Sự học hành ở nơi cơn lũ tràn qua

10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Cập nhật lúc : 5:47 PM, 12/11/2010

Sự học hành ở nơi cơn lũ tràn qua


2 tuần sau cơn lũ lịch sử tàn phá miền Trung, chúng tôi trở lại Hương Khê (Hà Tĩnh), đến với xã Hòa Hải và Hà Linh.

Đây là miền đất cách xa nhất thị xã Hương Khê, giáp ranh với đất bạn Lào, nơi mà chưa có lũ đã nghèo lắm rồi, nay thì gần như vườn không nhà trống. Dấu tích của trận lũ vẫn còn ở khắp mọi nơi.
Chúng tôi đến trường Thống Nhất, ngôi trường khá rộng rãi, nhưng hôm nay các em học sinh vẫn phải nghỉ. Tất cả các lớp, các phòng học đều còn rất ngổn ngang. Sân trường đã được bộ đội về dọn dẹp, vét đi lớp bùn đất.


Dẫn chúng tôi xuống xem phòng thiết bị và đồ dùng học tập, cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng nhà trường, nghẹn ngào kể: “Hôm trận lũ đầu tiên nhà trường chủ động chạy lũ nên không bị thiệt hại nhiều, khi cơn lũ có chiều hướng rút chúng tôi dọn dẹp và chuyển đồ đạc xuống… Không ngờ cơn lũ tiếp theo ác liệt và khủng khiếp quá, trường trở tay không kịp. Mọi thứ hư hỏng hết cả, giờ không biết làm sao đây!”

Sách học ướt và nát Còn tại trường tiểu học Phương Mỹ, khi chúng tôi đến mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang, nhà trường kết hợp cùng phụ huynh học sinh và các em đang dọn dẹp phần sân trường. Hai ngôi trường cấp 1 và cấp 2 nằm sát ngay cánh đồng, vào đúng lưu vực dòng chảy mạnh, nên thiệt hại vô cùng nặng nề. Đây là ngôi trường bị ngập sâu nhất trong tất cả các trường học ở Hương Khê, hôm đỉnh lũ lên đến 6m.


Tiếp chúng tôi tại sân trường, thầy Trần Văn Phúc Hiệu trưởng trường cấp 2 Phương Mỹ kể: “Trường có 282 em học sinh. 24 giáo viên thì trong đó có 14 cô ở nội trú, có cô ở nội trú ở đây gần 30 năm. Hôm lũ, toàn bộ dãy nhà của các cô chìm nghỉm trọng nước lũ, nước cuốn sạch trơn không còn thứ gì đáng giá cả và các cô cũng phải sơ tán khẩn cấp, đến nay chỗ ăn chỗ ở của các cô vẫn chưa được ổn định”.
Thầy chỉ cho chúng tôi vài cái cánh của những trạn bát còn vất vưởng trên ngọn cây bàng. Sách vở, đồ dùng thiết bị giảng dạy còn phơi la liệt trên ban công tầng 2 nhưng hầu hết không còn sử dụng được.
Còn đây là ngôi trường Hương Thu thuộc xã Hà Linh. Trường nằm ngay gần con sông Ngàn Sâu hung dữ.

Trường Hương Thu Mời chúng tôi uống tạm chén nước trắng, cô Hiệu trưởng Lê Thị Hôi tâm sự: “Trường chúng tôi có 12 giáo viên thì có tới 8 cô nhà bị lũ cuốn, nên mấy ngày gần đây chính các cô cũng phải vật lộn với chỗ ăn chỗ ở. Tranh thủ thời gian lại ra trường cùng các phụ huynh học sinh dọn dẹp. Trường cũng đã cho các con đi học từ hôm thứ 3, nhưng đồ dùng và sách vở thiếu quá nên chúng tôi phải thu gom tận dụng triệt để: những quyển sách phơi khô được tới đâu thì phát cho các con tới đó. Đối với các gia đình lúc này cần nhất là lương thực cứu đói để các con có sức tới trường. Trường hiện đang rất khó khăn, mới chỉ nhận được sự ủng hộ từ một đoàn đến từ TP HCM còn địa phương chỉ ủng hộ được nhân lực dọn dẹp“- Cô Hiệu trưởng không kìm được những giọt nước mắt.

Trường mầm non Hoà Hải
Trường mầm non Hoà Hải mới đây được địa phương xây cho 1 dãy nhà mới liền kề, nhưng khi đồ đạc của nhà cũ còn chưa chuyển kịp lên nhà mới thì nước lũ đã ập về. Giường chiếu chăn gối của các con học bán trú hỏng mục hết cả, may còn lại được những đồ chơi bằng nhựa. Phòng ở vẫn rất ẩm mốc và hôi hám, chăn gối thì chưa có cho các con ngủ trưa nên việc cho đón học sinh tới lớp vẫn chưa thể thực hiện được. “Người dân ở đây nghèo lắm”, vừa nói cô Anh vừa chỉ tay sang đường. “Quanh đây thôi cũng đã có hàng chục hộ nghèo có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc nên việc học hành của con trẻ gia đình họ cũng chẳng còn sức lực đâu mà chú tâm nữa.”
Càng đi sâu vào vùng lũ, quang cảnh càng tiêu điều, tan hoang xơ xác.




Căn nhà của cô Hằng và thày Toàn Đây là căn nhà của cô giáo Dương Thị Hằng và thầy Nguyễn Đức Toàn giáo viên trường tiểu học Hương Đô. Hàng xóm cho biết hai vợ chồng anh chị đã phải đi ở nhờ vì nhà cửa đổ nát, đồ dùng thì đã bị nước cuốn trôi hết.

Nhà ông bà Linh Đây là nhà ông bà Nguyễn Đức Linh, xóm 9, Phương Điện. Ngôi nhà chỉ còn trơ trọi cái giường và bộ bàn ghế kê xộc xệch. Gà lợn chết sạch. Nhà làm nông, chỉ trông chờ vào mấy mảnh ruộng, mà ruộng ngập lúa chết hết.
Tiếp theo chuyến cứu trợ đầu tiên ngày 23/10/2010 đến huyện Can Lộc, Hà Tĩnh và trường tiểu học xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, với tổng trị giá các phần quà cứu trợ là khoảng 160 triệu đồng, ngày 8/11/2010 nhóm thiện nguyện Chia sẻ tình thương chúng tôi lại trở lại mảnh đất này, mang theo 322 suất quà gồm những vật dụng thiết yếu như cặp sách, vở, đồ dùng học tập, màn, sữa đặc, mì chính, bột canh, dầu cao Sao vàng… cho toàn thể học sinh 2 trường tiểu học Thống Nhất 1 – xã Hoà Hải và trường Hương Thu – Xã Hà Linh – Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.








Những vành khăn tang trắng trên sân trường làm tim chúng tôi se sắt lại


Nước đã rút, cuộc sống trở lại vòng quay của nó. Người dân gồng mình lên vượt qua nỗi đau mất người thân, lại bươn chải kiếm sống, lo cái ăn cái mặc, lo việc học hành của con cái. Làm sao đây để không còn cảnh một ngày nào đó, lũ về, họ lại tay trắng, và rồi lại một vòng quay chống chọi mới… Theo Chiasetinhthuong.org

http://vovnews.vn/Home/Su-hoc-hanh-o-noi-con-lu-tran-qua/201011/160305.vov
 
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Ðề: Sự học hành ở nơi cơn lũ tràn qua

Cập nhật lúc : 9:30 AM, 13/11/2010
Những cảnh đời khó khăn ở vùng đất lũ
Trong chuyến đi về Hương Khê, Hà Tĩnh sau những cơn lũ dữ, chúng tôi đã gặp những cảnh đời hết sức thương tâm, đã khổ lại càng khổ hơn vì thiên tai.

* Cha liệt, nhà nghèo, các con học giỏi mà có thể phải bỏ ngang

Nhà anh Trần Xuân Hương và chị Nguyễn Thị Mỹ là ngôi nhà ván gỗ vách đất mà đợt lũ vừa rồi bị ngập cao quá nóc, nằm sâu trong xóm 5 xã Hương Đô, huyện Hương Khê. Chúng tôi đến khi anh Hương đang loay hoay dùng 2 cánh tay bị liệt của mình xếp lại mấy tầu lá cọ.

Nhà anh Hương, chị Mỹ

anh Hương bị liệt nặng

Chị Mỹ nghẹn ngào không thốt thành lời. “Khổ quá! mấy đời nay nhà tui khổ rồi chứ đâu bây giờ!“. Bố mẹ chồng chị sinh được 4 người con, nhưng cả 4 người con đều không được bình thường. Chồng chị thì bị teo liệt, 3 người em ruột của anh thì bị mù cả 3. Năm 1976, chồng chị vẫn còn kho9er mạnh, thi đậu vào trường đại học Lâm nghiệp Quảng Ninh, vừa mới nhập học chưa được 1 năm thì bị liệt cả 2 tay nên buộc phải nghỉ học. Năm 1992, chị sinh con gái Trần Thị Hân, và năm 1995 sinh con trai Trần Văn Hoan. Từ lúc sinh Hoan xong, anh Hương càng bệnh nặng, đến nay đã bị liệt thêm toàn bộ phần thân, chỉ 2 chân còn lật đật đi lại được...

Một mình chị Mỹ làm 2,7 sào ruộng vừa nuôi chồng vừa nuôi 2 con ăn học, vô cùng cực nhọc. Nhưng được cái, cả 2 con đều học giỏi, nên chị cũng còn có động lực để cố gắng. Em Trần Thị Hân 12 năm liền đều đạt học sinh giỏi, đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đều đạt kết quả cao. Cậu con trai Trần Văn Hoan cũng học giỏi.

Giấy khen của Hân, Hoan

Chị Mỹ lấy cho chúng tôi xem 1 chồng giấy khen của cô con gái, rồi kể tiếp: Trông chờ vào mấy sào ruộng không đủ nuôi con ăn học, vợ chồng chị chạy vạy đi vay được hơn 2 triệu, lúc đó tính mua 1 con trâu 1 con bò chăn nuôi thêm, mỗi năm nó đẻ 1 lứa là có tiền. Hai con càng lớn thì tiền học càng nhiều. Tháng 9 vừa rồi, Hân thi đỗ vào Đại học sư phạm Vinh, Hoan thì thi đỗ cấp 3... vợ chồng chị phải đi vay mượn thêm để lo cho các con: „Nay số nợ đã lên đến 6 triệu đồng rồi mà không biết trông chờ vào mô để trả. Hôm lụt vừa rồi chồng tôi liệt không chạy đi đâu được cứ ngâm mình trong nước, mãi mới gọi được hàng xóm đẩy lên nóc nhà cho… Hôm lụt con Hân cũng điện về, biết nhà bị ngập, bố mẹ khổ vậy, hắn khóc trong điện thoại rồi đòi nghỉ không học nữa. Hắn thương bố mẹ. Tui nghe thế cũng không cầm được nước mắt. Thấy tội hắn, tui cũng đánh liều hỏi vay thêm tiền cho hắn đi học nhưng lũ lụt thế này nhà ai cũng thiếu đói cả, không vay ai được...“
Chị đã làm đơn xin được xác nhận là hộ nghèo để được vay theo chính sách 800.000 đồng/tháng để cho con đi học. Nhưng khi xã về chấm điểm, khung hộ nghèo 12 điểm thì nhà chị lại lên tận 13 điểm (Trâu: 3 điểm, Bò: 3 điểm, vợ: 2 điểm, chồng: 2 điểm, nhà: 2 điểm, giếng nước: 1 điểm), không trong diện nghèo được vay, dù thực tế thì đã quá khó khăn rồi.

Nếu bạn có thể giúp đỡ, xin liên hệ: anh Trần Xuân Hương, chị Nguyễn Thị Mỹ xóm 5 xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

* Em bé mồ côi, sống cùng bà và cụ

Em Phan Văn Dũng – học trò lớp 1A trường tiểu học Thống Nhất 1, thôn 7 Thống Nhất, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh có hoàn cảnh thật đáng thương. Mẹ mất sớm, bố bỏ nhà đi làm ăn xa tận Tây Nguyên, em sống ở nhà với cụ nội (Trần Thị Hưng – 78 tuổi) và bà nội (Nguyễn Thị Vỹ - 54 tuổi). Ba người sống trong ngôi nhà tranh vách nát nghèo nàn, gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai bà Vỹ.

Bé Dũng và bà nội, cụ (đứng bên tay trái của Dũng)

Toàn bộ "tài sản" của gia đình Dũng

Cậu bé mồ côi mẹ, chịu nhiều thiệt thòi...

Nếu bạn có thể giúp đỡ, xin liên hệ: cháu Phan Văn Dũng –lớp 1A trường tiểu học Thống Nhất 1, thôn 7 Thống Nhất, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

* Bé gái liệt, không có tiền chữa chạy

Nhà anh Đặng Văn Long, thôn 8 Thống Nhất, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh có 1 cô con gái nhỏ bị tàn tật tên là Đặng Thị Yến Nhi. Hàng xóm kể rằng: Vợ chồng anh Long khổ lắm, gạo không có mà ăn, con cái bệnh tật mà không có tiền để chữa chạy, nên bệnh con bé càng ngày càng nặng. Khi chúng tôi đến nhà thì anh và vợ đi ra UBND xã nhận hàng cứu trợ, chỉ có mình Yến Nhi ở nhà. Nhi bị liệt toàn thân, cơ thể mềm như bún, hầu như không khóc, không nói, không cử động.

Ngôi nhà rách nát may mà chưa đổ sập vì lũ

Cô bé đáng thương

Nếu bạn có thể giúp đỡ, xin liên hệ: anh Đặng Văn Long (bố cháu Yến Nhi), thôn 8 Thống Nhất, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

* Cụ già với cỗ hậu sự kê cao trên xà nhà

Nhà ông Nguyễn Văn Địu, thôn 7 Thống Nhất, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nằm hoang sơ ngay sát đường đi. Vừa bước vào nhà tôi đã sững người khi thấy ông Địu nằm co ro trên chiếc giường, không chiếu không chăn, vách nhà thì thông thống gió lùa.

Tôi lay gọi ông dậy. Ngồi cạnh tôi nói chuyện nhưng ông điếc không nghe thấy và cũng không nói được câu gì. Ông Địu năm nay 80 tuổi, ở với hai vợ chồng người con trai là anh Nguyễn Văn Sửu và chị Đặng Thị Cửu. Anh Sửu thì bị tâm thần suốt ngày lang thang trong xóm. Nhìn quanh ngôi nhà mà tôi không thấy có gì đáng giá, ngoài cỗ hậu sự mà ông Địu đã chuẩn bị trước cho mình, được kê cao để giữ cho khỏi hỏng vì nước lũ.

Thùng gỗ đựng thóc trống trơn, có lẽ nước lũ đã quét sạch tất cả...

Ông Địu đã 80 tuổi

Cỗ hậu sự được kê cao để giữ cho cẩn thận

Nếu bạn có thể giúp đỡ, xin liên hệ: Anh Nguyễn Văn Sửu và chị Đặng Thị Cửu (con ông Địu), thôn 7 Thống Nhất, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.


Theo Chiasetinhthuong.org
http://vovnews.vn/Home/Nhung-canh-doi-kho-khan-o-vung-dat-lu/201011/160343.vov
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Top