Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Chợ côn trùng độc vùng biên ải
31/07/2009 06:43:27
- Lần đầu đặt chân đến các phiên chợ kỳ quái này giữa miền biên ải, nhiều khách đường xa phải rùng mình trước cảnh người ta mua bán các loại côn trùng chết người như bọ cạp, rết, nhện độc… như người miền xuôi bán mớ rau, con cá.

Nhiều năm qua, huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang) được xem là thủ phủ của những ngôi chợ côn trùng nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Các loại côn trùng này đều có nguồn gốc từ Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn).

Càng độc, càng đắt

Mặt hàng côn trùng được nhiều du khách chú ý nhất là những con bọ cạp đen trùi trũi với đôi càng to bè và chiếc đuôi cong vút, nhọn hoắc luôn trong tư thế sẵn sàng kẹp, chích những kẻ nào dám động đến chúng.
Bọ cạp Hải, anh bạn "thổ địa" hồi học phổ thông, cùng đi với tôi bảo: “Bọ cạp có vỏ ngoài rất cứng, đuôi dài chứa nọc độc. Chúng thường ẩn náu dưới những gốc cây mục, các kẽ đá, hoặc những nơi rậm rạp. Ở vùng núi Cấm này, đặc biệt là tại núi Dài và núi Phú Cường, loài này nhiều vô kể”.

Hải chỉ tay về phía một ông khách dáng người bệ vệ đang tần ngần trước hũ ngô công (con rết, có nơi gọi con rít), con nào con nấy bự cành cành, dài cỡ gang tay người lớn.

Chủ hàng lập tức cho một tràng quảng cáo: “Nó cắn một cái là đau thấu trời xanh, toàn thân lập tức chuyển màu tím tái, sưng vù. Nhưng nọc độc mạnh bao nhiêu thì dược tính cũng kinh khủng bấy nhiêu. Ai bị đau nhức, đem ngâm nó với rượu xoa bóp mỗi ngày rất hiệu nghiệm. Hoặc trước mỗi bữa ăn "quất" một ly nhỏ cũng có lý trong ba cái vụ... mỏi gối, chồn chân”.
Ngồn ngộn các loại côn trùng Nghe bà chị dáng người lam lũ “hót” một tăng xong, chừng như không kìm nổi sức hấp dẫn của giống côn trùng có phần gớm giếc kia, ông khách xìa tờ bạc polime mệnh giá cao nhất, hất hàm: “Gói ký cho qua, khỏi thối”.

Đảo khắp chợ, khách còn được chào mời những “chiến binh” côn trùng rùng rợn khác: Nhền nhện đen sì với lông lá tua tủa, ong vò vẽ có nọc độc chết người bay vù vù trong những chiếc túi lưới, kiến càng toàn thân đỏ loét với phần đầu chỉ thấy đôi càng kết xù…

Nếu sợ mấy loài hầm hố này, khách sẽ được đội quân bán mối chúa, bửa củi… chào đón nhiệt liệt.

Của độc cho dân nhà giàu

Để thu hút khách, không ít tiểu thương vô tư biểu diễn màn thọc tay vào thùng vốc hàng nắm bọ cạp, nhện độc mặc cho chúng tha hồ bò trên tay.
Mối chúa Anh Thạch Rin khoe “mỗi ngày mình bắt được khoảng 50 con bọ cạp và hơn chục con rít”, rồi nhoẻn miệng cười: “Ai làm nghề này cũng bị nhện đốt, bọ cạp chích, rết cắn. Bị riết rồi quen. Đau thì có đau nhưng bỏ nghề biết lấy gì bỏ bụng?”.

Bọ cạp từ 2.000-4.000đồng/con, mối chúa 10.000đồng/con, bửa củi 2.000đồng/con, ngô công từ 10.000-20.000đồng/con, giá khá mềm nên các loài côn trùng kể trên được nhiều du khách vui vẻ móc hầu bao rinh về bồi bổ hoặc làm quà tặng người thân.

“Tính từng con thì tưởng rẻ nhưng một hũ rượu côn trùng muốn dùng được phải tậu hàng trăm con với nhiều loài khác nhau. Do vậy chỉ dân có tiền mới chơi mấy thằng này nổi” – một tiểu thương côn trùng tên Kim, cho biết.

Kim khoe: “Mỗi ngày tôi thu vô trên 500 con nhện độc và ngần ấy bọ cạp, bửa củi. Hôm nào trúng mối, nhất là mấy ông đi xe hơi, tui bán trong giờ là hết sạch”.

Ngồi gần đấy, thấy chúng tôi quan tâm đến các thương vụ giao dịch côn trùng, một chị tên Châu xởi lởi: “Khách hàng chủ yếu là dân du lịch đến từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền ngoài. Mỗi khi xe đổ bãi, khách ào xuống giành nhau mua dữ lắm, bán không kịp luôn. Mới hôm qua tui bán cho một ông khách Sài Gòn hũ bọ cạp với mối chúa gần 2 triệu đồng lận đó. Chưa hết đâu nghen, ổng còn đặt cọc bảo tui gom hàng, hẹn tuần sau xuống lấy”.

Ngon nhức nhối, bổ thấu trời?

Xuyên suốt chợ biên giới Tịnh Biên, chúng tôi được biết ngoài chợ côn trùng Tịnh Biên (xã Xuân Tô), Tịnh Biên còn có trên 10 điểm bán côn trùng và còn nhiều nhà hàng, quán ăn chuyên kinh doanh các món hàng độc sơ chế.
Nếu không thích “hàng” tươi sống hoặc ngâm rượu, khách có thể thưởng thức các món mối chúa nướng, nhện hấp hoặc bọ cạp chiên giòn béo ngậy được quảng cáo là “ngon nhức nhối, bổ thấu trời”.

Anh bạn đồng nghiệp cùng tham gia chuyến thực địa, chia sẻ thông tin: “Bà con người Khmer ở vùng này thường uống rượu ngâm côn trùng và ăn thịt để điều trị một số bệnh thông thường. Nhiều người thấy vậy cũng bắt chước mua bọ cạp về ngâm rượu hoặc chiên ăn.

Vì thế một góc chợ Xuân Tô hiện trở thành khu ẩm thực côn trùng tấp nập. Vào những ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần, khách đổ về đây lai rai côn trùng đông lắm”.

Tại một nhà hàng côn trùng dưới chân núi Cấm, nhìn hai người đàn ông đang say sưa thưởng thưởng món bọ cạp chiên bơ vàng ươm, tôi tới làm quen.

Một ông phốp pháp vui vẻ tiếp chuyện: “Đây là món ăn vừa ngon vừa bổ, trị được chứng nhức mỏi, đau lưng, đau khớp. Dân thành phố ai đến cũng gọi món này. Chưa hết đâu nghen, bọ cạp mà đem ngâm rượu được xem là tiên dược cho mấy chú em hom hem đó! Nếu cái "khoản đó" có vấn đề, dùng khoảng 1 tuần rượu bọ cạp đảm bảo sẽ trở thành đại lực sĩ” (?!)

Người dân ở đây cho biết, người ta “thần tượng” các loài côn trùng có nguồn gốc từ Thiên Cấm Sơn vì tin rằng do sống gần các vị chư thần, hấp thụ nhiều linh khí của trời đất nên toàn thân chúng là kho dược liệu quí giúp bồi bổ sức lực, chữa khỏi nhiều chứng bệnh mãn tính, kể cả nan y.
Ông Lê Thành Công - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tịnh Biên:
“Việc lạm bắt côn trùng này đã làm cho hệ sinh thái vùng núi Cấm bị hủy hoại nghiêm trọng. Bọ cạp, tắc kè, rết, ngô công… là những loài côn trùng có ích. Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó, rừng Núi Cấm không còn những loài này?”.

Lương y Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội đông y huyện Tịnh Biên:
“Việc dùng mối chúa chỉ nghe từ kinh nghiệm dân gian. Riêng về bọ cạp y học vẫn còn đang nghiên cứu. Chưa có cơ sở gì để chứng minh những loài này chữa bệnh khó nói của đàn ông hay bệnh bác sĩ chê gì cả. Vì vậy không thể vì những lời đồn thổi vô căn cứ mà lạm dụng bừa bãi. Thuốc bổ, nếu sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng chẳng khác gì thuốc độc”.

  • Thành Dũng
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

Chợ chuột lớn nhất Việt Nam
27/07/2009 14:54:57
- Đây là phiên chợ kỳ khôi ở An Giang, chuyên bán mấy "anh tý" phá hoại ruộng đồng mà nông dân trên khắp mọi miền hễ nghe tên là “sợ”.


"Chợ đầu mối" chuột của cả nước

Trên đường đưa tôi đến đại bản doanh của mấy “anh tý”, bác tài xe ôm tên Bình giọng hào hứng: “Chợ chuột Phù Dật tọa lạc tại ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Từ nơi đây, chuột “chạy” loạn xạ, chạy liên tỉnh, chạy xuyên quốc gia mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi với khối lượng ước tính khoảng 5 tấn/ngày.

Chuột được bày bàn như một loại thực phẩm thông thường. Nằm bên dòng kênh Phù Dật rộng lớn ven Quốc lộ 91 đông người lại qua, chợ chuột diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Trên bến dưới thuyền, cảnh vận chuyển, mua bán chuột làm huyên náo cả một vùng quê.

Vừa đặt chân vào Phù Dật, chúng tôi gặp nhiều thanh niên khệ nệ, tíu tít ôm khiêng những chiếc lồng, giỏ sắt đựng đầy chuột đi nghênh ngang khắp mọi ngóc ngách.

Được cả làng tôn là “vua chuột” vì có thời gian gắn bó với nghề lâu và bắt được nhiều chuột nhất, anh Khánh Duy, kể chuyện: “Gia đình bên vợ vốn là khách hàng chung thủy của vựa chuột nhà tôi. Sau nhiều năm giao chuột, thấy bả (chị Thu Giang) nhanh nhẹn, tháo vát, tui kết.

TIN LIÊN QUAN
Lấy nhau rồi, hai đứa đứng ra thuê xe tải thu gom chuột từ các tỉnh về Phù Dật. Đến nay tính ra cũng đã có 16 năm tuổi nghề rồi. Ngày cao điểm, vợ chồng tôi thu gom 2-3 tấn chuột là bình thường”.

Theo chị Mình, một trong những “đại gia” chuyên thầu chuột ở chợ: “Mức giá trung bình 20.000 đồng/kg chuột hơi là khoản thu lý tưởng thôi thúc ngày càng nhiều nông dân ở khắp Đồng bằng sông Cửu Long đổ xô săn chuột. Có nhiều người thậm chí vượt sang biên giới Campuchia tuyển chuột về”.

“Vua chuột” Khánh Duy từng có thời gian dài sống ở Campuchia, thành thạo tiếng bản địa và đường đi lối lại nên anh cũng thường xuyên sang tận Công Pông Chàm và thủ đô Phnôm Pênh để thu mua chuột. Anh bật mí mỗi ngày, mùa cao điểm (từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch), bạn hàng ở Campuchia cung cấp cho Phù Dật từ 1,5 - 2 tấn chuột sống.

Từ Phù Dật, chuột được xé lẻ lạ khắp các chợ nhỏ, hàng quán đặc sản trên khắp cả nước.

Cuộc sống trông cả vào... chuột

Dân xóm chuột cũng rành đặc tính của từng giống chuột, rành giá cả lên xuống nhưng khi hỏi thăm “Chợ có từ bao giờ?” thì chẳng ai trả lời cụ thể. Một bà cụ lúc đang mổ chuột thuê cho một chủ vựa bộc bạch: “Ông già tui trước cũng làm nghề này, bây giờ đám con cháu cũng gắn đời, sống nhờ chuột. Tính ra vùng này có ít nhớt 4 đời được chuột nuôi ăn nuôi lớn rồi đấy”.

Nếu khách có nhu cầu, người bán sẽ đập chết chuột giao cho bộ phận “hậu cần” mần thịt Sau khi được gom về Phù Dật, chuột sẽ được làm thịt. Việc “mần” thịt chuột hoàn toàn thủ công. Người thợ kinh nghiệm có thể bắt đầu bằng việc loại đầu, tứ chi, rạch bụng, lột da, bỏ ruột và làm sạch hoàn tất một con chỉ trong vòng chưa đầy một phút.

Chị Bình, một “công nhân” chuyên mổ chuột, tâm sự: “Nghề này thu nhập không cao nhưng được cái quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có việc làm. Thu nhập của dân mổ chuột không phải tính ký mà tính con. Tụi em làm ăn theo sản lượng, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Dân chuyên làm thịt chuột như em kiếm mỗi ngày bốn, năm chục ngàn. Cũng sống được”.

Thu nhập của dân săn chuột cao hơn dân mổ chuột rất nhiều. Ông Sáu Xẹm, có thâm niên hơn 20 năm rập chuột, cười khà khà khi nói về thu nhập: “Ai có sức khỏe, có kinh nghiệm và chịu khó thì một ngày thu vô vài ba trăm ngàn dễ như cạn ly rượu đế”.

Tính, một thợ săn chuột sau khi rít điếu thuốc cháy dở e hèm: “Lúc chuột vãn mùa (mùa lũ, chuột rủ nhau “di cư” sang các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn hoặc các vùng có nhiều đê bao), nếu có sức chạy theo nó thì thu nhập khá lắm. Khổ nổi chạy theo chuột cực lắm”.

Chuột chữa lang ben, hắc lào

Trưởng “ấp chuột” Bình Chiến, ông Nguyễn Duy Lộc cho biết, chợ chuột Phù Dật nói riêng và làng chuột Phù Dật nói chung có tổng cộng 670 hộ dân, trong đó đã có trên 300 hộ chuyên sống bằng nghề săn bắt, mua bán, hoặc làm thịt chuột. Nhờ chuột mà tỷ lệ hộ nghèo cần giúp đỡ ở địa phương hầu như không đáng kể.

Nghề “làm chuột” giúp giải quyết nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ địa phương Với cư dân chợ chuột, chuột là đặc sản, tuy có “nhan sắc” gớm giếc nhưng nếu biết chế biến sẽ cho ra những món ngon nhớ đời như chuột luộc cơm mẻ, chùa khìa nước dừa, chuột nướng lu, chuột trộn mít non…

Người làng chuột còn truyền nhau bài thuốc “gia truyền” chữa lang ben, lác, hắc lào từ thịt chuột cống lang rất hiệu nghiệm, chỉ cần chế biến tùy thích và ăn vào là khỏi?!

Nhiều du khách khi đến tham quan Phù Dật thường tìm đến các quán đặc sản chuột thưởng thức món “chuột trinh nữ kén chồng”. Để làm món này, đầu bếp chọn ra những nàng chuột non tơ, làm thịt và ướp thịt với các gia vị.

Tiếp đó, lần lượt cho nấm mèo, thịt heo ba chỉ, gan heo, đậu xanh nguyên vỏ dồn vào bụng chuột rồi khâu lại. Công đoạn cuối cùng là chiên cho thật vàng rồi sắp vào nồi đất, đổ nước dừa tươi lấp xấp nấu cho đến khi sền sệt. Món ăn hoàn tất có hương vị thơm ngon, béo ngậy.

  • Thành Dũng
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

Góc lạ về Chợ đêm phố cổ
16/07/2009 20:29:02
- Cũng giống như các chợ khác họp có phiên có buổi, Chợ đêm phố cổ họp vào ngày cuối tuần thứ 7 chủ nhật, từ lúc chập tối. Chợ nằm giữa trung tâm thủ đô, trong khu phố cổ sầm uất, dọc theo chiều dài hai con phố Hàng Ngang và Hàng Đào, chạy suốt tới chợ Đồng Xuân.
Chợ kéo dài gần 2km hết hai con phố...
.......và chạy dài tới chợ Đồng Xuân.
Chợ là sự kết hợp của những gian hàng di động, được tháo lắp gọn nhẹ, cơ động.
Chợ ưu tiên tuyệt đối cho người đi bộ, cấm mọi loại xe.
Buôn bán ở đây chủ yếu là những hộ gia đình trong phố.
Có rất nhiều mặt hàng lạ mắt.
Những chiếc đĩa sứ in tranh phố cổ là mặt hàng lưu niệm đẹp nhất.
Đủ cả Tây, ta vào mua hàng.
Lật đật bằng len là món hàng bán chạy. Giá của nó là 15 nghìn đồng/1 cặp. Cửa hàng chị Thu mỗi tối bán được khoảng 70 cặp.
Các bạn trẻ thường sính những món hàng độc.
Với những nét độc đáo của mình, chợ đêm đã trở thành điểm đến của rất nhiều du khách dịp cuối tuần.
  • Huấn Cao
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

Ngày ngày sửa xe đạp, cuối tuần đi chợ tem
13/07/2009 18:42:36
- “A, đây rồi! Ông đã đi tìm mày qua mấy phiên chợ đấy”. Ông già 70 tuổi cười rạng rỡ, dùng nhíp nhẹ nhàng gỡ con tem lên ngắm nghía, cưng nựng.






Phiên chợ đơn sơ Nhưng ông không phải mất công trả giá cho con tem đã mong đợi bấy lâu. Ông rước nó về bộ sưu tập với giá 4.000 đồng.

Chợ mở vào sáng chủ nhật hàng tuần, khác với phiên chợ chính do công ty tem tổ chức vào chủ nhật đầu tiên trong tháng ở số 14 Trần Hưng Đạo.

Những mảnh văn hóa mong manh

9h sáng, anh Phạm Hào xếp hai bộ bàn ghế nhựa ra vỉa hè trước cửa nhà, số 160 Triệu Việt Vương. “Chợ” họp trên cái diện tích bằng hai mặt bàn ấy. Gọi là chợ nhưng mà không gian yên tĩnh như là phòng tranh. Không hề có cảnh la ó, chèo kéo.

Sau màn chào hỏi vồn vã, những vị khách tự động tìm ghế ngồi nhâm nhi bên ly cafe và chăm chú ngắm nhìn những con tem được xếp hàng trong album hoặc chúi đầu vào nhau bình luận về thị trường tem, xu hướng chơi, “con” nào đang lên ngôi, tem nào đang là mốt.

Say sưa với tem Anh Phạm Hào, người sáng lập nên chợ tem này từ năm năm nay, là nhà sưu tập tem có tiếng ở đất Hà thành. Ban đầu, anh cùng bạn bè là những người yêu thích tem lấy quán cafe gần nhà làm nơi tụ họp. Rồi giới chơi tem kéo đến đông, họ chọn nơi đây làm nơi trao đổi, mua bán tem và thành tiếng chợ tem lúc nào không biết.

Giá trị của những con tem thường phụ thuộc vào những dấu ấn lịch sử văn hóa mà nó mang theo. Nhìn vào một con tem, người ta có thể nhìn thấy cả thời đại khi con tem ra đời. Anh Phạm Hào ví dụ, con tem đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam, phát hành vào năm 1946, in sơ sài trên giấy thủ công, thời đó lại chưa có bàn đột răng mà phải dùng máy khâu để tạo răng.

Chính vì vậy, những con tem này hình thức rất xấu nhưng bây giờ loại tem này được định giá rất cao.

Hoặc như bộ tem “Mạc Thị Bưởi”, khi phát hành, toàn bộ số tem để tại một bưu cục ở Hải Dương. Tem mới ra đời được vài ngày, ít người biết đến thì bị máy bay Mỹ ập đến đánh bom làm cháy toàn bộ số tem in ra.

Tem bán ở chợ được gài thành từng bộ có ghi sẵn giá. Tem chơi được phân làm hai loại: tem sống và tem chết. Tem sống là tem chưa qua sử dụng, còn tem chết là tem có đóng dấu nhật ấn. Giá tem chơi cũng rất mềm. Tem lẻ chỉ 1 nghìn đồng – 2 nghìn đồng/chiếc. Tem lẻ dán trên phong bì đã qua sử dụng giá cao hơn cũng chỉ 6 nghìn đồng-7 nghìn đồng/chiếc.

Sửa xe đạp chơi tem

Bác Lương bên con tem có hình lãnh đạo Liên Xô. Sáng chủ nhật hàng tuần, bác Lương, 73 tuổi đạp xe từ Khâm Thiên đến Triệu Việt Vương để họp chợ tem. Bao giờ bác cũng là một trong những người có mặt ở chợ sớm nhất. Sưu tập tem từ lúc 13 tuổi, đến bây giờ bác đã có hơn 1 nghìn tem.

Hằng ngày, bác Lương vẫn dành dụm những đồng tiền còm cõi từ công việc sửa xe đạp để cuối tuần đến đây họp chợ. Vừa rút tiền mua con tem in hình vị lãnh đạo Liên Xô cũ, bác Lương nói vui, “mình nghèo đi vì tem nhưng mỗi khi tìm được con tem đang lùng là thấy yêu đời ngay!”

Nhân vật quan trọng của chợ tem, anh Phạm Hào từng lặn lội đi tìm ba người từng được lên tem Việt Nam mà vẫn còn sống: dũng sỹ diệt Mỹ Võ Thị Mô, anh hùng Phạm Tuân và Thượng tướng Phan Trung Kiên, đương kim Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Những người tham gia chợ tem từ những ngày đầu không những “biết mặt chỉ tên” nhau mà họ còn hiểu sở thích, chuyên môn của nhau. Có người chuyên sưu tập về hoa, cây cảnh; có người chuyên sưu tập tem của những nước không còn trên bản đồ thế giới (Đông Đức, Tây Đức, Liên Xô cũ, Nam Tư)...

Tôi gặp ông Đỗ Việt Tuấn, là hoạ sỹ thế hệ thứ ba vẽ tem ở Việt Nam, nay đã nghỉ hưu. Ông Tuấn hiện đang giảng dạy ở trường đại học Mở Hà Nội. Ông đến cũng đến họp chợ để tìm những mẫu tem độc đáo phục vụ công tác giảng dạy và vui mừng sở hữu con 8 con tem với giá 15 nghìn đồng!


  • Hy Na
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

Đi chợ bán một góc con người
11/07/2009 16:33:23
- Với nhiều phụ nữ trẻ vùng cao Lào Cai, nuôi tóc dài rồi bán cũng mang lại một nguồn thu nhập kha khá.




Sơn nữ bán tóc mua quần bò

Chợ trung tâm huyện Bát Xát theo lệ thường lại tấp nập, ồn ã vào ngày thứ bảy hàng tuần. Ngơ ngẩn giữa hàng trăm kẻ bán người mua là Chảo Kiến Mẩy, dân tộc Dao, 18 tuổi, trú tại thôn Sùng Bang, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai.

Để đến chợ vào lúc 8 giờ sáng, Mẩy đã phải chẻ một bó đuốc lớn từ chiều ngày trước và thức dậy từ lúc 4 giờ sáng lóc cóc bộ hành.

Cũng muốn đi chợ thường xuyên nhưng bận việc ruộng nương nên hôm nay mới là lần thứ hai Mẩy được xuống chợ huyện. Nhà Mẩy có 7 anh chị em, Mẩy là con thứ 2, nhà nghèo lắm nên việc xuống chợ là khá xa xỉ.

Ở tuổi của Mẩy, các cô gái trong vùng đã có chồng hoặc con bồng bế nhưng cũng một phần do nhà nghèo mà Mẩy chưa có bạn trai, đến mơ một bộ quần áo đẹp cũng không có nữa là.

Hôm nay xuống chợ Mẩy cũng phải mượn chiếc quần bò và chiếc mũ vải của đứa bạn. Trong túi Mẩy có ít tiền tích cóp được, ăn liền một mạch mấy que kem loại 1.000 đồng và 2 cốc chè thập cẩm mà trong túi chỉ còn mấy ngàn đồng.

Đứng trước các cửa hàng quần áo, dày dép, mỹ phẩm Mẩy cứ tần ngần nên quýnh cả bước chân.


Đang mải miết ngắm một chiếc áo phông màu cà chua chín Mẩy chợt giật mình khi có bàn tay đặt nhẹ lên vai: "Bán tóc đi em, lấy tiền mà mua sắm!". Đứng cạnh Mẩy lúc này là hai người phụ nữ tuổi trạc trung tuần, tay cầm mớ tóc dài và khoác trên tay chiếc túi xách đựng lùng nhùng những tóc.

Mẩy đang loay hoay và chưa kịp hiểu vấn đề thì một trong hai người phụ nữ nở nụ cười kéo gần sự thân thiện: “Hai trăm ngàn nhé, thừa mua chiếc quần bò xịn đấy”. Chưa hết ngỡ ngàng thì người phụ nữ chìa ra 3 tờ bạc 1 trăm ngàn sắc lạnh khiến Mẩy gật đầu như một cái máy.

Mái tóc đen, bồng bềnh và dài quá hông của Mẩy trong phút chốc đã trở thành món hàng hoá kiếm lời cho hai người phụ nữ mua tóc dạo. Không có dấu hiệu nào về sự tiếc nuối và chỉ ít phút sau gặp lại chúng tôi đã thấy Mẩy lúc này đang chọn mua một chiếc quần jean trong cửa hàng quần áo giữa chợ phiên.

Tóc người chết!?

Lân la hồi lâu chúng tôi cũng được làm quen với chị Vân, cư trú tại thị trấn Bát Xát, người có gần 7 năm buôn bán tóc. Chị Vân có mặt ở hầu hết các phiên chợ trung tâm thị trấn Bát Xát, chợ Trịnh Tường, chợ Mường Hum và thậm chí là các chợ Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

Phần đông phụ nữ vùng cao hiện vẫn để tóc dài và có lẽ ít sử dụng các hoá dược, mỹ phẩm nên tóc phụ nữ vùng cao đen, mượt và dài là tiêu chí hàng chất lượng của thợ mua tóc.

Chị Vân cho biết, bán tóc thường là những cô gái trẻ, theo phong tục người vùng cao, các cô đã có chồng không dám bán tóc nếu chưa có sự đồng ý của chồng hoặc bố mẹ chồng. Trong khi đó các cô gái trẻ thường bán tóc để phục vụ nhu cầu mua sắm, làm đẹp cho bản thân.

Ngoài chị Vân, chợ trung tâm huyện Bát Xát ngày phiên nào cũng có khoảng 5 đến 7 người mua tóc dạo. Buổi sáng sớm đứng canh cổng chợ, đợi người phụ nữ nào có mái tóc dài đi qua thì hỏi mua.

Gần trưa thì xách túi dạo quanh chợ, có thể ai đó cần tiền để mua hàng hoá sẽ bán tóc. Mỗi buổi chợ phiên chị Vân mua được khoảng 12 đến 15 bộ tóc.

Chị Vân (trái) với 7 năm thâm niên buôn tóc
Để sống được nhờ nghề kinh doanh độc đáo này thì kỹ nghệ chào mời của chị Vân phải khá sành sỏi.

Chị Vân cho rằng, không mấy người có ý định bán đi mái tóc dài đã chăm sóc, gìn giữ nhiều năm để thu về vài trăm ngàn. Vì vậy phải làm “công tác tư tưởng” để họ ngỡ rằng với dáng dấp, khuôn mặt của mình để tóc ngắn sẽ phù hợp và “mốt” hơn.

Kế đó là kỹ nghệ “đốn tỉa”, cần luồn kéo bên dưới lớp tóc để cắt tỉa sao cho khi nhận tiền rồi người mua tóc vẫn cảm thấy tóc mình vẫn dài ngang vai. Kinh doanh nhiều năm nên chị Vân còn rất sành trong việc xác định chất lượng tóc.

Có những người cắt tóc từ nhà mang ra chợ bán (thường gọi là tóc chết) nên chị Vân căn cứ vào độ nhung và lớp nhũ để biết được tóc đã cắt bao lâu, thậm chí có phải tóc cắt từ mái đầu của người đã chết hay không.

Thợ buôn tóc thường mua xô từ 200 đến 500 ngàn/ bộ tóc tuỳ theo độ dày, đen mượt và độ dài nhưng tối thiểu tóc cũng phải chớm thắt lưng, mua theo cân với giá 120 đến 200 ngàn/lạng.

Với tóc đã cắt quá 1 tháng, chị Vân chỉ mua từ 10 đến 15 ngàn đồng/mớ. Đầu ra của mặt hàng tóc tại Lào Cai hầu hết là hướng tới thị trường Trung Quốc.


  • Cao Cường
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

Phiên chợ cóc bạc tỷ một thời...
05/07/2009 07:05:37
- Cuối tháng 6/2009 vừa qua, công chúng Hà Nội đã được chiêm ngưỡng viên ruby thuộc loại khủng nhất trên thế giới, nặng 18,88kg, tìm thấy ở Yên Bái.

>>


Thông tin này đã làm không ít người ngạc nhiên, bởi giờ đây, “Vương quốc đá quý” từng sánh ngang với những vùng đá trứ danh nhất của Myanmar này đã thưa dần cảnh nhộn nhịp người xe.
Đá quý trong dạ dày gà vịt
Như một phiên chợ cóc Ngay từ xa xưa, tại khu vực hồ Thác Bà, đã tồn tại một địa danh có tên là Chợ Ngọc, mà ngày nay cái tên chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của những người già, vì địa danh này giờ đây đã nằm sâu dưới hàng chục mét nước của lòng hồ.
Những người già ở đây vẫn thường kể lại cho con cháu về một thời mà tại lòng những con suối bắt nguồn từ dãy núi Con Voi thường nằm lăn lóc những hòn đá màu sắc rực rỡ, to như quả trứng gà, người ta thường nhặt về cho trẻ con chơi.
Thậm chí, nhiều khi giết gà, vịt, người ta vẫn thấy những viên đá đỏ như màu máu nằm lẫn sỏi đá trong dạ dày của chúng.
Ông Nguyễn Quốc Dân - Chủ tịch hội đá quý tỉnh Yên Bái kể lại, vào những năm 80 của thế kỷ trước, vùng đất Lục Yên là nơi tập trung của rất nhiều mỏ khai thác vàng, đặc biệt là khu vực của núi Nước Ngập.
Trong quá trình tìm vàng, người ta thấy lẫn rất nhiều những viên đá đủ mầu sắc nhưng khi đó tất cả đều chỉ quan tâm đến việc tìm kiếm các vảy vàng nên đều bỏ đi...
Đến năm 1990, một số thương nhân người Thái Lan biết tiếng Việt và am hiểu về đá quý đã tìm đến và hỏi mua những viên đá người dân kiếm được… Từ đó, vùng đất này trở thành huyền thoại…
Lửa thử vàng, lấy gì thử đá?
Chế tác tranh đá quý ở thị trấn Lục Yên Nổi danh suốt từ giữa thập kỷ 1990, cho đến giờ, phiên chợ đá quý duy nhất trên đất Việt giờ chỉ lèo tèo kẻ mua người bán.
Nếu không để ý đến tấm biển "Chợ đá quý huyện Lục Yên" được treo ở cổng đường chính thì khó ai có thể biết rằng, một khoảng sân nhỏ gần năm chục mét vuông bên hông cửa hàng bách hóa thị trấn Yên Thế (thuộc huyện Lục Yên) lại chính là chợ đá quý lừng danh một thời.
Không giống như cái tên sang trọng của nó, chợ đá quý Lục Yên chỉ đơn giản như một chợ cóc, nằm lẫn cả trong các hàng bán rau quả. Cả chợ có chừng chục sạp hàng, mỗi sạp là một chiếc bàn nhỏ chưa đầy một mét vuông.
Những viên đá được bày bán trên mặt bàn với đủ màu sắc khác nhau: đen, hồng , đỏ, xanh, saphia và cả những loại đá chưa qua chế tác vẫn còn nguyên sơ, xù xì, với giá chỉ khoảng 5 – 6 chục ngàn mỗi viên.
Có những quầy bán cả các vụn đá để làm tranh. Nhưng thường, các sạp hàng bày bán những viên đã qua chế tác, mài giũa hình khối để phù hợp làm đồ trang sức như mặt nhẫn, mặt dây chuyền, bông tai…

Nhìn chung, giá đá quý phụ thuộc vào mấy yếu tố “hình, sắc, chất thanh” hoặc “độ cứng, màu sắc và hiếm”.
Đối với ruby, dân chơi ngọc thích và cũng là quý nhất là loại ruby trong suốt “máu bồ câu, thứ đến là các màu cam, đỏ tía, tím và hồng, và thấp nhất là đá đen, đá có độ cứng càng cao thì càng quý.
Trên thực tế, những viên đá có giá trị trăm triệu đồng từ lâu đã không xuất hiện tại chợ đá. Ở chợ, giá giao dịch cao nhất cũng chỉ từ 5 đến 7 triệu đồng. Theo anh Lâm, một người có thâm niên trên mười năm trong nghề mua bán đá quý: “Đá có giá trị chủ yếu bán thẳng cho những tay buôn rồi đưa đi các nơi, còn chợ đá quý giờ đây chỉ được coi như là nơi mua bán nhỏ lẻ hoặc trao đổi thông tin về đá thôi.”
"Trước đây, người ta đi chợ mang cả chục triệu, trăm triệu mua bán như thường. Giờ chợ vãn đi nhiều, khách đi xem là chính”.
Chị Dung, một người bán hàng lâu năm tại chợ cho biết: "Trước kia chợ rất ít hàng giả nhưng những năm trở lại đây, nhiều kẻ gian đã tìm cách lừa người mua”
Thủ thuật lừa đảo này thực ra khá đơn giản: Chẳng hạn, nếu muốn có hồng ngọc, thì dùng đèn khò nung đá trong môi trường oxy hóa, cộng thêm một ít crom. Tương tự, cho một hàm lượng titan và sắt nhất định sẽ có ngay viên bích ngọc.
Chị Dung cho biết thêm, thật ra đây là những cách “thổi” đá quý thô sơ nhất, nhưng vàng thau lẫn lộn, nên có kẻ nhiều khi bỏ hàng chục triệu mua đá mà vẫn bị hớ…
Với người mua dày dặn kinh nghiệm, họ thường mang đèn pin chuyên dụng để soi. Đèn có bóng hội tụ và tia cực tím. Khi soi đèn, đá có độ khúc xạ ánh sáng mạnh có hình sao, trong, không có vết rạn là đá chất lượng tốt.
Tuy nhiên, theo chị Dung, “đèn chỉ đánh giá được độ trong của đá, trong khi viên đá sau khi được “thổi” có màu sắc, độ trong còn chuẩn hơn đá tự nhiên”. Cho nên, cách duy nhất chính xác để xác định đá tự nhiên hay nâng cấp là đưa đến các trung tâm giám định.
Nhuốm máu dân đen, phù trợ đại gia

Anh Hải, một dân buôn đá có mặt tại chợ đá quý từ rất sớm, để “tìm một viên theo đặt hàng nhưng chưa tìm được viên nào đạt yêu cầu”, cho biết ngoài mục đích “khẳng định đẳng cấp”, nhiều đại gia còn muốn đá giúp làm ăn hanh thông, hoặc tăng khả năng “ông uống bà khen”.
“Ấy là chưa kể, nếu nhiều người còn cầu kỳ lựa chọn màu đá theo cho hợp với mệnh (thổ, kim, mộc, hỏa, thủy), hợp tuổi, thậm chí hợp cả tháng sinh nữa”, Hải nói.
Giá cả một viên đá rất vô cùng, vì viên này hợp với kẻ này nhưng lại khắc với người khác, hoặc như dân chơi đá hay đồn thổi, là nhiều viên đá chọn người chứ không phải người chọn đá.

Đâu vàng, đâu thau...? Tâm sự về nghề đá, anh Hải cho biết “Những năm 1980, có những người đổi đời vì đá quý, họ mua mấy cái nhà, sắm cả ô tô lượn thị trấn, rồi chuyển về thành phố sống nhưng số may mắn đó ít lắm. Đi 10 chỉ được 1, 2 người trúng còn lại thân tàn ma dại trở về”.
Tại thung lũng Cổng Trời, nơi được đánh giá là “thủ phủ” của vương quốc đá quý Lục Yên, người ta dùng mìn phá đá, sau đó dùng búa tách đá quý từ đá gốc. Cả một vùng thung lũng đã tan hoang, nham nhở như vừa trải qua một cuộc chiến tranh, trắng xóa một màu bụi đá.
Triệu Phúc Thành, một thanh niên người Dao 21 tuổi bảo tôi: “Hầu như năm nào cũng có người chết vì đá lở ở bãi đá gốc này”. Rồi Thành chỉ vào túi nilon đang cầm trên tay, quệt tay lên gương mặt trắng xóa nhễ nhại mồ hôi và bụi đá bảo tôi: “Họ khai thác trên đỉnh, bọn em ở dưới này mót đá thôi. Chỗ này em về bán đá vụn cũng được đôi ba trăm”.

Ngoài viên Bảo Hồng Ngọc nói trên, Yên Bái cũng là nơi hai viên ruby từng giữ kỷ lục lớn nhất Việt Nam, hai báu vật quốc gia, được tìm thấy.
Viên Ngôi sao Việt Nam nặng 2.58kg, được tìm thấy năm 1997, và hiện được coi là báu vật Quốc gia, một mảnh vỡ nhỏ của viên này được bán đấu giá năm 1999 với giá 290.000USD), viên còn lại nặng 1.96kg.
Các mỏ ruby thuộc tỉnh Yên Bái nằm rải rác dọc theo quốc lộ 70 kéo dài từ thị xã Yên Bái lên huyện lỵ Lục Yên.


  • Nguyễn Thị Hiền Trang
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

Phiên chợ "trăm bảy mươi thác trăm ba mươi ghềnh"
03/07/2009 07:19:30
- Chợ có từ bao giờ không ai biết, nhưng cứ mùa lũ về là hàng chục tàu, thuyền của người Kinh hàng hóa đầy khoang lại ngược dòng sông Đà lên buôn bán, trao đổi vật phẩm với đồng bào các dân tộc Mường, Dao, Mông... trên núi xuống.





Cơm nắm ăn kèm nước phở

Khác với vô số chợ nổi ở các con sông, kênh rạch của vùng miệt vườn miền tây Nam Bộ, phiên chợ nổi trên sông Đà chỉ "nổi" một lần trong năm khi mùa lũ đổ về từ tháng tư đến tháng bảy.

Lán hàng kéo dài từ bờ lên chân núi. Chợ Cáo là cách gọi của người Mường, có nghĩa là chợ Gạo, nằm ở bến Khủa thuộc đất Mộc Châu, Sơn La. Hai ngày cuối tuần, người đi nườm nượp như trảy hội. Thấp thoáng trên những sườn đồi núi là những người gùi ngô, lợn, dê.... xuống bán. Phiên chợ lao xao với đủ các từ lạ: ún, eng, nọng, thoong,… của đồng bào dân tộc.

“Đi buôn ở đây còn khó hơn buôn ở nước ngoài, phải giỏi hàng chục “ngoại ngữ”, anh Hải, buôn các mặt hàng xô, chậu, gương, lược cho biết. “Nhiều lúc nghe đồng bào nói hoa hết cả mắt, vì nhiều thứ tiếng khác nhau quá”.

Chị Tô Mai Lan, quê ở Hà Tây, bán thuốc Tây, nói “đồng bào mua nhiều nhất là thuốc đau bụng, và thuốc sốt rét. Nhưng loại thuốc thông thường nhất họ cũng thường không nhớ được tên thuốc và cách dùng, nên mình phải hướng dẫn rất cụ thể. Có người lần đầu tiên mua thuốc đau bụng, phiên chợ sau đến tận nơi cảm ơn, bảo: Cái viên thuốc bé tí mà giỏi nhỉ”.

Chị Hà Thị Mến, dân tộc Dao vừa bán được một con gà rừng, vừa cười vừa kể lại: “Năm mươi sáu nghìn một con gà rừng, mình mua được một cái lược, với một cái cuốc… Phải năn nỉ anh bán hàng mới bán cái cuốc này với giá rẻ đấy…Còn phải mua cái lưới đánh cá cho thằng chồng nữa, nó bẫy được con gà mà”.

Hỏi sao không đi chợ huyện mà lại đi chợ nổi, Mến cười hiền khô, khoe hàm răng vổ: “Đi bộ ra chợ huyện lâu lắm, mỏi chân lắm. Đi chợ sông chỉ mất năm nghìn tiền đi thuyền thôi, chỉ mười lăm phút là tới nơi”.

Ở bên cạnh, vừa bỏ nắm cơm ra khỏi tay nải, một anh chàng người dân tộc Tày bảo: Phở thì ngon, nhưng mà một bát được ít quá, tao phải mang cơm nắm theo, không thì đói. Cơm nắm chấm với nước phở ăn cũng ngon mà”.

Hà bá sông Đà

Một góc chợ Chú Hai - một chủ tàu bán buôn tại bến chợ nổi trên sông Đà ngót nghét đã chục năm lý giải thêm: "Đồng bào các dân tộc ở dọc sông Đà hoặc nằm rải rác vùng Kênh những tháng nước lũ tràn về cũng là mùa ngô thu hoạch.
Thời tiết mưa to gió lớn, đường đi lên và xuống núi hiểm trở. Khi lũ tràn về, nước thường lên cao ngấp nghé chân núi, tàu thuyền chở hàng hóa sẽ lên theo, khi neo đậu ở bờ lập tức vận chuyển nhanh hàng hóa lên lán”.

Lũ càng to, chợ càng đông vì bà con không thể đi chợ bằng đường bộ. Nước dâng lên cao đến đâu chợ nổi theo đến đó, cứ chạy dọc theo sông Đà mà họp, từ bến Khủa lên Vạn Yên đến Mường Sại, Tạ Khoa, Song Pe, Chim Vàn, Đá Đỏ, Pắc Ngà, Tà Hộc…

Ngày 15 hàng tháng, các tàu buôn nghỉ chợ để gom hàng hóa đã trao đổi chất lên xe tải nối đuôi nhau trên trên những con đèo dốc, ngoằn ngoèo đưa về thành phố Hòa Bình hoặc các cơ sở sản xuất ở các tỉnh thành khác.

Chợ Cáo gồm hơn hai mươi chiếc tàu, thuyền hàng hóa của các gia đình người Kinh từ mạn Phú Thọ, Hòa Bình... theo con nước lũ sông Đà ngược lên.

Chiếc tàu chiếm vị trí kiên cố,dễ buôn bán nhất ở bến với vô số hàng hóa, biển hiệu quảng cáo trên nóc, lá cờ phấp phới trông cũng rất... rình rang là tàu buôn Long Phát. Tàu này được các chủ tàu, thuyền ở bến phong là " tàu buôn cái" bởi thâm niên bán buôn vào loại lâu nhất tại phiên chợ Cáo, nhiều vốn lắm hàng và buôn bán đắt khách nhất.



San sát thuyền buôn
Mái tóc bạc gần hết, dáng người to béo, môi đỏ màu trầu, bà Long chủ "tàu buôn cái" ở chợ Cáo kể chuyện với chúng tôi : " Hơn chục năm trước, chỉ có hai vợ chồng chúng tôi cùng với dăm tàu nữa từ Hòa Bình ngược sông Đà bán hàng cho các xóm lao động, đồng bào dân tộc sinh sống dọc con sông này. Năm này sang năm khác số tàu hàng neo tại bến Khủa này ngày một đông”.

Một thời sóng xô, đá nhảy

“Lúc chưa có thủy điện Hòa Bình, chỉ có những thuyền buôn nhỏ mới luồn lách được qua những bẫy đá dăng khắp nơi trên sông Đà, để đưa hàng phục vụ cho các bản làng khắp vùng Tây Bắc. "Đường lên Mường Lễ bao xa - Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh". Hồi ấy, mỗi chuyến đi mất cả tháng, thuyền đâm vào đá, bị sóng xô, bị xoáy cuốn mà chìm đắm không biết bao nhiêu mà kể", bà Long nhớ lại.

Lớn lên cùng chợ.
Có tàu thuyền là một tổ ấm mới được xây như vợ chồng chị Gái. Cả hai vợ chồng đều gắn bó với dòng sông hung vĩ này từ khi mới lọt lòng, chị Gái là con của một gia đình xóm Vạn Chài, anh Chồng ở xóm Củi, cả hai xóm nhỏ đều ven sông Đà, cách Hòa Bình chừng 80km về phía thượng nguồn).

Vừa day day mảng chiếu đã sờn rách vừa nhìn ra mặt sông vời vợi chị Gái nói: “Anh nhà em nói cưới xong hai vợ chồng về thành phố làm công nhân, nhưng em bảo mình đã sống quen trên thuyền rồi, đời bố mẹ hai bên vẫn mưu sinh bao năm giữa chòng chành nước lũ ở con sông này bằng nghề chài lưới, vớt củi.

Hai vợ chồng em mua thuyền, thời gian đầu nhập ít hàng khô, quần áo vào bến chợ Cáo buôn bán. Hết phiên chợ Cáo, hai vợ chồng tiếp tục dong thuyền lên mạn ngược Sơn La buôn bán, trao đổi cho đồng bào dân tộc trên đấy.”

Tại bến chợ Cáo cũng có những tàu là một gia đình mà nghề buôn bán trên sông được truyền từ đời này sang đời khác như tàu nhà ông Tư, quê Phú Thọ. Nhiều chủ tàu hàng là anh em họ hàng trong cùng dòng họ với nhau, tàu này cạnh tàu kia, nhà nhà sát vách như ở làng vậy. Rằm tháng 7 là phiên chợ Cáo kết thúc, họ cùng dong thuyền về quê xum họp với gia đình.

Đêm rằm tháng tư, trăng sáng vằng vặc, trên bến Cáo, xen lẫn tiếng côn trùng là tiếng cười rúc rích của đám thanh niên, tiếng sáo và tiếng hò vọng lên từ một tàu hàng.


  • Đặng Tinh Tinh
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

Nửa đêm, đi mua chiếu ở "âm phủ"
02/07/2009 06:32:07
- Được gọi là chợ ma, hay chợ âm phủ, chợ chiếu Đồng Bằng thuộc địa bàn xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình họp vào ngày 4 và 9 hàng tháng.






Cái tên có thể làm người yếu bóng vía toát mồ hôi của chợ là do chợ họp từ nửa đêm đến rạng sáng và chỉ bán duy nhất một mặt hàng, chiếu trắng (còn gọi là chiếu mộc).

Không ai biết chợ chiếu đêm có từ bao giờ.

Phụ nữ bán hàng, đàn ông... sờ và soi

Người bán phần lớn là phụ nữ, trong khi thương lái chủ yếu đàn ông. Mới hơn 12 giờ đêm, từ hai ngả của quốc lộ 10 đã nườm nượp xe với những cột chiếu vắt ngang cồng kềnh. Chủ yếu là xe đạp. Người ít cũng 4 – 5 đôi chiếu, người nhiều 7-10 đôi. Họ từ các xã An Dục, An Tràng, An Vũ, An Quý… đổ về đây

Anh Nguyễn Khắc Quân, một người dân sống gần chợ Đồng Bằng cho hay: “Nhiều đêm, tôi tưởng có cãi nhau hay trời sáng rồi. Chẳng ai than phiền vì ồn ào cả”.

Hôm nay chợ đông tới hàng trăm người bán, chủ yếu là phụ nữ. Ngả chiếu xuống, các chị ngồi nói chuyện về giá đay, giá cói, đồng áng, chồng con… Có chị ngả lưng xuống chiếu cho đỡ mệt.

Chị Nguyễn Thị Song (50 tuổi, ở An Tràng) là một trong những người đến sớm nhất, đưa tay chỉ mấy chị đang đứng bên cạnh: “Toàn người làng cả đấy. Đường xa, mấy chị em rủ nhau đi cho đỡ sợ. Mấy anh đàn ông, người thì đi xây, cửu vạn, người ở nhà lại sợ mất giấc ngủ nên chúng tớ tự đi lấy”.

Đúng 2h chợ họp. Không ai bảo ai, mọi người đứng cả dậy, dựng chiếu lên, xếp thành những hàng thẳng. Khách mua chiếu chỉ dùng duy nhất loại đèn mỏ rất sáng đế soi chiếu.

15 năm nay, phiên chợ chiếu nào, anh Hoàng Giáp Hải cũng có mặt. Anh giở mấy cặp chiếu ra xem: “Chiếu mua về sẽ đem in rồi đưa đi các nơi. Lâu năm trong nghề rồi nên chỉ cần nhìn qua là biết chiếu đẹp hay xấu. Chiếu đẹp là chiếu dày, bóng, trắng cỏ (cói), cứng chiếu, dệt đều tay. Còn chiếu xấu thường dệt mỏng, ít cỏ và xanh.

Chiếu tre, chiếu trúc… không ảnh hưởng gì đến chiếu ở đây vì chiếu cói vẫn dễ nằm hơn: mát, êm, và lại không bị lạnh với những người già như chiếu trúc”.

Chợ Đồng Bằng không bán chiếu máy, chỉ bán chiếu dệt tay. Riêng xã An Lễ chỉ có 2 cơ sở dệt chiếu máy, họ không đem chiếu ra chợ bán mà chủ hàng sẽ đến tận nhà lấy. Mỗi ngày dùng máy dệt được cả trăm chiếc chiếu. Nhưng chiếu máy chỉ bán lên vùng sâu, vùng xa, ít người chuộng, Hải cho biết.

Người dệt chiếu thủ công chọn cỏ kỹ và đều hơn, lại dùng sợi (đay) để dệt nên chiếu bền và đẹp, người dệt khéo còn thấy cả hoa trên chiếu. Trong khi đó, chiếu máy dệt bằng chỉ, cách dệt không linh hoạt, cỏ thường nên mềm hơn và nhanh hỏng.

Mảnh đời trên manh chiếu cói

"Chẳng ai than phiền vì ồn ào cả" Bà dệt chiếu, mẹ dệt chiếu, đến đời chị Thuấn (ở An Tràng) cũng lại dệt chiếu. “Ngày xưa con gái lấy chồng phải tự dệt chiếu cưới cho mình. Đảm hay vụng người ta nhìn chiếc chiếu là biết. Những chiếc chiếu này đã nuôi nhà mình mấy đời rồi”.

“Nhưng đến giờ dệt chiếu giờ chỉ dành cho người có tuổi, không đi đâu được thôi. Thanh niên không đi học cũng đi làm may. Thằng con chị học lớp 10, nó bảo: Chết con cũng không theo nghề dệt chiếu”.

Có nhiều loại chiếu: rộng 1.2m, 1.4m, 1.5m, 1.6m Chiếu đẹp có giá 200.000 đồng – 230.000 đồng/đôi.

Trung bình mỗi ngày, hai người dệt được một đôi chiếu. Mỗi lá chiếu, người dệt lãi từ 20.000 đồng – 50.000 đồng. “Làm chiếu vất vả lắm. Dệt ình ịch cả ngày mới được một đôi, công sá chẳng bao nhiêu, lại phải lo trăm thứ. Sáng 4 giờ dậy lo lợn gà cám bã rồi ngồi vào khung dệt. Tối dệt xong phải ghim kết, nhặt cỏ (cói) đến tận 10 giờ. Ngày có chợ phiên lại lọ mọ chở chiếu đi bán”, chị nói.

Cuối góc chợ, một người phụ nữ đang soi đèn, lần giở từng lá chiếu của chị Nga (ở An Lễ), trả 180.000 đồng/đôi, còn chị kỳ kèo 190.000 đồng/đôi. Chị thở dài: “Bán thế làm sao được giá, không có công. Mọi hôm chiếu của chị đắt nhất chợ, toàn 210.000 – 230.000 đồng/ đôi”. Cuối cùng, chị quyết định ôm chiếu về chờ đến phiên sau.

Ngồi sát mấy chị đang đứng ôm đay, chú Nguyễn Tới (ở An Vũ) gà gật. Thi thoảng mới có người ngồi xuống hàng bánh rán của chú. “Hôm nào bán chiếu đắt người ta mới ăn nhiều. Hôm nay chắc phải mang về”, chú Tới chép miệng than thở.

“Giờ mọi thứ đều đắt đỏ. Riêng đường từ năm ngoái đến năm nay đã lên mấy nghìn một cân. Bánh bán cũng khó hơn ngày trước”.

Chợ chiếu – Chợ tình

Đi lúc nửa đêm, về lúc trời sắp rạng. Nhiều cuộc tình đã đơm hoa kết trái từ chợ chiếu đêm Đồng Bằng. Anh Đinh Đăng Bắc (ở thôn Đồng Phúc, xã An Lễ) kể, năm 20 tuổi, anh gặp vợ lần đầu tiên trong một phiên chợ đêm.

Ngỏ lời thương với cô gái người An Vũ – đất dệt chiếu có tiếng ở Thái Bình, những phiên chợ đêm biến thành những buổi hẹn hò của hai người. Về làm vợ anh, chị mang theo cả những bí quyết gia truyền của nghề dệt chiếu theo.

25 chung sống, anh chị vẫn gắn bó với nghề dệt chiếu, coi đó là nghề mưu sinh chính của gia đình. Chiếu của vợ chồng anh bao giờ cũng hết sớm nhất chợ bởi khách mua đã biết tiếng, cứ đến lấy và trả tiền.

Với gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi, ở An Vũ), hơn 40 năm dệt chiếu cũng là chừng ấy năm ông chở bà đi đi về về các phiên chợ chiếu. Thuở thanh niên, họ cùng nhau dệt chiếu rồi mang chiếu sang chợ Đồng Bằng bán.

Thói quen ấy vẫn duy trì đến bây giờ, khi ông bà đã ở tuổi “cổ lai hy” và có với nhau 5 mặt con. Đứng trầm ngâm chờ bà bán chiếu xong, ông lại chở bà khi trời sắp rạng.


  • Tưởng Hồng Ninh
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

Sống bán tro tàn, chết chìm cùng tro
29/06/2009 07:09:02
- Bà Kết khuân hết 4 bao tro lên thuyền rồi hú gọi mấy chị em phường chợ tro rẽ sóng hướng về chợ Nồi Rang.


LTS: Chợ là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt Nam. Nhiều vùng đất có những phiên chợ độc đáo, không thể gặp ở nơi khác. Bee khởi đăng loạt bài: "Những phiên chợ độc nhất ở Việt Nam".

Nồi Rang bán tro bếp

Trừ người dân xã Duy Nghĩa, còn hầu hết các xã vùng Đông của huyện Duy Xuyên, Quảng Nam muốn đi chợ Nồi Rang đều phải đi ghe qua sông Thu Bồn.

Mỗi bao tro lãi được độ vài nghìn. Thành thử, để bán được tro, bà Kết cùng chị em từ Duy Vinh phải qua đò từ sáng sớm. Còn người dân làng rau Trà Quế, TP Hội An, hay người trồng rau tứ xứ, muốn mua tro về bón cũng phải đi qua bến đò Cửa Đại hoặc cầu tre ông Diệu. Phiên chợ tro này hình thành cũng được độ hơn ba chục năm rồi.

Ông Sáu Hộ mở dây neo nơi gốc cây bần, bập một hơi thuốc rê rồi nổ máy ghe. Hôm nay cuối tuần nên người đi chợ đông, bến đò Nồi Rang huyên náo, dù khói sóng còn toả trên mặt sông mờ ảo.

Ông thong thả kể cho tôi nghe sự tích của ngôi chợ đặt biệt của Quảng Nam này. Chợ Nồi Rang hình thành cách đây 300 năm, nằm bên bến đò. Hồi ông còn đang trẻ, nhìn từ bờ sông xã Duy Vinh qua, chợ vẫn nằm ngay bến đò.

Nhưng theo thời gian, thượng lưu sông Thu Bồn cũng không còn dòng chảy nguyên sơ, vào mùa mưa nước chảy dữ lắm. Nên chợ được chuyển về trên thôn Ba, rồi được xây mới.

Chuyển địa điểm nhưng phần hồn của chợ được giữ nguyên nên người dân vẫn giữ lại cái tên cũ Nồi Rang. Khu bán tro nằm ở trong cùng chợ Nồi Rang. Ngày đông có đến vài chục người bán, ngày mùa thì mươi người, dăm bảy người.

“Không hiểu có duyên kiếp gì không, nhưng giữa cái tên Nồi Rang và tro bếp rõ ràng rất kết với nhau”, ông Sáu Hộ nói.

Bàn tay nối đời hốt tro

"Mai mốt cũng về với tro thôi". Chợ tro chưa bao giờ nghỉ, trừ bão lũ thiên tai và đám giỗ bà Hai Thôn, người khai sinh ra phiên chợ đặc biệt này, nay đã trở thành người thiên cổ vì sinh nghề tử nghiệp. Người lớn tuổi nhất của chợ tro là bà Võ Thị Kết, “hậu duệ” đời thứ nhất của bà Hai Thôn.

Trời đột nhiên lắc rắc mưa. Tôi khuân dùm mấy bao tro để không và quang gánh cùng mấy người phụ nữ lam lũ chui vào trong cái chòi của chợ. Bà Kết nhìn tay tôi rồi lắc đầu: “Số chú có lẽ cũng lận đận. Giống tay tui, ngón đã ngắn, thô, lại còn hở hoác”.

Tay bà Kết ngắn, nhăn nheo, móng bị đùi trơ, đen sạm. “Bả nói rứa thôi, nghề chú sao mà khổ được, chỉ có bọn tui chiều chiều úp mặt vô bếp người ta đến tôi mới về. Hốt tro riết nó mòn tay, tro nóng có, tro nguội có nên bàn tay nó chai sần”, chị Đoàn Thị Tiến vừa cười đã ho. Chị mới có 45 tuổi, trẻ nhất chợ.

“Đó, lam lũ cả đời, nghèo chẳng sợ nữa mà sợ cái bệnh lao phổi kìa. Ngày mô cũng hít tro cho đen mũi rồi cũng chết sớm”, bà Kết lườm lườm chị Tiến nghiêm nghị. Cả bốn người đều tự khai, ai cũng mắc cái bệnh nghề nghiệp này.

“Hàng hóa” tại chợ được thu gom từ các xã quanh vùng. Những người buôn tro chiều nào cũng đi từng nhà gom tro, có nhà cho không, cũng có nhà phải mua. Chừng 20 chục bếp được một bao tro, mỗi bao 10.000 đồng.

Bà Kết miệng bập thuốc rê, đàn bà có tuổi của xứ Quảng vẫn thường vậy, hai tay ục vào bao đong tro cho khách. Mỗi khi phải nheo mắt do bụi bay lên, khuôn mặt sương gió của bà lại lộ rõ những vết nhăn nheo ngang dọc.

“Ăn thua gì chú, đi hốt tro một buổi chiều được độ 4 bao, trả cho chủ bếp vài ba chục nghìn, trả thêm tiền ghe qua chợ nữa còn lời độ ba chục. Đó là ngày nắng, chứ mưa thì ít lắm, lũ lụt thì chẳng có một xu”.

Năm nay 65 tuổi, bà đi chợ bán tro hồi mang bầu thằng cả, giờ nó 31 tuổi rồi. Tuổi nghề của bà bằng tuổi đời của nó. Bà, cũng như mấy chị em của hàng chợ tro, đều không có ruộng.

"Mai mốt cũng về với tro thôi"

Bà Nguyễn Thị Hường (60 tuổi) chua chát về bệnh tật: “Bệnh không phải nan y nên có sao. Chết như bà Hai Thôn mới tội”.

Tôi hỏi về bà Hai Thôn thì được kể lại: cái nghề này giờ gắn bó với người dân xã Duy Vinh, nhưng là được truyền từ Duy Thành, quê hương bà Hai Thôn. Vào cái thời khốn khó, khi bà Kết, bà Hường, bà Thái chẳng biết làm gì để đắp đổi qua ngày thì bà Hai Thôn gặp và rủ đi bán tro.

Gắn bó được độ hơn hai chục năm thì bà Thôn chết, không phải do tuổi già, cũng chẳng phải bệnh tật mà vì mấy bao tro. Hôm đó, bà qua xã bên hốt tro, về đến giữa dòng thì trời tối, lại gặp mưa rào. Tro ướt, người ướt, vào gần đến cây bần cổ thụ thì cần đạp thuyền mắc phải dây rớ, tròng trành rồi ụp vào vùng nước xoáy.

Người nhà đi tìm, thanh niên trong xóm lặn tìm chỉ thấy con thuyền gỗ và bao tro đầy hự chìm gần bến đò thôn 1 xã Duy Thành. Xác bà, gần một tuần sau mới thấy nổi dưới Cửa Đại, cách nhà gần chục cây số.

Từ đó đến nay, mỗi năm cứ đến đám giỗ bà Hai Thôn là cả phường tro nghỉ không bán, tập trung đi lên Duy Thành lo lắng mọi thứ.

Mặt trời cao lên độ con sào, với cái vía trong nghề, bà Kết và bà Nguyễn Thị Hường đã bán gần hết 8 bao tro cho người dân làng rau Trà Quế, người trồng đậu, trồng khoai ở phía Duy Phước.

“Chú biết làng rau Trà Quế bên Hội An chứ, chừng nào nó còn thì nghề bọn tui còn. Chỉ sợ cuộc sống sướng dần người ta không dùng bếp tro nữa thôi. Bán hết sớm hay hết muộn mà thôi chứ chưa bào giờ ế hàng cả”, bà Nguyễn Thị Thái vừa hốt tro vãi dưới đất vừa nói chuyện.

“Quen rồi, bán thứ ni chẳng ai cạnh tranh cả. Mơ giàu có làm gì, đủ ăn là được, mai mốt cũng về với... tro thôi. Bọn tui mà nghỉ thì chợ Nồi Rang cũng mất hồn”, bà Hường nói.

Phường chợ tro lúi húi cột lại bao bì, quang gánh, qua đò về nghỉ ngơi chiều đi hốt tro. Họ đứng dậy ra về, bãi chợ tro để lại một khoảnh đất chai sần. Sạch hơn các quầy chợ khác.


  • Trần Xuân Lộc
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

Chợ bán món hàng không ai dám sờ
30/06/2009 06:42:44
- Nằm trên địa bàn xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chợ này không có phiên, họp trong từng nhà. Người bán hàng không nói thách.
>> Sống bán tro tàn, chết chìm cùng tro
Không có chuyện ngồi giãi thẻ ra bới chọn, nâng lên đặt xuống như tất thảy các mặt hàng khác. Chợ này bán mặt hàng đặc biệt: Rắn.
Cuộc tình tập thể dài cả tuần
Đôi vợ chồng này đang "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt". Mỗi hang rắn cách nhau bằng bề ngang của một viên gạch. Ông chủ rắn Kim Văn Học đi trước. Tôi thận trọng đặt từng bước sau ông, chỉ sợ sảy chân, tụt xuống những cái cửa hang bằng nan ọp ẹp...
Bước chân đặt tới đâu, những tiếng “phì, phì” bên dưới hang rắn phát ra đến đấy, như những tiếng thở dài dữ dội. Pha lẫn tiếng “ phì, phì” là “sệt sệt, sệt sệt”, tiếng của những cô cậu rắn hổ mang tuổi trưởng thành quệt bụng xuống nền hang tối, trườn bò.
Vợ anh Quyết đang bắt bệnh cho một con rắn. Ông Học bảo: “Đấy là chúng nó cảm nhận thấy có “hơi lạ”, thấy nguy hiểm nên “phì phì” đấy. Loài này, nếu không bị tấn công, nó lành lắm, cả ngày cũng chẳng có tiếng động to. “Đứa” nào đau ốm, cũng phì phì thế, nhưng chủ yếu chỉ là đau bụng đi ngoài là chính thôi. Nghe mấy tiếng thở phì phì của chúng nó là biết ngay nó đang khoẻ hay bệnh”.
Trong gian nhà tối, ông Học dẫn tôi đi một vòng trên mấy trăm miệng hang rắn. Mỗi hang là một con hổ mang.
Tôi hỏi ông, có khi nào lũ rắn ồn ào hơn không? Ông Học cười lớn bảo: “Chúng nó ồn ào nhất là vào mùa sinh sản tháng 4 tháng 5 âm. Có những con rắn cái rất ghê gớm, kênh chuồng, phá chuồng, rồi tuyệt thực. Con đực cũng nghỉ ăn có khi mấy tháng liền để đòi giao phối”.
Mùa sinh sản, rắn có thể làm tình tập thể cả bầy hoặc từng cặp đôi với nhau. Trong tự nhiên, vào mùa ve sầu tấu lên khúc nhạc tình khiêu khích, là lúc cả bầy rắn quấn vào nhau. Hàng trăm nghìn con rắn xoắn quấn, quẫy, ngoáy liên tục không rời trong cả búi lùng nhùng nhiều ngày liên tục.
Nếu có bắt gặp hai con đang dính đuôi vào nhau tình tự, tuyệt đối không được tách hai con ra mà phải mang cả hai con nguyên trạng thái như vậy về. Nếu kéo hai con ra là cả hai con sẽ chết.
Ông Học bảo: “Chim con đực rất sắc, có gai. Mà cái giống này nó làm tình dai, nếu sốt ruột kéo ra là đứt, chết tất”.
Con trai ông Học bắt ra sân một con hổ mang đực, lại bắt ra một con hổ mang cái nữa, ông Học chỉ vào hai con rắn dưới sân cười dí dỏm: “ Đôi vợ chồng này cơm không lành, canh không ngọt từ năm ngoái đến giờ. Con cái này từ chối quan hệ vợ chồng với con đực. Có lẽ, con đực này đã làm cái gì đó cho nó phật lòng”.
Ngủ chung với rắn
Ông Học thăm đàn rắn con. Đúng là làm nghề rắn, nên những giấc mơ của những ông chủ rắn cũng toàn liên quan đến rắn. Ông Kim Văn Học kể, ở làng ông, có một ông cứ cho rắn vào túi áo, cho ngủ chung. Loài rắn bắt chuột này cũng lành, nhưng lại cứ hay mổ vào mắt. Còn ông thì hãi, chẳng dám cho rắn ngủ chung bao giờ.
Nhưng có lần, ông mơ thấy một nàng bạch tiên rắn, áo quần lấp lánh trắng tinh, dưới ánh trăng xuất hiện đẹp diệu kì. Cốt cách hình dáng xinh đẹp chưa từng thấy. Sau giấc mơ không lâu, tự dưng rắn nhà ông nở ra một bầy toàn rắn đại bạch, thân tròn, mình trắng toát, quý vô cùng.
Anh Nguyễn Văn Quyết thì kể: Mình toàn mơ thấy rắn khoẻ đẹp, cứ hàng bầy, hàng đàn nhiều lắm, như đại quân ấy. Có lần, mơ thấy rắn về dạy làm thuốc chữa bệnh giúp người, dạy chữa cả những bệnh nan y. Tỉnh dậy, tìm kiếm trên mạng, thấy có tài liệu nói về loài rắn cạp nong mình vừa mơ có tác dụng chữa bệnh tiền ung thư, con cạp nia có thể cho cao chữa bệnh thần kinh tọa khỏi hẳn thật
Bà Năm Biên ở thôn 4 năm nay đã ngoài 80 tuổi. Nước da bánh mật săn chắc. Hàm răng đen cứ ánh lên mỗi khi bà cười. Nói đến rắn, bà hồ hởi: “Ngày xưa, ông cụ sinh ra tôi mỗi tuần một lần đem rắn ra Hải Phòng bán cho một ông Hoa Kiều vượt biển mang sang Hồng Kông, Trung Quốc.
Hồi đó bắt tự nhiên, nhặt trứng rắn to bằng cái chén, mỗi con đẻ tới 15, 20 quả, đem luộc ăn bở bở giòn giòn như trứng gà hoặc đập trứng rắn thêm lá lốt rán ăn. Thời kháng chiến cứ nhặt trứng cho hàng xóm. Mãi sau này mới nuôi rắn, cho ấp nở".
Tôi đến trang trại nhà anh Nguyễn Văn Quyết. Một trong những hộ chăn nuôi rắn lớn nhất Vĩnh Sơn. Toàn trang trại có một thứ mùi rất đặc trưng: ngai ngái, tanh tanh, lại hơi nồng nồng. Vợ anh Quyết nói đó là mùi rắn.

Món hàng không bao giờ được sờ

Khách hàng đến đây chỉ dám nhìn. Khách đến đây có thể là người trong nước, ở làng Lệ Mật, Hà Nội tới mua rắn về chế biến món ăn đặc sản. Có thể là người ở các xã lân cận như Tân Tiến, Đại Đồng, Bình Dương tới mua rắn giống. Có thể là người Trung Quốc, Hàn Quốc.
Khách đến mua đặc biệt không mặc cả. Chỉ cần nói yêu cầu, chủ hàng phát giá, khách hàng cứ thế mà gật đầu. Hàng hoá được chủ hàng bắt ra, đóng bao. Khách cũng không bao giờ sờ mó hay chọn tới chọn lui.
Họ cũng không bao giờ ầm ĩ, ồn ào, vì sợ làm kinh động đến lũ rắn nuôi vốn hiền lành hơn loài rắn hoang, nhưng cũng sẵn sàng tổng tấn công khi nguy biến. Khách đến chợ có khi là tò mò, không phải để mua bán.
Những vị khách du lịch nước ngoài thường rất thích thú khi được đến đây tham quan, nhìn ngắm, và đặc biệt là được thưởng thức những sản phẩm từ rắn như rượu rắn, cao rắn... Đây là chợ rắn đầu mối lớn nhất miền Bắc, xuất bán rắn giống, rắn thành phẩm và các sản phẩm chế biến từ rắn.

Theo thư tịch cổ, Sơn Tang ( tên cổ của Vĩnh Sơn) là một làng săn bắt, chăn nuôi, thuần dưỡng rắn độc và chế biến các sản phẩm từ rắn lâu đời và được duy trì, truyền lại cho tới ngày nay.

Năm 2008: Có 700 hộ nuôi rắn, sản lượng đạt 100 tấn. Ấp nở khoảng 350.000 con rắn. Giá trị từ rắn ước tính 19-20 tỉ đồng mỗi năm.


  • Việt Nga
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Những phiên chợ độc nhất Việt Nam

i chợ mua anh hùng, bán tiểu nhân 01/07/2009 06:19:37
- Ngoài chợ tình Sa Pa, chợ ngựa Bắc Hà, chợ trâu Cán Cấu… đã lừng danh, Lào Cai còn có một phiên chợ đặc biết khác: Chợ mi chiến ở Mường Khương.

TIN LIÊN QUAN
Phiên chợ êm tai nhất Việt Nam
Chăm chú nhìn, chọn. Nằm ở ngoài rìa của chợ Mường Khương, khu mi chiến ngày Chủ nhật nằm khiêm tốn bên những vạt hàng xén, hàng thổ cẩm sặc sỡ, những rổ ớt quả tươi đỏ rực, những mớ cải nương xanh mướt…
Khó khăn lắm tôi mới len vào được đến nơi vì “không có chim đẹp thì không được vào cổng này” như lời của các “tay chơi” ở đây.
Người đến chợ, dù mua hay bán, cũng không thể nào cáu gắt, bởi những tiếng chim họa mi lảnh lót, vang rền cả một góc phố huyện. Chim mới bẫy được nhốt chung vào một lồng, còn lại mỗi con có một “nhà” riêng.
Giá mỗi chú mi tùy theo các tiêu chuẩn như hót hay, đá giỏi, và mã đẹp. Con vừa bẫy, chưa được thuần dưỡng thì khoảng 100.000 đến 200.000 đồng, con vừa vừa khoảng 700.000 đến 800.000 đồng. Còn bình quân là một triệu đồng trở lên.
Chim vừa bẫy được Nói về màu sắc, thì hoạ mi trắng là hiếm nhất. Ông Hảng Sùng Diu, người Mông Tả Ngải Chồ (Mường Khương) “khoe”: Tôi đã 3 lần mua và bán loại chim mi trắng rồi đấy. Nó rất đẹp, hót hay, tìm mua rất khó. Từ mấy năm trước tôi có mua được và đã bán cho khách Trung Quốc, con được giá nhất là trên 1.000 tệ (2,7 triệu đồng tiền Việt).
“Có những con đổi cả con ngựa cũng không mua được” như con hoạ mi hiện giờ của ông Triệu Tắc, người Hoa, chơi chim từ khi còn là thiếu niên 14, 15 tuổi, nay đã ngoài 80.
Mặc dù do thi đấu nhiều, chim hoạ mi của ông đã hỏng một bên mắt, có người trả 5 triệu đồng, song ông không bán vì theo ông “nó hót vẫn hay và đá vẫn khoẻ”.
Nhưng kỷ lục về giá chim ở đây phải kể đến con hoạ mi của ông Diu – 12 triệu đồng. “Đó là con hoạ mi vô địch ở lễ hội Say Sán – tết năm 2009 vừa qua” - Ông Diu cho biết.
Tại chợ mi, những tín đồ của thú chơi tao nhã, tinh tế và công phu này cũng có thể trao đổi chim cho nhau. Anh Thào A Sàng, người đã vượt gần 60 km đường từ TP. Lào Cai để đến chợ chim, vừa đổi con mi cũ của mình lấy một con khác.
“Mình phải “các” thêm ba trăm nghìn cho con chim này. Hơi đắt, nhưng mà thích rồi thì không tiếc”.

Anh hùng đã quát là im re hết!
Luận về chim Theo những dân chơi họa mi ở chợ, để bẫy được họa mi, người ta phải dùng chim mồi. Giống mi vốn sống theo đôi ở những “lãnh thổ” riêng, dù nhỏ, nếu có sự xâm phạm, các chàng mi sẽ phải kịch chiến để giành hoặc giữ giang sơn, trước sự chứng kiến của các người đẹp. Cuộc chiến thường diễn ra qua hai bước, trước là đấu bằng giọng hót, sau bằng vũ lực.
Dựa vào tập tính đó, người ta bẫy họa mi bằng con mồi đã được huấn luyện kỹ, nhốt trong lồng sập. Chỉ cần chạm vào cần bẫy, con mi đã bị bắt.
Ông Triệu Tắc cho biết: Họa mi thường có tròng mắt màu thiên thanh, con nào màu nâu đã là quý, nhưng cực quý phải kể đến những con tròng mắt màu lửa. Nếu có thêm “ngũ trường” (mỏ, cổ, thân, cánh và chân dài), thì vô địch.
Chim được bẫy từ rừng về, lúc đầu thuần dưỡng rất khó khăn, phải liên tục gần gũi nó, đi đâu cũng phải mang theo bên mình cho chim quen hơi.
Một trong những phương pháp “kinh điển” để thuần dưỡng họa mi là khi đi làm nương, chủ chim cởi áo, phủ lên lồng, để chim quen mùi mồ hôi.
Sau khi thuần dưỡng được rồi phải để ý chế độ ăn uống của chim: chim có béo, tròn, căng, hót mới hay. Hoạ mi ưa sự sạch sẽ, cứ 2 ngày phải tắm cho nó một lần. Nếu không được tắm, chim sẽ hót ít và không muốn oánh nhau.
“Võ” của chim thì không cần phải dạy. Mỗi con một kiểu khác nhau, con bóp mỏ đối phương, con thì bóp cổ…. “Có con ra đòn hiểm độc, như rút lưỡi đối thủ, có con chơi kiểu “anh hùng mã thượng, ra đòn thẳng thắn, con khác lại “oánh” kiểu tiểu nhân…” – anh Thái, một dân chơi chim cho biết.
“Có những con chim mang khí độ anh hùng tới mức, chỉ cần cất tiếng quát, đối thủ đã im re, nép vào góc lồng, mất hết nhuệ khí chiến đấu”.
Những người già ở Mường Khương còn cho biết: Từ khi người Mông biết xuống chợ phiên thì cũng là lúc ở Mường Khương có một góc bán hàng dành riêng cho những người chơi chim, nhất là giống chim họa mi. Góc này thay đổi theo từng mùa: cứ nơi nào có nhiều cây, nhiều bóng mát thì nơi đó được dành để cho những chú chim hoạ mi đua tiếng hót.
Người đàn ông Mông khoe sự “oai vệ” bằng những chú chim hót hay, chọi giỏi. Lên Mường Khương vào các ngày chợ, các dọc nẻo đường vắt vẻo lưng chừng núi, dễ bắt gặp hình ảnh những người đàn ông “xách lồng chim đi chợ”.

  • Trần Khánh Nga
 
Top