Ðề: TẦNG III : Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn - đầu tư tài sản của mình hiệu quả !
Tăng tỉ giá: Đau nhưng cần thiết!
Trong thời gian tới, cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỉ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường.
Đợt tăng mạnh tỉ giá lần này cơ bản phù hợp với tình hình kinh tế nước ta, song để ngăn lạm phát đang rình rập, cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, trong đó phải hạn chế lãng phí trong đầu tư công
Sau hơn 6 tháng duy trì tỉ giá ổn định, đợt tăng tỉ giá hôm 11-2 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD (9,3%), là mức điều chỉnh một lần tăng cao nhất từ năm 1993 đến nay, tương đương mức biến động tỉ giá của cả năm 2010.
Người tiêu dùng và doanh nghiệp nặng gánh
Động thái này đã được các chuyên gia dự báo từ khá lâu sau khi thông tin về dự trữ ngoại tệ chỉ còn khoảng 10 tỉ USD được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc công bố trên Thời báo Kinh tế VN.
Đó là một biện pháp đau đớn, song cần thiết và bất khả kháng trong tình hình hiện nay nhằm làm cho nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, xuất khẩu có thể thuận lợi hơn và qua đó, có thể giảm nhập siêu ở mức độ nhất định.
Xuất khẩu có thể có lợi nếu tỉ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm cao (như gạo, hải sản) trong khi tác động thúc đẩy hạn chế hơn đối với các sản phẩm lắp ráp điện tử vì tỉ lệ hàng nhập lên đến 90% giá thành.
Tuy nhiên, những hệ lụy đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thì cần phải bàn thêm.
Trước hết, với mức nhập khẩu lên đến 84 tỉ USD trên GDP 102 tỉ USD năm 2010, trong đó chỉ 10% là hàng tiêu dùng, 20% là trang thiết bị, máy móc, còn lại khoảng 70% là đầu vào cho hoạt động kinh tế như xăng dầu, sắt thép, bông sợi..., nền kinh tế nước ta quá phụ thuộc vào nhập khẩu và việc điều chỉnh tỉ giá mạnh như lần này sẽ dẫn đến tăng giá đáng kể các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu kể trên và qua đó tác động tới giá thành sản phẩm và giá mua của người tiêu dùng.
Những mặt hàng không thuộc loại thiết yếu như mỹ phẩm, ô tô sang trọng có thể giảm nhập khẩu ở mức độ nhất định, song tỉ lệ các mặt hàng này không quá lớn, trong khi các nguyên vật liệu cơ bản của nền kinh tế vẫn phải tiếp tục nhập với mức giá nhập khẩu cao hơn. Người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu mức tăng giá, ước tính khoảng 3% từ sự điều chỉnh tỉ giá này.
Giá một số mặt hàng đã tăng lập tức, như gas, ô tô và khó tránh khỏi việc tăng giá các mặt hàng khác trong thời gian tới do giá đầu vào nhập khẩu tăng lên khoảng 10%.
Với việc điều chỉnh tỉ giá cao như vậy, lạm phát năm 2011 đã được kích hoạt và nhiệm vụ của các doanh nghiệp là điều chỉnh sản xuất - kinh doanh để tiếp tục hoạt động trên mặt bằng tỉ giá và giá cả mới.
Nợ của doanh nghiệp sẽ tăng thêm và những doanh nghiệp chưa thanh toán các khoản tín dụng có thể phải chi thêm một khoản lớn. Nợ của chính phủ cũng sẽ tăng tương ứng với mức điều chỉnh tỉ giá và ngân sách sẽ chịu thêm gánh nặng này.
Cần nhiều chính sách đồng bộ
Liệu biên độ giữa hai tỉ giá có được rút gần lại như mong đợi của NHNN hay không còn tùy thuộc vào việc thực hiện mục tiêu “tăng thanh khoản ngoại tệ” như đã được công bố, vì cho đến nay, sau một thời gian nhất định, tỉ giá thị trường tự do lại tăng lên và tỉ giá chính thức lại phải điều chỉnh tiếp.
Điều này khó có thể chỉ đạt được bằng điều chỉnh tỉ giá mà đòi hỏi phải vận dụng tiếp các công cụ tiền tệ khác như nâng mức dự trữ bắt buộc đối với USD, nâng lãi suất tín dụng đối với USD để làm giảm nhu cầu tín dụng đối với USD.
Tăng niềm tin vào tiền đồng VN là mục tiêu tối hậu phải đạt được, song xem ra không dễ. NHNN chỉ nói “điều hành tỉ giá chủ động” mà không cho biết lộ trình hay nguyên tắc khi nào điều chỉnh, theo tín hiệu nào nên người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục nghe ngóng.
Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đã bị đô-la hóa ở mức đáng kể, vàng không chỉ được sử dụng như phương tiện cất giữ mà còn được tham gia vào quá trình thanh toán thì việc ổn định kinh tế vĩ mô và tăng niềm tin vào đồng tiền VN đòi hỏi phải có các biện pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như giảm bội chi ngân sách, cắt giảm các công trình đầu tư kém hiệu quả, tăng hiệu quả đầu tư Nhà nước, minh bạch cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước...
Chính bội chi ngân sách, đầu tư công kém hiệu quả đã gây ra hậu quả mà chính sách tiền tệ, tín dụng phải gánh chịu, dẫn đến lạm phát và giảm sức mua của đồng tiền VN.
Điều người dân đang mong đợi ở Chính phủ là kiềm chế lạm phát và nâng cao hiệu quả nền kinh tế sẽ trở thành hiện thực sớm.
Phù hợp với diễn biến thị trường
Ngày 12-2, NHNN tiếp tục điều chỉnh tỉ giá liên NH lên 20.713 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với hôm trước.
Với biên độ ±1%, các NH thương mại đồng loạt niêm yết giá mua vào 20.900 đồng/USD, bán ra ở mức trần 20.920 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỉ giá VNĐ/USD bắt đầu hạ nhiệt.
Các tiệm vàng mua vào 21.500 đồng/USD, bán ra 21.540 đồng/USD, giảm 60 đồng/USD. Giới kinh doanh ngoại tệ dự báo tỉ giá VNĐ/USD tự do sẽ còn giảm mạnh trong vài ngày tới bởi giao dịch hết sức ế ẩm.
. Tuy tỉ giá tăng mạnh nhưng một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng yếu tố quan trọng nhất là áp lực mua - bán USD theo tỉ giá trong lẫn ngoài NH sẽ bị xóa bỏ.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex, chia sẻ ông cảm thấy khá thoải mái khi mọi thông tin liên quan đến giao dịch ngoại tệ sẽ được doanh nghiệp và NH thể hiện rõ ràng.
Theo ông Nam, tỉ giá cao hay thấp không còn là yếu tố quan trọng. Vấn đề mà doanh nghiệp cần lúc này là tỉ giá ổn định, hoặc có biến động nhưng phải phù hợp với diễn biến thị trường.
Khi đó, doanh nghiệp mới mạnh dạn tính toán, hoạch định chiến lược kinh doanh sản xuất hiệu quả.
Lãnh đạo của một số NH cũng cho biết trước đây doanh nhiệp và NH đã giao dịch ngầm dưới 21.000 đồng/USD.
Tuy nhiên, sau khi tỉ giá mới được công bố, thị trường sẽ dần ổn định, nguồn cung USD sẽ thông thoáng hơn.
Doanh nghiệp sẽ mạnh tay bán USD rồi gửi tiết kiệm bởi lãi suất tiền gửi VNĐ lên tới 14%/năm, cao hơn lãi suất USD 8% (hiện tại lãi suất tiết kiệm USD cao nhất là 6%/năm).
Từ đó, nguồn cung USD lẫn huy động vốn bằng VNĐ của các NH sẽ tăng lên. Mặt khác, tỉ giá được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường cũng kích thích vốn đầu tư nước ngoài đổ vào VN, tăng thêm nguồn vốn USD.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM: Kiểm soát chặt giá và chi phí công
Tỉ giá tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến CPI, tác động đến lạm phát bởi các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu được tính theo tỉ giá mới, thậm chí xuất hiện những loại hàng hóa “ăn theo” đà tăng của tỉ giá.
Lạm phát của VN không chỉ phát xuất từ tỉ giá mà còn chịu tác động từ tỉ lệ xuất nhập khẩu lên tới 150% GDP nên khi USD tăng giá, lập tức giá cả hàng hóa biến động.
Do đó, Chính phủ cần kiểm tra thật chặt chẽ giá cả thị trường; chế tài, xử phạt thật nặng doanh nghiệp lợi dụng tỉ giá để tăng giá hàng hóa, khuyến khích người dân sử dụng hàng hóa trong nước.
Mặt khác, Chính phủ cần hạn chế đầu tư công, quan tâm đến hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, chống thất thu thuế...
Đặc biệt, việc cấp ngân sách cho các địa phương phải được xem xét cẩn trọng, tránh tình trạng các địa phương được cấp nhiều ngân sách nhưng sử dụng lãng phí.
Giải quyết các vấn đề liên quan đến ngân sách, tức giảm được bội chi ngân sách, đồng nghĩa tổng cầu của nền kinh tế sẽ giảm, từ đó giải quyết được vấn đề nhập siêu, thâm hụt thương mại, tỉ giá, kiểm soát được lạm phát.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội: Điều hành tỉ giá phải linh hoạt hơn
Sự điều chỉnh tỉ giá đã thu hẹp chênh lệch tỉ giá chính thức với tỉ giá trên thị trường tự do sẽ giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của VN do không phải gia tăng bán USD theo tỉ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa hai tỉ giá.
Điều này còn giúp tăng cường tập trung và quản lý kinh doanh ngoại tệ trên thị trường có tổ chức, đồng thời giúp các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục xu hướng điều hành linh hoạt tỉ giá theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường.
Trong đó, lưu ý rằng thực tế cho thấy cần tránh tín điều và kỳ vọng đầu cơ gắn với xu hướng chỉ có điều chỉnh tăng một chiều tỉ giá và tăng với giá sốc, biên độ hẹp sau khi neo cố định tỉ giá kéo dài.
Nói cách khác, cần điều chỉnh tỉ giá có lên, có xuống, thời gian ngắn và nhanh hơn, với mức điều chỉnh thấp hơn và biên độ giao dịch có thể rộng hơn... thì bớt tạo sốc tỉ giá và những hệ lụy mặt trái của điều chỉnh tỉ giá hơn.
Theo T.Thơ - T.Hà
Người Lao động