Những biểu hiện và điều trị sốt xuất huyết tại nhà

98
0
16

hatenanews

Member
Theo nhận định của các chuyên gia, dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp và đến sớm hơn mọi năm. Dựa trên chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch có thể sẽ kéo dài đến tháng 11. Chính vì vậy, những thông tin về sốt xuất huyết vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm theo dõi của người dân trên cả nước.


Theo số liệu báo cáo từ Cục Y tế Dự phòng đến tháng 8 trên cả nước có hơn 90.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 ca tử vong. 12 quận huyện Hà Nội báo động đỏ dịch sốt xuất huyết vượt TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước số ca mắc sốt xuất huyết với gần 20 nghìn ca mắc.

Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết thông thường đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại các cơ sở y tế. Dưới đây là một số lưu ý trong theo dõi và điều trị sốt xuất huyết tại nhà.



Không phải cứ hết sốt là khỏi bệnh

Theo diễn biến bệnh trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao 39 - 40 độ C, mệt mỏi, chán ăn, đau hốc mắt, đau đầu, đau nhức cơ khớp. Theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất, đa phần bệnh nhân vẫn có thể điều trị ngoại trú và tái khám theo lịch hẹn.

Từ ngày thứ 4 tính từ khi bắt đầu sốt là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao nên thường có tâm lý chủ quan nghĩ rằng bệnh sắp khỏi nhưng đây chính là thời điểm có thể xảy ra biến chứng nặng (xuất huyết não, xuất huyết nội tạng...) cần được theo dõi.

Tìm hiểu thêm: Phòng và điều trị sốt xuất huyết bằng thuốc nam

Sử dụng thuốc thận trọng trong điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị ngoại trú chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm biến chứng xấu nhằm xử trí kịp thời.

Cần theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên. Nếu bệnh nhân sốt cao từ 39 độ C trở lên, phải dùng thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo đang mặc và lau mát bằng nước ấm tránh để sốt quá cao dẫn đến co giật, suy hô hấp…

Lưu ý, thuốc hạ sốt chỉ được sử dụng thuốc có thành phần paracetamol đơn thuần, liều dùng từ 10 - 15mg/kg cân nặng mỗi lần, cách nhau từ 4 - 6 tiếng. Tổng liều thuốc paracetamol không được vượt quá 60mg/kg cân nặng trong vòng 24 giờ. Không được dùng các thuốc hạ sốt có các thành phần như aspirin, ibuprofen... để điều trị vì có thể gây xuất huyết.

Người bệnh không được tự ý truyền dịch tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sỹ. Bệnh nhân có thể bù dịch sớm bằng đường uống như uống nhiều dung dịch oresol, nước cam chanh, ăn thức ăn lỏng...

Các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết cần nhập viện

1. Có biểu hiện bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì.

2. Nôn nhiều.

3. Đau bụng hoặc tăng cảm giác đau.

4. Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn.

5. Xuất huyết: Chảy máu chân răng, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu...

Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tuy 3 ngày đầu tiên với triệu chứng sốt không phải là giai đoạn nguy hiểm nhưng cần lưu ý không để người bệnh sốt cao kéo dài. Thời điểm này cần theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên và có các biện pháp hạ nhiệt cần thiết.
 
Top