seh parcha 7 màu vàng. "Sawh-e-nau mubabrak" 8, người bán diều nói, lấy hai mươi đô và trao cho tôi chiếc diều với ống tar thuỷ tinh. Tôi cảm ơn và cũng chúc ông ta một năm mới hạnh phúc. Tôi thử dây theo cách Hassan và tôi vẫn quen thử, kẹp dây diều giữa ngón cái và ngón trỏ rồi kéo. Dây đỏ máu và người bán diều mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười đáp lại.

Tôi mang diều tới cho Sohrab đang đứng, vẫn tựa người vào thùng rác, hai tay khoanh trước ngực. Nó đang nhìn lên bầu trời.

- Cháu có thích chiếc seh parcha này không? - Tôi vừa nói vừa cầm chiếc diều ở hai đầu thanh ngang, nâng lên. Đôi mắt nó chuyển từ trên trời xuống nhìn tôi, rồi lại nhìn lên trời. Vài dòng nước mưa nhỏ rỉ từ tóc xuống mặt nó.

- Một lần bác đọc thấy ở Malaysia, người ta dùng diều để câu cá, - tôi nói. - Bác dám cược cháu không biết chuyện đó đấy. Họ buộc dây câu vào diều và thả diều bay trên những chỗ nước nông để diều không in bóng xuống nước làm cá sợ. Cả ở nước Trung Hoa cổ đại, các vị tướng cũng dùng diều bay qua chiến trường để gửi những chỉ thị cho quân lính của mình. Chuyện thật đấy. Bác không bịp cháu đâu, - Tôi chỉ cho nó xem ngón cái đang chảy máu. - Dây tar này cũng không tồi đâu.

Liếc mắt sang bên, tôi thấy Soraya từ lều bạt đang theo dõi chúng tôi, hai bàn tay kẹp vào bên nách. Không giống tôi, nàng đã dần dần từ bỏ ý đồ thu phục nó. Nhưng câu hỏi không được trả lời, những cái nhìn hoang mang trống rỗng, sự im lặng, tất cả đều quá đau khổ. Nàng đã phải chuyển sang "Thế cầm cự" 9, chờ tín hiệu đèn xanh của Sohrab. Đợi chờ.

Tôi nhấp nước bọt vào ngón tay trỏ và giơ lên:

- Bác vẫn nhớ cách bố cháu kiểm tra hướng gió, lấy dép đá tung bụi lên, nhìn xem gió thổi hướng nào. Bố cháu biết rất nhiều mẹo kiểu như thế, - hạ ngón tay xuống, tôi nói. - Hướng Tây bác nghĩ vậy.

Sohrab lau một giọt nước ở dái tai và rê rê hai chân. Không nói gì. Tôi lại nghĩ tới mấy tháng trước khi Soraya hỏi tôi giọng nói của thằng bé nghe thế nào. Tôi đã bảo nàng tôi cũng chẳng còn nhớ gì nữa.

- Đã bao giờ bác nói cho cháu biết bố cháu là người đua diều giỏi nhất quận Wazir-Akhbar Khan chưa? Có thể nhất cả Kabul ấy chứ? - Tôi vừa nói vừa thắt nút đầu dây tar vào dây thòng buộc ở trụ quay. - Bố cháu làm cho trẻ con hàng xóm phát ghen lên. Bố cháu điều khiển diều mà chẳng bao giờ cần phải nhìn lên trời, và mọi người thường nói, cậu ta săn bóng diều. Nhưng họ không hiểu rõ bố cháu như bác. Bố cháu không săn đuổi cái bóng nào cả. Mà chỉ... hiểu rõ thôi.

Nửa tá diều khác đã bay lên. Mọi người bắt đầu tụ tập lại thành từng nhóm, tách trà trong tay, mắt dán lên bầu trời.

- Cháu có muốn giúp bác thả cái diều này không - Tôi hỏi.

Mắt Sohrab chăm chú nhìn chiếc diều rồi nhìn sang tôi. Rồi lại nhìn lên trời.

- Thôi được, - tôi nhún vai. - Xem như bác sẽ phải thả diều một mình vậy.

Tôi giữ cho cân cuộn dây trong tay trái và thả ra khoảng một mét dây nhựa. Chiếc diều vàng đung đưa ở đầu dây ngay trên cỏ ướt:

- Cơ hội cuối cùng này - Tôi nói. Nhưng Sohrab đang nhìn lên, một cặp diều đang mắc vào nhau bên trên những ngọn cây.

- Hay lắm, bác thả đây, - tôi bắt đầu chạy, đôi giày đế mềm của tôi làm các vũng nước mưa bắn tung toé, bàn tay tôi giữ chặt đầu dây diều và giơ cao lên trên trên đầu. Đã quá lâu rồi, quá nhiều năm rồi kể từ khi tôi làm như thế này, và tôi cũng chẳng hiểu liệu mình có làm trò cười cho thiên hạ hay không. Tôi để cho ống cuộn quay trong bàn tay trái trong khi chạy, cảm thấy dây diều lại cứa vào bàn tay phải lúc nó tở ra. Lúc này, chiếc diều được nâng bổng lên sau vai tôi, cất lên, quay như bánh xe, và tôi chạy nhanh hơn. Ống cuộn quay nhanh hơn nữa và dây tẩm thuỷ tinh cứa thêm một vết rạch vào lòng bàn tay phải tôi. Tôi dừng và quay lại. Mỉm cười. Tít trên cao, con diều của tôi nghiêng bên nọ qua bên kia như một quả lắc đồng hồ, nghe như tiếng vỗ cánh của con chim giấy xưa kia, khiến tôi luôn luôn liên tưởng tới những sáng mùa đông ở Kabul. Đã một phần tư thế kỷ tôi không thả con diều nào, nhưng bất ngờ tôi lại trở lại tuổi mười hai và những bản năng xưa kia của tôi ào ạt trở về.

Tôi cảm thấy có ai đó ở gần tôi và tôi nhìn xuống. Thì ra Sohrab. Hai tay thọc vào túi áo mưa, nó đã chạy theo tôi.

- Cháu có muốn thử không, - tôi hỏi. Nó không nói gì. Nhưng khi tôi trao dây diều cho nó, nó rút bàn tay ra khỏi túi. Phân vân. Nắm lấy dây diều. Tim tôi đập nhanh, trong lúc tôi quay ống dây cho dây kịp. Chúng tôi đứng lặng lẽ bên nhau. Cổ ngẩng lên.

Xung quanh chúng tôi, lũ trẻ đuổi nhau, trượt chân trên cỏ. Ai đó đang cho chạy một băng nhạc từ phim Hindu cũ. Một hàng người lớn đang làm lễ cầu kinh namaz buổi chiều trên một tấm vải nhựa trải trên đất. Không khí sực mùi cỏ ướt, mùi khói và mùi thịt nướng. Tôi ước sao thời gian ngừng trôi.

Rồi tôi thấy, chúng tôi có cả một bầy đoàn diều. Một chiếc diều xanh đang sát vào. Tôi dò ra dây diều là của một thằng bé đứng cách xa chỗ tôi khoảng gần mười mét. Đầu nó húi ngắn, nó mặc một chiếc áo phông cộc tay in đậm nét hàng chữ THE ROCK RULES. Nó thấy tôi đang nhìn nó, và nó mỉm cười. Vẫy tôi. Tôi vẫy lại.

Sohrab trả lại dây diều cho tôi.

- Cháu trả lại thật đấy chứ? - Tôi vừa hỏi vừa cầm lấy dây diều.

Nó cầm lấy ống cuộn từ tay tôi.

- Được lắm, - Tôi nói. - Bác cháu mình hãy cho nó một sabagh, dạy cho nó một bài học, phải không?

Tôi liếc nhìn nó. Vẻ vô hồn, trống trải trong đôi mắt nó đã biến mất. Cái nhìn chăm chú của nó lướt đi lướt lại giữa con diều của chúng tôi và chiếc diều xanh. Mặt nó hơi ửng đỏ, mắt nó bất chợt lanh lợi hẳn lên. Thức tỉnh. Sống động. Tôi không hiểu từ khi nào tôi đã quên mất rằng, bất kể mọi chuyện xảy ra, nó vẫn chỉ là một đứa trẻ con.

Chiếc diều xanh đang xoay chuyển.

- Cứ đợi đã, - tôi nói. - Cứ để nó đến sát hơn chút nữa.

Nó nhào xuống hai lần và lén bay về phía con diều của chúng tôi.

- Nào, lao vào. Lao vào diều ta đi, - tôi nói.

Chiếc diều xanh bây giờ đã bay đến sát hơn, lúc này đang vọt lên cao trên con diều của chúng tôi, không biết đó là cái bẫy tôi đã giăng sẵn.

- Xem đây, Sohrab. Bác sắp biểu diễn cho cháu xem một trong những mẹo lừa mà bố cháu ưa thích, cái mẹo nhào lộn cũ rích ấy.

Đứng gần tôi, Sohrab đang thở nhanh bằng mũi. Ống cuộn lăn trong lòng bàn tay nó. Gân tay ở cổ tay đóng sẹo của nó giống như những dây đàn rubab 10. Rồi tôi chớp mắt, và chỉ trong khoảnh khắc, hai bàn tay cầm ống cuộn đã thành hai bàn tay sứt móng, chai sạn của một thằng bé hẻ môi. Tôi nghe thấy một con quạ kêu quạ quạ ở đâu đó, và tôi ngước mắt nhìn. Công viên lung linh tuyết mới rơi, lấp lánh sáng trắng, làm loá mắt tôi. Tuyết lất phất rơi không một tiếng động từ những cành cây như mạ bạc. Lúc này, tôi ngửi thấy mùi củ cải nấu qurma. Những quả dâu tằm khô. Cam chua. Mùn cưa và quả óc chó. Một sự yên tĩnh ấp ủ, một lớp êm đềm tuyệt phủ đang im lìm tuyệt đối. Thế rồi xa xa, vượt qua sự tĩnh lặng, một giọng nói kêu gọi chúng tôi trở về quê hương, giọng nói của một người đàn ông kéo lê chân phải của mình.

Chiếc diều xanh lúc này đang bay liệng ngay trên trên con diều của chúng tôi.

- Nó đang định lao xuống đấy. Giờ thì lúc nào cũng được. - tôi nói và mắt tôi vụt nhìn từ Sohrab lên con diều của chúng tôi.

Chiếc diều xanh ngập ngừng. Giữ thế. Rồi lao xuống.

- Nó đến rồi! - Tôi nói.

Tôi triển khai một cách hoàn hảo. Sau ngần ấy năm trời. Cái hãy nhào-lên-lộn-xuống. Tôi nới lỏng tay và giật dây, nhào xuống và tránh khỏi chiếc diều xanh. Một loạt những cú giật nhanh bên cánh, và con diều của chúng tôi lao lên ngược chiều kim đồng hồ, thành nửa vòng tròn. Bất thình lình diều tôi vọt lên trên. Chiếc diều xanh lúc này đang trườn ra, hoang mang luống cuống. Nhưng chậm quá rồi. Tôi đã thoát khỏi nó bằng trò lừa của Hassan. Tôi giật mạnh và diều tôi bổ thẳng xuống. Tôi gần như nghe thấy, tiếng dây diều tôi cứa vào dây diều nó. Gần như nghe thấy tiếng đứt phựt.

Rồi, đúng vậy, chiếc diều xanh quay quay và mất lái.

Phía sau chúng tôi, mọi người reo lên. Tiếng huýt sáo và tiếng vỗ tay hoan hô vang dậy. Tôi thở hổn hển. Lần cuối cùng tôi cảm thấy một sự trào dâng như thế này là cái ngày mùa đông năm 1975, ngay sau khi tôi cắt hạ chiếc diều cuối cùng, khi tôi thấy Baba trên nóc nhà của chúng tôi, đang vỗ tay, mặt rạng rỡ.

Tôi nhìn xuống Sohrab. Một bên mép nó cong lên, đúng vậy.

Một nụ cười.

Lệch về một bên.

Khó có thể được.

Nhưng lại có đấy.

Phía sau chúng tôi, lũ nhỏ chạy lăng quăng, và một đám đông hỗn loạn những người đua diều la hét, sai đuổi chiếc điều bị đứt đang rơi xuống bên trên những ngọn cây. Tôi chớp chớp mắt và nụ cười biến mất. Nhưng nó đã ở đó. Tôi đã thấy.

- Cháu có muốn bác đoạt chiếc diều đó cho cháu không.

Nó nuốt nước bọt, quả hầu nó nâng lên hạ xuống. Gió làm tung tóc nó lên. Tôi nghĩ tôi đã thấy nó gật đầu.

- Vì cháu, cả ngàn lần rồi, - tôi nghe thấy mình nói thế.

Rồi tôi quay lưng và chạy đuổi.

Chỉ là một nụ cười thôi, có gì hơn đâu. Nó chẳng khiến mọi chuyện ổn thoả. Nó chẳng khiến điều gì ổn thoả. Chỉ là một nụ cười thôi. Một việc nhỏ nhặt. Một chiếc lá trong rừng cây, rung rinh theo đường bay của một con chim giật mình cất cánh.

Nhưng tôi sẽ nắm lấy nó. Với hai cánh tay rộng mở. Bởi vì khi mùa xuân đến, tuyết từng bông một sẽ tan, và có thể tôi sẽ dược chứng kiến bông tuyết đầu tiên tan chảy.

Tôi chạy. Một người đàn ông cùng một lũ trẻ con đang la hét chạy đua. Nhưng tôi không bận tâm. Tôi chạy theo hướng gió thổi vào mặt, và một nụ cười nụ rộng như thung lũng Panjsher trên đôi môi tôi.

Tôi chạy.
--------------------------------


1Ka'bah: Hòn đá đen linh thiêng ở Thánh địa Mecca. 2Aush: Món canh Afghan gồm mì sợi, rau, cà chua dầm, bên trên có kem sữa chua và húng bạc hà. 3Yelda: Những đêm dài mùa đông (phần trên đã nói). 4Maghout: Món ăn. 5Hiện là Tổng thống chính thức của Afghanistan. 6Loya jirga: Quốc hội. 7Seh parcha: Diều. 8Sawh-e-nau mubabrack: Chúc năm mới hạnh phúc. 9Tiếng Anh Holding pattern trong nguyên bản: Lộ trình máy bay phải lượn vòng trên sân bay chờ tín hiệu hạ cánh, tạm dịch: thế cầm cự. 10Rubab: một loại đàn dây của Afghanistan.

Hết
 
Top