Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

Đàn ông và Tình một đêm

“Nếu có em nào yêu ông một đêm, chỉ một đêm thôi, ông có chịu không?”

“Chịu cả hai tay ba chân. Tôi thường mơ có em nào như thế! Nhưng mà chỉ lúc đi công tác thôi nhé, chứ ở nhà với vợ không đi qua đêm được đâu”.

Ở Việt Nam, tình một đêm (one night stand) chưa phổ biến nhưng không còn là chuyện lạ. Tình một đêm đang lan dần vào đời sống của một lớp người tự cho mình là hiện đại và cố sống theo “văn hóa phương Tây”.

Tình một đêm là gì? Là gặp nhau, ở bên nhau một đêm rồi chia tay – your sugar you go, my sugar I go (đường anh anh đi, đường em em đi). Có người làm hẳn cả bài thơ dài về tình một đêm, trong đó có đoạn: “Như là ngọn gió lướt nhanh/Ái ân vũ bão mối tình một đêm/Để rồi kết thúc lặng im/Khi trời vừa sáng âm thầm chia ly”. Tình một đêm, đôi khi chỉ là nằm ôm nhau nói chuyện đến sáng rồi nói: “Tạm biệt nhé, có duyên sẽ gặp lại/Chuyện đêm qua đừng ái ngại trong lòng/Tình một đêm là tình biếu cho không…”

Tình một đêm là mơ ước của nhiều đàn ông có vợ, vì đó chỉ là cảm xúc thăng hoa một đêm, dâng hiến hết cho nhau, không hệ luỵ, không phải lo sướng mười lăm phút rồi khổ cả đời. Có người ví tình yêu như trò nghịch dại, chẳng thể nghịch dại một đời thì nghịch dại một đêm. Bởi thế “Tình một đêm rồi xa khuất mờ” có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Tình một đêm là thuốc thử với đàn ông đã có gia đình, để thử mức độ bền vững của cuộc hôn nhân, để thử xem đàn ông có còn yêu vợ, có còn sợ vợ không. Nếu đàn ông mơ ước tình một đêm và sẵn sàng cho ước mơ ấy, cuộc hôn nhân này có lẽ là đã…tuyệt vọng.

Đối tác của đàn ông trong cuộc tình một đêm là ai? Trong xã hội Việt Nam cũng như ở nhiều nước khác đang hình thành một thế hệ phụ nữ trên dưới 30 tuổi, độc thân và ... không muốn lớn! Họ có thể rất thành công trong sự nghiệp, nhưng họ coi cuộc sống chỉ như một cuộc vui, như những trò chơi. Tiền kiếm được chỉ để sắm quần áo, mỹ phẩm, để đi du lịch, chơi bời, giải trí... Họ không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, không lập gia đình và không muốn có con cái, vì không muốn gánh vác bất cứ một trách nhiệm nào. Họ yêu đứa trẻ trong con người mình, và lối sống như vậy khiến cho họ cảm thấy tuổi thơ được kéo dài ra. Đêm nằm ngủ, họ thích ôm gấu bông vì chúng „mềm mại và không biết ngáy”. Đôi khi không thích ôm gấu bông, họ có thể tình một đêm với đàn ông nào đó trong tầm tay, cũng mềm mại và không biết ngáy. Chỉ một đêm thôi, để sáng ra “Vẫn là một kẻ độc thân/Ung dung tự tại đường trần lãng du/Không yêu, không hận, không thù/Không cần đau khổ ngục tù tình yêu”.

Có người bảo: Đàn bà sẵn sàng tình một đêm để được yêu. Còn đàn ông sẵn sàng yêu để được tình một đêm. Thật ra thì đàn ông không phải lúc nào lúc nào cũng sẵn sàng cho tình một đêm. Đàn ông thích thì thích thật nhưng sợ thì cũng sợ tình một đêm. Nỗi sợ tình một đêm của đàn ông đôi khi là nỗi sợ rất vô hình, sợ kiểu “sợ không đem lại được điều gì cho người bạn tình của mình, dù người ta không cần đem lại điều gì mà chỉ cần một đêm vậy thôi”.

Nỗi sợ tình một đêm của đàn ông đôi khi là sợ kiểu sợ “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Người viết bài này có ông bạn khá nghịch ngợm, mỗi lần ông bạn đi công tác xa Hà Nội, thấy Hà nội yên ắng hẳn. Nhưng rồi một đợt ông bạn đi về, Hà Nội vẫn ồn ào mà ông bạn bỗng đoan trang hơn. Ông bạn giải thích lý do, kể chuyện cái đêm hôm ấy đêm gì, không biết vì rượu hay vì thói quen hay vì quá cô đơn mà tình một đêm với một em buổi tối cứ tưởng Thuý Kiều, sáng ra thì hoá người yêu Chí Phèo.

Có người đùa: với đàn ông chưa có gia đình, không có ràng buộc gì thì tình nào chả là tình một đêm, vấn đề là đêm đó dài hay ngắn - là một đêm, một năm, mười năm hay một trăm năm.

Nói chuyện tình một đêm, bỗng nhớ câu của Julius Fucik - tác giả “Viết dưới giá treo cổ”: “Hỡi con người, tôi yêu tất cả. Hãy cảnh giác!”.
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

Khi đàn ông không gọi điện

Chẳng cần phải quá tinh ý để đoán được đàn ba hay nói về chuyện gì. Khi tụ tập với nhau, đàn bà hay nói về đàn ông, thậm chí nói về đàn ông nhiều hơn cả khóc lóc là “chẳng có gì để mặc”. Và khi nói về đàn ông, đàn bà hay tư vấn cho nhau theo chủ đề “Tại sao anh ấy không gọi điện?”

Thực thà mà nói khi Thượng đế tạo ra đàn ông và đàn bà, Người cũng có ý thiên vị cho những kẻ cũng giới tính với mình. Thượng đế tạo ra đàn ông to khoẻ, mạnh mẽ, với tư duy logic và khả năng tìm ra đường phố cần thiết trên bản đồ. Đàn ông không phải chịu ảnh hưởng của tuần trăng và thậm chí không biết thế nào là phải xếp hàng để vào nhà vệ sinh. Khi đàn ông hói hay khi đàn ông có cái mũi to, trông đàn ông vẫn phong độ, vẫn gợi tình. Khi đàn ông ngoại tình đấy là vì bản tính tự nhiên (đàn bà ngoại tình là tội tày trời). Khi đàn ông bị trách là chẳng chịu làm việc nhà, đàn ông sẽ hỏi thế đàn bà để làm gì? Khi đàn ông bị trách là lâu lắm không tặng hoa, đàn ông sẽ ngơ ngác hỏi là tặng hoa để làm gì…Tóm lại, đàn ông là đàn ông và những câu chuyện về đàn ông là đề tài bất tận của đàn bà. Đàn bà kể cho nhau chuyện về anh ấy nhà mình…và thốt lên : “Tại sao anh ấy lại có thể xử sự như thế?”, “Anh ấy còn cần gì nữa?” và tất nhiên là “Tại sao anh ấy không gọi điện?”.

Đàn ông cũng nên biết tại sao đàn ông không gọi điện là câu hỏi khiến đàn bà đôi khi mất ăn mất ngủ, đàn bà rất rất cần phải biết tại sao. Trong trường hợp này, đối với đàn bà đàn ông đầy bí ẩn, bí ẩn như cáo không thể hiểu được tại sao sói lại thích ăn thịt thỏ và tại sao tai thỏ lại dài. Thật ra cáo dễ sống hơn đàn bà, cáo chỉ cần đơn giản là cáo, cáo không cần phải mặc cảm vì áo lông của mình đắt tiền, mặt mình trông có vẻ tinh khôn. Đàn bà khó khăn hơn, đàn bà phải hiểu đàn ông. Với đàn bà không cần hiểu mà chỉ cần yêu thật nhiều nhưng với đàn ông không cần yêu mà cần phải hiểu thật nhiều. Ví dụ như hiểu: “Tại sao anh ấy không gọi điện?”.

Thật ra đàn ông đơn giản như trai bản, đàn ông không đến nỗi quá phức tạp như đàn bà nghĩ. Có hai em gái xinh đẹp cứ tranh luận với nhau mãi, đưa ra hàng triệu triệu giả thuyết là tại sao anh ấy không gọi điện: có thể anh ấy bị mất điện thoại…có thể vì anh ấy đang bận tâm sự với dì Năm…Hai em gái xinh đẹp tranh luận với nhau lâu và sôi nổi đến sùi bọt mép mà vẫn chưa ngã ngũ, cuối cùng đành gọi điện cho người thân như trong trò chơi “Ai là triệu phú”. Người thân trả lời ngay lập tức: “Anh ấy không gọi điện vì anh ấy chưa muốn gọi, thế thôi”. Đơn giản là như thế nhưng đàn bà thường không chịu chấp nhận lời giải thích ấy, đàn bà cứ cố tìm ẩn ý gì đó, thậm chí còn giở bài Tây ra bói để tìm câu trả lời.

Đàn ông cần phải biết có hiện tượng này không phải vì đàn bà quá thông minh nhưng chậm hiểu mà vì đàn bà luôn muốn tin vào cái gì đó, hy vọng vào cái gì đó. Hy vọng là anh ấy là người sẽ luôn gọi điện, hy vọng anh ấy là người hứa là làm, anh ấy là người buổi sáng dịu dàng buổi tối ngọt ngào và lúc nào cũng mạnh mẽ…Khi vẫn còn hy vọng, đàn bà sẽ luôn đặt câu hỏi: “Tại sao anh ấy không gọi điện?”.
Phải ngậm ngùi thừa nhận rằng đàn ông bây giờ Thạch Sanh thì ít Lý thông thì nhiều. Đàn ông bây giờ nhiều khi lấy vợ do tính toán (thà lấy vợ do tính nhầm ngày còn dễ thương hơn). Đàn ông bây giờ ít chân chính. Đàn ông chân chính là người cho đàn bà nhiều hy vọng, là người khiến đàn bà luôn chờ đợi và đặt câu hỏi: “Tại sao anh ấy không gọi điện?”
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

Đàn ông tự phục vụ

Nghe Tây đồn là ở Hà Nội đã có quán café tự phục vụ. Tự phục vụ ở đây có nghĩa là uống café sẽ như đi ăn nhanh, sẽ phải tự đi bê cốc. Đàn ông bất giác tưởng tượng ra rồi một lúc nào đó sẽ có cả bia hơi tự phục vụ như thời bao cấp. Đàn ông bất giác đặt câu hỏi mình có thích tự phục vụ không? Câu trả lời dứt khoát là không. Đàn ông là ông chủ của cuộc sống, đàn ông là người chiến thắng, tại sao đàn ông lại phải tự phục vụ?

Tự phục vụ ở đây không phải là tự phục vụ kiểu…tự khám phá nguồn cảm xúc bản thân. Đâu phải cái gì cũng tự làm cũng tự sướng. Tự phục vụ ở đây có nghĩa là phải làm cái gì đó phục vụ cho chính mình ví dụ như tự nấu ăn, tự giặt quần áo, ăn phở tự bê bát... Đàn ông vốn thích khẳng định vị trí xã hội của mình, thích được người khác phục vụ nên nói đến tự phục vụ mặt thường nhăn như bị. Cứ thử tưởng tượng xem, đàn ông mà đi đánh golf phải tự phục vụ thì còn gì chán bằng, như thế thà đi đánh tennit hay đánh bi a còn hơn. Nhưng đánh tennit hay đánh bi a cũng vẫn cần có người phục vụ…

Từ ngày xửa ngày xưa, từ hồi còn ở trong hang, đàn ông đi săn về chỉ việc nghỉ ngơi, thú săn được đã có đàn bà nấu nướng. Đàn ông chỉ tự phục vụ trong điều kiện bất đắc dĩ, khi không có ai phục vụ. Có đàn ông lấy vợ một phần để khi nào khát có người rót cho cốc nước - cũng như có đàn ông yêu chỉ vì khi ốm có người nấu cho bát cháo hành. Trong những giấc mơ của đàn ông, có giấc mơ ngọt ngào là khi ngủ dậy có người mang cafe đến tận giường.

Tại sao đàn ông không chịu tự phục vụ? Có thể vì đàn ông trông đợi vào đàn bà, như thể đàn bà sinh ra là để giúp đàn ông nấu nướng, giặt giũ và để nhắc đàn ông…tắm rửa. Có thể vì một nếp suy nghĩ đã in sẵn trong đầu : tự phục vụ là thấp kém. Trong xã hội phương Đông nhiều nhân lực, đàn ông có thể được giải phóng ra khỏi một số công việc phục vụ bản thân. Đàn ông Việt thậm chí còn tị nạnh với đàn ông Nhật – đàn ông Nhật đi làm về không phải tự cởi giày mà có vợ quỳ xuống cởi giúp.

Đàn ông cũng thấy không phải lúc nào tự phục vụ cũng là dở. Buffet (tiệc đứng) hay còn gọi là ăn tự chọn là một trong những cách tự phục vụ ăn uống rất phổ biến trên thế giới. Buffet ngày càng là cách thức ăn uống tự do và phong phú nhất. Vì tự phục vụ nên đàn ông có thể lựa chọn những gì mình thích và ngay lập tức, không phải chờ đợi người mang đến và không phải lo người ta mang đến những gì mình không ưng ý. Có quán cafe để khách tự phục vụ nhạc – nghĩa là tự mang đĩa đến hay tự chọn đĩa ở dàn máy của quán để khách được nghe nhạc hợp tâm trạng của mình…

Khi nào đàn ông thích tự phục vụ ? Có thể là khi thích. Khi thích một thứ gì đó, ví dụ như thích một quán cafe - đàn ông có thể tạm gác cái sỹ diện đàn ông lại để tự phục vụ, tự bê cốc, tự hưởng thụ. Nhiều người cứ quan niệm là uống cafe là phải nhâm nhi nhưng thời buổi này, đàn ông đôi khi hào sảng kiểu vào quán gọi một cốc cafe, tu đánh ực một cái rồi cắm đầu cắm cổ tiếp tục đi cứu thế giới. Với kiểu mẫu đàn ông hành động bắt đầu được ưa chuộng như vậy, cafe tự phục vụ và nhiều hình thức tự phục vụ khác là sự lựa chọn lý tưởng nhất.

Khi nào đàn ông thích tự phục vụ? Có thể là khi yêu. Khi yêu ai đó, đàn ông không chỉ sẵn sàng phục vụ mình mà còn sẵn sàng phục vụ của người khác. Khi yêu, đàn ông không chờ mang cafe đến tận giường cho mình mà tự mình pha cafe mang đến tận giường cho người khác, cạnh cốc cafe có thể còn kèm theo một cái nhẫn (gắn kim cương thì càng tốt) và một bó hoa hồng.
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

Đàn ông và Hàng rong

Trong một đời, trong một ngày, đàn ông gặp rất nhiều hàng rong. Đàn ông được mời mua báo, mua vé số, mua kẹo cao su, mua dây đeo chìa khoá, mời đánh giày…Đánh giày cũng là một loại hàng rong - dịch vụ rong.

Đàn ông ít để ý đến hàng rong. Đàn ông là đàn ông mà. Khi đàn ông vui, đàn ông có thể hỏi: “Đánh giày hôm nay bao nhiêu tiền?”. “Dạ, ba ngàn ạ”. “Thế năm ngàn có được không?”

Khi đàn ông quá vui - vui như khi yêu và được yêu, đàn ông có thể hỏi chú bé đánh giày: “Này bé ăn sáng chưa? Đánh giày xong ăn sáng nhé! Ăn phở hay ăn bánh mỳ xúc xích?”
Khi đàn ông buồn, nếu hàng rong mời, đàn ông nhìn đi chỗ khác, như thể không tồn tại trên cõi đời này.
Khi đàn ông quá buồn - buồn như lúc thua cá độ hay như lúc thất tình, nếu hàng rong mời, đàn ông sẽ cau mày: “Để cho tôi yên”.

Nếu hỏi: “Tại sao đàn ông mua báo, mua vé số, đánh giày?”. Câu trả lời đơn giản là: tại đàn ông cần đọc báo, đàn ông cần có cái gì đó để hy vọng và vì đàn ông muốn thấy dưới chân mình sạch sẽ tinh tươm...

Nếu hỏi” “Tại sao đàn ông không mua báo, không mua vé số, không đánh giày?”, có nhiều câu trả lời: có thể tại đàn ông không biết chữ, tại đàn ông đã quá già hay đã quá chán chường để có thể hy vọng vào cái gì đó, tại đàn ông đã không còn phong độ, đã không còn chăm chút đến vẻ ngoài của mình…

Nếu đàn ông ngồi ở quán café, trên bàn đã có tờ báo, đã có xấp vé số, giày đã đánh bóng loáng, chẳng có hàng rong nào hỏi đến đàn ông nữa, có thể đàn ông lại thấy cô đơn…như thể mình bị đời bỏ rơi. Đàn ông vốn sợ bị bỏ rơi. Cũng có khi thấy đàn ông đã mua báo, mua vé số rồi, hàng rong lại đến mời mua thêm báo, mua thêm vé số…Giày đã đánh rồi thì hàng rong có thể đến mời đánh răng.

Đàn ông không để ý đến hàng rong. Nếu thấy hàng rong xung quanh, đàn ông coi như sống chung với lũ. Đàn ông cũng biết chẳng ai chỉ bán hàng rong mà trở nên giàu có nên nếu có thể, đàn ông mua báo, mua vé số, đánh giày ủng hộ hàng rong. Như trong Kinh Thánh có câu: “Hãy yêu người ở bên cạnh mình”

Ở các quán café văn minh, trên mỗi bàn có cái biển có hai mặt: một mặt ghi “Không mua báo, không mua vé số…”, một mặt ghi “Mua báo, mua vé số…”. Nếu quay mặt “Không mua…” ra ngoài đường sẽ chẳng có hàng rong nào đến mời. Đàn ông có thể sắm cho mình cái áo có in chữ “Không mua báo, không mua vé số, không đánh giày…” hoặc áo có in chữ” Mua báo, mua vé số, đánh giày…” để cho hàng rong biết. Đàn ông sẽ mặc chiếc áo nào tuỳ tâm trạng.

Đàn ông coi việc mua, ủng hộ hàng rong như một dạng đóng thuế đời. Và khi đàn ông mua, ủng hộ hàng rong, có lẽ đàn ông vui vì cảm thấy mình là một phần của cuộc sống.
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

Đàn ông và Phim

Biết nói gì về phim? Đàn ông bảo phim chẳng qua là 24 hình/giây, phim là cinema, là kino, là chớp bóng và là điện ảnh. Không thể chối cãi được, đành thú thực là đàn ông thỉnh thoảng cũng có xem phim.
Khi yêu, đàn ông thậm chí còn hay rủ đàn bà đi xem phim. Đàn ông biết đàn bà thích xem phim và đàn ông cũng biết là trong rạp chiếu phim thường là tối. Đàn ông cũng hy vọng là khi xem phim ma hay phim tình cảm, đàn bà có thể vì sợ quá hay vì xúc động quá sẽ quay sang ôm người đàn ông bên cạnh.
Thời bao cấp, phim là món ăn tinh thần đắt giá, có những cặp vé xem phim có giá ngang với một chỉ vàng. Bây giờ phim đã trở nên gần gũi với người xem hơn, phim đã trở nên rẻ hơn, đến mức ba đồng một mớ…phim VCD.

Tại sao đàn ông xem phim? Đàn ông xem phim đàn bà thích xem phim và vì trên TV không có đá bóng. Cũng có khi đàn ông xem phim thuần tuý vì nghệ thuật, vì bị “Cuốn theo chiều gió” “Bố già” “Tâm trạng khi yêu”. Đàn ông xem phim có thể vì đàn ông có người quen làm phim hay đóng phim nên phải xem cho biết. Đàn ông có thể xem phim vì tò mò - ví dụ như khi muốn thấy Vành Khuyên đóng phim thế nào.

Bây giờ có khá nhiều chỗ, có khá nhiều phương tiện để đàn ông xem phim. Đàn ông có thể xem phim ngoài rạp, xem phim ở nhà. Xem phim ngoài rạp đôi khi đàn ông thích nhất lúc mất điện. Mặc dù phim đang hay thì mất điện nhưng lúc mất điện đàn ông có thể làm cái gì đó để khi có điện đàn ông lại càu nhàu: “Đang hay thì có điện”. Xem phim ở nhà thì thích nhất là để hộp bỏng ngô để vừa xem vừa bốc ăn, nhỡ chạm phải tay người khác thì có thể giả vờ hỏi: “Tay ải tay ai?” để nghe câu trả lời êm ái: “Tay ẻm tay em”…

Đàn ông có thể xem phim trên ti vi, xem trên máy tính và xem phim trên điện thoại. Xem phim trên ti vi bây giờ cũng âm thanh nổi như ngoài rạp và đã có ti vi màn hình tinh thể lỏng 119 inches để đàn ông thấy hình người trên phim to y như thật. Xem phim trên máy tính, đàn ông có thể đeo tai nghe vào xem một mình, tự xem tự sướng. Xem phim trên điện thoại, đàn ông có thể gửi phim chia sẻ với những người khác cho đúng tinh thần lộc bất tận hưởng - phim bất tận hưởng.

Đối với đàn ông, phim là một cái gì đó rất…phim. Với đàn ông phim là cái gì đó không có thực, phim là hình ảnh động đậy của cuộc sống, phim là một thế giới khác, phim là một cách thoát tục, phim là…phim.

Khi đàn ông xem phim, đôi khi đàn ông muốn được như nhân vật trong phim, muốn được yêu như trong phim, muốn được chết như trong phim. Tuy nhiên khi xem phim, đàn ông không quá mơ mộng, đàn ông xem phim với đôi mắt mở to (chứ không phải với đôi mắt nhắm hờ như tên một bộ phim nổi tiếng Eyes wide shut có tài tử đẹp giai Tom Cruise thủ vai chính). Đàn ông biết tỏng tòng tong phim chỉ là phim, thậm chí có đàn ông còn biết để đóng phim riêng với cô diễn viên kia có khi chỉ cần vài vé (không phải là vé xem phim). Như thể với đàn ông, phim chỉ là một lúc nghỉ ngơi trên đường đi cứu thế giới.

Đàn ông có thể sống thiếu phim được không? Không có em bầu trời như không có nắng, không có phim thế giới như không có…hoa hồng. Nhiều đàn ông sống chủ yếu là nhờ hoa hồng, đi làm kiếm hoa hồng và dùng hoa hồng ấy để mua hoa hồng tặng người đẹp thích hoa hồng. Tất nhiên không có hoa hồng cũng chẳng cháy nhà chết người nhưng đàn ông biết hạnh phúc không đựng trong một tà áo hẹp (thơ Chế Lan Viên) mà cuộc đời còn có cả những nụ hôn (nhạc Xuân Hồng) và có phim, tất nhiên. Nếu không có phim đàn ông biết đưa đàn bà đi đâu và biết nói chuyện gì?

Đàn ông thỉnh thoảng nên xem phim, đàn ông thỉnh thoảng nên nhớ trên đời này còn cái gì đó lãng mạn. Đàn ông không nên lãng mạn nhưng thỉnh thoảng xem nên phim tình yêu. Tình yêu trong phim thường là đẹp, trong phim về sau anh ấy thường là lấy chị ấy. Còn hai người có sống với nhau đến đầu bạc răng long không đấy là ở một phim khác.
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

Đàn ông và Dưa lê

Đàn ông vốn ăn to nói lớn. Hiếm khi đàn ông nói nhỏ, hiếm khi đàn ông thầm thì. Có những nam nhi đại trượng phu thà chết đứng như Từ Hải còn hơn là phải hạ giọng tỉ tê ton tót.

Khi đàn ông phải thầm thì, thậm chí thều thào có thể đó là vì đàn ông bị đau họng sau khi uống rất rất nhiều bia lạnh. Khi đàn ông phải nói nhỏ, có thể đó là vì đàn ông có điều khó nói, có chuyện thầm kín – ví dụ như chuyện đã uống hai viên Viagra mà không thấy có tác dụng gì. Trong những trường hợp đó, đàn ông hoàn toàn có thể thông cảm với nhau.

Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và không thể tha thứ đó là khi đàn ông “tám” hay còn gọi là đàn ông “buôn dưa lê”. “Buôn dưa lê” vốn không phải là đặc tính của đàn ông. Đàn bà có thể rủ rỉ với người bạn cùng giới cả ngày không chán. Còn đàn ông thì không lắm chuyện đến thế, gặp nhau là uống rượu nói dăm câu ba điều, cười ha hả, thế là xong.

Thật ra những từ “đàn ông”, “nói nhỏ”, “thầm thì”, “tám”, “buôn dưa lê” không nên đặt cạnh nhau. Đàn ông không nên nói nhỏ, không nên thầm thì, càng không nên “tám”, không nên “buôn dưa lê”. Nếu có trường hợp đàn ông như vậy quả là sự trớ trêu của lịch sử, sự nhầm lẫn của tạo hoá mà y học…không thể bó tay.

Cách đây trên 200 năm, nhà văn Đan Mạch nổi tiếng thế giới Andersen đã viết rất hóm về căn bệnh “buôn dưa lê”: Buổi sáng, chị gà mái vừa nhảy khỏi chuồng thì bị mất một cái lông cánh. Chuyện rụng lông với lũ gà thì cũng bình thường thôi. Thế mà chị ngan vẫn rỉ tai chị vịt. Rồi chị vịt lại thì thào với chị ngỗng. Cứ thầm thầm thì thì như vậy đến lúc câu chuyện trở lại tai chị gà mái (nhân vật chính) thì đã thành một chuyện tày trời. Và chính chị gà mái này đã quả quyết: “Kinh lắm nhá. Có một mụ gà máivì giai đã tự vặt lông mình, vặt đến mức trụi thùi lụi, chẳng còn một cái lông nào...”

Dưa lê vốn không có tội tình gì. Thời bao cấp dưa lê như một thứ quả ăn vào có tính mát có thể dùng làm quà tặng đến biếu sếp. Thời kinh tế thị trường, dưa lê bị mất giá, bị coi là nhạt nhẽo và thuật ngữ “buôn dưa lê” được dùng để chỉ một thói xấu đặc trưng của đàn bà là ngồi lê đôi mách, kiếm chuyện làm quà.

Khi đàn ông buôn dưa lê, đó là một việc cực kỳ tồi tệ, tồi tệ hơn cả việc đàn ông buôn…cà chua ở ngoài đời thực. Thử tưởng tượng một anh đàn ông sức dài vai rộng phải đẩy xe thồ đi bán từng cân cà chua ở ngoài phố như đàn bà (khi viết đến đây tác giả thành thật xin lỗi dưa lê, xin lỗi tất cả đàn bà và tất cả các anh bán cà chua - ví dụ trên đưa ra hoàn toàn có tính chất minh hoạ). Thử tưởng tượng một đàn ông mà cứ đi nghe chuyện của người này để đem nói với người khác, lấy đó làm sự nghiệp của đời mình…

Tại sao đàn ông buôn dưa lê?

Có những gã đàn ông quá rảnh rỗi - như sách Thánh Hiền dạy là “nhàn cư vi bất thiện”, thường đi rêu rao, kể chuyện người khác một cách lố bịch. Có những chuyện thậm chí người trong cuộc còn chẳng biết tí gì, thế mà vẫn được những gã rỗi việc kia đem ra “buôn dưa lê” cho vui.

Có những gã đàn ông buôn dưa lê vì lầm tưởng rằng thế là hay, lầm tưởng rằng biết những chuyện thậm chí kín đáo của người khác để đem đi lan truyền là chứng tỏ mình biết nhiều thông tin. Thật ra những người có lương tri và toàn thể loài người tiến bộ nghe những thông tin không chính thống rẻ tiền với thái bộ chịu đựng và khinh rẻ người phát tin.

Buôn dưa lê không phải là công việc của đàn ông chính nhân quân tử đầy đủ chín vía mà đó là nghề của những đàn ông đã bị biến thái chỉ còn tám vía. Chỉ có những gã tám vía mới hay lê la hóng hớt. Người viết bài này đã từng phải nghe một gã chuyên buôn dưa lê tâm sự: Mơ ước của đời gã là tiến lên buôn cà chua với kế hoạch kinh doanh đầy táo bạo là sẽ đẩy xe thồ đi bán cà chua, nếu bán không hết sẽ đem về nhà ăn. Tất nhiên là khi đi bán cà chua gã sẽ bán kèm thêm dưa lê. Đối với bản thân gã, chuyện không thành vấn đề, mỗi người có sở thích và mơ ước riêng nhưng chỉ thương cho những người thân và vợ con của gã sẽ phải ăn rất nhiều cà chua không tươi. Nhưng dẫu sao cũng hy vọng cho kế hoạch kinh doanh của gã chuyên buôn dưa lê sẽ thành công để gã có tiền sang Thái Lan du lịch. Thấy bảo ở Thái Lan công nghệ chuyển đổi giới tính phát triển rất cao.

Đàn ông nhất trí với nhau rằng những gã buôn dưa lê không nên đứng trong hàng ngũ của đàn ông.
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

Khi đàn ông ghen

Trong Hán tự, chữ ghen có bộ nữ đi kèm - cứ như thể ghen là phẩm chất đặc thù của đàn bà, đàn ông chỉ biết đàn, không biết ghen. Thật ra có hiện tượng như vậy đơn giản vì chữ Hán do đàn ông nghĩ ra.
Ớt nào mà ớt chẳng cay. Đàn ông nào mà chẳng giống như ngày nghỉ nghĩa là chẳng bao giờ đủ nghỉ dài để không ghen. Đàn ông nào chẳng ghen, nhưng mỗi đàn ông ghen một kiểu.

Khi đàn ông ghen âm thầm

Có đàn ông máu sĩ diện sôi nổi hơn máu ghen: Tôi việc gì phải ghen?. Ngoài mặt thì thế nhưng bên trong trái tim vẫn ghen âm thầm như thể yêu âm thầm, tình đơn phương.
Cũng có đàn ông khi ghen âm thầm sẽ dồn hết cả tình thương yêu vào con cái, hay các con vật nuôi trong nhà. Một điều đau khổ của đàn ông là do đặc điểm giới tính, đàn ông không chia sẻ được nỗi đau đớn khi phải ghen tuông này với bạn bè. Hầu như không có đàn ông nào khóc lóc trong vòng tay bè bạn như phụ nữ thường làm.

Có lẽ bản chất hiếu thắng của đàn ông không cho phép họ bộc lộ sự "thất bại nhục nhã" đó. Vì vậy nỗi đau càng chất chứa trong lòng và họ cứ thầm lặng chịu đựng một mình.

Đàn ông nhiều khi như con đà điểu rúc đầu xuống cát. Có đàn ông đi công tác về thấy vợ ở nhà với anh Cường, vợ giải thích anh Cường đến sửa điện. Đàn ông nghe qua cũng có lý nên bỏ qua. Lần sau đàn ông đi công tác về thấy vợ ở nhà với anh Mạnh cũng với lý do đến sửa điện, đàn ông đã đoán đoán ra chuyện gì những vẫn làm ra vẻ thản nhiên hỏi thế anh Cường hôm trước đâu?
Nếu vì lý do nào đó mà đàn ông không thể hỏi thẳng vợ chuyện vợ quan hệ ngoài luồng, vẫn phải giả đui giả điếc thì đàn ông sẽ trở nên u uất, có thể sinh nát rượu, tự hủy hoại cuộc đời mình trong những trò cờ bạc trai gái.

Chính vì đàn ông ít bộc lộ nên đàn bà cứ tưởng họ ngu ngốc, thiếu hiểu biết, thiếu nhạy cảm, không biết gì. Thực ra, nhiều khi đàn ông biết vợ không chung thủy, nhưng nói ra xấu hổ nên họ giả vờ như không biết. Khi đàn ông hỏi một cách khó chịu: "Sao dạo này em hay về muộn thế?" là họ muốn dừng ở mức độ nhắc nhở. Nếu đàn ông cụ thể hơn: "Nghe nói dạo này em hay đi ăn với thằng Xtrau lắm đấy" mà người vợ trả lời: "Làm gì có chuyện vớ vẩn đó", thì đa số đàn ông làm như cho qua.

Khi đàn ông chớm bộc lộ sự ghen tuông

Có đàn ông đi ngoài đường về, tìm cách gây sự với vợ. Bắt vợ bật đèn. Vợ bật đèn. Lại bắt vợ tắt đèn đi. Vợ tắt đèn. Lại bắt vợ bật đèn. Vợ bật đèn. Lại bắt vợ tắt đèn đi. Cứ thế ba lần. Một lúc sau đàn ông bất thần nghĩ ra, bảo: Chắc cô hẹn hò với thằng nào, tìm cách đánh tín hiệu cho nó chứ gì. Đấy là đàn ông đã dám dũng cảm bộc lộ sự ghen tuông.

Khó chịu vì cứ nhìn thấy người yêu suốt ngày chat với mấy tay đồng nghiệp nam trong cơ quan, có đàn ông quyết định kể nàng nghe một câu chuyện cổ tích tự biên. Chuyện rằng ngày xửa ngày xưa, phú ông nọ có ba cô con gái, trong đó một cô suốt ngày thích chơi bắn bi với mấy thằng nhóc cùng xóm. Kết thúc truyện đau đớn ở chỗ hai cô kia đều lấy được chồng, còn một cô đến giờ đã mười ba tuổi mà vẫn ế vì... không anh nào thích để ý một cô nàng chỉ thích chơi với con trai. Ưu điểm của thể loại ghen này là lỡ có... ghen nhầm cũng đỡ xấu hổ vì vốn cái sự ghen này rất lòng vòng và thường không bao giờ lộ liễu đến mức làm người sử dụng quê độ. Tuy nhiên, khuyết điểm của nó là có thể người “được” ghen không bao giờ hiểu đàn ông muốn gì, tệ hơn là nàng tưởng đàn ông... mua vui cho nàng bằng một câu chuyện nhí nhảnh con cá cảnh.

Có đàn ông bộc lộ sự ghen tuông bằng cách tạo thương tích đầy mình cho… chính bản thân mình nên khoa học gọi là ghen kiểu “khổ nhục kế”. Đàn ông có thể bỏ uống bia, bỏ chơi game hay nghiêm trọng hơn, “dằn mặt” đối thủ bằng cách chạy xe lạng quạng đâm cột điện, ngã cầu thang mẻ trán hoặc leo cây té lộn cổ... nói chung là bất cứ hình thức gì giúp đưa đàn ông đến tình trạng nằm một chỗ. Thế là đàn ông có một cái cớ hoành tráng để “kết tội” đối phương: “Tại vì anh thấy em đi chơi (đi ăn, đi cà phê...) với người ta, anh buồn, anh không thiết sống, anh gây tai nạn...”. Ghen kiểu này rất dễ đạt được mục đích vẻ vang, vì phái nữ vốn dễ mềm lòng, hay nhẹ dạ và luôn luôn (tự hào) nghĩ mình là nguyên nhân của mọi bi kịch. Nàng sẽ ân hận ngoan ngoãn quay về bên đàn ông. Hạn chế lớn nhất của trường phái này là nếu chàng nào trót ghen hơi quá tay, kết cục có thể là nguy cơ nằm viện dài hạn hoặc bị thương nặng đến độ mất khả năng... mở miệng kết tội nàng. Kinh nghiệm rút ra là đàn ông nên vận dụng chiêu thức này một cách vừa phải và phải biết vận dụng thêm nghệ thuật hóa trang.

Khi đàn ông ghen một cách “thẳng thắn”

Nếu người đàn ông phát hiện mình bị mất "nỏ thần", thường họ không truy kích cái tên "Trọng Thủy" nào đó để trừng trị, mà bao nhiêu ghen tuông, giận dữ được trút lên đầu "nàng Mỵ Châu nhẹ dạ".
Ghen kiểu thẳng thắn nghĩa là bộc lộ rõ ràng sự khó chịu của mình (chứ không phải là ghen kiểu “bốp chát hự” là kiểu ghen được giới chuyên môn đánh giá là đàn ông nhất! Áp dụng chiêu thức này, đàn ông hãy dẹp bỏ mọi tự ái, sĩ diện, đến nói thẳng với người yêu: “Anh đang ghen lắm đây. Anh không thích nhìn thấy em thế này thế kia... với gã này gã nọ... Anh rất khó chịu và ghen tuông khi em như vầy như vẩy...”. 99% xác suất là khi đàn ông chưa dứt lời, đối tượng đã vội vàng thanh minh, giải tỏa mọi hiểu lầm (nếu đàn ông ghen lầm) hoặc đưa ra giải pháp để đàn ông không còn phải ghen nữa. 1% rủi ro, nàng không thèm nói lời nào mà lẳng lặng mà đi rồi khuất bóng, thì ít nhất đàn ông cũng biết được mình ghen chính xác đến mấy thành công lực và tình cảm đối phương dành cho mình sâu nặng đến mức độ nào.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

Khi đàn ông ốm

Khi đàn ông không di chuyển được nữa, khi đàn ông phải mò về nhà, đấy có thể là triệu chứng của hiện tượng đàn ông ốm. Nếu đàn ông sốt cao hay đau dữ dội một bộ phận nào đó ví dụ như ruột thừa, đấy chính xác là dấu hiệu của việc đàn ông ốm.Ốm ở đây là ốm bệnh chứ không phải ốm với nghĩa gầy hay mập. Khi đàn ông gầy, đấy là nhan đề của một bài hát khác.

Khi đàn ông ốm, đàn ông thường giấu không cho người khác biết là mình ốm. Đàn ông không hề biết rằng voi cũng ốm, cá voi cũng ốm, ốc voi và sò vòi voi cũng ốm, thậm chí máy tính vô tri vô giác là thế cũng có lúc ốm. Đàn ông cần phải hiểu ốm chẳng qua là không khoẻ và tất cả mọi thứ trên đời này đều có lúc không khoẻ. Bởi thế khi người ta gặp nhau thường hỏi: Thế nào , khoẻ không?. Nếu đàn ông chịu công nhận là mình ốm, thế có nghĩa là đàn ông rất ốm.

Khi đàn ông ốm, đàn ông nằm bẹp một chỗ và khao khát được thế giới chăm sóc. Khi đàn ông ốm, đàn ông trở nên khó hiểu ở chỗ đàn ông giấu không cho người khác biết là mình ốm nhưng lại muốn được người khác biết đến. Đàn ông khi bị chất vấn về điểm bí hiểm này thậm chí có thể khóc nức lên (ốm mà): Nghe giọng anh em phải biết chứ!

Khi đàn ông ốm, khi đàn ông được người khác chăm sóc, đàn ông trở thành đứa trẻ nhỏ. Đàn ông khi ốm còn có thể tiêm cho người khác nhưng nhất định không chịu uống thuốc, nhất định không chịu tiêm. Đàn ông vốn tin từ bé là trên đời này thuốc thì đắng mà tiêm thì đau. Khi đàn ông ốm, đàn ông tuy chưa mê sảng nhưng dễ dàng tin vào những chuyện hoang đường như chỉ cần súc miệng nước muối có thể làm hạ sốt hay xoa dầu cao Sao Vàng có thể chữa khỏi cơn đau dạ dày.

Khi đàn ông ốm, đàn ông có dịp chiêm nghiệm chuyện đời xem ai tốt với mình và mình tốt với ai. Khi đàn ông ốm, có người cứ nằng nặc đưa đàn ông đi massage, đấy có thể là người không tốt. Khi đàn ông ốm, có người đưa đến tặng nửa lạng cao hổ cốt, đấy có thể là người tốt.

Tóm lại khi đàn ông ốm, đàn ông nên: Một, thừa nhận là mình ốm và khai với thế giới là mình ốm. Hai, ngoan ngoãn chấp nhận sự chăm sóc của thế giới, của y học. Nếu đàn ông cư xử tốt, nếu đàn ông chấp nhận mình là bệnh nhân người Anh hay bệnh nhân người Mỹ hay bệnh nhân người Nhật hay thậm chí bệnh nhân người Việt Nam, chỉ sau vài ngày đàn ông sẽ hết ốm, đàn ông có thể tươi rói như một quả dưa chuột, thậm chí đàn ông có thể cưới cô y tá. Khi đàn ông cưới cô y tá đó đã sang một bài hát khác rồi.

Người Nga khi uống rượu thường có câu chúc: Chúc chúng ta khoẻ một trăm năm chẳng phải sửa chữa gì. Dẫu bàn chuyện đàn ông ốm, chúng ta cũng nên mong đàn ông ít ốm, ít phải sửa chữa. Vì đàn ông là đàn ông.
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Phong độ đàn ông (T/g: Phan An)

Đàn ông và ở bẩn

Người viết bài này có ông bạn nổi tiếng. Anh đi đến đâu mọi người cũng biết là anh mặc quần bò bởi vì từ chiếc quần của anh toát ra mùi bò. Người viết bài này còn biết một người nổi tiếng khác có một phẩm chất vô cùng đặc biệt đó là phẩm chất không bao giờ thèm dùng bàn chải đánh răng. Thi thoảng ngày lễ ngày tết anh mới đi xin một ít thuốc đánh răng bôi vào đầu ngón tay rồi kì vào miệng để sơn tút lại vẻ đẹp muộn màng của hàm răng cải mả. Một người nổi tiếng khác được mệnh danh là Hàm Hương theo nghĩa là gặp anh “chuột chù ngửi thấy cong đuôi chạy, bọ xít giật mình cất cánh bay”.
Ở bẩn được coi là một đặc tính của đàn ông. Có quan niệm cho rằng đã là đàn ông thì phải ở bẩn, đàn ông mà sạch sẽ thơm tho chỉ có là đồng cô.

Quan điểm chấp nhận sự ở bẩn của đàn ông thì đã có từ xa xưa - khi con người mới tiến hoá lên từ loài vượn. Lúc đó đàn ông suốt ngày phải lăn lộn, săn bắn kiếm ăn nên chuyện ở bẩn là đương nhiên, thậm chí để các con thú không phát hiện ra mình thông qua mùi vị, đàn ông phải đầm mình trong vũng bùn hay lăn lộn vào đống phân để khử mùi. Thời xa xưa, nếu đàn ông không bẩn thì đàn ông ấy là lười nhác, ăn bám.

Trong thời đại công nghệ thông tin khi không cần phải ra khỏi hang mà ngồi ở nhà gõ máy tính cũng cướp được ngân hàng có lẽ chúng ta cũng phải thay đổi quan điểm về sự ở bẩn của đàn ông. Ở bẩn bây giờ không còn là dấu hiệu chứng tỏ phẩm chất quý báu của đàn ông, ở bẩn đã không còn là bằng chứng về sự cần cù, chịu khó săn bắn, hăng say hái lượm kiếm miếng ăn của đàn ông. Ngày nay ở bẩn chỉ còn là một dấu hiệu chứng tỏ sự ở bẩn và chứng tỏ người ở bẩn là người không biết chăm lo đến bản thân mình. Người không biết chăm lo đến bản thân mình sẽ khó có thể biết chăm lo cho người khác, thậm chí không chăm lo mà khủng bố những người khác bằng mùi vị đặc trưng của mình.

Trước đây, đàn ông ở bẩn thì có thể đổ lỗi do bận công tác, do thiếu thốn các phương tiện làm sạch nhưng hiện giờ đã có nhiều công cụ giúp đàn ông trở nên sạch như lọ xịt khử mùi ở miệng, gel giúp ghét dễ bong ra, lăn khử mùi nách… Trước những sản phẩm thành tựu kể trên của nền văn minh đàn ông không nên có thái độ dè bỉu, không nên vùng vẫy kháng cự mà nên mở lòng đón nhận.

Đàn ông vốn nhìn xa trông rộng có thể phải lường trước rằng một ngày đẹp trời người ta có thể nghĩ ra card cảm ứng và chương trình máy tính đặc biệt mà khi người sử dụng ở bẩn quá, có mùi quá thì máy tính sẽ bị treo.






HẾT​
 
Top